Chiêm ngưỡng những kiệt tác mỹ thuật cổ VN sau khi được ‘làm mới’ 23/03/2018

Triển lãm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam.

Chiều ngày 03/11 vừa qua, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (phố Đào Duy Từ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội quán di sản và Circle Group dưới sự phối hợp và bảo trợ của hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp CLB UNESCO Hà Nội, Dự án Hoa văn Đại Việt (hội Đại Việt cổ phong) đã tổ chức triển lãm “Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới”. Triển lãm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, mặc dù những di sản này không phải là mới đối với mọi người, nhưng lâu nay chúng nằm sâu trong các bảo tàng, đình chùa, miếu mạo. “Vậy làm thế nào để di sản đi vào đời sống? Những buổi triển lãm như thế này sẽ giúp di sản trở thành một phần của đời sống văn hóa chúng ta”.

Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho biết: “Mặc dù tất cả các hiện vật ở đây đều là bản mô phỏng những hiện vật gốc, những kiệt tác mỹ thuật cổ Việt Nam nhưng nó đã thể hiện theo đúng tinh thần Góc nhìn mới . Điều này không chỉ giúp đưa di sản tới gần hơn nữa đời sống văn hóa đương đại của quần chúng nhân dân, mà quan trọng hơn, nó thể hiện cách tiếp cận mới đối với những kiệt tác mỹ thuật”.

Cùng chiêm ngưỡng những kiệt tác mỹ thuật cổ sau khi đã được “làm mới”: 

Tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương (thế kỉ XVI), miêu tả đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ thu khổ hạnh. Đây là tiêu bản thu nhỏ.

Bảo vật quốc gia, tượng A-Di-Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được phục dựng hoàn chỉnh với tỉ lệ nhỏ nhất.

Kiệt tác hội họa cổ Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (miêu tả cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm xuất du, được vẽ vào khoảng thế kỉ XIV) được tái dựng thành một bức tranh khảm trai.

Tác phẩm phỏng dựng ghế ngồi theo phong cách thời Mạc.

Bức Trấn Phong theo phong cách thời Lê (Trấn Phong được người xưa sử dụng, ngoài mục đích để che gió và trang trí trong phòng thì nó còn mang ý nghĩa tâm linh).

Cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) được thu nhỏ thành mô hình.

Hình tượng Hộ pháp trong đạo Phật thế kỉ XVI – XVII (nguyên gốc hình ảnh này là dạng phù điêu đá nhưng đã được phục dựng, chuyển thể thành tượng tròn, mô tả Hộ pháp cưỡi Nghê, thể hiện nét độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc của thời xưa).

Sư tử Bệ tượng chùa Hương Lãng (Hưng Yên) hay còn gọi là ông Sấm, mô tả những con sư tử đang nâng tòa ngồi của các chư Phật và chư Bồ tát (hiện nay phần tượng đã không còn). Nó thể hiện những nét tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc thời Lý.

Chim thần Garuda (thể kỉ XII-XIII), xuất hiện trong những công trình Phật giáo, là điển hình cho nghệ thuật điêu khắc Chămpa và sự giao thoa văn hóa Việt – Chăm.

Hình tượng ông Phỗng chùa Thầy (thế kỉ XVII)

Hộp vàng thời Trần. Hình ảnh mô phỏng từ hiện vật đào được trong quá trình khai quật một số điểm khảo cổ.

Đầu rồng thời Lý, sản phẩm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng Tổng thống Mỹ Obama nhân chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 vừa rồi.

Phạm Thiệu

Nguồn: http://thoibao.today/paper/chiem-nguong-nhung-kiet-tac-my-thuat-co-vn-sau-khi-duoc-lam-moi-1307072

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?