Sen hay Cúc? 12/04/2021

Trong số 215 bảo vật quốc gia (BVQG) của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận qua 9 đợt xét duyệt, có 2 bảo vật bằng vàng được định danh trong hồ sơ BVQG là: “Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử (thế kỷ XIV)” – bảo vật số 16 trong danh sách BVQG ban hành kèm Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 25/12/2018 (ảnh 1 và ảnh 2); và “Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ (thế kỷ XI – XII)” – bảo vật số 5 trong danh sách BVQG ban hành kèm Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 (ảnh 3 và ảnh 4).

Ảnh 01: Hộp vàng. Ảnh tư liệu của Philippe Truong.

Ảnh 02: Mặt trên của hộp vàng. Ảnh tư liệu của Philippe Truong.

Ảnh 03: Bộ đĩa vàng. Ảnh tư liệu của Ban Quản lý di tích Hưng Yên.

Ảnh 04: Đĩa vàng. Ảnh tư liệu của Ban Quản lý di tích Hưng Yên.

Theo hồ sơ khảo tả 2 bảo vật, thì tạo hình và hoa văn trang trí trên 2 bảo vật này là hoa sen, thậm chí “hoa sen” còn được dùng để đặt tên cho bộ đĩa vàng ở Cộng Vũ. Chẳng hạn, thông tin về “Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử” trên website của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT-DL) ghi: “Hộp có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn, khi làm xuất lộ, lưỡi gầu máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm hiện vật hơi bị biến dạng. Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 múi chính, là phần đầu khớp với các cánh sen ở phía dưới thân, tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn…” (http://dsvh.gov.vn/hop-vang-ngoa-van-yen-tu-3090); còn thông tin về “Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ” trên website của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ghi: “Bộ đĩa gồm 5 chiếc đĩa vàng và 1 cục vàng nhỏ. Đĩa được tạo dáng tương tự nhau, như những đóa sen đang độ nở rộ… Vai và đầu cánh sen lượn tròn tạo vẻ mềm mại, thanh thoát. Đài sen chính là lòng đĩa có trang trí họa tiết hoa văn hình chim phượng, cúc dây, hoa mẫu đơn… Họa tiết hoa văn trang trí, đặc biệt là hoa văn hình chim phượng đứng trên hoa sen, đều được chạm khắc thủ công công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, mang đặc trưng mỹ thuật thời Lý sau khi dáng đĩa đã định hình…” (http://baotanglichsu.vn/…/bi-an-nhung-kiet-tac-bao-vat…).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, kiểu thức tạo hình và hoa văn trang trí trên 2 bảo vật nói trên không phải là hoa sen, mà là hoa cúc.

* Hình tượng Hoa Sen và Hoa Cúc trên di vật và di tích thời Lý – Trần:
Trong cuốn “Hoa văn Việt Nam” (Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật xuất bản, 2003) tác giả Nguyễn Du Chi đã thống kê các kiểu hoa văn trang trí là các loài hoa từng xuất hiện trên các di tích và di vật thời Lý – Trần, trong đó ông liệt kê 4 loài hoa: mai, sen, cúc và mẫu đơn, thuộc nhóm “tứ quý” (bốn mùa). Nguyễn Du Chi đã miêu tả chi tiết các kiểu hoa văn sử dụng hình tượng 4 loài hoa trên, kèm theo những kiến giải về ý nghĩa, kiểu thức tạo hình, vị trí và tần suất xuất hiện của các loài hoa này trên các di vật và di tích thời Lý – Trần, kèm theo hình vẽ, ảnh chụp và bản dập các kiểu thức trang trí của 4 loài hoa này.

Tham khảo những luận giải trong sách “Hoa văn Việt Nam”, kết hợp quan sát ảnh chụp 2 BVQG đề cập trên đây, đồng thời so sánh với những di vật bằng đá, gốm sứ, hay vàng bạc… từ thời Lý – Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ XI – đầu XX), chúng tôi thấy rằng có sự khác biệt rõ ràng giữa hoa văn hoa sen và hoa văn hoa cúc trong nghệ thuật cổ Việt Nam, được thể hiện trên nhiều di vật và di tích còn lưu lại ở Việt Nam và ở hải ngoại.

Trong nghệ thuật tạo hình thời Lý – Trần, hoa sen thường được thể hiện theo phong cách tả thực, cánh hoa to, đầu cánh hoa thường nhọn, đôi khi vểnh lên, rất giống với hình tượng cánh sen trong điêu khắc đá của nghệ thuật Champa. Có thể nhận thấy điều này qua các di vật tiêu biểu của thời Lý – Trần đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) như: chiếc ấm men trắng có nắp và vai ấm tạo hình hoa sen nhiều cánh (ảnh 5), bệ chân cột của một di tích thời Lý (ảnh 6).

Ảnh 05: Hình hoa sen trên ấm men trắng ngà thời Lý. Trích từ: Nguyễn Đình Chiến – Phạm Quốc Quân (2005). 2000 năm gốm Việt Nam (song ngữ Việt – Anh). Nxb Hà Nội, tr. 110.

Ảnh 06: Hình hoa sen ở bệ chân cột thời Lý. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trích từ: FB Hiếu Trần.

Trong khi đó, hình tượng hoa cúc trên di vật và di tích thời Lý – Trần thường là được thể hiện bởi cánh hoa nhỏ, thon dài, đầu cánh hoa hình tròn, thường tạo thành nhiều lớp cánh hoa trên cùng một hiện vật. Chẳng hạn như tạo dáng hoa cúc trên chiếc đĩa men ngọc (ảnh 7), hay hình hoa cúc trang trí trong lòng chiếc đĩa men ngọc khác (ảnh 8), đều là đồ gốm thời Lý, thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… So sánh kiểu thức trang trí trên những chiếc đĩa men ngọc này với hai bảo vật bằng vàng nói trên, chúng tôi thấy tương đồng và do vậy, gọi các kiểu thức trang trí trên 2 bảo vật này là hoa sen thì chưa chính xác.

Ảnh 07: Hình hoa cúc trên bát men ngọc thời Lý. Trích từ: Cổ vật Thăng Long – Hà Nội. Nxb Hà Nội, tr. 313.

Ảnh 08: Hoa cúc trên đĩa men ngọc thời Lý. Trích từ: Nguyễn Du Chi (2003). Hoa văn Việt Nam. Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội và Viện Mỹ thuật xb, tr. 235.

Cụ thể, đối với “Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử”, đây là chiếc hộp được chế tác bằng kỹ thuật gò, hàn, chạm, hoàn toàn không phải bằng kỹ thuật đúc. Thân hộp gò thành các múi nổi, thể hiện các cánh hoa cúc hình thon dài và đầu cánh hoa tròn. Mỗi cánh hoa lại trang trí lồng vào một hình hoa 4 cánh giống như hoa chanh. Trên mặt hộp, ở vòng ngoài thể hiện một vòng cánh hoa đầu nhọn, các lớp trong thì là những cánh hoa đầu tròn nhỏ. Theo chúng tôi, đây là cách miêu tả loại hoa cúc đại đóa, chứ không phải là thể hiện hình tượng hoa sen.

Còn các chiếc đĩa trong “Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ” thì được chế tác bằng kỹ thuật gò, hàn, chạm, và có kiểu dáng tương tự nhau, nhưng kích thước không đều nhau, lớn nhất 23,4cm, nhỏ nhất 18,5cm. Các đĩa này có một điểm chung là đều được bao quanh bằng các cánh hoa đầu tròn, ở đầu mỗi cánh có các đường viền nổi trơn và văn thừng xen kẽ từ trong ra ngoài, biểu thị cho nhiều lớp cánh chồng lên nhau, trong cùng là một lớp cánh ngắn chồng lên ở phần chân lớp cánh ngoài, nghĩa là đĩa được tạo hình theo hình dáng một bông hoa có nhiều lớp cánh. Lòng của các chiếc đĩa đều chạm hình các nhành hoa cúc gồm một bông hoa lớn ở chính giữa và 4 nhành hoa khác tỏa ra 4 hướng. Rõ ràng từ kiểu thức tạo hình, cho đến hoa văn trang trí trong lòng các chiếc đĩa, đều thể hiện hình tượng hoa cúc, không phải là hoa sen như các trích dẫn nêu trên. Cho nên, định danh bảo vật này là “Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ” e không chính xác.

* Về ý nghĩa và biểu tượng của Hoa Sen và Hoa Cúc
Cuốn “Hoa văn Việt Nam” của Nguyễn Du Chi giải thích ý nghĩa và biểu tượng của 2 loài hoa này như sau:
– Hoa sen là loại hoa được nhiều nước trên thế giới tôn thờ từ rất sớm… Người Ấn Độ coi hoa sen là tượng trưng cho quyền lực sáng tạo của thiên nhiên… Còn ở Việt Nam, trong mỹ thuật Phật giáo thì hoa sen là đề tài phổ biến, đặc biệt là được ca ngợi trong thơ văn Lý – Trần mà tác giả là các nhà vua, nhà sư nổi tiếng (Sđd, tr. 212 – 231).

– Hoa cúc cũng là một trong những loài hoa được nhiều nước trên thế giới nhất là các nước phương Đông, ca ngợi, quý mến… Ở Trung Quốc, hoa cúc được coi là một trong “tứ quân tử” vì phẩm chất trong sạch và thanh cao của nó… Ở Nhật Bản, đây là thứ hoa dành riêng cho vua và quý tộc, không ai được vẽ hoa cúc trên y phục… Ở Việt Nam thời Lý – Trần, hoa cúc rất được yêu thích, được coi là biểu tượng của thi ca, nhiều nhà thơ đã trồng hoa cúc trong vườn để ngâm vịnh và thưởng thức vẻ đẹp của nó (Sđd, tr. 231 – 246).

Trong khi đó, cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” thì cho rằng hoa cúc là biểu tượng của sự trường thọ, sự viên mãn và toàn vẹn. Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… thì hoa cúc còn là biểu tượng của mặt trời (Jean Chevalier – Alain Gheerbrant, Sđd, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr. 222).
Đặc biệt, khi các vua nhà Nguyễn chọn các chữ có bộ 日 (nhật: mặt trời) làm “tự danh” trước khi lên nối ngôi, thì trên nhiều món đồ sứ, đồ pháp lam của triều Nguyễn, ngoài việc viết chữ 日 làm hiệu đề, còn sử dụng hình tượng hoa cúc như là vương huy của triều đại nhà Nguyễn (ảnh 9). Cũng vì thế mà chúng ta đã thấy hình tượng hoa cúc xuất hiện trên chiếc trâm của một vương phi thời chúa Nguyễn (ảnh 10), hay trên chiếc trâm trên miện tế Nam Giao của hoàng đế nhà Nguyễn (ảnh 11).

Ảnh 09: Hoa cúc dùng làm hiệu đề trên một món pháp lam đời Minh Mạng. Ảnh của Trần Đình Nam.

Ảnh 10: Hoa cúc trang trí trên chiếc trâm của một vương phi thời chúa Nguyễn. Ảnh tư liệu của Vũ Kim Lộc.

Ảnh 11: Hoa cúc trang trí trên chiếc trâm của một vương phi thời chúa Nguyễn. Ảnh tư liệu của Vũ Kim Lộc.

Điều thú vị là, xem các lớp cánh hoa trên chiếc trâm ở miện tế Nam Giao này, rồi so sánh với sưu tập 5 chiếc đĩa vàng Cộng Vũ khi xếp chồng lên nhau, sẽ thấy tương đồng một cách lạ kỳ. Và rõ ràng đó là hình tượng của một bông cúc đại đóa.

 

Tác giả: Vũ Kim Lộc & Trần Đức Anh Sơn

Đăng trên báo Thanh Niên số 101 (9241) ra ngày 11.4.2021

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?