“Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” là câu nói của dân gian để tưởng nhớ cũng là nhắc nhở chúng ta về ngày giỗ của của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đại Việt sử kí toàn thư cho biết: “Mùa thu, tháng 8 {Canh Tý, năm thứ 3 -1300}, ngày 20, Hưng Đạo Đại vương mất ở nhà riêng ở Vạn Kiếp”. Như vậy, 20 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của cụ Trần Quốc Tuấn đã, đang và sẽ được bàn luận, nghiên cứu kĩ lưỡng, đa ngành. Trong phạm vi này, chúng tôi chỉ xin nêu một suy ngẫm nhỏ về một chi tiết nhỏ khi đọc quyển Đại Việt sử kí toàn thư. Ngày nay, giới nghiên cứu sử học cũng như nhiều bạn đọc thừa nhận chi tiết Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (con trai của cụ Trần Quốc Tuấn) đã trả lời cha là “Tống Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa thì dấy vận có được thiên hạ”, ý nói muốn cha nhân cơ hội đang thống lĩnh quân đội mà cướp ngôi vua nhà Trần.
Tuy vậy, đặt câu nói này trong bối cảnh toàn văn câu chuyện mà Đại Việt sử kí toàn thư chép cũng như đặt vào tầm nhìn xa trông rộng, tài năng sử dụng con người của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thì có lẽ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ chi tiết này là khác với bản chất và con người của Hung Nhượng vương Trần Quốc Tảng cũng như cách hành xử của cụ Trần Quốc Tuấn. Xin hãy đọc lại đoạn chính sử đó:
“Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra có người thầy tướng trông thấy bảo rằng: Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, xem khắp các sách, có tài văn võ. Yên Sinh Vương với Chiêu Lăng {Tức Trần Thái Tông} vốn không ưa nhau, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Khi Yên Sinh sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và giối giăng rằng: Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt”. Quốc Tuấn để bụng thôi, nhưng không cho thế là phải. Đến khi nước lung lay, quyền bính quân quốc ở tay mình, Quốc Tuấn đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai gia nô can rằng: Làm kế ấy tuy được phú quý một lúc mà để lại tiếng xấu nghìn năm. Nay Đại vương há chẳng phú quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy Duyệt (1) làm thầy mà thôi. Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, rồi khen ngợi mãi. Một hôm Quốc Tuấn giả các hỏi Hưng Võ vương rằng: Người xưa có được thiên hạ để truyền cho con cháu, mày nghĩ thế nào? Hưng Võ vương trả lời: Nếu là họ khác cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ”. Quốc Tuấn khen ngầm là phải. Lại một hôm Quốc Tuấn đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng nói: Tống Thái tổ (2) là một ông lão làm ruộng mà thừa thì dấy vận có được thiên hạ. Quốc Tuấn rút gươm kể tội rằng: “Kẻ tôi làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu”, ý muốn giết Quốc Tuấn. Hưng Võ vương nghe tin ấy vội chạy đến khóc xin lỗi hộ, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, Quốc Tuấn bảo Hưng Võ vương rằng: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi thì mới cho Quốc Tảng vào” (Trích: Đại Việt sử kí toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải khảo chứng. NXB Hồng Bàng, Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, HN. 2012, Quyển VI, Kỉ nhà Trần, trang 333-334)
1. Tại sao Hưng Đạo Đại vương lại hỏi việc lớn với gia nô và con trai mình?
Nếu nói về dân chủ thì lập luân này có ý đúng. Song, với người tầm cỡ và đẳng cấp như Trần Quốc Tuấn, việc hỏi gia nô về chuyện đại sự để nhằm giải quyết vấn đề gì và ông sẽ nhận được gì thì chắc ông thừa hiểu. Và chúng ta cũng sẽ nghĩ rằng, hiếm khi xảy ra.
Nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Nuôi con thì sẽ biết tính- nết con. Dường như với cách nuôi dạy con của người Việt, cha mẹ rất hiểu tính-nết con. Và tới nay, câu chuyện đó vẫn tiếp diễn. Không cha mẹ nào mơ hồ về bản lĩnh, phong cách, nhận thức của con cái mình đã nuôi dạy.
Vậy, chuyện cụ Trần Hưng Đạo tham khảo ý kiến các con mình có xay ra không? Về logic là có, bởi người làm tướng cần hiểu tâm tư nguyện vọng của những cộng sự và người thân trước khi hành động, nhưng về thực tế, khi cụ đã quá hiểu con cái mình thì việc hỏi này nếu có xảy ra cũng là hình thức.
2. Vậy, câu chuyện Trần Quốc Tuấn hỏi ý kiến thăm dò gia nô và các con mình nói lên điều gì?
Chúng tôi cho rằng, câu chuyện này có thể chỉ là một giả tưởng hoặc một câu chuyện được “đưa ra dư luận” vào thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ
Lí do là bởi, với tầm nhìn xa trông rộng, cụ thừa hiểu sau khi thắng giặc, với công trạng của cụ thì tất yếu sẽ có những sự ghen ăn tức ở,tranh giành chiến tích và xâu xé lẫn nhau, tàn sát nhau để hưởng phú quý (Lịch sử Việt Nam đã có nhiều chuyện như thế đã xảy ra). Cho nên, câu chuyện gắn cho Trần Quốc Tảng câu nói ấy, thật là là một cách PR và hành động đạt một lúc nhiều kết quả. Kết quả thứ nhất, cụ Trần Hưng Đạo đã đưa Trần Quốc Tảng ra trấn giữ vùng An Bang (khu vực Quảng Ninh ngày nay) một mình một chiếu, một mình một ngôi mà không tranh giành với ai, cũng tránh được các thế lực ở Thăng Long. Cần nhắc lại rằng, vào thời Trần, khu vực An Bang hiểm yếu và nguy hiểm, dân cư thưa thớt và xa triều đình. Đến thời Lê, vua Lê Thánh Tông đi duyệt binh ở đây còn đề thơ về sự hiểm yếu ấy, rồi Nguyễn Trãi cũng làm bài thơ Vân Đồn tả thiên nhiên ấy). Cũng bằng cách này, Trần Quốc Tảng thể hiện được sức mạnh tài năng của con một vị tướng đầu triều, đồng thời có không gian, có đất để thể hiện tài năng báo đáp triều đình. Và đương nhiên, rất an toàn.
Trong khi đó, cụ Trần Hưng Đạo về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Địa điểm được coi là điểm trung gian giữa An Bang và Thăng Long. Từ An Bang về Thăng Long và trục tuyến tính giữa 3 điểm: An Bang (Trần Quốc Tảng) – Kiếp Bạc (Trần Hưng Đạo) – Thăng Long (Hưng Võ vương và người thân cận).
3. Câu chuyện này là thật hay giả lịch sử?
Đại Việt sử kí toàn thư- như chúng ta biết, qua nhiều đời biên tập. Bộ Đại Viêt sử kí do Lê Văn Hưu đời Trần biên soạn không còn. Do vậy, thời Lê, đứng đầu là Ngô Sĩ Liên, việc biên soạn tất nhiên dựa vào nhiều chính kiến và cảm nhận của sử gia này cũng như tư tưởng thời đại này. Câu chuyện chép mà chúng tôi trích dẫn ở trên mặc dù được xác định chính thức là in trong Đại Việt sử kí toàn thư, nhưng trong cách đọc của cá nhân mình, chúng tôi hoàn toàn có quyền nghi ngờ tính xác thực của nó. Hoặc là do thời sau người ta thêm vào để cũng ca ngợi Nhân đức, lòng Trung của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn hoặc là câu chuyện đã có từ thời Trần, nhưng đó là câu chuyện được nhà Trần chủ ý sáng tác ra để đạt nhiều mục đích chứ chưa chắc đã có thực.
4. Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ra An Bang, nay được dân thờ. Đền thờ Hưng Nhượng vương có ở nhiều nơi. Đền Cửa Ông mới đưa vào thờ Hưng Nhượng vương từ khoảng đầu thế kỉ 20. Những sự thờ phụng đó, nói lên một điều rằng, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng ra An Bang là một thượng sách và cụ đã làm được nhiều việc, đến nay dân thờ.
Về quan điểm cá nhân, chúng tôi vẫn nghĩ rằng, câu chuyện mà Đại Việt sử kí toàn thư chép ở trên là câu chuyện không xảy ra. Nó được viết ra nhằm mục đích hướng dư luận từ thời Trần hoặc do sử gia thời Lê sau này viết thêm vào. Suy nghĩ này của chúng tôi không nhằm mục đích nào hơn là đưa ra một nghi vấn nhỏ trong lịch sử. Nếu nghi vấn này đúng, càng khẳng định tài thao lược dùng người, nhìn xa trông rộng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng như cần có thái độ và cách nhìn khác về Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng./.
Lí Học
Chú thích
(1) Sở Chiêu vương chạy loạn ra nước ngoài có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương về nước, thưởng cho Duyệt, Duyệt từ chối không nhận nói rằng: Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay nhà vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ, còn thưởng gì nữa (Cương mục q.8)
(2) Tống đây là Hậu Tống, Cao tổ tên là Lưu Dụ, nên gọi là Lưu Tống. Nên sửa Thái Tổ làm Cao tổ. Tống Hiếu Võ đế (cháu Cao tổ) phá chỗ ở cũ của Cao Tổ để làm cung điện, thấy ở chỗ đầu giường có lồng đèn bằng vải sàn và cái phất trần bằng gai, các quan đều khen Cao tổ kiệm ước. Hiếu Võ đế nói: Ông lão già làm ruộng, được thế đã quá lắm rồi.
Tất cả các chú thích này đều là của sách Đại Việt sử kí toàn thư, bản trích dẫn
#Hoiquandisan