Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng 28/12/2017

Alexandra David Neel

Cuốn sách được xếp vào tủ sách “hạt giống tâm linh” của nhà sách Khai Tâm và NXB Hồng Đức ấn hành năm 2017. “Alexandra David Neel là phụ nữ da trắng đầu tiên đã du hành khắp Tây Tạng và đến được thủ đô Lhasa. Bà đã dành 14 năm để nghiên cứu về Phật học tại đây, lúc thì trong những tu viện hẻo lãnh khi thì nhập thất trong một hang động trên đỉnh Tuyết Sơn. Trong những tác phẩm viết về Tây Tạng, sách của bà chiếm một vị trí vô cùng quan trọng và được coi như những tài liệu có giá trị vượt thời gian”. Đó là lời mở đầu của cuốn sách “Huyền thuật và các Đạo sĩ Tây Tạng” về tác giả Alexandra David Neel, một phụ nữ đến từ nước Pháp.

Từ đầu đến cuối cuốn sách đưa ta du ký khắp đất nước Tây Tạng. Từ khi Tây Tạng có biến Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 phải lánh nạn qua Ấn Độ. Chuyến du ký của bà từ những năm đầu của thế kỷ XX bắt đầu từ việc gặp Đức Đạt Lai Đạt Ma, Ngài khuyên bà muốn hiểu về Tây tạng hãy học ngôn ngữ xứ này. Dĩ nhiên sẽ mất thời gian đối với bà, nhưng bà đã được Đức Đạt Lai Đạt Ma cử một người phiên dịch đi theo bà tên là Dawasandup. Dawasandup là một nhà huyền thuật. Trong suốt cuộc hành trình này chúng ta ngỡ ngàng trước những điều lạ thường từ những con người tu luyện huyền thuật – một cách gọi tên các phương pháp tu luyện của Phật giáo nguyên thủy và tôn giáo bản địa của Tây tạng, gọi chung là phái Mật tông của Phật Giáo. Những người tu luyện huyền thuật đều có những hành tung bí ẩn, hành vi kỳ lạ, hình dạng quái dị tùy vào trường phái à họ tu tập. Tuy nhiên việc điểm sách này của tôi không đi sâu vào chi tiết các môn phái huyền thuật kỳ bí, các câu chuyện hấp dẫn về những người tu luyện đắc đạo hay các kỹ thuật thực hành một số môn huyền thuật. Tôi chỉ muốn  liên hệ một vài hiện tượng của Phật giáo mà ta thường thấy trong sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam trong đó có liên quan đến các môn huyền thuật của Phật giáo Tây Tạng.

  1. Quỷ nhập tràng

Chúng ta thường nghe người ta nói đến quỷ nhập tràng, đó là hiện tượng linh hồn không siêu thoát được ra khỏi cơ thể đã chết. Người ta tin rằng sau khi chết, linh hồn thoát khỏi xác và bước vào một thế giới mới, đó là với người sống. Còn với người chết, đa số con người không được hướng dẫn sẽ không ý thức rằng mình đã rời bỏ thân xác, họ tưởng họ vẫn còn sống, họ tiếp tục liên lạc với người thân quyến, tuy nhiên không ai trả lời với họ, họ tưởng mình bị hắt hủi, bỏ rơi, họ đâm ra giận dữ, hoang mang, lo sợ. Một số người họ không thể xuất vía ra khỏi xác, thể vía và thể xác luôn luôn được nối nhau bởi một sợi dây từ khí. Khi đó, các nhà sư thường đến cầu siêu thoát cho họ, dẫn dắt linh hồn họ đạt tới cảnh giới tốt đẹp, không lưu luyến trần gian nữa. Trong cõi siêu hình, có nhiều động lực bất hảo chỉ rình cơ hội người ta xuất vía làm đứt sợi giây từ khí này để nhập vào cướp lấy xác của kẻ xuất vía đó, đó là hiện tượng “quỷ nhập tràng”. Vì thế, khi liệm xác, người Tây Tạng thường mặc ngược quần áo cho người chết và cột tay chân họ lại bằng những sợi dây chắc đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Chúng ta thấy có gì đó giống với phong tục người Việt. Các nhà sư vừa là người tụng kinh niệm Phật dẫn đường cho người chết, vừa là một đạo sĩ huyền thuật. Thực ra, trong văn hóa Á Đông, các việc tang lễ này đều sử dụng trên nền cốt là cuốn Tử Thư (Bardo Thodol) của Tây Tạng, biến đổi tùy theo văn hóa mỗi nước.

  1. Đồng cốt, gọi hồn

Người Tây Tạng tin rằng hầu hết những người chết đều không trở về. Họ có thể siêu thoát lên một cảnh giới nào đó hoặc đầu thai thành người, ngạ quỷ hay súc sinh. Tuy nhiên có người vẫn không siêu thoát, nghĩa là số phận vẫn chưa rõ rệt. Họ thường tiếp xúc với người thân trong giấc mơ hoặc tạo ra những hiện tượng kỳ lạ trong căn nhà họ sống như xô lệch bàn ghế, ném đá, rung chuông…Người ta cho rằng họ trở về do có nỗi oan ức, bực bội hoặc điều gì chưa hoàn tất nên chưa thể siêu thoát, do đó phải có sự tiếp xúc để nghe họ giãi bày tâm sự. giúp họ hoàn tất tâm nguyện. Một người đồng thường được triệu lên để vong linh tiếp xúc với người sống. Phần lớn các buổi lên đồng đều diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật dưới sự chứng kiến của đám đông, người đồng bắt đầu ca hát, lắc lư theo nhịp điệu của kèn trống cho đến khi vong linh nhập vào. Miệng đồng tử tiết lộ ít nhiều về cảnh giới bên kia cửa tử và từ đó, gia đình người chết làm các lễ vật đáp ứng nhu cầu cho người chết được siêu thoát. Những gì xảy ra ở đây đều liên quan đến huyền thuật của các đạo sĩ Tây Tạng, mỗi đồng tử có thể là người thường, hoặc cũng có thể là một đạo sĩ huyền thuật. Có lẽ việc lên đồng hay gọi hồn cốt ở ta cũng như vậy.

  1. Phật ông Phật bà

Có những bức tượng Phật mọi người gọi là “phản cảm” khi thấy Phật ông Phật bà ôm nhau trong tư thế thiền. Tuy nhiên đó là một phương pháp tu luyện của huyền thuật phái Mật tông. Các môn đồ Mật tông thường dùng âm thanh, màu sắc, hình ảnh, nam nữ giao hợp để làm mục quán tưởng. Vì đó là điều mà người ta vẫn ưa thích và dễ bị lôi cuốn vào. Do đó tư tưởng bị cột chặt vào một chỗ, từ đa niệm đến nhất niệm, từ nhất niệm đến vô niệm. Các truyền thuyết Tây Tạng thường sử dụng sự kiện các tu sĩ giao hợp với các Dakini (những vị thiên nữ) để ám chỉ sự hòa nhập với bản thể Chân như, giai đoạn giác ngộ, đắc đạo, quán triệt các chân lý bí truyền. Vị tổ đầu tiên của Mật tông là Tilopa trong quá trình tầm sư học đạo của mình được một bà lão – một nhà huyền thuật chỉ chỗ đến cảnh giới của các Dakini. Ông làm theo đúng phương pháp tu luyện của bà lão, làm chủ Thân – Khẩu – Ý và cách niệm chú, bắt ấn quyết và chuyên tâm nhập định. Ông đã trải qua nhiều cám dỗ đói khát, nắng nóng, cung điện để đến được nơi các Dakini. Các thiên nữ hỏi tên ông, ông không trả lời và thản nhiên giao hợp với các thiên nữ đó. Từ đó ông đắc đạo, giác ngộ chân lý. Về sau đây cũng là bí quyết cho các đệ tử Mật tông chân truyền.

  1. Thiền

Thiền là một phương pháp tu luyện để đạt tới cảnh giới giác ngộ. Nhưng bản chất của thiền không phải là ngồi xếp bằng ngưng suy nghĩ mà là “quán tưởng”.  Quán tưởng là “tập trung tư tưởng, chú tâm vào các hình ảnh nơi trung tâm rồi chuyển qua các hình ảnh kế bên, đến cuối cùng chỉ còn hình ảnh một vị Phật mà thôi”. Đừng tưởng cứ phải ngồi yên lặng xếp bằng và niệm chú mới là thiền mà phải biết rằng đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, nói chuyện cũng là thiền hết. Điểm chính yếu là phải biết giữ cho tâm lúc nào cũng an nhiên tự tại, không để cho các vọng tưởng lôi cuốn, khong để cho Tham – Sân – Si chi phối, tự nhiên tùy thuận theo đời sống giữ sao cho tâm không bị xao động là được. Phần cuối của cuốn sách giúp ta hiểu rõ hơn về thiền và các phương pháp chuyên tâm tu luyện thiền. Đó là điều căn cốt nhất của tất cả các giáo phái Phật Giáo để đạt tới cảnh giới của sự giác ngộ.

Đỗ Cường

Alexandra David Neel (2017), Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng, NXB.Hồng Đức.

 

 

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?