Mấy vấn đề về nguồn gốc, đặc điểm của biểu tượng “Nghê” trong văn hóa Việt Nam 25/08/2017

Huỳnh Thiệu Phong

Đôi nghê đá, thế kỷ 17 đền Vua Đình, Hoa Lư, Ninh Bình

  1. Mở đầu

Với bề dày lịch sử lâu dài của mình, văn hóa Việt Nam đã từ lâu được biết đến như một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất. Nói đa dạng là vì trong quá trình hình thành và phát triển, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ các nền văn minh trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, với bản lĩnh văn hóa mạnh mẽ, Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai từ các quốc gia láng giềng để biến chúng thành bản sắc văn hóa dân tộc, đó chính là thống nhất. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, giao lưu và tiếp biến văn hóa (acculturation) là một quy luật tất yếu trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các quốc gia. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ là hai nền văn minh có tác động sâu sắc đến việc định hình nên văn hóa Việt Nam. Bên cạnh nền văn hóa bản địa của mình, Việt Nam đã có sự tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa từ hai nền văn minh lớn đó để làm cho văn hóa dân tộc thêm phần đa dạng. Lúc đầu, dù rằng văn minh Trung Hoa được đưa vào Việt Nam với âm mưu đồng hóa, xóa sổ văn hóa bản địa của người Việt (giao lưu cưỡng bức); song, với sự khôn khéo và ngoan cường trong đấu tranh, Việt Nam đã tiếp thu những yếu tố văn hóa của Trung Quốc một cách có chọn lọc. Trên cơ sở tiếp nhận đó, người Việt đã có những sự “điều chỉnh” cho phù hợp với văn hóa truyền thống.

Văn hóa Trung Hoa du nhập vào Việt Nam đã đem theo rất nhiều yếu tố văn hóa (từ ngôn ngữ đến phong tục, tập quán, ẩm thực, …) mà trong đó, đáng kể nhất chính là yếu tố về mỹ thuật và nghệ thuật tạo hình. Đây thực sự là một bình diện đáng lưu tâm. Những con vật linh, những đồ án trang trí hay những họa tiết điêu khắc dưới các triều đại phong kiến của nước ta chịu ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Quốc. Ta không phủ nhận điều này ! Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử đã phản ánh một tâm thế vững chắc, tinh thần tỉnh táo về nhận thức của cộng đồng người Việt để rồi trên cơ sở đó, người Việt đã có những sáng tạo nghệ thuật, biến những giá trị đó thành của ta. Rồng, phượng, rùa, … chính là những linh vật đã du nhập vào đời sống tinh thần của người Việt trong chính sự giao lưu văn hóa đó.

Trong số những loài linh vật đó, “Nghê” chính là một sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao, phản ánh rõ nét nhân sinh quan của người Việt trong những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Biểu tượng “nghê” trong văn hóa mỹ thuật truyền thống của Việt Nam không phải là một biểu tượng được hình thành một cách ngẫu nhiên, nó chính là sản phẩm của một cộng đồng dân tộc mang những đặc trưng rõ nét của một quốc gia thiên về nông nghiệp lúa nước. Với mong muốn góp phần làm rõ biểu tượng “nghê” trong nghệ thuật tạo hình dân gian của người Việt, tác giả bài viết có tham vọng bàn về nguồn gốc, đặc điểm của linh vật này để làm bật lên những giá trị thuần Việt ẩn chứa trong nó. Tôi nghĩ rằng đây là một việc làm rất có ý nghĩa song lại không hề đơn giản, đặc biệt là trong tình hình khi mà tại Việt Nam, nghiên cứu về biểu tượng vẫn còn là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ, nếu không muốn nói là hoàn toàn trống rỗng. Nhưng vì đam mê nên đành thử sức mình !

  1. Nguồn gốc tên gọi và sự hình thành của biểu tượng “nghê”

Nghiên cứu về nguồn gốc “nghê”, trước tiên có lẽ cần tìm hiểu về tên gọi của nó. Có quan điểm cho rằng tên gọi “nghê” mà người Việt dùng để ám chỉ linh vật này chính là cách gọi rút gọn của chữ “ngô nghê” – tức là không có hình dáng xác định. Tôi cho rằng đây chỉ là một cách lý giải vui, không có cơ sở khoa học vì chữ “ngô nghê” là một tính từ, không thể lượt bỏ bớt chữ và chuyển thành một danh từ để chỉ một linh vật. Thêm vào đó, ngôn ngữ luôn có sự biến đổi qua các thời kỳ, giai đoạn hình thành loài linh vật này là trong giai đoạn phong kiến, trải qua quá trình lịch sử thì khái niệm “nghê” không thể tồn tại cho đến ngày nay. Trong khi đó, cách lý giải thứ hai có lẽ sẽ hợp lý và có cơ sở hơn, đó chính là việc căn cứ vào truyền thuyết “Chín đứa con của rồng” (Long sinh cửu tử) trong văn hóa Trung Hoa.

Hiện nay, truyền thuyết về “Long sinh cửu tử” đã cho ta định dạng 9 đứa con của rồng, mặc dù có sự khác biệt đôi chút về tên gọi của chúng. Cụ thể là hai tài liệu “Tiềm Xác Loại Thư” (Trần Nhân Tích) và “Tham khảo tạp ký” (Phạm Đình Hổ) đã có những khác biệt khi liệt kê tên và chức năng của chúng.

Bảng 1: Tên gọi của 9 đứa con của rồng

 

 

Tên của 9 đứa con

của rồng

Tiềm Xác Loại Thư Tham khảo tạp ký
Bồ Lao Bị Hý
Tù Ngưu Ly Vẫn
Bí Sí Bồ Lao
Bá Hạ Can Bê
Triều Phong Thao Thiết
Si Vẫn Công Hạ (Công Phúc)
Toan Nghê Nhai Tí
Nhai Xải Kim Nghê
Bệ Ngận Tiền Đồ

[Nguồn: Đinh Hồng Hải, tr40, 41].

Trong số 9 đứa con của rồng được kể tên trong hai tài liệu đã dẫn ở trên, có thể thấy có hai con của rồng là “Toan Nghê” (trong “Tiềm Xác Loại Thư”) và “Kim Nghê” (trong “Tham khảo tạp ký”) có yếu tố “nghê” trong tên gọi. Tuy nhiên, cách lý giải đặc điểm của hai con này là hoàn toàn khác nhau. Nếu “Toan Nghê” là con “thích nghỉ ngơi (thường bị đồng hóa với sư tử) nên được khắc chạm vào ngai, trường kỷ” [4: 41] thì “Kim Nghê” lại là con “thích nuốt lửa – nhả khói, là con vật để cưỡi” [4: 41]. Như vậy, ta tạm xem chữ “nghê” trong cách gọi linh vật này là cách rút gọn từ chữ “nghê” trong tên gọi của một trong những đứa con của rồng. Tuy nhiên, khi linh vật này được hình thành trong nền văn hóa Việt Nam, người Việt đã biến đổi hoàn toàn về ngoại hình, chức năng và đặc điểm của nó để biến đổi thành một con vật thuần Việt. Nói đến đây, có lẽ cũng là cần thiết để đề cập sơ lược qua mối quan hệ của rồng với những linh vật khác để làm rõ vai trò của hình tượng “rồng” trong việc cấu thành nên một số loài linh vật hiện diện trong đời sống văn hóa của người Việt.

Rồng là loài động vật không có thật nhưng “… ra đời ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người, là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của con người, nhằm nhận thức và khám phá thế giới (…) Rồng, hay đúng hơn là hình tượng Rồng, từ khi xuất hiện dường như đã được gắn liền với sự tôn quí (…) Lịch sử dài 4000 năm của dân tộc Việt Nam luôn tôn sùng hình tượng rồng và luôn lồng cho chúng những sức mạnh siêu nhiên với sự uy nghiêm thần bí, bởi hình tượng của chúng lả sự thể hiện của các hoàng đế…” [2: 223-242]. Truyền thuyết về rồng còn được thể hiện qua câu chuyện “long sinh cửu tử” và chính từ truyền thuyết này cũng đã dẫn đến rất nhiều những loài linh vật được cho là con của rồng. Đinh Hồng Hải trong một công trình của mình đã đặt ra giả thuyết về mối quan hệ giữa những con rồng con với các linh vật theo sơ đồ dưới:

                                             Long  –> Rồng

Ly Vẫn  –> (Lân)

Can Bê  –> Nghê

                                             Bị Hí  –>  Rùa

Bên trên là sơ lược về tên gọi “nghê” theo quan điểm của tác giả bài viết. Việc lý giải thêm về nguồn gốc tên gọi của loài linh vật này có lẽ cần thêm sự vào cuộc của các nhà Ngôn ngữ học. Như vậy, câu hỏi tiếp theo đặt ra là “Nghê đã được hình thành từ khi nào trong lịch sử ?”

Theo Đinh Hồng Hải, “… Trong các hiện vật khảo cổ trước giai đoạn thuộc Hán (từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 9) được tìm thấy tại Việt Nam không có linh vật nào là con nghê (…) Khi nhà Lý xây dựng nền độc lập của quốc gia Đại Việt thì biểu tượng nghê đã được định hình ở các công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lý…” [5: 82]. Như vậy, có thể khẳng định bước đầu rằng nghê được hình thành trong văn hóa Việt Nam là do sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa với văn minh Trung Hoa. Tuy nhiên, có phải nghê chỉ là sự giao lưu Việt – Hoa đơn thuần hay còn có sự giao lưu văn hóa với các nền văn hóa khác ? Câu hỏi này sẽ được lý giải ở phần tiếp theo của bài viết.

  1. Đặc điểm của “nghê” trong văn hóa Việt Nam

Biểu tượng “nghê” trong văn hóa mỹ thuật truyền thống của Việt Nam không phải là một biểu tượng được hình thành một cách ngẫu nhiên, nó chính là sản phẩm của một cộng đồng dân tộc mang những đặc trưng rõ nét của một quốc gia thiên về nông nghiệp lúa nước. Nói đến đây, có lẽ ta cần bước đầu hệ thống hóa lại các đặc trưng của một nền nông nghiệp lúa nước để rồi trên cơ sở đó, ta sẽ đưa nghê vào trong mối tương quan với những đặc trưng đó nhằm làm rõ tính “thuần Việt” của loài linh vật này.

Trong một công trình quen thuộc của Trần Ngọc Thêm là “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, ông đã chỉ ra những đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Cụ thể:

Bảng 2: Các đặc trưng của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp

TIÊU CHÍ VĂN HÓA GỐC NÔNG NGHIỆP
Đặc trưnggốc Khí hậuNghề chính Nắng nóng lắm, mưa ẩm nhiềuTrồng trọt
Ứng xử với môi trườngtự nhiên Sống định cư, thái độ tôn trọng, ước mong sống hòa hợp với thiên nhiên
 Lối nhận thức, tư duy Thiên về tổng hợp và biện chứng(trọng quan hệ)

Chủ quan, cảm tính và kinh nghiệm

Tổ chứccộng đồng Nguyên tắcCách thức Trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữLinh hoạt và dân chủ, trọng tập thể
Ứng xử với môi trường xã hội Dung hợp trong tiếp nhận;mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phó.

[Nguồn: Trần Ngọc Thêm, tr25]

Bảng trên đã hệ thống những đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Trong số những tiêu chí đã được liệt kê ở trên, tác giả đặc biệt quan tâm đến 3 đặc điểm: Ước mong sống hòa hợp với thiên nhiên, thiên về tổng hợp và biện chứng – dung hợp trong tiếp nhận – mềm dẻo và hiếu hòa trong đối phó. Những đặc điểm đó có mối liên hệ mật thiết với sự hình thành của biểu tượng “nghê”. Như vậy, căn cứ vào những đặc trưng của văn hóa Việt Nam, tôi sẽ xét đến những đặc điểm nổi trội của linh vật này tương ứng với những đặc trưng trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chúng bao gồm: Tính tổng hợp – tính cân bằng (dung hòa) – tính dân gian – tính giao lưu.

Untitled.jpg

Sơ đồ 3: Những đặc điểm của con Nghê

[Nguồn: Tác giả]

Về tính tổng hợp, nếu như rồng, phượng, rùa, … là những linh vật đã được nghiên cứu khá nhiều thì trái lại, nghê lại ít được quan tâm nghiên cứu.“Các cuốn sách trong bộ sách viết về mỹ thuật từ thời Lý đến thời Nguyễn hầu như không đề cập đến con nghê, trong khi con rồng được phân tích, mô tả hết sức kĩ lưỡng” [5: 99]. Đây là một thực tế rất đáng quan tâm. Tôi nói như thế là vì đây là một con vật mang tính tổng hợp cao, rất thuần Việt và chẳng có ở một quốc gia nào khác có một con vật như thế này. Nếu rồng là một sản phẩm chung của một số quốc gia phương Đông (và đâu đó là cả phương Tây), rùa là một sinh vật có thật đã được nghiên cứu nhiều (từ góc độ sinh học hay văn hóa) thì tại sao “nghê”  lại không có được “may mắn” đó ? Về vấn đề này, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng vì sự ra đời của linh vật này khá muộn (như đã đề cập là trong giai đoạn Bắc thuộc mới được du nhập vào), kết hợp với việc vì nó quá “thuần Việt” do vậy đã dẫn đến sự bỏ bê tìm hiểu về nó trong một khoảng thời gian dài. Trong khi đó, rồng – phượng hay rùa lại là một sản phẩm chung của nhiều quốc gia phương Đông, do đó mà ngay từ rất sớm, chúng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học.

Trở lại với đặc điểm đầu tiên của nghê là tính tổng hợp, ta thấy rất rõ là hiện nay, chỉ thao tác “đọc” biểu tượng cũng đã vấp phải khá nhiều quan điểm trái chiều. Nguyên nhân vì đây là con vật hư cấu, hoàn toàn không có thật; thêm vào đó, vì mang tính tổng hợp cao mà hiện nay đã xảy ra hiện tượng “đọc” sai hình tượng. Tại các công trình đền, chùa, miếu mạo, con nghê – con sư tử – cặp đôi kỳ lân đã bị đánh đồng hoặc nhầm lẫn khi nhận diện chúng. Đây là một điều đáng tiếc khi mà sư tử và kỳ lân không phải là những linh vật thuần Việt mà chỉ là sản phẩm của hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ được du nhập vào Việt Nam, việc đánh đồng hoặc không thể phân biệt được có thể sẽ làm phai mờ dấu ấn bản sắc văn hóa. Lý giải về sự nhầm lẫn này, tôi cho rằng bởi lẽ đã là con vật hư cấu thì những nghệ nhân sẽ không có “khuôn” để căn cứ vào đó mà tạo hình. Tất cả đều tùy thuộc vào mức độ sáng tạo và cảm hứng tạo hình của các nghệ nhân mà thôi. Ngoài ra, yếu tố vùng miền cũng là một trong những tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến việc tạo hình nghê tại các địa phương.

Tính tổng hợp của nghê được thể hiện rõ nét trong các bộ phận cấu thành nên loài linh vật này. Hiện nay, có khá nhiều ý kiến trái chiều về việc cấu thành nên nghê bao gồm những con vật gì ? Phổ biến nhất hiện nay là các quan điểmcho rằng nghê là sản phẩm tổng hợp của rồng – lân – chó; lân – sư tử – chó; hay có ý kiến cho rằng nghê là sự kết hợp trâu – chó; người thì lại cho rằng nghê là sự kết hợp của lân – chó. Thậm chí có người còn cho rằng có yếu tố “khỉ” trong hình tượng nghê. Trong một tài liệu đáng tin cậy, nghê được mô tả với những đặc điểm sau: “Thông thường, biểu tượng nghê được tạo tác dưới hình dạng của một con sư tử ngồi xổm (một vài trường hợp có dạng quỳ nhưng hiếm). Đầu tương tự đầu rồng nhưng ngắn vơi miệng rộng, có nanh, mũi to, trán dô, có tai nhưng không có sừng, bờm xõa xuống hai bê trán… Thân của nghê thường để trơn và trang trí bằng những cụm bờm và lông hình vân mây và xoáy ốc, chân có nhiều móng” [4: 52].

Theo tôi, muốn mô tả chúng là sản phẩm tổng hợp của những con gì, cần đi từ chức năng của chúng trong văn hóa dân gian. Phương pháp này có thể sẽ khả thi hơn là cố gắng quan sát xem các bộ phận của chúng giống với con vật nào vì suy cho cùng, như đã nêu, vì là hư cấu nên sẽ chẳng có “khung chuẩn” để các nghệ nhân căn cứ vào đó mà tạo hình. Đến đây, một giả thuyết được đưa ra là liệu chăng, tất cả những con vật đã được nêu ra ở trên đều có thể là một phần trong sự cấu thành nên linh vật nghê. Qua quan sát, tôi cho rằng, nghê chính là sản phẩm tổng hợp của 4 loài: Rồng – Lân – Chó – Sư tử. Việc lựa chọn bốn loài vừa kể ở trên của tác giả là có cơ sở vì:

+ Đối với rồng, đây là một loài linh vật ngoài giá trị về tạo hình, ẩn trong nó còn có yếu tố thiêng. Bởi vì lịch sử đã cho thấy là rồng luôn được xem như biểu tượng của quyền uy, của bậc đế vương. Mặc dù về sau này, rồng đã có những lúc hiện hữu trong dân gian với vai trò là hình tượng trang trí nhưng cũng không thể phủ nhận nó là loại linh vật mang nặng tính cung đình. Song cũng chính vì mang nặng tính cung đình nên việc lựa chọn nó để làm nên một bộ phận cấu thành nên con nghê chính là sự lựa chọn nhằm mục đích “sang trọng hóa” con nghê, tôn thêm tính thiêng cho linh vật này.

+ Đối với lân,đây cũng là một linh vật ngoại nhập. Thực ra, tại Trung Hoa, kỳ và lân chính là một cặp đôi “Đực – Cái” (kỳ là con đực – lân là con cái). Sau này khi du nhập vào Việt Nam, ta chỉ tiếp nhận con lân mà lãng quên con kỳ và từ đó, ta ngộ nhận kỳ lân là một con duy nhất; hay nói cách khác, người ta quan niệm “lân” là cách gọi vắn tắt từ con “kỳ lân”. Về phần này, tôi nghĩ rằng sự “bỏ rơi” con kỳ không phải là ngẫu nhiên mà là có chủ đích. Văn hóa Việt Nam vốn là văn hóa lúa nước, trọng âm tính và đề cao vai trò của giống cái. Do vậy mà việc lựa chọn hình tượng lân là phù hợp với văn hóa dân tộc. Cuối cùng, mặc dù là một trong số “tứ linh” trong văn hóa Việt Nam, song lân lại không ở vị trí quá tôn quý như rồng và lân còn được biết đến như một linh vật may mắn, do vậy việc lựa chọn lân làm một trong những thành tố cấu thành nên nghê cũng là lẽ hợp lý.

+ Đối với chó, là một con vật có thật, việc để chó trở thành một phần để cấu thành nên nghê là để giảm bớt sự cao quý của nghê. Chó là một con vật được đánh giá cao bởi khả năng giữ nhà và lòng trung thành. Khi đối chiếu qua vị trí của nghê trong các công trình đền, chùa, miếu mạo, ta thấy rất rõ vị trí của nghê thường được để ngay cửa. Vị trí này mang một ý nghĩa là canh giữ công trình đó. Quan niệm dân gian ở một số nơi còn xem chó như một linh vật (được gọi tôn kính là “Thần Cẩu/Khuyển”), tuy nhiên quan niệm này đôi khi lại vấp phải sự phản đối vì dân gian vẫn thường so sánh những gì tệ hại nhất với chó (?). Do vậy, cách tốt nhất để tránh sự xung đột quan điểm nên dân gian đã “sang trọng hóa” con chó bằng con nghê. Đặc điểm cuối cùng để củng cố cho quan điểm của tác giả chính là tư thế ngồi của nghê thường là ngồi dạng chống hai chân trước, đây là tư thế thường gặp của loài chó khi ngồi canh cổng.

+ Đối với sư tử, tương tự như chó, sư tử là một loại động vật có thật trong tự nhiên. Tuy nhiên, với đặc tính sinh học là sống theo bầy đàn và chủ yếu sống trên thảo nguyên mà do đó, sư tử ngay từ đầu không phải là một loại vật sinh sống phổ biến tại Việt Nam. Có ý kiến cho rằng việc sư tử được đưa vào trong nền văn hóa Việt Nam chính là khi Việt Nam và Ấn Độ diễn ra sự giao thoa văn hóa. Sư tử vốn là một con vật được tôn sùng trong văn hóa Ấn Độ, mà giữa Ấn Độ và Việt Nam đã từ lâu diễn ra sự chung đụng về văn hóa.“… Biểu tượng sư tử được cho là linh vật có sức mạnh siêu việt trong văn hóa Ấn Độ nên nó đã được sử dụng khá phổ biến từ thời vua A Dục (Asoka) đặt trên đỉnh các cột kinh…” [5: 84]. Do vậy, việc tiếp nhận hình tượng sư tử và biến nó trở thành một phần (bộ phận) của con nghê cũng là điều dễ hiểu.

Trên cơ sở những lý giải đó, ta có thể khẳng định nghê được hình thành như một điều tất yếu khi mà nó chính là dấu ấn, là sản phẩm của quá trình giao thoa văn hóa Việt – Hoa – Ấn.

Về tính cân bằng, yếu tố cân bằng mà tác giả muốn đề cập ở đây chính là sự dung hòa Âm – Dương, cân bằng giữa yếu tố Cung đình – Dân gian, hiền lành – hung dữ, động – tĩnh, v.v… Khái niệm “cặp đôi” hay còn gọi là “lưỡng phân, lưỡng hợp” là một đặc điểm nổi trội trong bản sắc văn hóa Việt Nam. Yếu tố cặp đôi luôn hiện diện và song hành trong đời sống của cộng đồng người Việt như một phần không thể thiếu. Xét trên bình diện văn hóa nói chung, khái niệm cặp đôi được thể hiện rõ nét qua triết lý sống quân bình, cân bằng giữa các mối quan hệ xã hội và trong cả đời sống tinh thần. Hình tượng nghê cũng không nằm ngoài quy luật và tư duy đó.

Trong đặc điểm tổng hơp của loài linh vật này, tôi đã bước đầu thử nhận diện những động vật góp phần cấu thành nên loài linh vật này. Trong những loài vật đó, ta thấy rõ sự hiện diện của các cặp đôi đối trọng với nhau. Bảng bên dưới sẽ cho thấy sự đối trọng đó, thể hiện tính cân bằng (dung hòa) rõ nét:

Bảng 3: Tính cặp đôi trong các loài vật cấu thành nên hình tượng “nghê”

Cặp đôiLoài vật Cung đình– dân gian Hiền lành– hung dữ Sang trọng– bình dân
Rồng Cung đình Hung dữ Sang trọng
Lân Cung đình Hiền lành Sang trọng
Sư tử Dân gian Hung dữ Bình dân
Chó Dân gian Hiền lành Bình dân

[Nguồn: Tác giả]

Bảng 3 đã cho ta thấy sự đối xứng với nhau giữa 4 con vật rồng – lân – sư tử – chó tùy theo từng cặp tiêu chí. Nghê là sản phẩm được hình thành dựa trên 4 con vật được nêu ở trên và do vậy, nghê chính là sản phẩm mang nặng tính cân bằng theo đúng triết lý văn hóa của cộng đồng cư dân Việt.

Về tính dân gian, không nằm trong bất kỳ một khuôn khổ tạo hình này vì vốn là một loại linh vật hư cấu, hình thành trên cơ sở trí tưởng tượng, do vậy ta có thể khẳng định nghê là linh vật mang tính dân gian. Các địa phương khác nhau, những nghệ nhân khác nhau sẽ cho ra đời những tác phẩm nghê không giống nhau. Ta vẫn hay nghe nói thành ngữ “phượng múa nghê chầu”, câu thành ngữ này đã cho thấy tính dân gian của linh vật này. Mặt khác, vì mang tính dân gian mà do vậy, các tư liệu lịch sử thành văn hầu như không thấy mô tả cũng như đề cập đến nghê. Nếu so sánh với rồng – một linh vật mang tính chất cung đình, cao sang thì ta thấy rất rõ sự bất công dành cho nghê. Tuy nhiên, cũng chính vì ít được quan tâm và không nằm trong khuôn khổ mà do vậy. nghê đã được tự do sáng tạo, phổ biến rộng rãi trong dân gian thông qua bàn tay và trí óc sáng tạo của những nghệ nhân dân gian. Con nghê đã hiện diện rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là tầng lớp bình dân một cách hết sức tự nhiên. Người ta cho dựng tượng nghê để mang chức năng canh giữ hơn là dựng tượng vì sự tôn thờ, nể trọng. Và cứ như thế, nghê trở thành một linh vật gần gũi và thân thuộc trong dân gian.

Về tính giao lưu, ngay từ đầu bài viết, tôi đã nhấn mạnh đến yếu tố giao lưu và tiếp biến văn hóa như một quy luật tất yếu của lịch sử. Nếu văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ không du nhập vào Việt Nam (cho dù bằng bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa) thỉ liệu rằng nghê có xuất hiện hay không ? Câu trả lời có lẽ là “không” vì xét trong những loài vật góp phần cấu tạo nên linh vật này, có thể thấy rất rõ là ¾ loài (chỉ có chó là loài vật gắn bó với đời sống của người Việt từ xưa đến nay) đã là những linh vật trong văn hóa ngoại lai. Sự mềm dẻo trong ứng xử, hiếu hòa trong đối phó – một trong những đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt Nam đã một lần nữa phát huy tác dụng của nó.

Có thể xem nghê là “đứa con lai” của ba nền văn minh Việt – Hoa – Ấn, chính lối ứng xử mang đậm tính văn hóa nông nghiệp đã góp phần sáng tạo và hình thành nên một loài vật rất lí thú. Và một lần nữa, ta cần khẳng định nghê là linh vật bản địa của người Việt, dù rằng các tế bào cấu thành nên nó lại là những tế bào ngoại lai.

Kết luận

Vốn là một loài vật được xây dựng trên cơ sở hư cấu, trí tưởng tượng của con người, thao tác mô tả cơ học là điều bất khả thi đối với nghê vì vốn dĩ nó không hề tồn tại trong từ điển sinh vật. Dựa vào sự giao lưu văn hóa với các nền văn minh lớn trong khu vực, người Việt đã tiếp nhận có chọn lọc để xây dựng nên hình tượng con nghê trong văn hóa mỹ thuật vào tạo hình của dân tộc. Bài viết đã thử bước đầu lý giải tên gọi “nghê”, bàn về lịch sử hình thành biểu tượng nghê trong dòng chảy văn hóa. Ngay từ đầu bài viết, tôi đã xem nghê là linh vật thuần Việt vì thông qua nghê, nó đó phản ánh tư duy và những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của Việt Nam. Nghê thực sự là một tấm gương phản chiếu nhân sinh quan của người Việt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, mặc dù về mô tả cơ bản hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều ý kiến trái chiều xung quanh nó.

Trong tương lai, có lẽ là cần thiết để giới nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa dân tộc dày công tìm hiểu nhiều hơn về loài linh vật này để một mặt, minh chứng cho những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam là rất giàu ý nghĩa, mặt khác là đưa những giá trị văn hóa đó vào mối quan hệ với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nghê xứng đáng trở thành linh vật đặc trưng cho quốc gia Việt Nam trong giai đoạn hiện nay hơn bất kỳ con vật nào khác vì tự thân nó đã mang những đặc trưng và sắc thái văn hóa Việt từ truyền thống đến hiện đại./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Trần Lê Bảo (2012), Giáo trình văn hóa phương Đông, Nxb Đại học Sư phạm.

[2] Phạm Đức Dương và nnk (2014), Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin.

[3] Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng – một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb Thế giới.

[4] Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 1: Các bộ trang trí điển hình, Nxb Tri thức.

[5] Đinh Hồng Hải (2016), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 3: Các con vật linh, Nxb Thế giới.

[6] Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục.

                                                                                              H.T.P

Sài Gòn, 28/07/2016

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/07/29/may-van-de-ve-nguon-goc-dac-diem-cua-bieu-tuong-nghe-trong-van-hoa-viet-nam/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?