Tiếp nối dự án tái lập chùa Một Cột trong không gian thực tế ảo (VR), nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống Sen Heritage vừa giới thiệu bản phỏng dựng “Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý”. PGS, TS Trần Trọng Dương, người đồng sáng lập nhóm, đã chia sẻ về một số nét mới của bản phỏng dựng lần này.
Phóng viên (PV): Xin anh chia sẻ những ý tưởng về việc phỏng dựng đài đèn thời Lý?
PGS, TS Trần Trọng Dương (TTD): Đầu tiên, tôi phải nhắc tới vai trò của anh Hiệu Sicula, một thành viên hạt nhân của Sen Heritage trong lần phỏng dựng này. Là một họa sĩ tâm huyết với văn hóa và lịch sử, anh đã thực hiện nhiều bản vẽ 2D tái dựng các hiện vật lịch sử, dựa trên ý tưởng ghép nối những di vật khảo cổ còn lại.
Tháng 6-2017, một người bạn của anh Hiệu đã gửi bức ảnh chân đá chùa Phật Tích do người Pháp chụp và lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) ở nước này. Quan sát hiện vật trên, anh cảm thấy dường như tồn tại một sự liên kết với trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Hà Nội), đỉnh hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh hay bệ tu di từ chùa Phật Tích… Trụ đá Bách Thảo phía dưới tạc cửu sơn bát hải, biểu tượng của tiểu vũ trụ trong thế giới quan Phật giáo. Phần thân trụ tạc hai con rồng thời Lý cuốn quanh, nhưng phía trên đã mất phần đầu và phần tay trước của đôi rồng. Trong khi đó, ảnh chụp trụ đá Phật Tích bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên. Từ mối tương quan “bù trừ” đó, anh Hiệu đã ghép nối và đưa ra giả thuyết đây là các bộ phận của một đài đèn, pháp khí quan trọng khi thực hành nghi lễ Phật giáo thời Lý.
TS Trần Trọng Dương thuyết trình về quá trình phỏng dựng “Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý”.
PV: Anh có thể kể thêm những đánh giá về bản phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh?
TTD: Tu Di đài này có khả năng áp dụng cho nhiều loại hình hiện vật khác nhau, trong đó có làm đài đèn hoặc đài sen đặt tượng Thích Ca sơ sinh, hai giả thuyết không đối lập mà làm giàu hơn văn hóa. Để đưa ra hai giả thuyết này, các thành viên nhóm đã phải mất tới hơn sáu tháng đo đạc, khảo sát nhiều hiện vật khảo cổ, cộng thêm quá trình tích lũy thông tin trong 10 năm qua. Chúng tôi đã phỏng dựng lại toàn bộ cấu trúc của Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với cấu trúc gồm ba phần, trước tiên là phần chân trụ, gồm một phiến đá bát giác, giật tam cấp. Tiếp theo là phần thân trụ, gồm trụ đá Phật Tích tạc cửu sơn bát hải, song long hiến châu và bệ đỡ tòa sen. Trên đó là tượng Thích Ca sơ sinh tạc theo phong cách Gandhara.
PV: Trước đây đã có nhiều cách lý giải hiện vật và phỏng dựng tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý, lần phỏng dựng này của nhóm Sen Heritage có gì khác biệt và dựa trên quan điểm lịch sử nào?
TTD: Năm 1954, học giả Bezacier đã công bố tại Pháp một bức ảnh chụp không gian chùa Phật Tích. Trong bức ảnh này, phía trên phần trụ đá Phật Tích có đặt tượng Thích Ca sơ sinh.
Tới năm 1988, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đã có bước tiến xa hơn Bezacier khi cho rằng đây là hiện vật thời Lý. Lý do chọn tượng Phật Thích Ca sơ sinh xuất phát từ bối cảnh Phật Thích Ca được thờ phổ biến nhất vào thế kỷ 10, trước khi tục thờ Phật Bà Quán Thế Âm tới thế kỷ 14 mới manh nha.
Ngoài ra, khác hoàn toàn với các Tu Di tòa ở chùa Phật Tích hiện nay là một bệ đá to đặt các bức tượng phật lớn, tu di đài thời Lý cao 1,6 m nên khả năng đặt tượng Thích Ca sơ sinh là phù hợp tỷ lệ nhất. Mặc dù hiện tại, các nhà khảo cổ chưa tìm thấy hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý nào hoàn chỉnh. Nhưng tôi cho rằng tu di tòa phỏng dựng mang phong cách thời Lý đăng đối và tinh mỹ, chi tiết trên từng cm nên phải ở trung tâm của không gian linh thiêng như ban Tam bảo hoặc một nơi thực hiện nghi lễ như ao Long Trì tại chùa Phật Tích.
Sau khi khảo sát ao Long Trì ở cấp nền thứ tư cho thấy, bệ đá nằm dưới đáy ao rồng đã bị đánh bạt gần như nhẵn, song phía chân bệ đá, tìm thấy các mảng cửu sơn bát hải; gần mép phía trên mặt bệ là dấu vết các bàn chân có móng rồng, phía trên của ao có lối tam cấp để vua, hoặc người chủ lễ đi xuống và thực hiện nghi lễ tắm Phật…
Dựa vào những thông tin thực tế trên, chúng tôi đi đến giả thuyết cho rằng, ao Long Trì xưa kia có khả năng là một loại hình kiến trúc Phật giáo lộ thiên với trung tâm là tu di đài Thích Ca sơ sinh phục vụ nghi lễ tắm tượng Phật trong ngày Phật đản sinh.
PV: Anh đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ VR trong việc phỏng dựng đài đèn và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý?
TTD: Sau khi phỏng dựng Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý, nhóm cũng đặt nó vào bối cảnh chùa Diên Hựu trong không gian VR. Từ đó, chúng tôi hình dung lễ tắm Phật có thể được thực hiện ngay trong ao Linh Chiêu bên dưới tháp Liên Hoa một cột. Thông qua trải nghiệm bằng kính VR và quét mã QR để trình diễn công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), người xem có thể vừa tham quan chùa Một Cột vừa hình dung lại nơi diễn ra nghi lễ tắm Phật vào ngày rằm tháng Giêng hoặc lễ Phật đản như văn bia Sùng Thiện Diên Linh mô tả. Các công nghệ VR và AR giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản Phật giáo qua lăng kính của thị giác. Đây là một hành động thiết thực vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị văn hóa, tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Theo nhandan.com.vn