Tín ngưỡng Đức Thánh Trần (phần 2) 18/09/2017

Đức thánh Trần được thờ uy nghiêm trong các ngôi đền
II. CƠ SỞ VĂN HOÁ – XÃ HỘI CỦA TÍN NGƯỠNG ĐỨC THÁNH TRẦN
Cũng như tín ngưõng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng Đức Thánh Trần nằm trong hệ thống đạo thờ Thần Việt Nam. Nhưng nếu như tín ngưỡng thờ Thành hoàng đi theo con đường tiếp thu Nho giáo, chịu sự kiểm soát của triều đình thông qua việc phong sắc, nếu tín ngưỡng thờ Mẫu đi theo con đường tiếp thu Đạo giáo, nằm ngoài vòng kiểm soát của triều đình, thì tín ngưỡng Đức Thánh Trần dường như chịu ảnh hưởng của cả hai hướng Nho giáo và Đạo giáo. Có nhà nghiên cứu còn khẳng định đây là “tôn giáo Việt Nam, nửa thuộc Khổng giáo, nửa thuộc Lão giáo”. Gắn với Nho giáo, tín ngưỡng nhận được sự bảo trợ quí giá của các vương triều từ việc phong sắc tới việc xây dựng đền thờ, tổ chức quốc lễ. Dưới hình thức thờ Phúc thần – vị anh hùng cứu nước – tín ngưỡng vượt ra khỏi hàng rào kiểm toả chặt chẽ nhất của các vương triều thịnh Nho, đả Phật-Đạo như triều Lê, triều Nguyễn. Gắn với Đạo giáo, tín ngưỡng tìm được vị trí trong lòng lớp công chúng bình dân với một mục tiêu rất thế tục: cầu mong sự bình an, khoẻ mạnh. Cũng chính vì vậy, trong nhiều giai đoạn lịch sử, cả nhà nước lẫn dân chúng đều chung lòng tôn vinh Đức Thánh và bảo tồn tín ngưỡng.

1. Thái độ cởi mở của vương triều đối với tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo

Một số học giả đã nhận xét, dưới các thời Ngô-Đinh-Lê-Lý-Trần, mặc dù Nho giáo chiếm vị trí ngày càng mạnh hơn nhưng Đạo giáo vẫn rất thịnh, không chỉ trong dân gian mà ngay cả trong vương hầu quí tộc. Thái độ của các vương hầu quí tộc nhà Trần (cũng như ở các vương triều sau) đối với tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo là một yếu tố cho phép dự đoán tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã bắt đầu thành hình từ những năm đầu thế kỷ XIV ngay sau khi Trần Hưng Đạo qua đời (1300). Trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư[1], phần kỷ nhà Trần, Ngô Sĩ Liên (cũng như các sử gia trước ông: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên) đã liên tiếp chép những chi tiết cho thấy nhà Trần rất coi trọng tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Đạo sĩ. Thí dụ:

– Đinh Hợi 1227, thi con các nhà Tam giáo (nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo). Mồng 4 tháng 4 đến đền thờ thần núi Đồng Cổ, họp nhau thề rồi uống máu [tr.9]

– 1255, đạo sĩ ở cung Thái Thanh cầu tự cho vua, khi đọc sớ xong, tâu với vua rằng “Thượng Đế đã y lời sớ tâu, sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế 4 kỷ”…Quả nhiên, sinh con trai, ở hai cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử” [tr.27] – 1302, bấy giờ có người đạo sĩ ở phương Bắc là Hứa Tôn Đạo theo thuyền buôn đến, cho ở tại bến sông phường Yên Hoa. Phép phù thủy và đàn chay thịnh hành bắt đầu từ đây [tr.97]……vv..

Qua những chi tiết trên, chúng ta thấy một thái độ ứng xử khá cởi mở (nếu không gọi là sùng tín) của Vương triều Trần đối với tín ngưỡng dân gian và đó là mảnh đất tốt cho những tín ngưỡng có màu sắc Đạo giáo hình thành và phát triển. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần với phương thức ma thuật chữa bệnh đã bắt đầu xuất hiện chỉ một vài năm sau khi Trần Hưng Đạo mất cùng với “sự thịnh hành của phép phù thủy và đàn chay”, cũng như sự khủng hoảng chính trị ở giai đoạn hậu Trần (năm 1368, vua Trần còn vời đạo sĩ núi Yên Tử đi về kinh để hỏi về phép tu luyện).

Sang thời Lê, Nho giáo chiếm ưu thế, tuy nhiên tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo không phải đã hết vai trò, đặc biệt trong đời sống hàng ngày của tầng lớp bình dân. Sách Hội chân biên còn chép việc vua Lê Thánh Tông một hôm đi chơi chùa Ngọc Hồ, gặp tiên nữ, mời lên xe cùng về, xe đến cửa Đại Hưng thì tiên nữ biến mất, vua bèn sai lập “vọng tiên lâu”. Sự tích “vua nho đi chùa gặp tiên” đã nói lên trạng thái hỗn hợp tam giáo thời Lê. Thậm chí, trước khi đi đánh Chiêm Thành, Lê Thánh Tông sai quan đến Bích Câu Đạo quán hỏi tiên Trần Tú Uyên về sự thành bại của cuộc viễn chinh, và khi chiến thắng trở về, nhà vua phong Tú Uyên tước “An quốc chân nhân”. Dấu ấn Đạo giáo còn biểu hiện trong hiệu “Động chủ” của các vua Lê: Lê Thái Tổ – Lam Sơn động chủ; Lê Thái Tông – Quế sơn động chủ; Lê Thánh Tông – Thiên Nam động chủ…. Như vậy ảnh hưởng Đạo giáo vẫn thấm cả vào triều vua được coi “thâm nho” nhất. Đầu thời Lê, theo tài liệu, “xứ ta có 469 chùa, 92 quán, 48 đền và 252 miếu”[2]. Như vậy, con số đền miếu quán gắn với tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo cũng lên tới gần bốn trăm di tích.

Sang triều Mạc, với sự khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian lại tìm được chỗ đứng trong xã hội. Có thể nhắc đến Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ in đậm dấu ấn của Đạo giáo thần tiên. Đời sống chính trị-xã hội biến động phức tạp, lòng dân không yên và thái độ cởi mở về tín ngưỡng của các vương triều đã là mảnh đất thuận lợi cho sự hình thành và phát trỉển hàng loạt các trường phái Đạo Nội ở thế kỷ XVI, XVII như tín ngưỡng Tứ phủ, Nội Đạo Tràng của Trần Toàn…Tương truyền chính Trần Toàn đã vẽ bùa bằng chân và niệm thần chú chữa bệnh mọc lông cọp cho vua Lê Thần Tông. Nội Đạo tràng không chỉ ảnh hưởng đến vùng Thanh Hoá mà còn phát triển vào Nghệ An, và ra cả vùng Hưng Yên, Hải Dương ở đất Bắc. Dưới thời Nguyễn, chế độ phong kiến còn ở trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng hơn, xuất hiện nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, đời sống quần chúng khổ cực, nên các tín ngưỡng dân gian mang màu sắc Đạo giáo càng phát triển rộng. “Trong điều lệ hương đảng của Gia Long có năm khoản thì có tới ba khoản động tới tín ngưỡng Đạo giáo thì dư biết trong dân gian thuở đó, tín ngưỡng Đạo giáo nặng nề đến mức nào”[3].

Như vậy, có thể nói, trải qua các triều đại, dù có được khuyến khích hay bị cấm đoán thì các hình thức tín ngưỡng dân gian, đặc biệt các tín ngưỡng dân gian mang màu sắc Đạo giáo vẫn luôn tồn tại và có những lúc nổi lên khá rầm rộ. Đời sống chính trị xã hội luôn biến động đã là một cơ sở tạo điều kiện cho những hình thức tín ngưỡng này trong đó có tín ngưỡng Đức Thánh Trần tồn tại và phát triển.

2. Khuynh hướng phát triển ý thức tín ngưỡng dân gian

Cơ sở quan trọng làm nền tảng cho sự nảy sinh và nuôi dưỡng tín ngưỡng Đức Thánh Trần là truyền thống văn hoá tín ngưỡng của người Việt. Nước ta là một nước nông nghiệp, cuộc sống hàng ngày phải trông chờ vào mưa thuận gió hòa. Vì thế, người Việt nhìn đâu cũng thấy thần linh, thần linh ẩn mình trong mỗi hiện tượng tự nhiên, vụ mùa bội thu là sự gia ân của thần, đánh tan giặc ngoại xâm là do có thần linh giúp sức. Trên nền tảng đó, việc các nhân vật lịch sử, trong đó có Trần Hưng Đạo – những con người nhờ sức mạnh phi thường (hay là pháp thuật theo quan niệm dân gian) mà có công lao to lớn đối với dân tộc được coi là thần, cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác, có thể nhận thấy trong Việt điện có một hệ thống các vị thần được nhân dân tôn phong Thánh. Có Thánh ở tầm địa phương: Thánh làng nào làng ấy thờ; Có Thánh của vùng như thánh Bưng (Lê Phụng Hiểu), Thánh Lường (Trần Khát Chân); có Thánh nghề nghiệp như thánh Chu (Chu Văn An), thánh Khổng (Khổng Minh Không), có Thánh tầm cả nước như thánh Gióng, thánh Tản…Thật khó tìm ra một qui luật chung cho các vị thần được nhân dân tôn là Thánh, thế nhưng dù sao, hệ thống này cũng là cơ sở cho sự gia nhập thêm một vị nhân thần: Thánh Trần. Tâm thức dân gian luôn dành chỗ cho những người có thành tích một mỹ từ: Thánh, kể cả tôn Thánh khi còn sống – Thánh sống. Nếu như trong số các vị được tôn “Thần” cũng có người tốt, người xấu, có tà thần, dâm thần, thì trong tâm thức dân gian, Thánh thường phải là những thần-người hoàn thiện, hoàn mỹ, là chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nhân dân. Bởi vậy, không có gì khó hiểu trước hiện tượng Bác Hồ được suy tôn thành Thánh, đưa vào các di tích và cũng hương khói thờ phụng như nhiều vị Thánh khác. Đức Thánh Trần đã được tôn thờ trong một dòng tâm thức như vậy.

Bên cạnh hệ thống các Thánh, người Việt còn xây dựng một quan niệm về Tiên: người đẹp (đẹp như tiên); nơi sung sướng hạnh phúc (cõi tiên), có nhiều phép lạ biến hoá và chữa bệnh, cứu người (phép tiên). Nhân dân ta rất tôn thờ và ngưỡng mộ sâu sắc những người tuy “ở trần thế nhưng nhờ thông qua thiền định về tu luyện khổ hạnh mà đã đạt tới trạng thái hoàn thiện về tinh thần và vật chất”[4]. Ông Nguyễn Văn Huyên trong bài Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam đã có nhận xét khái quát: “Lòng tin vào thần tiên được làm sống động trong không gian. Từ đầu đến cuối nước Nam, từ Cao Bằng đến Hà Tiên, sự khát vọng bất tử được thể hiện một cách tế nhị thông qua các truyền thuyết mang ít nhiều sắc thái địa phương. Lòng tin đó cũng được duy trì theo thời gian. Mỗi thời kỳ quan trọng của lịch sử, mỗi thời đại thịnh vượng đều được minh họa bởi một sự xuất hiện của thần tiên. Ví dụ, vào đời nhà Lý là Thông Huyền, vị Tiên lương y; vào đời nhà Trần là Chân nhân Huyền Vân ở Chí Linh, là sự mất tích của Từ Thức hoặc là thanh gươm thần của Trần Hưng Đạo; vào đời nhà Lê là sự kết duyên giữa Tú Uyên và Giáng Kiều, là khúc anh hùng ca kỳ lạ của Liễu Hạnh..”[5]. Quan niệm về Tiên đã tạo nên chuyện Chử Đồng tử – một Chử Đạo tổ với cây gậy trúc có phép biến hóa cải tử hoàn sinh, và một Tây cung tiên nữ có thuật lấy giấy trắng viết một chữ son đỏ, đốt đi hoà tan giấy vào nước trong cho bệnh nhân uống, ai cũng khỏi bệnh. Đó cũng là một mẫu hình chân nhân (những người thực sự là con người) thành hệ thống trong lịch sử: Thông Huyên chân nhân (đời Lý), Huyền Vân chân nhân (đời Trần), Phạm Viên chân nhân (thế kỷ XVIII)..vv…Các chân nhân tu luyện đắc đạo bằng cách làm việc thiện dần dần trở thành Tiên bất tử, tách rời khỏi cõi thế. Mặt khác, một số vị Tiên lại được đầu thai hoặc giáng trần vì một sứ mệnh cao cả. Trong dòng tâm thức đó, dân gian đã lắp ghép vào tiểu sử người anh hùng cứu nước Trần Hưng Đạo một nguồn gốc Tiên giới: Thanh Tiên đồng tử đầu thai.

Từ sau thế kỷ XVI, XVII, với sự xuất hiện của Liễu Hạnh, hệ thống thờ Mẫu được dần dần hoàn chỉnh. Trong sự cảm nhận thiêng liêng về tình gia tộc, nghĩa “đồng bào” – vốn chi phối cả dân tộc ngay từ buổi ban đầu (truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ với bọc trăm trứng), trong tâm thức dân gian, đã có Mẹ thì cũng phải có Cha, và không có gì tuyệt vời hơn nếu vị trí đó được giành cho Trần Hưng Đạo, vốn đã là một vị Thánh trong lòng họ. Dân gian đã khéo kết hợp tất cả những tín ngưỡng dân gian, từ quan niệm đa thần, từ đạo tổ tiên, đạo Thánh, đạo Tiên, đạo Tứ Phủ để tạo nên một hình ảnh hoàn chỉnh của nhân vật mà người dân yêu quí: Đức Thánh Trần. Như vậy, do lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm của dân tộc ta đã trở thành tâm thức, nên đạo nào cũng muốn vươn ra, giành lấy những biểu tượng tốt đẹp cho mình. Vì thế, Đức Thánh Trần – biểu tượng cao đẹp nhất, dễ dàng được nhập vào các đạo khác. Đạo Mẫu cố đưa Thánh Trần và cả hệ thống Trần Triều đi vào điện Mẫu, và bản thân Ngài cũng được nhận làm Cha bên cạnh Mẹ Liễu Hạnh. Nội Đạo – vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo, với Chử Đạo Tổ vốn được coi là tổ sư, cũng đã nhanh chóng giành Đức Thánh Trần và đặt ông – vị nhân thần gần gũi hơn – vào vị trí cao quí nhất thay cho Chử Đạo Tổ. Đạo Tiên cũng giành Đức Thánh Trần bằng chi tiết Tiên đầu thai…

Mặt khác, sự xuất hiện tín ngưỡng Đức Thánh Trần vào thời hậu Trần có lẽ cũng do khuynh hướng tín ngưỡng lúc này không thỏa mãn với những gì đã có. Lý Tế Xuyên trong lời tựa Việt điện u linh đã bộc lộ: “Trong nước Hoàng Việt ta, các vị thần có miếu tự, có quốc tế xưa nay rất nhiều, nhưng những vị biểu dương được vĩ tích, âm phù được sinh linh thì không có mấy”[6]. Phái Thảo Đường của thời Lý có khuynh hướng từ bi, nặng về Phật giáo thần thông, Đạo Nội của Chử Đồng Tử với xu hướng thần tiên xa vời, người ta muốn dựng lên một hình thức tín ngưỡng mang màu sắc dân tộc tích cực hơn. “Tuy sự nghiệp và thân thế Ngài còn ghi trong sử sách chính xác, nhưng kỳ tích của Ngài đã được nhân dân thần thánh hóa là vị Tổ của dòng Nội Đạo thay thế cho Chử Đồng Tử thuộc dòng đạo Tiên thuần túy”[7].

Như vậy, nếu các đạo Thánh – đạo Tiên – đạo Mẫu muốn đưa Đức Thánh Trần vào hệ thống điện thờ để tăng thêm tính hấp dẫn của thành tích “hộ quốc an dân”, thì bản thân tín ngưỡng này cũng là kết quả biến chuyển, hòa nhập của các tín ngưỡng truyền thống: thờ Thánh, thờ Tiên, thờ Mẫu, và cả thờ cúng tổ tiên. Dư âm hào hùng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và kỳ tích của vị Tiết chế thống lĩnh quân đội Trần Hưng Đạo đã tạo ra một bối cảnh lịch sử – văn hóa thuận lợi cho khuynh hướng tâm linh muốn dựng một tín ngưỡng mới thuộc dòng Đạo Nội, gắn bó chặt chẽ với ý chí độc lập tự cường của dân tộc.

3. Nhu cầu tâm linh của nhân dân

3.1 Lý do chủ yếu cho việc hình thành và tồn tại tín ngưỡng, đó là lòng yêu nước và tự tôn dân tộc đã trở thành một đặc trưng sâu đậm của tâm thức dân gian người Việt. Sinh sống trên mảnh một mảnh đất luôn luôn bị giặc ngoại xâm dòm ngó, người Việt ý thức được sâu sắc sự tồn vong của đất nước phụ thuộc vào ý chí tự lực tự cường của mình. Có thể nói đã tồn tại một dòng truyền thuyết về chiến tích của những người anh hùng chống ngoại xâm. Việc thờ phụng các vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…được hình thành như một việc tất yếu, đương nhiên. Ngay sự tích của các nhiên thần cũng được lồng ghép với chiến công cứu nước. Đi đến bất kỳ di tích nào, chúng ta cũng nghe người dân ca tụng công lao của các thần, mà công lao đầu tiên không thể thiếu được là trừ giặc cứu dân. Nhìn chung các Thánh ở các làng đều có công đánh ngoại xâm. Vì thế, khi nước nhà có nguy biến, người dân Việt thường huy động sức mạnh của hồn thiêng sông núi vào sự nghiệp đại nghĩa. Chí sĩ Phan Đình Phùng đã cảm tác:

“Núi rất cao mà nước rất trong,
Thần linh sông núi chắc có ngầm giúp chúng ta,
Nếu không như thế, địch đông ta ít, sức chênh lệch,
Sao địch mới đến đầu khe đã thất kinh bỏ chạy ?”
(Cảm tác sau thắng trận)

3.2 Việc thờ phụng người anh hùng Trần Quốc Tuấn còn bắt nguồn từ truyền thống dân tộc – và cũng đã thấm sâu vào tâm linh mỗi người – đó là uống nước nhớ nguồn. Yêu nước, tự hào dân tộc và lòng biết ơn cội nguồn là những khía cạnh nổi trội trong tâm thức dân gian người Việt kể cả những người cầm quyền của các vương triều. Thực ra nhiều vương triều bắt nguồn từ tầng lớp bình dân (gốc rễ dân chài của nhà Trần, nhà Mạc), gắn bó với nhân dân từ trong chiều sâu tâm thức ( thí dụ các ông vua nhà Trần rất chú ý đến các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian: ca múa, đấu vật, bơi thuyền…). Nhưng, từ vị trí quản lý đất nước, các vương triều của nhà nước tự chủ rất cần đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng biết ơn cội nguồn để củng cố sức mạnh của cộng đồng. Ở đây, lý thuyết Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn tới tín ngưỡng. Để đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội, nhà vua phải vươn tới quản lý chặt chẽ một hệ thống từ Trung ương đến làng xã, kể cả hệ thống thần linh. Việc thờ phụng Đức Thánh Trần, do đó, được sự ủng hộ của cả vương triều nhà nước và dân chúng. Từ trong các nghi lễ thờ phụng vị anh hùng dân tộc đã xuất hiện con đường trao truyền sức mạnh thiêng liêng để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép “các châu huyện Lạng Giang bị bệnh chẩn đậu, nhiều người kêu cầu. Đến nay (1479 – năm Ngô Sĩ Liên chép Toàn thư) mỗi khi trong nước có giặc thì tế ở đền thờ, hễ thấy gươm trong hòm có tiếng kêu tất là đại thắng”[8]. Cũng sách này, tập 3, tr.29 ghi: vào tháng 2/1427, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh ở giai đoạn quyết liệt nhất, Lê Lợi đã “sai Dương Thái Nhất sửa chữa đền thờ Hưng Đạo Đại vương, cấm chặt cây ở miếu”. Không được phép chặt cây ở miếu vì năng lực thần linh của Đức Thánh đã ngự vào những cái cây ấy. Tục lệ trước khi đi đánh trận đến khấn lễ trước Ngài chính là để tiếp thêm sức mạnh từ truyền thống vẻ vang của dân tộc. Cũng chính vì lý do này, tín ngưỡng Đức Thánh Trần được bảo tồn và phát triển.

3.3 Khác với các vị Phúc thần, những anh hùng dân tộc khác, Trần Hưng Đạo được thờ như vị thần chủ của một dòng tín ngưỡng còn vì một lý do đặc biệt. Đức Thánh đáp ứng một nhu cầu tâm linh bình dị của những người dân nghèo. Ngoài cầu mùa, họ cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu an. Nếu như ở phủ Mẫu – người ta cầu lộc, cầu tài thì ở điện Đức Thánh Trần, họ tập trung cầu phúc, cầu an. Cầu phúc trước hết là cầu con, cầu sức khoẻ. Ai cũng muốn có con cái xum vầy, đường dây thế hệ không bị đứt, hơn nữa, có được người thừa tự. Nhưng trong thực tế, có nhiều người hiếm muộn con cái hoặc hữu sinh vô dưỡng. Họ hình dung có một thế lực siêu hình nào đó ngăn trở, hãm hại con đường sinh nở tự nhiên cũng như hành hạ thân xác của mình. Vì thế, họ mong được một sức mạnh siêu phàm giúp đỡ và Đức Thánh là đối tượng được họ tin tưởng khẩn cầu. Dân gian có câu Phúc đức tại mẫu. Cái phúc của một gia đình phụ thuộc vào người đàn bà nên người đàn bà phải “tích phúc”. Điều này cũng giải thích tại sao đa số những người đi lễ ở đền, phủ, chùa là phụ nữ. Hơn nữa, phụ nữ thường nhậy cảm, sống thiên về cảm xúc, ít suy lý nên mọi tín ngưỡng tôn giáo đều dễ dàng chinh phục họ, đặc biệt là những tín ngưỡng có sử dụng các thủ pháp ma thuật kỳ lạ, bí ẩn. Họ dễ bị thôi miên, ốp đồng và cũng dễ giải tỏa về mặt tâm lý.

Có thể nói, tín ngưỡng Đức Thánh Trần đáp ứng được nhu cầu của cả vương triều (yêu cầu khẳng định ý chí độc lập tự chủ của dân tộc) và lớp nho sĩ (trong ý niệm về địa linh nhân kiệt) cũng như nhu cầu giản dị của tầng lớp bình dân (bắt tà trừ ma chữa bệnh). Đức Thánh Trần cũng đáp ứng được mong muốn có một biểu tượng chống lại lực lượng xấu, tà khí (mà Phạm Nhan là đại diện). Đức Thánh Trần là biểu tượng của chính khí. Chính những nhu cầu vừa thế tục, vừa tâm linh ấy đã nuôi dưỡng cho tín ngưỡng tồn tại và phát triển trong suốt bẩy thế kỷ và vẫn còn nguyên sức hấp dẫn đối với người dân của xã hội đương đại.

III. BẢN CHẤT CỦA HIỆN TƯỢNG ĐỨC THÁNH TRẦN

Trần Hưng Đạo là một trong rất nhiều nhân vật lịch sử tài danh đã được thần hóa, nhưng ông là vị nhân thần có vị trí đặc biệt nhất trong thần điện Việt Nam. Vậy bản chất của hiện tượng này là gì?

1. Một hình thức tín ngưỡng dân gian – THỜ PHÚC THẦN

1.1 Hiện tượng Đức Thánh Trần mang những nét chung của các hình thức tín ngưỡng dân gian người Việt. Đối tượng phụng thờ là một nhân vật lịch sử. Hào quang thần thánh đã được bồi đắp bằng trí tưởng tượng phong phú của nhiều thế hệ dựa trên vốn sử liệu sơ sài nhưng đậm nét về người anh hùng giữ nước. Sự tôn kính của nhân dân đối với Đức Thánh bao chứa cả hai yếu tố: kính vì Ơn và kính vì Sợ . Ơn vì những công lao to lớn của Ngài đối với lịch sử dân tộc, Sợ vì những sức mạnh huyền diệu mà Ngài đã chiến thắng trong trận đọ sức với cả giặc Nguyên Mông hung hãn lẫn giặc Phạm Nhan. Trong những lúc khó khăn nhất của đất nước (giặc ngoại xâm) hay nỗi đau đớn vì bệnh tật, cầu khấn Thánh, người ta hy vọng một sự bình an, tai qua nạn khỏi. Dường như mối quan tâm của họ chỉ tập trung vào những ước mong cụ thể, bình dị chứ không biết đến những lý luận cao siêu về cái Thiêng hay Đấng Cứu thế. Ngay trong những người thành tâm tế lễ nhất cũng ít người hiểu nhiều và chính xác về đối tượng mà mình thờ phụng. Họ chỉ biết đơn giản Ngài là một vị tướng đánh giặc giỏi, một người chữa được bệnh và trị được ma tà (thậm chí có những nông dân chỉ biết đến tên Đức Thánh Trần nhưng không biết ông là ai). Thần tích về Ngài càng mờ ảo quanh cái trục “ích nước, lợi dân” ấy càng khiến cho trí tưởng tượng dân gian được chắp cánh và độ thiêng của thần càng lớn.

1.2 Tín ngưỡng Đức Thánh Trần còn là một dạng thức tín ngưỡng phức hợp. Nhìn chung, đây là tín ngưỡng thờ Thần – PHÚC THẦN. Nhưng trong nhiều khía cạnh khác nhau của tín ngưỡng có sự đan xen, giao thoa những yếu tố của cả tôn giáo lớn như Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian khác như thờ cúng tổ tiên, vật linh, thành hoàng, Tứ phủ..vv..Theo thống kê của các Bảo tàng địa phương, di tích thf Trần Hưng Đạo gồm đủ mọi loại hình: chủ yếu là đền, nhưng có cả chùa, đình, điện, miếu, phủ, tĩnh, am…Trong nhiều ngôi chùa, cũng như tín ngưỡng Tứ phủ, tín ngưỡng Đức Thánh Trần cũng chiếm được một ban thờ nơi cửa Phật, bên cạnh toà Tam Bảo. Các vị sư viết giúp sớ cho người dân bán khoán con cho Đức Thánh. Thực ra ngay từ thời Lý “Phật giáo đã lẫn lộn rất nhiều với tư tưởng Đạo giáo…Nếu chỉ thuần theo triết lý Thiền tông thì đạo Phật không đi vào quần chúng được. Muốn đi vào quần chúng Việt Nam thì không khỏi thỏa hiệp với tư tưởng tín ngưỡng dân gian ma thuật vốn có”[9]. Trong các đền, phủ thờ Mẫu cũng có ban thờ Trần Triều, thực chất là thờ Thánh Trần Hưng Đạo. Ngay trong dòng thờ Đức Thánh Trần, cũng có nhân vật Thiện Đạo Quốc Mẫu – vị Thánh Bà đã sinh ra người anh hùng kiệt xuất Trần Hưng Đạo, và sự nghiệp cứu dân độ thế, phù chính trừ tà cũng là nhờ “phúc đức tại Hậu”

Dấu ấn của đạo thờ tổ tiên cũng in đậm trong các di tích. Có cảm giác đây là những từ đường của dòng họ Trần. Hầu hết các di tích lớn đều thờ các vị khải Thánh (cha mẹ sinh ra Thánh) và thờ con trai, con gái, con rể của Trần Hưng Đạo. Vùng di tích đậm đặc nhất là xứ Nam (đặc biệt Nam Định), quê hương của ông. Nghi thức “tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” phải chăng cũng là một dạng phóng đại của mô thức gia đình và hình thức thờ cúng tổ tiên?

Đặc biệt có nhiều di tích vốn thờ nhiên thần: thần sông, thần núi, cũng tìm cách đưa Đức Thánh Trần vào phối tự. Ví dụ như đền Đồng Bằng-Thái Bình đã nói ở trên. Đây vốn là đền thờ Vua cha Bát Hải – thủy thần, nhưng hiện đang thờ vọng Trần Hưng Đạo. Điều này có thể giải thích: một mặt, bằng sức hút của dòng tâm thức đề cao các anh hùng cứu nước nên nhiều nhiên thần đã được nhân hóa mang công trạng “phò vua giúp nước” (rắn thần hóa người đi dẹp giặc giúp vua Hùng); mặt khác, việc đưa các anh hùng cứu nước vào phối tự sẽ đảm bảo được sự tồn tại bền vững của di tích trong sự thẩm xét chặt chẽ của các vương triều. Hơn thế, nhờ kết hợp với tín ngưỡng thờ Thánh mà đền Đồng Bằng có được sức hấp dẫn mạnh hơn đối với tín đồ (cúng lễ, hầu bóng trừ ma tà). Có một hiện tượng khá rõ là Trần Hưng Đạo thường được thờ ở những vùng ven biển. Tất nhiên đây là địa bàn đánh giặc của ông, hơn nữa gốc nhà Trần là dân chài, nhưng phải chăng, tâm thức dân gian đã qui Đức Thánh Trần vào dòng dõi thủy thần?

Tín ngưỡng Đức Thánh Trần ở một số nơi lại đan xen với tín ngưỡng thờ thần thành hoàng, chủ yếu trong các đình. Đặc điểm phức hợp này có lẽ cũng là đặc điểm của nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian ở nước ta.

1.3 Điều chúng tôi đặc biệt lưu ý là tín ngưỡng Đức Thánh Trần là một hình thức tín ngưỡng thờ Phúc thần có liên quan đến thờ tà thần – dấu ấn còn lại của tín ngưỡng nguyên thủy. Tác giả Tạ Chí Đại Trường có viết: “Mối liên hệ thờ cúng giữa Phạm Nhan và Trần Hưng Đạo chứng tỏ một thần nhảm nhí giữ được hương khói đến năm trăm năm không phải vì không có một Địch Nhân Kiệt như nhà nho thế kỷ XVIII đã than thở (ý nói Vũ Phương Đề), mà vì người dân đã biết cách lập được một cơ cấu truyện tích để ghép thần của họ vào với vị phúc thần của nhà Trần…Uy thế người chiến thắng của Trần Quốc Tuấn làm cho ông có được tư thế cao hơn nữa, xứng đáng là phúc thần của đất hương hỏa, đủ quyền áp đảo các thần nhảm nhí ở địa phương, trong đó có thần Nhan. Và do đó, thần Nhan tồn tại theo với sự thờ cúng thần Vạn Kiếp trong một truyện tích mang kịch tính của chiến tranh hơn là sự thật lịch sử”[10].

Trong thực tế, có thể có một nhân vật lịch sử như vậy, một tên phù thủy được giặc Nguyên sử dụng để uy hiếp binh lính ta. Sách Lịch triều sau này cũng coi đây là một nhân vật có thật. Nhưng dân gian ít biết tên gọi Bá Linh (có thể bắt nguồn từ linh nhân), chỉ gọi Phạm Nhan. Ở đây đã có yếu tố nối kết với chuyện Thanh tiên đồng tử giáng trần để trừ kẻ làm loạn. Cũng theo tác giả Tạ Chí Đại Trừơng thì từ nhan có thể là danh xưng của thần nói chung ở vùng này, nói cách khác là “thần sông của xã An Bài”. Điểm nổi bật có vẻ là yếu tố trung tâm là “thần đi khắp nước để tìm hút máu”(đàn bà). Ông còn dự đoán: “họ Trần gốc dân chài hẳn có lúc cũng thờ thần Nhan”. Từ Nhan theo gợi ý của giáo sư Trần Quốc Vượng có thể là biến âm từ blam, mnam, ma-nậm (người vùng này gọi nước là nậm), ma-nam (ma dưới nước) và thành nhan. Như vậy, “nhan” có nghĩa là ma quỉ dưới nước. Tâm thức những người dân chài, dân sông nước thường chịu sự chi phối của Nhan là vì thế. Dân gian hình dung con ma nước ở dưới dạng: nào khúc sông sâu, nào tảng đá ngầm, nào con sóng lớn, và cả sự ô nhiễm của dòng nước luôn luôn đe dọa công việc làm ăn, sức khoẻ và cả sự sống còn của con người. Có lẽ vì vậy, bệnh sản hậu của phụ nữ – thường do vệ sinh không tốt, bị nhiễm trùng bởi dòng nước bẩn – được gắn kết với “Nhan”- kẻ chuyên hại phụ nữ. Khi con người thiếu hiểu biết, thiếu khả năng chế ngự, tự bảo vệ thì đương nhiên con người sẽ thần bí hóa đối tượng. Cái sức mạnh bí ẩn vô hình đã được con người vật chất hóa thành một nhân vật cụ thể: giặc Phạm Nhan. Từ chỗ chỉ là ma nước, giặc sông, truyền thuyết dân gian đã hình dung sự bành trướng của Nhan ở trên rừng, mặt đất qua câu chuyện chặt Nhan làm ba khúc: khúc lên rừng thành vắt, khúc ở đất thành muỗi, khúc dưới sông là đỉa. Đây là những con vật chuyên hút máu người, có thể có mặt ở khắp nơi. Truyện tích dân gian đã đẩy tầm hiểm họa của Nhan đến mức phổ biến.

Mặt khác, trong tâm thức dân gian, hướng Bắc được coi là hướng tà khí, vì vậy dân gian đã ghép Phạm Nhan vào đội quân phương Bắc đến xâm lược nước ta. Trần Hưng Đạo đã có đủ uy để dẹp giặc phương Bắc thì tất cũng có sức mạnh dẹp giặc Phạm Nhan.

Tuy vậy, nỗi sợ hãi đã buộc những người dân phải lập đền thờ Phạm Nhan, cũng như chính sự sợ hãi đã buộc họ phải thờ nhiều dâm thần hay tà thần khác. Khi trực tiếp khảo sát đền thờ Phạm Nhan ở thôn An Bài, xã An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương, chúng tôi lưu ý tới hiện tượng: dân làng không dám thừa nhận việc thờ Phạm Nhan. Họ lảng tránh câu hỏi và ý thức được việc thờ tà thần. Ngôi đền đã bị phá hồi cải cách ruộng đất, hiện chỉ còn hậu cung với ban thờ rất sơ sài. Hiện nay, mấy gian nhà văn hóa được xây phía trước như một tấm phông che chắn việc thờ cúng ở hậu cung. Hiện tại, đền không còn một sắc phong hay dấu vết thần tích nào. Dân các làng bên cho biết, trước kia ngai thờ của đền có chạm khắc hình thù các con vật đỉa, vắt, muỗi (một dạng hèm, liên quan đến truyện tích của thần Nhan). Vào ngày Kiếp Bạc làm lễ, dân làng này quay ngai thờ vào phía trong (!). Hơn thế, do bị chế ngự bởi một sự ám ảnh nào đó, người dân An Bài không bao giờ tham dự lễ hội đền Kiếp Bạc.

Như vậy, ở các di tích thờ Đức Thánh Trần, giặc Phạm Nhan được nhắc tới như một bóng ma luôn lẩn quất. Người dân cầu cứu sự trợ giúp của Thánh, nhưng cũng ẩn giấu trong đó cả sự kính sợ tà ma. Vì vậy, dâm thần, “thần nhảm nhí” cũng đã được “ăn theo” sự phụng thờ có tính chất quốc lễ đối với Đức Thánh cao cả.

2. Hình thức tín ngưỡng đậm màu sắc Đạo giáo

Trong quá trình hình thành và tồn tại, các tôn giáo tín ngưỡng thường có ảnh hưởng tác động qua lại, vay mượn lẫn nhau. Ở Việt nam, dường như không có tôn giáo nào hoàn toàn trung thành với nguyên lý khởi thủy. Chúng buộc phải vận động, thay đổi thích nghi với điều kiện xã hội lịch sử cụ thể và nhất là để phù hợp với nhu cầu tâm linh mang sắc thái dân tộc của các tín đồ. Ngược lại, các tín ngưỡng bản địa vốn được hình thành một cách tự phát, không có các lý thuyết trừu tượng cũng đã dần dần vay mượn giáo lý của một số tôn giáo để tồn tại và phát triển. Do có một số đặc điểm tương đồng, Đạo giáo là tôn giáo có mối liên hệ chặt chẽ nhất đối với các tín ngưỡng dân gian bản địa. Dấu ấn Đạo giáo đặc biệt in đậm nét trong hiện tượng văn hóa mà chúng ta đang tìm hiểu: Tín ngưỡng Đức Thánh Trần.

Quá trình giao lưu văn hóa đã đưa Đạo giáo Trung Hoa đi khắp các vùng, trong đó có Việt nam. Vào nước ta có cả hai dòng tu tiên và phù thủy. Nhiều truyện dân gian đã đề cập đến chuyện gặp tiên như truyện Từ Thức, truyện Bích Câu kỳ ngộ hay chuyện vua Lê Thánh Tông gặp tiên ở chùa Ngọc Hồ. Dòng phù thủy còn đậm nét hơn với chuyện Triệu Quang Phục có mũ đầu mâu gắn móng rồng, tên bắn không trúng; thần Long Đỗ dùng phép làm nổ tung trấn huyệt bằng sắt của Cao Biền ở đền Bạch Mã; Từ Đạo Hạnh có phép ném gậy trôi thẳng đứng và đã đầu thai thành vua Lý Thần Tông v.v. Nhưng, cũng như ở Trung Hoa, Đạo giáo có biến đổi trong từng giai đoạn lịch sử và xã hội cụ thể, khi du nhập vào Việt Nam, nó đã kết hợp với thuyết vạn vật hữu linh, các phương thức hiến tế ma thuật của cư dân bản địa từ thời nguyên thủy, để khi có điều kiện thuận lợi, nó trở thành các hình thái tín ngưỡng có tính chất Đạo giáo của chính người Việt (thường được gọi là Đạo Nội). Tín ngưỡng Đức Thánh Trần là một dạng thức như vậy.

Màu sắc Đạo giáo trong tín ngưỡng Đức Thánh Trần biểu hiện cả trong nội dung thần tích, mục đích tín ngưỡng và các phương thức hành lễ.

Trước hết, nếu Đạo giáo hướng tới sự bất tử của cả linh hồn và thể xác, mong muốn con người có sức khoẻ để đạt tới trường sinh thì việc thờ phụng Đức Thánh Trần cũng có mục tiêu chữa bệnh, giữ sức khỏe. Đây không phải là mục tiêu duy nhất, nhưng đối với người bình dân, đây là mục tiêu thiết thực cụ thể hơn cả. Có thể thấy, nhân dân sùng bái ở Đức Thánh Trần trước hết cái quyền năng ma thuật của Ngài và thực chất của tín ngưỡng là nhằm trừ ma tà, chữa bệnh. Nắm lấy chi tiết Trần Hưng Đạo lập vườn Dược Sơn trong tiểu sử, cộng với các chiến công oai hùng của ông, dân gian đã xây dựng nên truyền thuyết thần trao cho ông thứ DƯỢC LINH để cứu người, bên cạnh THANH KIẾM THẦN để giúp đời. Dược Linh là thứ thuốc linh thiêng có thể giúp con người thoát khỏi mọi bệnh tật, có sức khỏe dồi dào. Khát vọng về sự “trường sinh bất tử” hẳn vẫn tiềm ẩn trong tâm thức dân gian, nhưng giản đơn hơn, họ mong tránh tật bệnh, tai qua nạn khỏi. Dân trong vùng thường hái các thứ lá trên núi, phơi khô, bán làm thuốc tại cửa đền. Khách hành hương dù không tin tưởng vào chuyện xua đuổi tà ma thì vẫn có thói quen mua nắm lá tại đền về đun uống để giải nhiệt, trừ tà khí. Điều đáng nhấn mạnh là việc chữa bệnh của tín ngưỡng chủ yếu theo các phương thức phù chú ma thuật – hình thức chữa bệnh quen thuộc của Đạo giáo. Tàn hương, nước thải, đất sau ban thờ, nước giếng thần…được coi là Dược Linh. Thanh đồng ốp tà, thôi miên người bệnh tự đuổi tà ma ra khỏi mình, dán bùa bán khoán con trên cột nhà…mang rất rõ tính ma thuật. Bởi vậy, ở một khía cạnh nào đó, tín ngưỡng Đức Thánh Trần cũng có thể coi như một dạng ma thuật chữa bệnh. Tương truyền có nhiều người khỏi bệnh (chủ yếu do giải tỏa tâm lý), và sức mạnh của các “tin đồn” đã đánh trúng tâm lý của bệnh nhân “có bệnh thì vái tứ phương”. Một đồn mười, mười đồn trăm…, dần dần trở thành niềm tin thiêng liêng không cần đến sự lý giải hay kiểm chứng.

Sự ra đời của Đức Thánh Trần gắn với danh xưng Thanh Tiên đồng tử là một biểu hiện gắn bó giữa tín ngưỡng thờ Ngài và dòng tu tiên Đạo giáo. Thanh Tiên đồng tử – vị tiên nhỏ áo xanh – in dấu trong tất cả mọi truyền thuyết về Trần Hưng Đạo. Đồng tử là khái niệm chỉ trẻ con, gắn liền với những gì tự nhiên. Trong kho tàng văn hóa dân gian người Việt, chúng ta rất hay gặp danh từ này. Chử Đồng Tử, Chiêu Văn Đồng Tử Trần Nhật Duật chẳng hạn. Nguyên lý gốc của Đạo giáo với tư tưởng của Lão Tử đề cao cuộc sống tự nhiên, nguyên thủy, tránh mọi sự can thiệp (“vô vi nhi trị”- trị bằng cách không làm gì trái với tự nhiên). Theo lý thuyết này, trẻ con là người đại diện cho tự nhiên. Khát vọng sống một cách tự nhiên của con người cũng thường bắt gặp trong các motip: người trần bắt gặp Tiên tắm, hay chi tiết Chử Đồng Tử không quần vùi mình trong cát, mảnh đất mà Chử Đồng Tử và Tiên Dung dựng lều sau gọi là Đầm Tự Nhiên…vv. Việc giáng trần của các vị đồng tử thường để thực hiện một sứ mạng nào đấy. Thanh tiên đồng tử xuống trần đầu thai để trở thành một vị tướng giúp dân trừ tà, dẹp loạn. Còn từ “Thanh” trong Thanh Tiên nhằm chỉ màu sắc của trang phục. Thần điện Đạo giáo có Tam Thanh: Thượng Thanh, Ngọc Thanh và Thái Thanh. Chính đạo Cao Đài ở nước ta đầu thế kỷ XX cũng có biểu tượng ba vị này. Hình tượng chú bé áo xanh Thanh Tiên đồng tử phải chăng cũng bắt nguồn từ màu xanh thiêng liêng của Đạo giáo ?

Theo truyền thuyết, khi mất – cũng là khi hoàn thành sứ mệnh giết giặc trừ tà – Thanh Tiên đồng tử trở về trời được Ngọc Hoàng phong Cửu Thiên Vũ Đế, cao chức hơn tất cả các vị Đế trông coi ở mỗi phương. Nhưng tâm thức dân gian vẫn lưu giữ hình ảnh anh hùng của Ngài và tôn phong Ngài thành Đức Ngọc Hoàng cai trị chốn trần gian. Dân gian đã sử dụng mô hình của Đạo giáo nhưng thay vào vị trí cao quí nhất, họ đã đặt vào đó người anh hùng mà mình tôn kính. Thông thường trong cách bài trí ở các quán và ở các chùa, phủ chịu ảnh hưởng của Đạo giáo (ví như ở Phủ Tây Hồ- Hà nội) có bộ ba tượng: Ngọc Hoàng chính giữa, Nam Tào bên trái, Bắc Đẩu bên phải. Nam Tào-dương, Bắc Đẩu-âm. Không biết tự thời điểm nào mà ngọn núi hai bên đền thờ Kiếp Bạc đã được mang tên hai vị quan (chủ sự sinh-tử) giúp việc Ngọc Hoàng. Hơn thế, dân gian đã gắn hình ảnh hai người tâm phúc nhất của Hưng Đạo Vương là Yết Kiêu và Dã Tượng vào vị trí hai vị quan phò tá Ngọc Hoàng. Chuỗi logich của tâm thức là Yết Kiêu và Dã Tượng đã từng phò tá Hưng Đạo Đại Vương khi ở trần gian thì ở thế gíơi bên kia, họ sẽ trở thành Nam Tào-Bắc Đẩu tiếp tục giúp việc Ngọc Hoàng – Đức Thánh Trần trong việc cứu dân, giúp đời. Ngay tại Hà nội, đền Phù Ủng (phố Lý Quốc Sư), chúng ta cũng bắt gặp bộ ba tượng này với ý nghĩa tương tự.

Các nguyên lý âm dương, dịch, ngũ hành như những dòng tư tưởng triết học cổ đại Trung Hoa đã được Đạo giáo thần hóa đến mức triệt để. Tín ngưỡng Đức Thánh Trần đã tiếp nhận sự thần hóa này. Người ta thường nhắc câu ca “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Sự đối sánh Cha-dương và Mẹ-âm, tháng Tám-âm và Cha-dương, tháng Ba-dương và Mẹ-âm, tất cả đều dựa trên quan niệm âm dương đối đãi, hòa hợp để tạo ra sự phát triển. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng gốc rễ của lễ thức này là nghi lễ cầu nước (tháng Ba giỗ Mẹ – cầu Mưa), cầu tạnh (tháng Tám giỗ Cha – cầu Tạnh) của cư dân nông nghiệp cổ. Ở đây có thực tế: Trần Hưng Đạo mất tháng Tám và Liễu Hạnh mất tháng Ba. Nhưng thực ra, đối đãi âm dương, cặp đôi CHA-MẸ chỉ là một nguyên lý, nên nó có thể biến đổi theo tâm thức của nhân dân từng vùng. CHA có thể là Bát Hải đại vương (vùng Quỳnh Phụ, Thái Bình) hay Sơn Tinh (vùng Phú Thọ). MẸ có thể là Âu Cơ (vùng núi phía Bắc), Thiên Yana (miền Trung) hay Thiên Hậu (miền Nam). Đối sánh CHA-MẸ ấy có thể là Lý Nam Đế và Liễu Hạnh ở vùng Phủ Giầy, Vụ Bản; là Bát Hải và Liễu Hạnh ở vùng Quỳnh Phụ, Thái Bình; hay là Sơn Tinh-Âu Cơ ở Phú Thọ…Nhưng, nhìn chung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đối sánh CHA-MẸ được quan niệm phổ biến là cặp Đức Thánh Trần và Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lý thuyết về Dịch được thần hoá trong thuyết phong thủy. Với quan niệm mọi sông núi gò bãi trên mặt đất đều do tác động của các vì sao, có sao xấu và sao tốt nên cũng có những thế đất xấu, tốt. Người ta thường quan niệm đặt âm phần ở thế đất tốt (“mả táng hàm rồng”) thì con cháu có phúc đức, làm ăn phát đạt và ngược lại, thế đất xấu sẽ làm hủy hoại. Ngay việc suy vong của nhà Trần, các sử gia đời sau cũng còn chép do việc đào kênh làm đứt long mạch. Dân gian giải thích Trần Hưng Đạo có được sức mạnh siêu phàm một phần vì thế đất đặt bản doanh tốt (truyền thuyết chuyển doanh trại đến chỗ chó mẹ ba lần tha con đến). Theo thuyết phong thủy thì Kiếp Bạc có thế đất lý tưởng: phía trước là sông Thương, xa một chút có sông Lục Đầu (tụ thủy), phía sau là dãy núi Rồng (hậu chẩm), hai tay ngai Nam Tào, Bắc Đẩu (tả thanh long, hữu bạch hổ). Địa linh tất sinh nhân kiệt.

Nguyên lý ngũ hành xuất hiện cuối thời Chiến Quốc đã được Đạo giáo thần hóa thành ngũ phương ngũ thần. Chuyện trói Phạm Nhan bằng chỉ ngũ sắc là một ví dụ. Không có một loại dây nào có thể bắt được tà mà, trừ loại chỉ ngũ sắc: màu xanh hành Mộc ở phương Đông có thần Thanh Đế; màu trắng hành Kim ở phương Tây có thần Bạch Đế; màu đỏ hành Hỏa ở phương Nam có thần Xích Đế, màu đen hành Thủy ở phương Bắc có thần Hắc Đế và màu vàng hành Thổ ở trung tâm có Hoàng Đế. Trong các đền chùa ta thường gặp ban thờ Ngũ Hổ cũng với ý nghĩa như vậy. Truyền thuyết còn kể chuyện cuộc giao chiến giữa Trần Hưng Đạo và Phạm Nhan được diễn ra theo trận đồ bát quái. Hơn nữa chân dung Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần thường gắn với thanh kiếm thần. Đương nhiên kiếm là biểu tượng của một võ quan, nhưng đó cũng là biểu tượng của một đạo sĩ, một vật biểu trưng thường có trong Đạo giáo. Đức Thánh Trần trong trí tưởng tượng dân gian có dáng dấp của một đạo sĩ: niệm thần chú, đốc kiếm, xoã tóc. Trần Khánh Dư đã viết lời tựa trong cuốn Vạn Kiếp tông bí truyền thư “phải lấy năm hành cảm ứng với nhau, chín cung cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quay vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát, phương lợi sao tốt, thần hung tướng ác, ba cát năm hung, đều rõ rệt cả”[11]. Tính “bí thuật” của cuốn sách (đã mất) có khả năng khơi nguồn cho những yếu tố mờ ảo, bí hiểm rất hấp dẫn đối với người bình dân. Họ hình dung cuộc đấu trí, đấu lực giữa Trần Hưng Đạo và Phạm Nhan như cuộc đấu giữa hai đạo sĩ và phần thắng đã thuộc về người có quyền lực siêu phàm hơn. Đó cũng là một biểu tượng dân gian muốn gửi gắm: Trần Hưng Đạo – CHÍNH KHÍ, Phạm Nhan – TÀ KHÍ, và chính khí tất yếu thắng tà khí !

2.3 Thực ra, khi lưu ý tới các yếu tố mang màu sắc Đạo giáo trong tín ngưỡng Đức Thánh Trần, chúng ta rất khó chỉ ra những gì chịu ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa và những yếu tố bản địa có sẵn trong các phương thức ma thuật, sa man nguyên thủy. Các hình thức ma thuật này vốn có tính phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của rất nhiều dân tộc ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Hơn nữa, Đạo giáo Trung Hoa cũng đã được thành hình trên cơ sở những tín ngưỡng dân gian lâu đời của chính người Trung Hoa. Chính vì thế, chúng tôi quan niệm đây chính là một thứ Đạo giáo của Việt nam (Đạo Nội). Tuy chịu ảnh hưởng đậm của Đạo giáo Trung Hoa nhưng nó đã được hình thành tồn tại và biến đổi trong hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam và để thoả mãn nhu cầu tâm linh của con người Việt Nam. Một nhà nghiên cứu nước ngoài, ông Maurice Durand đã nhận xét: “Thần linh của Nội Đạo là một anh hùng hiển linh hóa Trần Hưng Đạo. Trở nên thần linh, Ngài có chức vụ diệt trừ ma quái đúng như khi Ngài sống đã diệt trừ mà quái Mông cổ. Thầy cúng của tôn giáo này là đồng cốt mà miếu chư vị thần linh gồm có Trần Hưng Đạo với toàn gia đình hiển thánh.Tôn giáo Nội đạo cũng như tất cả tôn giáo thế giới lập cước trên một nền luân lý mà những yếu tố cấu tạo là những đức tính nhân loại như đức nhân, tinh khiết, trung thực. Nhưng, hình thức lễ nghi có liên hệ với tục lệ của Đạo giáo. Nội đạo hình thành ở Bắc Việt và có một số tín đồ. Nó phát triển nhất ở Kiếp Bạc trong tỉnh Hải Dương, nơi thánh địa của anh hùng”[12].

Tín ngưỡng Đức Thánh Trần đúng là “đã lập cước trên một nền luân lý” bền vững ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường cũng như lòng nhân ái bao dung “thương người như thể thương thân”. Đối với các tôn giáo ngoại lai như Phật giáo, Đạo giáo và cả Ki Tô giáo, nếu điểm nào trong các giáo lý phù hợp với nền luân lý ấy, trong hệ qui chiếu ấy, đều được người Việt chấp nhận. Ngược lại, sẽ bị người ta từ chối, gạt bỏ. Cái gọi là “động cơ tâm lý” của dân chúng dẫn tới tôn thờ vị Thần linh của Nội Đạo, hình thành hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt này thực ra không ngoài việc sùng bái người anh hùng cứu nước cứu dân đã có được đầy đủ phẩm chất và tài năng theo chuẩn mực mà họ luôn mong ước: trung hiếu, nhân lễ, trí dũng, tín nghĩa.

Trong các vị thần linh của Đạo Nội (đạo trong nước), Đức Thánh Trần là nhân vật có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy không phải là vị thần sớm nhất của Đạo Nội (khi trong dân gian vẫn còn lưu danh Chử Đạo Tổ) nhưng Đức Thánh Trần là vị nhân thần đầu tiên tạo nên được một dòng tín ngưỡng riêng trong hệ thống Đạo Nội Việt nam: tín ngưỡng Đức Thánh Trần.

IV/ KẾT LUẬN

1. Bằng những kết quả khảo sát đời sống văn hóa dân gian người Việt, từ kho tàng ngữ văn: truyền thuyết, thần tích, văn bia, câu đối, từ những dấu tích vật chất của hệ thống các di tích thờ phụng: đền, miếu, đình, chùa, phủ, tĩnh, điện…, đến những sinh hoạt tế lễ hàng ngày, các kỳ sóc vọng và đặc biệt ở thời điểm lễ hội Tháng Tám giỗ Cha, có thể thấy một hiện tượng văn hóa dân gian đặc biệt: TÍN NGƯỠNG ĐỨC THÁNH TRẦN. Không gian văn hóa của tín ngưỡng trải rộng từ Bắc tới Nam. Tín ngưỡng thờ Đức Thánh thiêng liêng đã theo bước chân lập nghiệp của người Việt đến những vùng đất mới, nhưng đặc biệt tập trung đậm đặc ở vùng xứ Nam (quê hương) và xứ Đông (thái ấp và địa bàn chiến trận). Gốc tích dân chài của vị Thánh và cuộc đời chiến trận vốn gắn liền với đường sông, cửa biển đã khiến cho không gian thiêng của Ngài bao trùm vùng sông nước, nhiều khi mang cả ý nghĩa của vị thần sông, thần cửa biển (thủy thần). Thời gian văn hóa của tín ngưỡng kéo dài suốt bẩy thế kỷ, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XIV, sau khi Trần Hưng Đạo qua đời. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng Đức Thánh Trần luôn vận động, biến đổi trong sự tác động ảnh hưởng qua lại với các hình thức tín ngưỡng dân gian khác cũng như với các tôn giáo ngoại lai.

2. Tín ngưỡng Đức Thánh Trần là kết quả của quá trình thần hóa, thánh hóa một nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Những chính sách kinh tế – chính trị – văn hóa tiến bộ của nhà Trần, đặc biệt là chiến công ba lần đánh bại quân giặc Nguyên Mông – đội quân hung hãn đã từng chinh phục dày xéo cả một vùng đất rộng lớn từ Âu sang Á – đã có vai trò rất quan trọng đối với lịch sử dân tộc. Nhân vật lỗi lạc nhất của giai đoạn lịch sử này, Hưng Đạo vương được muôn đời ngợi ca bởi tấm gương trung hiếu, khí phách kiên cường, tài năng quân sự và tấm lòng tín nghĩa. Việc ông được Thánh hóa là hiện tượng hợp qui luật của tâm thức dân gian người Việt: thần thánh hóa những con người có công với nước với dân, nhất là công lao bảo vệ nền độc lập dân tộc.

3. Xét cả về không gian văn hóa và thời gian văn hóa của tín ngưỡng, quan sát qui trình đi từ nhân vật lịch sử đến nhân vật huyền thoại, có thể thấy đây là một hiện tượng văn hóa khá đặc biệt trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Từ một vị anh hùng dân tộc với nhiều chiến công hiển hách, Trần Hưng Đạo đã trở thành một vị Thánh linh thiêng – Đức Thánh Trần, một Vua Cha trong mối quan hệ đối sánh Vua Cha-Thánh Mẫu, một Ngọc Hoàng của thần điện Việt Nam. Bên cạnh những chi tiết đặc biệt trong tiểu sử của người anh hùng có ý nghĩa mở đường bước vào đời sống dân gian, quá trình chuyển hóa từ người anh hùng lịch sử thành một vị Thánh diễn ra trong nhiều thế kỷ, trên cơ sở những điều kiện chính trị – văn hóa – xã hội cụ thể. Hiện tượng sùng bái người anh hùng với việc lập sinh từ khi còn sống, lập đền thờ sau khi mất là những dạng thức sơ khai của tín ngưỡng. Sau đó, việc các vương triều cầu khẩn sự trợ giúp khi đất nước có họa xâm lăng, nhân dân kêu cầu khi ốm đau bệnh tật đã dần dần làm cho tín ngưỡng mang thêm những màu sắc mới. Thái độ cởi mở đối với tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo của các quí tộc vương hầu, kể cả chính sách của một số vương triều, nhất là sự phát triển nhu cầu tâm linh của dân chúng trong điều kiện xã hội biến động và ý chí độc lập dân tộc được đề cao, đã hình thành khuynh hướng cần xác lập một tín ngưỡng hoàn chỉnh hơn. Tín ngưỡng Đức Thánh Trần có bản chất là tín ngưỡng thờ Phúc thần, nhưng đồng thời cũng là một tín ngưỡng phức hợp – được hội tụ bởi nhiều dạng thức tín ngưỡng: sùng bái người anh hùng hiển Thánh (Đạo Thánh), tín ngưỡng thần tiên (Đạo Tiên), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (Đạo Tổ tiên), tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu) và cả tín ngưỡng thờ thần tự nhiên (thủy thần)… Từ trong nội dung cũng như các phương thức thực thi tín ngưỡng, người ta thấy rất đậm nét những dấu ấn của Đạo giáo. Nhưng, đâu là dấu vết của Đạo giáo Trung Hoa, đâu được khởi nguồn từ tín ngưỡng ma thuật nguyên thủy bản địa, quả thực rất khó chỉ ra điều này một cách rõ ràng khi các tầng phù sa văn hóa đã được chồng xếp tầng tầng lớp lớp. Tác giả Trần Văn Giầu đã nhận xét, phần lớn “người Việt Nam theo Đạo giáo mà không biết rằng đó là Đạo giáo vì chẳng qua những tư tưởng tín ngưỡng đó không phải chủ yếu nhập cảng từ nước ngoài mà sẵn có phần lớn trong nhân dân Việt Nam từ nguyên thủy và trong cả quá trình lịch sử. Người Việt Nam chưa có lúc nào chế tạo một cái tên chung để đặt cho loại tư tưởng tín ngưỡng đó, duy những người nghiên cứu nhận thấy tư tưởng này cùng bản chất với Đạo giáo nên xếp vào một loại vậy thôi”[13]. Dù sao, chúng ta chỉ có thể khẳng định một điều: đây là tín ngưỡng thuộc dòng Đạo Nội (với nghĩa là đạo trong nước), có ảnh hưởng ít nhiều từ Đạo giáo Trung Hoa, nhưng được hình thành, xây dựng và phát triển trên nền tảng nhu cầu tâm linh của chính người Việt Nam, những con người luôn phải tìm cách khẳng định sự độc lập dân tộc không chỉ bằng chính trị, kinh tế, quân sự mà cả bằng hoạt động văn hóa tín ngưỡng.

4. Tín ngưỡng thờ phụng Đức Thánh Trần đang tồn tại trong xã hội Việt Nam đương đại và chắc chắn vẫn còn cơ sở xã hội để bảo tồn. Trước hết, những nhu cầu tâm linh như nguyên nhân cơ bản để hình thành tín ngưỡng vẫn bám rễ sâu trong lòng người dân Việt. Họ đã phải gồng mình lên trong suốt một thời kỳ lịch sử dài, tiếp nối tinh thần khí phách của vua tôi nhà Trần, của người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù phương Tây, kẻ thù phương Bắc. Lòng tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vốn đã trở thành tâm thức, thành lẽ tự nhiên dẫn đến các hành vi tín ngưỡng tôn sùng những người có công với nước, ví như nhân dân nhiều nơi lập ban thờ Hồ Chủ tịch, thờ các anh hùng liệt sĩ. Với tư cách một vị Phúc thần có công lớn đối với dân tộc, Trần Hưng Đạo đã tạo được một dòng tín ngưỡng riêng suốt bẩy thế kỷ, trong một không gian thiêng rộng lớn. Và hiển nhiên, tâm thức yêu nước của người Việt Nam sẽ bảo tồn truyền thống đó. Hơn nữa, để phát huy mọi nguồn sức mạnh của dân tộc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, các chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước cũng đề cao nhu cầu hướng thiện, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhất là tín ngưỡng thờ phụng người anh hùng. Trong Nghị quyết 5 của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII về Văn hóa mới được ban hành gần đây cũng đã khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta: “Khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện…của các tôn giáo”.

Ở khía cạnh khác, tuy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra trên đất nước ta, các thành tựu khoa học – trong đó có y học – ngày càng nhiều, nhưng những bí ẩn về cuộc sống con người, những nỗi đau khổ về bệnh tật, vì “hữu sinh vô dưỡng” vẫn còn đó, nên con người vẫn còn cần có một sự trợ giúp, dù rằng chỉ mang ý nghĩa an ủi tinh thần. Các hình thức “cầu xin Đức Thánh xua đuổi tà ma” bị đánh giá là “mê tín dị đoan” theo cái nhìn duy lý của các nhà khoa học, nhưng lại rất hợp tình, hợp lý trong cảm nhận của dân gian. Sự sùng tín của họ đối với Đức Thánh thường ẩn chứa những ước vọng rất bình dị: cầu an, cầu con, cầu sức khỏe. Tất nhiên, người đặt lòng tin vào bát tàn hương, vào manh chiếu cũ, vào lời bắt quyết…phần lớn là những người có trình độ học vấn thấp và đang ở trong cảnh ngộ “có bệnh thì vái tứ phương”. Bệnh tật nếu có qua khỏi, chủ yếu do được giải thoát khỏi những lo lắng, những ức chế tâm lý. Nhưng, cũng có nhiều trường hợp “tiền mất, tật mang”. Theo chúng tôi, nếu có những chính sách và biện pháp quản lý tốt việc thực thi tín ngưỡng, nâng cao dân trí, loại bỏ những biểu hiện “ký sinh” buôn thần bán thánh, những ma thuật ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chúng ta sẽ có điều kiện bảo tồn và phát triển chất nhân văn quí giá của tín ngưỡng, nguồn sức mạnh tinh thần từ truyền thống tiếp sức cho con người vững bước tới tương lai.

Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) 

Chú thích:

[1] Ngố Sĩ Liên….Sđd
[2] Trần Văn Giầu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến CM-8 .Tập I Nxb KHXH, H.,1973, tr.498
[3] Trần Văn Giầu. Sđd, tr.470 [4] Góp phần nghiên cứu vưn hoá Việt nam (những công trình nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Văn Huyên), tập II. Nxb KHXH, H.,1996, tr.173
[5] Góp phần nghiên cứu….Sđd, tr.179
[6] Lý Tế Xuyên. Việt điện u linh tập. Lê Hữu Mục dịch. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960, tr.9
[7] Nguyến Đăng Thục. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập I. Nxb tpHCM, 1992, tr.264
[8] Ngô Sĩ Liên…..Sđd, tr.91
[9] Trần Văn Giầu. Sđd, tr.491
[10] Tạ Chí Đại Trường. Thần, người và đát Việt. Văn Nghệ xb, California
[11] [12] Nguyến Đăng Thục…Sđd, tr.489 [13] Trần Văn Giầu…Sđd, tr.471

Nguồn: http://trantrieuhienthanh.blogspot.com/search/label/T%C3%8DN%20NG%C6%AF%E1%BB%A0NG%20%C4%90%E1%BB%A8C%20TH%C3%81NH%20TR%E1%BA%A6N

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?