Mẫu Thoải biểu tượng thần nước trong Tam tòa Tứ phủ 05/07/2018

Chính sử thời phong kiến ít lưu tâm đến những tín ngưỡng dân gian – mà các sử gia của triều chính quan niệm là “tà đạo”. Trong đạo Tứ Phủ của Việt Nam, phụ nữ có vai trò quan trọng hơn “giới mày râu” là đối lập với cái nhìn của Nho giáo đã ngự trị qua hầu hết các triều đại. Mẫu Thoải là một tính danh chung nhất đại diện cho một góc độ tôn giáo.

Ở làng A Lữ có truyền thuyết: “Thủa đất trời mới mở mang, núi cao, rừng rậm, đầm lầy còn bao phủ gần kín mặt đất, Kinh Dương Vương thường đi dọc khắp mọi vùng, trông nom cõi bờ đất nước. Một ngày kia, khi dạo tới vùng nước còn mênh mông trắng xóa, chỉ lô nhô đôi gò đất cao nổi lên, vua bỗng gặp người con gái có sắc đẹp tuyệt trần, vừa như tiên giáng thế, vừa tựa thiếu nữ nơi thủy cung lên (T.S.H nhấn mạnh). Vua hỏi nàng xưng là con gái của Động Đình Quân – Thần Long. Trong lòng cảm động, Kinh Dương Vương lấy nàng làm vợ”, sau đó ít lâu sinh ra Sùng Lãm tự xưng là Lạc Long Quân.

Cũng cốt chuyện trên, dân vùng Ngàn Hống (Nghệ An) kể rằng: “Lúc mới mở nước, Kinh Dương Vương đi xem cảnh núi sông, tìm nơi đất lành để xây dựng kinh đô.

Khi về tới phương nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy cảnh núi non hùng vĩ, 99 ngọn cao vút, trấn trên tiên Hội, có thế rồng vây hổ chầu, Dương Vương lấy làm vừa ý, bèn sai đắp thành dưới núi, xây dựng lâu đài thành lũy…

Công việc tạm xong, Vương lại cưỡi thuyền trở ra phương Bắc, tiếp tục cuộc tuần du. Thuyền của vua theo dòng Thanh Long (tên cũ của sông Lam – T.K.Đ – chú) đến gần cửa Hội, bỗng thấy một người con gái mặt hoa da phấn, tóc đen mườn mượt, má đỏ hây hây từ dưới nước nổi lên (T.S.H – nhấn mạnh). Sau khi tự xưng là Thần Long, người con gái ấy trở thành vợ vua Kinh Dương Vương và là mẹ của Lạc Long Quân.

Với hai dị bản truyền thuyết dân gian dẫn trên, các sách cổ lục, sử ký của các triều đại phong kiến cũng đã từng ghi chép lại. Kỉ Hồng Bàng thị trong phần Ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương Vương trị vì phương Nam, gọi tên là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Tác giả Lĩnh Nam chích quái còn kể thêm được chi tiết: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái vua hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân”. Hai bộ sử trên đều thống nhất rằng: Lạc Long Quân là giống Rồng. Rồng chỉ là biểu tượng dân gian được đúc kết từ những hiện tượng mây, mưa, sông nước lớn và là uy lực thần tượng, có tác dụng trực tiếp mạnh mẽ vào cuộc sống của dân chúng. Theo “Phả hệ” này rõ ràng “con gái vua Long Vương” (LNCQ) hay “con gái Thần Long (ĐVSKTT) với con gái vua Thủy Tề trong truyền thuyết ở Kinh Bắc và người con gái xinh đẹp “từ dưới nước nổi lên” ở Ngàn Hống kia chỉ là một vị Nữ Thần Nước mà thôi. Tính danh của bà ngay từ thời tiền sử đã không rõ ràng, nhưng công lao lớn nhất của bà đối với giống tộc người là đẻ được ông Kinh Dương Vương là đời thứ nhất của 18 vua Hùng. Đương nhiên, bà trở thành người mẹ đầu tiên của tộc người Lạc Việt, dường như bấy giờ có một nhà nước cổ Văn Lang. Rồi người con trai bà là Sùng Lãm cùng nàng Âu Cơ sẽ đẻ “bọc trăm trứng”.

Ảnh : ST

Các sử gia đời sau khi chép lại sự kiện trên đều có sự cân nhắc đến nghiêm ngặt. Việt sử thông giám cương mục đã nói rõ quan điểm trong Phàm lệ: “Sử cũ chép quốc thống bắt đầu từ Kinh Dương Vương, nhưng xét thời đại ấy việc rất lờ mờ, không có chứng cứ đích xác. Nay vâng sắc dụ chuẩn y cho phép từ đời Hùng Vương để tỏ rõ lúc bắt đầu có quốc thống của nước ta, còn những việc về niên kỷ Kinh Dương và Lạc Long thì chua phụ ở dưới mà chép sơ lược, để hợp với cái nghĩa “nghi dĩ, truyền nghi” và “Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm”. Ở thời Nguyễn, Nho giáo vẫn là quốc giáo, vì vậy thái độ trọng nam khinh nữ biểu hiện khá rõ trong thư tịch. Đến Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí – Quyển VI phần Nhân vật chí coi Kinh Dương Vương là dòng dõi Thần Nông, vua khởi đầu của nước Việt ta. Khi trước cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú ở biển phía Nam, gặp nàng Vụ Tiên rồi lấy làm vợ, đẻ con là Lộc Tục. Lộc Tục có Thánh Đức, Đế Minh yêu lắm, muốn lập là con nối, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi; Đế Minh liền phong cho Lộc Tục ở đất Việt (về miền nam), tức là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, đẻ ra Lạc Long Quân.

Như vậy là sáng tỏ, vợ của Kinh Dương Vương tức là mẹ của Vua Hùng thứ nhất; ba bộ sử có giá trị nhất của Việt Nam thời xưa đã ghi nhận. Tuy nhiên, đương đại lịch sử của các nhân vật truyền thuyết và ngay cả đến thời các sử gia, tên đất, tên người chưa có sự phân định như còn thấy từ sau thế kỷ X. Lời ca hát chầu văn cũng nhắc đến địa danh Động Đình:

Trạng giang biên dòng dòng lai láng

Nguyệt lầu lầu soi sáng Nam minh

Ngài con vua thủy Động Đình

Cổ tiên thần nữ giáng sinh đền rồng.

Tài gồm đủ công dung ngôn hạnh

Nết ôn hòa ưa tính thiên nhiên.

(Văn Mẫu Thoải – Tài liệu sưu tầm ở đền Đồng Bằng – Thái Bình, 1972).

Như vậy thần nữ hồ Động Đình trở thành hiện tượng văn hóa dân gian có ý nghĩa lịch sử trọng đại: trải hơn hai ngàn năm kiêng húy của vua chúa thời phong kiến là Mẫu Thoải. Có điều Mẫu Thoải không để lại một trang viết cụ thể nào về hành trạng của mình. Song dù áp lực của chính quyền, đời sống folklore vẫn dành cho Mẫu Thoải một vị trí xứng đáng trong đạo Tứ Phủ. Tín ngưỡng dân gian cứ truyền khẩu cho con cháu nghìn đời, rồi thêu dệt huyền hoặc. Sử sách cổ bắt buộc phải ghi chép về Mẫu Thoải, nhờ đó, ta còn biết được câu nói của Lộc Tục – Hùng Vương thứ nhất – khi chia con đi khắp miền đất nước: “Ta là giống rồng…”. Phải chăng đây là tàn dư mẫu hệ của thời tiền sử; người con lấy làm tự hào vinh hiển theo dòng giống mẹ. Hiện thời, con người đã và đang tận dụng mọi thành tựu khoa học kỹ thuật để chinh phục dòng sông và biển cả; tâm tưởng của người Việt vẫn có một Mẫu Thoải.

Trải biết bao binh lửa tương tàn và sự ngự trị của tư tưởng Nho giáo, người phụ nữ Việt Nam hằng xuyên phải chịu đựng nhiều nhất những đắng cay khổ cực; nhiều khi đã cam lòng bị vùi dập tàn nhẫn; để lựa chiều giành lấy, để giữ lại một cốt cách tinh hoa của văn hóa Việt cổ xưa. Thực chất nhân vật Mẫu Thoải là đỉnh cao sự ngưng kết, chắt lọc của tín ngưỡng thờ thần nước trong lòng xã hội cũ; khi nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu còn triền miên, dai dẳng. Đương nhiên quyền lựa chọn, đề cao rồi tiến tới đồng hóa thần nước với mẹ vua Hùng thứ nhất với Mẫu Thoải là điểm hội tụ của lòng dân, mà lòng dân đã trở thành thống nhất trong toàn thể bờ cõi cư dân, thì đó là thánh thần, là siêu nhân linh thiêng và công đức.

Mặt khác, Mẫu Thoải không tồn tại đơn lập, không tranh quyền bá vị, không lộng hành như các mẫu hậu phong kiến về sau. Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn luôn luôn và vĩnh viễn là “tả hữu thần” của Mẫu Liễu – ngồi giữa ví như chị cả thần. Trong một bản văn chèo cổ Từ Thức, đoạn xuất hề sắm vai cô đồng có câu hát:

Lộc của mẫu tôi được hưởng muôn vàn

Tiền của mẫu tôi tiêu vô hạn…

Đời sống tâm linh của người Việt quan niệm rằng: Thủy Phủ là một thế giới ảo vọng tồn tại ở dưới mặt  nước ở bất cứ chỗ nào có ao, hồ, sông suối và biển cả. Xã hội nơi đó là cuộc sống của các vị thủy thần, cũng có mọi quan hệ ứng xử gần như người. Mẫu Thoải là đại diện thần mẹ ở cõi nước, dung thần hòa hợp với cõi trần tục, sinh ra ông vua mở đầu thời dựng nước ở Việt Nam, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong đạo Tứ Phủ.

Về sau, rất nhiều vị nam thần, nữ thần dường như còn dòng cháu giống vua quan ở cõi Thủy Phủ “biến hình mây vàng ráng đỏ” hay “giao long, rắn lớn quấn ấp” các cô gái trần gian lúc đi tắm, lúc làm đồng vắng vẻ, rồi sinh thánh giúp dân làm ăn, đánh giặc. Theo chúng tôi, đằng sau lý giải huyền hoặc đó, phải chăng là một hình thức đấu tranh giải phóng phụ nữ rất tinh vi khéo léo thời cổ. Hiện tượng “không chồng mà chửa” đối với những người con gái qua thì lỡ tuổi, dưới chế độ cũ, được dư luận nhân dân lên tiếng bảo vệ quyền sống.

Mẫu Thoải đại diện đầu bảng trong các vị Thủy Thần vừa nêu. Mẫu Thoải đã trở thành nhân vật người, người anh hùng ghi chép về bà có vẻ mờ nhạt, song rất được các sử gia chú trọng; còn trong bia miệng, người đời vẫn hằng truyền tụng về cơ đức, về sự hiển vinh linh ứng của bà. Vì thế, có nhiều văn tạo nghệ thuật, Nguyễn Đình Nghị viết vở chèo Đức Mẫu Thoải Trọng Lang với phóng sự dài Đồng bóng đã góp phần không nhỏ nhắc nhở mọi người giữ lấy nếp sống đạo đức dân tộc giữa  năm ba mươi của thế kỷ trước.

Với hình thức khảo cứu, M.Durand lược thuật truyền thuyết Mẫu Thoải khác hẳn các tài liệu đã nêu: Mẫu Thoải là con gái Lạc Long Quân ở hồ Động Đình lấy con trai vua đất là Kinh Xuyên. Song Kinh Xuyên còn có người vợ cả bỏ đày vào rừng xanh cho thú dữ ăn thịt. Không ngờ các loài muông thú lại rất tình nghĩa với bà, thường đi kiếm hoa thơm cỏ lạ về dâng cúng. Nhờ vậy con gái vua Động Đình mới sống được một mình trong rừng sâu; đến ngày gặp một nho sĩ hỏng thi là lão Ngợi, đi lang thang vào rừng. Lão Ngợi báo tin cho vua Động Đình; Thủy Phủ kết tập đội binh đi đánh Kinh Xuyên đòi lại con gái. Nhân dân Tuyên Quang dựng đền thờ ở bờ sông, gọi là đền Mẫu Thoải có nhận định: “Câu chuyện thần thoại địa phương ấy, chứng tỏ mỗi nơi địa linh nhân bản hóa quá khứ bằng một nàng tiên như thế nào (…) ở trường hợp này thì công chúa vợ Kim Xuyên trở thành Thánh Mẫu của nước, Mẫu Thoải đối với địa hạt Tuyên Quang”.

Có lẽ M.Durand ghi nhầm theo sự nhầm lẫn của truyền thuyết thành “Mẫu Thoải là con gái Lạc Long Quân…”. Các tài liệu ký và truyền thuyết đã nêu không có những trật tự như thế. Dù tư liệu chứa đựng những đảo lộn nhân vật đến trái ngược nhưng ít nhất, địa danh Tuyên Quang có đền thờ Mẫu Thoải là một ghi nhận.

Trên thực tế đời sống tín ngưỡng dân gian người Việt, Mẫu Thoải thực sự trở thành biểu tượng thần thánh của thế giới Phù Thủy trong hệ thống thần thờ của đạo Tứ Phủ. Nằm trong tổng thể quan niệm của người xưa về ba tầng bốn thế giới; Mẫu Thoải xuất hiện sớm nhất so với Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Liễu và Mẫu Thượng Thiên. Tập hợp chất liệu từ đời sống, từ sách vở về đạo Tứ Phủ thì rõ ràng là trước khi trở thành một tôn giáo phổ biến vào thế kỷ XVI – XVII, Mẫu Thoải là một vị thần mẹ nổi tiếng.

Tìm hiểu những quan hệ này, rõ ràng là Mẫu Thoải, Mẫu Liễu, Mẫu Thượng Ngàn “tuy ba mà một”, “tuy một mà ba” phổ biến trong đời sống tinh thần, trong đền phủ ở khắp chốn nhân gian. Hiện tượng phân lập và đồng nhất các biểu tượng thần linh của đạo Tứ Phủ còn có một dạng thức nhất thành bất biến gần như trên, các đền thờ Mẫu gắn liền với các ngôi chùa của đạo Phật. Đền thờ Mẫu cạnh chùa có khác bởi vị trí tượng Mẫu Liễu được thay thế bằng tượng Mẫu Thượng Thiên. Hai bên tả hữu vẫn là Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Có lẽ cách bố trí Tam Tòa Thánh Mẫu đã trở thành nguyên tắc trong đạo Tứ Phủ nên mới có biểu hiện như thế.

Tục thờ thần nước phổ biến của các cư dân lấy nghề làm ruộng cấy lúa là chính ở Đông Nam Á là rất cổ xưa. Trở về non sông bờ cõi ở mỗi đơn vị hành chính quốc gia, về sau mỗi nơi sẽ địa danh hóa, nhân cách hóa tính danh vị thần linh của mình. Mẫu Thoải thể hiện là vị thần cao nhất trong phả hệ thần nước của Việt Nam, được người Việt xếp vào hạng “tối linh, tối thiêng” bên cạnh Mẫu Liễu, Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thượng Ngàn. Bất cứ ở một điểm thờ Tứ Phủ nào, dù ở đền thờ Mẫu cạnh chùa Phật hay nơi sơn cùng thủy cốc, Mẫu Thoải cũng chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời sống folklore.

Nguồn: https://xuanay.vn/mau-thoai-bieu-tuong-nuoc-trong-tam-toa-tu-phu/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?