Đức Thánh Trần với phong trào văn thân yêu nước Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục 02/11/2017

Tạp chí “Xưa & Nay” số 287 tháng 7 – 2007 có bài giới thiệu việc phát hiện ở Nghệ An một tài liệu Hán Nôm quý – bộ ván khắc “Trần Đại vương Chính kinh”. Tác giả bài biết cho biết bản kinh này vốn được thờ ở đền Ngọc Sơn Hà Nội, cụ Trần Khắc Hinh lặn lội từ Nghệ An ra thỉnh về, tổ chức khắc in dưới đời vua Bảo Đại, năm 1943. Từ năm 1997 chúng tôi đã phát hiện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội 4 sách chữ Hán có khắc bài “Chính kinh” của Đức Thánh Trần. Để bạn đọc quan tâm có thể đối chiếu với bản mới phát hiện tại Nghệ An chúng tôi xin giới thiệu văn “Chính kinh” trong sách “Trần triều hiền thánh Chính kinh tập biên” do đền Ngọc Sơn khắc in năm 1900, hiện lưu trữ với ký hiệu A. 2382 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.

Tục thờ Đức Thánh Trần thuộc Đạo giáo dân gian Việt Nam (gọi là “Nội đạo”, tức “Đạo bên trong”, đạo của dân tộc, không phải từ ngoài du nhập vào) luôn song hành cùng tục thờ Mẫu Liễu Hạnh. “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ” (1) – riêng câu thành ngữ này đã cho thấy ảnh hưởng vô cùng to lớn của tín ngưỡng ấy trong tâm linh quảng đại quần chúng người Việt. Nội đạo rất đa dạng và phức tạp, có cả những yếu tố thần bí và mê ítn. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ đề cập khía cạnh đặc biệt trong việc thờ cúng Đức Thánh Trần ở đền Ngọc Sơn, sau đó lan nhanh ra khắp các địa phương.

Một số tác giả viết về đền Ngọc Sơn cho rằng Trần Hưng Đạo được thờ trong đền này ngay từ khi sáng lập hay cùng lắm chỉ “một thời gian sau”, nhưng họ không đưa ra được bất cứ căn cứ nào. Chúng tôi khẳng định rằng trước năm 1887 không hề có hiện tượng thờ cúng Đức Thánh Thần trong đền Ngọc Sơn vì:

Hội Hướng Thiện chia làm 3 phả ngay sau khi Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872 và quân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1873. Vậy việc phụng thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn sớm nhất cũng chỉ cố thể bắt đầu từ thời điểm đó.

 

– Những người sáng lập hội Hướng Thiện ở Đền Ngọc Sơn rất chú trọng đề tài về các anh hùng cứu quốc, vậy mà Vũ Tông Phan (mất năm 1851), Lê Duy Trung (mất năm 1863) Nguyễn Văn Lý (mất năm 1868) và Nguyễn Văn Siêu (mất năm 1872) không viết chữ nào về việc phụng thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn;

– Trong sách “Les pagodes de Hanoi”, xuất bản năm 1887, G. Dumoutier miêu tả khá kỹ đền Ngọc Sơn, chỉ nói đến Quan Đế và Văn Xương, không hề nhắc tới Trần Hưng Đạo (2), mà nếu có thờ ở đây thì chắc chắn ông đã viết vì vốn quan tâm lịch sử Việt Nam.

Như vậy việc thờ Đức Thánh Trần trong đền Ngọc Sơn chỉ xuất hiện sớm nhất là cùng với sự ra đời của phả An Lạc mang tên quê hương Ngài. Trong đền hiện còn treo câu đối của Phó trưởng môn Hồ Đình hoàng giáp Lê Dình Diên. Lạc khoản vế thứ nhất ghi: “Tháng giữa hè năm Ất Hợi (1875) triều Tự Đức, nguyên Đốc học Hà Nội Lê Cúc Linh soạn”; lạc khoản vế thứ hai ghi: “Ngọc Sơn Lạc Thiện phả cung tiến”. Đã có phả Lạc Thiện, đương nhiên có hai phả kia: Tập Thiện và An Lạc. Như vậy có lẽ hội Hướng Thiện chia làm 3 phả ngay sau khi Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872 và quân Pháp đánh thành Hà Nội 1873. Vậy việc phụng thờ Đức Thánh Thần trong đền Ngọc Sơn sớm nhất cũng chí có thể bắt đầu từ thời điểm đó. Khoảng từ thời gian đó bắt đầu việc lập đàn Thiện ngồi đồng để cầu xin thần thánh giáng bút, gọi là “phù kê”. “Phù kê” có từ xưa, nhưng nay có hai điều kỳ lạ: một là, chư vị thần thánh giáng bút đều là người Việt, nhiều nhất là Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh (dẫu có khi giáng bút bằng chữ Hán), và hai là, các bài kinh thường thấm đậm đạo lý cổ truyền, răn dạy đệ tử và chúng sinh giữ đạo “nhân nghĩa” và lòng “trung hiếu”.

Trong nhiều tập kinh “giáng bút” hiện lưu trữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội chúng tôi đã tìm thấy trong 4 sách bài “Chính kinh” hoặc “Chân kinh” do Đức Thánh Trần “giáng bút”, khắc in các năm 1894, 1900, 1904 và 1909 tại các đền Ngọc Sơn và Hà Yên (Hà Nội) và một số đền khác ở Nam Định, Hải Dương. Ở một trong 4 sách đó có lời Tựa và Phàm lệ giải thích rõ bài kinh này được Đức Thánh Trần “giáng bút” (bằng chữ Hán, sau mới được diễn Nôm, ngày Rằm tháng 11 năm Tân Mão (1891) đời vua Thành Thái ở đền thợ vọng Hà Lạc (Hà Nội) – Trúc Lạc phố, ở trên bờ hồ Tây (3).

Để quảng bá “Chính kinh” và các bài kinh tương tự của chư vị thần thánh dân tộc, ví dụ “Chân kinh” của Liễu Hạnh, “Chính kinh” của Phạm Ngũ Lão… người ta dựng thêm các đền thờ Trần Hưng Đạo ở nội ngoại thành Hà Nội và các địa phương. Căn cứ sáchĐại Nam thần lục, biên soạn khoảng giữa đời Tự Đức, đến giữa thế kỷ XIX trong cả nước chỉ có 27 đền thờ Trần Hưng Đạo: Nam Định – 15, Hải Dương – 4, Quảng Yên – 4, Bắc Ninh – 4, Hà Nội (bao gồm cả đất Hà Nam ngày nay) (4). Vậy mà theo sách Hà thành thần sắc, biên soạn năm 1909, ở riêng các phố thôn nội thành Hà Nội, tính cả đền Ngọc Sơn và 2 ngôi đền Hà Lạc và Hà Yên (đến 1909 chưa có sắc phong, chứng tỏ cũng mới xuất hiện) đã có tổng cộng 7 ngôi đền thờ Ngài (5). Đó là chưa kể nhiềuđiện thờ tại tư gia ở những phố đông dân mà sách báo có nhắc đến. Riêng tại đền Ngọc Sơn, để việc giảng kinh tiến hành được thuận lợi, theo bia hiện còn gắn trên tường, nhan đề “Tu bổ Ngọc Sơn từ bi ký”, năm Thành Thái thứ 15, tức 1903, phả An Lạc đã xây thêm một đàn giảng kinh mang tên “Hoằng Thiện kinh đàn”, vị trí ở bên trái gian chính điện (nay đã bị chiếm dụng làm nơi bán đồ lưu niệm). Tấm bia này có thể minh chứng cho mấy điểm sau đây:

– Trong số phả viên An Lạc có con cháu và môn sinh các vị sáng lập hội Hướng Thiện, tức là họ vẫn nối tiếp sự nghiệp của cha ông và thày học: Vũ Cư (đích tôn của Vũ Tông Phan), Bùi Ngọc Đường, Bùi Huy Tấn (cháu họ của Bùi Huy Tùng), Vũ Cẩn và Vũ Hán Bích (con cháu Vũ Đức Quang), Nguyễn Huy Liên (cháu Nguyễn Huy Đức), Hoàng Đạo Thành (môn sinh Nguyễn Văn Siêu), Nguyễn Duy Nhiếp (con Nguyễn Trọng Hợp)…

– Mối quan hệ mật thiết của các phả Thiện đền Ngọc Sơn với Đông Kinh Nghĩa Thục: cùng với họ tên các phả viên đóng góp tiền công đức, có khắc tên của hai yếu nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục sau này là cử nhân Lương Văn Can và hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền.

Chính nhân tố này đã thúc đẩy các phả Thiện Ngọc Sơn nhanh chóng dấn thân, chuyển từ “tàng” sang “hành” với “Vụ đền Ngọc Sơn” nổi tiếng tháng 3 năm Bính Ngọ (1906), tiếp ngay là vụ diễn thuyết Rằm tháng Giêng năm sau, 1907, của hai “cậu Cử” Lương Trúc Đàm và Dương Bá Trạc, cổ động cho công cuộc duy tân và mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đều bị cảnh binh Pháp ập đến vây bắt. Chúng tôi cho rằng hội viên của 3 phả Thiện Ngọc Sơn chắc hẳn đã trở thành một lực lượng đáng kể triển khai hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục chẳng những ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương, bởi vì trên bia nói trên có khắc tên một số phả viên An Lạc từ Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây.

Một điểm càng thú vị nữa là trên tấm bia công đức của phả An Lạc còn khắc tên của một loạt các vị quan đương chức trong triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ, trong đó nhân vật rất đáng chú ý là Tuần phủ Bắc Ninh Đoàn Triển (1854 – 1919, đỗ cử nhân năm 1886), sau còn thăng đến Tổng Đốc Bắc Ninh và Nam Định. Về tư tưởng duy tân gióa dục của Đoàn Triển, theo một tấm bia mới phát hiện năm 2001 ở làng Hữu Thanh Oai huyện Thanh Trì – Hà Nội Tuần phủ Đoàn Triển đã tự bỏ tiền, ruộng của mình ra để lập tại đây từ năm 1906 một trường dạy chữ quốc ngữ và những môn học theo học quy mới mà chính ông đã kiến nghị. Ông cùng một vị quan lớn khác là Tổng đốc Bắc Ninh phó bảng Phạm Văn Thụ thường đứng tên với một số Nho sĩ như Phạm Huy Hổ, Ngô Giáp Đậu, Hoàng Đạo Thành biên soạn “tân thư” cho nền tiểu học và trung học mới. Có lẽ phải nghiên cứu kỹ hơn về liên hệ tư tưởng và những quan hệ thực tế khác nhau (người chống phá, người ngấm ngầm ủng hộ) của các ông quan thời kỳ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX với phong trào văn thân yêu nước, bởi dẫu sao họ vẫn cùng một hệ tư tưởng Nho giáo và cùng một lò đào tạo.

Chẳng phải ngẫu nhiên Thống sứ Bắc kỳ gửi thông tư “Mật” cho Công sức các tỉnh  chỉ thị cho biết ngay về các đền miếu có giảng “Thiện thư”, lại đặc cách ghi chí các Đền Ngọc Sơn, Quán Thánh với những hội có “sáng lập viên” (?) là Nguyễn Thượng Hiền, Đào Nguyên Phổ, Cử Can… Ông ta bắt đầu đánh hơi thấy mối quan hệ của các đàn giảng kinh “giáng bút” của chư vị thần thánh Việt Nam với phong trào văn thân yêu nước. Giá như mà tìm được “sổ đen” của mật thám Pháp thời ấy để đối chiếu với danh sách các phả viên trên các bia trong đền thì có thể thấy rõ hơn.

(Xem “Bài văn chính kinh” ở trang sau).

Chú thích

1) Trần Hưng Đạo mất 20 – 8 âm lịch. Liễu Hạnh mất mồng 6 – 3 âm lịch.

2) Dumoutier G. – Les pagodes de Hanoi. – nxb F. H. Schneider, 1887.

3) Trần triều hiển thánh Chính kinh tập biên. (Thành Thái canh tý [1900] trọng xuân thuyên) – Viện nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu A. 2382.

4) Đại Nam thần lục – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu A. 2913 (xin lưu ý: sách: Hán Nôm thư mục đề yếu ghi nhầm ký hiệu).

5) Hà thành thần sắc – Viện nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu: A. 840/1 – 8.

6) Tảo Trang (Vũ Tuân Sáu) – Hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn – Tạp chí Hám Nôm số 4 – 1997.

Tác giả bài viết: Vũ Thế Khôi, Xưa & Nay, số 321, 12 – 2008, tr 13

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?