BAN THỜ THẦN CÂY 04/10/2017

Tại sao cây đa, cây gạo lại được thiêng hóa?

 

Thần cây đa, ma cây gạo”

Không chỉ có cây đa, cây gạo được thiêng hóa như câu tục ngữ “thần cây đa, ma cây gạo” mà hai cây đó là đại diện các loại cây nói chung trong tập quán thờ cây của người Việt. Gần như những cây cổ thụ, sống lâu năm hoặc những cây có hình dáng kỳ lạ, sống ở những nơi đặc biệt đều được người ta thờ cúng. Đó là những cây đa, cây gạo, cây muỗm, cây trôi, cây đại… có đặc điểm nổi trội về hình thể như tán rộng và dày, nhiều cành và rậm rạp, dưới bóng mát mẻ nơi được cho là có âm khí. Cái cảm giác lành lạnh ghê người khi đứng dưới bóng cây ấy khiến người ta liên tưởng đến các linh hồn lạnh lẽo đang hiện diện tại nơi này. Những cây đó thường sống tại các ngã ba, ngã tư đường, ở đầu làng hoặc gần các chùa chiền miếu mạo là nơi thường xuyên qua lại của con người và linh hồn. Những cây ấy trở nên linh thiêng khi tác động vào tâm trí người ta một sự sợ hãi, hoảng loạn về tinh thần. Người ta không dám trèo lên, thậm chí không dám đến gần, hay mỗi lần đi qua đều phải vái chào như một nghi lễ nhằm tôn kính thần linh, giải tỏa sự sợ hãi, và để tránh sự rủi ro trong tương lai. Người ta cho rằng nếu không làm vậy thì sẽ bị thần linh ngự tại cây đó cướp mất một vài vía nào đó khiến người ta gặp xui xẻo trong công việc. Đàn ông bảy vía, đàn bà chín vía là quan niệm về sự sống của người Việt. Các vía ấy ngự trị ở một bộ phận nào đó trên thân thể con người, tồn tại như một thực thể sống động gắn liền với các hoạt động về thể chất, sức khỏe và tâm sinh lý con người. Khi các vía ấy rời bỏ con người thì linh hồn cũng từ đó mà rời bỏ theo.

 

Tại sao người ta lại đặt bình vôi ở gốc cây?

 

Các cây ấy không chỉ là nơi trú ngụ của thần linh, mà còn là nơi trú ngụ của con người. Mỗi khi mưa gió hoặc nắng nóng, người ta đều tìm đến những tán cây rộng để trú, là nơi dừng chân mỗi lần đi xa về hoặc chỉ là một địa điểm hẹn hò. Chính vì sự có mặt của con người mới tạo nên sự hiện diện của thần linh. Cho nên, để bảo vệ những cây đó, người ta mới mới đem những mảnh sành, mảnh bát, đồ sứ không còn sử dụng được nữa mang tính chất nguy hiểm với con người, phòng ngừa những bọn trẻ tinh nghịch hoặc những sinh vật có đặc tính phá hoại cây cối để ở gốc cây trong đó có cả bình vôi và bát hương. Điều mà chúng ta thường thấy ở sâu trong những thân cây cổ thụ. Để tiện cho việc thờ cúng, người ta thường cắm những nén hương lòng thành vào những vật dụng tương đối còn nguyên vẹn đó là bát hương và bình vôi bởi hai thứ đó là thứ khó bị hủy hoại nhất. Rất hiếm khi ta thấy bát hương bị vỡ do chủ ý của con người, nếu gia chủ muốn bỏ bát hương này đi để thay bằng bát hương mới trên bàn thờ thì cũng không vì thế mà đập bỏ bát hương cũ. Bình vôi thì càng khó có thể vỡ hơn bởi sự cô đặc của vôi khi đã sử dụng lâu ngày, nó như một hóa thạch gắn liền với vỏ bình nên việc gặp những bình vôi nguyên vẹn dưới gốc cây là điều hết sức phổ biến.

Dần dà, người ta sẽ biến những nơi thờ cúng đơn sơ đó thành các bệ thờ trang trọng, ở đó ngoài một bát hương thì còn có chỗ đặt cả đồ lễ như hoa quả, rượu thịt, và đôi khi là một khoảng sân rộng để cúng tế. Chúng ta thấy rằng bên cạnh một cây cổ thụ bao giờ cũng có một bàn thờ, một ngôi miếu hoặc một ngôi chùa. Hoặc khi người ta xây xong những ngôi miếu, ngôi chùa đó thì người ta sẽ trồng một cây ở cạnh nó để bù đắp vào sự trống vắng trong tiềm thức về một tục thờ cây nguyên thủy của người Việt.

 

Đỗ Cường

#Hoiquandisan

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?