Việt Nam đã có hơn nghìn năm lịch sử phong kiến, và nho giáo luôn là tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc. Cho đến hôm nay cũng không thể phủ nhận những giá trị văn hóa to lớn mà tư tưởng nho giáo để lại trong đời sống xã hội. Nói đến tư tưởng nho giáo người ta không thể không nhắc đến năm chữ Nhân, Lễ Nghĩa, Trí, Tín. Dù đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cho đến bây giờ những giá trị nhân văn của tư tưởng đó thể hiện qua năm chữ trên vẫn không mất đi giá trị. Song ở mỗi thời mỗi khác và hôm nay Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cũng gắn liền với sự chuyển biến của xã hội hiện tại, ở một khía cạnh phương diện nào đó đã thể hiện với những tư tưởng và cách suy nghĩ không giống xưa, cũng như tâm quan trọng của mỗi chữ thể hiện trong thứ tự sắp xếp, điều đó cần được bàn thêm.
Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín hay Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, Lễ ?
Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân đó vẫn thể hiện trong cách sống, lối sống của mỗi con người. Cách đôi nhân xử thế, tấm lòng của người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Chữ nhân trong mõi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người, bằng những mối liên quan gắn kết. Người xưa cho rằng chữ nhân 仁 thể hiện qua nhiều luân thường đạo lý: Vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em bằng hữu… Nam thì Tam cang ngũ thường ( Tam cang : ba mối quan hệ giữa vua – tôi, cha- con, vợ – chồng . Ngũ thường : Chính là năm yếu tố để trở thành nhân cách một con người: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ). Điều đó thể hiện rõ nét trong tư tưởng nho giáo với mối quan hệ giữa vua – tôi thế nào, cha – con ra sao… Cũng như chữ trung luôn đặt trên chữ hiếu. Quân bảo thần tử , thần bất tử bất trung ( Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung ). Đó thể hiện cái suy nghĩ của chế độ phong kiến quân chủ tập quyền. Nhưng suy nghĩ đó ngày nay đã không còn phù hợp, một cá nhân trong cuộc sống đất nước thì cần phải suy nghĩ gì trước vận mệnh chung của dân tộc, tất nhiên là phải vì lợi ích chung, cái lợi của nhân dân, của dân tộc chứ không phải vì một lợi ích riêng của cá nhân nào. Còn theo ngôn ngữ khoa học thì nhân ( hạt nhân ) nghĩa là cái trung tâm, cái quan trong, cơ bản nhất của mỗi vật chất. Con người cũng vậy, nhân không chỉ thể hiện cái riêng của mỗi cá nhân mà còn là một tấm lòng bao la của con người khi gắn cái riêng đó với cái chung trong cuộc sống xã hội đời thường. Nữ thì Tam tòng tứ đức (Tam tòng: Sống theo cha, có chồng theo chông, chồng mất thì theo con. Tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh, Công: là sự giỏi gian, đảm đang trong công việc, Dung: nhan sắc người phụ nữ, Ngôn: lời ăn tiếng nói, cách ứng xử lễ phép, Hanh: cái trinh tiết, tiết hạnh của người phụ nữ- ý nói cần giữ gìn ). Có nhất thiết phải ở vậy theo con khi mà người chồng chăng may mất sớm không? Chẳng lẽ không cho người phụ nữ cái quyền được sống, được có hạnh phúc mới khi còn tuổi xuân sao? Đối với một số dân tộc như Champa, hay đời nhà Tần bên Trung Quốc thời xưa còn có tục khi người chống mất người vợ phải chết theo, nhất là đối với những bậc vua chúa. Làm vậy chẳng phải là quá khắc khe, ích kỷ và tàn nhẫn đối với người phụ nữ sao? – Điều đó ngày nay đã hoàn toàn không còn phù hợp. Công ở thời xưa và thời nay đã không còn giống nhau trên phương quan điểm, nhất là đối với người phụ nữ ngày nay ngày càng có nhiều quyền bình đẳng hơn. Có một thực tế là ở chế độ phong kiến ngày xưa quan niệm xem nhẹ vai trò người phụ nữ, cũng như tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào suy nghĩ của mọi người, như ngày nay có thể nói điều đó đã dân thay đổi. Mọi người cần phải thay đổi lại cách suy nghĩ và nhìn nhận đúng về vai trò người phụ nữ. Người xưa cho rằng , người phụ nữ đảm đang thì chỉ cần gói gọn trong việc nâng khăn sửa túi cho chồng, chăm lo con cái, gia đình chứ không cần có một công việc riêng tư. Nhưng ngày nay thì đã khác, người phụ nữ cũng có một công việc riêng tư như bao người đàn ông, một cuộc sống tự lập chứ đâu cần phải theo ai! Điều đó chứng minh qua xã hội ngày nay có nhiều người phụ nữ thành đạt, họ không chỉ chăm lo tốt chồng con, gia đình mà thành công trong công việc chuyên môn, có một địa vi nhất định trong xã hội mà nhiều người đàn ông cũng phải ao ước, ngưỡng mộ theo chứ chưa nói gì đến những người phụ nữ là lãnh đạo, nguyên thủ của một quốc gia. Điều đó cũng đã đủ nói lên vai trò to lớn của người phụ nữ ngày nay. Dung là nhan sắc, ở mọi thời đại đó vẫn là một lợi thế của họ, thế mạnh trời cho này của người phụ nữ nếu họ biết ăn nói dịu dàng lễ phép , kính trên nhường dưới, giao tiếp nhã nhặn với mọi người xung quanh đúng như trong chữ ngôn nữa thì đó là điều tuyệt vời. Ngày nay quan niệm về hanh – trinh tiết của người phụ nữ đã không còn khắc khe như xưa, nhưng đó cũng là điều mà người phụ nũ luôn trân trọng, giữ gìn- nhất là đối với những người phụ nữ Á đông với tư tưởng văn hóa phương đông, bao đời đã tạo nên một nét riêng so với người phụ nữ phương tây và được mọi người trong xã hội đánh giá cao. Tất cả những đều trên khẳng định một điều rằng: Đối với mỗi người thì chữ nhân không thế thiếu được.
Với người xưa họ rất xem trọng lễ vì vậy sau chữ nhân là lễ 禮 . Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời. Chữ lễ ở đây không chỉ là lễ phép, đức độ kính trên nhường dưới trong đạo vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, anh – em mà còn thể hiện qua những hình thức lễ nghi theo truyền thống đương thời, cũng chính vì thế mà có nhiều lễ nghi rờm rà, tốn kém, nhưng là điều không thể thiếu khi hành xử một việc gì đó cho là quan trọng, để rồi nó trở thành một nét văn hóa của dân tộc. Họ cho răng có lễ rồi mới có nghĩa, và ngày nay lễ cũng đóng góp một vai trò quan trọng trong văn hóa giao tiếp ứng xử của mọi người trong xã hội. Nhưng ngày có phải lễ quan trọng hơn nghĩa không, điều đó cần phải bàn. Thực tế cho thấy, nếu đánh giá một con người, một gia đình mà chỉ xét qua cánh hành lễ nghi thôi không xét về nghĩa thì quả là thiếu sót. Bỡi có nhiều người trong xã hội hàng ngày hành sự có thừa lễ nghi nhưng nghĩa thì lại thiếu, cũng chính vì thiếu nghĩa ở đời mà sinh ra nhiều lễ nghi không phù hợp lại lãng phí thời gian tiền của, nên không hợp với lòng người và làm sai lễ, không đúng với giá trị thuần túy của lễ. Nghĩa 義 ở đây thể hiện vai trò trách, trách nhiệm của con người với người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có một trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình dòng họ, ồng bà cha mẹ, vợ con, anh em bằng hữu cũng là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống – đó cũng là nghĩa. Tại sao có nhiều người luốn biết quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội, làm từ thiện tri ân với đời… cũng vì họ sống có nghĩa với đời, với cuộc sống hiện tại, họ biết cho khi đã nhận. Nghĩa cũng là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng cá nhân mình. Có những việc có thể họ chưa biết hành xử sao cho đúng với lễ nghi, nhưng giá trị thực trong con người thực của họ qua những việc làm nghĩa thì sẽ được mọi người người trong xã hội nhận ra và tôn trọng. Còn hơn là những lễ nghi mang tính chất hình thức mà không có nghĩa. Vì vậy phải chăng ngày ngay chữ nghĩa cần đặt trước chữ lễ.
Nếu muốn làm được việc nghĩa thì phải có trí, phải có một sự hiểu biết nhất định ở xã hội. Có nhân, có nghĩa mà không có trí thì chẳng khác nào một người lính ra trận chỉ có áo giáp mà không có gươm, đao, chỉ bảo vệ được mình mà không bảo vê được người khác. Sống ở đời nếu chí sống cho riêng ta thì đơn giản quá, mà muốn giúp đỡ được người khác tất mình phải có tài, có hiểu biết. Trí 智là một sự hiểu biết, người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn, có thể nói người không trí không làm được gì cả. Nếu như ngày xưa đánh giá chữ trí của một con người qua sự hiểu biết về đạo quân tử, triết lý khổng giáo, lão giáo hay phật giáo thì ngày nay ngoài sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa xã hội, triết học thì cần có một sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, bước sang thế kỷ XXI, với cuộc sống hiện đại, thông tin chóng mặt thì điều đó là cần thiết. Hiểu biết nhiều có thể làm được nhiều việc có ích với đời nếu người đó có nhân, có nghĩa trong tâm.
Có trí 智mà không có tín 信 thì chưa phải là điều tốt, ai đó có tài nhưng lại không có được uy tín, lòng tin đối với người khác thì cũng chẳng được ai tôn trọng. Chữ tín 信 trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh. Thời xưa cái uy tín với bạn bè luôn được đánh giá cao, uy tín đó sẽ gây dựng được lòng tinh, mọi người tin tưởng sẽ dễ dàng được mọi người giúp đỡ trong cuốc sống. Nói thì phải làm, sống trung thực với mọi người, với bản thân. Ngày nay cũng vậy cho dù anh có tài nhưng không có được uy tín thì cũng chẳng ai theo, muốn được người khác giúp đỡ thì bản thân mình phải giữ được lòng tin trước mọi người, chưa nói đến trong quan hệ làm ăn ở xã hội, chữ tín 信cái uy tín trong công việc luôn đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự thành công.
Có được nhân, nghĩa, trí, tín tất lễ cũng phải có, bốn chữ trên gân như bao gồm cả một nhân cách con người thì lý gì lễ không có? Chí ít gì cũng hiểu biết thế nào là lễ và vì sao gọi là lễ ở đời. Vì vậy nếu nói: Người xưa thì NHÂN, LÊ, NGHĨA, TRÍ, TÍN Còn người nay thì NHÂN, NGHĨA, TRÍ, TÍN, LỄ thì cũng không gì là quá. Nhưng cho dù là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hay nhân, nghĩa, trí, tín, lễ đi chăng nữa thì sự gắn kết cũng như mối tương quan bổ trợ giữa năm chữ trên cũng không bao giờ thay đổi được. Năm chữ trên không thể thiếu đi một.
Tường Cát
Nguồn: http://khanhnguyenduy.blogspot.com/2012/07/ban-ve-nhan-le-nghia-tri-tin-xua-va-nay.html