Leng keng Tàu điện – vui buồn kí ức 07/07/2017

Hà Nội ngày nay là thành phố hơn một nghìn năm tuổi với những con đường ngày càng mở rộng thêm, xe cộ ngày ngày đông đúc, ồn ào tấp nập với nhịp điệu hối hả của thời đại công nghiệp. Hà Nội xưa cổ kính thâm nghiêm, với nhịp sống chậm rãi giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người có tuổi. Rất nhiều những kỷ vật, hình ảnh của một thời xa xưa gắn với lịch sử của thủ đô nay không còn, một trong số đó là ký ức về những chuyến tàu điện mà trong gần một thế kỷ tồn tại là phương tiện giao thông công cộng chính ở nơi đây.

Lịch sử tàu điện Hà Nội theo nhiều nguồn thông tin được bắt đầu năm 1900 do Công ty Điền địa Đông Dương (Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine”) – một công ty của Pháp xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc công ty này. Nhà máy đặt ở làng Thụy Khuê, cho tới ngày nay là trụ sở của Xí nghiệp xe điện Hà Nội.

Năm 1900 người Pháp cho chạy thử chuyến tàu điện đầu tiên từ Bờ Hồ – Thụy Khuê. Chợ Đồng Xuân nằm trên tuyến đường tàu điện chạy qua đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. “Nhà tàu” hái ra tiền, khối lợi nhuận. Do vậy sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ- Thái Hà ấp, khánh thành ngày 10.11.1901, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).

Hai năm sau mới bỏ đoạn Cửa Nam – Sinh Từ – Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột.

Năm 1906 làm đường Bờ Hồ – Chợ Mơ, khánh thành ngày 18.12.1906. Ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ – Thụy Khuê lên tận Chợ Bưởi, rồi năm 1915 đường Bờ Hồ – Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Do vậy mà năm 1929 mới có một anh tư bản đề xuất làm cầu Đơ mới để đưa tầu điện vào giữa thị xã (nhưng rút cục vẫn không thực hiện được). Trong năm 1929 do có thêm được tuyến Yên Phụ – Ngã tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).

Như vậy là tới năm 1929, từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) tỏa ra 6 ngả: lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống Chợ Mơ và Vọng, nối nông thôn với nội thành.

Thời Pháp thuộc tàu điện chia làm 2 hoặc 3 toa với thứ hạng khác nhau: hạng nhất, hạng hai. Hạng nhất là khoang nhỏ ở toa đầu sát chỗ đứng người lái (thời đó gọi là Vát man) có hai hàng ghế bọc đệm, vé đắt gấp đôi hạng hai ở phía trong toa và các toa sau chỉ có hai hàng ghế gỗ dài theo thân toa. Hàng hóa xếp ở dưới ghế ngồi, thúng mủng quang gánh của các bà các cô thì móc ở toa cuối.

Ngày tàu điện mới ra đời, rất nhiều người cho đó là sự lạ, tự hỏi tại sao nó chạy được nhỉ? Bởi nó không có đầu máy tỏa khói như tàu hỏa, lại còn kéo theo được cả mấy toa dài dằng dặc và cứ lừ lừ tiến bắt tất cả các phương tiện giao thông khác phải nhường đường. Nó đủng đỉnh, chậm chạp như muốn phù hợp với phong vị buồn tẻ và cổ kính của Hà Thành hồi ấy.

Có câu chuyện kể đáng nhớ nhất là bất cứ toa nào và đi về đâu, đều có những người quảng cáo bán các thứ thuốc cao đơn hoàn tán: thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là… Còn có những người hát xẩm, vừa kéo nhị vừa hát để xin tiền. Cả bọn lưu manh ăn cắp hoặc cướp giật nhảy tàu như làm xiếc. Người mất của và cả người “sơ -vơ” (người bán vé) chỉ biết nhìn theo.

Để có điện cho tàu chạy, hồi ấy người Pháp chỉ dùng một máy điện một chiều 600W đặt tại Bờ Hồ, nơi sau này có tên là Nhà đèn. Sau năm 1975, nhà nước ta mới nhập máy chỉnh lưu và dùng điện lưới.

Sau giải phóng Thủ đô 1954, các toa tàu được xóa bỏ cách phân chia thứ hạng. Tàu điện Hà Nội đã góp phần đắc lực cho giao thông của Thủ đô trong những năm tháng xây dựng đất nước và trong kháng chiến. Lúc này, cả nước cũng như Hà Nội còn nghèo khó, các phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, xe máy và ô tô rất ít, vì thế tàu điện, hay còn gọi là xe điện là phương tiện quan trọng giúp việc đi lại trong thành phố được nhanh hơn, chủ yếu dành cho người lao động, các bà các cô đi buôn bán, học sinh sinh viên, cán bộ công chức đi làm, đi học.

Tàu điện thời kỳ này chạy từ 5h đến 23h, với 4 tuyến tỏa ra bốn phương ngoại thành là Hà Đông, chợ Mơ, chợ Bưởi và Cầu Giấy, ngoài ra còn một chuyến qua khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Yên Phụ. Tối khuya các xe lại tập trung về đỗ ở phố Thụy Khuê.

Khách đi tàu thường đông, vì giá vé rẻ. Hai tuyến Bờ Hồ – Hà Đông, Bờ Hồ – chợ Mơ đông khách, tàu có ba toa. Còn các làn đường khác tàu chỉ có hai toa Toa đầu có người lái tàu và người bán vé. Người bán vé kiêm luôn việc cầm dây thừng xoay ngược cần lại mỗi khi tàu đổi chiều đi tại bến cuối. Còn chạy nhanh hay chậm là do lái tàu điều khiển qua hộp số tốc độ. Người lái tàu ngồi ở chính giữa đầu tàu, tay trái nắm thanh đồng gạt qua gạt lại để tăng giảm tốc độ. Tay phải đặt trên vô lăng phanh để hãm tàu dừng lại hoặc cho tàu lăn bánh. Chân phải đặt sẵn trên núm chuông, mỗi lần giậm nhẹ chân là tàu phát ra tiếng chuông leng keng leng keng báo cho biết tàu đang đi hoặc sắp đến bến đỗ. Mỗi khi thấy có người hoặc xe sắp băng ngang qua đường tàu, bác tài lại giậm chân cho chuông kêu vang lên rộn rã.

Đi tàu điện, được  ngắm cảnh phố phường, thăm thú những địa danh nổi tiếng của Hà Nội là niềm vui của biết bao nhiêu người khách phương xa, của những cô bé cậu bé. Lên tàu, người ta còn được nghe một loại hình âm nhạc đặc trưng gắn liền với tàu điện mà chỉ riêng Hà Nội mới có – xẩm tàu điện. Những đêm mưa phùn, gió bấc, trong tiếng lá rơi xào xạc, những bước chân hối hả bước lên tàu… Giữa cái rét se lạnh, mệt mỏi, hành khách bỗng ấm thêm bởi tiếng hát, tiếng nhị, tiếng phách của bố con ông hát xẩm: “Này anh khóa ơi!… ngày anh đi lên kinh thành ứng thí, em ở nhà nuôi mẹ một mình… tủi lắm! Này anh khóa ơi!…”. Mấy người hảo tâm dúi vào chiếc nón rách bươm trên tay cô bé vài chinh. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong tập hồi ký, truyện ký Leng keng Hà Nội kể lại một chuyện về hát xẩm trên tàu điện: “Điệu xẩm thảm thương, buồn, bài nào cũng là thân phận con người sa cơ lỡ bước. Người hát, có khi là cả một gia đình chồng vợ và con, giọng kim giọng thổ lẫn giọng non chưa vỡ tiếng quyện nhau chới với. Điệu hát như tiếng thở dài của thành phố, lâm li thân phận toa tàu đang huyên náo bỗng lặng đi, cám cảnh. Cái chậu thau nhỏ cóc cáy, méo mó chìa trên tay đứa trẻ, hành khách lặng lẽ đưa vào những đồng hào nhỏ. Khách xe điện thường nghèo, cái cách cho tiền có một vị chia sẻ của người đồng cảnh, không giống với cách thưởng tiền của quan viên nghe ca trù hay chơi tam cúc điếm, hào sảng, hả hê. Sau này lớn lên, xem lắm thứ biểu diễn, tôi chưa thấy sân khấu nào có được sự đồng cảm diễn viên – khán giả cao quý như giữa những người áo ngắn ấy với nhau…”

Khi người Pháp rút khỏi Hà Nội, họ tin rằng chỉ sau 3 tháng Hà Nội sẽ không còn tàu điện bởi cơ sở vật chất cho tàu điện hoạt động khi ấy đã gần như kiệt quệ.

Thế mà chẳng những thành phố đã duy trì được mà tàu điện còn phát triển, nhiều tàu mới toa mới được đóng thêm. Lúc đỉnh cao ngành đạt được 37-38 triệu lượt khách một năm, bởi vì đi tàu điện vừa rẻ vừa thuận tiện.

Nhưng thời kỳ hoàng kim của tàu điện cũng không kéo dài  mãi. Tàu điện lạc hậu cũ nát không còn phù hợp với nhịp sống và sự phát triển các phương tiện giao thông cá nhân. Cuối những năm 80, tàu điện Hà Nội mà lúc này là Công ty xe điện Hà Nội rơi vào khủng hoảng. Các toa tàu với thiết bị cũ kỹ lạc hậu, dù được cải tiến sửa chữa nhưng vẫn rơi vào khó khăn và càng lúc càng ít người đi.

Rồi đầu những năm 90, trước sức ép của sự phát triển kinh tế, xã hội, tàu điện Hà Nội đã phải tháo dỡ vì không đáp ứng được nhu cầu giao thông trong thành phố nữa. Hà Nội mất đi tiếng leng keng quen thuộc mỗi sớm hôm… Người ta đã cải tiến xe điện bánh sắt, mặt khác thiết kế và đóng xe điện bánh hơi nhưng xe điện bánh hơi chạy một thời gian lại phải ngừng hoạt động vì công nghệ yếu kém, trời mưa dễ gây rò rỉ, chập điện, không an toàn.

Tàu điện Hà Nội tồn tại hơn 90 năm – gần một thế kỷ. Biết bao lớp người đã dùng tàu điện làm phương tiện đi lại hằng ngày. Tiếng chuông leng keng của nó tạo nên nét riêng biệt độc đáo của thành phố, đi vào tâm hồn nhiều người dân Hà Nội như một điều gì đó đặc trưng, khó phai nhạt trong ký ức. Đã 20 năm kể từ ngày những toa tàu sơn đỏ cũ kỹ già nua dừng hẳn hoạt động của mình, nhưng tàu điện vẫn là một đặc trưng văn hóa riêng biệt của riêng Hà Nội mà khi nhắc đến, lớp người từ 40-50 tuổi về trước vẫn còn bồi hồi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm thân quen gắn liền với những chuyến tàu, khi nghe những lời ca quen thuộc:

Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom,một thời hòa bình…

Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy…

 

Giang Hân

Thông tin tham khảo

  1. vietnamplus.vn

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?