Về cây cột đá Chùa Dạm 14/07/2017

Tạ Chí Đại Trường

Vào đầu năm 2011, chúng tôi được người quen ở Hà Nội gửi cho bài “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” của Nguyễn Hùng Vĩ (NHV), ghi ngày viết 29-5-2009, nhân đó cũng được biết thêm là ông đã bàn về vấn đề này qua 4 bài viết từ năm 2000. Với tình hình phổ biến kiến thức eo hẹp từng vùng, từng khu vực chuyên môn cho nên thông tin này đến với tôi khá muộn.

Theo các chứng dẫn của ông NHV đưa ra, thì đó chỉ là một kiểu cột chùa đời Lý, có vẻ tương tự như chùa Một Cột nổi danh, vì dấu vết rõ rệt là còn các rãnh trên đầu đá như chứa các dầm chịu lực cho một công trình khác bên trên đó. Quan sát này làm ta hiểu rõ thêm câu nói của Lê Văn Hưu về “tước thạch chi tự” mà ông nho thần này đã phê phán gay gắt các công trình thổ mộc của các vua Lý. Tất nhiên tôi phải rút lại ý kiến xác quyết về hình tượng một mukhalinga, như đã nói ở nhiều bài viết. Và cảm ơn tác giả, về cả chuyện mời gọi mà vì tình trạng riêng tư không thể đáp ứng để được biết thêm về những ngộ nhận khác. Tuy nhiên cũng xin phân trần là chúng tôi được gợi ý và suy đoán theo những thông tin được cung cấp để dẫn đến nhận định quá đà, khó được chấp nhận kể trên – chuyện nhờ cậy vốn là bình thường trong việc khảo cứu, bởi vì không phải đợi đến lúc nắm được hiện vật mới có thể nói lên ý kiến của mình. Ngoài gợi ý của Trần Lâm Biền còn thấy hình ảnh cây trụ đá in trong bản sách của Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam 1998 (bây giờ mới biết là thông tin sai lạc, hình như đó là cây “trụ đá Bách thảo” trong bài của ông NHV, cũng như đã nghe ông Nguyễn Huệ Chi nói thoáng qua một lần).

Chính với bức ảnh này, đem đặt kề bức ảnh linga trong Tháp Chàm Phan Rang (như chúng tôi đã làm trong bản in Thần, người và đất Việt 2000) thật dễ thấy có sự tượng cận.

Tuy nhiên ở đây lại nổi lên vấn đề mà ở nơi khác (Thần, người và đất Việt) tôi đã lưu ý đến tính chồng chất văn hóa trên một hiện vật, một chứng liệu. Chưa kể các xây cất mới thay thế các kiến trúc cũ như người Pháp đã thấy, và đã phàn nàn – mà chúng ta thì làm lơ, đến nay vẫn cứ làm tới, một kiến trúc gọi là của Lý tất nhiên phải có dấu vết thời đại của Lý, chủ thể đất nước – với cây thước đo của Đường, với công năng như của đài Quảng Chiếu… Nhưng ý tưởng về “chùa Một-cột” (một kiến trúc thờ tự đặt trên một trụ gỗ/đá) không phải là riêng của Lý, cũng như không phải đó là bước đầu tiên của sáng tạo. Kiến trúc nằm trên một trụ độc nhất đã thấy ở nơi khác, có người anh em nghèo là cái bàn Ông Thiên phía nam nước Việt. Bảo tràng kinh tạng có ở vùng bán đảo Mã Lai, riêng Hoa Lư có thể trực tiếp từ Tống, lại mang dấu vết Mật Tông, một phái gốc Ấn Độ mang tính phồn thực rõ rệt. Một cột đào ở Hoa Lư thấy trong sách của Lê Thành Khôi có phần đầu trụ là hoa sen, cũng đúng với một dạng hình khác của “cột đá chùa Dạm’? như ý của ông NHV. Điều này giúp ta liên tưởng đến chuyện Lý Thái Tông vào thăm chùa cổ Tùng Sơn, thấy “trong chùa… (có) cây cột đá lệch nghiêng sắp đổ”, nghe vua thở than liền đửng thẳng dậy. Chuyện ghi để biểu dương tính thần thánh của hoàng đế, nhưng đối với chúng ta thì đó là chuyện cây trụ đá (để phân định chi li hơn) chứ không phải là cây cột – một trụ đá đoán là có bề thế phức tạp chứ không phải chỉ có vài tấc trơn tru! Cây trụ đá này có thể ghép vào với cách giải thích của ông NHV. Tuy nhiên vì có cây trụ Hoa Lư biết chắc chắn là của Đinh Liễn (973, 979?) nên tuy cùng chia sẻ ý kiến của ông NHV, lại dễ thấy rằng loại kiến trúc một cột kia không hẳn là riêng biệt của Lý mà vốn cũng chỉ là một dấu vết tiếp thu. Đồng thời với cây trụ kinh tràng kia còn có những cây đá cao 20cm mà người ta hà tiện không ghi hình, vẽ phác nên tôi chỉ có thể nghĩ là các trụ đá mà thôi. Trụ đá linga còn bên trong các tháp Chàm, cũng thấy ở các “chùa Chà” Sài Gòn, có các bà hiếm muộn vào rờ đầu, xin con! Nếu có một sự liên tưởng quá đà để so sánh chúng với cảc trụ Hoa Lư hay trụ Lý thì cũng chỉ vì thiếu bằng chứng về các bước ảnh hưởng trung gian của một sự tiếp nhận văn hóa phức tạp có thể có, chứ không hẳn vì “tinh thần dân tộc theo quan điểm hiện hành [?]”.

Cứ cho rằng (thời đại) Lý đang bàn chỉ là cung đình Lý, chỉ riêng về một loại kiến trúc, tuy nhiên khi nói rằng Lý kì thị với linga thì tưởng cũng nên xét lại một cách tinh tế hơn. Bởi vì không thể phủ nhận rất nhiều chứng cớ thành văn khác của Đại Việt, trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến vấn đề. Lê Tắc ghi việc Thánh Tông bắt thợ giỏi Chàm về xây tháp Báo Thiên nguyên thủy, không rõ dạng hình, bài trí ra sao nhưng mô hình các tháp cúng dường còn lại là Trung Hoa, hẳn như phải có do gốc tích của vua và cận thần, đúng với tình hình, theo ông NHV là “các kiến trúc tôn giáo và quan dụng đều thấm đẫm triết lí Phật Giáo (Trung Hoa)”. Tuy nhiên nếu đi sâu vào các tài liệu khác thì thấy tình hình không hẳn là như các định kiến đã được hướng dẫn, về một đất nước tiếp tục tổ chức theo mô hình Trung Hoa đã đem đến một nhận thức cho là đúng với “tiến trình văn hóa dân tộc”.

Phật Giáo Lý Trần thường được tô vẽ cao vời với những bài thơ thiền sâu sắc lấy từ Thiền uyển tập anh của Trần, nhưng ông Nguyễn Tự Cường đã làm mất lòng các tu sĩ Phật Giáo và tín đồ khi chỉ ra rằng các bài kệ kia chỉ là “mượn” của ai đó mà thôi. Chuyện “mượn” và gán ghép đó cũng từng phỉnh gạt được Lê Quý Đôn rồi. Có chứng dẫn ngay ở Thiền uyển tập anh, ở Toàn thư là các ông sư kia không chỉ thông kinh kệ mà còn thành thạo việc hú gió gọi mưa, thay các ông chồng làm việc chữa bệnh hiếm muộn của các bà quý phái nữa. Có nghĩa là trình độ thiền (Trung Hoa) của các ông rất là đáng nghi ngờ, trong lúc tính chất shaman nơi các ông thật là lộ liễu để có thể dễ chấp nhận các khuynh hướng khác. Phe phía các ông tranh chấp nhau, chen cả vào việc chuyển tiếp ngôi báu mà sử cũ khi ghi lại cũng không xóa được tính chất bùa chú của thời đại (vụ Phật Hoàng, Lý Dương Hoán / Thần Tông). Ngay cả các ông bà thay thế Phật cũng thật ra là có dạng hình khác. Sử quan nhắc chuyện khi có thiên tai, hạn, lụt thì vua Lý đi cầu Phật Pháp Vân (1137, 1188, chuyện dài dài đến tận Hậu Lê!), không ngờ với chút sơ hở muộn màng (cứ tưởng cách biệt vài thế kỉ là người ta không để ý), vị Phật được kêu cầu đó được nhận ra chỉ là “hòn đá bằng nắm tay” của Hồ Quý Ly đem ra đánh đố với con cái để định vị cho ngôi thiên tử, cho sự trường tồn của dòng họ mình. Vị Thạch Quang Phật như hiện tại còn thấy qua cơn thanh tẩy xã hội chủ nghĩa, không hẳn còn giữ lại nguyên vẹn hình hài xưa, mà ngày xưa chắc cũng không phải là một tác phẩm nghệ thuật nhưng chắc chắn vẫn là con cu đá như hình dạng thấy bây giờ. Nó không đơn độc, bởi vì nằm trong một ngôi chùa dạng nữ như xác nhận của truyền thuyết và danh xưng nôm: chùa Dặn/Rặn. Tập hợp đó lại không phải chỉ có ý nghĩa phồn thực ở mức độ thấp như các ông Đùng bà Đà, các Nõ nường trong dân gian, mà vì ngôi chùa Phật có người tạo lập mở tông phái là một vị sư An – Tì- ni-đa-lưu-chi hay Khâu-đà-la không cần thiết lắm, có truyện tích thai sinh mang tính Mật Tông Ấn rõ rệt nên nó mang tính thiêng liêng cao cấp, được sùng kính đúng nghĩa của một bộ đực-cái bằng đá có thần tính, gọi là một bộ linga-yoni hẳn cũng không phải là sai sót lớn. Cho dù các tín đồ, vua quan Lý Trần Lê không nhìn thấy hình bóng ông Civa trong đó thì khi chiêm ngưỡng nó, bái lạy khẩn cầu nó ban bố ân phúc, chắc cũng không phải dè dặt về một “mỹ cảm thô ráp” phát sinh từ một nền đạo đức, một vũ trụ quan khác với đương thời. Rồi còn có các tượng Bà Banh nữa.

Ngay ở các chứng cớ lấy từ sử phẩm của nho thần bênh vực chính giáo của họ, cũng có thể thấy khuất lấp những dấu vết Chàm, người học trò của Ấn Giáo. Ví dụ khi Tăng phó Nguyễn Thường can Cao Tông đừng nghe nhạc ai oán “mất nước” của Chiêm Thành thì đi ngược từ năm gần cuối đời đó (1202) đến khoảng đầu triều đại, qua khoảng một trăm năm mươi năm, ta cũng gặp ông Thánh Tông mê nhạc Chiêm Thành! Cho nên khuất lấp sau các kiến trúc, quan dụng thấm đẫm tính chất Phật giáo kia, trong các di vật thờ tự cũng còn lưu lại các kinnari, garuda… Thấy dấu vết toàn bộ các tháp Lý đều xây trên cao độ – để có thể gọi là “sơn7núi, thấp thoáng một dạng hình núi Méru dễ bị bài bác – ta có thể mở rộng suy đoán cho rằng đó là bằng cớ vướng víu ý tưởng từ nơi cội gốc của các tù binh, như các tháp đang còn ở Bình Định – khác với tháp Phổ Minh của Trần, triều đại gốc biển, là nằm trên đất bằng. Qua những ghi chép ít ỏi, thiên lệch để lại, ta không thể có nhiều xác quyết hơn nhưng bằng chứng của Lê Văn Hưu, Trần Nhật Duật đã cho thấy các tù binh Chàm còn sống linh động trên đất lưu đày đến hai, ba trăm năm sau, can thiệp mạnh vào sự tồn vong của các chủ nhân đã giam giữ họ. “Tiến trình văn hóa dân tộc” thường được Ồm ấp nhắc nhở, đúng là không sai nhưng chỉ thiếu một mảng, một mảng lớn ngoài cung đình trong đó có phần của tập nhóm tù binh kia. Sự chìm lấp của mảng sinh hoạt văn hóa ngoài cung đình vẫn còn thấy về sau, khi Nho giáo hưng thịnh đến độ độc tôn, chùa chiền vật dụng thờ tự đầy long li quy phụng mà còn có “chùa” và tượng Bà Banh. Với chứng cớ khá rành mạch thì tượng không phải chỉ có một mẫu vật vì có nhiều “chùa” Bà Banh, còn tượng thì được miêu tả trong sách của vua, triều thần rất chi tiết để có thể suy ra không sai lầm về các nghi lễ dẫn theo, hẳn không làm vui lòng ông Khổng Tử tí nào. Chưa kể các Bà Chúa Ngựa của Phạm Đình Hổ kể nữa.

Hai ông Trần Quốc Vượng và Trịnh Cao Tưởng đá nêu một dãy tên của một kiến trúc thờ tự giúp chúng ta xét thêm vấn đề: đền ứng Thiên, đền Hậu Thổ, đình Nhà Bà, đình Láng Hạ, xây cất mang dáng đền, chùa, đình. Hai ông giúp chúng ta đưa ra một chứng liệu hiện tại chứa đựng quá khứ dài lâu, để khi nối kết với bằng cớ lịch sử thành văn khác, nhìn ra các tầng lớp văn hóa khảo cổ chồng chất trên mình nó. Đi ngược thời gian, tên “đình” Láng Hạ bây giờ giữ trong mình lớp kiến trúc đời Nguyễn của nó, tên “đình” Nhà Bà nối kết thời kì nó là “đền”(xây ở làng An Lãng > Láng – Việt điện u linh tập), vướng víu lúc nó còn thờ thần Hậu Thổ (nữ) của văn minh Trung Hoa mà nho gia Lý Trần đặt tên cho một đền mang tính phồn thực rõ ràng của Chàm, bởi vì có tên đền ứng Thiên (Hoá Dục), thờ Địa Kì Nguyên Quân (Bà Chúa Xứ) theo các tước phong của Trần (1285,1289, 1313). Các danh hiệu của thần được nhà nho cho là có ý “kín đáo”, riêng danh hiệu “Nguyên Trung” 1289 được thú nhận là “không hiểu ra sao” nhưng có thể suy đoán rằng, tiếp theo chiếu chỉ nhắm vào giống cái năm 1285 thì đó là nói về giống đực. Bà danh hiệu của tước phong đã diên tả đủ hai dạng hình đực cái của vật dụng thờ kính và tác động linh thiêng cua nó. Bằng chứng linga yoni không chối cãi ở ngay trong cung đình Lý Trần đó. Thần lại làm chủ đàn Viên Khâu (1154) thay chỗ của ông Trời đời sau, mà cụ thể xác thân thần đoán ra từ thần tích ghi lại, từ các tước phong kia, là bộ linga-yoni của Lý Thánh Tông đưa về cùng lúc vói 50.000 (?) tù binh, có các công trình sư sẽ xây tháp Lý đã nói.

Sử học có ưu thế là đeo đẳng theo mình ý thức thời gian, cho nên khi mượn những chứng dẫn ở các nơi khác, đã đem chiều sâu quá khứ (do đó mở rộng không gian quá khứ) vào các sự kiện, hiện tượng của các ngành vốn chỉ cần chuyên chú vào tình trạng hiện tại của chúng mà thôi. Ví dụ từ kiến trúc nơi làng Láng Hạ kia, có thể các nhà dân tộc học chỉ làm việc miêu tả (Nguyễn Văn Khoan), mở rộng khu vực địa lí phân bổ (Nguyễn Văn Huyên), hay mầy mò sách vở hán nôm (Lê Văn Hảo) nhưng tất cả cũng chỉ là nhìn trên một mặt bằng thời gian có xê xích, để nói về một dạng đình Việt Nam đang hiện diện trên xứ Bắc. Trong khi đó các ông Trần Quốc Vượng, Trịnh Cao Tưởng (1978) lại nhìn ra dấu vết xa xưa của đền chùa — cái đền Hậu Thổ của Lý chứa bộ linga-yoni kia ra sao thì không rõ, nhưng còn hiện diện thấp thoáng trong các “tên khác để các ông đề nghị mệt cách nhìn khác về ngôi đình làng. Một ý tưởng hơi khác lạ như thế, tuy mang rất nhiều chứng liệu nặng kí nếu chịu khó khai thác ra, lại thật không dễ dàng được chấp nhận trong tình hình bảo thủ sôi sục đương thời, nên kết luận cuối cùng của “tập thể” là “Nguồn gốc nhà công cộng của đình vẫn chưa có thể bác bỏ được”. Tập thể đó vướng víu nhóm từ “la maison communale” của học giả ngoại quốc, những người tuy có kiến thức uyên bác, tinh thần biện biệt sâu sắc nhưng không phải là không có sơ hở, không ngờ đã đẻ ra một khung quyền lực tư tưởng cho người tiếp thu dựa vào, bám riết lấy mà bài bác những ai nói khác đi. Thế là cái đình của người Pháp, ghép thêm quá khứ Hùng Vương đầy tinh thần dân tộc (!) vẫn tồn tại, để nhân dịp ngành ấn loát phát triển sau chiến tranh, được vinh danh dồn dập màu mè trên các trang giây, trong khi không đem lại chút thay đổi nào cho kiến thức về nội dung của nó cả.

Từ chuyện cái cột đá đi qua cái đình có vẻ bàn lan man nhưng nghĩ cho rộng rãi một chút thì thấy cũng không lạc đề nhiều lắm. Còn nếu vẫn không bằng lòng thì xin chỉ đọc hai phân đoạn đầu bài mà thôi.

Bài đăng trên: Tạp chí Xưa và nay, số 400 (3/2012)

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?