Biểu tượng của Di Đà tam tôn 09/06/2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tam tôn là ba vị Thánh cùng được tôn thờ, bằng tranh hay tượng tại nhà hay tại chùa theo hàng ngang, bao gồm vị Phật ở giữa và hai vị Bồ Tát ở hai bên trái và phải.

Di Đà tam tôn thường gọi là Tây Phương Tam Thánh, đó là Phật A Di Đà ở giữa, Bồ-tát Quán Thế Âm bên trái, tay cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy; và Bồ-tát Đại Thế Chí bên phải taycầm cành hoa sen màu xanh.

Chùa hay Phật tử tu theo Tịnh Độ thì thường trưng bày như vậy theo 2 biểu tượng triết lý như sau :

+ Biểu tượng 1 :

Phật A Di Đà biểu tượng cho Thanh Tịnh-Giải Thoát.

Bồ-tát Quán Thế Âm biểu tượng cho Từ Bi cao thượng.

Bồ-tát Đại Thế Chí biểu tượng cho Trí Tuệ siêu việt.

Ba vị này được cho là thường tiếp dẫn các chúng sanh ở 10 phương thế giới, tu vãng sanh Tịnh Độ.  Đây là ba tính chất mà người tu cần thành tựu viên mãn.

+ Biểu tượng 2 :

Phật A Di Đà biểu tượng cho Thanh Tịnh Pháp Thân của chư Phật.

Bồ Tát Đại Thế Chí, biểu tượng cho việc tự giác tự độ (xem đoạn kinh “Đại Thế Chí Bồ tát niệm Phật chương”).

Bồ Tát Quán Thế Âm, biểu tượng cho việc giác tha độ tha (xem kinh Phổ Môn).

Phật A Di Đà và hai Bồ Tát tượng trưng cho hạnh của chư Phật và chư Bồ Tát là “Tự độ, độ tha. Tự giác, giác tha. Do đó giác hạnh viên mãn”. Đây cũng là kim chỉ nam cho người tu theo đạo Phật.

Chú thích về Bồ-tát Đại Thế Chí (Bodhisattva Mahasthanapràta):

Bồ-tát Đại Thế Chí theo truyền thuyết là một vị cư sĩ thân nữ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm cành hoa sen xanh, tâm định như gương, thanh tịnh như nước lặng. Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết trong sạch, không dính danh lợi thế gian, có sức mạnh tự tại vượt thoát khỏi bùn nhơ, thành tựu trí tuệ.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật ca ngợi Bồ-tát hạnh như sau:  “Nhân vì chúng sanh mà khởi tâm đại từ bi. Nhân lòng đại từ bi mà phát bồ đề tâm. Nhân phát bồ đề tâm mà thành ngôi chánh giác”.

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy:  “Trí tuệ là chiếc thuyền kiên cố chở ta ra khỏi biển sanh lão bịnh tử; cũng là ngọn đèn chói sáng xua tan vô minh hắc ám, là liều thuốc chữa bịnh tham sân si, là chiếc búa chặt đứt phiền não. Vậy các ngươi phải văn huệ, tư huệ, tu huệ và hành trì tinh tấn để tự tăng trưởng trí tuệ”.

Văn huệ :  do nghe đọc âm thanh, văn tự của Phật, mà hiểu được ý nghĩa của kinh điển.

Tư huệ :  do trí suy tư tìm hiểu, thấy được chân lý, sự thật một cách sáng suốt.

Tu huệ: nhờ sự hành trì tinh tấn, mà giác ngộ thực tướng rõ ràng, mọi sự vật không sai.

Theo lời kinh, Bồ-tát Đại Thế Chí nhờ vào chánh niệm là niệm Phật đạt được nhất tâm và thanh tịnh tâm mà, phát sinh tuệ giác viên mãn. Nội dung của niệm bao gồm các sự việc sau:

* Niệm mà không chấp có niệm, đó là chánh niệm.
* Hành mà không chấp có hành, đó là chánh tinh tấn.
* Độ mà không chấp có độ, đó là chánh tư duy.
* Tu mà không chấp có tu, đó là chánh tri kiến.

“Tự Tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ”, nơi tâm nhứt niệm thanh tịnh, không loạn động điên đảo thì thấy được cảnh giới tịnh độ, có nhiều hoa sen xanh tỏa ánh sáng màu xanh tuyệt đẹp, đó là hình ảnh của Bồ-tát Đại Thế Chí.

Minh Tâm

Nguồn: http://chuaphuclam.vn/index.php?/van-hoa/bieu-tuong-cua-di-da-tam-ton.html

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?