Vật liêu trang trí kiến trúc thời Lý – Trần thế kỷ XI – XIV 13/09/2017

Từ cuối thế kỷ 19, đầu 20, nhiều hoạt động sưu tầm khảo sát đã diễn ra ở khu vực thành Thăng Long cổ. Nhiều đồ gốm men và đồ đất nung ở đây đã được thu thập về Bảo tàng Louis Finot, mà nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trên nhiều hiện vật còn ghi rõ xuất xứ tìm được ở các địa điểm Quần Ngựa, Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hữu Tiệp, Kim Mã, Cống Vị, Liễu Giai…. mang rõ đặc điểm thời Lý – Trần. Rất nhiều hiện vật, trong số đó đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đăng ký trong hệ thống tài sản quốc gia và đang trưng bầy trong hệ thống chính của nhà bảo tàng.Các phát hiện và nghiên cứu của một số học giả Pháp đã góp phần mở đầu cho việc khám phá Thăng Long. Tuy nhiên, lúc đầu trong số họ, còn có ý kiến xếp vào thời Đường, thuộc nghệ thuật Đại La.Từ năm 1979 trở lại đây, nhất là cuộc khai quật khảo cổ học với qui mô lớn chưa từng có từ trước đến nay, từ tháng 12 năm 2002 tại khu Hoàng Thành Thăng Long đã cung cấp thêm nhiều thông tin mới về đồ gốm men và đồ đất nung ở kinh thành Thăng Long.

Mô hình tháp, đất nung triều Trần, thế kỷ 13 – 14. Cao 39cm, BTLSQG.

Tính đến tháng 11-2003, cuộc khai quật đã tiến hành được gần 17000m2 trên tổng diện tích được phép khai quật là 22.400m2.Kết quả bước đầu đã phát lộ tầng văn hoá khảo cổ ở độ sâu khoảng từ 0,90m đến 4m20. Trong tầng văn hoá có chứa đựng các dấu tích nền gạch, hệ thống trụ móng sỏi kê chân cột, chân tảng đá, giếng nước, cống thoát nước, mộ táng và hàng triệu di vật đất nung, đồ gốm sứ và đồ kim loại… Những di tích – di vật này được coi là một bộ phận trong tổng thể di sản văn hoá vô giá của trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa.Các kết quả khảo sát, khai quật đã cho phép nhận thức thêm nhiều về các địa diểm của toà thành cổ Thăng Long:Khu vực Quần Ngựa là khu dân cư của thị dân từ thời Lý – Trần trở về sau. Quần Ngựa không phải là vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long.Năm 1996, tại 11 Lê Hồng Phong, nơi xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật chữa cháy 30m2, trong đó, hiện vật tìm được khá phong phú bao gồm gạch, ngói, đồ sành, gốm men, sắt, đá… của nhiều thời đại từ thời Lý như gạch lát nền in nổi  hoa sen. Ngói ống mầu đỏ, dài 39cm, đầu ngói tròn đường kính 6cm. Đây là loại ngói lợp ở diềm mái, trang trí cầu kỳ. Đầu ngói trang trí hình bông sen nổi 8 cánh. Lưng ngói có gắn hình lá đề hay uyên ương. Trong lòng mỗi lá đề có in trang trí hình 2 con phượng đối xứng chầu vào các ngọn lửa nhỏ.Năm 1997, Viện Khảo cổ học có cuộc đào thám sát tại số 5 Hoàng Diệu. Ở đây cũng tìm thấy nhiều đầu ngói ống trang trí nổi bông sen như ở 11 Lê Hồng Phong.

Đầu rồng, đất nung triều Trần. thế kỷ 13 – 14. Cao 59cm, Bảo tàng Nam Định

Đặc biệt ở đây còn thấy cả tượng sấu bằng đá cát, tương tự phong cách các con sấu ở chùa Bà Tấm, chùa Hương Lãng.Năm 1998, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý Di tích và và Danh thắng thuộc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội tiến hành thăm dò và khai quật tại các địa điểm Hậu Lâu, Đoan Môn và Bắc Môn thuộc khu vực thành Hà Nội. Tại địa điểm Hậu Lâu, tầng văn hoá dày 2-3m, có vết tích hồ ao bị san lấp nhiều lần. Một số loại hình vật liệu kiến trúc đã thấy là gạch lát nền trang trí hoa sen, hoa cúc, hoa chanh… đều là các mảnh vỡ. Đầu ngói ống trang trí nổi hoa sen, hoa cúc dây có phủ men xanh, đã bong tróc. Lá đề đất nung trang trí nổi rồng, chim phượng… Ngoài ra còn có nhiều mảnh tượng uyên ương, trên thân in các hình lông vũ tỉa cách điệu rất chi tiết.Năm 1999, tại 2 địa điểm Bắc Môn và Đoan Môn cũng được khai quật với diện tích: Tây Bắc Môn 35m2, Nam Bắc Môn 20m2. Nơi đây đã phát hiện một số mảnh vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc: Gạch lát nền và đầu ngói trang trí hoa sen. Tại địa điểm Đoan Môn, diện tích khai quật gồm Đông Đoan Môn: 48m2, Tây Đoan Môn 85,2m2. Ở đây cũng tìm thấy dược nhiều mảnh gạch lát nền trang trí hoa sen, đầu ngói ống, lá đề, tượng uyên ương…Thông qua số đồ gốm men và đồ đất nung hiện lưu giữ và trưng bầy tại các bảo tàng cùng các phát hiện khai quật khảo cổ học mới ở khu Hoàng thành Thăng Long, chúng ta có thể thấy khá rõ đồ gốm Thăng Long dưới thời Lý – Trần.Thành Thăng Long là nơi tập trung xây dựng nhiều cung điện lầu các của vua quan triều Lý, cho nên, trong lòng đất nơi đây còn chứa nhiều loại gạch ngói và các bộ phận trang trí kiến trúc bằng đất nung, kể cả một số phủ men trắng hay xanh lục. Nhiều đồ đất nung cho thấy được in nổi, chạm khắc tỷ mỷ công phu, đạt trình độ nghệ thuật rất đặc sắc. Đó là các loại gạch lát nền hoặc xây ốp trang trí mặt tường các cung điện chùa tháp. Loại gạch này có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, với các hoa văn rồng, phượng, hoa lá khắc chìm hay in nổi trên một mặt.- Gạch xây hình chữ nhật, mầu đỏ nhạt, trên một mặt có in nổi dòng chữ Hán trong ô hình chữ nhật“ Đại Việt Quốc quân thành chuyên” (gạch xây thành của nước Đại Việt). Đây là loại gạch đã phát hiện ở Hoa Lư (Ninh Bình), thuộc thế kỷ 10, nay mới thấy trong khu khai quật ở Ba Đình (2003).- Gạch vuông, màu đỏ nhạt, trên một mặt in nổi 2 dòng chữ Hán trong ô chữ nhật “Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (Chế tạo năm thứ tư niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình, đời vua thứ ba nhà Lý,1057). Loại gạch này đã từng phát hiện ở khu vực phế tích tháp Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) và tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng) năm 2003, tìm thấy trong khu khảo cổ Ba Đình.- Gạch lát nền hình vuông đã tìm được ở khu vực Quần Ngựa, Hậu Lâu, Bắc Môn, Đoan Môn. Kích thước loại gạch này phổ biến là:40cm x 40cm x 7cm và 38cm x 36cm x6cm. Trên mặt gạch đều thấy hình trang trí được tạo bằng khuôn khắc chìm, tạo nên hình hoa văn nổi. Có mẫu gạch hoa văn giống hệt loại gạch vuông lát nền tìm thấy ở thành cổ Hoa Lư: + Kiểu 1: Giữa mặt gạch in nổi bông hoa sen nở nhìn từ trên xuống, với nhuỵ, gương, cánh sen, bao quanh 4 góc in 4 hình bướm quay đầu vào giữa gương sen. Diềm ngoài là băng hồi văn chữ S liên hoàn (còn gọi là văn triện). + Kiểu 2: Giữa mặt in nổi 2 chim phượng bay nối nhau theo chiều kim đồng hồ. Bao quanh 4 góc in nổi 4 dải lá cách điệu. Diềm ngoài là băng hồi văn chữ S liên hoàn. Tuy chỉ tìm thấy những mảnh vỡ nhưng vẫn có thể nhận ra loại gạch tiêu biểu của vật liệu xây dựng triều Đinh- Tiền Lê. Có nhà nghiên cứu khảo cổ đã nghĩ rằng “những viên gạch ở Thăng Long này chính là những viên gạch được tháo gỡ ở Hoa Lư đem ra xây dựng cho knh đô mới vào năm 1010”.Nhưng ở các di tích Thăng Long còn tìm thấy các mẫu gạch lát nền khác hình vuông với trang trí nổi:+ Kiểu 1: Năm bông hoa sen dàn đều trong 2 vòng tròn, bông hoa có các cặp cánh đối xứng theo lối bổ dọc. Ở 4 góc có 4 dải lá cách điệu cân đối. Diềm ngoài là băng nhũ đinh.+ Kiểu 2: Trên mặt gạch in nổi 5 bông hoa trong một ô tròn ở chính giữa, bông hoa cũng thể hiện theo chiều bổ dọc có cánh đối xứng, mỗi bông lại có một cuống hoa và cành uốn cong điểm thêm các lá nhỏ. Bốn góc in nổi 4 cành hoa cùng kiểu ở giữa nhưng thu nhỏ hơn.+ Kiểu 3: Trên mặt gạch in nổi một cánh hoa thị, 2 góc là 1/4 bông cúc. Vì vậy khi ghép các viên gạch sẽ cho các bông hoa liên hoàn. Cứ 4 viên ghép liền thì cho một hình hoa thị (hay hoa chanh). Sự phân biệt khác nhau của loại gạch này là hình trang trí trong mỗi cánh hoa thị, có thể là một hình chữ S có dải cuốn hoặc 2 dải xoắn, hay một bông hoa tròn 8 cánh…+ Kiểu 4: Là loại gạch vuông vức, cạnh 30 cm. Hoa văn in nổi trên một mặt là hình rồng cuộn trong ô tròn có diềm văn mây cuốn, dây lá cuộn ở 4 góc và một đường diềm bao quanh là kiểu văn mây cuốn hình dấu hỏi. Đặc biệt hình rồng cuộn là một đồ án giống hệt trên loại gạch tròn phủ men trắng tìm thấy ở thành Thăng Long.Gạch trang trí nổi rồng, ngoài kiểu gạch vuông còn thấy trên loại gạch chữ nhật (dài 45cm, rộng 30cm), hay loại gạch hình thoi cạnh 30cm gạch hình tam giác, vuông cân, có cạnh đáy 30 – 40cm, hoa văn rồng cuộn và băng văn mây hình dấu hỏi giống hệt trên loại gạch vuông thời Lý, thế kỷ 11-13.Ngoài 4 kiểu phổ biến trên đây, gạch chữ nhật D:18,2cm; R:17cm cắt 2 góc có in nổi 2 hình rồng trong khung hình lá đề, có lẽ là một loại gạch ốp: Tìm thấy ở Quần Ngựa thành Thăng Long (hiện trưng bầy tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).Gạch vuông lát nền thời Trần, cũng với những kích thước tương tự nhưng hoa văn đơn giản hơn. Chẳng hạn, loại gạch vuông trên mặt in nổi cánh hoa thị. Nét khắc của chúng sắc sảo, bố cục gọn, đơn giản, độ nung già đều, nên hoa văn rõ đẹp.

Gạch xây tháp, đất nung, triều Lý, thế kỷ 11 – 13. BTLSQG.

Những loại gạch lát nền thời Trần còn thấy những kiểu bố cục hoa lá trong 2 vòng tròn lồng nhau, đôi khi còn có đường diềm hồi văn, tương tự như các loại gạch tìm thấy ở những di tích thời Trần như Lộc Vượng (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình), Kiếp Bạc (Hải Dương), Ly Cung (Thanh Hoá).Ở Ly Cung còn gặp loại gạch vuông lát nền với hoa văn in nổi, một hình tròn giữa một hình vuông có 4 hình lá đề ở góc, xung quanh là 4 vòng cung in nổi một nửa bông hoa. Vì vậy, 5 viên ghép lại sẽ cho ta đồ án hình đồng tiền. Cũng có cấu trúc ghép tương tự loại trên nhưng chính giữa là một bông hoa 4 cánh nhiều lớp đặt giữa một hình 8 cánh, có 4 đường gờ lớn (nằm trên 2 đường chéo của viên gạch). Hoa văn đường diềm là 4 bông hoa tròn được phân đôi, nửa bông hoa này đối xứng khi ghép với nửa bông hoa của viên kia.- Gạch xây tháp: Ở khu vực thành Thăng Long xưa, Hà Nội nay, tuy không còn một kiến trúc tháp nào nhưng thư tịch cổ có ghi chép về tháp Báo Thiên được xây dựng dưới thời Lý, sánh ngang với những cây tháp Phật Tích (Bắc Ninh), Chương Sơn (Nam Định), Long Đọi (Hà Nam), Tường Long (Hải Phòng). Cũng không còn một kiến trúc tháp nào xây dựng dưới thời Trần có hình dáng qui mô đồ sộ như tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) hay Phổ Minh (Nam Định).Tuy nhiên những mảnh gạch xây tháp thì vẫn còn được tìm thấy ở nhiều di tích. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện lưu giữ và trưng bày một số mẫu gạch xây tháp bằng đất nung và gốm men.- Gạch xây tháp đất nung hình chữ nhật màu đỏ gạch dài 16 cm, rộng 13,5 cm, một mặt khắc chạm nổi 2 hình rồng cuộn đôí xứng,2 hình phượng đuôi dài uốn khúc trong một khung hình lá đề. Đây là loại hoa văn rồng, phượng điển hình thời Lý.- Mảnh gạch xây tháp thời Trần, dài 32 cm, rộng 15cm, màu đỏ sẫm, trang trí nổi trên một mặt hình hổ và nhiều lớp văn sóng nước hình nấm. Hổ trong tư thế đứng, đuôi uốn cong như đang chuẩn bị lao lên.- Gạch xây tháp phủ men trắng có 2 kiểu:Kiểu 1: Gạch hình khối chữ nhật, trên một mặt chạm khắc nổi 2 hình rồng cuộn trong ô chữ nhật, diềm là băng lá đề, cánh sen, sóng nước, phía dưới chạm băng cánh sen mập, cánh to xen cánh nhỏ và 7 tiên nữ múa dâng hoa, phủ men trắng xám. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam mới sưu tầm được một cây tháp gốm men có tầng dưới cùng là băng hình tiên nữ múa dâng hoa tượng tự. Trong số hiện vật tìm thấy trong khu Ba Đình (2003) cũng tìm thấy những mẫu cùng loại tiên nữ trang trí trên bệ tháp tráng men trắng thời Lý.Kiểu 2: Gạch hình tròn, trên một mặt chạm khắc hình rồng Lý với nhiều khúc uốn hình túi, bao quanh là băng hoa cúc dây và băng văn hình dấu hỏi- Gạch xây tháp đất nung phát hiện ở thị trấn Đức Giang, Gia Lâm Hà Nội vào khoảng năm 1993 cũng cho thấy nơi đây đã từng có một kiến trúc tháp dưới thời Lý, nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành Thăng Long. Địa điểm phát hiện là thuộc làng Ô Cách xã Việt Hùng trước đây. Những hiện vật tìm thấy ngẫu nhiên khi người dân san đào ao.

Phù điêu phượng trên ngói bò, đất nung, triều Trần, thế kỷ 13 – 14. Cao 35cm, Bảo tàng Thái Bình.

Đây là các vật liệu kiến trúc tháp và một số tác phẩm điêu khắc trang trí bằng đất nung. Vật liệu kiến trúc có 5 mảnh đất nung, đều là các mảnh dùng để xây tháp với nhiều vị trí và kích thước khác nhau:- Hai mảnh để ghép vị trí vòm cửa cuốn tháp (35,5x50x22cm) tại diềm cửa và góc phía mặt ngoài có chạm nổi hoa cúc dây uốn lượn hình sin (trong mỗi khúc uốn có một bông hoa cúc tròn, lá cúc nhỏ rải đều từ đầu đến cuối). Rìa góc có lỗ cá để gắn chì.- Một mảnh bó tầng tháp (37,2cm x 36,3cm x19,5cm), mặt ngoài có chạm nổi hoa 4 cánh (hoa thị hoặc hoa chanh), và diềm cánh sen.- Hai mảnh mô hình tháp nhỏ, tường trang trí hoa chanh, mái ngói ống, đầu ngói trang trí bông hoa tròn nhiều cánh.Các tác phẩm điêu khắc trang trí bằng đất nung là những tiêu bản hiếm quý gần như mới gặp lần đầu tiên. chẳng hạn, pho tượng phỗng (hay vũ nữ) (15cm x 17cm x11cm), bị mất phần đầu, tư thế quỳ trên bệ hình chữ nhật vát góc, mình để trần, ngực nở, Xiêm áo rộng nhiều nếp, hai tay buông so le.Hai khối toà sen tròn bằng đất nung màu đỏ gạch, với lối tạo cánh sen tương tự khối hoa sen bằng đá sa thạch cũng tìm thấy ở đây. Mỗi toà sen tạo 3 lớp cánh sen. Toà sen to có đường kính 50 cm, mỗi lớp 14 cánh sen thon dài, trong lòng cánh chạm hoa sen dây. Trong lòng khối toà sen rỗng, đáy trổ thủng 3 lỗ nhỏ, chính giữa có lõi hình ống nhô cao, vành miệng uốn loe ra, làm bệ đỡ một toà sen khác nhỏ hơn đặt phía trên. Toà sen  nhỏ có đường kính 30 cm, tạo 10 cánh sen thon dài, lòng cánh sen chạm hoa cúc. Có thể 2 toà sen này là đế lộng lẫy của một pho tượng Phật vốn được đặt thờ trong lòng tháp?.Những tác phẩm điêu khắc trang trí bằng đất nung này gợi ý hình dung về các mảnh đất nung có chạm khắc cánh sen tượng tự tìm thấy ở các di tích Thăng Long hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.- Mô hình tháp gốm men: Ngoài một mô hình tháp gốm men thời Lý, tuy không còn đầy đủ nhưng rất đẹp đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sưu tầm tại một sưu tập tư nhân ở Hà Nội (hiện đang trưng bày tại phần lịch sử triều Lý), tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn lưu trữ một mô hình tháp men ngọc. Theo tài liệu lưu trữ cho biết, xuất xứ mô hình tháp này tìm thấy tại khu vực Bát Tràng. Mô hình tháp cao 26,5cm, rộng 21,5 cm. Tháp hình vuông, bốn mặt trổ thủng vòm cửa cuốn, chạm khắc nổi 8 tượng Kim Cương theo lối phù điêu, cùng các đề tài hoa chanh, băng lá đề,cánh sen, hình tháp trong lá đề. Toàn bộ bên ngoài mô hình tầng tháp phủ men ngọc mầu vàng nhạt.- Tháp sứ trắng Bát Tràng, cho đến nay thì không có tài liệu nào cho biết toà mô hình tháp này hiện ở đâu? Theo tài liệu của Nguyễn Bá Lăng, (hình vẽ số 9, tr.76 và hình vẽ số 10, tr.78), chúng ta biết đây là mô hình tháp trong sưu tập riêng của Đỗ Đình Thuật, tìm thấy ở Đại La. Tháp có chiều cao còn lại 1m05, không kể phần khuyết gãy. Nếu so sánh bản vẽ chi tiết (hình số10, tr.78) với ảnh chụp mô hình tháp chùa Chò (hiện do Bảo tàng Vĩnh Phúc lưu giữ và trưng bày) thì thấy nhiều điểm tương đồng về kiểu dáng: Tháp vuông, trên nhỏ, dưới to, tầng đế lại càng giống. Đó là các lớp cánh sen úp và ngửa có chạm mặt nhẵn, hình rồng uốn khúc trong ô chữ nhật 2 bên ô cửa vòm, 8 tượng Kim Cương trấn giữ, những hình Phật ngồi thiền trên toà sen trong các hình lá đề và cả những hình tiên nữ đầu người mình chim trên các con sơn chồng đấu…Sự khác biệt thể hiện trên mô hình tháp chùa Chò là ô chữ nhật tầng đế chạm nổi đề tài “ Sừng tê ngọc báu” còn ở tháp này là cành hoa lá. Sự khác nhau còn ở việc sử dụng men. Trong khi tháp Bát Tràng chỉ có men trắng (nên quen gọi là tháp sứ trắng) còn tháp chùa Chò dùng men nâu, men ngọc và men trắng.Tháp sứ trắng Bát Tràng, theo chúng tôi cũng là một tác phẩm đồ gốm tinh xảo của thời Trần, được sản xuất ở vùng Thăng Long, rất đáng chú ý.Một tầng đế tháp vuông, cạnh 36cm, hiện tàng trữ tại Bảo tàng A dam Malik, Jakata, vốn tìm thấy ở Đông Java (Indonexia) có băng cánh sen dẹo và 2 băng cánh sen mặt nhẫn và một băng lá đề bên trong chạm nổi sừng tê ngọc báu, cũng có thể được sảm xuất từ khu vực Thăng Long.+ Đầu rồng, đầu phượng đất nung:Đầu rồng, đầu phượng đất nung là những bộ phận trang trí trên đầu đao, bờ nóc, bờ dải diềm mái của kiến trúc được đắp nặn, chạm trổ rất tinh xảo. Có hàng trăm mảnh thuộc các bộ phận trang trí bằng đất nung thời Lý -Trần đã phát hiện được trong các di tích ở Thăng Long, hiện nay đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong cuộc khai quật di tích ở khu vực Ba Đình (Hà Nội), các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều đầu rồng, đầu phượng còn khá nguyên vẹn, màu đỏ gạch. Đầu rồng có bờm mào dài, uốn khúc, miệng ngậm ngọc, xung quanh khắc rạch tỉ mỉ trau chuốt những văn dải xoắn, ô hình thoi … Các nhà khảo cổ còn giữ lại hiện trường có đầu phượng nằm xen kẽ với lá đề đất nung trang trí kiến trúc (như ở khu A20).+ Tượng uyên ương (còn gọi là tượng vịt) cũng thường gặp trên ngói bò bằng đất nung, đã xuất hiện trên trang trí kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê, tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình). Loại tượng này gắn trên ngói bò cong hình chữ nhật, đầu ngẩng, 2 cánh khép, mũi cánh nhô cao trên lưng, đuôi cong, xung quanh khắc các đường sóng cuộn, dài 29cm, cao 29cm, màu đỏ gạch. Tượng vịt ở di tích Long Hưng (Thái Bình) thuộc thời Trần, có cách thể hiện cùng tư thế nhưng tả thực hơn. Các di tích Đoan Môn, Hậu Lâu khai quật năm 1999 cũng thấy 13 tượng vịt, hình thức gần với tượng thời Lý nhưng kích thước nhỏ hơn và đường nét trang trí cũng đơn giản hơn.+ Tượng quan võ trên ngói bò bằng đất nung:Tượng mô tả một võ quan với dáng đứng thẳng, đầu đội mũ hình mặt sư tử, trên thân khắc ô hình thoi và hình lá đề. Đế là ngói bò hình chữ nhật cong, màu đỏ gạch. Tượng cao 27cm, thuộc thời Trần, thế kỷ 13-14. Phải chăng đây là một trong số những tượng trang trí trên mái kiến trúc của một võ quan thời Trần trong kinh thành Thăng Long.+ Phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung:Đây là các loại phù điêu trên ngói úp nóc kiến trúc thời Lý – Trần thường thể hiện theo lối dẹt 2 mặt:- Kiểu 1: phù điêu rồng trên ngói, tạo trổ thủng làm nổi rõ thân rồng với những khúc uốn hình túi, đầu rồng có bờm cao uốn sóng, miệng ngậm ngọc, bệ hình dải lá gắn trên ngói hình chữ nhật cong.- Kiểu 2: Phù điêu phượng trên ngói, đầu ngẩng cao, 2 cánh dang rộng, đuôi cuộn sóng, bệ hình chiếc lá nhọn đầu (có thể gọi là lá đề lệch).- Kiểu 3: Lá đề đất nung gắn trên đầu ngói ống (tương tự như diềm mái tháp gốm hoa nâu ở chùa Chò, thuộc thời Trần). Trên một mặt trước lá đề in nổi 2 hình rồng cuốn chầu vào viên ngọc trong ô hình lá đề, diềm bao quanh hình ngọn lửa. Các đầu ngói ống có dạng in nổi hoa sen đơn hoặc kép. Để chế tạo các phù điêu đất nung này, phương pháp đổ khuôn là phụ, có thể chỉ là khâu tạo hình đầu tiên, còn để hoàn chỉnh thành phẩm nhất định phải do bàn tay gọt tỉa công phu của người thợ gốm.Có những lá đề dùng úp trên bờ nóc, kích thước rất lớn đã tìm thấy ở khu Ba Đình, còn khá nguyên lành, 2 mặt chạm khắc 2 hình chim phượng (ở khu di tích Tam Đường, Thái Bình đã thấy lá đề đất nung, tuy bị vỡ, chỉ còn cao 27 cm nhưng chiều rộng tới 53cm).Nhìn chung, về hình thức, lá đề chạm rồng, phượng thuộc thời Trần giống như thời Lý, song giảm đi sự trau chuốt, các chi tiết đơn giản hơn.Ở địa điểm Đoan Môn, khai quạt năm 1999, đã phát hiện 12 lá đề rồng và 15 lá đề phượng (Hố 2). Ở địa điểm Hậu Lâu, khai quật cùng năm 1999, đã phát hiện 30 lá đề rồng, 26 lá đề phượng. Các bộ phận trang trí trên toà mái các kiến trúc cung điện, chùa tháp thời Lý – Trần, tuy làm bằng đất nung thô sơ mộc mạc, nặng nề nhưng do tạo hình khéo léo, chạm trổ tinh vi mềm mại, tạo được sự hài hòa với độ dốc, đường cong của tàu mái làm cho toàn bộ kiến trúc trở nên lộng lẫy, trang nghiêm, thực sự chiếm vị trí quan trọng trong nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.- Tượng gốm đất nung:Đây là một số loại tượng độc lập, có thể xem như những tác phẩm mỹ thuật làm bằng đất nung. Tuy việc phát hiện các loại tượng này chưa nhiều nhưng cũng cho thấy nhiều minh chứng của nghệ thuật tạo hình dưới thời Lý – Trần.- Tượng phỗng (hay vũ nữ) phát hiện ở Đức Giang (đã trình bầy ở trên)là một loại hiếm gặp. Tượng tiên nữ bằng đất nung, màu đỏ nhạt tìm thấy ở di tích Ngọc Hà, thành Thăng Long. Tượng bị vỡ, chỉ còn 7,5 cm, rộng 7,7cm, mô tả vũ nữ đang múa, mặt nhìn nghiêng. Tiên nữ có mặt trái xoan, trên trán và ngực chạm nổi các vòng tròn nhỏ, tay phải đặt trước ngực. Cũng ở di tích Ngọc Hà, trước đây đã gặp 2 đầu tượng tiên nữ, cao 6,5 cm-7,5cm. Hai đầu tượng đều có vành đai buộc tóc, chạm khắc băng chấm nổi hoặc hoa 5 cánh, màu đỏ gạch.Ở di tích Quần Ngựa, thành Thăng Long, trước đây cũng phát hiện được 2 đầu tượng Phật nhỏ, màu đỏ gạch, cao từ 8,2 – 9,2cm. Một đầu tượng có chỏm bông sen, một tượng khác có vành mũ cánh sen, trên chỏm chạm nổi hình bông hoa.Tượng sư tử quỳ trên bệ hình chữ nhật, màu đỏ gạch, cao 16,4 cm. Đây là một tượng đất nung thời Lý, thế kỷ 11-13, rất hiếm còn lại đến nay. Xung quanh thân sư tử còn thấy các chấm dải và dải xoắn.Mảnh bệ tượng Phật, bằng đất nung màu đỏ gạch, chỉ còn cao 13cm, rộng 27,5cm, với 3 bậc, chạm nổi băng cánh sen và các hình người quỳ theo dáng tiên nữ Apsara. Trên phần còn lại này cho phép hình dung một bệ tượng Phật hình bát giác với các băng văn chủ đaọ là cánh sen nổi và hình tiên nữ, thường gặp trên nhiều hiện vật thời Lý. Tất cả những hiện vật đất nung nêu trên hiện đang được trưng bày trong phần nghệ thuật thời Lý – Trần tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.Vật liệu trang trớ kiến trúc thời Lý –Trần không chỉ thể hiện vẻ đẹp kỳ diệu của các công trình cung điện, lầu gác, chùa chiền thời ấy mà còn tỏ rõ sức sống mới của nền văn hóa Đại Việt.

Nguyễn Đình Chiến

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 1+2/2015)

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?