– À, đã làm nghề, mắt phải tinh, tai phải thính, ông ạ. Nghe tiếng đục là biết ngay thôi mà. Tiếng đục tạo hình tựơng từ gỗ mới sơ chế phải đanh chắc; tiếng đục tạo đường nét trên thân tượng phải êm nhẹ, lên bổng xuống trầm như nhịp phách vậy.
Vào một ngày đầu xuân, tôi đến vãng cảnh chùa Dư Hàng (Hải Phòng). .Người trông coi chùa tiếp tôi ban đầu vẻ không vồn vã, không lạnh nhạt, cũng như đối với nhiều du khách khác. Nhưng khi nghe tôi tự giới thiệu là người làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo thì mắt ông bỗng sáng lên, trịnh trọng bưng chén nước mời rồi cho biết: Phần lớn tượng và đồ thờ trong chùa đều do phường thợ Hà Cầu ( nay là làng Bảo Hà ) chế tác. Khách thập phương đến đây, những người am hiểu nghệ thuật sơn mài tạc tượng ai cũng khen ngợi.
Niềm vinh hạnh ấy đến với tôi không chỉ một lần. Những năm trước, khi tham quan đền Kiếp Bạc, chùa Đông Cao (Hải Dương ), đền Đồng Bằng, đền Hạ Vũ, chùa Phú Lương (Thái Bình ), tôi cũng đã từng được đón nhận.Tôi thầm biết ơn bao thế hệ cha ông bằng tài năng và trí tuệ đã đã tạo dựng nên một nghề thủ công mỹ nghệ và đưa tên quê hương đi khắp mọi miền đất nước.
Bảo Hà quê tôi (trước là hai làng Bảo động và Hà Cầu ) xưa là vùng đất chiêm trũng. Câu “ Bảo Động quần ngư ẩm thủy ” (làng Bảo Động luôn có đàn cá uống nước ) đủ nói lên điều đó. Tương truyền vào thế kỷ thứ XV có một chàng trai làng tên là Nguyễn Công Huệ xót xa, trăn trở trước cảnh người dân quanh năm đói khổ đã đi bôn ba tìm thày học nghề sơn mài tạc tượng đưa về dậy cho con em trong làng. Sau Cụ trở thành người thợ giỏi nổi tiếng, bị giặc Minh bắt đưa về phương Bắc.Tỏ lòng ghi nhớ công ơn Cụ, dân làng tôn vinh là Tổ nghề, lập miếu thờ và cúng giỗ hằng năm. Cụ Nguyễn Công Huệ có một người học trò giỏi là Tô Phú Vượng từng được nhà vua vời vào cung tạc ngai. Sản phẩm làm xong, Cụ ngắm nghía rồi trong lúc hưng phấn liền ngồi thử. Bị phát giác, Cụ bị ghép tội phạm thượng và tống ngục. Trong phòng giam, nhặt được hạt thóc nếp từ chổi quét nhà, Cụ lấy kim cài đầu “ tạc” thành con voi nhờ cai ngục dâng vua. Vua xem, sửng sốt vì bàn tay tài hoa người thợ liền tha tội và ban tước “ Kỳ tài Hầu”.Nghề sơn mài tạc tượng quê tôi đã trải hơn 400 năm, qua bao bước thăng trầm của lịch sử lưu truyền mãi đến ngày nay,
Những ngày tháng tám này , ai về thăm Bảo Hà quê tôi,đi trên những con đường trải nhựa hoặc lát bê tông rộng thênh thang từ xóm Quyết Tiến đến Đồng Tiến, Quyết Thắng đến Song Hùng sẽ được tận mắt chứng kiến không khí sôi động của một làng nghề vừa được phục hồi và đang trên đà khởi sắc: Khi ngoài đồng một mùa vàng bội thu vừa khép lại, cũng là lúc trong làng tiếng đục, tiếng cưa, tiếng cười, tiến nói hòa trong tiếng máy, tiếng xe chở nguyên liệu gỗ về, chở hàng xuất xưởng đi khắp các miền Bắc, Trung, Nam… Làng hiện có gần 20 xưởng tạc tượng sơn mài với trên 200 thợ lành nghề phần lớn là con em Bảo Hà.
Tôi vào thăm xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn VănTụ nằm giữa trung tâm xã, khi ông đang hướng dẫn những người thợ trẻ tạc tượng..Nhìn những khúc gỗ mít, gỗ vàng tâm, gỗ giổi… xếp thành đống cao, những pho tượng vừa qua sơ chế hoặc đang đang ở cung đoạn hoàn thiện cuối cùng, không khí sản xuất nhộn nhịp, khẩn trương, tôi biết cơ sở của ông đang vào thời vận phát đạt. Nghệ nhân hướng dẫn tôi đi xem những pho tượng đủ loại đã hoàn thành còn chỉ chờ giao cho khách theo hợp đồng đã ký: Tượng Phật ( Thích Ca, Di Đà, Quan Âm Bồ Tát…), Tượng Thánh (Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ. Lê Hoàn…), tượng Đức Ông, Hộ Pháp, tượng Tố nữ, tượng chân dung…
Biết ông từng cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979, là con trai thứ nghệ nhân Nguyễn Huy Ngoãn, là học trò nghệ nhân Nguyễn văn Nguôn, lại là người từng đoạt giải nhất cuộc thi phục chế Tượng Linh Lang ( Mở cửa tượng đứng dậy, khép cửa tượng ngồi xuống ) và từng có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng năm 2012, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về nghệ thuật tạc tựơng.Ông cười, giọng nói sôi nổi hẳn lên:
-Nghề nào cũng có cái khó và bí quyết riêng, nhưng nghề tạc tượng là một trong những nghề khó nhất.Bởi trong một pho tượng ẩn chứa nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tài năng người thợ.Ví dụ khi có khách đến đặt tượng Phật, thì mình phải hiểu tư tưởng cốt lõi của đạo Phật là “từ, bi, hỷ, xả ”, từ đó thể hiện từ cách ngồi (hoặc đứng), đến khuôn mặt, bàn tay, nếp áo… phải toát lên vẻ hiền từ, thư thái, tĩnh tâm…Hay như khi tạc tượng Đức Thánh Trần, thì trước hết phải hiểu tiểu sử, tài năng quân sự, chiến công hiển hách và đức độ cao cả của Ngài, từ đó tạo nên thần sắc, hình hài pho tượng vẻ quoắc thứơc, oai phong, tầm nhìn xa rộng của vị chủ tướng, lại pha lẫn nét nhân hậu của một người “coi quân sỹ như con ”…Nghĩa là phải biến một khúc gỗ vô tri thành pho tượng mang hồn cốt nhân vật. Thế nên câu “ thổi hồn vào gỗ ” là theo nghĩa ấy.Ngừng giây lát, chiêu chén trà nóng ắp giọng, ông hào hứng kể tiếp:
-Cho nên, người xem tượng, dùng tượng phải biết giá trị của nó. Tôi kể ông nghe chuyện này: Xưa có một tên trọc phú đặt một nghệ nhân tạc tượng chân dung.Thỏa thuận giá cả xong, nghệ nhân dồn hết trí lực tạc pho tượng. Nhưng đến khi nhận, trọc phú lại chê đắt rồi lấy cớ không giống mình, đánh tháo đòi tiền về. Nghệ nhân bèn cho con buộc thòng long vào cổ tượng kéo dọc đường làng cho dân chúng xem. Hoảng quá, trọc phú liền đến xin nhận tượng, trả tiền không thiếu một xu, nhưng nghệ nhân không trao tượng nữa; trả gấp hai ba lần cũng không “mua” được tượng.
Ông thấy không , nghệ thuật đâu có thể tính bằng tiền. Sau mấy chục năm gắn bó với nghề,tôi mới đủ trải nghiệm hiểu được tài năng kiệt xuất của bậc tiền nhân khi ngắm kỹ pho tượng Tổ nghề Nguyễn Công Huệ: Cụ ngồi thế chân co, chân duỗi như đang tạm nghỉ tay sau nhiều giờ làm việc. Khuôn mặt hiện rõ niềm vui đắc ý với sản phẩm đang làm lại thoáng chút mệt nhọc vì công việc vất vả. Ánh mắt tinh tường của bậc lão luyện trong nghề. Chiếc áo khoác hai phần ba người để lộ bộ ngực trần nở nang, cho thấy sức khỏe bền chắc của dân làm thợ.Ngón tay mềm mại chứ không óng chuột hình tháp bút của bậc quyền quý toát lên sự khéo léo tài hoa…
Ông cha ta xưa quan niệm tạc tượng là nghề thiêng liêng mang tính chất tâm linh, nên cùng với sáng chế nghệ thuật tạc tượng, còn sáng tạo ra một loại ngôn ngữ riêng của nghề này. Ví như không nói “ làm tượng”, “đục tượng” mà nói “tạc tượng ”, Không nói “ cái, chiếc tượng ” mà nói là “ pho tượng ” cho dù là tượng nhỏ; động tác dùng vàng lá phủ ngoài tượng gọi là “ thếp ” vàng chứ không gọi là “dát” hay “dán” vàng; Vật liệu đất trộn với mùn cưa và sơn tạo ra loại sơn gắn, sơn bó gọi là “thổ” chứ không gọi là “đất”; ngay cả cái nhỏ nhất dùng quét sơn làm bằng tóc cũng được gọi là “ thép sơn” chứ không gọi là “cái chổi”…Hình như các cụ có ý nói thế để nghề mình đẹp hơn, sang trọng hơn,
Chuyện đang say, bỗng ông nghiêm giọng hướng sang lán bên nói một thợ trẻ đang làm việc: “ Hỏng rồi đấy, đục xước rồi đấy!”.Tôi ngạc nhiên:
-Ngồi đây làm sao bác biết được?
– À, đã làm nghề, mắt phải tinh, tai phải thính, ông ạ. Nghe tiếng đục là biết ngay thôi mà. Tiếng đục tạo hình tựơng từ gỗ mới sơ chế phải đanh chắc; tiếng đục tạo đường nét trên thân tượng phải êm nhẹ, lên bổng xuống trầm như nhịp phách vậy. Mắt chỉ cần liếc qua tay cầm chiếc ve ( một loại dụng cụ), là tôi biết trình độ tay nghề anh đến bậc nào rồi.
– Là biết sản phẩm người ấy làm ra đẹp hay xấu- tôi tỏ ý thán phục.
– Đó là điều côt lõi. Nhưng muốn sản phẩm đẹp, bền còn cần nhiều yếu tố khác nữa.. Trước hết là Vật liệu (gỗ): Thường dùng loại lõi mít hoặc vàng tâm. Lõi mít màu vàng đẹp, nắng nóng không bị rạn nứt, mưa ẩm không bị mốc, để hàng trăm năm không bị mối mọt, lại không quá rắn, không dòn. Thứ hai là sơn: Nguyên liệu phải mua từ sơn gốc Phú Thọ về thêm chất phụ gia chế biến thành nhiều loại sơn có công dụng khác nhau như sơn gắn, sơn bó, sơn hàn, sơn hom, sơn then, sơn cầm, sơn phủ…Mỗi loại sơn lại chia làm nhiều thứ có mầu khác nhau: xanh, đỏ, nâu trắng, vàng… .Khi trang trí mặt tượng còn cần phấn, son, bạc lá, vàng lá v.v… Rồi dụng cụ tạc tượng như cưa, đục, tràng, ve, bay sừng (làm bằng sừng trâu), thép sơn,…Mỗi thứ lại chia ra nhiều loại kích cỡ khác nhau, chuyên dùng vào các vị trí khác nhau trên pho tượng.Và loại nào cũng phải đạt chuẩn sắc ngọt, chính xác.
– Thế còn cách tạo kiểu dáng, kích cỡ của pho tượng ?
– Điều này tùy thuộc ý khách. Nhưng làng tượng đã có sẵn công thức riêng. Bởi thế khi khách đến đặt tượng mình phải hỏi cho kỹ: Cần tạc tượng gì, Tượng Phật, tượng Thánh, tượng tố nữ hay chân dung…? Thế ngồi hay đứng, nếu là ngồi thì kiểu gì: xếp bằng, song thất hay chân co, chân duỗi …Từ đó định ra kích cỡ, hình dáng toàn pho tượng theo phương pháp nhân chủng học, rồi bố cục toàn bộ pho tượng sao cho hài hòa…Thông thường, dân làng tượng thường dùng khuôn mặt làm chuẩn mực để tính toán cho kích cỡ pho tượng, đơn vị đo lường trong nghề gọi là diện . Ví như tượng đứng phải 7 diện, tượng ngồi thế song thất phải 6 diện, ngồi xếp bằng phải 4 diện…. Phần trang phục, người thợ phải tinh tường như vua đời nào thì đội mũ kiểu gì: Bình thiên hay cánh chuồn. nếp áo tố nữ phải mềm mại, áo bào võ tướng phải rõ nét oai phong, áo quan văn phải mực thước, nghiêm nghị…
Tôi chuyển mạch chuyện:
– Ngày nay, khoa học công nghệ đã phát triển, hẳn là nghề tạc tượng đã có nhiều ứng dụng ?
– Nhiều đấy. Nhưng cùng với cái hay cũng không ít cái dở.Dùng máy móc thay sức người vừa nhanh vừa giảm được cường độ lao động nặng nhọc, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ tạo sự ỷ lại, mất đi sự tỷ mỉ, khéo léo của bàn tay vàng. Hay như dùng sơn pha chế bằng phương pháp công nghiệp tuy tiện lợi nhưng kém hẳn độ bền so vơi sơn tự chế theo công thức cổ truyền.
– Lớp trẻ ngày nay có tâm huyết với nghề tạc tượng, di sản vô cùng quý giá ông cha để lại.?
Khuôn mặt nghệ nhân thoáng chút ưu tư:
– Lớp trẻ bây giờ trình độ văn hóa cao hơn hẳn các cụ và lứa tuổi chúng tôi . Họ thông minh, giỏi giang, chỉ cần nhìn qua hay hướng dẫn một lần là có thể làm được. Nhưng họ không chí thú với nghề, không đủ tính kiên nhẫn, xả thân cho nghề. Lương tâm người thợ giờ cũng đang sa sút. Cơ chế thị trường khiến họ chỉ cốt làm sao cho nhanh, giao hàng nhận tiền là xong. Nhiều học trò tôi tận tụy truyền dạy đã thạo nghề nhưng chỉ làm được vài năm rồi bỏ đi làm việc khác thu nhập cao hơn.Bởi thế tôi nghĩ làng nghề tuy đã phục hồi nhưng chưa bền vững..
– Muốn phát triển bền vững phải cần…
– Nhiều điều kiện như vốn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…Nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.Vâng. Yếu tố con người là quyết định tất cả. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện sao cho người thợ có thể sống bằng nghề một cách sung túc. Có thế họ mới gắn bó với nghề, giữ lấy nghề của cha ông để lại. Vài năm nay tiếp nhiều đoàn , cao có, vừa vừa có, thấp có, tôi đã nói ý này và kiến nghị. Các vị đều hứa là sẽ quan tâm, nhưng việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả thì…
– Còn ít và còn chậm ?
– Có thể nói là quá ít so với yêu cầu chúng tôi đề nghị. Chậm thì rõ quá rồi. Được biết gần đây đã nhiều hội nghị người ta đưa ra bàn bạc rất căng thẳng nên đề nghi cấp có thẩm quyền phong tặng ông A hay ông B là nghệ nhân?. Tôi nghĩ , điều này cũng cần nhưng quan trọng hơn là tạo điều kiện làng nghề phát triển bền vững để nghệ nhân có đất dụng võ, để lớp thợ trẻ không chán nản bỏ nghề..
Tôi gật đầu tán thưởng, nối lại mạch chuyện:
– Nói về sự quan tâm, dân làng nghề mình có câu : “Trên về, trên bảo trên thương / Trên đi thì chẳng còn vương vấn gì…”
Nghe xong, giọng nghệ nhân trầm hẳn xuống:
– Nói thế thì cũng hơi nặng lời. Ít “ vương vấn ” thôi thì đúng hơn. Nhưng chúng tôi thì vẫn từng ngày mong đợi. Và trong khi chờ đợi, cũng phải tự mình bươn trải. Chỉ tiếc là nhiều cái khó vượt quá tầm tay, không thể tự mình lo được, nó bó mình không vươn lên được mạnh hơn.
Tôi hiểu ra: đến nay, vấn đề khôi phục và phát triển làng nghề nói chung và làng nghề tạc tượng sơn mài Bảo Hà quê tôi nói riêng, nhiều câu hỏi vẫn còn chưa có lời giải đáp./.
Q.Đ
Nguồn: http://vanhaiphong.com/tap-van/2701-2016-03-22-02-59-43.html