Thời Lê Trung Hưng ( 1533–1789) là triều đại dài nhất trong lịch sử Việt Nam, trải dài 256 năm. Đây cũng là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất với những cuộc nội chiến kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn diện đời sống xã hội thời đó. Nhưng kì lạ thay, trong bối cảnh như vậy, giai đoạn này lại tạo cơ hội cho nghệ thuật phát triển đặc sắc. Những ngôi đình đẹp nhất, độc đáo nhất còn lại đến ngày hôm nay đa phần có từ thời Lê. Trung tâm tín ngưỡng tiêu biểu như đền, chùa có sự hậu thuẫn của tầng lớp quý tộc bảo trợ cũng đạt đến sự rực rỡ từ tổng thế đến từng chi tiết nhỏ. Nghệ thuật điêu khắc triều Lê đạt đến trình độ khá điêu luyện, nhất là điêu khắc gỗ, hội họa thời kỳ này có nhiều tranh vẽ trên lụa, giấy bồi và trên ván. Tranh dân gian khá phát triển, nhất là tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng mang nhiều sắc thái dân tộc…
Trong hành trình tìm kiếm những giá trị tinh hoa của tiền nhân, Circle Group đã có duyên may được chiêm ngưỡng và tiếp xúc với những dấu tích hoa văn đặc trưng nhất của giai đoạn phát triển nghệ thuật mạnh mẽ thời Lê Trung Hưng, hiện diện trên đôi linh thú (Tý) với họa tiết ĐAO MÁC độc đáo. Đôi Tý chầu vào chữ PHÚC, nằm trên vị trí quan trọng của đình làng Trùng Hạ – ngôi đình được xếp hạng Di tích quốc gia – là cơ sở để dự án lựa chọn hình tượng này cho chủ đề năm Canh Tý 2020 với tên gọi Đôi chuột Hoàng gia.
Chiêm ngưỡng tác phẩm đôi chuột điêu khắc trên vì kèo, không ai có thể phủ nhận sự công phu và những hàm ý sâu xa mà các cụ xưa gửi gắm thông qua hình tượng này. Cặp chuột được chạm khắc tinh tế với cặp đuôi xoắn mang hoa văn đao mác thời Lê đặc trưng. Nếu như hình tượng chuột ít xuất hiện trên các kiến trúc cổ, hoặc được tạo nên với hình dáng vốn có quen thuộc, thì đôi chuột tại đình Làng Trùng Hạ lại gây ấn tượng bởi chính cặp đuôi xoắn kép khác biệt. Cặp đuôi xoắn với nhau như một mối buộc chặt chẽ, phần chót đuôi vuốt nhọn như hai lưỡi đao, mang đúng đặc trưng hoa văn đao mác thời Lê. Đặc trưng này còn có thể tìm thấy tại nhiều nét kiến trúc, mỹ thuật thời Lê tại đình làng Trùng Hạ cũng như một số công trình khác. Một điểm khác biệt nữa là đôi chuột đình làng Trùng Hạ được đặt hai bên, hướng chầu vào giữa một chữ Phúc được cách điệu như một bông hoa đang nở. Chắc hẳn có nhiều người băn khoăn tại sao hình tượng Chuột lại chầu vào chữ Phúc mà không phải chữ nào khác? Như đã nói ở trên, khi nhìn Chuột với con mắt bình đẳng giữa các loài, Chuột đại diện cho sự sinh sôi mạnh mẽ mà hiếm loại động vật nào bì kịp. Quan niệm về chữ Phúc là con đàn cháu đống nên khó có hình tượng nào thể hiện trọn vẹn hơn cặp đôi chuột trên vì kèo đình Làng Trùng Hạ. Đây là một cặp chuột đực và chuột cái. Các nghệ nhân xưa khi tạo nên kiến trúc này đã rất tài hoa khi thể hiện sự cân bằng về giới tính, hài hòa về Âm-Dương thể hiện qua các chi tiết tinh tế như mi mắt, độ cong của đôi tai…
Trân trọng tinh hoa của tiền nhân, Circle Group đã ứng dụng hình tượng cặp Chuột trên đình Làng Trùng Hạ vào vật phẩm Đôi Chuột Hoàng Gia đón chào năm Canh Tý 2020. So với nguyên bản, phần lớn các thiết kế của bản gốc được giữ trọn vẹn, chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ để vật phẩm có thể hiện hữu hợp lý dưới dạng vật phẩm trưng bày sống động. Cặp chuột làng Đình Hạ khi được triển khai ứng dụng thành vật phẩm văn hóa đã làm rõ tính Âm-Dương ở các chi tiết đôi tai, đôi mắt, cũng như phần thêm vào của biểu tượng phồn thực của Chuột đực và Chuột cái. Sự mạnh mẽ, khôn ngoan, chủ động của Chuột đực được tôn vinh bởi sự dịu dàng, nhường nhịn của Chuột cái. Cặp chuột chầu vào chữ Phúc giống như nguyên bản, với mong cầu vào hạnh phúc tròn đầy – cũng là lời chúc ý nghĩa mà vật phẩm mang đến cho mọi lứa đôi, gia đình tại triển lãm Con giáp của tôi dịp Tết Canh Tý 2020.
Với đặc điểm nổi bật thể hiện tinh hoa của triều đại Lê Trung Hưng, vật phẩm được khoác lên mình màu Vàng và một số phiên bản được làm từ Vàng 9999 xứng tầm với danh hiệu Chuột Hoàng Gia. Vật phẩm không chỉ khắc họa rõ nét dấu ấn về niên đại mà còn là một minh chứng thể hiện tư tưởng nghệ thuật riêng, có hệ thống rõ ràng tách bạch, giúp thế hệ sau nhận rõ được tinh thần bản địa của cha ông.
Vật phẩm sẽ được trưng bày tại Triển lãm Con giáp của tôi năm thứ hai với chủ đề “Xuân Hạnh Phúc” tại Nhà xuất bản Thế giới số 46 Trần Hưng Đạo từ ngày 06/01/2020 đến hết 31/01/2020.