Hình tượng thần Shiva trong điêu khắc Indonesia 18/08/2017

Trong dòng nghệ thuật Bà La Môn giáo ở Indonesia, đảo Java được xem là nơi điển hình nhất trong lĩnh vực điêu khắc. Dựa vào phong cách nghệ thuật và sự giao lưu tiếp biến văn hóa, các học giả chia điêu khắc Java làm hai thời kỳ chính, điêu khắc Trung Java và điêu khắc Đông Java. Ở mỗi thời kỳ quan điểm thẩm mỹ cùng với đặc trưng văn hóa vùng miền đã tạo nên những sắc riêng trong điêu khắc thể hiện qua các hình tượng thần linh, linh vật và hoa văn trang trí. Sự kết hợp giữa các hình tượng Phật giáo và Bà La Môn giáo cùng với tín ngưỡng bản địa đã thể hiện cho sự sáng tạo và bản địa hóa của người Indonesia đối với nền văn hóa chịu ảnh hưởng Ấn Độ.

Dẫn nhập

Dựa trên địa hình khu vực, Đông Nam Á được phân thành hai tiểu vùng chính; Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Trong thư tịch của Ấn Độ, Đông Nam Á được gọi là Suvarnabhumi hay Suvarnavipa (xứ Vàng hay đảo Vàng), bao gồm các quốc gia ngày nay như: Miến Điện, Thái Lan, bán đảo Mã Lai, Lào, Việt Nam và Campuchia nằm trên vùng lục địa và Sumatra, Java, Madura, Bali và Borneo thuộc vùng hải đảo.

Bà La Môn giáo được truyền bá vào khu vực Đông Nam Á vốn không thuộc tôn giáo Vệ Đà cổ xưa[1] mà đã được cải biên và phổ biến ở Ấn Độ hầu như cùng lúc với giai đoạn thịnh vượng của Phật giáo và Kỳ Na giáo (hay còn gọi là đạo Jaina). Đặc trưng mới của Bà La Môn giáo là công nhận Brahma (thần Sáng tạo), Vishnu (thần Bảo tồn) và thần Mahesa hay Shiva (thần Hủy diệt) làm ba vị thần linh tối cao. Việc sùng bái ba vị thần chính này cũng chính là nền tảng để khai sinh ra ba hệ phái tôn giáo mới: Brahma giáo, Vishnu giáo và Shiva giáo vốn thống trị bối cảnh tôn giáo của Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ trong đó có Indonesia. Trong số ba hệ phái tôn giáo trên, Shiva giáo phát triển phổ biến nhất ở Indonesia, bằng chứng có thể được tìm thấy qua hàng trăm bia ký liên quan đến Shiva giáo được phát hiện tại các đảo Java, Sumatra và Bali.

Shiva trong điêu khắc Trung Java

Có rất nhiều kiểu tượng Bà La Môn giáo liên quan đến thần Brahma, Vishnu và Shiva trong văn hóa Java xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ VIII. Bên cạnh đó lĩnh vực thần thoại Bà La Môn giáo cũng được thiết lập vững chắc ở Java mà bằng chứng để lại là bia ký, đền tháp, tượng thần cũng như dòng văn học cung đình và dân gian. Văn hóa Bà La Môn giáo đã từng ảnh hưởng sâu đậm đến các mẫu hình điêu khắc và kiến trúc Trung Java thời cổ xưa mà ngày nay những vết tích này vẫn còn được bảo quản rất tốt.

Tư liệu sớm nhất liên quan đến tục thờ cúng thần Shiva là tấm bia Cangan (niên đại vào năm 732) ghi nhận về việc vua Sri Sanjaya đã cho dựng một chiếc Linga trên đồi cao để cầu mong sự bình an cho vương quốc của ông (Steven Drakeley 2005: 59, 60). Thần Shiva được mô tả trong minh văn của tấm bia, chiếm số lượng ba trong tổng số sáu câu của bia ký. Trong điêu khắc Trung Java, thần Shiva thường được thể hiện với con mắt thứ ba giữa trán, búi tóc bó cao trên đỉnh đầu, phía trước búi tóc luôn đính một hình mặt trăng lưỡi liềm, đỉnh đầu của thần tuôn ra một dòng nước được xem là nguồn gốc của sông Hằng (Ganga), thân hình thần màu xám đen với những lớp tro bụi bao phủ, cổ thần đeo vòng làm bằng một con rắn hổ mang. Trong thư tịch Java ngài được ngợi ca là “sở hữu quyền năng tối thượng (Aisarya) không chỉ đối với các tu sĩ, mà còn đối với thần Indra và các vị thần khác. Ngài là vị chúa tể của linh hồn (Bhusta), ngài bảo vệ thế gian bằng tám hình dạng khác nhau” (Majumdar R. C. 1937: 27). Trong bia ký Cangal có năm dòng nói đến khái niệm về quyền lực tối cao của Tam vị thần linh thuộc thần phả Purana, đồng thời cũng khẳng định một cách rõ ràng vị trí tối thượng của thần Shiva trong số các vị thần trên thiên giới. Những đền thờ quan trọng ở Trung Java đều thờ thần Shiva và một số lượng rất lớn các pho tượng tìm thấy ở nhiều vùng khác nhau của miền Trung Java đều là tượng thần Shiva và các vị thần trong gia đình của ngài. Trên thực tế thần Shiva còn được nói đến trong Amaramata, một tài liệu văn học cổ xưa nhất viết về tôn giáo ở Java. Trong đó thần Shiva được gọi là Gura (đạo sư) hay Isvara (đấng tối cao) của các thần…Điều này được thể hiện thêm trong nhóm tháp Lara – Jongrang với ngôi tháp lớn nhất nằm ở trung tâm dùng làm nơi thờ thần Shiva, hai ngôi tháp còn lại nằm hai bên thờ thần Vishnu và Brahma. Thần Shiva cũng được xem là hiện thân của sự phá hủy và sáng tạo thế giới thể hiện qua hai đặc tính nhân từ và khủng khiếp của thần. Từ hai khía cạnh này mà trong điêu khắc Trung Java thần Shiva được thể hiện cụ thể qua nghệ thuật tạo hình bằng hai hình tượng thần Mahadeva và Mahakala hoặc Bhairava.

Trong điêu khắc Trung Java, thần Mahadeva chỉ có một chiếc đầu, mặc dù tối đa là năm chiếc, con mắt thứ ba giữa trán, búi tóc có đính vầng trăng lưỡi liềm và một chiếc sọ người; con rắn dùng làm sợi dây thiêng (upavita) vắt chéo trên ngực, thần luôn được thể hiện với bốn cánh tay, hiếm có tượng Shiva nào có hai tay; bảo vật cầm tay bao gồm chiếc vòng (Camara), xây chuỗi (Aksamala), quyển sách, bình nước và cây đinh ba (Trisula). Còn thần Mahakala hoặc Bhairava thường biểu hiện sự khủng khiếp trên khuôn mặt, răng và mắt nhô ra, tóc rối bời, sợi dây thiêng được thay thế bằng những con rắn hay xây chuỗi làm bằng sọ người, hai hoặc tám cánh tay cầm các vật như sau: cây chùy (Gada), thanh kiếm (Khadaga), con ngỗng (Hamsa), con rắn (Naga) và thanh dao găm (Kris). Ngoài ra còn thấy những bảo vật quen thuộc của thần Shiva như cây đinh ba, xâu chuỗi và chiếc vòng. Ngoài những hình dạng trên, trong điêu khắc Trung Java còn thấy xuất hiện một hình tượng nổi tiếng mang tên là Ardhanarisvara, sự kết hợp giữa thần Shiva và nữ thần Durga. Pho tượng thể hiện nửa thân hình bên phải là của thần Shiva, còn nửa bên trái là nữ thần Durga, vật cầm tay của cả hai vị thần đều được thể hiện trên các cánh tay. Ảnh hưởng của Shiva giáo của Trung Java rất mạnh thậm chí tác phẩm Mahabharata cải biên của Java xem Krisna là một trong những hóa thân của thần Vishnu và chỉ là biểu hiện cho đặc tính của thần Shiva. Hình tượng tam vị thần linh (Trimurti) Brahma, Vishnu và Shiva kết hợp lại thành một vị thần với ba chiếc đầu cùng chung một biểu hiện cũng được tìm thấy tại Trung Java. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chiếc đầu trung tâm biểu hiện cho thần Shiva có trang trí hình mặt trăng và chiếc đầu lâu trên búi tóc. Bốn cánh tay của vị thần tổng hợp này cầm các bảo vật chiếc vòng, xâu chuỗi, quyển sách, hoa sen và bình nước thánh.

Kiến trúc tôn giáo Trung Java được biết đến với tên gọi là Candi (đền tháp), có nguồn gốc từ những ngôi đền chứa tro cốt người chết hay những quần thể kiến trúc. Theo Krom, từ này bắt nguồn từ thuật ngữ Candika, một trong những cái tên của nữ thần Durga “vị nữ thần giải thoát cho người chết, ngôi đền của bà thường có một khoảng sân dùng làm nơi hỏa táng mà người ta còn thấy kiểu kiến trúc này tồn tại đến ngày nay ở Bali” (Steven Drakeley 2005: 70). Tuy nhiên, chức năng chính nói chung vẫn là một đền thờ.

Ở trung tâm của vùng cao nguyên Dieng thuộc miền Trung Java được biết với tên gọi thời cổ xưa là Dihyang, có một nhóm bốn ngôi tháp nằm thẳng hàng theo trục Bắc Nam được bao bọc bằng những ngọn đồi. Những ngọn núi lửa hùng vĩ đã yên nghĩ cao khoảng 6.500 mét so với mặt biển, hình thành nên nhiều sông hồ. Đặc điểm địa lý này đã tạo thành một nơi thiêng liêng tự nhiên đối với cư dân và tôn giáo đóng vai trò trung tâm trên ngọn núi. Tất cả những ngôi đền trên cao nguyên Diêng đều thờ thần Shiva. Candi Bima một trong những bốn ngôi đền thể hiện một phong cách kiến trúc tôn giáo hoàn toàn khác với các ngôi đền khác. Bên bờ tường của tòa tháp này có một máng nước dẫn nước thánh ra ngoài. Ngọn tháp chính rất cao, mái tháp được trang trí theo từng tầng vươn lên theo chiều cao của tháp, các góc tháp trang trí bằng cột đá theo yếu tố tôn giáo bản địa của miền Tây cao nguyên Deccan. Pho tượng thần Shiva đầy quyền năng ở Dieng hiện vẫn còn nguyên vẹn, nó có niên đại gần với thời kỳ Borobudur thể hiện cho giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Indonesia. Toàn thể quần thể kiến trúc mang đặc trưng của hệ phái Shiva giáo và sự thể hiện của ba vị thần Brahma, Vishnu và Shiva. Điều quan trọng mới xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình Indonesia là vật cưỡi của ba vị thần linh đều có hình dáng của con người chỉ có chiếc đầu của con bò, con ngỗng hoặc chiếc mõ của con chim thần Garuda[2] để giúp tín đồ nhận diện được vật cưỡi của thần Brahma, Vishnu hay Shiva. Ngoài nhóm đền tháp này, chúng tôi còn thấy rất nhiều đền tháp cổ xưa ở phía Nam và Đông của cao nguyên Diêng mang đặc trưng của hệ phái Shiva giáo.

Trong số những đền đài chính của người Java thuộc triều đại Seilandra, nhóm đền tháp thờ thần Shiva ở núi Ungaran được biết đến với cái tên là Gedong Sang nằm ở hướng Đông của cao nguyên Diêng và hướng Nam của vùng Semarang. Thuật ngữ Gedong – Sang có nghĩa là “chín ngôi nhà”, rất chính xác khi đề cập đến chín nhóm tháp được phát hiện trên hai dãy đồi tạo thành một vùng thung lũng sâu làm biên giới giữa hai vùng Semarang và Kedu. Nét tương đồng trong phong cách kiến trúc đưa đến giả định cả hai nhóm tháp này đều cùng một phong cách và niên đại. Những ngôi tháp này không được sắp xếp trên một hoàn đồ cụ thể giống như những ngôi tháp ở cao nguyên Dieng, chúng nằm phân tán và dường như đã không có bất kỳ một hoạch định cụ thể nào khi xây dựng. Đẹp nhất trong quần thể kiến trúc này là ngôi đền số hai. Về mặt kiến trúc và phong cách trang trí có những nét tương đồng với những ngôi đền ở Dieng nói chung nhưng quần thể kiếu trúc Cedon Sang chú ý nhiều hơn vào các chi tiết hoa văn ở các gốc tháp.

Tại một ngôi đền phế tích thờ thần Shiva khác nằm không xa di sản văn hóa thế giới Borobudur có một nhóm tác phẩm điêu khắc tượng tròn sinh động và thẩm mỹ. Ngoài một pho tượng thần Vishnu cực kỳ sinh đẹp, chúng tôi còn tìm thấy pho tượng Agastya, vị đạo sư thần thánh, thể hiện cho thần Shiva trong hình dạng của một nhà hiền triết Bà La Môn giáo với chòm râu dài và chiếc bụng to lớn. Pho tượng có khuôn mặt trầm tĩnh và thân thể cục mịt thể hiện sự chậm chạp của một người đàn ông có tuổi. Đây cũng là đặc trưng của loại hình nghệ thuật mang tính tôn giáo bản địa của Indonesia.

Những ngôi đền Shiva ở miền Trung Java cũng như những ngôi đền Bà La Môn giáo khác, có những phần cấu trúc chung theo mẫu hình đền thờ Ấn Độ. Đền đài cuối cùng của thời đại Trung Java được xây dựng bằng hàng loạt các công trình. Tuy nhiên không chắc là chúng được xây dựng trước năm 900 và sau năm 930 khi các vị vua rút lui từ Trung Java về Đông Java. Tòan thể các công trình kiến trúc đều nhằm tôn vinh cho thần Shiva và thể hiện một hay nhiều ngôi điện thờ bằng hình dạng của những ngọn núi vũ trụ. Ngoài nhóm tháp Lara Longrang, các nhà nghiên cứu cũng thường nhắc đến khu tháp Prambanan, mà tên gọi này có nguồn gốc từ một pho tượng đá loại nhỏ của nữ thần Durga được thờ tại một trong những ngôi tháp nhỏ. Nguyên thủy có khoảng hơn 232 ngôi đền được xây dựng trong khu vực Prambanan. Hoành đồ với trung tâm là một cung điện hình vuông với bốn cổng ra vào chứa tám ngôi tháp thờ các vị thần trấn trị phương hướng (Dikpala). Tháp trung tâm rộng nhất, cao khoảng 12 mét dùng để thờ thần Shiva mặt tháp quay về hướng Đông. Cập theo hai bên hông thuộc hướng Bắc và hướng Nam có hai ngôi tháp nhỏ hơn thờ hai vị thần Bà La Môn giáo trong bộ ba (Trimurti) là Brahma và Vishnu. Đối diện với ngôi tháp thờ thần Shiva là một nhà thủy tạ có đặt pho tượng bò thần Nandin hai bên hông bò đối diện với ngôi tháp thờ Vishnu và Brahma là những ngôi tháp thờ các hóa thân của Shiva. Xa về phía Bắc và Nam vẫn còn hai ngôi tháp khác mà người ta chưa rõ mục đích của chúng.

Như đã nói bên trên ba ngôi đền này nằm về phía Tây, ngôi đền trung tâm to lớn nhất và đẹp nhất dùng làm nơi thờ thần Shiva, ngôi đền nhỏ hơn phía Bắc thờ thần Vishnu và ngôi phía Nam thờ thần Brahma, đối diện và nằm giữa của ba ngôi đền là tượng bò thần Nandin và cũng có thể có tượng vật cưỡi của Vishnu và Brahma. Ngoài ra không thấy dấu vết gì khác nữa của ba ngôi đền này, nhiều học giả tin rằng có thể sẽ còn có một chiếc Linga và một Mahayoni (đại Yoni) được thờ cúng ở đây. Trong số các ngôi đền thờ thần Shiva ở Java, Prambanan là một quần thể kiến trúc Shiva giáo lớn nhất Đông Nam Á, được nhiều tín đồ sùng bái.

Sự kết thúc giai đoạn nghệ thuật Trung Java đã để lại sự hoang phế không thể giải thích được trên vùng cao nguyên Điêng. Vào 915 trung tâm quyền lực và tôn giáo của nhà nước di chuyển về miền Đông Java. Những thế kỷ tiếp theo sức mạnh của nhà nước Java được tăng cường bằng việc kiểm soát con đường hải thương nối liền khu vực hải đảo với vùng Viễn Đông. Phong trào phục hưng cuối cùng của dòng nghệ thuật Java bắt đầu vào thế kỷ XIII với vương triều Majapahit. Những đền đài của giai đoạn cuối cùng này thể hiện phong cách hậu cổ điển với những nét điêu khắc mang nặng tính chất Indonesia nhiều hơn là Ấn Độ. Đặc biệt trên các công trình kiến trúc xuất hiện nhiều mảng trang trí hơn trước tập trung nhiều ở các góc tháp và đầu cột. Thực tế cho thấy nghệ thuật Đông Java đã tiếp nối của dòng nghệ thuật Trung Java, do đó nó đã phản ánh những nét tương đồng về mặt phong cách, địa lý và lịch đại. Song những đền đài thuộc dòng nghệ thuật Đông Java không đạt đến trình độ thẩm mỹ cao như ở miền Trung Java, nó phản ánh sự phát triển theo những nguyên tắc của dòng nghệ thuật bản địa của cư dân Java.

Shiva trong điêu khắc Đông Java

Những ngôi đền thờ thần Shiva cổ xưa nhất ở Đông Java là Badut và Besuki mà này ngay chúng chỉ còn là những phế tích. Đền Badut có dựng một Linga và Yoni. Chiếc Yoni bị vỡ thành hai phần nhưng chiếc Linga vẫn còn nguyên vẹn. Phế tích đền Besuki vẫn còn vương vãi những mảnh vỡ của hình tượng nữ thần Durga, Ganesa, Bhataraguru và một chiếc Linga.

Ngôi đền đầu tiên đáng chú ý nhất thuộc vương triều Majapahit là Candi Javi nằm dưới chân núi Velirang. Nơi đây chứa đựng rất nhiều di vật của vua Krtanagara, đặc biệt là pho tượng hoàn hảo thể hiện sự đồng hóa nhà vua với thần Shiva và Đức Phật. Tác phẩm Nagara – Krtagama cũng dành nhiều dòng mô tả ngôi đền vào thời điểm vinh quang của nó. Qua mô tả này chúng ta đã biết đến một ngôi bảo tháp bên trong chứa tượng thần Shiva và một pho tượng thần Ashobya nằm bên trong gian thờ, tuy nhiên hiện nay chúng đã biến mất khỏi vị trí cũ. Ngoài các hiện vật tại di tích này cũng có rất nhiều tượng thần Shiva được tìm thấy tại các ngôi tháp nhỏ hơn ở Kose và Candi Suravana còn gọi là tháp Candi Bloran đã cho thấy đặc điểm Shiva giáo tại các ngôi đền Đông Java.

Kiến trúc nổi tiếng thuộc thời đại Đông Java là quần thể đền tháp Panataran. Mặc dù công trình được khởi công trong thời trị vì của triều đại Singhasari (1222-1292) nhưng những hạn mục chính lại được hòan thành dưới triều đại Majapahit (1293-1500). Ngoài ra, cũng có những hạn mục nhỏ hơn được xây dựng dưới triều đại vua Hayam Wuruk. Tính chất Shiva giáo trong ngôi đền chính được trang trì dày đặc với các hình tượng Đức Phật, Vishnu và thần Shiva cùng với những con vật cưỡi (Vahana) của các thần. Cũng có nhiều mảng trang trí các hình tượng thần linh khác như Indra (thần Sấm sét), Karttikeyu (hay Skanda – thần Chiến tranh), Agni (thần lửa) ngự trên các Vahana của họ. Những hình tượng có niên đại trong thời kỳ Singhasari, chúng cũng mang cùng một đặc điểm với những hiện vật phát hiện tại Jago. Thần Ganesa, con trai của Shiva được thể hiện ngồi trên một chiếc bệ xung quanh trang trí bằng những chiếc đầu hay vị thần khủng khiếp và lõa thể Bhairava (một hóa thần của thần Shiva biểu hiện cho sự hủy diệt) ngồi trên một chiếc ngai với đôi chân trần luôn thể hiện giống nhau trong điêu khắc Trung Java. Bhairava được chạm khắc với bốn cánh tay cầm một chiếc đinh ba, thanh dao găm, chiếc trống và bầu rượu, cổ đeo một vòng hoa kết bằng sọ người và điểm xuyến bằng nhiều loại đồ trang sức trên cơ thể. Mặt khác Mahakala, vị thần bảo vệ cho Shiva lại được thể hiện trong hình dáng của một người lùn, bụng phệ, một tay cầm chùy và một tay cầm cây gậy. Nữ thần Durga, vợ của thần Shiva được thể hiện trong hình dáng của thần Mahisasura cầm nhiều loại vũ khí khác nhau trên tám cánh tay của bà. Nandisvara (vật cưỡi của thần Shiva hóa thân thành thần canh giử giấc ngủ của thần Shiva) có hình dáng dễ nhìn và hai tượng bò thần Nandin vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.

Các pho tượng thuộc thời đại Majapahit có đặc điểm chung là vầng hào quang phía sau đầu được thể hiện giống như các tia sáng mặt trời tỏa ra bao quanh toàn bộ pho tượng. Hình tượng bộ ba, nữ thần Parvati đứng hai vị thần Karttikeya và Ganesa là một mẫu hình tuyệt đẹp trong điêu khắc Đông Java. Hàng loạt các pho tượng thần đều được thiết kế theo dạng chân dung của nhà vua hay hoàng hậu. Chúng tôi cũng đã nhìn thấy nhiều pho tượng thần Shiva tuyệt mỹ có thể xem là “kiểu mẫu đẹp nhất về nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIII, là sự kết hợp vẻ đẹp cả ngoại hình và ý tưởng” (Upendra Thukur 1986: 87). Một trong những pho tượng đạt trình độ thẩm mỹ cao là pho tượng thần Hari – Hara tìm thấy ở Simping, thể hiện những đặc điểm của vua Krtarajasa. Vị vua có bốn tay, hai tay trước cầm các linh vật như con ốc gai (Samkha), cây chùy (Gada), hai tay sau cầm xâu chuỗi và cây định ba; chính là những vật cầm tay thuộc về thần Shiva và Vishnu. Hình tượng này để lại ấn tượng sâu đậm cho giới nghiên cứu về “cách trang trí dày đặc trên thân thể và y phục được bổ sung thêm bằng nhiều lá sen. Chúng thuộc trường phái nghệ thuật Singhasari và Jago và có thể chúng là một trong những sản phẩm đẹp nhất của dòng nghệ thuật Đông Java” (Upendra Thukur 1986: 101).

Sự thống trị của thần Shiva trong tín ngưỡng và tôn giáo cổ Đông Java là không thể tranh luận. Đối với các hệ phái tôn giáo khác, xu hướng “Shiva hóa” cũng được thể hiện như các vật cầm tay của thần Vishnu, Phật và các vị thần Bà La Môn khác cũng đều lấy theo mẫu hình của thần Shiva. Hình tượng thần Brahma và Vishnu tuy đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật Bà La môn giáo nhưng ở Đông Java họ chỉ được xem như những hóa thân của thần Shiva. Do sự sùng bái của cư dân Java, Shiva được nâng lên thành vị thần tối cao mặc dù thần thoại mô tả ngài chỉ có vị trí đồng cấp với Brahma và Vishnu. Mặc khác ba vị thần chính của Bà La Môn giáo chính là sự thể hiện cho ba khía cạnh khác nhau của một vị thần tối cao vô hình (Tam vị nhất thể), nhưng trong nghệ thuật và tôn giáo Java vị thần tối cao đó được điêu khắc bằng hình dạng của chúa tể Shiva.

Shiva trong điêu khắc Bali

Giống như ở Java, Bà La Môn giáo đóng vai trò quan trọng trong tôn giáo và nghệ thuật điêu khắc đảo Bali. Mặc dù các di sản kiến trúc còn lại rất khiêm tốn, Bali có rất nhiều những tác phẩm điêu khắc đá xuất sắc được chạm trên các vách đá của các tu viện ở Goa Gaja (còn gọi là hang Voi) thể hiện cho tài năng thiên phú của người nghệ nhận Bali.

Hang động Goa Gaja hiện còn lại một số hiện vật như pho tượng thần Ganesa phía sau lưng có chạm hình Raksasa (Dạ Xoa nam) hiện còn nằm trước cửa hang. Trong ngôi đền chính người ta dựng ba chiếc Linga nhằm biểu trưng cho vị thần: Shiva, Brahma và Vishnu (do Brahma và Vishnu được xem là hóa thân của Shiva nên được thể hiện bằng hình tượng Linga). Những ngôi đền thờ thần Brahma, Vishnu và Shiva đều xây theo mô hình của ngọn núi Meru. Về vị trí trong kiến trúc Bà La Môn giáo ở Bali, các ngôi đền thờ thần Vishnu và Brahma thường nằm về phía Nam và phía Bắc của ngôi đền thờ thần Shiva. Ngôi đền hoàng tráng, đồ sộ nhất thường dùng làm nơi thờ thần Shiva, những ngôi đền thờ thần Vishnu và Brahma thường có kích thước nhỏ hơn.

Pho tượng thần Shiva tuyệt đẹp ở Bedulu[3], mặc dù bị hư hại một ít nhưng những phần còn lại của pho tượng đã phản ánh sự ảnh hưởng sâu đậm của dòng nghệ thuật truyền thống Trung Java (thế kỷ VIII-IX) và Đông Java. Qua nghiên cứu so sánh về nghệ thuật điêu khắc Java và Bali thuộc giai đoạn thế kỷ thứ VIII-IX cho thấy; đây là giai đoạn sớm nhất trong quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc Bali. Trong suốt giai đoạn này Bà La Môn giáo chiếm vị trí độc tôn trong văn hóa Bali đến nổi khó có thể tìm thấy yếu tố bản địa trong bất kỳ mẫu hiện vật điêu khắc nào. Rất nhiều tác phẩm điêu khắc thuộc mẫu hình Shiva giáo đã được tìm thấy tại Sukavana trên vùng Gunung Panulisan, có pho tượng thể hiện sự kết hợp giữa bốn hình tượng thần linh với bốn khuôn quay ra bốn hướng. Mỗi pho tượng đều có bốn tay và con mắt thứ ba giữa trán, tay cầm con ốc gai (Samkha) và quyển sách. Các pho tượng này đều thể hiện tam vị nhất thể, con mắt thứ ba thể hiện cho thần Shiva, con ốc (Samkha) biểu tượng của thần Vishnu và quyển sách, vật cầm tay của thần Brahma.

Quan sát các tác phẩm điêu khắc trên hồ nước thiêng Bedulu ở Pur Pusa chúng tôi thấy về vị trí hồ nước nẳm trên sườn đồi cao 24 mét so với mặt đất, có hình giống như một chiếc trống, miệng hồ mở rộng, mặt ngoài của bờ hồ chạm trỗ tỉ mĩ. Hình tượng cơ bản là tám con rắn chia thành từng cặp nằm trên bốn góc hồ, bành rắn cuộn lấy nhau theo từng cặp và đầu chúng đội những chiếc Linga của thần Shiva. Mặc dù rất khó để khẳng định ý nghĩa của những pho tượng này nhưng có thể nó thể hiện cho sự kết hợp của tín ngưỡng thờ thần Shiva và tín ngưỡng phồn thực bản địa thường thấy trong điêu khắc Bali. Một mẫu hình Linga đặc trưng với tám nhủ hoa bao quanh được thiết lập tại trung tâm của hồ nước, một dòng suối chảy từ trên núi xuống được dẫn đi xuyên qua những đôi nhủ hoa của tám vị nữ thần được bối trí đứng thành hai hàng, với tư thế tay nâng ngực, nơi dòng chảy tuôn ra chảy xuống hồ. Phần bên trên của nhủ hoa chạm những hoa văn hình cánh sen, ngoài ra còn những pho tượng ngồi trên những tòa sen ở hàng thấp hơn.

Những hình tượng điêu khắc tại hồ nước thiêng Bedulu đã thể hiện cho sự dung hợp của nhiều dạng tín ngưỡng khác nhau của cư dân bản địa. Sự sùng bái thần Shiva được đồng hành cùng với tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng sùng bái nước của cư dân nông nghiệp Bali. Khi quan sát tiến trình dẫn nước chúng tôi thấy dòng nước bắt nguồn từ trên ngọn núi cao được xem là ngọn núi thiêng Mahameru của Shiva giáo, chảy qua những chiếc Linga, pho tượng thần Shiva và những đôi nhủ hoa của các vị nữ thần vợ của thần Shiva, rồi đổ xuống hồ nước thiêng, nơi dòng nước tiếp tục chảy ra những cánh đồng lúa và làng mạc của vùng Bedulu. Trong ý nghĩa tôn giáo, dòng nước được xem là thiêng liêng mang đến mang đến cho cư dân những đặc ân của các vị thần về cuộc sống, sự sinh nổi nảy nở của con người, cây trồng và phù sa cho đất đai. Hình tượng của thần Shiva và các nữ thần ở hồ nước Bedulu chính là chân dung của nhà vua cùng những vị hoàng hậu của ngài, dòng nước của thần Shiva chính là dòng nước của hoàng tộc ban phát cho thần dân của họ.

Kết luận

Khi truyền bá vào Đông Nam Á, hình tượng thần Shiva cùng hòa nhập với nền văn hóa Indonesia bản địa thể hiện bằng sự kết hợp với tập tục thờ cúng tổ tiên, thờ vua thần, tục sùng bái núi và nước thiêng (Amerta) để trở thành một dạng tín ngưỡng hỗn hợp được thờ cúng dưới dạng các pho tượng hay chiếc Linga của thần Shiva trong những ngôi đền. Những loại nghi lễ (puja) được tiến hành với miền tin không chỉ mang đến cho thần cuộc sống vĩnh cửu mà còn là lòng tưởng nhớ đến tổ tiên đã chết nhưng linh hồn của họ vẫn còn ảnh hưởng rất sâu đậm trong đời sống của con cháu theo quan niệm của cư dân bản địa. Nghi lễ đã cho thấy sự hòa nhập của tín ngưỡng Shiva giáo với truyền thống bản địa thờ cúng tổ tiên của dân tộc Indonesia. Những pho tượng thần Shiva cùng các nữ thần là thể hiện cho chân dung của nhà vua và các vị hoàng hậu, những người đang cai quản thế giới thần linh và con người ngay cả khi họ còn sống hay đã chết. Các thư tịch tôn giáo của Indonesia đã mô tả về các vị thần Mật tông như thần Baihrava, thần Mahakala biểu hiện cho khía cạnh hủy diệt của thần Shiva đã cho thấy hệ phái Mật tông của Phật giáo và Shiva giáo cùng được thực hành song song tại vùng hải đảo.

Trong cuộc sống hàng ngày, cư dân Indonesia cổ đã nhận được ân huệ mà thần Shiva (nhà vua là hóa thần trên trần gian của ngài) ban tặng bằng dòng nước thiêng chảy qua chiếc Linga và những đôi nhủ hoa của các nữ thần, nó mang đến cuộc sống phồn vinh, thịnh vượng cho con người bằng sự sinh sôi của vạn vật và phù sa cho đất trồng trên khắp vương quốc. Để biểu lộ lòng kính trọng đối với Shiva, vị thần nhận hiến tế của tín đồ, họ phải tổ chức những nghi lễ tại các đền thờ như ngày nay chúng ta vẫn còn thấy diễn ra trên đảo Bali. Mỗi ngày thần phải được tắm rửa, thay quần áo, nhận cúng dường thức ăn vào buổi sáng, nghỉ ngơi vào buổi trưa, thưởng thức âm nhạc và các điệu múa vào buổi tối. Trong những dịp lễ hội đặc biệt, các pho tượng thần Shiva hay nữ thần được mang đi diễu hành, rước từ đền thờ này đến đền thờ khác như là một phần của nghi lễ bắt buộc hàng năm, để các vị thần viếng thăm nhau.

Hầu hết những pho tượng và phù điêu các vị thần theo hệ phái Shiva giáo đều được tạo tác bằng đá, công năng của chúng là dùng gắn vào bờ tường của các ngôi đền hoặc dựng lên bên trong chánh điện nhằm mục đích thờ cúng và giáo dục tôn giáo. Một vài hình tượng được giải thích bằng những truyền thuyết địa phương. Theo nghiên cứu của chúng tôi hầu hết tác phẩm điêu khắc có giá trị mỹ thuật hay bình đều được thực hiện bởi các họa sỹ vô danh. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc liên quan đến hoàng tộc đều do triều đình bảo trợ.

Phần lớn các pho tượng thần Shiva ở Indonesia đều được thể hiện dưới hình dạng của một người trẻ tuổi nổi bật với nét đẹp của y phục và đồ trang sức. Về hình thể học, các pho tượng luôn có sự khác biệt về mặt phong cách tùy thuộc vào đặc trưng văn hóa vùng hoặc tùy vào niên đại phát triển của văn hóa Indonesia. Mặc dù có những quy định của đạo Bà La Môn về tỷ lệ, hình dáng đòi hỏi người nghệ nhân phải tuân theo một cách tuyệt đối nhưng ở Indonesia những pho tượng bị làm khác đi ở nhiều nơi khác nhau. Chính điều này đã góp phần tạo nên những đặc điểm và phong cách mới độc lập hẳn với văn hóa Ấn Độ. Những yếu tố điêu khắc dựa trên nền tảng văn hóa bản địa thời kỳ tiền Bà La Môn giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc vào nghệ thuật tạo hình của Indonesia. Do đó chúng ta có thể nói rằng quá trình tiếp nhận văn hóa Ấn Độ ở Indonesia chính là quá trình bản địa hóa.

Phan Anh Tú

Khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn

Từ Thị Phi Điệp

Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.Drakeley Steven 2005. History of Indonesia. – USA: An imprint of Greenwood of Pubslihing Group.
  2. 2.Frederic L 1965. The temples and sulpture of South-East Asia. – London: Oxford University Press.
  3. 3.Frederic Louis 1967. The art of Southeast Asia. – New York: Hary N. Abrams, Inc.
  4. 4. Jumsai, Sumet 1990. Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific. Pubslihed in Thailand.
  5. 5.Golzio Karl – Heinz (Ed) 2004. Incriptions of Champa. Shake Verlay Aachen
  6. 6.
  7. 7.Guy John 2009. “Artistic exchange, regional diologue and the Cham territories”. Champa and the archaeology of Mỹ Sơn (Việt Nam): Singapore. – NUS Press, pp. 127-155.
  8. 8.Heinrich Zimmer 1989. Myths and synbols in Indian art and civilization. – USA: Princeton University Press.
  9. 9.Jacques Claude and Freeman Michael 2009. Angkor. – London: published by Readktion Books ltd.
  10. 10. Kenneth Hall. R 1985. Maritime trade and state development in early Southeast Asia. – University of Hawaii Press.
  11. 11.Kerlogue Fiona 2004. Arts of Southeast Asia. United Kingdom of England: – Thamse and Hudson world of art.
  12. 12.Keyes Charles. F 1977. The Golden Peninsular Culture and Adaptation in Mainland Southeas Asia. – Honolulu: University of Hawaii Press.
  13. 13.Li Tana 2006. “A view from the sea: perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast”. Journal of Southeast Asian Studies no 37, pp 83-102, February.
  14. 14.Majumdar R. C. 1937. Ancient Indian colonies in the Far East, Vol II. Dacca.
  15. 15.Majumdar R. C. 1937. Champa: History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East 2nd – 16th century AD. India, Dacca Press.
  16. 16.Pratapaditya Pal 1986. Indian Sculpture, Vol I, II. University of California Press.
  17. 17.Reichle Natasha 2007. Violence and serenity: late Buddhist sculpture from Indonesia. University of Hawaii Press
  18. 18.Thakur Upenda 1986. Some aspects of Asian history and culture. – New Delhi: Abhima Publication.
  19. 19.Vickery Michael 2003. “Funan Reviewed: Deconstructing the Ancients”. In: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 90-91. Pp. 101-143.


[1] Việc truyền bá văn hóa và chính trị của Ấn Độ được khởi xướng từ thời kỳ đầu Công Nguyên. Các học giả Ấn Độ, Pháp, Hà Lan và các học giả Đông Nam Á đã đưa ra rất nhiều giả thuyết khác nhau liên quan đến việc bành trướng dòng văn hóa này và họ tin rằng văn hóa Ấn Độ được mang đến Đông Nam Á bởi những người Ấn Độ thuộc đẳng cấp Chiến sỹ và Thương buôn, họ liên kết với nhau để tìm kiếm sự giàu có trên vùng đất nhiều vàng và hương liệu này (Upendra Thukur 1986: 7). G. Coedes, R. C. Majumdar và nhiều học giả khác tin rằng văn hóa Ấn Độ được truyền bá đến Đông Nam Á trong khoảng thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai trước Công Nguyên và những khu định cư sớm nhất của người Ấn đã được hình thành tại Campuchia, Cochin China (Nam Việt Nam ngày nay) và miền Nam Thái Lan, vùng đất mà người Trung Hoa gọi là Phù Nam. Theo truyền thuyết bản địa, có một người Bà La Môn (Brahmin) tên Kaudinya đến Phù Nam trong thế kỷ đầu Công Nguyên, hôn phối với một nàng công chúa bản địa tên là Nagini Soma, rồi trở thành vua của vùng đất này (Upendra Thukur 1986: 7, 8).

[2] Vật cưỡi của thần Vishnu (thần Bảo tồn) có hình dáng mình người, đầu và cánh chim. Hình tượng chim thần Garuda hiện được dùng làm quốc huy của một số quốc gia Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Còn hãng hàng không quốc gia Indoneisa thì mang tên là Garuda Airline.

[3] Truyền thuyết ở Bali kể rằng để trốn thoát khỏi thanh kiếm bành trướng của người Hồi giáo, người Java phải chạy về phía Đông và đến Bali nơi họ phục hưng Bà La Môn giáo và nền văn học ảnh hưởng Ấn Độ. Điều này cũng được kể trong những câu chuyện hồi năm 1000 cho thấy mối quan hệ hôn nhân giữa hoàng gia Java và Bali. Java đã từng chinh phạt Bali và trong suốt một thời gian dài Bali đã tiếp nhận văn hóa Ấn Độ từ Java. Vì thế nền văn học Ấn Độ – Java được bảo tồn rất tốt tại Bali, vấn đề này được ghi nhận bởi C. Hocykass trong bài nghiên cứu của ông mang tên “Những kho tàng của Bali” (Upendra Thukur 1986: 6).

Bài đã đăng tại Tạp chí KHXH-Viện KHXH-Viện PTBVVNB, số 12 năm 2011,Tr: 35-44

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?