GS. TS Nguyễn Văn Huyên
Lời dẫn: Trong những ngày tháng Bảy âm lịch này, khi các gia đình người Việt theo tín ngưỡng Phật giáo đang chuẩn bị đồ cúng Rằm, Bảo tàng chúng tôi xin trích giới thiệu bài nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Huyên về lễ xá tội vong nhân của người Việt, đăng bằng tiếng Pháp trên tạp chí Indochine năm 1941, để cùng tìm hiểu về một ngày lễ quan trọng trong đời sống tâm linh.
Nguyễn Văn Huyên
Indochine, Hebdomadaire Illustré, số 52, 8-1941
Người dịch: Đỗ Trọng Quang
(…) Nhưng trong thế giới huyền bí, có những hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là hồn của những người bất hạnh chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng, và chẳng có ai trông nom. Những hồn này lang thang theo sau các đám mây đen, những màn mưa phùn lâm tâm, hay nằm trên các cành cây. Đấy còn là hồn của những người chết đuối ở sông ngòi, ở biển, lởn vởn những nơi họ đã chết, để đợi có kẻ khác chết thay. (…) Để làm nguôi ngoai tất cả những linh hồn khốn khổ đó, thỉnh thoảng, nhất là vao ngày mồng một và ngày rằm, người ta cúng hương và giấy vàng, giấy bạc.
Nhưng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối cùng của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng và khổ của nó, sự già nua, cái chết, và sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn hoặc dài ở trong những đáy sâu thẳm của tối tăm.
(…)
Rằm tháng Bảy: Đó là ngày lễ của người đã chết, một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo. Vừa lúc mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang, và hồn những kẻ bị đày đọa ùa ra các nẻo đường, trần trụi và đói khát. Nếu muốn cung ứng cho các nhu cầu cấp thiết nhất của họ, thì vào ngày đó người ta phải bày lên bàn thờ họ những đĩa thức ăn, người ta cúng hồn quần áo, đồ đạc, những thoi vàng và bạc bằng giấy.
Ngoài ra, muốn được các thần thương xót, tối hôm đó, sau khi cúng gia tiên, người ta cúng cho tất cả các hồn bị bỏ rơi một mâm cơm. Vì thế, ta thấy ở các phố, lúc sẩm tối, ai cũng đặt trước nhà mình những bàn đầy những bát cơm, bát cháo, bánh, hoa quả, quần áo cắt bằng giấy nhiều màu, rất nhiều vàng mã.
Rằm tháng Bảy ngày nay trở thành ngày từ thiện lớn: người giàu cho người nghèo và những người hành khất rất hào phóng; các hội từ thiện đi quyên để chia của bố thí trong các nhà tế bần và bệnh viện.
Ở các chùa lớn, người ta làm lễ bằng những khoản quyên góp của các thiện nam tín nữ. Hôm đó, người ta dựng một đàn lớn bằng gỗ hoặc tre dài từ bàn thờ Phật đến tận giữa sân chính của chùa. Khoảng cuối buổi chiều, trên chiếc bàn lớn này chồng đủ thứ kẹo, bánh, hoa quả mà tín đồ mang đến hay do nhà chùa mua.
Mọi người vứt lung tung vào đấy rất nhiều đồ vàng mã như tiền, quần áo, mũ, giày,…
Trời sẩm tối, chùa đã đầy người đứng đợi lúc giải thoát cho linh hồn những người thân thích của mình. Người ta đốt rất nhiều hương, và thắp hết cây nến lên. Hòa thượng chủ trì nhà chùa, theo sau là tất cả các sư sãi trong chùa, đôi khi có những sư các chùa nhỏ quanh vùng đến nhập hội, đứng trước đàn này. Hòa thượng tụng kinh và niệm thần chú để cho những đồ cúng hiện có ở trên đàn tăng lên thật nhiều.
Lễ này kéo dài đến rất khuya. Cuối cùng, sau khi đã giải thoát linh hồn của những kẻ bị đày ở địa ngục, hòa thượng cúng hồn một mâm cơm bố thí và đọc cho tín đồ nghe những lời răn của Phật để khuyến khích họ làm điều thiện nếu muốn chuẩn bị vào cõi Niết bàn.
Hôm đó, từ những người quyền quý nhất đến kẻ nghèo khó nhất, ai cũng mong cho cha mẹ và người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn mà được dân chúng quan niệm là cõi thiên đường. (…)
Đấy là tóm tắt trong vài dòng ngày lễ lớn xá tội vong nhân của người Việt Nam. Như ta thấy, nó có một tầm luân lý lớn. Nó hướng tới khuyến khích mọi người ăn ở tốt trong cuộc đời ngắn ngủi trên trái đất của mình, và an ủi tất cả các hồn trong cuộc đấu tranh gay go giành sự sống. Tất cả trong cái xứ sở có thiên nhiên nghiệt ngã này, nhất là những thời kỳ khắc nghiệt này của mùa hè, đều phải nâng cách quan niệm của mình mọi khổ ải trên thế gian này lên quy mô những chuỗi luân hồi dài vô tận, nhằm khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành những đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục. Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn cả về thể chất cũng như tinh thần và trí tuệ.
Nguyễn Văn Huyên toàn tập, Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, tập 2,
NXB Giáo dục, 2001, tr. 989-997.
Nguồn: Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên