GN – Một ngày tháng 3-2021, nhà thiết kế mẫu mã đồ thủ công mỹ nghệ Trần Thanh Tùng – Giám đốc Điều hành của Hội quán Di sản, cho biết anh có vài điều muốn chia sẻ và ngỏ lời mời tôi đến thăm Hội quán.
Hội quán Di sản được thành lập từ năm 2012 với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa di sản, các tri thức trẻ tâm huyết, đam mê bảo tồn và phát triển, quảng bá văn hóa Việt; cùng nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và phát triển mỹ thuật ứng dụng. Đến thăm Hội quán Di sản, người viết được chiêm ngưỡng hàng nghìn tác phẩm thủ công mỹ nghệ tái hiện những di sản vật thể của nước ta, trong đó có rất nhiều phiên bản thu nhỏ những kiệt tác Phật giáo như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm, mô-típ đôi rồng chầu thành hình lá đề, tượng Quán Thế Âm Chuẩn Đề, Thiên Thủ Thiên Nhãn, Quan Âm Tống Tử, tòa Cửu Long…
Bình cam lồ đã mất?
Cũng trong không gian Hội quán Di sản, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng giới thiệu cho tôi xem nhiều phiên bản tượng Phật Bà chùa Hương với kích thước thu nhỏ chỉ từ 10 – 15cm, nhưng được tạo tác đường nét tỉ mỉ công phu đúng như hiện vật gốc. Báu vật nổi tiếng nhất ở động Hương Tích – quần thể danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội), được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khảo cổ đề cập đến nhất chính là pho tượng Quán Thế Âm bằng chất liệu đá xanh. Tượng do võ quan Nguyễn Huy Nhật cho tạc vào thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1793) để tiến cúng.
Tượng có dáng người thon, mặt trái xoan “kim diện mãn nguyệt”, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ Tỳ-lư, sau lưng có hai lọn tóc buông xuống, y áo được tạo hình mềm mại sống động. Điểm đặc sắc của pho tượng này là phần mão (mũ) được tạo tác cầu kỳ, nhất là ở phần búi tóc với nét đặc trưng không tìm thấy ở bất cứ pho tượng nào khác. Tượng ngồi trên một bệ đá ma nhai. Chân trái đặt lên đóa sen nở, chân phải co lên, dáng ngồi ung dung tự tại. Tay phải tượng Phật Bà cầm viên ngọc Như ý. Chi tiết hoa sen, lá sen được điêu khắc mềm mại, như có gió lay động. Theo giới mỹ thuật nhận định, pho tượng này đẹp về phong cách tạo tác, đậm nét Phật giáo, linh thiêng nhất trong số các pho tượng tại các thạch động cổ Việt Nam.
Tôn tượng Phật Bà chùa Hương
Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng cho biết vào năm 2018, ông được Thượng tọa Thích Minh Hiền mời đến Hương Sơn khảo sát pho tượng Phật Bà chùa Hương để đặt làm một số lượng lớn phiên bản tượng này làm quà lưu niệm tặng cho khách trong dịp Quần thể thắng tích Hương Sơn nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt. Khi ấy, nhà chùa tạm di dời các pho tượng khác và đồ thờ ra khỏi gian Tam bảo động Hương Tích để anh Trần Thanh Tùng chụp ảnh tổng thể tượng Phật Bà. Khi đứng quan sát bốn phía bảo tượng, anh Tùng thấy trên mặt phẳng vuông đá tạo tác phía sau tay trái của tượng có lỗ sâu xuống khoảng 3cm. “Tôi hỏi Thượng tọa Thích Minh Hiền rằng người xưa đặt vật gì phía trên bàn đá ấy, thì thầy bảo rằng: ‘Tôi ở đây mấy chục năm, thấy chỗ này chẳng có gì. Có lẽ người xưa tạc cuốn kinh Phật trên đó chăng?’ Chế tác các phiên bản tượng, anh cứ khắc cho tôi ở vị trí đó hình ảnh cuốn kinh Phật!”, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng nói.
Đôi chân đèn trúc hóa long – Ảnh: Trần Thanh Tùng
Sau khi lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương qua đi, quan sát các phiên bản tượng có cuốn sách kinh và ngẫm nghĩ lại, ông Tùng thấy đặt cuốn kinh vào vị trí ấy là bất hợp lý. “Người xưa chế tác chỗ đó là cuốn kinh thì không việc gì phải đục lỗ mộng, thay vì tạo tác trên đá hình cuốn kinh là xong. Tôi đoán rằng, chỗ lỗ mộng ấy, người xưa đặt bình cam lộ. Hình ảnh bình cam lộ xuất hiện nhiều trong các tác phẩm điêu khắc tượng Quán Thế Âm, Quan Âm Tống Tử. Do khi làm tượng, tất cả đá đều phải xẻ chéo thì mới chạm khắc được, vì thế không thể tiện trực tiếp lên tác phẩm chiếc bình hình trụ tròn được, mà bắt buộc phải làm bình cam lộ rời. Rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá thời xưa không được tạo từ một khối đá, mà làm những kết cấu rời lắp vào. Ngay cả pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích cũng không phải nguyên khối mà được tạo tác thành 3 thớt có lỗ mộng lắp chồng lên nhau”, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng phân tích.
Theo ông Tùng, quan sát thấy về mặt tạo hình, tác phẩm bị lệch sang phía bên tay phải tượng. Ở vị trí này, thế tay tượng cao hơn, trong khi tay phía bên kia thấp hơn. Người xưa rất tinh tế khi đưa bình cam lộ đặt phía sau bên trên tay trái của tượng để tạo thế thăng bằng về mặt thị giác.
Bảo vật độc nhất vô nhị
Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng kể, trong quá trình chụp ảnh và quan sát bảo tượng Quán Âm, vô tình anh nhìn thấy 2 hiện vật bằng đá được cất dưới gầm Tam bảo của động Hương Tích, đó là đôi chân đèn được tạo hình trúc hóa long rất tinh xảo. Sau khi phát hiện, anh Tùng bèn bê đôi chân đèn này lên để chụp ảnh rồi cất vào chỗ cũ.
Mỗi tác phẩm chân đèn đá nặng khoảng 70kg, cao 78cm, rộng 28cm. Theo quan sát, đôi chân đèn này cũng được làm từ chất liệu đá xanh giống như bảo tượng Quán Thế Âm; vì vậy, có thể khẳng định được hai hiện vật được tạo tác cùng thời, thậm chí do một nhóm thợ làm. Các đường hoa văn trên chân đèn được khắc rất mềm mại, các chi tiết rất tinh xảo, ăn nhập với nhau. Đặc biệt, đôi chân đèn đá này còn độc đáo ở chỗ đối xứng nhưng không đăng đối. Theo nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, mô-típ trúc hóa long xuất hiện nhiều ở thời Lê trung hưng, thời Tây Sơn, nhưng kiểu cách tạo hình ở tác phẩm chân đèn đá động Hương Tích lại không trùng lặp với bất cứ đâu. Từ trước tới nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, di sản, khảo cổ từng nêu lên giá trị của pho tượng Phật Bà chùa Hương, nhưng chưa từng ai đề cập đến đôi chân đèn đá này.
Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng và phiên bản Phật Bà chùa Hương – Ảnh: C.M.K
Theo phỏng đoán của anh Tùng, ngoài pho tượng Phật Bà và 2 tác phẩm đá trúc hóa long, có thể còn có lư hương đá được tạo tác cùng thời điểm. Hai chân đèn đá hai bên, lư hương ở giữa được bài trí thành một hàng ngang phía trước tượng Phật Bà. Thông thường với các pho thuộc loại tượng tròn, người thợ thường chỉ tạc kỹ phía trước, nơi người lễ Phật nhìn vào; còn ở phía sau, người đi lễ không nhìn thấy lưng tượng, thì sẽ chạm khắc sơ sài, đơn giản hơn. Quan sát bốn phía của tượng Phật Bà chùa Hương, tất cả các họa tiết đều được chạm khắc tỉ mỉ công phu cho ta cái nhìn tứ diện, khớp với phong cách Tây Sơn ở chùa Tây Phương là tạo tượng tứ diện và tượng thường mang tính truyền thần như người thật. Điều này có thể đưa ra giả định, xưa kia tượng Phật Bà chùa Hương được đặt tọa lạc ở vị trí độc lập, trên ban thờ đó không có pho tượng nào khác, và người đến lễ có thể đi xung quanh ban thờ để chiêm bái cả phía sau pho tượng.
Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng giả thuyết tượng Phật Bà cùng với đôi chân đèn được người xưa bày độc lập trên một ban thờ có lẽ không đúng. Tam bảo động Hương Tích đã được lập nên từ thế kỷ XVI – XVII, với nhiều tượng Phật. Đến thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai, võ quan Nguyễn Huy Nhật tiến cúng bảo tượng Phật Bà cùng với một số đồ thờ bằng đá, được chư Tăng thời kỳ đó đưa lên Tam bảo. Việc tượng Phật Bà được tạo tác kỹ lưỡng có lẽ chỉ thể hiện sự thành tâm, tâm huyết của người tiến cúng và những người thợ; cũng vì thế đã tạo nên một kiệt tác, bảo vật cho muôn đời chiêm bái.
Tác giả: Chu Minh Khôi, đăng trên báo Giác Ngộ ra ngày 31.03.2021