Về hình tượng chim thần Kinnari trong điêu khắc Chăm 14/07/2017

Hồ Thùy Trang

Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, hình tượng chim thần được thể hiện rất phổ biến, chẳng hạn như: Chim thần Garuda là vật cưỡi của thần Visnu (thần bảo tồn); chim thần điểu Hamsa là vật cưỡi của thần Brahma (thần sáng tạo); chim công – vật cưỡi của thần Skanda (thần chiến tranh)… Nằm trong hệ thống các con vật linh tôn giáo, ảnh hưởng văn hóa truyền thống Ấn Độ, mỗi loài vật đều có sự cải biên, bản địa hóa về nội dung, cách tân về nghệ thuật và hình tượng chim thần Kinnari “đầu người mình chim” là loại hình tương tự như vậy.

Chim thần Kinnari đầu người mình chim trong thần thoại Ấn Độ là những ca sĩ, nhạc công thiên thần múa hát trên thiên đình, phục vụ cho thần Indra – thần sấm sét, vị Thiên hoàng trong thần thoại Ấn Độ gần với mặt trời và trung tâm vũ trụ. Khi thể hiện Nam thần, có tên gọi là Kinnara; Nữ thần gọi là Kinnari. Loại hình này thường được người Chăm dùng trang trí thành băng trên diềm mái tháp. Có ý kiến cho rằng, biểu tượng chim thần Kinnari của người Chăm được lấy từ mô típ chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ. Trong sự giao thoa tiếp biến giữa các nền văn hóa, hình tượng Kinnari đầu người mình chim được thể hiện trong các ngôi đền, chùa của các nước Đông Nam Á như đài Patuxay, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Viêng Chăn (Lào); trong các ngôi chùa Việt từ thời Lý đến thời Mạc… Có thể gặp ở những dạng tượng Kinnari ở chùa Thái Lạc, chùa Phật Tích, chùa Long Đọi… Bức phù điêu ở chùa Long Đọi thể hiện hình tượng Kinnari có bộ mặt giống con người hiện thực, thể hiện sự trầm tư, vẻ đẹp dịu dàng nhưng lại rất rạng rỡ, phảng phất hình bóng của người Chăm với chiếc khăn quấn đầu rủ từ thái dương xuống vai, phía sau có đôi cánh như cánh chim, hai tay đưa ra phía trước, một tay giơ lên cao, một tay giơ thấp, thân hình uốn lượn mềm mại trong tư thế đang múa, xung quanh là những đám mây, tạo cho người xem một cảm giác lung linh huyền ảo. Tượng Kinnari ở chùa Phật Tích, bằng đá, cao 40cm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cũng là hình tượng đầu người mình chim. Kinnari đội mũ, khuôn mặt bầu bĩnh, thân hình và đôi tay người, đôi chân chim có móng vuốt sắc nhọn; phía sau Kinnari có đôi cánh giang rộng, toàn thân ưỡn về phía trước trong tư thế đang bay và hai tay ôm trống trông rất sinh động, đây là một tiêu bản đẹp còn tương đối nguyên vẹn, họa tiết trang trí tỉ mỉ, sắc sảo.

Tượng Kinnari khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 2011

Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học thì trước khi đạo Phật cùng văn hóa Ấn Độ du nhập vào Đông Nam Á, các cư dân người Việt – Mường cổ, người Chăm cũng như nhiều tộc người khác cư trú ở vùng rừng núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên (Việt Nam) đã có tín ngưỡng khá phổ biến là tục thờ chim, chim trở thành vật tổ. Trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường (cùng gốc với người Việt cổ) thì chim Tùng – chim trống, chim Tót – chim mái (có dị bản gọi là chim Ấy, chim Ứa) là vị tổ sinh ra người Mường, người Việt, người Dao… Bà Âu Cơ trong huyền thoại họ Hồng Bàng là nhân vật hóa thân từ nòi tiên (chim) trong tục thờ chim của người Lạc Việt.

Tượng Kinnari khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) năm 2011

So sánh biểu tượng chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ với biểu tượng chim trong tín ngưỡng của các tộc người ở Đông Nam Á thì thấy: Chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Độ là vật cưỡi của thần Visnu, lúc thì mang hình dáng loài chim, lúc thì đầu chim, nửa dưới có chân giống người, là kẻ thù của thần rắn. Cả chim thần và rắn thần ở đây trước sau vẫn là “vị thần”, không có gốc gác gì liên quan đến sự hình thành các tộc người. Trong việc thờ Phật, Garuda biểu tượng cho sức mạnh Phật pháp, phò Phật về cõi hư vô, tịch diệt. Chim theo tín ngưỡng dân gian của các tộc người cư trú ở miền núi Việt Nam được coi là vật tổ nên biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở. Theo quan niệm lưỡng hợp, lưỡng phân của người Việt cổ thì, chim và rắn tuy khác nòi nhưng lại có thể hỗn mang với nhau. Vì vậy, huyển tích về Âu Cơ – vị tổ của các cư dân sống ở miền núi hôn phối với Lạc Long Quân – vị tổ của các cư dân sống ở đồng bằng sông nước, là âm hợp dương để sinh 100 trứng, nở ra 100 người con và sau đó phân chia 50 con theo mẹ (âm) lên rừng núi (dương), 50 con theo cha (dương) xuống đồng bằng (âm).

Tín ngưỡng này chỉ gặp trong quan niệm của Phật giáo ở chỗ đều coi loài vật gần gũi với loài người, có thể hóa kiếp trong vòng chuyển hóa luân hồi. Vì thế mà người Việt đã đem tượng “đầu người mình chim” vào chùa (ở một số chùa thường trang trí nơi bệ đá Phật ngự bốn góc có bốn chim thần Garuda nâng Phật bay lên). Trong nghệ thuật điêu khắc Chăm, hình tượng Kinnari được thể hiện rất phong phú đa dạng và có lẽ di tích Tháp Mẫm (Bình Định) là nơi phát hiện nhiều tượng Kinnari nhất.

Tượng Kinnari, ký hiệu ĐKC 33; kích thước cao 0,77m; rộng 0,42m; dày 0,39m; bằng đá sa thạch; nguồn gốc phát hiện tại Tháp Mẫm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Thừa Thiên – Huế. Tượng thể hiện hình ảnh nhạc công Kinnari trên đầu đội một cái Kisita – Mukuta có 5 tầng, tầng trên cùng là một cánh hoa, 4 tầng dưới trang trí cánh hoa đầu vê tròn kết dải. Quanh trán có chuỗi hạt tròn kết dải. Gương mặt với vầng trán rộng, lông mày cong, mắt to hình cung. Sống mũi cao, cánh mũi nở, miệng mỉm cười, đôi môi dày, môi dưới hơi trề. Má bầu bĩnh cằm chẻ, hai tai to, đeo trang sức hình khuy tròn. Cổ ngắn, trước ngực đeo vòng trang sức. Ngực tượng nở, bụng thon gọn. Hai tay đưa lên cao thẳng góc ở khuỷu tay, lòng bàn tay ngửa ra phía trước với 5 ngón thon. Trên bờ vai mang đồ trang sức là những chuỗi hạt tròn kết dải, chính giữa có đóa hoa 5 cánh. Trang phục Kinnari, quanh bụng quấn sampot khắc tạc nhiều họa tiết đẹp, dưới bụng là một cái đai nịt lớn. Trên đai nịt trang trí chuỗi hạt kết dải, ở giữa là đóa hoa 4 cánh, dưới đai nịt trang trí lớp cánh sen, dưới hoa văn cánh sen là hoa văn hình xoắn ốc. Sau vai trái có một cánh chim khắc tạc cẩn thận. Phía sau tượng có gờ nhô ra để gắn vào công trình kiến trúc.

Tượng Kinnari, khai quật tại tháp Mẫm năm 1934, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Tượng được thể hiện thân, mặt người, vỡ mất phần chân, thần đội mũ hình chóp, khuôn mặt thanh tú, hai tai đeo trang sức hình tròn, cổ đeo vòng trang sức, hai bầu vú căng tròn, hai tay đưa ra sau thẳng hàng với khủy tay, bàn tay xòe ra trong tư thế đang bay; bắp tay; cổ tay đeo trang sức, phía sau có đôi cánh, trên đôi cánh trang trí hoa văn kẻ sóng lá, thần mặc một trang phục ngắn, thắt lưng là đai nịt gồm nhiều hạt tròn kết dải, phía trước có một sampot đầu vê tròn, trên trang phục trang trí hoa văn vảy cá xếp lớp.

Tượng Kinnara (Nam thần), hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được người Pháp khai quật tại Tháp Mẫm năm 1934. Tượng cao 0,82m, bằng đá sa thạch. Tượng thể hiện một vị Nam thần, đầu đội mũ hình chóp gồm 4 tầng, trên mỗi tầng trang trí những cánh hoa liên kết, viền mũ trang trí những hạt tròn kết dải, trán rộng vuông, 2 cung mày cong dài, mắt nhắm, sống mũi thẳng, cánh mũi to, miệng rộng; hai tai to dài đeo vòng trang sức hình khuy tròn; cổ đeo vòng trang sức to bản, 2 bắp tay to cũng đeo trang sức; thần ở trần để lộ thân hình lực lưỡng, tay phải bị vỡ, tay trái giơ lên ngang vai, lòng bàn tay hướng ra phía trước; trang phục của thần giống như một chiếc váy tròn trang trí 3 lớp cánh hoa kết dải. Phía sau lưng thần có đôi cánh như cánh chim nhưng bị vỡ và có chốt đế gắn vào kiến trúc.

Tượng Kinari khai quật tại Tháp Mẫm (BÌnh Định) năm 1934

Năm 2011 trong cuộc hợp tác khai quật giữa Bảo tàng Tổng hợp và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Tháp Mẫm đã phát hiện các tượng Kinnari như sau:

Tượng Kinnari, ký hiệu: 11.BĐ.TM.TN.7; kích thước: chiều cao còn lại 19cm; rộng 9,5cm; dày 16cm; bằng đá sa thạch. Tượng bị mất đầu và phần chân, chỉ còn một đoạn thân; có 2 cánh phía sau; thân cánh được trang trí kẻ sóng lá; 2 tay chắp trước ngực cầu nguyện; 2 bầu vú nhỏ, thân dưới mặc trang phục quấn ngang hông, trên trang phục trang trí những hàng kẻ dọc song song.

Tượng Kinnari, ký hiệu: 11.BĐ.TM.TC.12; kích thước: chiều dài còn lại 32cm; cao còn lại 28cm; chỗ rộng nhất 18,5cm; bằng đá sa thạch. Tượng bị mất phần đầu và chân, chỉ còn một đoạn thân; phía sau có chốt dài để cắm vào tháp. Tượng có 2 cánh 2 bên trong tư thế đang bay; thân cánh trang trí hoa văn dật cấp hình sống lá; cổ đeo trang sức chấm bi kết dải, mặt trang sức hình lá đề; thân để trần lộ ra 2 bầu vú căng tròn; 2 tay đang chắp lại trước ngực trong tư thế cầu nguyện; 2 cổ tay tròn lẵng đeo trang sức; eo thon; tà sampot là dải yếm vê tròn phía dưới. Kinari trong tư thế đang bay

Tượng Kinari khai quật tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Tượng Kinnari, ký hiệu: 11.BĐ.TM.TC. 13; kích thước: chiều cao còn lại 28,5cm; rộng còn lại 23cm; dày 16,5cm; bằng đá sa thạch. Tượng chỉ còn phần thân; có 2 cánh nhưng bị vỡ một cánh; cổ đeo trang sức; 2 bầu vú căng tròn; tay và cổ tay đeo trang sức; 2 tay chắp trước ngực trong tư thế cầu nguyện; ngực ưỡn ra phía trước trong tư thế đang bay.

Đầu tượng Kinnari, ký hiệu: 11.BĐ.TM.TN; kích thước: Cao còn lại 14,5cm; rộng 9cm; dày còn lại 13cm; bằng đá sa thạch. Mặt người, đội mũ hình chóp. Trên thân mũ trang trí các lớp cánh hoa kết dải; vành mũ trang trí một hàng hoa văn chấm bi; mặt thon, 2 mắt nhắm; 2 tai dài; phía sau đầu tượng có chốt để gắn vào tháp.

Qua một số biểu tượng chim thần Kinnari của người Chăm cho ta thấy, đây là một loại hình điêu khắc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao, biểu hiện khát vọng của con người luôn muốn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp, là những tác phẩm điêu khắc thể hiện thành công nghệ thuật Hindu giáo, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Nguồn: Tạp chí Xưa và nay, số 410 (8/2012), tr.32-34

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?