Giải mã giá trị nổi bật bảo vật Quốc gia – tượng A di đà 04/06/2017

Bức tượng Phật A Di Đà hiện đang được lưu giữ tại Chùa Phật Tích – Bắc Ninh được coi là một tuyệt tác về điêu khắc tượng tại Việt Nam. Bức tượng Phật A Di Đà thời nhà Lý còn có biệt danh là “Pho tượng Phật xưa nhất được xác định niên đại”. Theo văn bia Vạn Phúc thiền tự bi thì năm 1057, vua Lý cho xây dựng chùa và dựng một ngọn tháp cao trên núi Lạn Kha, bên trong đặt pho tượng Phật cao sáu thước.Theo đơn vị đo lường là mét thì pho tượng này cao 1,86 m; thêm phần bệ thì đạt 2,69 m. Tượng xưa thếp vàng nhưng trải qua nhiều năm tháng, ngọn tháp đổ bị đổ, dân tìm được pho tượng đã tróc lớp vàng, lộ lõi bằng đá. Chính sự phát hiện này mà tên ngôi làng tìm thấy bức tượng được đổi thành Phật Tích. Vào những năm 1940, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Phật Tích bị đốt, toàn cảnh bị tàn phá nặng và pho tượng Phật A Di Đà cũng bị hư hại do súng đạn bắn vào, gãy phần đầu và cổ . Các cụ cao niên trong làng Phật Tích kể rằng: lính Pháp từng dùng tác phẩm nghệ thuật vĩ đại này làm bia. Chúng đứng từ phía sông Đuống mà bắn vào, làm rụng đầu và vỡ ngực tượng. Sau đó, một cụ già trong làng đã đem đầu tượng về cất giấu. Khi hòa bình lập lại, cụ đem nộp cho chính quyền địa phương để gắn vào tượng. Hiện nay, bức tượng này vẫn được thờ tại Thượng điện chùa Phật Tích. Bên cạnh đó còn có hai phiên bản đúc lại vào thập niên 1950 và 1960 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng được công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 10 năm 2012. Không chỉ là một hiện vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, tượng Phật A Di Đà thời Lý được coi là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo – một chuẩn mực về điêu khắc tượng tại Việt Nam xưa và nay.

Tác phẩm chia thành 2 phần rõ rệt: Phật A Di Đà và bệ đá tòa sen: Phần Tượng được thể hiện ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ xuống phủ kín hai chân. Mình tượng thanh mảnh, ngồi hơi dướn về phía trước, trông rất uyển chuyển, nhưng lại vững vàng. Khuôn mặt A Di Đà dịu hiền, phúc hậu có cái đẹp lý tưởng của nữ giới: khuôn trăng đầy đặn, hàng lông mi mảnh nhỏ cong thanh tú, được diễn tả bằng một nét liền mềm mại. Đôi mắt phượng lim dim, cổ thanh, cao ba ngấn. Phật A Di Đà ngồi trên bệ đá tòa sen, nên cái đẹp vốn có của pho tượng lại được nhân lên bởi phần bệ đá được trang trí hoàn mỹ. Bệ sen là một đóa hoa nở rộ với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng theo lối đục nông, mỏng, trái lại bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt, với phong cách chạm nổi. Mặt bên của cả hai tầng đều có nhiều hình rồng giỡn đuôi nhau, trên một dây mây lửa. Nói về giá trị nghệ thuật của bức tượng, nhà nghiên cứu Thái Bá Vân cho rằng: Tượng A Di Đà có tư cách đại diện cho một nền nghệ thuật lớn, nền nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Bức tượng đã đạt tới độ chín của một phong cách. Độ chín, sự cổ điển của Bảo vật quốc gia này được thể hiện qua đường viền trong trẻo, khớp kín, như không biết chỗ bắt đầu và chỗ kết thúc. Đường viền ấy gợi được khái niệm luân hồi trong biểu tượng và tạo được cái bóng hình trọn vẹn, yên ổn nơi cảm giác. “Đứng ở điểm nào cũng có thể ôm choán được khối hình toàn thể. Đó là chỉ tiêu của mọi nền điêu khắc cổ điển trên thế giới”. Theo hồ sơ về Bảo vật Quốc gia hiện được lưu giữ tại Cục Văn hóa cơ sở – Bộ VHTTDL thì: Tượng Phật A Di Đà được tạc từ đá xanh nguyên khối. Có kích thước: cao: 2,1m; rộng: 2,87 cm , bệ tượng cao: 0,80m, chu vi bệ: 5,92m. Niên đại: Thế kỷ XI. Giá trị tiêu biểu: Tượng Phật A – Di – Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Tiếu tượng và hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung. Với đường nét tinh xảo và mềm mại, tỉ mỉ và sống động bức tượng này là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, là thông điệp của thời Lý để lại cho muôn đời sau. Với những giá trị đầy đủ về mặt tôn giáo, lịch sử và mỹ thuật như vậy, pho tượng Phật A Di Đà trở thành một trong những Bảo vật đáng tự hào của người dân Việt Nam. Bảo vật này cũng được sử dụng để làm mẫu trong việc dựng Đạt Phật tượng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm 2010

Chùa Phật Tích thuộc thôn Phượng Hoàng, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vào thời Lý, ngôi chùa được xây dựng hoàn chỉnh từ năm 1057 đến 1065, đây là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo lớn bậc nhất đương thời với “…cây tháp quý cao ngàn trượng, tạc pho tượng mình vàng cao 6 thước…”1. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, những dấu tích về kiến trúc và điêu khắc của ngôi chùa ngàn năm tuổi nay đã không còn nguyên vẹn. Cho đến nay, di vật có giá trị nhất còn được lưu giữ lại từ thời Lý là pho tượng Phật bằng đá. Bên cạnh những giá trị về mặt lịch sử, pho tượng còn được biết đến với những giá trị  về mặt tạo hình hết sức độc đáo. Đây là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở châu thổ Bắc Bộ Việt Nam.

Vào thời Lý (1009 – 1225), chùa Phật Tích có tên chữ là Vạn Phúc tự, dựng trên sườn núi Lạn Kha (còn có tên gọi là núi Tiên Du), ngôi chùa vừa là nơi thờ Phật để cầu chúc cho Hoàng gia, vừa là hành cung để vua nghỉ lại mỗi khi du ngoạn về quê hương. Thời vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) từ năm 1057 – 1065 dựng tòa tháp gạch trang trí (tượng tròn, phù điêu) bằng đá. Khi ngôi tháp bị đổ (khoảng thế kỷ XV), pho tượng bị vùi trong đống gạch vụn. Đến mãi cuối thời Hậu Lê (1676 -1705) khi dựng lại ngôi chùa trên núi Tiên Du, người ta mới tìm thấy pho tượng Phật. Đến năm 1816 thời vua Thiệu trị, ngôi chùa được trùng tu một lần nữa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn bộ khối kiến trúc ‘Nội công ngoại quốc’ của ngôi chùa dựng vào thời hậu Lê bị phá hủy hoàn toàn, pho tượng Phật bị gãy phần đầu, phần thân thì nham nhở vết đạn. Một người trong làng đã gìn giữ phần đầu của pho tượng, đến khi đất nước giải phóng, cụ đã mang gắn lại với phần thân tượng.

Hiện nay, pho tượng Phật được thờ trong tòa chính điện của chùa (được xây dựng năm 2009 – 2011) và đặt ở vị trí trung tâm của phần móng ngôi tháp (khai quật khảo cổ học năm 2008).

Dựa trên thống kê của những nhà nghiên cứu mỹ thuật trước đây thì ngoài pho tượng Phật ở chùa Phật Tích còn tìm thấy tượng Phật và bệ tượng mang phong cách điêu khắc và trang trí thời Lý ở chùa Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định); chùa Hoàng Xá (huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ); chùa Huỳnh Cung (huyện Thanh Trì, Hà Nội); bệ tượng chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ); mảnh vỡ phần bệ tượng được tìm thấy ở tháp Tường Long (Đồ Sơn, Hải Phòng).

Đã có tương đối nhiều tài liệu đề cập đến những vấn đề có liên quan đến pho tượng. Tuy nhiên, về tên gọi (Pháp hiệu Phật) thì mỗi nhà nghiên cứu đều có những kiến giải khác nhau. Cho đến nay, tên gọi Phật Adiđa là pháp hiệu phổ biến, quen thuộc nhất khi mọi người nhắc đến pho tượng này.

Pháp hiệu này được nhắc đến đầu tiên trong cuốn sách “Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam” (1944) và sách “Nghệ thuật Việt Nam” (1954) của học giả L. Bezacier khi ông tiến hành khai quật ngôi chùa khoảng năm (1937 – 1940) dựa vào vị trí đặt pho tượng. Tuy nhiên, cách bài trí tượng thờ khi ông đến khảo cứu và khai quật là Phật điện được xây dựng thuộc thời hậu Lê (thế kỷ XVII). Trước khi học giả người Pháp về khai quật khảo cổ ngôi chùa này, thì học giả Trần Trọng Kim đã đến đây tìm hiểu và gọi tên là tượng đức Phật Thế Tôn (tức Thích Ca Mâu Ni), cùng với kết quả nghiên cứu này còn có PGS. TS. Trần Lâm Biền.

Theo những nghiên cứu đã được công bố mới đây nhất thì pho tượng được thờ trong tháp chùa Phật Tích gọi tên là Đại Nhật Như Lai2. Ngài là chủ tôn được Kim Cang giới và Thai Tạng giới Mật Tông3 cùng tôn thờ. Mật Tông cho rằng: Đại Nhật Như Lai chính là pháp thân Phật “Tỳ Lô Giá Na”. Đại Nhật kinh sớ viết: Phạn âm Tỳ Lô Giá Na là tên gọi khác của chữ “Nhật” (tức từ bỏ tối tăm đem lại ánh sáng). Đại Nhật có nghĩa là chiếu sáng rõ hết thảy các nơi)4. Và điều này, có thể liên hệ đến tên húy “Nhật Tôn” của vua Lý Thánh Tông.

Tìm hiểu về sự tiếp nhận và phát triển của dòng Mật Tông thì trước thế kỷ XI, vào thời Đinh và tiền Lê, đồ tượng Mật Tông phát triển rất mạnh mẽ với việc các vua Đinh cho dựng hàng trăm “Kinh tràng”. Đến thời Lý (thế kỷ XI-XIII), nổi bật là đời vua Lý Thánh Tông khi ông cho xây dựng rất nhiều các chùa – tháp tại khu vực nội thành và ngoại thành Thăng Long. Trong đó ngôi tháp chùa Phật Tích có hình đồ của mô hình “Mandala vũ trụ”5 đây là một trong những đồ tượng đặc trưng của Mật Tông mà tôn thần tối cao trong tạo tượng Mật Tông là Tỳ Lô Giá Na Phật (Đại Nhật Như Lai).

Mật Tông rất chú trọng đến sự tướng, nên đưa một số lý luận Phật giáo thành hình tượng biểu đạt. Như “Chuyển thức thành trí” thuộc Phật giáo, Kim Cang giới dùng Tỳ Lô Phật làm chính yếu tạo ra Ngũ phương Phật (5 hướng) để biểu hiện mà hướng trung tâm là Đại Nhật Như Lai.

Về điều này, chúng ta cũng có thể liên hệ đến việc pho tượng được thờ trong tháp Phật Tích được đặt ở vị trí trung tâm (tầng khám) và ngôi tháp cửa mở ra 4 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc).

Trước khi đề cập đến những đặc điểm tạo hình chi tiết của phần thân tượng và bệ tượng, chúng tôi muốn giới thiệu về kết cấu tổng thể nguyên gốc ban đầu của pho tượng, để thuận tiện trong việc khảo cứu có tính hệ thống giữa những biểu tượng chứa đựng trong đó.

Hình dáng và kết cấu tổng thể của pho tượng Phật mà chúng ta đang chiêm bái và nhìn thấy hiện nay, không còn nguyên vẹn như khi pho tượng được tạc ra và thờ trong ngôi tháp thời Lý.

Điều này, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy khi so sánh với pho tượng Phật thờ trong tháp Chương Sơn chùa Ngô Xá (Ý Yên, Nam Định). Đây là pho tượng còn đầy đủ nhất về tính nguyên gốc của kết cấu điêu khắc tượng Phật thời Lý, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XII.

Xem xét về kết cấu hoàn chỉnh của tượng Phật thời Lý, thì bệ tượng chùa Phật Tích có hai vấn đề như sau:

Thứ nhất : tại khoảng tiếp nối giữa 3 giật cấp hình bát giác và tòa sen còn thiếu khối tròn chạm đôi sư tử ngậm ngọc (cao 29cm). Hiện nay, khối tròn này được trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng chùa Phật Tích (hiện vật này bị vỡ phần đầu của sư tử, bề mặt có sự phong hóa)

Thứ hai : phần đài sen mà pho tượng đang tọa thiền ở trên là sản phẩm được tạc lại vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Đài sen này ở phía dưới có ngọng chốt tròn và nó tương thích với lỗ mộng thuộc khối tròn chạm sư tử ngậm ngọc còn lại. Hiện nay trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng chùa Phật Tích (hiện vật này còn khá nguyên vẹn).

Nếu hai phần còn thiếu thuộc bệ tượng này được ghép nối lại vị trí ấy thì pho tượng sẽ mang tính nguyên bản ban đầu về kích thước và kết cấu (cao tổng khoảng 3m06). Đáng chú ý là phần bệ tượng sẽ mang hình ảnh của một Tu Di tòa10 hoàn chỉnh, mà chính biểu tượng này được mô tả, ghi chép và họa đồ trong các kinh sách Phật giáo.

Phần Tu Di tòa có bình đồ hình bát giác (8 cạnh) chiều cao nguyên bản khoảng 1m19, gồm 4 phần :

– Phần thứ nhất: Tầng dưới cùng chạm lớp sóng nước (tượng trưng cho biển “bát hải” và núi kim sơn (6 lớp). Đặc điểm tạo hình sóng nước và núi có tính cách điệu cao, từng lớp trước sau trùng điệp. Trên thực tế thì số lượng lớp sóng nước và núi ở bệ tượng là chưa đủ so với “bảy Hương Hải và bảy Kim Sơn” hay “Cửu sơn bát hải” như kinh sách đã mô tả. Theo đó, ta có thể hiểu là núi Tu Di và những núi khác vây quanh ở bệ tượng này mang hàm ý tượng trưng.

– Phần thứ hai: là 3 giật cấp hình bát giác, mỗi mặt của giật cấp là hình chữ nhật trong đó chạm đồ án rồng ngậm ngọc nối nhau vây quanh, dưới bề mặt chạm các hoa dây (sen, cúc, mẫu đơn) uốn theo dạng hình sin vận động nối tiếp không ngừng. Sự kết hợp của biểu tượng rồng – hoa là rất phổ biến trong trang trí thời Lý, hai đồ án này thường được đặt cạnh nhau ở tất cả các vị trí trên kiến trúc và điêu khắc. Hình tượng rồng có mặt trong nghệ thuật Phật giáo cổ  ở các nước Đông Nam Á là rất sớm và đa dạng. Tuy nhiên, hai hình tượng này được chạm trong Tu Di tòa pho tượng Phật Tích là một hiện tượng hết sức độc đáo, ít bắt gặp trong đồ tượng Phật giáo ở các nước Đông Nam Á.

Chúng ta có thể giải thích rằng, để phát triển lên hình tượng rồng có trên bệ tượng Phật thì đây là một quá trình vận động, tiếp thu về mặt tín ngưỡng thờ loài vật tổ được trong văn hóa cổ của người Việt và tư tưởng Phật giáo trong thời Đại Việt tự chủ. Thời Lý và thời Trần các vua rất tôn thờ và lấy đó làm loài vật biểu trưng cho mình. Rồng có mặt trên bệ tượng Phật thể hiện sự quy y Phật.

Rồng và hoa được chạm ở 3 giật cấp ở trên núi Tu Di rất có thể là sự mô tả về các tầng không gian “tầng tam giới”.

Chúng ta cũng thấy được ở các kiến trúc tháp Phật (tháp thờ, hay tháp mô hình) cũng đều được dựng trên 3 tầng cấp này. Ở chùa Phật Tích chúng tôi cũng tìm thấy một mô hình Tu Di tòa nhưng núi Tu Di lại được dựng trên 3 tầng giất cấp hay một mô hình tương tự cũng được tìm thấy ở Kim Mã (thành Thăng Long) thì trên núi Tu Di là 2 con Rồng quấn quanh.11

– Phần thứ ba: là khối tròn chạm đôi sư tử tranh ngọc đỡ đài sen (cao 29cm). Hình tượng sư tử được chạm ở bệ tượng là đặc điểm rất phổ biến trong quy thức tạo tượng thời Lý. Đây là loài vật biểu trưng cho sức mạnh để trợ lực Phật, hiện tượng này chúng ta cũng liên hệ với các loài vật biểu trưng của các hệ thần trong điêu khắc Champa.

– Phần thứ tư: là tòa sen với 3 lớp cánh (tòa sen ngày nay ta thấy được làm lại vào thời Hậu Lê thuộc thế kỷ XVII, để thay cho tòa sen của thời Lý mà trước đó đã bị vỡ). Mặc dù, được tạc ra vào giai đoạn sau nhưng về đặc điểm tạo hình vẫn mô phỏng theo nguyên tác của tòa sen thời Lý. Ở trong mỗi lớp cánh sen lớn được chạm nội tiếp đôi rồng ngậm ngọc uốn khúc tựa hình lá đề, đồ án này vẫn có các hoa văn sóng nước và núi đan xen.

Khi chúng tôi khảo cứu những đồ án trang trí của một số bệ tượng (Tu Di tòa) khác thuộc thời Lý thì chỉ còn lại duy nhất pho tượng chùa Ngô Xá là còn nguyên vẹn giống với tượng Phật chùa Phật Tích. Còn lại một số bệ tượng chùa Hoàng Xá, Huỳnh Cung, bệ tượng chùa Thầy… đã không còn biểu thị tính trọn vẹn của một tòa Tu Di hoàn chỉnh. Ở các bệ tượng này, không có hình ảnh đan xen trùng lặp của sóng nước và núi, các giật cấp và tòa sen cũng để thô trơn nhẵn không trang trí. Mặt khác, ở các bệ tượng kể trên bên cạnh việc để trơn bề mặt đá thì các đường nét của các dải ô và giật cấp cũng không được chải chuốt và tinh sảo. Như vậy vào giai đoạn cuối thời Lý đã xuất hiện những sự tự do nhất định trong ý thức và quan niệm tạo hình. Hiện tượng này, chúng ta có thể nhận thấy được là tại các ngôi chùa càng xa trung tâm Phật giáo lớn và ít được triều đình chú ý thì các người thợ điêu khắc cũng dần xa rời việc áp dụng các kinh tạng Phật giáo trong quy thức tạo tượng. Đến các giai đoạn nghệ thuât sau này như thời Trần và thời Mạc hay muộn hơn nữa là thời Hậu Lê thì bệ tượng dần có sự giản hóa có khi chỉ là mô hình thu nhỏ lại của chân tháp Phật hay đài sen đơn thuần. Hiện tượng này, cũng dễ hiểu bởi lúc này núi Tu Di đã được thẻ hiện dưới một điệp thức biểu tượng “hoa sen” (Nhất hoa nhất thế giới).

Đặt trên Tu Di tòa là tượng Đức Phật (chất liệu đá xanh nguyên khối, cao 1m87, rộng đùi 1m40) tọa thiền định kiểu kiết già, tay kết ấn Tam Muội, thân tượng hướng hơi nghiêng về phía trước. Tạo hình cân đối giữa phần thân và đầu tượng theo sát tỷ lệ “tọa tứ lập thất” (đầu chiếm 1/4 thân ngồi và chiếm 1/7 thân đứng) tượng có dáng dấp trẻ tuổi và thanh thoát. Pho tượng toát lên một vẻ đẹp nữ tính đầy viên mãn và huyền bí. Đầu tượng có Nhục kế (Ushnisha), búi tóc nổi cao dạng bát úp. Tượng mặc pháp y hai lớp, bên ngoài thân được vận thêm một lớp áo mỏng (phủ từ vai ra phía sau lưng) các nếp áo chạy lan tỏa theo thân thể xuống đùi ôm sát thân, biểu lộ phần khối thân mềm mại theo phong cách điêu khắc của trường phái “Gandhara”.

Trước đây, tượng được phủ mình vàng óng ả, chất liệu sang quý này càng làm cho hình tượng Đức Giáo Chủ mang tính siêu linh huyễn hoặc hơn. Kiểu thức tạo nếp áo những dải song song chạy lan tỏa này, mang đậm ảnh hưởng của phong cách tạo tượng truyền thống Ấn Độ rất rõ nét. Nhưng xét vào bối cảnh lịch sử tư tưởng và nghệ thuật Phật giáo thời Đại Việt thì pho tượng chùa Phật Tích lại phản ánh những dấu ấn tạo hình gần gũi hơn với phong cách tạc tượng thời Đường (thế kỷ VII – IX, Trung Quốc). Điều này, ít nhiều được thể hiện qua hình thể với những mảng khối phẳng dẹt mềm mại của thân hình và sự uyển chuyển nhịp điệu đều đặn của đường nét là các nếp áo chạy lan tỏa xung quanh.

Ở vẻ đẹp của thân tượng chúng ta cũng nhận thấy những nét tương đồng với phong cách tạo tượng Champa đương thời, trong thể tướng thanh thoát, bờ vai nở, bụng thon mềm mại. Đây là hình mẫu của vẻ đẹp đã được lý tưởng hóa. Mặc dù tiếp thu mạnh mẽ những nét tạo hình của điêu khắc thời Đường (Trung Quốc) và Champa. Nhưng về cách thức mặc vận Pháp y, dựa vào chi tiết nút thắt áo (lớp trong) ở phần bụng và phía sau lưng của pho tượng chúng tôi nhận thấy, đây là một nét tạo hình đặc trưng riêng biệt của điêu khắc Đại Việt. Bên cạnh đó, chi tiết nhỏ này, cũng tạo nên nét độc đáo mà ở các tượng Phật cùng thời với tượng chùa Phật Tích không có.

Với các phong cách tượng muộn hơn (ở Bắc Bộ) như ở thời Mạc (thế kỷ XVI) và thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII) tuy kế thừa mạnh mẽ những đặc điểm tạo hình của tượng Phật thời Lý nhưng những chi tiết ấy đã có sự giản hóa về đường nét hoặc tiêu biến hẳn. Các pho tượng cuối thời Lý hoặc đến thời Mạc thì về mặt nhân dạng và trang phục thì phong cách cũng dần hiện thực hóa hơn. Điều này càng cho thấy pho tượng chùa Phật Tích mang giá trị nghệ thuật độc đáo mà các nhà nghiên cứu mỹ thuật thường lấy điểm rơi cho phong cách điêu khắc thời Lý là phong cách Phật Tích.

Qua bài viết, chúng tôi đã giới thiệu một cách khái quát về ngôi chùa và khảo cứu chi tiết về những vấn đề xoay quanh pho tượng Phật chùa Phật Tích. Hình tượng núi Tu Di là núi trung tâm của thế giới đa tầng (Mandala). Như vậy, chúng ta hiểu được là bệ tượng (Tu Di tòa) của pho tượng Đại Nhật Như Lai được đặt ở trung tâm cùa ngôi tháp (được khai quật năm 2008). Pho tượng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của điêu khắc thời Lý phản ánh sự tiếp nhận tương đồng giữa Phật giáo Đại Việt với các nước Đông Á trong bối cảnh phát triển chung của lịch sử nghệ thuật. Như PGS. Nguyễn Du Chi đã viết “Trung tâm của của các chùa thời Lý thường là các tháp tượng trưng cho núi thiêng Meru (Tu Di) bao quanh là những công trình bố trí theo đồ án hình vuông tượng trưng cho bốn đại dương trong thế giới”14. Không… riêng gì các chùa tháp thời Lý (thế kỷ XI – XIII) ở Việt Nam mà trước đó tại rất nhiều nơi ở các nước Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Lào, Việt Nam…) nơi dựng đền, tháp, tượng… thường chiếm vị trí trung tâm của ngôi chùa, ngôi đền. (st)

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/mon-qua-chu-tich-nuoc-tang-nha-vua-va-hoang-hau-nhat-ban-3548991.html

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?