Vài đặc trưng của người Việt (tiếng cười và tư tưởng yêu nước) 25/08/2017

Đặng Thanh Bình

  1. Tiếng cười của người Việt

Trong bài Gì cũng cười của Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương Tạp chí, năm 1914) viết:

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.

Có kẻ bảo cười hết cả cũng là một cách của người hiền. Cuộc đời muôn việc chẳng qua là trò phường chèo hết thẩy, không có chi là nghiêm đến nỗi người hiền phải nhăn mày nghĩ ngợi… Nhưng mà xét ra cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác, có cái láo xược khinh người, có câu chửi người ta…

Gì bực mình bằng rát cổ bỏng họng, mỏi lưỡi tê môi để hỏi ý một người, mà người ấy chỉ đáp bằng một tiếng hì, khen chẳng ơn, mắng chẳng cãi, hỏi chẳng thưa, trước sau chỉ có miệng cười hì thì ai là không phải phát tức?” [Trích theo Thói hư tật xấu của người Việt: Gì cũng cười, Nói năng lộn xộn, Học hời hợt của Vương Trí Nhàn trên báo Thể thao & Văn hóa năm 2009]

Trong sách Phân tâm học và tính cách dân tộc của tác giả Đỗ Lai Thúy viết:

“Nếu con người, như Aristote nói, là một động vật biết cười, thì người Việt mình, có lẽ, người hơn cả. Bởi lẽ, người Việt rất hay cười. Giải thích về cái tính hay cười của người Việt, nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng từ thế hệ này sang thế hệ khác lúc nào cũng phải đấu tranh với thiên tai địch họa, nên người Việt “CẦN CƯỜI” (tham luận trong Đại hội Hội nhà văn lần II – 1963) để giải tỏa sự nặng nhọc, làm vệ sinh tâm hồn, để vui mà sống (…) Bình luận về cái cười của người Việt, nhà văn Phan Khôi còn trách cứ nặng nề hơn: “Chúng ta cứ mở miệng là xưng mình là con rồng cháu tiên, cứ tưởng mình là văn minh lắm, ngờ đâu chỉ một cái cười cũng không nên dáng” (“Cái cười của con rồng cháu tiên” – Phụ nữ Tân văn số 84 – 28/5/1953). Những nhận xét trên về người Việt cười, khoan hãy nói đến sự đúng sai, đều thể hiện rõ một điều là cái cười làm bộc lộ một nét nào đó trong tính cách người Việt, đôi khi là một nét sâu sắc và khá bất ngờ. Có lẽ, khi cười, cái vô thức không bị canh giữ, con người dễ để lộ tướng tinh (…) Và, cũng vì thế mà tiếng cười Trạng Quỳnh, Trạng Lợn bộc lộ chiều sâu tâm lý người Việt (…)

Ở đây xin lưu ý một điều là nội dung chống đối là quan trọng, nhưng dưới cái nhìn tâm lý – văn hóa thì cái cách chống đối còn quan trọng hơn. Bởi lẽ, cái cách đó là sự ngưng kết lâu dài trong thời gian, là lối ứng xử, là chìa khóa để mở vào cõi vô thức cá nhân và vô thức tập thể của một con người, một tộc người (…) Cũng dễ hiểu, dân ta sống lâu năm trong chế độ nông nghiệp quân chủ Nho giáo, là thân phận một thần dân, chịu nhiều tầng áp bức, nên đã hình thành lối ứng xử chống đối trong chịu đựng, chịu đựng nhiều tầng áp bức, nên đã hình thành lối ứng xử chống đối trong chịu đựng, chịu đựng mà vẫn chống đối. Lại cũng dễ hiểu dân ta cư trú sát nách ông bạn láng giềng khổng lồ, có tư tưởng bành trướng luôn luôn sẵn sàng gây sự, nên lúc nào cũng phải nín nhịn. Khi nào nhịn, phải trải thảm đỏ cho về nước và tiếp tục cống người vàng, hoặc tự trói mình lên sát biên giới để nhận sắc phong. Nói là mềm dẻo sách lược thì cũng đúng, thần phục giả vờ, độc lập thật sự lại càng đúng. Nhưng dẫu sao lối ứng xử ấy không thể không để lại vết hằn trong tâm lý tộc người (…)

Người Việt là một dân tộc nông dân. Thiểu số những người hiện nay tuy không làm ruộng nữa, không sống ở nông thôn nữa, nhưng vẫn bảo lưu một căn tính nông dân. Người nông dân Việt vốn là một tiểu nông, sống với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc sống trong làng xã có tôn ti, trật tự, nên không dễ gì thay đổi thân phận được, ngoại trừ trong mơ ước. Và trong cái không gian làng xã, tiểu nông ngưng đọng và bức bối về tinh thần đó, mơ ước dễ chuyển thành huyễn tưởng, một hư tưởng sinh tồn. Người ta chỉ tin vào sự thần kỳ, tin vào những đổi thay bỗng nhiên, bỗng chốc, bất ngờ, đại nhảy vọt… Người ta tin vào chủ nghĩa cứu thế, đặt kỳ vọng vào sự dẫn dắt của một cá nhân thần thánh nào đó (…)

Trạng Quỳnh và Trạng Lợn là hai nét tâm lý cơ bản của người Việt cười. Đó là hai vế của một câu đối, một cỗ xe ngựa song hành suốt dòng thời gian như một hằng số. Trạng Quỳnh là vế trắc, thông minh, tài trí, ghét kẻ trên, hay xỏ xiên đả kích, chửi đổng. Đó là tâm lý kẻ bị trị, kẻ yếu muốn thắng lại kẻ trị mình, thắng kẻ mạnh hơn mình bằng lối đánh tập hậu. Còn Trạng Lợn là vế bằng, dốt nát và lười biếng nhưng gặp may. Đó là một chút huyễn tưởng thường thấy của các cư dân tiền công nghiệp (…) Cuộc sống cứ thế trôi đi. Mọi việc đều chấp nhận một cuộc sống  như vậy. Chấp nhận do nhận thức được tất yếu, dù chỉ là cái tất yếu của tư duy. Mà một khi nhận thức được tất yếu thì con người được tự do. Một thứ tự do trong chấp nhận. Điều này thể hiện rõ nhất trong chuyện viết lách. Viết thì phải lách, lách để mà viết.

Nhưng đáng nói hơn là đằng sau lối ứng xử này là tâm lý phò chính thống. Tôi chửi xỏ họ ngoài mặt mà trong thâm tâm tôi vẫn muốn được trở thành như họ, hoặc chí ít cũng được họ đóng dấu xác nhận vào diện mạo của mình. Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp. Áo gấm về làng ban đêm thì ăn thua gì!

Đến đây ta cũng thấy rõ hơn Trạng Quỳnh và Trạng Lợn tưởng khác nhau một mực một trời mà hóa ra lại là một thứ nhị vị nhất thể của tâm lý dân tộc. Như hai quả núi nếu nhìn ở bề mặt hữu thức thì một nở nơi này, một ở nơi kia, nhưng nhìn vào những tầng sâu địa chất vô thức, ta mới ngớ ra là chúng cùng một sơn hệ”.

Ở trên là những phê bình là lý giải thú vị về tiếng cười của người Việt. Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm.

* Thời kỳ văn hoá Đông Sơn

Qua những hình khắc trên khâu đồng Đông Sơn hay những hiện vật Đông Sơn chúng ta thấy cư dân Đông Sơn rất thích âm nhạc, thích lễ hội, thích vui vẻ, nhảy múa.

Không chỉ có cư dân Đông Sơn mà hầu hết các tộc người ở thời kỳ sống thành các thị tộc, bộ lạc đều có chung những đặc điểm này. Nguyên nhân thì chúng ta có thể tìm thấy ở 3 yếu tố chính: Vui vẻ là một trạng thái tâm lý của con người; những sinh hoạt vui vẻ sẽ giúp cố kết cộng đồng người; con người thời đó còn hồn nhiên, vô tư, chất phát vì chưa phải đối diện với những khắc nghiệt của xã hội.

* Thời kỳ dựng nước

Đây là thời kỳ đứt đoạn, lại diễn ra sự trộn lẫn của nhiều tộc người, thêm nữa là không có những tài liệu để chúng ta khảo sát.

* Thời kỳ giữ nước

Thời kỳ này về cơ bản tộc Việt đã định hình, nền văn học dân gian phát triển mạnh mẽ, hàng loạt các loại hình ra đời. Điểm thú vị là trong nền văn học dân gian này tiếng cười có một vị trí đặc biệt. Tiếng cười đối với người Việt có những chức năng như: Hỗ trợ trong và sau lao động; công cụ thể hiện thái độ chê bai, đả kích; cách thức ứng xử khi bị phê bình; xoa dịu nỗi đau.

Người Việt cũng giống như các nước đặc trưng của nền nông nghiệp, sinh sống thành các xóm làng vì thế tính cộng đồng là rất lớn, những cá nhân trong cộng đồng phải gắn kết để đối phó với thiên nhiên, nhất là trong việc trị thuỷ, vì thế mà tính cộng đồng rất lớn mà tính cá nhân lại rất nhỏ. Vì thế mà con người trong những cộng đồng nông nghiệp phải luôn tỏ thái độ thân thiện, dễ hoà nhập, dễ hoà đồng, luôn sẵn sàng hợp tác. Điểm khác biết với các tộc người khác, đó là người Việt phải trải qua lịch sử đấu tranh dựng và giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử, vì thế mà tính cộng đồng, càng mạnh mẽ hơn bất cứ một tộc người nào khác.

Chính xác thì xã hội của người Việt là tiểu nông, tính cộng đồng được thể hiện ở mức độ gia đình dòng họ, xóm làng, đất nước. Người Việt ít thông thương, buôn bán hoặc nếu có chỉ là những bộ phận nhỏ, nên người Việt không hoạt, thường hay e thẹn, ngại ngùng, hay xấu hổ và thường thiếu tự tin.

Với 2 đặc điểm trên, dẫn tới việc giáo dục trong xã hội của người Việt, cũng theo hướng đó. Hướng cá nhân tới sự nhỏ bé, chỉ là 1 bộ phận rất nhỏ tới mức không đáng kể với xã hội, phải biết e thẹn, đừng tự cao. Bản thân sự giáo dục trong xã hội người Việt cũng nặng về sự duy tình do vậy người Việt thường ít duy lý và bị chi phối bởi tình cảm là nhiều.

Tính cộng đồng ở người Việt rất mạnh nên người Việt sử dụng tiếng cười như một công cụ. Một cá nhân có chút khác biệt so với xã hội thì ngay lập tức bị kỳ thị và bị dư luận xã hội công kích. Cũng chính vì điều này mà người Việt có tâm lý bầy đàn. Không suy xét. Người Việt chỉ chú trọng vào việc bắt chước người khác hoặc nhìn sang người khác cư xử, hành động mà học theo, chứ không chịu suy xét. Người Việt tư duy rằng: Suy nghĩ làm gì cho mệt đầu, rồi làm khác so với xã hội sẽ bị chê cười, cứ làm như xã hội, có gì thì tất cả cùng chịu chứ có riêng gì mình, rồi khi người ta thành công còn mình thất bại thì không nhìn nhận đúng sự việc là do bản thân không chịu suy xét, lại tìm cách đổ cho số phận, cho một nguyên nhân bên ngoài nào khác, chứ không phải lỗi của bản thân.

Dư luận xã hội thực sự là một điều ghê gớm, nó chắc chắn bắt nguồn từ tính cộng đồng mạnh mẽ của người Việt, nếu mỗi cá nhân tương đối độc lập với cộng đồng, không bị cộng đồng chi phối, thì những dư luận xã hội chẳng thể tác động đến. Chính vì dư luận xã hội của người Việt quá lớn mà người Việt thường dùng những tiếng cười dân gian để đả kích những cá nhân hay nhóm người nào đó, nhất là quan lại. Người Việt thấy ở tiếng cười chính là công cụ, chính là dư luận được sử dụng hướng tới đối tượng. Nhưng nếu như (một cá nhân) người Việt mạnh mẽ, có đủ sức mạnh thì có lẽ họ không sử dụng tiếng cười, mà họ đứng lên đạp đổ mọi thứ, nói vậy nghĩa là (một cá nhân) người Việt buộc phải dùng tiếng cười như là công cụ vì họ chẳng có công cụ nào khác, họ quá yếu đuối, quá nhỏ bé để làm một cuộc nổi dậy, nên họ buộc phải sử dụng phương pháp ấy.

Nếu để ý sẽ thấy rằng, phần lớn những cuộc nổi dậy của dân Việt chủ yếu từ việc, cuộc sống của họ đã tới cùng cực, không còn chịu được nữa, còn nếu chịu được họ vẫn tiếp tục chịu đựng. Người Việt có một sức mạnh trong những cuộc nổi dậy này, đó là tính bầy đàn (hay là tính cộng đồng?). Khi một người đứng lên thì tất cả đều đứng lên, bất kể như thế nào. Cuộc sống của người Việt là những nỗi đau, buồn nhiều hơn vui, người Việt cười để quên nỗi đau và để xoa dịu nỗi đau. Người Việt tìm vào vui thú để quên nỗi đau hiện tại, người Việt cần chia sẽ nỗi buồn để xoa dịu và người Việt tìm thấy ở cộng đồng. Cộng đồng là nơi mà người Việt chia sẻ nỗi đau, tìm sự an ủi từ những thân phận giống nhau.

Người Việt cười nhiều và dần già thành tính cách của người Việt, tiếng cười trở thành vô thức của dân tộc, cười vì chỉ biết cười và thậm chí không biết chính mình cũng đang cười. Cười như một phản xạ. Ngay cả trong những lúc bị phê bình, cười cũng trở thành một cách ứng phó. Người Việt cười do tâm phát, nhưng lâu dần thành vô thức của dân tộc và bây giờ người Việt đã bắt đầu học cách cười từ thói quen thương mại.

Tóm lại: Đối với người Việt, xuất phát từ điều kiện tự nhiên (tiểu nông) tính cộng đồng lớn, tính cá nhân nhỏ, lại cộng thêm điều kiện lịch sử (chiến tranh) mà tính cố kết cộng đồng lại càng lớn và tính cá nhân lại càng nhỏ. Tính cộng đồng có 3 phạm vi cơ bản: Gia đình dòng họ; xóm làng; quốc gia. Tính cộng đồng có nhiều ưu điểm, song cũng lại có nhiều hạn chế. Tiếng cười của người Việt đa dạng các sắc thái, mang nhiều chức năng, có vai trò quan trọng trong đời sống và là đặc trưng của người Việt bởi vì tiếng cười được người Việt tạo ra một cách bất đắc dĩ, một lựa chọn không thể khác, một sản phẩm từ chính những tương tác trong cộng đồng. Tiếng cười của người Việt phản ánh đời sống của chính người Việt.

* Trong các loại hình văn học dân gian có 3 thể loại rất đang lưu ý là: Thần thoại; sử thi và truyền thuyết. 3 thể loại này có nhiều điểm chung như là: thường viết về giai đoạn khởi đầu, có tính chất huyền ảo, tuy nhiên có 1 điểm khác nhau rất đáng lưu ý, đó là: Thần thoại và sử thi trong những nỗ lực mô tả về thời điểm ban đầu, thường có những chương, những đoạn mô tả về nguồn gốc, sự hình thành của vũ trụ, trời, đất, trăng. Trong khi truyền thuyết thì không, truyền thuyết thường chỉ mô tả về nguồn gốc của những yếu tố thuộc về xã hội như nguồn gốc tộc người. Ở người Việt chúng ta thấy thiếu hẳn những loại hình văn học, hay những đoạn văn mô tả về sự hình thành vũ trụ, thế giới tự nhiên như trời, đất, nước. Trong khi những tộc người anh em như Mường trong Đẻ đất đẻ nước vẫn có. Tất cả những nỗ lực của người Việt mới chỉ dừng lại ở mô tả, giải thích về nguồn gốc của tộc người qua truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Không có bất cứ một nỗ lực nào vượt qua điểm giới hạn này. Truyền thuyết về Bánh chưng, bánh dày chỉ là cách giải thích, cách mô tả về quan niệm của người Việt về trời đất chứ không mô tả, giải thích sự ra đời, hình thành của trời và đất (đó là 2 câu hỏi rất khác biệt: một câu hỏi là trời đất giống cái gì, như thế nào và câu hỏi kia là trời đất được hình thành, tạo ra như thế nào?).  Câu hỏi là: Vì sao tộc người Việt lại không có những mô tả về sự hình thành của trời, đất, nước ? Thực ra nếu để ý kỹ, thì người Việt có, nhưng là một cách rất ngầm của những tác giả kiến tạo nên truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nguyên Kinh Dương Vương Lộc Tục là cha có Lạc Long Quân Sùng Lãm và chính là cháu 3 đời của Thần Nông. Với nguồn gốc này, thì tác giả của những truyền thuyết về nguồn gốc tộc Việt đã ngầm ý rằng: Vũ trụ được tạo ra như thế nào thì hãy tìm trong quan niệm của người Hoa phương bắc. Nói như vậy nghĩa là người Hoa và Việt là đồng tông, đồng chủng? Hoàn toàn không phải như thế! Hay nghĩa là người Việt là con cháu của người Hoa hoặc ngược lai? Cùng không phải như thế! Một tộc người là tổng hợp của rất rất nhiều các yếu tố, của rất rất nhiều các cá nhân (nhưng có một số điểm chung về ngôn ngữ và chữ viết). Nếu chúng ta loại bỏ tất cả các yếu tố, chỉ dựa vào một hoặc vài yếu tố để kết luận về mối quan hệ giữa các tộc người, thì đó là một kết luận không đủ sức thuyết phục.

Tương tác xã hội Tất yếu

à

Chức năngMục đích
ĐK tự nhiên Tất yếuà Tính cộng đồng mạnh Tiếng cười
ĐK lịch sử Hình tháiBiểu hiện
Tương tác xã hội
  1. Tư tưởng yêu nước

Người Mol sinh sống ở vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả, xây dựng nền văn hoá Đông Sơn đặc trưng sông nước. Sinh sống thành các nhóm, có tổ chức, vai trò nam nữ tương đối bình đẳng. Buổi đầu có tiếp xúc với nhiều nhóm người như người Chăm ở phương nam, người Âu Lạc, Sở Ngô Việt và Hán ở phương bắc.

Thời chiến quốc rồi tới thời tam quốc, người phương bắc chạy loạn xuống phương nam, ban đầu vài nhóm nhỏ xuống định cư ở đồng bằng sông Hồng. Họ tiếp xúc với người Mol, tiếp thu phong tục của người Mol và ngược lại người Mol cũng tiếp thu văn hoá của họ. Cũng có khi những nhóm người này xung đột. Không loại trừ hôn phối giữa 2 nhóm người này. Dần già người phương bắc xuống phương nam định cư nhiều lên, văn hoá phương bắc đậm đặc dần, nhiều người Mol bản địa bị phương bắc hoá, những thế hệ lai cũng bắt đầu hình thành.

2 cuộc nam tiến thời Đông Hán do Tô Định và Mã Viện thực hiện. Xung đột giữa người Mol bản địa và người phương bắc đã trở nên gay gắt, đó là cuộc xung đột giữa tộc người bản địa và người phương bắc nhưng cũng đồng thời là cuộc xung đột giữa cấu trúc xã hội (thể chế chính trị). Những nhóm người Mol bản địa nhận thấy quyền lợi bị xâm hại bởi những áp đặt, những hoạt động của phương bắc nên đã liên kết với nhau chống lại, mà đứng đầu là Hai Bà.

Theo thời gian, sự hiện diện của yếu tố phương bắc ở đồng bằng sông Hồng ngày càng nhiều, yếu tố phương bắc ở đây hiểu là người Mol bản địa tiếp thu văn hoá phương bắc là nhiều, bên cạnh đó là thế hệ con cháu lai và người gốc phương bắc. Cho đến thời Sĩ Tiếp thì đã lập được 1 tổ chức tự trị, quản lý khu vực trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng (chắc chỉ tương đương với Hà Nội cũ), nơi chủ yếu tập trung yếu tố phương bắc.

Sang tới thời Đào Hoàng, kéo dài tới Lý Trường Nhân thì vùng tự trị tương đối độc lập với phương bắc được thiết lập, vùng này đã được mở rộng hơn so với trước đây, có lẽ vùng mở rộng ra xung quanh này chịu sự tác động, ảnh hưởng, quy thuận vùng trung tâm (là Hà Nội). Sự can thiệp thô bạo của bắc triều cho thấy tính tự trị không phải là hoàn toàn, vẫn chịu những áp lực, tuân thủ ý muốn của bắc triều. Bên ngoài vùng Hà Nội và các vùng xung quanh chịu ảnh hưởng, những người bản địa ở đồng bằng sông Hồng vẫn tiếp tục cuộc sống, họ vẫn thông thương, vẫn tiếp thu văn hoá và vẫn đấu tranh khi quyền lợi bị xâm phạm.

Nhưng bước sang thời của Lý Thúc Hiền thì đã có một sự chuyển biến về tính độc lập rõ rệt, đã chia bờ cõi, cống nạp thiếu, tuy nhiên vẫn xin bắc triều, đây là tâm lý độc lập nhưng vẫn bị ràng buộc bởi tư tưởng, quan niệm cũ. Những người tiếp sau Lý Thúc Hiền cho đến Lý Tự Tiên có thể tạm gọi là tự chủ. Đây là những con người đã tách ra khỏi văn hoá, yếu tố phương bắc, không còn nằm trong khuân khổ và quy luật chi phối của phương bắc. Chúng ta quen gọi là những người đã Việt hoá!

Giai đoạn tiếp theo là sự tiếp nhận, cũng như tác động mạnh mẽ của phương bắc đối với phương nam, nhất là việc mở rộng ảnh hưởng của phương bắc đến vùng bắc trung bộ, cho đến Khúc Thừa Dụ lấy lại sự tự chủ hoàn toàn. Trải qua 3 họ Khúc, Dương, Kiều tự chủ thể hiện qua việc tự xưng, tự coi nhưng vẫn tiếp nhận chiếu lệnh của phương bắc.

Ngô Quyền xưng vương, nhưng thời gian trị vì ngắn, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn dù có xương đế xong vẫn nhận chiếu lệnh của phương bắc, cho thấy tính độc lập chưa hoàn toàn. [“Hoàn xấu người chột mắt, tự nói rằng năm gần đây vừa mới tiếp chiến với man khấu, rơi từ trên ngựa xuống nên chân bị thương, nhận chiếu nhưng không lạy. Sau khi nhận dụ chỉ thì rải chiếu mở yến tiệc”. Trích bài sớ của Tống Cảo trình vua Tống sau khi đi sứ Giao Châu, chép trong Tống sử]. Trong thâm tâm của Lê Hoàn không muốn quỳ để nhận chiếu, nhưng khi ấy quan niệm phương nam là thần của phương bắc vẫn tồn tại, nên Hoàn mới khéo léo mượn lý do để từ chối.

Chỉ đến nhà Lý, với việc phạt Tống mới cho thấy tính độc lập hoàn toàn, một quốc gia lộ diện. Những hoạt động với phương bắc chỉ là ngoại giao. Đỉnh điểm của thời kỳ này là một loạt những truyền thuyết về nguồn gốc người Việt hay về một quốc gia có tên là Văn Lang ra đời, đây chính là biểu hiện của độc lập trên lĩnh vực tư tưởng. Mà sau này Lĩnh Nam chích quái ghi chép lại. Lĩnh Nam chích quái ra đời là đòi hỏi về lý luận, về tư tưởng của sự tồn tại quốc gia Đại Việt. Tinh thần độc lập từ đó được thể hiện qua các triều Lê, Nguyễn.

Song hành với quá trình hình thành quốc gia Việt Nam độc lập là một tiến trình tư tưởng yêu nước với những giai đoạn, những hình thái khác nhau ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Tóm lại: Xuất phát từ ý định thoát khỏi phương bắc, người Mol phương bắc hoá đã nỗ lực thiết lập vùng tự trị ở đồng bằng sông Hồng ở thế kỷ thứ 1 sau công nguyên, sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức về một vùng lãnh thổ tự chủ xuất hiện vào thế kỷ thứ 4, đến cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9 nhận thức, tư tưởng về tự chủ phát triển hơn, làm tiền đề cho nhận thức về giai đoạn mới: giai đoạn độc lập. Tư tưởng về độc lập sơ khai xuất hiện vào nửa sau thế kỷ thứ 9 và thế kỷ thứ 10. Được tiếp nối và hoàn thiện từ thời nhà Lý trở đi.

??? Hiện tại
Độc lập của người Việt Lý – Trần – Lê – Nguyễn Độc lập
Độc lập tương đối của người Việt Ngô – Đinh – Lê Độc lập sơ khai
Tự chủ của người Việt Khúc – Dương – Kiều Tự chủ
Kimi
Tự chủ của người Mol bị phương bắc hoá Lý Thúc Hiền à Lý Tự Tiên Tự chủ sơ khai
Tự trị của người Mol bản địa Tự trị của người Mol bị phương bắc hoá Sĩ Tiếp à Lý Trường Nhân Tự trị sơ khai
Tự trị của người Mol bản địa VH Đông Sơn à Hai Bà Tự trị

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/11/28/vai-dac-trung-cua-nguoi-viet-tieng-cuoi-va-tu-tuong-yeu-nuoc/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?