Khám phá hình tượng rồng và lá bồ đề trong điêu khắc thời Lý 13/09/2017

 

Theo sử tích của Phật giáo, Đức Phật đã thành đạo dưới cây bồ đề nên loài cây này đã trở thành biểu trưng cho sự giác ngộ của Phật. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng lá đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, cung điện thời Lý.

Hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.

Từ lâu nay, giới nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật ở Việt Nam đều công nhận một điều: nghệ thuật điêu khắc thời Lý là một nét son rực rỡ trong lịch sử của nền nghệ thuật Việt Nam.

Nền điêu khắc ấy định hình trong hoàn cảnh lịch sử đặc trưng, khi đất nước mới thoát khỏi cảnh nghìn năm nô lệ, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Trong cuộc sống thái bình ấy, Phật giáo – một tôn giáo mang đậm triết lý nhân bản phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo dưới thời Lý.

Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, những nghệ nhân tài hoa đã tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc mang vẻ đẹp của sự tự do trong cảm hứng sáng tạo và cái nhìn phóng khoáng thấm đẫm âm hưởng của Phật giáo.

Điêu khắc đời Lý thường hướng vào đề tài thiên nhiên như mây, nước, hoa sen, hoa cúc… và đặc biệt là hình tượng lá đề và con rồng xuất hiện xuyên suốt trong các công trình kiến trúc.

Theo sử tích của Phật giáo, Đức Phật đã thành đạo dưới cây bồ đề nên loài cây này đã trở thành biểu trưng cho sự giác ngộ của Phật. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, hình tượng lá đề được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp, cung điện thời Lý. Hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ.

Theo các nghiên cứu về kiến trúc thời Lý, để thực hiện một lá bồ đề gắn phượng, 40 nghệ nhân thời Lý phải thay phiên nhau chạm khắc trong hai ngày. Đến phiên của mình, mỗi nghệ nhân chỉ được phép thực hiện công việc trong khoảng 10 phút để đảm bảo sự tập trung cao độ nhất cho tác phẩm…

Dưới thời Lý, con rồng không chí tượng trưng cho quyền lực hoàng gia. Với nhiều nếp cong mềm mại, hình tượng con rồng thời kỳ này còn tượng trưng cho nguồn nước, niềm mơ ước cho cư dân trồng lúa. Hình tượng con rồng thời Lý mang phong cách rất khác biệt so với nhiều triều đại trong lịch sử. Rồng thời Lý mềm mại, uyển chuyến, không giống với hình tượng rồng to, khỏe thời Trần hay hình tượng rồng bệ vệ của Trung Quốc…

Trong quá trình khai quật Hoàng thành Thăng Long, một lần nữa nền điêu khắc của thời đại lập quốc lại tỏa sáng qua việc xuất lộ các hiện vật điêu khắc tinh xảo. Đó là các loại vật liệu trang trí cung điện thời Lý như ngói gắn lá đề trang trí rồng, phượng, các tượng đầu rồng, phượng trang trí trên nóc mái…

Một số hình ảnh về các tác phẩm điêu khắc thời Lý đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, Đất Việt ghi nhận.

Những hiện vật này là ngói úp nóc có gắn lá đề trang trí  rồng, phượng và tượng đầu rồng, đầu phượng… được dùng để gắn trên mái cung điện nhà Lý.

Ở chính giữa mái cung điện là hình tượng lá đề lớn – biểu tượng của Phật giáo với đôi phượng chầu ở hai bên.

Viên ngói gắn tượng đầu chim phượng này được dùng để trang trí đầu nóc mái cung điện. Theo tín ngưỡng dân gian, chim phượng một trong tứ linh (long, li, quy, phượng) và cũng là loài chim đẹp nhất trong số 360 loài chim.

Đầu rồng thời Lý thống nhất ở kết cấu tạo hình: đầu nhỏ với miệng mở vờn một viên ngọc hay tinh tú đang xoay, răng nanh kéo dài xoắn với môi trên thành đường sống của chiếc mào có đường viền loăn xoăn như ngọn lửa đang bốc cao, phía trên mắt có những hoạ tiết hai đầu cuộn lại cùng chiều như số 3 ngửa và ngược chiều như hình chữ S, quanh mép có những lông măng và từ đó có một mảng kéo dài ra bốc lên lượn sóng làm bờm tóc. Hiện vật ở trên cũng là một viên ngói trang trí nóc mái.

Ở hai bên của hình tượng lá đề lớn (nằm chính giữa nóc mái cung điện) là hai hàng ngói gắn lá đề lệch có trang trí rồng hoặc phượng. Tuy kích thước nhỏ nhưng những viên ngói này cũng được chạm khắc rất tỉ mỉ. Trong ảnh là ngói gắn lá đề lệch trang trí hình rồng.

Còn đây là ngói gắn lá đề lệch trang trí hình chim phượng.

Ngói ống lợp diềm mái gắn lá đề trang trí rồng (hoặc phượng) là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc riêng của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam.  Các di tích kinh đô cổ của các nước trong khu vực không có loại ngói ống cầu kỳ như thế này mà chỉ lợp ngói ống có đầu trang trí linh thú hay hoa sen, hoa cúc.

Để thực hiện một lá đề gắn phượng (như trong ảnh), 40 nghệ nhân thời Lý phải thay phiên nhau chạm khắc trong hai ngày. Đến phiên của mình, mỗi nghệ nhân chỉ được phép thực hiện công việc trong khoảng 10 phút để đảm bảo sự tập trung cao độ nhất cho tác phẩm…

Những hiện vật này là ngói úp nóc tạo hình cổ rồng. Không chỉ tượng trưng cho quyền lực hoàng gia, rồng thời Lý còn tượng trưng cho nguồn nước, nguồn sống của các cư dân trồng lúa.

Những mảnh vỡ này thuộc về các hình tượng trang trí bên thành bậc cung điện, gồm bàn chân linh vật sấu thần và một đoạn thân rồng.

Đầu máng nước tạo hình đầu sư tử (trên) và một mảnh ngói úp nóc gắn tượng chim uyên ương tuyệt đẹp, minh chứng khác cho trình độ thẩm mỹ rất cao của người thời Lý.

Gạch vuông trang trí hoa sen (trên) và gạch vuông trang trí hoa cúc dây (dưới) là loại gạch có độ dày từ 8-15cm, dùng để lát nền cung điện. Hoa văn trang trí  trên gạch cũng thế hiện ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo.

Những viên gạch này ghi niên hiệu “Long Thụy thái bình tứ niên tạo”, nghĩa là gạch được làm vào triều vua Lý thứ 3 – tức Lý Thánh Tông (1054 – 1072), niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình thứ 4.

Hồng Quân (Đất Việt)
Nguồn: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=7FF618

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?