Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thử bàn về giai đoạn Hồng Bàng Thị và tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương 25/08/2017

Huỳnh Thiệu Phong

Trên thế giới, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên tồn tại ở nhiều nền văn hóa khác nhau của các quốc gia, tộc người. Với Việt Nam, một quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa cũng không ngoại lệ. Hình thức tín ngưỡng này luôn song hành với vận mệnh của dân tộc.

Từ những đặc trưng về địa – văn hóa, ngôi làng được hình thành như một tất yếu cho sự tồn tại và phát triển. Chính đó là môi trường đầy sức mạnh để bảo lưu những giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Sự phát triển của một ngôi làng luôn gắn liền với những bậc tiền nhân (Tiền hiền); chính họ là những người có công xây dựng và phát triển làng xã. Song, để làng xã tồn tại và phát triển thì không thể thiếu các gia đình. Nếu xem một làng là một cơ thể sống thì gia đình chính là tế bào để cấu thành nên chỉnh thể đó. Mỗi gia đình đều là hạt nhân để làng xã đứng vững theo những biến động của lịch sử. Do vậy, nếu Tổ tiên của làng xã là những vị Tiền hiền, các vị Thành hoàng thì trong một phạm vi hẹp hơn, ông bà và cha mẹ luôn là những đối tượng mà con cháu trong một gia đình luôn dành sự tôn trọng to lớn.

Thờ ông bà cha mẹ còn là biểu hiện của nhận thức về vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt. Quan niệm về sự sống và cái chết được thể hiện rõ nét qua tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên nói chung. Trải qua chiều dài của lịch sử, Việt Nam ngày hôm nay đã thay da đổi thịt rất nhiều; tuy nhiên, hình thức tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên vẫn là một điểm son trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Việt.

Trong những lần ngồi trao đổi với bạn bè hoặc các đàn anh trong nghề của tôi, hoặc những lúc tra cứu tài liệu, tôi thấy nhan nhản đâu đó người ta hay sử dụng cách gọi “Đạo Ông Bà”để ám chỉ tín ngưỡng thờ Tổ tiên. Có người còn xem đây là “tôn giáo dân tộc” (hay tôn giáo bản địa của người Việt) [17, 18]. Nói ra điều này để minh chứng cho sức sống mãnh liệt của hình thức tín ngưỡng này. Chữ “đạo” mà người ta sử dụng ở đây có thể được hiểu là “tôn giáo”. Tuy rằng tất cả chúng ta đều hiểu giữa hai phạm trù “tôn giáo” và “tín ngưỡng” rất khác nhau, ta không thể đồng nhất; song, người ta chấp nhận gọi như thế để thấy rằng tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là điều gì đó rất thiêng liêng; thiêng liêng đến mức người ta có thể đồng nhất nó trở thành một tôn giáo. Thêm vào đó, việc tiếp nhận những tôn giáo lớn ngoại lai trong lịch sử không thể làm cho tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên bị lãng quên. Nó vẫn giữ vững được vai trò của mình. Đây thực sự là một điều đáng trân quý !

Một giai đoạn khởi nguyên cho lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam đã được phát lộ – giai đoạn Hồng Bàng Thị với sự xuất hiện của nhà nước Văn Lang. Hùng Vương được người Việt lựa chọn là Quốc Tổ của dân tộc. Như đã đề cập, thờ cúng Tổ tiên không phải là một hình thức tín ngưỡng hiếm có trong các nền văn hóa thế giới; tuy nhiên, đặt sự tồn tại của hình thức tín ngưỡng này trong nền văn hóa Việt Nam, giá trị nhân văn đã được thể hiện rõ nét – đó chính là minh chứng cho truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt.

Từ việc xem xã hội là một gia đình lớn, người Việt cũng đã lựa chọn cho mình một vị Tổ tiên chung – Quốc Tổ Hùng Vương để thờ cúng. Ý nghĩa của việc thờ Quốc Tổ Hùng Vương là rất thiêng liêng và đáng để quan tâm nghiên cứu. Một may mắn là ngày nay, tôn giáo tín ngưỡng cũng đã trở thành một đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học xã hội, không còn bị xem là “mê tín dị đoan” như trước đây. Đây là một sự chuyển đổi nhận thức quan trọng và mang ý nghĩa to lớn. Ngô Đức Thịnh từng nhận xét: “… Nhờ tính đặc thù của nó nên tôn giáo tín ngưỡng không chỉ là một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng…” [17: 7]. Điều này đã là một chân lý !

Như vậy, từ thờ Tổ tiên của dòng họ đến thờ Thành hoàng làng, từ thờ Thành hoàng làng đến thờ Quốc Tổ Hùng Vương là một quá trình vận động với việc mở rộng nhận thức theo không gian của người Việt. Nội dung bài viết ngoài việc đề cập về ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Tổ tiên trong gia đình người Việt, sẽ mở rộng sang tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hình thức tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012, thử luận bàn về sự tồn tại của Hồng Bàng thì là một chân lý lịch sử hay là một biểu trưng to lớn của tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Bấy nhiêu vấn đề đó có lẽ đã là quá sức cho bản thân tác giả. Song, tôi có gắng viết vì sự trân trọng sâu sắc những nét đẹp của văn hóa truyền thống, và cũng xem như đây là một đóng góp rất nhỏ trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hi vọng là hữu ích cho người đọc !

  • Quan niệm về tín ngưỡng vì tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau nên cũng có nhiều định nghĩa khác nhau. Song, có thể hiểu “Tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, là một yếu tố thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là hệ quả của các quan hệ xã hội, được hình thành trong quá trình lịch sử – văn hóa, là sự biểu hiện niềm tin dưới dạng tâm lý xã hội vào cái thiêng liêng thông qua hệ thống lễ nghi thờ cúng của con người và cộng đồng người trong xã hội” [19: 14].

Chính vì thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, được biểu hiện dưới dạng niềm tin vào cái thiêng liêng thông qua lễ nghi mà có một thời gian, một số hình thức văn hóa tín ngưỡng đã bị xem là “mê tín dị đoan”. Thực tiễn cho thấy ranh giới giữa yếu tố thiêng liêng (thuộc về tâm linh) và mê tín dị đoan là rất mong manh. Chẳng hạn như đốt giấy tiền vàng bạc là văn hóa tâm linh, nhưng nếu đốt quá nhiều gây lãng phí thì đó lại là mê tín dị đoan; hay như tổ chức lễ giỗ cho ông bà là nét đẹp văn hóa, nhưng nếu cúng quá nhiều thức ăn với quan niệm để ông bà no bụng (?) thì lại là mê tín.

Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên cũng là một biểu hiện của tính thiêng, phản ánh niềm tin của con cháu đối với sự tồn tại của vong hồn ông bà của mình, “… dù đã đi vào cõi vĩnh hằng vẫn có mối liên hệ huyền bí và mạnh mẽ với con cháu, phù hộ và chỉ bảo họ tránh điều ác, giữ điều lành…” [9: 66]. Như vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến quan niệm đó ? Một quan niệm được hầu hết các nhà nghiên cứu thống nhất nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên chính là quan niệm Vạn vật hữu linh Animism(hay còn gọi là thuyết Duy hồn/ thuyết Vật linh) [17, 18, 21]. Đây là một quan niệm (hay hiện tượng)“… không những phổ biến, mà dường như là một giai đoạn tất yếu trong tiến trình phát triển của văn hóa nhân loại, khi con người động vật đã trở thành con người xã hội” [9: 46]. Thêm vào đó, trải qua thời gian, sự du nhập của Nho giáo và Đạo giáo vào Việt Nam càng làm cho người ta có cơ sở vững chắc hơn để tin tưởng rằng sự chết đi ở thế giới trần gian sẽ bắt đầu cuộc sống mới ở một thế giới khác; quan niệm về “vong hồn” đã ra đời, hay nói cách khác, chết đồng nghĩa với việc “sống” trong một môi trường khác.Điều này cũng lý giải nguyên nhân tùy vào từng vùng miền, đám tang được tổ chức có thể là tang vui (ở Nam Bộ) hay tang buồn (Bắc Bộ). Ông bà mất đi vẫn luôn bên cạnh để dõi theo con cháu, độ trì và chứng kiến những gì con cháu mình làm hằng ngày.

Mặt khác, khi tiếp cận từ quan điểm triết học Mácxít, tác giả Lương Thị Thoa cùng các đồng nghiệp lại lý giải sự ra đời của dạng thức tín ngưỡng này bắt nguồn từ 3 nguồn gốc: Xã hội – Nhận thức – Tâm lý [18: 24-41].Phải chăng với quan niệm như vậy đã tạo nên nền tảng là triết lý “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa Việt Nam ? Theo tôi là như vậy ! Sau này, cùng với sự du nhập của các tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên lại tiếp tục quyện hòa vào đời sống tinh thần của người dân bên cạnh các tôn giáo. Chất bản địa mạnh mẽ đã làm mềm hóa những tôn giáo độc thần từng bị đánh giá là “cứng rắn”. Ngày nay, rất khó để phân biệt các nghi thức dân gian trong tín ngưỡng thờ Tổ tiên cùng với các nghi thức tôn giáo vì chúng đã bị trộn lẫn vào nhau và trở thành phong tục trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên.

Nói về sự ảnh hưởng của các tôn giáo đối với tín ngưỡng thờ Tổ tiên, ta thấy hiện nay trên bàn thờ của mỗi gia đình, ngoài việc thờ chư vị thần, Phật, Bồ tát, không thể thiếu bàn thờ tổ tiên. Gia đình dù nghèo khó hay khá giả thì vẫn dành một vị trí trang trọng trong gia đình để thờ ông bà. Thường thì bàn thờ tổ tiên được đặt ở trên cao, bàn thờ gồm lư hương, ảnh người quá cố, trong những dịp giỗ kỵ hay lễ Tết sẽ có thêm đĩa trái cây và đốt hương. Nén hương chính là cầu nối giữa hai cõi âm dương, truyền đạt những ước nguyện của con cháu đến tổ tiên của mình. Có thể khẳng định, bàn thờ tổ tiên chính là một không gian thiêng trong mỗi ngôi nhà, đó là nơi bất khả xâm phạm, là nơi mà dù cho có là thành viên của gia đình hay không khi vào đến nhà đều phải dành sự tôn trọng cho không gian đó.

Khổng Tử từng nói: “Kinh kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi giã” (dịch nghĩa: Kính những người cha mẹ đã tôn trọng, yêu những người cha mẹ đã yêu mến, thờ cha mẹ lúc đã chết như khi còn đang sống, lúc mất rồi cũng như lúc còn sống, ấy là đạo hiếu – Trung Dung). Chính quan niệm đó càng làm cho chữ “Hiếu” trong đạo lý truyền thống dân tộc càng được đưa lên một tầm cao. Đạo hiếu trở thành một chuẩn mực trong văn hóa Việt Nam, là cái gốc của con người. Con cháu dù đi làm ăn xa, nhưng mỗi dịp Tết về vẫn mong muốn về nhà để cùng sum họp gia đình, thắp những nén nhang thành kính đến ông bà tổ tiên của mình.

Một cách tổng quát nhất, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là một sự ràng buộc con cháu hướng tới những giá trị tốt đẹp, những hành vi hướng thiện trong cuộc sống vì ông bà luôn dõi theo con cháu từng ngày. Dù đã mất đi, nhưng thông qua những hành vi thờ cúng, mối liên hệ giữa ông bà và con cháu vẫn còn hiện hữu theo thời gian. Nó có giá trị hướng con người tới những chuẩn mực xã hội thông qua mối liên hệ giữa người sống với người chết, giữa thế giới thực tại và thế giới bên kia. Từ việc thờ cúng ông bà trong gia tộc, gia đình, về sau quan niệm đó đã mở rộng về biên độ không gian, người Việt đã lựa chọn một vị thủy tổ chung của dân tộc – Hùng Vương. Đây là một bước “đột phá” về nhận thức của dân tộc Việt Nam.

  • Trong quá trình hình thành ý tưởng, tôi từng trăn trở về vấn đề liệu rằng có nên đề cập về giai đoạn Hồng Bàng thị hay không ? Mục tiêu của bài viết là xoay quanh giá trị văn hóa thờ cúng Tổ tiên, trên cơ sở đó sẽ mở biên độ không gian rộng hơn là tín ngưỡng thờ Hùng Vương, do đó việc đề cập đến giai đoạn Hồng Bàng thị liệu có là thừa ? Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tác giả quyết định sẽ giải quyết cả vấn đề về giai đoạn Hồng Bàng thị. Đây là việc làm của các học giả tiền bối và không đơn giản. Sự đề cập ở đây nhầm mục tiêu làm nổi bật lên giá trị nhân bản trong văn hóa truyền thống – uống nước nhớ nguồn, mang tính chất bổ trợ cho mục tiêu của bài viết là chính.

Hiện nay, trong giới nghiên cứu Sử học vẫn còn tồn tại song song hai luồng quan điểm về việc có hay không sự tồn tại của giai đoạn Hồng Bàng thị ? Một nhóm cho rằng đây là giai đoạn hư cấu, hoàn toàn không có thực trong lịch sử. Cụ thể, nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát đã nhận định: “… Không có Triều đại An Dương Vương, không có thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất từ năm 179 tr.CN cho đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40 SCN. Không có sự kiện Triệu Đà xâm lược và làm vua Âu Lạc, v.v…” [4: 42, 43]. Ông đã có những chỉ trích vô cùng nặng nề về việc đưa giai đoạn này vào chính sử: “Cần phải viết lại lịch sử nước nhà” [4: 43]. Người thứ hai cũng có những phản ứng kịch liệt trong việc nhìn nhận giai đoạn các vua Hùng là có thật có thể kể đến là nhà nghiên cứu Phan Duy Kha. Trong tác phẩm “Nhìn về thời đại Hùng Vương” ông viết: “… Mọi luận cứ nhằm giải thích truyền thuyết ngụy tạo ấy (truyền thuyết về Lạc Long Quân – Âu Cơ – HTP) đều hồ đồ, thiếu tự trọng, tự tôn dân tộc và thiếu kiến thức về khoa học lịch sử. Có một điều hiển nhiên là trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân ta không hề chấp nhận truyền thuyết ngụy tạo này” [6: 10]. Tô Ngọc Thanh cũng là một trong số những nhà nghiên cứu phủ nhận về sự tồn tại của giai đoạn lịch sử này trong một cuộc họp báo với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Một số người muốn bảo vệ quan điểm của mình còn dẫn cả “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi một cách đầy khiêng cưỡng: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”. Đứng ở góc độ lập luận logic mà nói, những ý kiến cho rằng đây là giai đoạn hư cấu trong lịch sử không phải là không có cơ sở. Theo hệ thống tài liệu chính sử ghi chép lại thì triều đại các vua Hùng tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 2879 trCN đến năm 258 trCN [1, 4, 5, 10, 16]. Khoảng thời gian 2.621 năm như vậy mà chỉ có 18 đời vua Hùng thì bình quân một vị vua Hùng có tuổi thọ 150 năm (?). Đây là một điều phi thực tế. Như vậy, khoảng thời gian tồn tại của 18 đời vua Hùng chính là căn nguyên dẫn đến dấu chấm hỏi về sự tồn tại của giai đoạn này. Tuy nhiên, cho đến nay thì xu hướng phủ nhận sự tồn tại của giai đoạn các vua Hùng lại đang có dấu hiệu “thất thế”.

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần to lớn vào quá trình truy tìm quá khứ lịch sử; ngành Khảo cổ học với kỹ thuật phân tích C14 đã đang vén sự thật về giai đoạn này ra ánh sáng. Điều tôi muốn đề cập chính là quan điểm còn lại trong sự đánh giá tính xác thực về giai đoạn các vua Hùng – giai đoạn Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Rất nhiều các nhà nghiên cứu gạo cội của làng Sử học đều đồng ý với sự tồn tại của triều đại các vua Hùng trong lịch sử. Tiêu biểu nhất chính là cố giáo sư Sử học Nguyễn Phan Quang, “Những thành tựu khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, dân tộc học, văn học dân gian… ngày càng tái hiện rõ nét thời Hùng Vương với Nhà nước Văn Lang tồn tại từ thế kỷ VII đến thế kỷ III trước Công nguyên là một thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc…” [15: 9].

Ngoài Nguyễn Phan Quang trong các tác phẩm “Tìm về nguồn cội” và “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884” (giáo trình chính thức dành cho sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm TP. HCM), các học giả trong những giai đoạn trước như Trần Trọng Kim (trong tác phẩm “Việt Nam sử lược), Phạm Văn Sơn (trong tác phẩm “Việt sử toàn thư từ thượng cổ đến hiện đại”), Trần Quốc Vượng, … đều thể hiện rất rõ quan điểm khẳng định tính chân thật của giai đoạn các vua Hùng trong các công trình của mình. Một học giả tiền bối khác là Đào Duy Anh cũng đồng luận quan điểm cho rằng “… người Việt Nam là nòi giống Tiên Rồng. Vua đầu tiên họ Hồng Bàng nước Xích Quỷ là Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương, một hôm đi ngoạn cảnh ở hồ Động Đình thình lình gặp một người thiếu nữ nhan sắc tuyệt vời tự xưng là Long Nữ, con gái của Động Đình Quân. Lộc Tục kết duyên cùng nàng ấy sinh được một con trai đặt lên là Sùng Lãm, nối ngôi cha làm vua xưng là Lạc Long Quân…” [1: 20]. Về sau này, một số nhà Sử học khi viết giáo trình cho sinh viên đều đề cập đến giai đoạn này như một phần của lịch sử dân tộc; đáng kể nhất là giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Trong tác phẩm này, các tác giả cho rằng sự hình thành của nhà nước đầu tiên – Nhà nước Văn Lang là kết quả của công cuộc đáp ứng nhu cầu về thủy lợi và tự vệ [13: 22].

Theo đó, các tài liệu mà tác giả có dịp dẫn ra ở trên của các nhà nghiên cứu đều cho thấy hai luồng quan điểm trong việc nhận định tính chân thật của giai đoạn các vua Hùng trong lịch sử: Một là công nhận sự tồn tại của triều đại này – Hai là phản bác lại quan điểm trên và cho rằng đó là giai đoạn truyền thuyết, không có thật.Từ sự tổng hợp tài liệu của các nhà nghiên cứu đã dẫn ở trên, tôi cũng có tham vọng đóng góp một vài quan điểm về sự tồn tại của giai đoạn này:

Thứ nhất, xét về nguồn dẫn của các tài liệu mà những học giả tiếp cận, đa phần chúng ta đều sử dụng những nguồn Sử liệu do các học giả của các triều đại biên soạn, có thể kể đến như: Việt Điện U Linh (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp) và đặc biệt là bộ biên niên sử rất đồ sộ là Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Trong công trình do Ngô Sĩ Liên biên soạn, giai đoạn đánh dấu sự xuất hiện của Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân – Hùng Vương được gọi chung là “Kỷ Hồng Bàng thi” (tức là giai đoạn họ Hồng Bàng) [10: 44]. Căn cứ vào đó, các học giả thời hiện đại như Đào Duy Anh, Phạm Văn Sơn, Trần Trọng Kim trong các tác phẩm của mình xem đó là cơ sở cho việc dẫn giải về giai đoạn này, các truyền thuyết về nguồn gốc của các nhân vật được khảo dẫn từ nguồn tư liệu này là chủ yếu.

Thứ hai, trong giai đoạn khi mà sự can thiệp của khoa học công nghệ của nhân loại chưa thật sự rõ nét, năng lực phân tích và giải quyết vấn đề chủ yếu chỉ dựa vào sự phỏng đoán và theo những tư liệu truyền thống để lại thì khi đó, mặc nhiên việc sao chép là chủ yếu, khả năng kiểm chứng hoàn toàn là con số 0. Đến sau này, khi mà Sử học và Khảo cổ học phát triển, nhiệm vụ của hai ngành khoa học này là truy lại nguồn gốc của dân tộc đã đưa ra ánh sáng những phát hiện mang tính khoa học. Đó là việc xếp giai đoạn này vào các phân kỳ lịch sử. Cụ thể: “Thành quả nghiên cứu về thời Hùng Vương trong khoảng hơn ba chục năm trở lại đây còn cho phép đi đến một số kết luận cụ thể sau: Địa bàn của nước Văn Lang thời Hùng Vương tương ứng với vùng Bắc Bộ, bắc Trung Bộ nước ta ngày nay và một phần phía nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Hoa…” [14: 32].Các nhà khảo cổ học phân chia các di tích phát hiện được trên vùng này theo 4 giai đoạn phát triển kế tiếp như sau: Giai đoạn Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn [14]. Như vậy, sự hình thành nhà nước đầu tiên là Văn Lang chính là nằm trong khoảng thời gian của văn hóa Đông Sơn khi mà tình trạng phân hóa xã hội đã rõ nét. Thêm vào đó, nhu cầu liên kết để đắp đê trị thủy và chống xâm lược đã buộc họ phải tổ chức thành một khối thống nhất và“… đấy là lý do khách quan tác động đến sự hình thành nhà nước đầu tiên của họ” [13: 25].

Thứ ba, bấy lâu nay ta vẫn nằm trong một vòng xoay luẩn quẩn, nghi ngở về giai đoạn vua Hùng, điều này bắt nguồn từ lý do khoảng thời gian tồn tại của triều đại này là quá dài, chính xác là 2.621 năm (kéo dài từ năm 2879 trCN đến năm 258 trCN) mà chỉ trải qua 18 đời vua Hùng; như vậy bình quân một vị vua tại vị gần 150 năm. Song, tôi nghĩ rằng nếu tháo gỡ được nút thắt về khoảng thời gian này thì có thể giải mã được triều đại các vua Hùng. Quan điểm của tôi cho rằng có hai giả thuyết xảy ra:

Một là, thời gian trị vì thực sự của các vua Hùng không phải bắt đầu từ năm 2879 trCN, có thể đó là một mốc thời gian gần hơn. Chính Sử gia Trần Trọng Kim cũng đã từng đặt vấn đề này: “… nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép về đời Thượng cổ. Xem thế thì đủ biết những chuyện về đời ấy khó lòng mà đích xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt nhạnh những chuyện hoang đường tục truyền lại, cho nên những chuyện ấy toàn là chuyện có thần tiên quỉ quái, trái với lẽ tự nhiên cả” [5: 24]. Nếu lùi thời gian khởi nguyên của triều đại Hùng Vương đến khoảng năm 600 trCN và kết thúc vào năm 258 trCN thì mọi việc có thể ổn thỏa hơn. Việc đẩy lùi thời gian đến năm 600 trCN không phải là không có cơ sở vì nó trùng với giai đoạn Chu Trang Vương ở Trung Hoa.

Hai là, 18 đời vua Hùng chỉ là con số tượng trưng, có thể có nhiều hơn 18 vị. Theo Đỗ Lan Hiền, việc lựa chọn con số 18 không phải là ngẫu nhiên, phải xét nó từ chiều kích tâm linh, tôn giáo và ý nghĩa minh triết của người Việt cổ [4: 48]. Do vậy, tính biểu trưng của con số 18 đã vô tình đưa ta vào một mê cung mà chính ngay lúc đầu, khi bắt đầu bước vào ta vốn dĩ đã bị “sụp bẫy”.

Như vậy, khảo lược về tình hình nghiên cứu và các quan điểm của những học giả qua các đời, một đặc điểm dễ nhận thấy nhất chính là sự chồng chéo lên nhau giữa hai yếu tố chính sử và huyền sử. Tính chân xác không đảm bảo của yếu tố chính sử đã làm cho giai đoạn này mang đậm tính huyền sử. Điều này không khó lý giải vì không riêng gì ở Việt Nam, huyền thoại lập quốc của các quốc gia đều mang tính huyền diệu, hư cấu vì sự ghi chép thời xưa là rất hạn hữu, cộng với ước muốn thiêng liêng hóa nguồn gốc dân tộc của mình, do vậy đã dẫn đến việc đan xen yếu tố chính sử và huyền sử. Mặt khác, khi mà chữ viết chưa ra đời, lịch sử chưa thể thành văn, con người buộc lòng phải xây dựng câu chuyện mang tính chất ảo nhưng là dựa trên những sự thật lịch sử khách quan.

Tạm chốt lại ý kiến cá nhân của tác giả bài viết, tôi cho rằng một khi đã có sự can thiệp của khoa học vào nghiên cứu niên đại của các di vật tìm thấy, sự hiện diện của Nhà nước Văn Lang đã được minh chứng là có thật, không thể chối cãi. Tuy nhiên, cần xem xét lại khoảng thời gian tồn tại của các vua Hùng, đặc biệt là năm mốc khởi đầu (có phải là năm 2879 trCN hay không ?) hoặc tập trung vào con số 18 xem liệu rằng có hơn 18 vị vua Hùng hay không ? Có lẽ bấy nhiêu là tạm đủ đối với việc góp quan điểm về giai đoạn Hồng Bàng thị trong bài viết này vì như đã nói ngay từ đầu, thao tác tổng kết quan điểm về lịch sử của giai đoạn này chỉ là một bước đệm để tôi lấy đó làm tiền đề chỉ ra giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam thông qua tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương – một dạng mở rộng biên độ cùa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012 tại Paris, Pháp. Dĩ nhiên, để được công nhận là một Di sản văn hóa của thế giới, ẩn trong đó phải là những giá trị văn hóa bền vững, có tính nhân văn sâu sắc. Trong bài viết này, thông qua thao tác tổng hợp, trong năng lực cho phép, tác giả sẽ trình bày những giá trị văn hóa đầy nhân văn của tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương.

Hồng Bàng thị (鴻龐氏) là giai đoạn được tính bao gồm sự hình thành của Nhà nước Văn Lang trải qua 18 đời vua Hùng. Vị Hùng Vương thứ nhất chính là một trong 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Có một tình tiết khá thú vị thể hiện dấu ấn Mẫu hệ trong xã hội nguyên thủy của loài người nói chung và ở Việt Nam nói riêng, đó là việc người con theo mẹ Âu Cơ lên núi đã làm vua – xưng là Hùng Vương thứ nhất. Không phải là một trong 50 người con theo cha xuống biển xưng vua, mà chính một trong 50 người con theo mẹ đã xưng vua. Tình tiết nhỏ này phản ánh vị thế của người phụ nữ trong xã hội truyền thống của Việt Nam là rất cao. Quốc mẫu Âu Cơ chính là tiềm thức đã được mã hóa về giá trị đề cao vai trò người phụ nữ trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người Việt lựa chọn cho mình Quốc phụ là Lạc Long Quân vốn là giống Rồng, Quốc mẫu Âu Cơ vốn là tiên (chim Lạc) chính là dấu ấn của Totem giáo (Totemism). Hai loài vật này là biểu tượng cho sức mạnh, sự giàu sang; điều này khác hẳn với các dân tộc khác khi lựa chọn cho mình những con vật có thật để làm vật tổ. Như vậy, từ quan niệm Vạn vật hữu linh, người Việt đã nâng cấp quan niệm ấy lên trở thành một dạng Totem giáo ở không gian rộng hơn. Đối chiếu một chút về hiện vật trống đồng Đông Sơn ta thấy hình tượng chim lạc được thể hiện trên trống đồng; nó như một minh chứng sống động cho sự trùng khớp về giai đoạn Hồng Bàng thị chính là giai đoạn văn hóa Đông Sơn.

Truyền thuyết của giai đoạn Hồng Bàng thị cũng đã cho thấy tinh thần yêu nước, cần cù lao động trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Những câu truyện về Sơn Tinh – Thủy Tinh, Thánh Gióng cũng đã phản ánh khát khao khắc chế tự nhiên, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm kinh điển của mình là “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” đã viết: “… Từ nghìn xưa, Văn Lang đã phải chiến đấu bảo vệ biên cương của mình chống giặc ngoại xâm, cho nên mới có sự tích anh hùng Thánh Gióng; truyện Thánh Gióng là truyện anh hùng cổ đại dựng trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước thời cổ ấy. Có thể xem truyện Thánh Gióng như là nền tảng đầu tiên và vững bền của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam” [2: 287].

Mọi người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có chung một người cha là Lạc Long Quân – một người mẹ là Âu Cơ, hai tiếng “đồng bào” (mang nghĩa là chung một bọc) cũng từ đó mà ra và mang ý nghĩa rất thiêng liêng. Điều này lý giải cho thực tế là văn hóa Việt Nam đa dạng nhưng thống nhất. Về vấn đề này, Trần Minh Trưởng đã đề cập: “Như vậy, từ cái nhìn thông qua truyền thuyết, thần thoại hay từ góc nhìn của lịch sử, thấy rằng người Việt Nam đều cùng một mẹ đẻ ra (đồng bào); do đó tất cả các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam đều cùng nguồn cội. Chính vì thế, truyền thống văn hóa, tâm linh, sinh hoạt cộng đồng đến tín ngưỡng của người Việt Nam đều có nguồn gốc và thể hiện sự giống nhau…” [22: 41]. Sự giống nhau mà tác giả đề cập ở đây có bao gồm tín ngưỡng thờ Tổ tiên trong mỗi gia đình.

Như vậy, một câu hỏi đặt ra là tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên đã mở rộng ra thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ khi nào ? Theo kết quả nghiên cứu đạt được từ những thành tựu của ngành Khảo cổ học, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không xuất hiện sớm hơn giai đoạn Lý – Trần [8: 206]. Năm 1470, việc Ngọc phả Hùng Vương được lập (tên gọi đầy đủ là “Hùng đồ thập bát diệp Thánh Vương Ngọc phả cổ truyền”) dưới thời Lê Thánh Tông đã chính thức công nhận sự tồn tại của các vua Hùng trong lịch sử dân tộc. Sang đến thế kỷ XVIII, Hùng Vương được tôn làm Thánh tổ; các nghi thức liên quan đến tế lễ cũng được quan tâm hơn. Năm 1789, Quang Trung Nguyễn Huệ cũng đã có những động thái rõ nét trong việc quy định vật phẩm, ân điển rõ ràng trong nghi thức tế tự Quốc tổ Hùng Vương. Dưới triều nhà Nguyễn, việc tu sửa miếu điện cũng được quan tâm [8].

Sau năm 1945, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. “Năm 2007, Quốc hội thông qua việc lấy ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch hằng năm là ngày Quốc lễ – Giỗ Tổ Vua Hùng của cả nước, đưa vào lịch đỏ để những người lao động được nghỉ một ngày và hưởng nguyên lương” [8: 213]. Lễ hội Đền Hùng tại Phú Thọ hằng năm vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch trở thành một ngày hội đầy ý nghĩa và linh thiêng của tất cả con dân Việt Nam, thể hiện triết lý “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

  • Trong khuôn khổ năng lực của mình, tôi tạm chấp nhận với những giá trị văn hóa mà bài viết đã chỉ ra, hiển nhiên là sẽ còn nhiều hơn thế. Song, trong năng lực cho phép của mình, tôi nghĩ đó là những giá trị đặc trưng và nổi bật nhất để biến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày hôm nay trở thành một tài sản vô giả của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa, sự gần nhau giữa các nền văn hóa trên thế giới càng làm cho công tác bảo tồn những giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

          Từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên trong phạm vi gia đình, sức lan tỏa của dạng thức tín ngưỡng này đã mở rộng phạm vi ra không gian cả quốc gia. Người Việt đã lựa chọn cho mình một vị thủy tổ duy nhất của cả nước – Vua Hùng. Đó là một bước đột phá trong nhận thức. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là dấu gạch nối giữa tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và triết lý “uống nước nhớ nguồn”. Giờ đây, khi mà Hùng Vương trở thành vị tổ chung của cả dân tộc, có lẽ là không cần thiết để truy lại quá khứ lịch sử xem giai đoạn Hồng Bàng là có thật hay không vì dù là thật hay truyền thuyết thì Hùng Vương vẫn luôn là ông tổ của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Sử học là không ngừng tìm ra sự thật quá khứ ! Mà đã là nhiệm vụ thì không thể không làm. Không phải là một nhà nghiên cứu Sử học chuyên nghiệp, khả năng nghiên cứu là rất hạn chế, tôi chỉ dám nhận mình là một người say mê lịch sử và đang tập viết. Do đó, bài viết này hoàn thành như một tấm lòng của một người con đất Việt gửi đến Tổ tiên của mình với lòng thành kính sâu sắc nhất.

Thay cho lời tạm kết của bài viết này,tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ mãi là một sợi dây liên kết tinh thần của tất cả người dân Việt Nam. Dù có như thế nào đi chăng nữa thì người Việt Nam vẫn luôn tự hào là dòng dõi con Rồng – cháu Tiên !

***

Tài liệu tham khảo:

[1] Đào Duy Anh (2010), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Thời đại.

[2] Trần Văn Giàu (2011), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

[3] Phạm Thanh Hằng (2015), Giá trị văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[4] Đỗ Lan Hiền (2015), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: truyền thống và sự thật lịch sử về thời đại Hùng Vương, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[5] Trần Trọng Kim (2015), Việt Nam sử lược, Nxb Văn học.

[6] Phan Duy Kha (2009), Nhìn về thời đại Hùng Vương, Nxb Lao động.

[7] Vũ Ngọc Khánh (2012), Gia đình – gia phong trong văn hóa Việt, Nxb Hà Nội.

[8] Tạ Quốc Khánh, Lê Tâm Đắc (2015), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[9] Hồ Liên (2002), Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc.

[10] Ngô Sĩ Liên (2013), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ) (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb Thời đại.

[11] Nguyễn Phú Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: đặc trưng cơ bản và các giá trị cần phát huy, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[12] Phùng Thị An Na (2015), Về danh xưng “Hùng Vương” trong tín ngưỡng thờ Quốc Tổ của người Việt, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[13] Nguyễn Quang Ngọc (Cb) (2010), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục.

[14] Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn (2011), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884, Nxb Tổng hợp TP. HCM.

[15] Nguyễn Phan Quang (2009), Ngược về nguồn cội (tiểu luận và tư liệu), Nxb Tổng hợp TP. HCM.

[16] Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư từ thượng cổ đến hiện đại bản PDF, Hiệp hội Liên đới người tỵ nạn Đông Dương.

[17] Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.

[18] Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ.

[19] Lương Thị Thoa (Cb) (2015), Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia.

[20] Nguyễn Tuấn Thùy (2015), Vai trò cỉa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong việc hình thành bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[21] Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (2013), Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Nxb Văn hóa Văn nghệ.

[22] Trần Minh Trưởng (2015), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ góc nhìn lịch sử, in trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” (Tạ Ngọc Tấn chủ biên), Nxb Lý luận Chính trị.

[23] Trần Quốc Vượng (2015), Về An Dương Vương, in trong “Văn hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành”, Nxb Văn học.

H.T.P

Sài Gòn – 14/ 07/2016

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/07/14/tu-tin-nguong-tho-cung-to-tien-thu-ban-ve-giai-doan-hong-bang-thi-va-tin-nguong-tho-quoc-to-hung-vuong/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?