Mộc bản Trường học Phúc Giang được đánh giá là quý hiếm, duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Năm 2016, Mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh bộ Mộc bản quý hiếm trên, tại dấu tích ngôi trường đã đào tạo ra nhiều nhà văn hóa lớn, tại sân trường học Phúc Giang vẫn còn sự hiện diện của đôi nghê đá có niên đại từ thế kỉ 18 và được đánh giá là đôi Nghê đá còn nguyên vẹn.
Được tạo tác vào năm 1767, đôi Nghê đá trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được coi là “của hiếm” tại miền Trung, hiện đang được dòng họ Nguyễn Huy gìn giữ qua nhiều biến cố của lịch sử. Khi nhận được thông tin Mộc bản được công nhận là Di sản tư liệu của Unesco, các thành viên dòng họ Nguyễn Huy cùng sự tham vấn của Circlegroup đã cân nhắc và lựa chọn đôi nghê đá để “chuyển thể” thành quà tặng văn hóa hết sức ý nghĩa dành cho các vị khách đến tham dự. Tiêu bản đôi nghê đá được chế tác tinh xảo, giữ nguyên các họa tiết so với nguyên bản, để gia tăng thêm ý nghĩa của vật phẩm Circlegroup đã đề xuất bổ xung chữ PHÚC (nằm dưới đế của hiện vật). Kích thước tiêu bản nhỏ gọn, với chiều cao 10cm, phù hợp với việc đặt trên bàn, dễ dàng trong vận chuyển. Chất liệu giả đá được Circlegroup lựa chọn sử dụng cho tiêu bản, nhằm đảm bảo thể hiện được chất liệu như nguyên bản đồng thời cũng giảm bớt trọng lượng so với đá thật.
Tiêu bản Nghê đá trường học Phúc Giang được đựng trong hộp màu đỏ, chữ đen, bên trong lót nhung đỏ, giúp các vị khách có thể dễ dàng mang theo và lưu giữ vật phẩm như một quà tặng văn hóa giá trị.
Nhờ những ưu điểm và thiết kế độc đáo, tiêu bản đôi nghê đá tại trường học Phúc Giang do dòng họ Nguyễn Huy gìn giữ đã trở thành kỉ vật lưu niệm của nhiều học giả trên thế giới, cũng được coi là hiện vật về nghê đá “ra” nước ngoài nhiều nhất trong một sự kiện chính thức.
Được sự chấp thuận của dòng họ Nguyễn Huy, Circlegroup sẽ triển khai 150 bộ phiên bản thu nhỏ, chất liệu giả đá, kích cỡ C10cm x R3,7cm x D4,5cm, dưới đế có Ấn Triện chữ Phúc. Đây là đợt phát hành nằm trong chuỗi các dự án Tôn vinh bản sắc Việt – Tự hào truyền thống Việt mà Circlegroup triển khai trong nhiều năm qua, nhằm ứng dụng những tinh hoa của cha ông vào cuộc sống hiện đại, mang di sản Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng. Phiên bản dự kiến phát hành qua kênh Rồng Vàng Thăng Long vào đầu quý II/2020.
Thông tin thêm:
“Chó trực – Nghê chầu” – người xưa coi con Trâu là “đầu cơ nghiệp”, con Gà với đức tính cao đẹp đề cao chữ Tín “báo thức”, con Chó là vật nuôi trung thành và có tính bảo hộ, bảo vệ. Hình tượng hóa linh thú đưa vào đời sống văn hóa tín ngưỡng được người xưa vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo. Khi ta bắt gặp cổng nhà xưa thường có đôi chó đá đặt chầu 2 bên, nhân cách hóa được đẩy cao hơn khi biến hình tượng hóa của Chó với các họa tiết cầu kì và gắn hình ảnh vật linh (bụt ốc trên lưng, có sừng, có móng…) để hình tượng Khuyển Nghê (Toan Nghê) đàng hoàng bước vào thế giới siêu hình trong các trung tâm tín ngưỡng – một phần không thể thiếu trong các đền chùa, miếu mạo, đình, nhà thờ họ hay cổng làng, cổng nhà, mang ý nghĩa trấn yểm bảo vệ, xua đuổi tà khí giúp mang lại sự bình yên, may mắn…
Theo bài viết của nhà nghiên cứu Huỳnh Thiệu Phong, Nghê là một linh vật mang đậm “…những đặc điểm nổi trội tương ứng với những đặc trưng trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam, bao gồm : Tính tổng hợp – tính cân bằng (dung hòa) – tính dân gian – tính giao lưu. Hình tượng Nghê thể hiện cho “..ước mong sống hòa hợp với thiên nhiên, thiên về tổng hợp và biện chứng – dung hợp trong tiếp nhận – mềm dẻo và hiếu hòa trong đối phó…”