Biến đổi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội việt nam đương đại 20/08/2017

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay phong tục thờ cúng tổ tiên là tục lệ thờ những người đã khuất trong gia đình, dòng họ. Đây là tín ngưỡng của nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á đăc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Trung Hoa. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng quan trọng đối với người Việt.

Truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt

Thời gian gần đây, một số nhà nghiên cứu tôn giáo (Đăng Nghiêm Vạn) đã coi tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như một tôn giáo. Quả vậy, thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam từ bao đời nay. Theo nghĩa không chính thức, nó trở thành một loại hình giáo lý tôn giáo với nghĩa là mối liên kết tinh thần nối liền con người với thế giới vô hình. Việc thờ cúng tổ tiên là biểu hiện của mối quan hệ giữa thế giới những người đang sống và thế giới những người đã chết.
Trong quan niệm của nhiều người, thế giới người sống và thế giới người chết có mối quan hệ chặt chẽ và liên tục. Người chết có thể can dự vào cuộc sống người đương thế với nhiều hình thức và lĩnh vực khác nhau. Người đã mất trong gia đình dòng họ, hay thường được gọi là tổ tiên hướng dẫn, chỉ đạo và che chở cho con cháu họ trên mọi góc cạnh của cuộc sống hàng ngày. Tổ tiên từng phút từng giây dõi theo chúng ta.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có lẽ được hình thành từ quan niệm con người có hồn và phách. Khi chết, phách tiêu tan cùng thể xác còn hồn thì tách ra; nó bay lượn trong không trung và sống cuộc sống độc lập. Linh hồn tồn tại vĩnh hằng. Như vậy đấy chính là cuộc sống của tổ tiên sau khi mất. Tổ tiên không mất hẳn đi mà vẫn có đời sống siêu nhiên, tinh thần. Cuộc sống của tổ tiên được nối lại với trần thế bằng ký ức của những người thân qua việc thờ cúng. Như vậy, người chết vẫn còn tham dự vào cuộc sống của gia đình con cháu và được nhắc tới trong những dịp quan trọng như cưới xin, có người mới chào đời…

Tác động giữa người chết tới người sống thường được nhắc tới nhiều và chính từ quan niệm này mà nhiều nghi thức thờ cúng tổ tiên được hình thành – đáng lưu ý nhất là các nghi thức tang ma. Tang ma như một mốc ấn đánh dấu sự chuyển đổi giữa hai thế giới của một cá thể. Một người đang từ thế giới người sống chuyển về thế giới người chết và trở thành thành viên của cộng đồng tổ tiên, góp phần bảo hộ cho con cháu trên trần thế. Bên cạnh bảo hộ, người mất vì nhiều lý do còn có thể gây họa. Nỗi sợ hãi tổ tiên gây họa là một trong những nguyên nhân để con cháu thờ cúng họ. Ngay trong nghi thức tang ma của người Việt, chúng ta cũng có thể tìm thấy những dấu ấn của nỗi sợ hãi này. Thông thường, khi gia đình có người mất, gia chủ thường tìm ông thầy biết xem số để tính xem người mất có phạm “trùng tang” hay không? Bản chất của trùng tang là gì thì không mấy thầy giải thích được cặn kẽ. Một cách đơn giản, khái niêm “trùng tang” được hiểu là người mất phạm phải trùng tang (có bốn loại trùng tang: trùng tang năm, trùng tang tháng, trùng tang ngày và trùng tang giờ; người mất có thể phạm phải một hoặc cả 4 loại trùng tang trên) thì trong vòng 3 năm trong gia đình sẽ liên tiếp có người mất theo. Nguyên nhân của việc gia đình có người mất liên tiếp là do người mất phạm phải trùng tang kéo đi theo mình. Từ nỗi sợ hãi bị vong hồn người mất kéo đi theo, gia đình có người mất phạm trùng tang phải tiến hành nghi lễ cắt trùng tang.

Không chỉ người mất tác động tới cuộc sống của người còn sống mà ngược lại người còn sống cũng có thể tác động tới cuộc sống của người đã mất. Từ đó hình thành tục cầu siêu. Cầu siêu là nghi thức con cháu làm lễ cúng mong cho vong hồn tổ tiên ở thế giới bên kia được siêu thoát, không đọa vào địa ngục. Nhờ đó tổ tiên có cuộc sống tốt lành hơn trong cõi giới vô hình của họ. Địa ngục du ký có câu chuyện kể rằng người mất khi bị đọa vào địa ngục vì những tội lỗi của mình trên trần thế chỉ biết mong cầu con cháu bằng tâm đức của họ cúng tế và cứu giúp họ sớm được ra khỏi địa ngục.

Như vậy, có thể thấy rằng hai thế giới: thế giới tổ tiên và thế giới trần tục có mối liên hệ hai chiều tác động qua lại lẫn nhau. Thờ cúng tổ tiên là cầu nối để các mối liên hệ hai chiều được tiếp diễn.

Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính trong phần: “nói về phong tục trong gia tộc” có đề cập tới thờ cúng tổ tiên. Tác giả đã trình bày cụ thể về những nghi thức và các cách thức thờ cúng tổ tiên như: về nhà thờ, đồ thờ, gia phả, ruộng kỵ, tế thủy tổ, cúng vái tổ tiên.

Bàn về thờ cúng tổ tiên, ông viết: “Xét cái tục phụng sự Tổ tôn của ta, rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa cử của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng Tổ tông, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ.
Cúng cấp tuy không tốn kém bao nhiêu, nhưng nhiều nhà vì cớ nay giỗ mai tết mãi mà sinh ra khốn khó; hoặc là vì việc cúng cấp ăn uống mà anh em thường hay khích bác nhau; nào là trách người này một nén hương chẳng mất, nào là chê trưởng nam kiệt, nào là phàn nàn bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng nam, thì ra kính lại chẳng bõ phiền.
Giá thử dùng cách nào thanh lịch mà đỡ phiền phí thì có lẽ tiện hơn”[1]

Thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Tuy nhiên, như Phan Kế Bính nói, chúng ta cần phải có phương thức thờ cúng thích hợp, phù hợp với điều kiện gia cảnh để sự thờ cúng tổ tiên không phải là gánh nặng đối với các thành viên trong gia đình, dòng tộc.

Vai trò của người phụ nữ trong thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam hiện nay

Trong nhiều gia đình tại Việt Nam hiện nay, công việc cúng tế được giao phó hoàn toàn cho người phụ nữ. Trao đổi với chúng tôi, nữ giáo viên một trường trung học cơ sở cho biết: “trong nhà tôi hiện có tới 7 ban thờ khác nhau. Tôi đang cố gắng để thu xếp bố trí giảm bớt số lượng ban thờ. Hiện nay tôi đảm nhiệm toàn bộ phần cúng lễ. Dẫu là có thờ Phật tại nhà nhưng tôi cũng chỉ có thể thắp hương vào các ngày rằm và mồng một vì nhiều ban thờ như vậy thời gian chuẩn bị tốn nhiều quá. Nay mai, tôi sợ rằng con dâu không thể thay tôi đảm nhiệm công việc này. Bớt số lượng ban thờ sẽ giúp việc giữ lễ đơn giản hơn và như vậy mới hy vọng con dâu tôi có thể thay tôi đảm trách công việc tâm linh quan trọng này của gia đình”.
Cúng lễ, chăm lo hương khói tại gia như gia đình này là hiện tượng khá phổ biến trong các gia đình thành phố. Ý thức đó hình thành nếp sống và được truyền lại từ mẹ chồng sang con dâu. Trước kia, trong xã hội phong kiến, gia đình Việt Nam cần con trai để nối dõi và thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào không có con trai sẽ không có người cúng giỗ và họ lựa chọn phương thức đóng góp tiền vào chùa để sau này nhờ nhà chùa hương khói cho mình. Ngày nay, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn đậm nét. Nhu cầu có con trai vẫn là một nhu cầu quan trọng, tạo nhiều áp lực đối với các gia đình đặc biệt là dòng trưởng. Tuy nhiên, vai trò cúng giỗ tổ tiên đã được giao phó lại cho con dâu – người phụ nữ. Câu hỏi đặt ra: Tại sao người phụ nữ có thể đảm trách lo công việc tâm linh, cúng giỗ tổ tiên cho gia đình chồng mà không thể lo cúng giỗ tổ tiên nhà mình? Bố mẹ mình trường hợp các gia đình không có con trai?
Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn nhiều gia đình không có con trai tại Hà Nội. Chính sách sinh đẻ có kế hoạch khiến nhiều gia đình hiện nay dù mong muốn vẫn không thể có con trai. Đây là nỗi đau của nhiều ông bố. Một số ông bố cảm thấy mình có lỗi với tổ tiên vì từ đây không còn người hương khói tổ tiên. Áp lực có con trai thờ cúng đã khiến nhiều gia đình tan vỡ. Hiện nay, một số gia đình không thuộc diện cán bộ nhà nước đã không thực hiện chủ trương sinh đẻ có kế hoạch chỉ vì mục đích phải có con trai. Một phụ nữ mới 35 tuổi hiện đã có 4 con gái và đang mang thai đứa con thứ 5 cho tôi biết: “đẻ bao nhiêu đứa chị cũng phải đẻ. Tiền chị không thiếu, nhưng nếu chị không đẻ được con trai thì bố mẹ chồng chị sẽ cưới vợ khác cho con họ”. Một số khác có quan điểm hiện đại cho rằng con nào cũng được. Một phụ nữ trên 50 tuổi (chị H) nói với chúng tôi: “bố mẹ chị không có con trai, chỉ có chị và một đứa em gái. Hiện nay chị có bát hương thờ tổ tiên và bố mẹ chị ở nhà chồng. Có sao đâu nhỉ việc người phụ nữ cúng giỗ cho tổ tiên và bố mẹ mình. Hai vợ chồng chị sống riêng chứ có như ngày xưa sống chung trên mảnh đất cha truyền con nối của gia đình chồng đâu mà lo bố mẹ hay tổ tiên nhà chị không có chốn để về. Mỗi lần cúng giỗ, chị giữ lễ cho cả nhà chồng và nhà mình cũng tiện lắm. Chồng chị cũng tán thành quan điểm với chị và cho rằng tổ tiên nhà vợ cũng như tổ tiên nhà anh ấy đều quan trọng như nhau”. Tuy không phải là trường hợp phổ biến nhưng quan điểm của gia đình chị H hiện nay có xu thế ngày càng được tán đồng.
Mô hình gia đình hạt nhân cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển và lan rộng của quan niệm đó. Tại sao như vậy? Trước kia, các gia đình thường có cấu trúc tam đại, tứ đại đồng đường, anh em trai có gia đình nhưng vẫn sống chung với nhau và sống chung cùng bố mẹ. Mọi cúng giỗ do con trai trưởng của gia đình, dòng họ đảm trách. Mảnh đất gia đình dòng trưởng sinh sống cũng là mảnh đất của cha ông để lại. Tính chất đó quy định trách nhiệm cúng giỗ trao cho dòng trưởng. Ngày nay, hệ thống gia đình hạt nhân, con cái không ở cùng cha mẹ, anh chị em không sống chung trong một ngôi nhà. Quan niệm ai cúng người đó được hưởng lộc nên mọi gia đình đều có ban thờ gia tiên. Như vậy, trọng trách cúng giỗ không còn chỉ là con trai trưởng, trưởng họ, trưởng tộc. Nhu cầu cúng giỗ tổ tiên là nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình gồm cả nam và nữ. Nhiều gia đình thành phố hiện nay thực hiện việc cúng giỗ tổ tiên cha mẹ trong từng gia đình nhỏ, không thực hiện cúng giỗ tập trung tại nhà con trưởng.
Tất cả những yếu tố trên làm cho người phụ nữ có vai trò quan trọng hơn đối với các công việc tâm linh trong gia đình. Việc cúng giỗ bố mẹ chồng tại nhà riêng của hai vợ chồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự chấp thuận cúng giỗ tổ tiên, bố mẹ mình tại nhà mình. Cứ như vậy, theo tôi, trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, việc người phụ nữ đảm trách công việc cúng tế trong gia đình, cúng tế tổ tiên gia đình chồng và gia đình mình tại ngôi nhà chung của hai vợ chồng sẽ trở nên ngày càng phổ biến. Vai trò của người phụ nữ trong công việc tâm linh ngày càng được đề cao.

Những biến đổi về hình thức thờ cúng tổ tiên hiện nay

Từ sau đổi mới, các loại hình tôn giáo tín ngưỡng đều được coi là “trỗi dậy” sau một giấc ngủ dài. Đời sống tôn giáo trở nên sôi động. Cơ sở thờ tự các tôn giáo ngày càng được xây dựng, tu bổ khang trang hơn. Cùng với nó, số lượng tín đồ đến tham dự các hình thức nghi lễ tôn giáo cũng nhiều hơn. Thờ cúng tổ tiên cũng hòa mình vào xu thế chung đó. Thờ cúng tổ tiên trong các gia đình cũng ngày càng được chú trọng hơn. Nếu tôn giáo chỉ đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân là tín đồ của tôn giáo đó thì thờ cúng tổ tiên đáp ứng nhu cầu tâm linh của đại bộ phận người Việt Nam. Nếu trước kia, chúng ta còn bắt gặp những gia đình không có ban thờ tổ tiên trong nhà thì ngày nay nhà nào cũng có. Cùng với sự phát triển kinh tế, những trang thờ nhỏ bé hay những bát hương đặt tạm bợ trên nóc tủ thời bao cấp dần dần được thay thế bằng những ban thờ cố định với nhiều kiểu dáng mẫu mã trang nghiêm và đẹp mắt. Vị trí đặt ban thờ tổ tiên cũng được chú trọng. Ngày nay, để đặt một ban thờ, người ta không còn tùy tiện chỗ nào cũng được như trước mà cần phải xem hướng ban thờ, xem kích thước ban thờ về chiều cao, chiều dài, chiều rộng. Ngày đặt ban thờ hay bốc bát hương cũng là một sự kiện quan trọng của gia đình. Những gia đình có điều kiện, người ta thường dành một phòng riêng, trên tầng cao nhất, hay khu vưc sạch sẽ và trang trọng nhất trong ngôi nhà làm phòng thờ. Sự thay đổi trong cách thức bài trí bát hương và không gian thờ tổ tiên trong các gia đình ngày nay là chỉ báo rõ nét thể hiện tầm quan trọng của thờ cúng tổ tiên trong đời sống tâm linh người Việt Nam đương đại.
Tầm quan trọng của thờ cúng tổ tiên bên cạnh sự biểu hiện qua không gian thờ cúng tổ tiên trong gia đình còn thể hiện qua sự chú trọng xây dựng hệ thống nhà thờ tổ, nhà thờ dòng tộc. Trong những năm gần đây, nhiều nhà thờ họ đã được tu bổ, xây mới. Nhiều gia đình chi phí đóng góp xây dựng nhà thờ tộc, nhà thờ họ lên tới vài tỉ đồng.
Xu thế xây dựng nhà thờ tộc được phục hồi nhưng xu thế cá nhân hóa thờ cúng tổ tiên cũng phát triển rất mạnh mẽ. Tính cá nhân hóa mà chúng tôi đề cập tới ở đây để chỉ xu thế thờ cúng tổ tiên ngày nay được chuyển vào từng thành viên trong gia đình. Nếu trước đây, thờ cúng tổ tiên được tập trung tại nhà dòng trưởng (trưởng tộc, trưởng họ, trưởng chi, con trưởng) thì nay, mọi thành viên trong gia đình đều thờ cúng tổ tiên tại gia đình mình. Nhiều gia đình vẫn còn giữ được tục lệ cứ giỗ tết tập trung lại vào nhà con trưởng để làm giỗ. Tuy nhiên, tại nhiều gia đình, ngày giỗ không còn là ngày con cháu tập trung như trước nữa. Hình thức cúng giỗ mang tính cộng đồng chung các thành viên trong gia đình được chuyển thành hình thức cúng giỗ cá thể. Mỗi thành viên trong gia đình làm lễ cúng giỗ người đã mất tại nhà mình. Như vậy, giả dụ một ông bố có 5 người con, khi ông bố mất đi, nếu theo hình thức cúng giỗ trước kia, các con sẽ tập trung tại nhà con trai trưởng để làm lễ cúng giỗ bố vào ngày giỗ và không làm tại nhà riêng của mình thì ngày nay cả 5 người con không phân biệt trai hay gái sẽ tiến hành làm lễ cúng giỗ bố tại nhà riêng của mình. Nếu cho rằng người mất có thể về được để hưởng thụ những vật phẩm mà người thân của mình cúng tế vào ngày giỗ thì ông bố này sẽ phải đi tới 5 ngôi nhà để hưởng 5 mâm cỗ thay vì một mâm như trước kia. Liệu có phải chính sự phát triển của mô hình gia đình hạt nhân đã ảnh hưởng tới sự thay đổi cách thức thờ cúng tổ tiên như trên? Hay đó chính là sự thể hiên của lối sống đô thị trong xã hội hiện đại, nơi mà không gian giao tiếp trực tiếp của con người ngày càng có xu hướng bị thu hẹp?
Cách thức bài trí ban thờ tổ tiên, ban thờ dòng tộc cũng có nhiều thay đổi. Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính mô tả đồ thờ trước kia trong nhà thờ như sau: “Nhà thờ Thủy tổ có riêng một thần chủ để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi, gọi là “bách thế bất diêu chi chủ”. Còn về gia từ nhà phú quý có đủ thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, lấy nghĩa rằng gỗ táo sống lâu được nghìn năm. Dài một thước, ở giữa đề tên, họ, chức tước và hai bên thì đề ngày tháng sinh tử của tổ tiên, có hộp vuông che kín và để trong long khảm, khi nào cúng tế mới mở ra. Hế đến năm đời thì lại đem thần chủ Cao tổ mai đi mà nhắc lần Tằng, Tổ, Khảo lên bực trên, rồi đem Ông mới nhất mà thế vào thần chủ ông Khảo, gọi là “Ngũ đại mai thần chủ”. Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, cũng có nhà chỉ dùng một bộ ỷ để thờ”[2]. Ngày nay, cách thức thờ cúng này rất ít gia đình còn duy trì được. Hầu hết các ban thờ gia tiên, đặc biệt là các ban thờ gia tiên tại thành phố không có thần chủ, không có long khảm đặt thần chủ, không có bài vị Cao, Tằng, Tổ, Khảo. Một số ít gia đình, nhiều hơn tại các vùng làng quê còn giữ được Thần chủ, một số gia đình không giữ được thần chủ nhưng vẫn còn Long khảm trên ban thờ. Hiện nay, xu thế một số nhà thờ họ dựng lại Long khảm đặt trên ban thờ gia tộc dòng họ. Tuy nhiên, ý nghĩa của Thần chủ, Long khảm không mấy ai tường tận. Vì vậy, phương thức thờ “Ngũ đại mai thần chủ” không còn được duy trì. Không có Thần chủ, không có bài vị các bậc Cao, Tằng, Tổ, Khảo nên giờ đây người ta không còn khái niệm chỉ thờ cúng tổ tiên năm đời. Những gia đình nào còn may mắn giữ lại được bài vị tổ tiên từ trước thì mãi mãi lưu giữ không tính đến chuyện đời thứ 5 thì phải mai đi thay thế hệ mới vào đó nữa. Bài vị tổ tiên được cọi như bảo vật cần được gìn giữ.
Nếu ngày xưa đồ thờ dùng gỗ táo thì nay người ta chuộng gỗ mít. Chúng tôi hỏi những người làm đồ thờ tại làng Sơn Đồng, Hà Tây, một làng nổi tiếng với nghề làm đồ thờ và tượng thờ thì được biết: “đồ thờ, tượng thờ làm bằng gỗ mít sẽ linh thiêng hơn”. Vì sao linh thiêng thì không ai giải thích.
Mô hình thường thấy của một ban thờ tổ tiên hiện nay trong các gia đình là môt ban thờ hoặc trang thờ trên đó bày các bát hương. Ban thờ tổ tiên cũng đồng thời là ban thờ Thần linh cai quản ngôi nhà nên bài trí một ban thờ tổ tiên hiện nay thông thường gồm 3 bát hương. Bát to nhất ở giữa thờ thần linh; bát bên phải to thứ hai thờ gia tiên dòng tộc không kể nội hay ngoại và bao nhiêu đời; bát bên trái nhỏ hơn thờ những người mất trẻ (bà cô, ông mãnh) của dòng tộc. Cũng có những gia đình bài trí khác, gồm một bát hương thần linh ở giữa; bên phải là bát hương thờ bên nội; bên trái là bát hương thờ bên ngoại… Hiện không có quy chuẩn cho sự bài trí ban thờ tổ tiên.
Sự chú trọng thờ cúng tổ tiên ngày nay còn được thể hiện ở sự chú trọng phần mộ dòng tộc. Từ bao đời, phần mộ tổ tiên luôn được con cháu coi trọng và gìn giữ. Tục ngữ có câu “ giữ như giữ mả tổ”. Câu tục ngữ đã thể hiện được tầm quan trọng của mồ mả tổ tiên đối với người sống. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đã có nhiều biểu hiện chú trọng phần mộ tổ tiên một cách hơi thái quá trong xã hội ngày nay. Nhà nhà đua nhau xây phần mộ nhà mình cho thật to, thật đẹp. Mộ là ngôi nhà của người mất. Việc con cháu xây dựng cho tổ tiên một ngôi nhà mới, nhà đẹp là một nét đẹp văn hóa nhưng đua nhau xây mộ sao cho mộ nhà mình phải to, phải đẹp hơn những nhà khác lại là vấn đề cần phải suy nghĩ. Hiện chưa ai chứng minh được mộ to thì phúc lớn, mộ nhỏ thì phúc bé. Chính lòng mong mỏi mộ nhà mình phải hơn nhà khác mà chúng ta thấy hiện nay nhiều nghĩa trang xuất hiện tình trạng các mộ xây lấn vào nhau khiến con cháu đến thắp hương không còn chỗ mà đứng mà đi vào phần mộ nhà mình. Một dịp đi công tác tại Huế, chúng tôi may mắn được cán bộ tôn giáo địa phương đưa đi thăm thành phố lăng. Chúng tôi thực sự bị choáng ngợp với những lăng mộ tư gia được xây to trên diện tích hàng trăm mét vuông với chi phí có lăng lên tới vài tỉ đồng. Người dân địa phương cho biết, vùng này hầu như nhà nào cũng có người hiện đang định cư tại Mỹ. Con cháu đi xa làm ăn khấm khá ghi nhớ công ơn tổ tiên gửi tiền về xây lăng mộ tổ tiên. Cứ vậy nhà xây sau mong muốn lăng mộ nhà mình phải to hơn, đẹp hơn, chi phí xây dựng nhiều hơn nhà xây trước. Có nhà vừa xây xong chi phí hết năm trăm triệu đồng nhưng năm sau thấy nhà hàng xóm xây to hơn chi phí hết một tỷ đồng lại đập đi xây lai to hơn với chi phí lớn hơn. Thành phố lăng hay còn được gọi là thành phố của những người chết nơi đây đã được nhiều khách Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản tới thăm quan về mô hình thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện nay.
Chăm sóc phần mộ tổ tiên là một nét văn hóa truyền thống của người Việt nhưng có lẽ không nhất thiết phải đua nhau như vậy. Nhiều gia đình đã lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn, anh em bất đồng với những khoản đóng góp không nhỏ cho việc xây dựng phần mộ, nhà thờ như vậy. Đúng như tác giả Phan Kế Bính đã nói, chúng ta cần tìm một cách nào để tránh lãng phí và phiền hà cho những người thân đang sống thì có lẽ cũng sẽ hợp ý tổ tiên hơn.

 Thay lời kết luận

Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không ngừng biến đổi. Sự biến đổi được thể hiện trên nhiều phương diện như cách thức thờ cúng, nội dung thờ cúng. Trong bài viết này, chúng tôi chưa có dịp đề cập tới sự thay đổi về niềm tin của người Việt Nam hiện nay đối với thờ cúng tổ tiên. Hy vọng sẽ có dịp khảo cứu trong dịp khác.

 

[1] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 1999, tr 25.

[2] Phan Kế Bính, sdd, tr 23.

 

Nguyễn Thị Minh Ngọc
Viện Nghiên cứuTôn giáo

Nguồn: http://hcm.truongtoc.com.vn/view/article/594/lehaos_alias

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?