Hà Nội thời xưa phương tiện đi lại chủ yếu là xe tay kéo và tàu điện. Từ đây đã sản sinh ra một nhánh trong loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc đó là Xẩm tàu điện. Mặc dù xẩm có nhiều loại nhưng xẩm tàu điện thì chắc chắn chỉ Hà Nội mới có. Nó gắn liền với nhịp sống của tàu điện một thời. “Xẩm tàu điện” đặc sắc bởi đây chính là điệu xẩm của riêng Hà Nội. Nếu ca trù, hát cô đầu là “đặc trưng” của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ.
Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại gần một thế kỷ bắt đầu vào ngày 13/9/1900, khi Nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử tuyến đường Bờ Hồ – Thụy Khuê. Xẩm tàu điện ra đời vào đầu thế kỷ XX được cho là một nhánh sau của xẩm cổ. Khi Hà Nội có tàu điện – một phương tiện giao thông công cộng được tầng lớp thị dân ưa chuộng vì giá vé rẻ và rất tiện dụng nên lúc nào cũng đông khách, thì xẩm tàu điện cũng song song tồn tại với nó. Xẩm tàu điện khác với xẩm chợ, xẩm lễ hội là luôn phải chuyển tàu, chuyển toa tìm khách mới nên các đoạn hát thường ngắn gọn, luôn thay đổi nội dung nếu không khách sẽ chán vì phải nghe đi, nghe lại, nhất là các khách thường ngày đi tàu. Đã có một thời xẩm tàu điện là những khúc tâm tình gắn với tâm trạng của những khách đi tàu là dân lao động nghèo khổ vất vả tần tảo trên phố phường Hà Nội.
Khác với các loại hình xẩm truyền thống như xẩm chợ, xẩm cô đầu (hay còn gọi xẩm ba bậc, xẩm nhà tơ, xẩm huê tình) thì xẩm tàu điện sở hữu những nét độc đáo không giống với bất kỳ loại xẩm nào. Cái khác không đơn thuần là nó thường được hát trên tàu điện mà còn ở ca từ, nhạc cụ cho đến trang phục của người biểu diễn.