Tháng cô hồn: cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo, Đạo giáo và Tín ngưỡng dân gian 22/08/2017

Tục cúng cô hồn theo quan niệm Phật giáo

Tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi tắt là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ.

Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ. Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn)

Tục cúng cô hồn trong tháng cô hồn bắt nguồn từ chuyện giữa ông A Nan Đà và quỷ miệng lửa

Theo quan niệm Đạo giáo

Quan niệm dân gian xưa của người Việt là vậy, còn dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa.

Theo truyền thuyết dân gian truyền lại, từ ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.

Từ đó, vào tháng 7 âm lịch người ta quan niệm trên dương thế có nhiều quỷ đói quấy rối nên phải cúng cháo, gạo và muối cho chúng để tránh xui xẻo mang đến bình an cho cả gia đình.

 

Tháng cô hồn: Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan. (Ảnh: Báo Giao Thông).

Theo quan niệm dân gian

Từ xa xưa, người Việt quan niệm con người có hai phần đó là phần hồn và phần xác. Tùy theo lúc còn sống và những việc mà người đó làm dẫn đến khi mất đi, phần hồn sẽ tách khỏi phần xác mà được đầu thai thành kiếp khác hay xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường.

Tháng 7 là lúc Diêm Vương thả cửa cho ma quỷ túa ra tứ phương nên theo đó mà cứ đến tháng này, người Việt lại có những nghi lễ xua đuổi ma quỷ.

Trong đó, quan trọng nhất là việc cúng cô hồn. Lễ cúng này không chỉ để khói bị ma quỷ quậy phá mà còn để làm phúc, giúp những cô hồn có một ngày được no nê, đỡ tủi phận.

Lễ Vu Lan báo hiếu

Trước hết, xin khẳng định việc gọi tháng Bảy là “tháng cô hồn” chính là quan niệm dân gian. Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu lan-Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu lan-Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời đẹp đạo.

Dựa theo kinh Vu lan với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo nguyện cầu âm siêu dương thái. Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn

Như vậy, theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”,hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”. Tuy nhiên hiện nay, tháng Bảy mùa hội Vu lan-Báo hiếu có ý nghĩatrọng tâm  giáo dục lòng hiếu thảo cho con người rất nhân văn và cao cả của đạo Phật đang có nguy cơ bị không ít người hiểu sai, bị dân gian hóa theo hướng cầu cúng ma quỷ, nhuốm màu tà kiến, mê tín.

Chúng ta đều biết, kinh Vu lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc (do ngài Trúc Pháp Hộ [226-304] dịch vào đời Tây Tấn [265-317]) và có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưatiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu lan nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tínngưỡng dân gian: “Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷđược tự do về dương thế. Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc”.

Phật giáo Bắc tông Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng thực hành hiếu đạo theo kinh Vu lan, một bộ phận quần chúng Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn” (sâu đậm ở miền Bắc). Vấn đề là người Phật tử Việt Nam hiện nay cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh Phật không hề nói đến việc Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy. Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn mặc vào ngày rằm tháng Bảy. Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát,thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.

Một số nhận định

 

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) giải thích: “Thói quen tâm lý người Việt từ bao đời nay không làm việc đại sự vào tháng này, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt và những vùng không chịu ảnh hưởng phong tục, tập quán tâm lý như trên. Tháng Bảy Âm lịch cũng là tháng mưa nhiều, vì thế, nhiều gia đình không làm nhà, động thổ hay xây dựng, một phần là do thời tiết. Nhưng mỗi vùng có một điều kiện khí hậu, thời tiết khác nhau nên cũng không thể kết luận được thời tiết ảnh hưởng đến việc kiêng xây nhà. Bởi, nếu có điều kiện thuận lợi họ vẫn làm”.

Thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Truyền thuyết dân gian có chuyện là từ mùng 2/7 (Âm lịch), Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Với câu chuyện truyền miệng đó, dân gian quan niệm rằng tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Tuy nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về ngày tháng tốt – xấu. Nếu tâm sáng thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng kỵ là phản khoa học”. Lý giải về chuyện xưa nay dân gian thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt để cúng trong dịp này, Thượng tọa Thích Thanh Duệ cho rằng nguồn gốc sâu xa là do bị ảnh hưởng bởi khái niệm “Tết Quỷ” của Đạo giáo Trung Quốc. Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần. Ngày 15/7 Âm lịch là lễ Vu lan (báo hiếu cha, mẹ) của Phật giáo và khác hoàn toàn với “Tết Quỷ” của Trung Quốc. Theo tinh thần Phật giáo, tháng Bảy là tháng báo hiếu của những người con đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Bước vào tháng Bảy thì các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu lan để cầu siêu cho ông bà cha mẹ đã quá vãng, giúp cho họ được siêu thoát.

GS, TS Phạm Đức Dương, chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học  cho rằng: Việc kiêng kỵ thì ở dân tộc nào cũng có, đất nước nào cũng có dù là nước tiên tiến, hiện đại nhất. Kiêng ở một góc độ nào đó nó đã giúp tâm lý con người được vững tâm. Từ xưa đến nay, trong văn hóa tâm linh của hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có những tập tục kiêng kỵ nhằm có được may mắn, tránh vận xui rủi. Tuy nhiên, việc kiêng kỵ cũng chỉ mang tính chất tương đối. Mọi người có thể có được đức tin song không nên sa đà vào mê tín.

Theo Tiến sỹ Triết học Nguyễn Văn Vịnh: Người Á Đông trong một năm có rất nhiều ngày lễ khác nhau, đặc biệt là người Việt, mỗi địa phương khác nhau đều có ngày lễ riêng, nếu tính tổng ngày lễ trong năm thì chúng ta có hàng nghìn ngày lễ. Có thể nói rằm tháng 7 và các ngày lễ khác có ý nghĩa tương đương nhau. Người Việt chúng ta thường rất coi trọng việc cúng bái trong ngày rằm tháng 7, còn gọi là Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hóa Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.

Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thủy là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm, thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật” gồm: Thượng Nguyên, Trung Nguyên và Hạ Nguyên. Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.

Lễ Vu Lan của Phật giáo và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau. Ở Trung Quốc, Lễ Vũ Lan đầu tiên được bắt đầu từ thời Lương Vũ Đế, đến đời Đường (thế kỷ 7-10) đã rất thịnh hành. Vu Lan là dịch ý từ tiếng phạn Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự “khốn khổ vì bị treo ngược”. Với người Việt, ngày Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Thực ra, từ cô hồn xuất hiện chưa lâu lắm, người ta cho rằng vào tháng 7, âm khí dưới đất bốc mạnh lên trên cao và suy luận những âm khí này chính là vong hồn người âm đã khuất. Do đó, dân gian quan niệm, rằm tháng 7 là ngày mở cửa địa ngục, các linh hồn sẽ từ đó thoát ra. Mở rộng ra, khái niệm vong hồn ở đây không chỉ là con người nữa mà gồm tất cả các loại chúng sinh. Chúng ta sẽ thấy, rằm tháng 7 cũng là ngày người sống dành cho người đã khuất, thậm chí, không chỉ vong hồn con người mà còn là vong hồn mọi chúng sinh tồn tại trên thế gian này. Tôi cho rằng, tháng cô hồn có thể hiểu theo cách, nếu những gia đình có ông bà tổ tiên, gia phả rõ ràng thì dễ cúng bái, thờ tự, nhưng những biến đổi xã hội dẫn đến chuyện có nhiều trường hợp, người mất không có ai cúng tế, không biết tên tuổi, địa chỉ, ngày mất… nên con người dành ra một ngày để tưởng nhớ về họ, cúng tế, phóng sinh và giải thoát cho người âm.

Về mặt văn hóa, tháng cô hồn cũng mang nét nhân văn lớn, khái niệm cô hồn không mang ý nghĩa xấu, đáng sợ. Với những gì các cao tăng, nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín đã lý giải, chuyện kiêng kỵ tháng Bảy Âm lịch vẫn chỉ là “thói quen” hay “tâm lý” mà thôi. Mà khi đã là thói quen, là tâm lý được hình thành trên cơ sở những lời đồn đại thì rất thiếu cơ sở khoa học.

#Hoiquandisan (biên soạn)

Nguồn:

1.https://thuvienhoasen.org/a23689/quan-diem-cua-dao-phat-ve-thang-co-hon

2. http://www.baomoi.com/ngay-tet-vong-hon-trong-tin-nguong-nguoi-viet/c/11740520.epi

3. http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/nguon-goc-tuc-cung-co-hon-va-le-vu-lan-thang-7-am-lich-2868311.html

4. http://vietq.vn/thang-co-hon-nguon-goc-y-nghia-tuc-cung-co-hon-thang-7-am-lich-d99589.html

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?