Vài nét trong văn hóa của người Việt (ẩm thực và trò chơi dân gian) 25/08/2017

Đặng Thanh Bình

Trong bài Vài đặc trưng của người Việt (Tiếng cười và tư tưởng yêu nước) tôi có đề cập tới 2 đặc trưng của người Việt là: Tiếng cười và tinh thần dân tộc. Giải thích cho hiện tượng người Việt cười nhiều, tôi đưa ra 2 cơ sở là: Tính cộng đồng ở người Việt rất mạnh trong khi tính cá nhân lại rất yếu, do đó tiếng cười là một lựa chọn không thể khác và cuộc sống của người Việt buồn hơn vui, nên tiếng cười được lựa chọn để cân bằng đời sống tinh thần. Chính vì thế, tiếng cười là ánh xạ của đời sống tinh thần – xã hội của người Việt. Về tinh thần dân tộc (tư tưởng yêu nước) đã phát triển qua rất nhiều các hình thái ở các giai đoạn khác nhau, chứ không phải ngay từ đầu đã hình thành và bất biến cho tới ngày nay. Tư tưởng yêu nước là tư tưởng giới hạn (giá trị được đề cao nhất) của người Việt cho tới thời điểm bây giờ. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu 2 nét đặc trưng khác trong nền văn hoá của người Việt là: Ẩm thực và trò chơi dân gian.

  1. Ẩm thực

Theo Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh viết: “Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên, hai thứ đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá (…) Ngoài hai thứ đồ ăn chủ yếu kể trên, ta còn ăn nhiều thứ rau đậu trồng ở vườn hay mọc tự nhiên ở đồng (…) thịt các thứ gia súc (…) và thỉnh thoảng thịt trâu, bò cùng một ít dã cầm dã thú đánh hoặc săn được (…) Những đồ uống của dân ta thường dùng là nước lạnh (lã), nước vối, nước chè (…), nước lá mùng năm và rượu gạo”.

Theo ý kiến của tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, cho rằng ẩm thực Việt Nam có 9 đặc trưng: Tính hoà đồng hay đa dạng – Tính ít mỡ – Tính đậm đà hương vị – Tính tổng hoà nhiều chất, nhiều vị – Tính ngon và lành – Tính dùng đũa – Tính cộng đồng hay tính tập thể – Tính hiếu khách – Tính dọn thành mâm.

Trong bài Ẩm thực và ẩm thực Việt Nam từ góc nhìn triết lý âm dương của Trần Ngọc Thêm viết: “Đồng thời đi sâu vào năm phương diện liên quan mật thiết với nhau của sự hài hòa âm dương trong ẩm thực Việt Nam là: (a) Sự hài hòa âm dương của khách thể (thức ăn); (b) Sự hài hòa âm dương của chủ thể (con người); (c) Sự hài hòa âm dương giữa chủ thể với không gian (con người với môi trường tự nhiên); (d) Sự hài hòa âm dương giữa chủ thể với thời gian (con người với mùa); (e) Sự hài hòa âm dương giữa chủ thể với hoạt động (con người với công việc)”

Theo sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm viết: “Lối ăn của người Việt trước hết thể hiện trong cách chế biến đồ ăn. Hầu hết các món ăn Việt Nam đều là sản phẩm của sự pha chế tổng hợp (…) Tính tổng hợp kéo theo tính cộng đồng (…) Tính cộng đồng và tính mực thước trong bữa ăn thể hiện tập trung qua nồi cơm và chén nước mắm (…) Tổng hợp đi liền với biện chứng. Trong ăn uống của người Việt Nam, tính biện chứng thể hiện ở sự linh hoạt”.

Trong bài Triết lý Việt trong văn hoá ẩm thực của Trần Văn Đoàn viết: “Chúng [ẩm thực] biểu hiện đặc tính, cách thế suy tư, cũng như mối quan hệ giữa con người với nhau, và cả giữa con người và thế giới thần thánh, qủy ma. Vậy nên, tầm quan trọng của ăn uống mang chiều sâu triết học và tầm kích tâm linh (spiritual dimension) mà chúng ta không thể chối bỏ được. Bài báo cáo sau đây hạn hẹp vào công việc truy tầm nguyên lý triết học trong nền văn hóa Việt về ăn uống (…) Nói cách chung, cái đạo lý ăn uống (tức đạo ăn) của họ có phản ánh được đạo sống của họ hay không (…) nguyên lý về sự tương quan giữa ăn uống với lối sống Việt (…)

Nó còn sâu đậm hơn trong chính những nền văn hóa dân gian như nền văn học bình dân, nền nghệ thuật nông thôn, và nhất là qua cách ăn, cách nói, cách sống, cách cư xử của người Việt (…)

Không những vậy, ăn uống đã biến thành cái đạo sống, đạo cư xử, hay nói rõ hơn, đạo làm người Việt (…)

Nói tóm lại, ta có thể biết được tâm tình, mối tương quan, địa vị, tầm quan trọng, mối liên hệ của người ăn qua chính những bữa ăn, món ăn, chỗ ăn: chức nào phần nấy; phẩm nào món nấy; trật nào chỗ nấy và tước nào rượu nấy (…)

Nhưng nếu người Việt quả thật như thế [Người liêm sỉ vẫn biết “miếng ăn là miếng nhục”] thì làm sao ta giải thích được hiện tượng quá chú trọng vào ăn uống, gần như bị ám ảnh, của họ? Làm sao ta hiểu được ăn uống gần như đồng nghĩa với sinh sống? Đó không phải là một nghịch lý hay sao? Sự thực là người Việt, đặc biệt giới nông thôn nghèo túng, gạo không đủ, thịt không có, y như bất cứ giống người nào khác, luôn bị cái đói đeo đuổi (…)

Đối với ngưòi Việt, ăn uống là những cách thế, hình thức và cả phép tắc biểu tả xã hội Việt, diễn đạt con người Việt, nền luân lý, cách xử thế của họ. Cách thế hay, hình thức tốt, phép tắc hợp lý tạo ra một xã hội có tôn ti, có trật tự, nói lên cái chính danh, đạo nghĩa con người”.

Theo Đặng Nghiêm Vạn thì: “Người Việt biết tận dụng hầu như tất cả quần thể thực vật, động vật, đặc biệt là thủy sản, côn trùng, không bỏ phí một thứ gì mà không nghĩ cách chế biến để ăn uống, nhưng nếu so sánh với người láng giềng Thái thì họ vẫn còn thua” (Theo Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật ăn uống).

Trên là những nhận định rất thú vị về Ẩm thực của người Việt. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu những mẫu chốt cơ bản.

Trước hết, điều kiện tự nhiên sinh sống của người Việt đa dạng về thực động vật; địa hình khí hậu nguồn nước. Người Việt có nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Để có thể sinh tồn được người Việt đã đoàn kết lại với nhau để chống lại các thế lực bên ngoài, chính vì thế mà tính cộng đồng ở người Việt rất mạnh. Khi tự nhiên cung cấp đủ cho xã hội người Việt thì không có vấn đề gì, nhưng khi nguồn tài nguyên trở nên hạn hẹp, thì cũng lại chính yếu tố sinh tồn đã thúc đẩy các cá nhân trong cộng đồng tranh giành, dẫn tới sự xung đột. Biểu hiện và cũng là kết quả của sự tranh giành giữa các cá nhân trong cộng đồng chính là: sự hình thành vùng miền (thường ở phạm vi xóm làng) và gia đình – dòng họ.

Nguồn thực phẩm hữu hạn vì thế mà người Việt thường chế biến những món ăn từ bất cứ thứ gì có thể. Vì đời sống dân gian không có điều kiện nên người Việt thường chỉ chế biến món ăn theo yếu tố ngon, mà rất ít khi chế biến theo yếu tố đẹp. Nền nông nghiệp của người Việt là tiểu nông, sản phẩm chính là lúa gạo, có thêm hoa mầu nhưng chỉ là những vụ đan xen, chứ không phải là sản xuất chuyên sâu, năng suất thấp, nên lương thực không dư giả nhiều, thành thử không có điều kiện đáp ứng chăn nuôi lớn, nguồn thịt chủ yếu dựa vào cá tôm tự nhiên, rau quả thì chỉ trồng để dùng. Người Việt ít buôn bán, thương mại, nền kinh tế kép kín, tự cung tự cấp, thành ra những món ăn được tạo ra tại chỗ, từ những thực phẩm là đặc trưng của vùng miền. Vì người Việt sinh sống ở đa dạng các vùng miền thành ra có phong phú các món ăn mà thôi.

Cũng vì sinh tồn, lại thêm điều kiện tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu sinh sống, thành thử người Việt có quan niệm rất thực tiễn, mà ẩm thực là chiều kích chứa đựng quan niệm ấy rất rõ, cụ thể như “có thực mới vực được đạo”. Cũng phải thôi vì miếng ăn là lời giải cho sự sinh tồn. Vì thế mà miếng ăn trở nên rất quan trọng nếu không muốn nói là chiếm phần nhiều sự ưu tư của người Việt. Do nó giữ vai trò quan trọng như vậy nên thành ra nó có mặt trong rất nhiều mối quan hệ trong cộng đồng. Khi món ăn và rộng hơn là bữa ăn vượt ra ngoài phạm vi cá nhân thì những phép tắc trong ẩm thực bị chi phối, bị quy định, bởi những phép tắc, lễ nghi từ đời sống xã hội, quan hệ giữa người với người. Lúc này, miếng ăn vốn đã rất quan trọng trong đời sống người Việt thì nay nó trở nên kém quan trọng hơn trước những ứng xử, nguyên nhân lại là do tính cộng đồng ở người Việt rất mạnh, mỗi cá nhân phải cân nhắc giữa danh dự, vị thế, tình cảm (những giá trị xã hội) với miếng ăn (giá trị thực tiễn).

Vì là miếng ăn bây giờ không chỉ còn là lời giải của sự sinh tồn mà nó còn là lối ứng xử của cá nhân trong cộng đồng nên ẩm thực lại càng được phát triển theo hướng ngon, tinh tế và cũng rất tiết kiệm, đồng thời với đó là cả những phép tắc đi kèm trong thưởng thức ẩm thực. Đúng là ẩm thực của người Việt chứa đựng rất nhiều những quan niệm, đạo lý của người Việt trong đấy. Một bài hát ru rất hay lưu truyền trong dân gian là: Con gà cục tác lá chanh – Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi – Con chó khóc đứng khóc ngồi – Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng – Con trâu cười ngả cười nghiêng – Tôi không ăn riềng, mua tỏi cho tôi.

  1. Trò chơi dân gian

Trò chơi nói chung là một phần của đời sống con người, trò chơi dân gian là một phần của văn hoá, cũng như các tộc người khác, người Việt có rất nhiều các loại hình trò chơi dân gian. Chúng ta có thể căn cứ vào các đặc điểm của trò chơi để phân loại chúng. Chẳng hạn như cách phân loại trò chơi theo lứa tuổi. Những trò chơi dành cho trẻ nhỏ thường là những trò chơi có tính vận động, gắn liền với những bài đồng dao, trong khi những trò chơi cho người lớn thường thiên về tĩnh tại. Hay như cách phân loại các trò chơi gắn liền với các lễ hội, đó thường là những trò chơi tập thể, có tính vận động. Cũng có thể phân loại theo nguồn gốc, chẳng hạn như những trò chơi du nhập từ tộc người khác, hay những trò chơi được chính người Việt sáng tạo ra, một điểm khá thú vị, là những trò chơi do người Việt tự sáng tạo ra, thường gắn liền với đời sống hằng ngày, nó đôi khi là sự mô phỏng công việc hằng ngày.

Trò chơi không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng về mặt tinh thần của cá nhân, mà còn xa hơn, nó thể hiện vai trò trong các mối quan hệ của xã hội, nó cũng là một tham số cần được đề cập đến trong việc nghiên cứu cái xã hội. Người Việt hay cười, người Việt ham vui, nên người Việt cũng thích và sáng tạo nhiều trò chơi. Theo nghĩa rộng nhất, thì các loại hình sân khấu cũng chỉ là một trò chơi, ở đó mỗi người thoát ra khởi con người thật, để nhập thành con người giả, có tất cả những đặc điểm mà con người thật mong muốn và không mong muốn. Thậm chí, nhiều người quan niệm cuộc sống này cũng chỉ là một trò chơi lớn mà thôi. Như vậy trò chơi là một phương cách giúp con người cân bằng lại cuộc sống và tinh thần.

Trong các loại hình văn hoá dân gian của người Việt, tôi muốn lưu ý loại hình có yếu tố hoặc chủ yếu mang tính trí tuệ.

* Trước hết là cờ tướng, cờ tướng của người Việt du nhập từ Trung Quốc, người Trung Quốc sáng tạo nên tượng kỳ từ loại cờ cổ Saturanga của người Ấn Độ, loại cờ cổ Saturanga này, truyền bá về phương tây trở thành cờ vua. Khi người Trung Quốc sáng tạo nên tượng kỳ, đã có 2 thay đổi quan trọng, đó là chuyển vị trí đứng quân từ ô sang cột, có thêm hà và thêm quân pháo. Cờ tướng chỉ có 2 người chơi, các biến hình của nó được biết đến là cờ người, cờ úp và cờ tưởng. Một biến tướng đặc biệt của nó, là bộ tam cúc và tứ sắc. Với 2 loại hình này, số lượng người chơi đã tăng lên và việc thực hiện chơi cũng rất đơn giản.

* Tiếp theo là tổ tôm, tổ tôm được cho là có nguồn gốc từ Nhật Bản, tổ tôm thuộc loại khó chơi và thường chỉ dành cho đàn ông. Một biến hình khác của tổ tôm, là chơi chắn, chắn dễ chơi hơn tổ tổm, chỉ có 100 cây bài, ít hơn tổ tôm 20 cây. Cờ thì trí tuệ, còn bài lá thì đỏ đen.

* Một trò chơi dân gian khác, cũng rất đơn giản mà cũng rất trí tuệ, đó là trò Cơm canh rau muống. Đó là trò chơi mà, gồm 2 hình chữ nhật vuông góc ở giữa với nhau. Mỗi bên có 5 viên sỏi, 2 bên đi lần lượt, theo bất kỳ hướng nào, miễn sao đường đi không bị 1 quân (1 viên sỏi) nào đó cản lại, cứ cách 3 điểm trống liên tiếp là có thể ăn được bất cứ quân nào của đối phương. Khi đối phương không còn quân (viên sỏi) nào hoặc còn quân mà không thể đi được, thì khi ấy ta thắng. Loại hình trò chơi này có nhiều biến thể, những biến thể này phụ thuộc vào hình vẽ (của bàn cờ) và số lượng quân, cũng như số lượng điểm trống liên tiếp để có thể ăn. Có một loại hình, với tên trò chơi là: Kim mộc thuỷ hoả thổ. Trước hết, chúng ta không thể xác định được trò chơi Cơm canh rau muống và Kim mộc thuỷ hoả thổ, cái nào có trước và cái nào là biến thể của cái nào. Có phải trò chơi được đặt tên là Kim mộc thuỷ hoả thổ là vì vô tình để có thể ăn được quân của đối phương, thì quân của bên ta phải thực hiện đúng 5 điểm từ nơi nó đứng đến nơi quân của đối phương, vì thế mà do sự trùng hợp này, nên người ta mới gọi tên trò chơi là vậy ? Hay là bởi trò chơi dân gian này được sáng tạo ra với mục đích truyền tải một nội dung nào của thuyết ngũ hành ? Hay vốn đầu nó là một trò chơi Cơm canh rau muống, nhưng vì có sự trùng hợp, mà một người giỏi về Dịch đã cải tiến trò chơi để mang thông điểm về thuyết Âm dương Ngũ hành và đặt tên nó là Kim mộc thuỷ hoả thổ. Nếu để ý ta thấy có 2 người chơi và để tránh nhầm lẫn thì thường có 2 loại quân là đen và trắng (tượng trưng cho âm dương) và các quân âm hoặc quân dương phải thực hiện 5 bước kim mộc thuỷ hoả thổ để triệt hạ nhau.

* Một trò chơi khác cũng rất trí tuệ, nhưng điểm thú vị là trò chơi này thường dành cho con gái, đó là trò Ô ăn quan. Nói là dành cho con gái, bởi có một bài đồng dao rất hay liên quan tới trò chơi này, đó là: Hàng trầu hàng cau – Là hàng con gái – Hàng bánh hàng trái – Là hàng bà già – Hàng hương hàng hoa – Là hàng cúng Phật.

 

Ô ăn quan thuộc họ trò chơi mancala, có nguồn gốc từ động từ naqala có nghĩa là di chuyển. Mục tiêu cần đạt được để giành chiến thắng: người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tùy theo luật chơi từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi nhưng phổ biến là 1 quan được quy đổi bằng 10 dân hoặc 5 dân.

Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy; tình huống này được gọi là hết quan, tàn dân, thu quân, kéo về hay hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng. Ô quan có ít dân (có số dân nhỏ hơn 5 phổ biến được coi là ít) gọi là quan non và để cuộc chơi không bị kết thúc sớm cho tăng phần thú vị, luật chơi có thể quy định không được ăn quan non, nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị mất lượt.

Mancala châu Phi: Bàn chơi thường có 12 ô (hay được khoét thành những lỗ), mỗi người chơi kiểm soát 6 ô gọi là nhà, ngoài ra có thể có 2 ô lớn hơn gọi là kho. Kho có thể chỉ được dùng để chứa hạt giống đã bị người chơi ăn chứ không phải để đặt quân vào trong lượt đi do đó không nhất thiết phải có. Trong một số biến thể, bàn chơi có 24 ô, chia làm 4 hàng 6 ô, mỗi người chơi kiểm soát hai hàng, tổng cộng 12 ô ở phía bên mình.

Không có quân tương tự như quan mà chỉ có một loại quân có vai trò như dân gọi là hạt giống. Số lượng hạt giống ở mỗi ô khi chuẩn bị chơi có thể là 3 hoặc 4.

Mancala ở các nước châu Á khác: Bàn chơi có 14 ô, mỗi người chơi kiểm soát 7 ô ở phía bên mình, không có ô như ô quan. Không có quân tương tự như quan mà chỉ có 98 quân khi chuẩn bị đặt ở mỗi ô 7 quân.

Chúng ta thấy rằng trò chơi Ô ăn quan của người Việt rất thực tiễn, có những yếu tố chính trị xã hội trong trò chơi. Nó thể hiện, một quan niệm, một sự suy tư của người Việt về thế giới. Trong các trò chơi tương tự như Ô ăn quan, thì chỉ trò chơi của người Việt mới mới có quân quan, các trò chơi khác không có quân tương tự như quân quan, quân quan lớn hơn quân dân và thường được tính bằng 5 hoặc 10 dân. Đây là một khác biệt khá thú vị. Trong trò chơi của người Việt, khi 1 viên sỏi (1 quân dân) là dân khi nó ở nhà dân, nhưng nó trở thành quan khi nó ở ô nhà quan, khi ấy người ta gọi nó là quan non. Cái thú vị nằm ở chỗ ấy! Người Việt tư duy rằng: cái quy định, cái phân biệt giữa dân và quan là ở ô, ở chỗ ngồi, ở cái ghế. Người ngồi ở ô ấy, người đó là quan, kẻ không ngồi được thì đó chính là dân. Lại nhớ đến một ý của Đỗ Lai Thuý khi viết về người Việt: Người Việt một mặt vẫn cười những vị quan lại, nhưng mặt khác lại vẫn muốn trở thành họ. Qua trò chơi này, chúng ta đã thấy rõ, thực chất, một mặt người Việt cười là cười cái vị quan cụ thể, nhưng mặt khác người Việt vẫn muốn ngồi vào cái ghế quan ấy. Ngồi vào cái ghế quan ấy, chứ không phải muốn trở thành vị quan ấy. Người Việt cũng rất rạch ròi trong phân biệt đấy chứ ?

Trò chơi Ô ăn quan có tên gọi dân gian như vậy, nhưng qua tên gọi này chúng ta đã thấy nhiều điểm thú vị, Ô thì dễ hiểu, vì đây là đặc trưng của bàn cờ, ăn – rõ ràng là ẩm thực chiếm vai trò rất quan trọng trong ưu tư của người Việt và quan – một mơ ước khác, một mong mỏi khác, một mục tiêu phấn đấu khác của người Việt. Người Việt không mơ về một kho đầy thóc như những tộc người ở châu Phi. Người Việt mơ ước ‘ăn được quan’. Có rất nhiều nghĩa trong mơ ước này. Nhưng tựu chung, người Việt muốn được làm quan. Như thế chẳng phải người Việt đang mơ ước trái với quan điểm sống là rất thực tiễn của người Việt sao ? Không phải! Quan người Việt, vừa rất giàu có lại vừa có quyền hành, có danh vọng. Đó chính là lý do người Việt rất thích làm quan, bằng cách đó người Việt thoả mãn cả quan điểm thực tiễn của mình.

Qua cách chơi, chúng ta biết được phương thức, cách thức, tư duy của người Việt trong lao động. Người Việt thích “một đập ăn quan”. Đó là cách thức lao động để sao, đơn giản nhất mà hiệu quả nhất. Nhưng mặt trái của tư duy này chính là việc “ăn sổi ở thì”. Một nguyên tắc nữa của trò chơi là: Khi nào ô thường hết dân, thì người chơi phải bổ sung thêm dân, thế nhưng khi nào ô quan trống trơn thì khi ấy, toàn quân được thu về. Đây là một nguyên tắc khá hay, tôi không rõ đây chỉ là nguyên tắc của trò chơi hay là có một dụng ý nào đó.

Có một điểm khá thú vị nữa trong trò chơi của người Việt, đó là: số ô và số quân của người Việt rất khác với các nước khác, thường thì khi người Việt du nhập từ tộc người khác, thì hoặc là người Việt giữ nguyên bản, thế nhưng người Việt đã cải biến đi, điểm thú vị là chúng ta thấy con số 5 xuất hiện ở đây. 5 ô và 5 quân trong 1 ô. Đây có phải là sự vô tình hay nó là dụng ý để thể hiện triết lý âm dương ngũ hành hay không ? Tôi ngờ lắm!

Hiện trong dân gian, thường chỉ có 3 loại bàn cờ dành cho 3 nhóm người chơi. Nhóm 2 người, nhóm 3 người và nhóm 4 người. Nhưng đâu là bàn cờ gốc, tức là bàn cờ được sáng tạo ra đầu tiên ? Đây thực sự là một câu hỏi khó, thường thì từ 2 mà sinh 3 rồi sinh 4. Chúng ta cũng không biết bài đồng dao được tạo ra khi nào, nhưng căn cứ vào 4 câu đầu, chúng ta thấy rằng: có con gái (người trẻ) và bà già. Đây rõ ràng là những từ chỉ giới nữ. Nhưng vì trò chơi liên quan tới phụ nữ thì việc dùng những từ hoặc những vật liên quan tới phụ nữa là điều hợp lý. Nhưng sao lại có cửa Phật ở đây ? 2 câu sau không liên quan mấy tới 4 câu đầu. Rất có thể loại hình trò chơi này được sáng tạo ra vào thời điểm phật giáo rất thịnh, đó có thể thời Lý – Trần. Lại có câu truyện lưu truyền về Mạc Hiển Tích đỗ trạng năm 1086, liên quan tới trò chơi Ô ăn quan.

Có một sự trùng hợp khá thú vị giữa bài đồng dao và các bàn cờ, đó là: số lượng các từ trong bài đồng dao là: 4 chữ 1 câu x 6 câu = 24 từ. Trung với số ô của bàn cờ 4 người chơi. Vậy là, 2 câu đồng dao cuối của bài được, sáng tác thêm (vì rất ít liên quan với 4 câu trên) cho đủ 24 chữ tương ứng với 24 ô trong bàn cờ 4 người chơi. Vì thế mà tôi cho rằng: loại bàn cờ ban đầu, loại được chủ ý sáng tạo ra, là loại 4 người chơi. Và mỗi khi người chơi, rải 1 quân vào 1 ô, thì đọc 1 chữ trong bài đồng dao. Bài đồng dao không chỉ là yếu tố văn học, ca ngợi, mô tả về trò chơi mà nó còn là một phép ghi nhớ, khi mà người chơi đọc hết bài, mà số quân rải chưa hết các ô nghĩa là đã rải sai ở một chỗ nào đó. Theo như đó, bài đồng dao giống như là khẩu quyết trong võ học. Thế nhưng người chơi khác, có thể theo dõi và chỉ cho người đang rải biết sao ở chỗ nào cơ mà, nếu vậy thì cần gì khẩu quyết nữa. Cũng có thể giống như gọi cước trong chắn, những người chơi khác được phép bắt lỗi người đang rải, khi rải sai. Như vậy thì rất cần một căn cứ để bắt lỗi chung cho tất cả người chơi và đó có thể là cách nào khác, ngoài bài đồng dao.

Về nguồn gốc của loại trò chơi Ô ăn quan này, hiện tôi không thể xác định được tiền thân của nó, nên cứ tạm xếp nó vào loại hình mancala như hiện nay, nhưng tôi ngờ lắm! Dù có thế nào, thì tôi tin chắc chắn rằng: loại hình trò chơi này cũng phản ánh rõ ràng quan niệm, tư duy, mơ ước của người Việt.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/12/12/vai-net-trong-van-hoa-cua-nguoi-viet-am-thuc-va-tro-choi-dan-gian/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?