Có thể ghi nhận rằng, các sự lễ nghĩa, từ nhiều đời nay đã hình thành trong nếp sống của người Việt. Trong đó, truyền thống “tôn sư trọng đạo” là một trong những điểm son rực rỡ mãi mãi sống cùng năm tháng.
Khi bàn về tính tình của người Việt, trong Phong tục Việt Nam, nhà văn hóa Phan Kế Bính viết: “… nhiều điều là quốc túy của ta và cũng hợp với lẽ phải chung cả hoàn cầu, như những điều lễ nghĩa liêm sỉ, đạo đức, trung thành… thì dầu bao giờ cũng không nên đổi, mà cũng không sao đổi được cái lẽ tự nhiên của tạo hóa ấy”.
Có thể ghi nhận rằng, các sự lễ nghĩa ấy, từ nhiều đời nay đã hình thành trong nếp sống của người Việt. Trong đó, truyền thống “tôn sư trọng đạo” là một trong những điểm son rực rỡ mãi mãi sống cùng năm tháng.
Hiện nay, tại Văn Miếu (Hà Nội) còn có thờ nhà giáo Chu Văn An (1292 – 1370) ngang hàng với các bậc tiên nho. Đánh giá về công đức của thầy, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Đấy là bậc tôn sư của Nho gia nước VN ta”. Khi thầy Chu về ở ẩn, các học trò cũ vẫn thường lui tới thăm hỏi. Những quan chức cao trọng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… khi đến thăm thầy vẫn cúi đầu lạy dưới giường và không dám ngồi chung chiếu lúc trò chuyện. Lúc ấy, họ thường kín đáo để lại lụa vóc, thời trân… ngầm tặng. Khi biết được, thầy thường sai tiểu đồng đem tặng lại cho những người thiếu thốn, chứ không giữ lại một thứ gì cả.
Trường hợp của thầy Vũ Tông Phan (1800 – 1851) cũng là một minh chứng cho sự tôn kính ấy. Năm 1833, thầy dựng trường dạy học trên sông Nhị Hà, sau chuyển về trong công viên thuộc phường Báo Thiên (nay là trụ sở Báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống). Thuở ấy, thầy cho dựng nếp nhà năm gian, đặt tên là Hồ Đình. Nghe tiếng thầy, các môn sinh đến thọ giáo ngày một đông. Nhờ sự dạy dỗ nghiêm khắc và tận tụy của thầy mà nhiều người sau này đỗ đạt như thượng thư Nguyễn Tư Giản, hoàng giáp Lê Đình Diên, cử nhân Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng hoặc có người về sau nối nghiệp thầy mở trường dạy học… Ngưỡng vọng một thầy giáo có công đào tạo nhiều nhân tài, vua Tự Đức đã sai người ra Thăng Long vời thầy vào kinh đô để ban khen.
Ngày hôm ấy, yến tiệc đã bày, bá quan văn võ đã đến đông đủ. Khi thầy đã yên vị thì quan thượng thư Nguyễn Tư Giản, Nguyễn Trọng Hợp vẫn kính cẩn đứng yên. Vì thế các vị quan khác không một ai dám ngồi cả, khi mà hai vị đại thần vẫn còn đứng hầu thầy. Thấy thế, thầy quay lại ôn tồn nói: “Ta cho phép hai anh vào dự tiệc”. Bấy giờ các quan mới dám lục tục ngồi vào bàn.
Sự hiếu đễ với thầy thời nào cũng có. Ngay cả lúc thầy qua đời, học trò cũng có mặt và làm tròn phận sự như con đối với cha. Chẳng hạn trường hợp thầy Phạm Quý Thích (1760 – 1825). Thầy qua đời ngày 29.3 năm Ất Dậu, các môn sinh cùng con thừa tự là Phạm Liên táng ở cánh đồng Đống Miếu tại nguyên quán Hoa Đường (nay thuộc H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Hai mươi ngày sau, đến kỳ lễ cuối trong tang lễ, họ xây từ đường thờ thầy trên mảnh đất cũ ở thôn Kim Cổ, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long rồi lúc hết tang đưa bài vị về thờ nơi ấy.
Theo tài liệu Thông báo Hán Nôm học năm 1997 (NXB Khoa học Xã hội -1998), giới nghiên cứu vừa phát hiện trong Chư gia văn tập bản giao ước giữa môn sinh thầy Phạm do án sát Nguyễn Văn Siêu đại diện ký với chức sắc làng Lương Đường về việc môn sinh mua bốn mẫu ruộng ở làng giao cho bốn giáp cày cấy để lấy một phần hoa lợi, xuân thu nhị kỳ tế giỗ hậu cho vợ chồng thầy.
Ít ai biết, chính vì noi gương thầy Phạm mà về sau tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng mở trường dạy học. Như vừa nêu trên, thầy Vũ có vào Huế theo lời vời của vua Tự Đức, sau yến tiệc đó, nhà vua có ban cho thầy biển vàng khắc bốn chữ “Đào thục hậu tiến” – nghĩa là có công dạy bảo lớp người sau.
Lớp người sau nhớ ơn thầy là nét đẹp trong lễ nghĩa làm người của dân tộc Việt. Ở vùng đất phương Nam, ta hãy dừng lại với trường hợp của thầy Võ Trường Toản.
Theo hòa ước năm 1862 của triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp thì: “Nước Nam phải nhường đứt cho Pháp tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường” và “nước Pháp trả tỉnh Vĩnh Long lại cho nước Nam, nhưng quân Pháp vẫn đóng ở tỉnh lỵ”. Trước tình thế này, các sĩ phu yêu nước đã dấy lên phong trào tị địa, bất hợp tác với giặc, không ở lại vùng đã bị giặc chiếm đóng. Họ chọn nơi tị địa là Vĩnh Long và Bình Thuận để tiếp tục kháng chiến và giúp đỡ nghĩa quân kháng chiến.
Bấy giờ, phần mộ của thầy Võ Trường Toản đang nằm ở làng Hưng Hòa (Gia Định). Đó là điều đau xót cho các môn sinh, họ không cam lòng khi thấy thầy phải nằm lại trên vùng đất bị gót giày xâm lược của giặc giày xéo. Vì thế, họ đã đứng ra cải táng mộ thầy, đưa về mai táng ở làng Bảo Thạnh (Vĩnh Long). Có thể ghi nhận đây cũng là một sự kiện chính trị quan trọng thời bấy giờ. Tiến sĩ Phan Thanh Giản có kể lại về việc dời mộ thầy Võ trong bài văn bia với những chi tiết chân thật, xúc động. Qua đó, ta biết người chủ trì việc chôn cất là quan đốc học Nguyễn Thông (1827 – 1884).
Lúc thầy qua đời, môn sinh lo chu đáo phận sự như con đối với cha. Ngược lại khi học trò mất, thầy lại thống thiết thương tiếc như cha khóc con. Xin nêu trường hợp của thầy Phạm Văn Nghị (quê ở Nam Định). Trong sự nghiệp văn học, thầy đã để lại nhiều văn tế, thơ khóc môn sinh như khóc Trịnh Khải, Trần Bích San… rất cảm động. Một khi trong môi trường sư phạm còn có những người thầy như thế thì tinh thần “tôn sư trọng đạo” mãi còn…
Lê Minh Quốc
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/le-nghia-cua-nguoi-viet-kinh-thay-nhu-cha-821791.html