Am tường nhạc Tây hơn nhạc Việt, nhớ ngày kỷ niệm của quốc tế hơn những ngày lễ cổ truyền, chủ động tìm tòi văn hóa nước ngoài nhưng lại ngại tiếp xúc văn hóa truyền thống… Xem ra, thanh thiếu niên hiện nay đang ngày càng xa rời bản sắc dân tộc. Thở dài trách giới trẻ “mất gốc”, nhưng lỗi là hoàn toàn do bản thân họ?
Em chịu thôi!
Hình ảnh cô bé trong liên hoan ca trù toàn quốc như thế này thật là hiếm thấy!
Bật tivi, thấy phim Hàn, phim Trung, mở Internet thấy toàn game online như “Võ Lâm truyền kỳ”, “Lưu tinh hồ điệp kiếm”… đặc sệt Trung Hoa. Ra hiệu sách, thấy toàn truyện tranh Nhật Bản. Ở ngoài đường cũng chẳng khó để tìm ra những nhóm nhảy hiphop, chơi skateboard, khiêu vũ… Trong khi đó, những nơi biểu diễn giới thiệu văn hóa cổ truyền chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là ở những trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tính tỉ lệ các chương trình của Việt Nam, thì mục văn hóa dân tộc, các hoạt động quảng bá nghệ thuật truyền thống cũng quá ít. Sống trong một xã hội tràn ngập không gian văn hóa du nhập, hiện đại, trong khi đó liều lượng cho truyền thống là quá ít sẽ khiến các bạn trẻ dễ dàng bỏ quên bản sắc.
Phải hấp dẫn!
Theo PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, có rất nhiều kênh để truyền bá lịch sử và văn hóa dân tộc như trong trường học, các phương tiện truyền thông… nhưng có một cách thuận lợi là nên đưa các yếu tố văn hóa, lịch sử của đất nước vào các sản phẩm văn hóa có tính thương mại. Người tiêu dùng thông qua các sản phẩm đó, sẽ hiểu được những nội dung văn hóa hàm chứa bên trong. “Nhật Bản và Hàn Quốc đã thắng lợi trong việc thương mại hóa các giá trị văn hóa hay các truyền thống văn hóa của họ. Tuổi trẻ Việt Nam không chỉ học cái trình diễn đó mà học được cả lịch sử và câu chuyện văn hóa của Nhật Bản.
Nước ta có rất nhiều các câu chuyện văn hóa, nhưng hiện nay thiếu hẳn một kỹ năng, một công nghệ – gọi là công nghiệp văn hóa theo dạng ấy”, ông Quang cho biết. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì cho rằng, việc chạy theo trào lưu văn hóa nước nào tất dẫn đến việc ngưỡng mộ, sùng bái các giá trị văn hóa của nước đó là điều hiển nhiên. Có điều, trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc tự do tìm tòi thụ hưởng là quyền của mỗi người trong xã hội, không thể bài bác hay cấm đoán. Để giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc, không gì tốt hơn là tạo một thế cân bằng ngay từ hệ thống giáo dục nhà trường, bên cạnh sự tôn vinh hệ giá trị bản địa một cách có chủ đích trên hệ thống truyền thông đại chúng. “Nếu làm tốt, tự các bạn trẻ sẽ biết lựa chọn hay chí ít có cơ hội để tìm hiểu cội nguồn đất mẹ cùng kho tàng tinh hoa của cha ông để lại từ ngàn xưa”, ông Hiền nhận định.
Nhiều kế hoạch đã được đặt ra như đưa trò chơi dân gian vào học đường như một động lực khuyến khích trẻ em tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ bé. Thậm chí, Bộ VH-TT&DL còn bỏ ra tiền tỉ để đầu tư cho dự án “sân khấu học đường” với mong muốn giới thiệu những nét tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống cho học sinh bằng các buổi biểu diễn của các nghệ sĩ cổ nhạc. Thế nhưng, áp lực học quá lớn khiến cho các em không có thời gian để cảm thụ sự giới thiệu này, đồng thời các trường cũng chẳng mặn mà gì với dự án trên. Vì vậy, dự án kéo dài 10 năm vẫn chỉ lay lắt tồn tại và sau khi các trường “hết kinh phí” cũng đành tạm dừng. Xem ra, mọi nỗ lực vẫn chỉ như muối bỏ bể.
Học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và công sức. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến hành động vẫn còn là chặng đường dài. Từ giờ đến lúc đó, văn hóa cổ truyền đành nằm im ngồi đợi những bạn trẻ thực sự quan tâm tìm đến.
Các bạn có biết tại sao những người Việt xa quê hương dần dà đều có xu hướng quay về tìm hiểu, thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc hay không? Khi đối mặt giao lưu với bạn bè năm châu bốn bể, cái mà một người Việt Nam có thể tự hào là gì? Khả năng chơi nhạc cổ điển châu Âu? Khả năng hát nhạc pop, rock bằng tiếng Anh? Bộ comple? Váy đầm…? Hay trào lưu cosplay của các bạn? Có quá nhiều bài học để hiểu bản ngã văn hóa dân tộc là gì!
(Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền)
Thực ra kiểu thầy dạy – trò nghe, chép chẳng phù hợp với bất cứ bậc học nào, nội dung học nào. Hiện nay chúng ta đang dạy kiểu tràn lan, bậc học nào cũng học một tí vì quan niệm, bé học sơ sơ, lớn lên học kỹ, học cụ thể. Trên thực tế, những bài học đầu tiên vô cùng quan trọng, để lại dấu ấn rất sâu trong mỗi người chúng ta, chính vì vậy tôi cho rằng cải thiện cách dạy, cải tiến sách giáo khoa lịch sử phải bắt đầu ngay từ bậc học tiểu học. Nhưng để thầy, cô chỉ đóng vai trò giới thiệu, hướng dẫn, gợi mở vấn đề lịch sử và văn hóa dân tộc cho các trò thì toàn bộ hệ thống giáo dục phải có những thay đổi căn bản về nhận thức. Điều này xem ra còn lâu lắm!
(PGS.TS Lâm Mỹ Dung
|
Theo Năng Lượng Mới