Hoàng đế chi bảo, Quốc gia tín bảo… là những bảo ấn quan trọng của triều Nguyễn. Chúng biểu thị quyền lực tối cao của vua và vương triều, được dùng vào việc quốc gia đại sự…
Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo. Chất liệu: Vàng. Kích thước: Chiều cao: 6,3 cm; Dày mặt: 1,1 cm; Rộng mặt: 10,84 cm x 10,84 cm; Nặng: 2350 gram. Niên đại: Đúc năm 1709, thời Lê Trung Hưng. Ấn được chế tạo vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) với kỹ thuật đúc và chạm khắc công phu. Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của nhà Nguyễn. Đời Vua Gia Long (1802-1819), bảo ấn được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn và được lưu giữ rất cẩn trọng. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Kim bảo Quốc gia tín bảo. Ấn được đúc bằng vàng. Quai ấn hình rồng đứng, đầu quay lại, lưng cong, đuôi cụp lại. Kim bảo Quốc gia tín bảo được đúc vào năm Gia Long thứ nhất (1802). Ấn được dùng đóng trên các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ và một số văn kiện hành chính quan trọng khác vào giai đoạn Vua Gia Long trị vì (1802-1819). Sau cải cách đời Vua Minh Mạng đất nước đã tương đối ổn định, Quốc gia tín bảo ít dùng hơn, nhưng vẫn được gìn giữ đến đời vua Bảo Đại. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Hoàng đế chi bảo. Ấn được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4/2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Theo quy định của triều Nguyễn, ấn được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc”. Ấn có trọng lượng 10,78 kg và truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn này) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021. Ngày 14/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đàm phán thành công với hãng đấu giá MILLON để chuyển giao chiếc ấn vàng về Việt Nam. Nguồn: MILLON.
Sắc mệnh chi bảo. Chất liệu: Vàng. Kích thước: Chiều cao: 11 cm; Dày: 2,5 cm; Rộng mặt: 14 cm x 14 cm; Nặng: 8300 gram. Niên đại: Đúc năm Minh Mệnh thứ 8, thời Nguyễn (1827). Ấn làm bằng chất liệu vàng 10 tuổi, gồm hai phần: quai ấn và ấn. Quai được tạo hình rồng, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Sắc mệnh chi bảo là đỉnh cao của loại hình ấn chương thời Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với nhà Nguyễn. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Hoàng đế chi tỷ. Năm Ất Mùi, Minh Mạng 16 (1835), nhà vua cho chạm khắc ấn ngọc bằng thanh ngọc với quai hình hai rồng đấu lưng. Thân ấn hình khối hộp vuông. Chiều cao của ấn 8,27 cm, cạnh vuông 10,5 cm và dầy 4,22 cm. Mặt ấn khắc nổi 4 chữ triện: Hoàng đế chi tỷ (Ngọc Tỷ của Hoàng đế). Ngọc Tỷ này dùng đóng trên các chiếu văn ban trong dịp cải niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban ơn nhân ngày lễ lớn cho toàn dân và ra ơn ban sắc thư cho ấn quan trong kinh ngoài tỉnh. Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ. Chất liệu: Ngọc. Kích thước: Chiều cao: 14,5 cm; Dày mặt: 4,3 cm; Rộng mặt: 12,8 cm x 13,2 cm; Nặng: 2.652 gram. Niên đại: Năm Thiệu Trị thứ 7, thời Nguyễn (1847). Ấn được làm bằng loại đá ngọc màu trắng gọi là bạch ngọc. Ấn không chỉ dùng trong Đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được bảo vệ và quý trọng như Kim bảo truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo.
Nguồn: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.