Phong cách Đồng Dương trong nghệ thuật điêu khắc Champa 03/08/2017

Di tích Phật viện Đồng Dương nằm cạnh đường 14E, thuộc địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về hướng Tây Nam. Theo nội dung tấm bia tìm thấy ở Đồng Dương, vào năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.

Khu di tích quan trọng vào bậc nhất của Phật giáo Champa đã bị tàn phá nặng nề bởi thiên nhiên và chiến tranh, hiện nay trong khu vực này chỉ còn một mảng tường tháp cổng (gopura) mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp Sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số đồ trang trí kiến trúc. Năm 1901, Louis Finot, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm. Tượng đứng thẳng, trên thân khoát một chiếc áo cà sa để hở vai bên phải, những nếp xếp của chiếc áo uốn cong lên phía vai trái làm cho pho tượng mềm mại hơn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng nầy chịu ảnh hưởng của phong cách Amaravati (Ấn Độ), Jean Boisselier cho rằng niên đại của nó khoảng thế kỷ V đến đầu thế kỷ VI, còn Philippe Stern thì cho rằng pho tượng có xuất xứ từ bên ngoài và niên đại của nó khoảng trước thế kỷ VIII. Như vậy về mặt niên đại, pho tượng nầy ra đời sớm hơn Phật viện Đồng Dương.

Năm 1902, Henri Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả của H. Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật, dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch: -Nhóm phía Đông: chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện Phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với 2 hàng cột song song theo trục Đông-Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói lá. Ở đây có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích Ca rất lớn. Trong khu vực này người ta còn tìm thấy nhiều pho tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật của đạo Phật) trên những bệ đá cạnh 2 hàng cột gạch.

-Nhóm giữa: chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở 2 đầu hồi, trên 2 vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói lá. Ở đây có 4 pho tượng Môn Thần (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m.

-Nhóm phía Tây: gồm có đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Champa; với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dãi hoa văn thảo mộc cách điệu rậm rịt và xoắn xít như hình vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương.

Trong ngôi đền có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dãi hoa văn hình vết sâu bò, những bức chạm thể hiện cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số trích đoạn về cuộc đời của Phật Thích Ca. Đặc điểm chung của các nhân vật được chạm trong các ô trên bệ thờ là những gương mặt hơi thô, khó phân biệt giữa nam và nữ, những bức chạm có kích thước nhỏ nhưng những bộ ngực phụ nữ luôn căng tròn . Trên mình những pho tượng bằng sa thạch thể hiện các vị Phật, La hán, nhà sư, người dâng lễ là loại y phục tu sĩ được sử dụng ở vùng Đông Nam Á, đó là chiếc áo ca sa để hở vai trái (uttarasanga) và chiếc antaravasaka (loại váy mặc bên trong áo cà sa).

Trong số các pho tượng được tìm thấy ở khu vihara, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật ngồi trên một chiếc ghế, hai chân buông thỏng xuống, hai bàn tay đặt trên hai đầu gối, giống như một vị vua đang ngồi trên ngai vàng, kiểu thức nầy rất hiếm hoi trong nghệ thuật Phật giáo, tuy nhiên theo J. Boisselier, ở Trung Quốc vào thời Đường cũng có một vài pho tượng Phật ngồi theo kiểu nói trên. Nhà nghiên cứu Pierre Dupont cho rằng cách thể hiện y phục trên pho tượng Phật nầy mang dáng dấp của nghệ thuật Trung Quốc – Nhật Bản; ông cũng lưu ý rằng, các pho tượng La hán ở tư thế quỳ, hai đầu gối dạng ra, hai bàn tay đặt lên hai đầu gối là tư thế quen thuộc của nghệ thuật Trung Quốc – Nhật Bản.

Như vậy có thể nói rằng cùng với Phật giáo Đại thừa, nghệ thuật Trung Quốc đã được du nhập vào Champa và có ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn hóa của vương quốc nầy. Những pho tượng Dharmapala được tìm thấy trong vihara ngồi theo kiểu rajalilasana: một chân xếp ngang, lòng bàn chân ngữa lên; một chân co lên, bàn tay cùng phía đặt lên đầu gối. Trên đầu đội một loại kirita-mukuta có hai tầng, tầng trên nhỏ hơn tầng dưới, mỗi tầng trang trí 3 đóa hoa hình lá đề, đôi tai đeo khuyên tai hình hoa tròn, tất cả trông khá nặng nề. Những tượng nầy có gương mặt đặc trưng của nghệ thuật Đồng Dương với mắt lớn, lông mày rậm, cánh mũi rộng, ria mép rậm vễnh lên, miệng hơi mĩm cười có vẽ khoan hòa. Các pho tượng Dvarapala Đồng Dương đứng dạng chân như tư thế của các Dvarapala ở khu tháp Hòa Lai (cuối thế kỷ VIII- đầu thế kỷ IX), nhưng dáng của những pho tượng Đồng Dương có vẽ dũng mãnh hơn, một tay họ cầm một đoản kiếm đưa lên ngang đầu, một tay bắt ấn ở trước ngực. Đầu các vị thần đội một loại kirita-mukuta giống như các Dharmapala, gương mặt các vị thần bạnh ra, mắt lồi tròn, lông mày rậm và xếch lên, trán có những nếp nhăn sâu, cánh mũi to, miệng nhe răng nanh như muốn đe dọa, hàng ria mép rậm cong lên và bộ râu quai nón ngắn.

Những đồ trang sức như khuyên tai, vòng tay, vòng chân, dây quàng cổ, thắt lưng đều là những hình rắn Naga 3 đầu cuộn lại, thân trên tượng để trần, thân dưới mặc một sampot ngắn. Mỗi vị thần đứng trên lưng một con vật to lớn (trâu, bò, gấu…). J.Boisselier cho rằng những pho tượng Dvarapala nầy là những tượng tròn đẹp nhất ở Đồng Dương. Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Bodhisattva (Bồ Tát) bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Nhân vật trong tư thế đứng thẳng; tóc được búi lại thành hình chóp (jata) trên chóp chạm một tượng Phật Adiđà; gương mặt nữ thần nghiêm nghị, có vẽ hơi thô, cung lông mày giao nhau, mắt mở to nhìn thẳng, cánh mũi rộng, môi dày, giữa trán có một urna hình thoi. Thân trên để trần với bộ ngực căng tròn; thân dưới quấn một sarong dài đến mắt cá, sarong xếp nhiều nếp lượn cong tạo vẽ mềm mại. Hai tay nữ thần cầm hoa sen (đã bị gãy mất) hướng ra phía trước. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính.

Theo đánh giá của J. Boisselier, pho tượng nầy không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa, mà nó còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam Á. Đường nét trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm. Tượng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực quá lớn. Với những đặc điểm trên, chúng ta không thể thống nhất với một số ý kiến cho rằng những pho tượng đó thể hiện những đặc điểm của dân tộc Chăm. Điều đáng chú ý là sự cường điệu của các pho tượng ở Đồng Dương lại không làm cho các nhân vật có vẽ dữ tợn, ngoại trừ các tượng thần Dvarapala, các nhân vật còn lại đều có nét mặt hiền từ, dáng vẽ khoan thai, hòa nhã. Những chiếc jata-mukuta hai tầng, trang trí những đóa hoa hình lá đề ở Đồng Dương là sự kế thừa và phát triển từ chiếc jata-mukuta với 3 đóa hoa lớn trên pho tượng nam thần ở An Mỹ (cuối thế kỷ VIII- đầu thế kỷ IX); bộ ria mép cong và bộ râu quai nón ngắn đã xuất hiện từ những pho tượng ở giai đoạn cuối phong cách Mỹ Sơn E1(nửa cuối thế kỷ VIII), phát triển ở giai đoạn Đồng Dương, và kéo dài sang đầu thế kỷ X trên những tượng đàn ông thuộc phong cách Khương Mỹ.

Tượng động vật xuất hiện khá nhiều ở Đồng Dương. Phong phú nhất vẫn là tượng voi, những con voi ở các tư thế khác nhau nhưng có một điểm chung là trên trán voi có một cục u khá lớn. Những con voi trước bàn thờ ở vihara mặc dù được cách điệu, nhưng với động tác chụm chân đưa vòi lên cao, đã thể hiện con được con voi đang rống khá sinh động. Trên các bệ thờ ở Phật viện Đồng Dương có 5 cảnh chạm những con ngựa trong các tư thế khác nhau, những con ngựa chân bước thong thả hoặc đứng yên, đầu to, cổ có ngấn, đuôi ngựa dài chấm gót chân sau, đó là loại ngựa có dáng béo lùn, so với người cưỡi thì những con ngựa nầy hơi nhỏ, gần với giống ngựa ở miền núi phía bắc Việt Nam… Ngoài ra chúng ta còn bắt gặp những tượng sư tử, chim thần Garuda, makara, rắn Naga, tuy nhiên chúng không được đặc sắc lắm…

Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương Bắc, kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ IX.

——————————

Tài liệu tham khảo:

+ J. Boisselier: – La statuaire du Champa . Paris 1963. – Le Champa . Paris 1995.

+ Ph. Stern: L’ art du champa et son évolution. Toulouse 1942.

+ P. Dupont: Les apports chinois dans le style bouddhique de Đông Dương. BEFEO XLIV. 1950.

 

Nguồn: https://www.facebook.com/pg/CHAMPA-AND-ME-245177003398/photos/?tab=album&album_id=455242438398

 

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?