Có tôn giáo ắt có nghệ thuật, hai hình thái ý thức song hành như chị em sinh đôi không thể chia lìa, tôn giáo phát triển đến đâu nghệ thuật phát triển đến đó và lồng trong đó là đời sống sinh động của nhân gian.
Để là cục đất, cất là ông bụt. (Ngạn ngữ)
Đôi ta như tượng mới tô
Như tranh mới vẽ, như chùa mới xây. (Ca dao)
Trước khi đạo Phật có mặt ở Việt Nam, đã có những tín ngưỡng bản địa, như đạo Mẫu, tín ngưỡng Tứ Pháp, song quá trình Phật giáo hóa tín ngưỡng bản địa làm cho đến nay không còn nhận ra di tích nào là cổ xưa nhất trong tín ngưỡng bản địa. Những pho tượng Tứ Pháp ở vùng Dâu Keo, được làm nữa theo điêu khắc Phật giáo Bắc bộ, nữa giống điêu khắc Ấn Độ-Khmer. Các vị thần điều để thân trần và quấn xà rông, còn tóc theo lối bụt ốc. Theo truyền thuyết thì những ngôi chùa Tứ Pháp được dựng vào thế kỷ 2 sau công nguyên, nhưng lối tượng Tứ Pháp theo các nhà nghiên cứu chỉ là thế kỷ 17-18. Trong nghệ thuật Phù Nam ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta tìm thấy những pho tượng Phật lớn bằng gỗ đứng hoặc trong tư thế đi hành giáo. Các vị đều quấn cà sa giống như những tượng Phật thông thường từ truyền thống nghệ thuật Gupta hay thung lũng Bazmian. Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), năm 1057 được coi là tác phẩm điêu khắc Phật giáo sớm nhất hiện nay, được làm dưới âm hưởng của điêu khắc Phật giáo thời Đường, nhưng những nếp áo rõ ràng có quan hệ tới lối chạm khắc tượng Phật nhiều nếp áo tinh xảo Gupta. Một vài di tích khác như cột biểu chùa Dạm, con Kinnari đầu người mình chim chùa Phật Tích và chùa Long Đọi thì ảnh hưởng điêu khắc Champa, hay có thể nói chính những người thợ Champa ra Đại Việt thực hiện.
Từ sau thời Lý những tượng Phật bằng đá và điêu khắc đá nói chung tự nhiên thô phác hẳn. Điển hình là ba pho tượng Tam Thế chùa Ngọc Khám (Bắc Ninh) được cho là từ thế kỷ 15 và những pho tượng chầu lăng mộ Lam Kinh (Thanh Hóa). Một số tượng chân dung các Thiền sư trong tháp mộ cũng vậy, như tượng vua Trần Nhân Tông ở Yên Tử, cũng ngồi thiền như tượng Phật thông thường và mặc cà sa hở một tay. Rồi thế kỷ 16, bỗng bùng lên làm tượng Phật Quan Âm nhiều tay trong khắp cả nước. Thế kỷ này Việt Nam có những biến đổi đột ngột, thoạt tiên Mặc Đăng Dung làm đảo chính giết vua và đoạt ngôi nhà Lê Sơ, lập ra nhà Mạc. Quan lại và lòng dân không phục, vua Mạc đã phải lên tận biên giới trói tay xin thần phục Trung Quốc để tránh một cuộc chiến tranh xâm lược. Những quan lại nhà Lê với gia tộc Nguyễn-Trịnh đã phò tá con cháu vua Lê lập ra triều đình ở Thanh Hóa bắt đầu tiến công nhà Mạc. Nội chiến Nam-Bắc triều bắc đầu, Nam triều là vua Lê mới và gia tộc Nguyễn-Trịnh, Bắc triều là nhà Mạc. Đất nước bất ổn trong một thời gian dài, khiến người ta lại cầu cứu đến cửa Phật, lần này thì phải đích thị Phật bà Quan Âm thần thông biến hóa, có nhiều tay nhiều mắt để cứu độ chúng sinh. Những cuốn Kinh Phổ Môn, hay còn gọi là Quan Âm xuất tướng đồ, được biên soạn theo dạng như họa liên hoàn, vừa tranh vừa chữ, tức là đức Quan Âm sẽ xuất hiện cứu vớt nhân sinh đủ mọi trường hợp khi người ta tụng niệm Ngài.
Tượng Quan Âm được làm theo nhiều dạng như: Quan Âm thị giả, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Vô Úy, Quan Âm tống tử, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tùy từng vị trí mà Quan Âm xuất hiện như thế nào. Ví dụ Quan Âm thị giả thường đứng trong bộ tượng Di Đà Tam Tôn, một bên Quan Âm, một bên Thế Chí, giữa là A Di Đà. Tượng chỉ có hai tay, thông thường tay có thể cầm bình nước cam lồ. Quan Âm Chuẩn Đề hay Vô Úy mà người ta nhận ra tượng ở dạng nào. Quan Âm tống tử, làm theo tích Quan Âm Thị Kính. Quan Âm tọa sơn thường làm vị ngồi trên núi.Quan Âm Nam Hải thường có nhiều tay từ 12 đến 42 tay, và tượng được đặt trên một bệ lớn mô phỏng biển Nam Hải, có con thủy quái đội tòa sen cho bà từ Ấn Độ bơi qua biển Nam. Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn có nghìn mắt nghìn tay và đầy đủ các thành phần như Quan Âm Nam Hải.
Như vậy chỉ riêng tượng Quan Âm trong các ngôi chùa Bắc bộ đã rất phức tạp, và từng pho tượng một cũng có hình thức đặc biệt, với bố cục nhiều thành phần, đòi hỏi những người thợ cao tay thao tác. Do đó mà mọi tượng Quan Âm đều rất đẹp, chất lượng nghệ thuật hơn hẳn những pho tượng thông thường, và là thành tựu của khoa điêu khắc xưa.
Điêu khắc đá là một loại công nghệ thủ công đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Hàng vạn năm chế tác đá, trong thời nguyên thủy con người có đôi bàn tay tinh khéo vô cùng đối với đá-vật liệu cứng và khó xử lý nhất trong điêu khắc. Chả thế mà khi thoát thai khỏi thời nguyên thủy con người dồn toàn bộ kỹ năng làm đá của mình cho các công trình tôn giáo cổ đại. Cộng với sức lao động vô điều kiện của hàng ngàn thế hệ nô lệ, những công trình cổ đại vẫn là vô tiền khoáng hậu về đá. Ngoài những dụng cu lao động bằng đá, người Việt có rất ít công trình đá đáng kể, dù bàn tay chế tác đá cũng tinh khéo. Sức sản xuất và tích lũy xã hội không lớn, tham vọng của vương quyền vừa phải, kinh tế nông nghiệp phân tán và không có niềm xác tín tôn giáo đến đắm đuối, người Việt không sùng bái đá. Sau thời Lý Trần, khi làm tượng Phật người ta dùng nhiều các chất liệu gỗ, đất và sơn ta. Làm đất, gỗ và sơn dần cũng trở thành chuyên nghiệp với các làng nghề thủ công mỹ thuật. Đặc biệt nghề sơn rất quảng bá trong xã hội phong kiến, dường như không có ngành nghề nào không phải dùng đến sơn ta, giống như dầu mỏ và điện ngày nay.
Sơn để quang đồ vật, chống thấm, tạo sức bền, sơn thuyền và đồ dùng bằng tre, gỗ, chít các lỗ và khe hở trên mọi đồ vật và kiến trúc. Từ đồ dùng thông thường đến đồ ngự dụng và tôn giáo sang trọng đều cậy nhờ sơn ta. Các chợ phiên khu bán sơn ta luôn nhộn nhịp, và theo lời mô tả của những người phương Tây thì người Việt để sơn vào rất nhiều thúng đem ra chợ buôn bán, một mặt hàng phổ thông và rất chạy.
Nhựa cây sơn ta có đặc điểm tích nhiệt rất lớn, nên gặp hơi ẩm nó khô rất nhanh và cháy vì oxy hóa, trái lại gặp hanh nóng nhựa lại chảy ra đến mức không thể khô lại được nữa. Do đó sơn ta không thể để quá lâu nếu không sử dụng vào các việc sơn thếp và gắp đồ, ngược lại khi gia nhập với đồ vật nó rất bền, hàng trăm năm, không chỉ làm đồ vật ngày nay một đẹp thêm mà còn gìn giữ đồ vật không chóng hỏng. Những đồ vật phủ sơn chôn theo hầm mộ có thể tồn tại hàng ngàn năm, nhưng những đồ vật thường dùng là vài chục năm, còn tượng Phật phủ sơn là vài trăm năm. Sơn tróc ra thì tô mới lại tượng theo quy trình cũ.
Tượng đất và tượng gỗ có thể dùng nguyên chất, nhưng cũng có thể dùng phối hợp, trong gỗ ngoài đất phủ sơn, nghía là người ta tạc một pho tượng gỗ dạng thô, rồi đắp đất trộn sơn, rồi sửa các nét bề mặt. Khi làm tượng đất người ta đan một cái cốt tre trong đút đầy rơm, rồi trộn đất với giấy, rơm, vôi, mật tùy theo và đắp dần từng lớp đến khi nào đất ngừng co tức là nó đã ổn định, thì rút lõi rơm ra ngoài. Công việc sửa nét, đắp chi tiết đòi hỏi kỹ năng khéo léo, sau đó hom bó bằng vải và sơn sống khiến bề mặt pho tượng giống như một lớp nền làm tranh sơn mài, trên đó có thể sơn son thếp vàng tùy theo. Phần lớn những địa phương nghèo đều phải làm tượng Phật bằng đất, niềm tin dân gian cũng vừa phải khi người ta nói: Để là cục đất, cất là ông Bụt. Còn những nơi giàu có hơn, phần lớn các tượng Phật đều được làm băng gỗ, nhưng với những pho tượng quá lớn, nhiều chi tiết rời khỏi thân như, Hộ Pháp, Kim Cang thì làm bằng đất tiện hơn. Hà Nam, Nam Định có những phường thợ rất giỏi về gỗ, nhưng Sơn Tây lại có những phường thợ giỏi về đất. Thông thường trong chùa có cả tượng gỗ, đất và đồng tùy theo chức năng của hệ thống tượng Phật và khả năng kinh tế.
Một pho tượng Phật thông thường, kích thước tương đương bằng người thật, tiền công tính bằng bốn mươi thúng thóc, không ít trong hoàn cảnh nông dân. Cho nên người ta làm dần dần, những pho quan trọng như Tam Thế, Quan Âm trước, các pho khác tiếp tục làm sau khi có tín chủ bố thí, cho nên hệ thống tượng Phật chùa làng thường không đồng đều về chất lượng và cũng không được làm cùng một thời điểm, trừ những chùa do quý tộc bảo trợ. Dẫu có bảo trợ, thì một chùa lớn như chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Thầy… cũng phải làm trong thời gian vài chục năm, như chùa Bút Tháp từ 1640 đến 1961 mới hoàn thành. Chùa thầy có di tích suốt từ thế kỷ 17 và 18 . Tất nhiên kiến trúc luôn được quy hoạch trước và hoàn thiện cũng dần dà trên cơ sở quy hoạch.
Tạo hình tượng Phật được tiến hành theo hai lối, hoặc dựa vào cuốn Tạc tượng lượng độ kinh, được biên soạn bằng chữ Hán lưu hành trong giới Phật giáo và các phường thợ, hoặc làm theo lối dân gian hoàn toàn cảm nhận và học mẫu mã từ vài chùa nổi tiếng. Các quy tắc tạc tượng trong cuốn sách trên được tóm tắt thành vài công thức đơn giản cho các thợ điêu tô (thợ điêu khắc-điêu là khoét đục xuống, tô là đắp phủ lên) thực hiện. Đó là: Tọa tứ lập thất – một tượng đứng bằng bảy đầu, ngồi bằng bốn đầu, Nhất diện phân lưỡng kiên-chiều ngang của mặt bằng nửa chiều ngang hai vai, Nhất diện phân tam trùng – ba khoảng cách băng nhau trên mặt, từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. Tạc tượng lượng đô kinh còn quy định chi tiết đến tận ngón chân ngón tay. Các thế tay bắt quyết sẽ có sách riêng hướng dẫn. Còn khi làm tượng xong, người ta sẽ chọn ngày lành tháng tốt hô Thần nhập tượng. Sau lưng tượng có một chỗ khoét sẵn, được đặt vào đó một hạt vàng, một hạt bạc, một hạt kim cương, một hạt mã não và vài loại hạt quý khác, có thể thêm lá bùa… gọi là yểm tâm tượng.
Có một số tượng Phật được làm nguyên khối gỗ, chủ yếu ở miền Trung, vùng Thanh Nghệ. Nhưng làm nguyên khối gỗ, nghệ nhân buộc phải đi theo khối gỗ, khó lòng mà tạc tượng cân đối về cơ thể theo ý muốn, mọi hành vi của pho tượng đều ép vào khuôn gỗ mà thôi. Nên phần lớn tượng Phật gỗ Việt Nam rời từng phần rồi ghép lại, khối đầu, khối thân, khối chân và khối bệ. Quá trình hom bó người ta sẽ chít lại những khe hở và những đoạn chuyển tiếp giữa hai khối. Sau cùng là sơn son thếp vàng.
Từ sơn sống, có thể chế thành hai loại sơn chín (bằng cách đánh sơn) là sơn then có màu đen và sơn cánh gián có màu nâu. Sơn cánh gián là nguyên liệu pha chế với các loại màu như một chất hòa tan, kết dính. Người ta sẽ dán từng lớp vàng lên thân tượng rồi phủ màu son lên đó, mài đi lớp son sẽ trong bóng và nổi màu rực rỡ, cứ thế vài lớp, có thể lớp ngoài cùng màu son, màu đen hay màu vàng tùy theo loại tượng, nhưng màu gì ở trên cũng có lót vàng ở dưới. Giá trị của lớp vàng lót sẽ làm lớp màu ở trên bóng đẹp và rực rỡ. Càng nhiều lớp lót bức tượng càng bền và để lâu càng đẹp. quy trình này được các họa sỹ hiện đại học tập chế thành loại tranh sơn mài từ khoảng những năm 1929 – 1930, và phát huy mạnh mẽ ưu thế của việc mài, trong khi sơn thếp tượng cổ, mài chỉ là một kỹ thuật làm nhẵn thông thường. Cho đến thế kỷ 16, tượng Phật gỗ và đất sơn son thếp vàng đã chiếm ưu thế trong kỹ thuật chế tác tượng, và chiếm số lượng đến 90% trong tổng số tượng Phật trong mọi ngôi chùa, tượng đá và kim loại chỉ chiếm số lượng khiêm tốn, nhưng không phải không có sự đặc sắc riêng.
Người Việt ưa sơn son thếp vàng đến nỗi không chỉ tượng đất và gỗ mới phủ sơn, mà đôi khi còn phủ lên cả tượng đá lẫn tượng đồng. Tất cả đồ thờ tự trong kiến trúc tôn giáo đều được sơn son thếp vàng hết, dường như không chừa thứ gì. Một thói quen thẩm mỹ và nghĩ thế là trang trọng và sùng bái Thần Thánh. Việc phủ sơn không có nghĩa là quét những lớp sơn đều đặn lên pho tượng mà là một nghệ thuật chỉnh đường nét và các khối bề mặt sao cho pho tượng có tinh thần. Cái này người ta gọi là tô tượng, chữ Tô trong tiếng Hán nghĩa là đắp, cũng được dùng đa nghĩa trong tiếng Việt là đắp và tô vẽ. Trước tiên những tượng Hộ Pháp, Kim Cang và vài tượng Thần khác người ta sẽ cắm râu bằng vài loại lông động vật, lắp nhãn thủy tinh, thường mua sẵn của người Tàu, con mắt này sẽ cử động khi có gió thổi vào mặt tượng bằng một lỗ nhỏ bên khóe. Mặt nhiều pho tượng được đắp bằng một lớp bột ngà voi nên có màu trắng rất nền nã, ấm áp. Còn những pho tượng Phật khác người ta không dùng những kỹ thuật tự nhiên chủ nghĩa như vậy mà tô vờn khối bằng sơn thếp. Cách chuyển khối rất dịu dàng tinh tế làm toát lên thần thái tự tại và tĩnh lặng của các pho tượng Phật tôn kính, đặc biệt các bàn tay, nếp áo quần được nghiên cứu công phu sao cho gần với thực tế mà thống nhất với thần thái và diễn biến đường nét trên bề mặt. Mỗi bàn tay là một tư thế sinh động, gợi cảm, thậm chí gợi tình. Mỗi khuôn mặt là một chân dung mà ta thường ngày có thể bắt gặp đâu đó trong sỹ nông công thương. Những điều này làm cho nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt Nam mang đặc điểm nữ tính rõ ràng và mang tinh thần hiện thực lại rất huyền bí siêu thoát. Không thiên về tính tượng trưng như nghệ thuật Phật giáo phương Đông nói chung.
Trích: Phan Cẩm Thượng, Văn Minh Vật Chất Của Người Việt, phần Điêu Khắc Phật Giáo
Nguồn: http://cungduong.vn/phong-cach-dieu-khac-phat-giao-tai-viet-nam/