Nhà Trần (1225 – 1400)
Triều Lý suy vong, triều Trần nối tiếp (1225 – 1400). Đất nước Đại Việt thời Trần, với ý chí sắt đá tự lập tự cường của triều đình và của toàn dân, xây dựng trên nền tảng truyền thống dân tộc, trên những chiến công ba lần chống xâm lược Nguyên – Mông, đã phát triển mạnh mẽ nhiều mặt. Về nghề dệt, thời gian này nhân dân ta đã có nhiều loại vải bông, vải gai, lụa, lĩnh, sa, the, nái, sồi, đoạn, gấm, vóc… Nghề thêu cũng phát triển.
a. Trang phục triều đình
Năm Hưng Long thứ 8 (1300), quan võ dùng kiểu mũ áo mới. Quan văn đội mũ chữ đinh màu đen. Tụng quan đội mũ toàn hoa (mũ hoa thủng có hai vòng vàng đính ở hai bên) màu xanh như kiểu cũ. Cửa tay áo các quan văn, võ rộng từ 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, kiểu hẹp từ 8 tấc trở xuống thì không được dùng. Các quan văn võ không được mặc xiêm. Tụng quan không được mặc thường.
Sau đó (1301) lại cho phép các quan đội mũ chữ đinh, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía pha màu biếc (bịt lên đầu dùng để buộc chân tóc lại, bỏ thừa về đằng sau).
Vương hầu nào tóc dài thì đội mũ triều thiên, người nào tóc ngắn thì đội bao cân (1303). Có lẽ đây là loại khăn chùm đầu màu xanh thẫm mà Trần Phu đã nhắc đến trong bài An Nam tức sự (1294).
Đến năm 1395, Lịch Triều tạp kỷ lại quy định mũ áo của các quan văn, võ. Nhất phẩm thì màu tía, nhị phẩm: màu đại hồng, tam phẩm: màu đào hồng, tứ phẩm, ngũ phẩm: màu lục, thất phẩm: màu biếc, bát, cửu phẩm: màu xanh. Người không có phẩm hàm và nô bộc: màu trắng. Người hầu trong cung thì mặc váy mở, không dùng xiêm.
Các quan theo hầu, chức văn từ lục phẩm trở lên được đội mũ cao sơn (chánh lục phẩm: mũ màu đen, tòng lục phẩm: màu xanh). Chánh lục phẩm được mang đai, đi hia. Người tôn thất đội mũ phương thắng màu đen. Chức võ, lục phẩm đội mũ chiết xung, tước cao màu không có chức được mang đai và đội mũ giác đính, thất phẩm đội mũ thái cổ, tòng thất phẩm đội mũ toàn hoa. Vương hầu đội mũ viên du. Ngự sử đài đội mũ khước phi. Nhà vua búi tóc, dùng theo bọc và buộc lại, trông như khăn nhà đạo sĩ, chỉ rộng hơn một ít, còn tóc ở hai bên thì vẫn để lộ ra và xõa xuống. Các quan được mặc áo bào và cầm hốt. Có những trường hợp đi chân đất. (Trích: “Trang phục Việt Nam”- Đoàn Thị Tình)
Nhận thấy việc xây dựng hình tượng Đức Thánh Trần là việc làm hết sức khó khăn, nguồn tư liệu hạn chế, hình ảnh trong dân gian qua nhiều thời kì không có sự đồng nhất, tìm được sự nhất quán về chân dung không dễ và thực sự có sự nhất trí cao của tuyệt đại bộ phận công chúng về trang phục thời Trần, cụ thể là trang phục của Trần Hưng Đạo là sự mong muốn lớn lao nhất. Cirlclegroup ý thức việc cùng cộng đồng chung tay xây dựng để tìm đến một quan niệm nhất quán với tiêu chí phù hợp nhất.
Việc làm không hề dễ dàng, nhưng hãy hành động, và chỉ có hành động mới mong tìm được tiếng nói chung, mới mong những danh nhân văn hóa của dân tộc mới đi vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể và thiết thực nhất.
Mọi thông tin tìm hiểu tại: https://www.facebook.com/HoiQuanDiSan/?hc_ref=ARQZzxCj97NxGW6m6DiBCJyyWj7eyHJEtqxkH8Z0nltefxmrVz8a2-LrHBiB3tslP9c&fref=nf
Thông tin xin gửi về hòm thư: hoiquandisan06@gmail.com