Đỉnh cao của hoa văn gốm Phùng Nguyên chính là những đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải phức tạp, đối xứng sinh động!
Hơn 50 năm qua, công cuộc nghiên cứu về văn hóa Phùng Nguyên đã đạt được những thành tựu xuất sắc. Việc phát hiện và n ghiên cứu văn hóa Phùng Nguyên không chỉ làm sống dậy một nền văn hóa sơ kỳ thời đại kim khí phát triển rực rỡ suốt nhiều thập kỷ mà còn chứng minh được cội nguồn bản địa của văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Đặc biệt, công cuộc này do chính các nhà khảo cổ học Việt Nam thực hiện, chứ không phải nhờ từ người Pháp, những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu khảo cổ học hiện đại Việt Nam.
Đồ gốm cổ Việt Nam ra đời khoảng 10.000 năm trước, trong văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn (1) và đến giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, kỹ thuật chế tác đồ gốm đã đạt đến đỉnh cao cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Phùng Nguyên là tên một nền văn hóa tiền Đông Sơn nổi tiếng, phân bố trên một vùng khá rộng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tên gọi của nền văn hóa này được lấy từ tên của một di chỉ khảo cổ học: di chỉ Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ) được phát hiện từ năm 1959 (2).
Các loại hình trong gốm Phùng Nguyên:
Về loại hình, gốm Phùng Nguyên thường có các loại đồ đựng như bình, vò, bát tròn, bát mâm bồng… được tạo bằng bàn xoay nên có độ dày đều cân đối; một số loại hình nặn bằng tay như tượng động vật, chạc gốm, dọi xe chỉ, bi gốm… Hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên đa dạng và phong phú về kiểu loại và các họa tiết trang trí.
Nồi gốm đen Phùng Nguyên
Gốm trong văn hóa Phùng Nguyên, mà không đồ gốm nào có thể sánh được, không chỉ nổi bật ở sự phổ biến rộng rãi, tính thống nhất cao, kỹ thuật chế tác điêu luyện mà còn ở sự phong phú của hoa văn trang trí, thể hiện trình độ tư duy thẩm mỹ cao.
Hoa văn trong gốm Phùng Nguyên:
Cách thức tạo hình hoa văn trang trí có bước chuyển đổi rõ rệt qua ba giai đoạn: ở giai đoạn sớm, lối in lăn kết hợp khắc vạch được sử dụng rộng rãi; sang giai đoạn điển hình, lối khắc vạch in lăn đã dần được thay thế bằng khắc vạch in chấm; đến giai đoạn muộn, lối trang trí hoa văn khuông nhạc và văn thừng to, thô chiếm vị trí chủ đạo. Trình độ điêu luyện của người thợ gốm Phùng Nguyên thể hiện qua các đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải phức tạp.
Hoa văn gốm Phùng Nguyên với đặc thù là kiểu văn khắc vạch kết hợp chấm mịn theo băng dải tạo thành các họa tiết phức tạp nhưng rất chặt chẽ. Những hoa văn này được trang trí thành băng, tạo những họa tiết uốn lượn lặp đi lặp lại, có các dấu đệm nằm trong khung trống. Các họa tiết khắc vạch hình chữ S cong đều đối xứng, nằm ngang chiếm vị trí chủ đạo, kết hợp các họa tiết hình học đối xứng như hình tam giác, hình thoi. Thêm vào đó, hoa văn trang trí trên gốm Phùng Nguyên còn đa dạng ở các kiểu khắc vạch trên nền thừng, khắc vạch kết hợp hài hòa chấm que theo băng dải, khắc vạch kết hợp in lăn và miết láng…
Những đồ án hoa văn này đã thể hiện trình độ khéo léo của người thợ gốm, chỉ bằng hai bàn tay và những dụng cụ tạo hoa văn thô sơ, như những chiếc que đầu nhọn, đã tạo vạch nên những đồ án phức tạp nhưng không rườm rà, cân đối mà không cứng nhắc.
Hoa văn trên gốm Phùng Nguyên còn thể hiện trình độ tư duy khoa học của người thời bấy giờ.
Không phải tự nhiên mà người thợ gốm có thể hiểu được sự cân đối, quy luật đối xứng… mà có thể, do họ đã quan sát kỹ những điều có sẵn trong tự nhiên, trong con người, trong cuộc sống hàng ngày mà nảy sinh những ý tưởng về đối xứng để vận dụng vào thao tác tạo hoa văn trên đồ gốm.
Trình độ tư duy của người thợ gốm còn thể hiện trong việc xếp hoa văn thành các băng dải và sự tiếp nối cùng một họa tiết quanh đồ gốm. Sự quay tròn của một họa tiết hoa văn theo vành tròn trên đồ gốm, đặc biệt trên loại bát đĩa mâm bồng, dường là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ mà họ quan sát được trong cuộc sống hàng ngày, như bốn mùa xuân hạ thu đông luân chuyển trong một năm, sự thay đổi giữa ngày và đêm, giữa thời tiết khi nóng khi lạnh, quan sát sự tròn khuyết của tuần trăng, sự gieo trồng thu hoạch của mùa màng theo thời vụ, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái… (3).
Trên hoa văn gốm Phùng Nguyên, các họa tiết khắc vạch hình chữ S cũng chiếm vị trí chủ đạo.
Theo thống kê của GS. Hà Văn Tấn, có trên 30 kiểu môtip hoa văn hình chữ S (4). Chữ S thường được khắc nét đôi thành một hay hai hàng ngang ở giữa những đường chỉ chìm, tạo thành một băng hoa văn. Những băng hoa văn này không đứng đơn độc mà thường có các vành văn chấm dải, vành văn hình giun, vành vòng tròn cuống rạ, vành các đoạn thẳng song song,… tạo thành những đồ án sinh động, lấy chữ S làm trung tâm, làm họa tiết chính.
Chiếm số lượng lớn hơn cả là những hình chữ S đứng riêng lẻ thành hàng đều đặn, lúc một hàng một, lúc hai hàng song song trong các băng và được bao quanh bởi các đường chỉ chìm và các đoạn thẳng đứng. Hoa văn kiểu này trang trí phổ biến trên bát mâm bồng và trên bình dạng thố. Trên loại hình bát mâm bồng thường được trang trí các họa tiết hoa văn đẹp mắt và cầu kỳ, chứng tỏ người thợ gốm đã để nhiều tâm huyết và công sức vào đây.
Những họa tiết chữ S nằm ngang ít hơn và chúng thường được khắc vạch nối liền chữ nọ với chữ kia tạo thành một băng hoa văn hình chữ S tương đối hẹp, chạy dài trang trí vòng quanh phần vai của một loại nồi miệng loe, đáy tròn. Nhìn trực diện, vành hoa văn trang trí này thể hiện như một vòng tròn đồng tâm, nên độ doãng của những chữ S này thường rất lớn, có khi chữ S doãng đến độ gần như chạy thành hàng ngang trên đồ đựng.
Có thể nói, đỉnh cao của hoa văn gốm Phùng Nguyên chính là những đồ án hoa văn khắc vạch chấm dải phức tạp, đối xứng sinh động.
Số lượng hoa văn trang trí đối xứng trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên tương đối lớn. Phổ biến nhất là các họa tiết những hình tam giác ngược chiều nhau trang trí thành băng vòng quanh cổ đồ gốm. Trong các hình tam giác, thường có khắc những đường cong, đoạn thẳng, tạo thành những đồ án đối xứng qua đường cao của hình tam giác, tạo nên những hình tam giác hoặc đóng kín, hoặc để hở. Viền quanh hình tam giác là những hàng chấm dải đều đặn, phần còn lại được miết nhẵn. Phía trên và dưới có những đường chỉ chìm song song, đều đặn nhau làm nền cho đồ án hình tam giác.
Đối xứng gương:
Các họa tiết trang trí bên trong hình tam giác dù đơn giản hay phức tạp cũng đều theo nguyên tắc đối xứng qua đường cao của hình tam giác. Những đối xứng kiểu này được gọi là đối xứng gương: “Đối xứng gương là một kiểu đối xứng khá phổ biến. Các nhà sinh học còn gọi kiểu đối xứng này là đối xứng lưỡng trắc. Ta có thể thấy hình ảnh của đối xứng gương – gọi như vậy vì giống như ta với bóng ta ở trong gương – ở khắp quanh ta và cả ở bản thân ta. Người xưa cũng vậy, họ tìm thấy kiểu đối xứng này ở chiếc lá, ở vết chân thú, ở đôi cánh cò trải rộng trên trời cao…” (5).
Cụ thể hơn, đối xứng gương là “ta có thể dùng một mặt phẳng cắt các hình đối xứng kiểu này thành hai nửa bằng nhau và từng cặp điểm đối xứng đều cách đều mặt phẳng đó. Khi gập lại, hai nửa có thể trùng khít lên nhau” (6). Người thợ gốm Phùng Nguyên, khi tạo hoa văn, cũng tuân thủ một cách chặt chẽ quy tắc đối xứng này; từ những hình đối xứng rất đơn giản như những hoa văn khắc vạch hình chiếc lá đến những hình đối xứng phức tạp như những hình tam giác đối xứng.
Đối xứng trục quay trong gốm Phùng Nguyên:
Nguyên tắc đối xứng tiếp theo là đối xứng trục hay đối xứng quay: “Hình có đối xứng trục có những bộ phận bằng nhau và giống nhau nhưng không thể chồng khít lên nhau bằng cách gập qua một đường thẳng như trong đối xứng gương mà những bộ phận bằng và giống nhau đó chỉ có thể chồng lên nhau khi ta quay một trục thẳng góc với mặt phẳng chứa hình đó” (7).
Hoa văn kiểu chữ S nằm ngang theo hàng là một đồ án tiêu biểu của đối xứng trục. Những đường khắc vạch hình chữ S nối tiếp nhau chạy ngang quanh hiện vật. Kiểu hoa văn này thường trang trí trên cổ bình hoặc nồi đựng có kích thước lớn. Hầu hết các họa tiết hoa văn khắc vạch kiểu chữ S với những biến thể của chúng đều có tính chất đối xứng trục.
Nồi gốm Phùng Nguyên
Bên cạnh đó, người thợ gốm Phùng Nguyên còn tạo nên những đồ án gồm hai họa tiết là hai hình kín, bản thân mỗi hình không có sự đối xứng nhưng lại được đặt ở vị trí có đối xứng trục quay với nhau. Đó là đồ án hoa văn khắc vạch mà hình “bào thai” là một dẫn chứng (8). Đồ án hoa văn này gồm hai hình khắc vạch phần lưng cong, phần bụng nhìn trông giống như một em bé đang nằm trong bụng mẹ. Nếu nhìn hình đơn thì không có nét đối xứng nhưng đặt hai hình ngược chiều nhau thì đồ án này gồm hai hình đóng kín đồng dạng và được đặt theo nguyên tắc đối xứng trục.
Đối xứng tịnh tiến trong gốm Phùng Nguyên:
Nguyên tắc đối xứng cuối cùng là đối xứng tịnh tiến. “Đối xứng tịnh tiến là các dải hoa văn gồm các họa tiết không có đối xứng gương mà cũng không có đối xứng trục. Lấy riêng ra từng họa tiết, người ta có thể coi đó là những hình không đối xứng. Nhưng chúng được lặp lại trên một dải và chúng có thể chồng lên nhau bằng cách trượt theo một hướng” (9).
Thố gốm Phùng Nguyên
Những họa tiết hoa văn khắc vạch hình chữ S trong có chấm dải được liên kết thành một kiểu trang trí liên hoàn trên đồ đựng. Người thợ gốm đã khắc vạch một loạt chữ S móc nối liền nhau chạy vòng quanh đồ đựng. Những hoa văn này đã được người thợ gốm tạo nên những hình đóng kín không có đối xứng trục hay đối xứng gương và cho chúng lặp lại, tạo thành nhịp điệu của dải hoa văn. Các dải hoa văn này được liên kết với nhau theo nguyên tắc tịnh tiến.
Trên các môtip hoa văn chính, để lấp kín những khoảng trống, người thợ gốm đã tạo nên các họa tiết đệm, đó là những hình tam giác, hình thoi, hình bán nguyệt, đôi cánh chim đang sải bay… làm cho các môtip chính không bị rỗng mà cũng không rườm rà, rối mắt.
Bột màu trong gốm Phùng Nguyên:
Nét đặc biệt nữa là người thợ gốm Phùng Nguyên còn dùng một chất bột trắng để khảm vào các rãnh hoa văn khắc vạch của một số loại gốm mịn và rất mịn, được tìm thấy ở các di chỉ Gò Bông, Xóm Rền… (Phú Thọ). Cư dân Phùng Nguyên là những người đầu tiên thử nghiệm dùng chất bột trắng để trang trí hoa văn và làm áo gốm ở Việt Nam. Kết quả phân tích mới đây do các nhà khoa học Nhật Bản tiến hành đã cho thấy, chất bột trắng này là một hợp chất nhân tạo. Đây thực sự là một tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và vẻ đẹp của gốm văn hóa Phùng Nguyên (9).
Trên đây là những nét đặc trưng cơ bản của đồ gốm trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên. Hoa văn trên gốm Phùng Nguyên, được tạo ra bởi bàn tay khéo léo cùng tư duy logic của người thợ gốm, đã có những nét độc đáo, riêng biệt mà những người thợ gốm ở các giai đoạn văn hóa sau đó hầu như không thể vượt qua.
Bên cạnh số lượng đồ sộ của hiện vật, sự phong phú và đa dạng về loại hình và hoa văn trang trí trên đồ gốm đã chứng minh được sự phát triển cao của trình độ kỹ thuật và đặc biệt là tư duy thẩm mỹ của người thợ gốm giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên.
Hoa văn trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên mãi mãi là đỉnh cao trong kỹ thuật và thủ pháp trang trí hoa văn trên đồ gốm thời tiền – sơ sử Việt Nam.
Bùi Thị Thu Phương
Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011
Chú thích:
1, Nguyễn Kim Dung, Hai hệ thống gốm sớm trong thời đại đá ở Việt Nam, tạp chí Khảo cổ học số 1 – 1983, tr.22-35.
2, Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
3, Bùi Thị Thu Phương, Hoa văn và kỹ thuật tạo hoa văn đồ gốm di chỉ Xóm Rền (Phú Thọ), Luận văn Thạc sĩ Khảo cổ học, Tư liệu Viện Khảo cổ học, 2005.
4, 5, 6, 7, 9. Hà Văn Tấn, Người Phùng Nguyên và đối xứng, tạp chí Khảo cổ học, số 3, 4 – 1969, tr.16-27.
8. Hoàng Xuân Chinh, Nguyễn Ngọc Bích, Di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
Theo Lược sử tộc Việt