Ngày Tết bàn về chữ Hiếu 01/03/2018

Ai cũng biết con người cần phải có Hiếu. Nhưng không phải ai cũng hiểu và thực hành đầy đủ chữ Hiếu. Bài viết ngắn này xin đưa ra một cách hiểu về chữ Hiếu thời nay để góp phần bảo tồn và phát huy một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Chữ Hiếu trong Nho giáo

Trong Nho giáo chữ Hiếu rất được coi trọng. “Hiếu kinh” là cuốn sách có khoảng 2.000 chữ Hán, học trò muốn đậu đạt phải thuộc lòng. Ở đó chữ Hiếu có nội dung rất rộng. Chữ Hiếu không chỉ là quy phạm về giá trị luân lý giữa cha mẹ và con cái, “mà còn bao hàm giá trị đa văn hóa về tôn giáo, triết học, chính trị, pháp luật, giáo dục, dân tộc và nghệ thuật”(1).

Ngày nay nhiều nội dung của sách “Hiếu kinh” không còn phù hợp nữa. Thậm chí có nội dung trở thành lực cản cho sự phát triển trong xã hội hiện đại. Tuy vậy vẫn còn có nội dung không hề lạc hậu. Chẳng hạn, ở chương 10: “Chép về nết Hiếu”(2) có đoạn như sau:

In sao chữ Hán:

   “子曰:孝子 之親也:    

           居則致其敬

    養則致其樂

    病則致其憂

    喪則致其哀

    祭則致其嚴

   五者備矣!”

Phiên âm:

“Tử viết: hiếu tử chi sự thân dã:

Cư tắc trí kỳ kính  

Dưỡng tắc trí kỳ lạc

Bệnh tắc trí kỳ ưu

Tang tắc trí kỳ ai

Tế tắc trí kỳ nghiêm

Ngũ dã, bị hỉ!”                

Tạm dịch:

“Khổng Tử nói: Người con có hiếu với cha mẹ cần phải:

Khi sống chung phải hết sức kính yêu.

Khi nuôi dưỡng phải hết sức vui vẻ.  

Khi ốm đau phải hết sức chăm sóc.  

Khi qua đời phải hết sức thương tiếc.

Khi cúng tế phải hết sức trang nghiêm.

Đủ 5 điều trên, mới tròn chữ hiếu!” (Hết trích).

Đó là nội hàm của định nghĩa chữ Hiếu với cha mẹ của người Trung Quốc xưa, gần giống với quan niệm chữ Hiếu của dân tộc ta.

Nho giáo coi Hiếu là cội nguồn của lòng Nhân. Trong tác phẩm “Nho giáo”, học giả Trần Trọng Kim viết: “Theo lẽ thường thì cha mẹ, anh em, chị em là người thân thiết nhất, tất ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng trung thứ, từ ái được. Nếu ở với cha mẹ, anh em mà không kính thuận, chứng tỏ tình cảm của ta quá ư bạc bẽo, mong manh, như vậy làm sao mà thành người Nhân được”(3).

Để giáo dục chữ Hiếu một số nhà thờ họ có khắc đôi câu đối chữ Hán như sau:

       四時在首 (tứ thời xuân tại thủ)

       百行孝爲先 (bách hạnh hiếu vi tiên)

Nghĩa là: Bốn mùa, xuân là nhất. Trăm nết, hiếu hàng đầu.

  1. Chữ Hiếu trong văn học dân gian Việt Nam

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã ra đời từ thời vua Hùng dựng nước. Điều đó chứng tỏ truyền thống kính yêu cha mẹ, thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa. Chữ Hiếu được hiểu một cách đơn giản mà hàm súc như câu ca dao sau:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

    Ngày xưa, câu ca dao trên đã in sâu vào ký ức trẻ thơ qua lời ru của mẹ. Nay nhiều người mẹ không biết ru con, các cháu phải đợi đến tuổi đến trường mới được cô giáo giảng giải và học thuộc câu ca đó.

Để khuyên răn những người mộ đạo Phật, sao nhãng chữ Hiếu, nhân dân ta đã sáng tác câu ca:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.

Để cảnh tỉnh sự bất hiếu với cha mẹ, trong dân gian có câu chuyện vui sau đây: “Một bé trai 3 tuổi thấy cha mình cho ông nội ăn cơm vào bát làm bằng gáo dừa, bèn hỏi: “Cả nhà ăn bát đẹp sao ông lại ăn bát xấu?” Người cha đáp: “Ông già rồi, ăn bát gáo dừa để có rơi thì không vỡ!”. Người con liền nói: “Khi nào ông chết cha cho con chiếc bát ấy nhé.” Người cha ngạc nhiên: “Để làm gì ?”. Con đáp: “Để khi cha già con dùng bát ấy cho cha ăn!””.

  1. Chữ Hiếu thời nay

Về nội hàm chữ Hiếu thời nay không có gì khác nhiều với quan niệm dân gian được lưu truyền. Nếu có khác chăng là cách biểu hiện mà thôi. Ngày nay chữ Hiếu đối với cha mẹ có ba nội dung:

  1. Khi cha mẹ, ông bà còn sống phải hết sức kính trọng, thương yêu và chăm sóc hết lòng. Nhất là khi già yếu, bệnh tật.
  2. Khi cha mẹ, ông bà qua đời phải lo việc tang cho trang nghiêm.
  3. Việc thờ cúng và chăm lo mồ mả tổ tiên phải thành kính, chu đáo.

Trong thực hành chữ Hiếu, khó nhất là nội dung thứ nhất. Thông thường khi người ta còn trẻ có rất nhiều mối quan tâm. Người tốt, nếu không có thói quen săn sóc cha mẹ thường xuyên rất dễ phạm lỗi bất hiếu do bất cẩn hay vô ý. Mặt khác, tuổi già thường khó tính, người con có chữ Hiếu mỏng sẽ tìm cách xa lánh.

Việc giáo dục cho con người làm tròn chữ Hiếu đòi hỏi sự hợp lực của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Điều căn bản nhất là gia đình phải giáo dục chữ Hiếu khi con còn ấu thơ. Chữ Hiếu phải được hình thành cùng lúc với sự hình thành nhân cách. Trong đó phương pháp hiệu quả nhất là sự làm gương của cha mẹ.

Thái Huy Bích

 

Chú thích

(1). Chữ Hiếu trong nền văn hóa Trung Hoa, Tiêu Quần Trung, NXB Từ điển Bách Khoa, 2006, tr8.

(2). Hiếu kinh – Huyền Mặc Đạo Nhân, Đoàn Trung Còn, NXB Đồng Nai, 2003, tr 55,56.

(3). Hiếu kinh – sđd, tr 6.

Nguồn: http://khxhnvnghean.gov.vn/?x=359/dien-dan/ngay-tet-ban-ve-chu-hieu

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?