Biểu tượng văn hóa nghệ thuật Việt dưới góc nhìn của Mỹ thuật ứng dụng đương đại 12/07/2017

Ở quy mô toàn cầu, Việt Nam hiện tại đã có 7 di sản văn hóa vật thể và 6 di sản văn hóa phi vật thể. Ở quy mô trong nước, có rất nhiều các di tích cấp quốc gia do Bộ Văn hóa thông tin công nhận và xếp hạng bao gồm: Di tích văn hóa, di tích thắng cảnh, di tích nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng.

Tổng quan về vấn đề

Chúng ta đang và sẽ thực thi rất nhiều dự án bảo tồn giữ gìn các văn hóa vật thể, phi vật thể của cha ông bằng nhiều phương pháp và cách tiếp cận nhằm phát hiện và duy trì những nét đẹp của giá trị lịch sử. Những việc làm đó thiết thực và rất cần thiết.

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, của các cơ quan ngôn luận, các trung tâm nghiên cứu….đã mang thông tin đến công chúng một cách nhanh chóng và phong phú nhất. Nên việc công bố một công trình nghiên cứu sử học, công trình nghiên cứu văn hóa….. rất dễ dàng được thực hiện, những đề tài tìm hiểu và chứng minh một cách khoa học phải có thời gian, có hệ thống, được sự phản hồi tốt từ phía công luận, được đánh giá cao, nhưng đôi khi lại không đi vào đời sống.

Trái ngược với những tâm huyết và những nỗ lực của các trung tâm, ban nghành của bao lớp người đã bỏ công sức, với cách giáo dục hiện nay có bao nhiêu % dân số Việt Nam quan tâm, hấp thu tiếp nhận những thành quả trên? rồi cũng như bao công trình quan trọng khác cũng đi vào “quên lãng” nhường vị trí cho những thứ thiết thực hơn trong cuộc sống

Văn hóa nghệ thuật Việt không đơn thuần chỉ để người Việt tự nghiên cứu về mình mà cần được ứng dụng nó trong thực tiễn cuộc sống. Mang giá trị của văn hóa vào Mỹ thuật ứng dụng không chỉ bằng con đường du lịch thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, mà còn có thể đem những  nét đẹp truyền thống đó vào sản phẩm, quà tặng, kỷ vật du lịch. Người người, nhà nhà có cơ hội gần gũi với chính cội nguồn văn hóa của dân tộc mình chỉ thông qua những sản phẩm có tính mỹ thuật ứng dụng cao.

Việt Nam có điều kiện địa lý tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hoá đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời. Phong phú về di sản văn hoá, các làng nghề và các lễ hội truyền thống gắn với các nhóm dân tộc của cả nước. Di sản có nhiều, di tích không ít, chúng đều là danh lam thắng cảnh của đất nước; cũng có một kho tàng các công trình nghiên cứu văn hóa nước nhà, nhưng du lịch của Việt Nam vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực Châu Á. Một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự nghèo nàn sản phẩm du lịch của chúng ta. Cùng với đó là sự nghèo nàn về các sản phẩm đi kèm, thiếu những sản phẩm thực sự ấn tượng và thuần Việt để hút khách. Những sản phẩm mang đậm văn hóa, đặc trưng văn hóa, những sản phẩm kiến trúc điêu khắc du lịch mang tầm cỡ dân tộc còn thiếu rất nhiều. Các sản phẩm chuyển tải từ nghiên cứu trên giấy tờ sang hiện hữu chính là điều mà Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đang muốn hiện thực hóa.

Việt Nam có hàng trăm làng nghề truyền thống nhưng vẫn khó tìm thấy sản phẩm thực Việt Nam “nguyên chất”. Trong những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định với tốc độ trung bình ở mức tương đối cao (khoảng 20%), thu nhập từ ngành du lịch tăng lên nhiều lần. Đây là một thành công lớn góp phần giúp du lịch trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn vào GDP và giúp đưa văn hóa Việt nam đến với mọi cộng đồng người trên thế giới.

Biểu tượng văn hóa nghệ thuật Việt dưới góc nhìn của Mỹ thuật ứng dụng đương đại:

Tại sao chúng ta không ứng dụng những tinh thần văn hóa cổ vào cuộc sống? Nhiều nhà nghiên cứu lý luận có thể viết nhiều vấn đề, nhiều đề tài, rất dài rất khoa học và logic; các viện di tích hay các nhà bảo tồn di tích mất nhiều tâm sức thời gian và tài chính cho sự phát hiện, công bố trên mọi phương tiện và được chuyên môn đón nhận nhiệt liệt rồi cũng dần lắng xuống, bị lãng quên hoặc mất dần sự hấp dẫn.

Lịch sử, quá khứ, di sản của Việt Nam cũng đồ sộ, cũng tốn không ít công sức tâm huyết của bao lớp người mới có được. Vậy nếu đem ra so sánh Việt Nam không những không thua kém các nước khác mà thậm chí còn vượt trội hơn. Tại sao người Việt Nam lại thờ ơ với những tự hào trên. Phải đặt ra câu hỏi rằng văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản… có gì đặc biệt hấp dẫn mà chỉ trong một thời gian ngắn được cả thế giới biết đến. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong khuôn khổ bài viết này xin chỉ đề cập đến một trong những nguyên nhân quan trọng đó là vai trò và chức năng của Mỹ Thuật Ứng Dụng. Phải khẳng định chắc chắn rằng vai trò của Mỹ Thuật Ứng Dụng trong đời sống thực tại có ý nghĩa rất quan trọng và thực tiễn.  Bởi vì di sản văn hóa tinh thần đơn thuần chỉ nghiên cứu sẽ được hiện thực hóa, cụ thể hóa thành những sản phẩm mỹ thuật, điêu khắc, kiến trúc để con người trực tiếp tiếp cận, gần gũi, hơn hết là sử dụng chúng. Biến chúng thành những thứ đi kèm với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người, sẽ thành thói quen, thành nếp nghĩ và như thế giá trị của văn hóa mới thực sự tồn tại và lắng đọng sâu sắc.

Du khách vào Việt Nam, và bản thân người Việt đi du lịch, đều muốn mang một biểu tượng, một giá trị văn hóa nào đó đặc trưng để làm kỷ niệm. Vậy khi vào Việt Nam họ muốn mua gì? Chúng ta có di sản mang tầm quốc gia, quốc tế, hơn nữa chúng ta còn chạy đua mọi cách để được công nhận là Di sản….nhưng để di sản gần gũi hơn với con người hiện tại, với cuộc sống hiện đại đó mới là vấn đề sống còn. Qúa khứ là lịch sử, là tư liệu, chúng ta cần tiếp thu cái hay, cái đẹp vào hiện thực cuộc sống ngày nay.

Thực tế cho thấy xa xưa các nghệ nhân làm ra sản phẩm không nghĩ hậu thế sẽ mổ xẻ nghiên cứu, phân tích về chúng. Mà đơn giản tại thời điểm đó các vật thể đều được sử dụng đúng mục đích: xây chùa chiền để cầu an lành, xây lăng tẩm để cho vua chúa mà họ tôn kính an nghỉ, có làng nghề để sản xuất giao thương; hơn nữa xã hội phong kiến có phân chế độ xã hội nên vật dùng cũng thể hiện đẳng cấp rõ rệt, có đơn giản, có cầu kỳ, để tạo ra giá trị giai cấp.

Nhưng hiện nay, để những giá trị văn hóa di sản của chúng ta được duy trì một cách tuyệt đối, qua sự dày công nghiên cứu của những giáo sư, nhà khoa học đầu nghành, Mỹ Thuật Ứng Dụng sẽ đưa bảo tàng văn hóa của cha ông đến gần mọi người, từ tầng lớp lao động cho đến người có địa vị xã hội. Như thế không những khẳng định được sức sống vĩnh hằng của di sản mà còn mang tính nhân văn sâu sắc.

Khi đặt vấn đề về nghiên cứu một văn hóa biểu tượng của kiến trúc cổ Việt Nam? Nhà nghiên cứu sẽ tìm thấy sự tương đồng, sự khác biệt về các triều đại, sự tinh tế, khéo léo của bàn tay cha ông, đó chính là một công trình nghiên cứu văn hóa học, sử học. Nhưng nếu chỉ đơn thuần dừng ở đó thì thật khó để tất cả người Việt đọc về chúng, tìm hiểu về chúng và nhớ hết được những nghiên cứu đó. Ngược lại nếu dựa trên tài liệu nghiên cứu trên, Mỹ Thuật Ứng Dụng đưa sự tinh tế đó, sự khéo léo đó vào những công trình xây dựng kiến trúc, điêu khắc hiện tại thì thông điệp của cha ông sẽ được truyền tải thiết thực nhất và mang giá trị hoàn hảo vì đã phục vụ đời sống thực với những con người thực. Như vậy, văn hóa Việt sẽ thực sự có “đất dụng võ” trong nhận thức không chỉ của người Việt mà cả người ngoại quốc. Vai trò của các nhà chuyên môn văn hóa lịch sử chính là bước đệm nền cơ bản cho Mỹ Thuật Ứng Dụng phát triển, một sự kết hợp đa chiều.

Như chúng ta biết, giá trị biểu tượng của trống đồng Đông Sơn là một hiện vật quý nhất trong nền văn hóa Đông Sơn của người Việt Cổ. Đây là đồ vật hoàn mỹ nhất thể hiện cái đẹp của hình khối cân bằng với ba phần. Vẻ đẹp của tư tưởng thể hiện trên sự khéo léo của hoa văn là đỉnh cao nghệ thuật. Người ta đã nghiên cứu về kỹ thuật đúc, kỹ thuật làm khuôn của người xưa…..nhưng vấn còn nhiều bí ẩn. Nhưng điều đó chỉ thực sự thu hút giới trong nghành còn với người dân thì đó chỉ đơn thuần là cổ vật của tổ tiên. Trên con đường Mỹ Thuật Ứng Dụng, dựa trên nghiên cứu đó, sẽ tôn vinh “Bản sắc Việt” bằng cách tạo ra nhứng chiếc trống đồng thu nhỏ, cũng tinh xảo như vậy, cũng hoa văn như thế, người du lịch sẽ muốn sở hữu chúng, qua đó người sở hữu những “tiêu bản” đó có thời gian để khám phá, tìm hiểu về văn hóa và truyền thống cha ông, và cứ thế đi vào tiềm thức của người dân, không cần bất kỳ sự can thiệp nào, không gò bó mà lại rất gần gũi.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể Mỹ Thuật Ứng Dụng cũng có rất nhiều “đất” để phát triển. Đơn giản như bàn về Rồng Việt Nam. Rồng biểu tượng cho quyền lực, sức mạnh của đấng tối cao. Trước kia Rồng chỉ dành cho một đối tượng quyền lực nhất, nhưng bây giờ Rồng ở khắp nơi, và ai ai có nhu cầu đều có thể sở hữu. Hình tượng Rồng vốn dĩ mang ý nghĩa biểu trưng, chứa đựng ý niệm về mặt ý thức, nhưng sức mạnh của Rồng vẫn còn đó. Mỹ Thuật Ứng Dụng sẽ tạo ra những sản phẩm hữu hình, có bóng dáng Rồng, dựa vào lịch sử nghiên cứu Rồng, đưa lòng tin, giá trị nhân văn vào đó, thổi hồn cho lịch sử dân tộc. Nhìn sản phẩm Rồng thực chúng ta sẽ cảm nhận được văn hóa nước Việt, sẽ muốn tìm hiểu lịch sử Việt, biết được Thăng Long xưa và Hà Nội nay đẹp như thế nào?

Nét đặc sắc của kiến trúc Việt Nam đẹp ấn tượng nhưng người hiểu và tôn trọng giá trị đó không nhiều. Dùng chuyên môn Mỹ Thuật Ứng Dụng để làm ra những sản phẩm mà nhu cầu xã hội có, chỉ cần tạo ra một họa tiết, một mô tuýp đó chính là kế thừa, là phát huy cái “tinh thần”, cái “cốt lõi” của di sản văn hóa xưa. Từ đó xã hội sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của lịch sử và thông điệp ngàn năm của cha ông ta. Khó có thể tạo ra một ngôi nhà Việt xưa ở thời buổi này, nhưng ai cũng có thể sở hữu một mô hình hay một họa tiết tiêu biểu của tinh thần xưa điều đó khả thi với mỹ thuật ứng dụng và rất cần thiết của nhu cầu của người dân, thậm trí các trường học từ mẫu giáo đến đại học đều cần để luôn luôn nhắc nhở cho con cháu về nét độc đáo của văn hóa Việt.

Văn hóa chính là “cội nguồn”, có nhiều cách để “giữ gìn và phát triển”, nhưng bằng cách đưa chúng đến gần người dân, thiết thực hóa nhu cầu của con người chính là “bảo tồn và phát triển di sản” lâu bền nhất.

Mỹ Thuật Ứng Dụng và Công nghiệp văn hóa

Mỹ Thuật Ứng Dụng kết hợp với Công nghiệp văn hoá là một khái niệm còn rất mới ở Việt Nam. Đến thời điểm này, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhận thức của xã hội nói chung và giới quản lý văn hoá nghệ thuật nói riêng về tầm quan trọng của công nghiệp văn hoá đối với nền kinh tế và đối với sự phát triển văn hoá nghệ thuật. Thậm chí một số người đồng nhất công nghiệp văn hoá với… thương mại hoá văn hoá nghệ thuật!

Các giá trị văn hoá nghệ thuật nếu biết cách tiếp cận tốt, sẽ trở thành những giá trị hàng hoá được trao đổi trên thị trường. Khi những sáng tạo cá nhân được bảo hộ, được đăng ký bản quyền, ví dụ một tiểu thuyết mới của một nhà văn, công nghệ xuất bản giúp độc giả tiếp cận một tác phẩm có giá trị, tác phẩm được phổ biến rộng rãi, cũng có nghĩa công nghiệp văn hoá không hề phủ nhận hay giết chết sự sáng tạo mà là hỗ trợ, giúp cho tác phẩm đó làm ra tiền.

Chúng ta sẽ đầu tư vào công nghiệp văn hoá như thế nào. Đối với Việt Nam, ở bước đi ban đầu, cần xác lập chính thức chiến lược công nghiệp văn hoá thông qua các mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên. Hàn Quốc chọn điện ảnh, kỹ thuật số. Trung Quốc ưu thế về nhiều lĩnh vực. Còn Việt Nam bằng con đường Mỹ Thuật Ứng Dụng sẽ là một cuộc cách mạng đưa văn hóa gần gũi hơn với đời sống hàng ngày.

Circle Group trân trọng cảm ơn sự đóng góp của tất cả các cơ quan, các nhà nghiên cứu … những ai quan tâm đến nền văn hóa Việt cùng chung tay thực thi những giá trị tinh thần của cha ông, cùng chuyển tải chúng trở thành những sản phẩm thiết thực nhất phục vụ cho cộng đồng dân tộc Việt và quảng bá văn hóa Việt ra bè bạn năm châu. Những bước đi ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại nhưng bằng tinh thần và hào khí của dân tộc sẽ tiếp sức cho Circle cùng những người đã đang và sẽ lao động trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống Việt có được sức mạnh để dần hiện thực hóa những giá trị vào trong sản phẩm Mỹ thuật ứng dụng để phục vụ cho công chúng một cách ưu việt nhất.

Trân trọng cảm ơn

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?