Tết Thanh Minh – cội nguồn của đạo Hiếu 20/01/2018

Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Sinh thời Đại thi hào Nguyễn Du từng viết trong truyện Kiều:

“Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.
Theo quan niệm của người Việt Nam, Tiết Thanh Minh thường vào tháng Ba, lúc này khí hậu chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt tươi, trùm kín lăng mộ, có thể làm cho mộ sụt lở, cần phải cắt cỏ và đắp thêm đất vào mộ. Việc cắt cỏ và đắp đất lên mộ gọi là tảo mộ. Mặt khác, vào thời gian này, đẹp trời, nhân đi tảo mộ, người ta có thể đi chơi ở ngoại thành ngắm cảnh, nên còn gọi là đạp thanh.
Thanh Minh tuy không phải là cái Tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam. Bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ Tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Tết Thanh Minh mang ý nghĩa cội nguồn, nhắc chúng ta không quên hướng về quê cha đất Tổ. Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh Minh với Tết Hàn thực, tức ngày bánh trôi bánh chay, được tổ chức vào ngày 3 tháng Ba Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh Minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời – lịch Dương, chứ không theo lịch mặt trăng – lịch Âm, thường rơi vào tháng Tư Dương lịch.
Tết Thanh Minh được bắt nguồn từ Trung Quốc. Đến thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày Tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày Tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi – bánh chay cho Tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội – hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi Tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi – bánh chay.
Đối với người Việt, Tết Thanh Minh còn là dịp để con cháu hướng về Tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày Tết Thanh Minh cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Tôi còn nhớ, lúc nhỏ, thường theo mẹ ra khu nghĩa trang để tảo mộ. Chúng tôi vừa đắp đất, nhặt cỏ rác, vừa vốc những mớ bùn có màu vàng để không lẫn uế tạp đắp lên chóp mộ. Chính bàn tay tôi đã rất nhiều lần tô từng ngôi mộ, ngắm đi, ngắm lại xem thế nào là đẹp. Xong thì cùng ông, cha thắp hương và thấy lòng tràn ngập niềm vui khó tả.
Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.Tết Thanh minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Phảng phất trong bóng dáng mỗi con người là dấu ấn quê hương không dễ phai mờ theo năm tháng. Quê hương, nguồn cội chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân chúng ta. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng liêng ấy, bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách.
Nguồn:http://duchoatu.net/news/Tin-van-hoa/Tet-Thanh-Minh-coi-nguon-cua-dao-hieu-313/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?