Trong giai đoạn lịch sử dưới thời Bắc thuộc chúng ta ít gặp linh vật dưới tư cách hỗ trợ kiến trúc và đồ thờ, mà chủ yếu chỉ gặp ở thời Lý về sau. Mở đầu cho cuộc hành hương vào các linh vật mang tư cách đồ thờ là ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và di chỉ Bách Thảo (Hà Nội). Đó là những Rồng ở trên một đế nhiều lớp chạm hình “sóng”, là những Phượng, Lân, rùa, hổ phù, voi, hổ, trâu…
Truyền thuyết thường nói rằng: Người Việt là con cháu của Lạc Long và Âu Cơ, từ đó mà người ta đinh ninh Rồng Việt Nam có nguồn gốc từ thời cổ đại. Từ chức năng gắn với nguồn nước, có người còn gắn cho nó gốc gác tự nhiên. Tác giả đó dựa trên âm điệu đồng dạng: Cơn giông dòng sông…để nói rằng nó là sản phẩm bản địa… Trượt trên dòng suy nghĩ tư tưởng này đôi người còn muốn đẩy Rồng lên thành biểu tượng của dân tộc. Cũng có người cực đoan cho Rồng là sản phẩm của phong kiến, biểu tượng của nhà vua để rồi dẫn dắt tâm hồn người đọc vào vòng bẫy của lập luận sai lầm. Đó là một thời, song, không mấy ai chịu quan tâm tới tận nguồn cội. Thực ra, Rồng là sản phẩm chung của nhân loại, một nguồn gốc dễ được chấp nhận, cho rằng Rồng được nảy nở từ vùng Trung Cận Đông, khởi thủy là rắn Mútx Hútx, tức rắn bóng loáng (biểu hiện sự ling thiêng, không thấy ghi lại về kích thước loài rắn này). Con rắn thần đó bò sang phía tây, dần dần hoá thân thành Rồng lửa (có khi ba đầu), phần nhiều hiện thân cho sự ác. Sang phía đông, nó thường nhập thân với con rắn thiêng liêng của địa phương để thành loại Rồng hoặc rắn thần có sức mạnh vô biên mang tới nhiều điều tốt lành. Đó là rắn NaGa nhiều đầu, rắn vĩnh cửu Vasuki của Ấn Độ. Có lẽ ở các nước Nam Á, nó còn hội tụ trên thân vài yếu tố vế sức mạnh của loài thú gắn với nước, chủ yếu là voi. Quan niệm voi gắn với mưa đã được nhiều nhà dân tộc học dẫn ra từ các bức bích hoạ (hiện còn), được vẽ trên vách đá của người Bô-si-man, một dân tộc ở bụi thuộc vùng xích đạo của Châu Phi đen. Trên vách đá con voi được thể hiện nhìn nghiêng, một đặc điểm là lông trên lưng thường chảy dài xuống dưới cả chân. Các nhà dân tộc học, qua điều tra, đã nhận ra đó là biểu tượng của mưa. Ở Ấn Độ, con voi cũng thường là hiện thân của nguồn nước, phần nào nó là một tiền đề để hình tượng của thuỷ quái Makara có đầu voi. Nước là gôc của mọi nguồn hạnh phúc nông nghiệp, nên con voi được đề cao để trong một trường hợp hoá thân nhận dạng thành một vị thần hiện thân của thông minh là Ghanesa, đầu voi với mình lực sĩ, con của tối thượng thần Siva (thần nông nghiệp). Vào với Trung Quốc, ít nhất rắn thần chịu hai áp lực: Sự phân hoá xã hội mạnh và văn hoá đồng cỏ chi phối, nó trở nên có yếu tố thú và phần nào có nét dữ dội. Tất cả những hình thức nêu trên, trước sau có ít nhiều đều ảnh hưởng tới tạo hình Rồng Việt. Rõ ràng hình tượng của con Rồng Việt đã phản ánh rõ nét, ở một lĩnh vực nào đó, về diễn trình phát triển của lịch sử mỹ thuật dân tộc.
Rồng được định hình trong tâm thức người Việt từ thời nào, không ai rõ. Bằng hình tượng, có nhiều ngờ vực nó xuất hiện từ thời đồ đồng với bóng dáng là đôi cá sấu, được đặt tên là Giao Long(?). Nhưng trong truyền thuyết , thì chỉ một truyện về Âu Cơ và Lạc Long Quân được san định lại vào thời tự chủ (khoảng thế kỷ XIII), gán Lạc Long Quân với Rồng (đặc tính này chỉ xảy ra muộn) còn tích Sơn Tinh – Thuỷ Tinh và nhiều tích khác đã không thấy bóng dáng của linh vật này. Vào đời vua Thục, việc xây Loa thành chỉ gắn với tiên, thần rùa, gà sống. Tới tận thời Triệu Quang Phục mới thấy nói có thân nhân cưỡi Rồng từ trên trời xuống. Đây là giai đoạn đạo Phật bắt đầu được nhân dân ta tôn sùng, với Phật phái Vinnitaruçi gần gũi tín ngưỡng dân dã và một biểu hiện cụ thể về sự kiện vua Việt (Vạn Xuân) đã tự nhận là Lý Phật Tử (nguời con Phật họ Lý). Điều đó đã cho chúng ta nghĩ tới một Phật thoại về Rồng, do được nghe Phật giảng đạo mà giác ngộ nên rồng đã nguyện biến thành thuyền để đưa Phật đi hoằng dương đạo pháp ở khắp nơi. Như thế, một giả thiết được đặt ra là: Rồng đã theo đạo Phật vào đất Việt rồi hội với con rắn, chủ nguồn nước, mà dẫn thành Rồng Việt với chức năng đề cao tôn sùng Phật đạo, từ đó cũng đồng nhất với tôn trọng pháp lực của Rồng. Tới thế kỷ X, với Đinh Tiên Hoàng, Rồng vẫn chỉ là linh vật hỗ trợ, nằm ngoài con người có quyền năng. Nhưng tới Lê Hoàn thì nó trở thành bản mệnh của vua. Hiện tượng này đạt đỉnh cao ở thời Lý, rồi sau đó, chức năng này nhạt dần để Rồng sống chung thuỷ với chủ nhân của nó trong văn hoá xóm làng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Trung Hoa, mà tới thời Lê sơ, Rồng cũng phân thân lưỡng cực với những quy định riêng (5 móng là của vua, ngoài ra đều ít hơn). Trở lại Rồng Việt, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn, vì rõ ràng số lượng xuất hiện về nó thật phong phú đa dạng, nó có mặt khắp nơi, mọi chỗ và mọi thời từ khi nó xuất hiện. Điều này không phải linh vật nào cũng có được.
Rồng thời Lý
Rồng thời Lý xuất hiện khá nhiều, người ta đã tìm thấy trên những nhang án, bệ Phật (ở chùa Phật Tích) trên những cột thờ như hiện vật cổ ở vườn Bách Thảo (Hà Nội) hoặc ở cột chùa Giạm (Quế Võ – Bắc Ninh).
Dưới thời Lý, người Việt chú ý nhiều đến Phật, coi như sự cưỡng lại những giáo điều của đế quốc khổng lồ phương Bắc, đồng thời khẳng định tính độc lập dân tộc, người Việt cũng quan tâm nhiều đến dòng văn hóa phương Nam. Chính con Rồng là một điển hình của ý thức này.
Như trên đã nói, Rồng là hình tượng của Diêm Vương đại diện cho thế giới bên kia, đã quy y Phật pháp, nên sự phổ biến đạo Phật tới các miền của thế giới cũng là điều kiện để truyền bá con Rồng. Trong hoàn cảnh ấy người ta nhận thấy con Rồng thời Lý khi gắn với chùa nó cũng dễ được đẩy lên thành một hiện thân của nguồn hạnh phúc.Và, khi Phật giáo được tôn sùng thì như một điều tất yếu, vua nhà Lý sẽ bá chiếm con Rồng, để người dân tôn sùng Rồng thì đồng nhất với tôn sùng vua. Tinh thần nêu trên như một minh chứng cho hình thức con Rồng mang nhiều yếu tố phương Nam.Tất nhiên không loại trừ những dấu vết tốt đẹp mà người Việt đã tiếp thu từ văn hoá phương Bắc, qua 1000 năm đô hộ.
Thực chất con Rồng Lý đã bắt nguồn từ con rắn được cường điệu với một số chi tiết mang giá trị biểu tượng. Về đầu Rồng có một số đặc điểm cần phải quan tâm là: Nó khác hoàn toàn với những Rồng thời sau ở chỗ không có sừng, không có tai và mũi, nhưng Rồng có chiếc vòi làm sống cho chiếc mào lửa hình lá rộng bản (thời sau hẹp bản) nền lá là hệ thống vân xoắn taY mướp. Răng nanh theo kiểu ngà voi, bao quanh mang có ít nhất ba cụm vân xoắn và tiếp sau đó là một cụm tóc chải dài lượn sóng bay xa phía sau hoặc lộn về phía trước. Trên đầu Rồng thường được làm nổi một biểu tượng của sấm chớp dưới dạng chữ S trên to dưới nhỏ, hoặc số ba ngửa. Người ta có thể nhận thấy rằng cái đầu này bắt nguồn từ thủy quái Makara – một thần linh làm chủ nguồn nước theo quan niệm của các cư dân Đông Nam Á (chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ). Rồi con số ba ngửa, hiện nay vẫn thấy nó hiện hình trên nghệ thuật của người Khơ me, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Indonesia… Còn chữ S theo Từ Tùng Thạch (nhà bác học Trung Quốc) đã từng nói đấy là bóng dáng của chữ “Lôi” cổ.
Rồng thời Lý đã chứa đựng trong nó một quyền năng tối thượng, để vừa là biểu tượng cho vua, vừa là biểu tượng cho thần linh dân dã – chủ của nguồn nước – hiện thân của mọi nguồn hạnh phúc. Cho nên Rồng đã được đưa vào đồ thờ để như lời nhắn nhủ với cả hiện tại và tương lai về ước vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp đương thời. Tại Thăng Long (di chỉ Bách Thào) người ta đã tìm được trụ đá Rồng cuộn (dưới dạng ổ). Hình thức Rồng ổ cũng được tìm thấy ở bệ bia chùa Long Đọi (Hà Nam) và chùa Chương Sơn (Nam Định), nay lại tìm được một Rồng ổ lớn nhất trong “thiên tỉnh” của chùa Phật Tích (đường kính thân xấp xỉ 30cm). Một giả thiết làm việc của một số nhà dân tộc học mỹ thuật cho rằng, đó là một biểu tượng thủy long, biểu tượng nước thiêng của giếng.
Một dạng khác của Rồng chầu – được thể hiện nhìn nghiêng nổi toàn thân trên nền vân xoắn tay mướp, rồng thường há miệng như muốn đớp viên ngọc. Thực ra viên ngọc này, vào thời sau, đôi khi được chạm thành hoa cúc, nhiều người đã nghĩ đó là một dạng biểu tượng về tinh tú ẩn hiện trong bầu trời mây (Rồng)…
Hiện nay chưa tìm được một mảng chạm nào có Rồng thời Lý chầu mặt trời dạng mặt tròn, cũng như một con Rồng dưới dạng chạm tròn cụ thể.
Rồng thời Trần
Chuyển sang thời Trần, vào thế kỷ XIII, chỉ tìm thấy Rồng trên những di tích liên quan tới triều đình. Nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIV, Rồng xuất hiện nhiều trên cả đồ thờ, thậm chí trên kiến trúc chùa làng. Một điển hình thường gặp là Rồng xuất hiện trên nhang án đá được thể hiện cùng hàng với Garuda để “nâng” đài sen, như biểu hiện một sự quy y được chiếu giễu từ pháp lực vô biên của Phật và Bồ tát. Truyền rằng mẹ Garuda (Thần Điểu có sức mạnh cực kỳ to lớn) bị mẹ của loài rắn bắt làm tù binh. Để trả mối thù đó, Guruda thường đem các nàng công chúa rắn Nigi lên tầng không đùa cợt. Nhưng với đạo Phật thì hai kẻ tử thù này đã xoá bỏ được mọi hận thù.
Nhìn chung, theo dòng chảy của lịch sử mà Rồng đổi hình. Trước hết, trên đại thể Rồng trở nên mạnh mẽ hơn, nó không quá mềm mại điệp khúc kiểu Lý. Người ta thấy hình như nó vượt ra ngoài khuôn khổ.
Từ đó thấy được đặc điểm của tạo hình thời Trần và nhất là đề tài về Rồng như sau: Bắt đầu từ thế kỷ XIV ngoài một số Rồng trên nhang án đã chầu quả lôi và ngọn lửa vĩnh cửu thì chúng ta đã gặp Rồng chầu mặt trời (ở trần tháp Phổ Minh – Nam Định – niên đại 1310).
Cùng ở Rồng thời Trần, đã có nhiều yếu tố của thú mà thời Lý không có, như sừng hai chạc, tai, mũi sư tử… Rõ ràng đó là những chi tiết học hỏi từ văn hoá nghệ thuật Trung Hoa.
Suy cho cùng, Rồng vẫn là một biểu tượng gắn với quyền uy và gắn với mưa và nguồn nước và nói chung.
Rồng thế kỷ XV
Từ thời Lê sơ trên kiến trúc cũng như trên nhiều hiện vật, kể cả trên đồ thờ, Rồng đã chịu nhiều ảnh hưởng của phương Bắc. Hình tượng chúng như một chứng cứ sang trang truyền thống về Rồng. Chúng ta đã tìm được Rồng khá lớn ở thành bậc điện Kính Thiên (Hà Nội) mang nguyên tắc tạo tác ít nhiều của Rồng Trung Hoa, với những quy định cụ thể như: Mắt quỷ (tròn trong hốc sâu), miệng lang (miệng chó sói), sừng nai, tai thú, trán lạc đà, cổ rắn, vẩy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Những con Rồng này có hai chiếc đao mắt thường bay ra phía trước (khác thời Nguyễn thương hai đao xoắn lại).
Tạm thời chúng ta có thể hiểu ở thời này, mặt nào đó, Rồng đã phân hoá và như biểu hiện sự thắng thế của tầng lớp Nho sĩ trên chính trường, nó khẳng định quyền lực của vua trên lĩnh vực tinh thần với hình thức 5 móng.
Ở mặt bên của bia ở lăng Thánh Tông và hoàng hậu Ngọc Giao, Rồng còn như là biểu tượng cho tầng trời khởi nguyên của vũ trụ. Con Rồng chiếm gần hết độ cao của mặt bia đó, điểm xuyết xung quanh có đôi ba hạt tròn mang yếu tố âm hoặc dương, chưa phải là vòng tròn lưỡng nghi.
Rồng thời Mạc
Được diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau như ở trên cây đèn (lò Bát Tràng). Hình thức Rồng khoáng đạt bay bổng trên một nền bảng lảng vài cụm mây. Thân Rồng rất dài đã ôm gần trọn một vòng quanh cây đèn, với hai cách thể hiện là vẽ dưới men hoặc làm theo khuôn rồi dán lên thân đèn trước khi nung. Niên đại của những cây đèn này tập trung dưới thời Sùng Khang, Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị…
Trên các hiện vật cổ như ở khám thờ, ghế thờ, bệ tượng (nhiều khi cả trong kiến trúc)… chúng ta lại gặp một dạng Rồng có nhiều chi tiết mới. Đầu Rồng nhiều khi có cả mũi sư tử và chiếc vòi voi (cửa khám Từ Đạo Hạnh – chùa thầy, bệ tượng chùa Nành – Gia Lâm), đao rất dài chạy ra từ mắt và khuỷu chân, rồi lượn nhẹ bay ra sau, nhiều khi đè cả lên thân. Nhìn chung Rồng thời Mạc, tuy chịu ảnh hưởng từ Rồng thời Trần (trên đồ đá) và thời Lê sơ (trên kiến trúc gỗ) nhưng chúng đều như luôn muốn thoát khỏi ràng buộc trong xu hướng “động” mạnh hơn, tự do hơn… đôi khi không chịu theo một “bài bản” nào, mà tạo được vẻ đẹp đột ngột, hồn thiên (bia chùa Trà Phương – Kiến An – Hải Phòng).
Rồng thế kỷ XVII – XVIII nối tiếp phong cách Mạc và đã chuyển sang một phong cách mới, mặt khác chúng đa dạng hơn.
Vào giữa thế kỷ XVII, phần nhiều Rồng trở lên mập hơn, bỏ dần khúc lưng uốn yên ngựa, đa số có vẩy rõ ràng. Một điều dễ nhận biết về Rồng của thời này là trong một chừng mực nào đó chúng cân đối ấm áp hơn và đặc biểu tượng gắn liền với nước được phát triển mạnh như khẳng định ước vọng cầu no đủ. Củ thể là chúng hiện hình trên nền vân xoắn, và ngay cả một số bộ phận trên thân của chúng cũng hoá thân thành đao mác (xem trong biểu tượng tự nhiên). Người ta có thể hiểu vân xoắn và đao là chớp sấm và ánh sáng, còn Rồng là bầu trời mây, hợp lại là một biểu tượng cầu mưa. Trong tạo hình đao từ mắt Rồng là lớn và dài nhất, nó như tượng trưng cho cái chớp cái, làm nền cho các chớp cái, làm nền cho các chớp con bay ra từ vây, từ khuỷu, cả một hệ thống như tiếng sấm rền vang để gọi mưa gọi mùa sinh sôi.
Vào khoảng hai mươi năm cuối thể kỷ XVII, Rồng được chạm trổ rất nhiều ở trên kiến trúc, trên bia và các đồ thờ, tới lúc này, ngoài con Rồng bình thường, đã có hiện tượng loài vật hoá Rồng, nhất là Lân (được gọi là Long mã) và cá, rồi trúc cũng hoá Rồng. Về bố cục thì thường Rồng vẫn mập mạp và thân thường chìm đi trong hệ thống đao mác. Người ta nhận thấy rằng đao của Rồng ở giai đoạn này thường có mũi dài hơn giai đoạn giữa thế kỷ. Đặc biệt là ở nhiều mảng chạm Rồng được chạm theo hình tượng “người” dưới góc độ sinh hoạt cảnh, như vũ nữ thiên thân, tiên có cánh, thậm chí cả cảnh trai gái tình tứ, cảnh đấu vật hoặc táng mả hàm Rồng… (có người cầm cái hộp đang định nhét vào mồm Rồng)… cũng có khi điểm xuyết nhiều thú nhỏ, thạch sùng (?), rắn… leo treo ngày trên râu Rồng, hình thức đó như nói về tích truyện của Rồng đã “tằng tịu” với nhiều loài mà sinh ra chúng (Vì Rồng là biểu tượng của mây/mưa). Mà mưa là tinh dịch của trời cha tràn vào lòng đất mẹ cho muôn loài sinh sôi).
Rồng thế kỷ XIX.
Sang thế kỷ XIX, gần như Rồng bỏ hẳn loại đao mác mà chuyển thành đao đuôi nheo, người ta có thể thấy chúng có nhiều dạng kiểu, một dạng phổ biến là kế thừa từ thời trước với thân mập mạp (đã thay đao), cái riêng của chúng là ở hai chiếc đao mắt như râu cá trê. Trên kiến trúc, nhiều khi chúng được chạm dưới bộ tứ linh, với tư thế cuốn thuỷ để những con cá chép bơi ngược dòng mà dần hoá thân thành Rồng (cá vượt vũ môn).
(Nguồn: Trích từ cuốn sách “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội”)