Từ “Thông điệp ngàn năm” tới “Vén mây đón rồng” 20/02/2024

“Rồng có vị trí đặc biệt trong tâm thức người Việt Nam. Chúng tôi chọn chủ đề “Vén mây đón rồng” là để nhắc nhớ nguồn gốc của người Việt, tự hào nòi giống Rồng – Tiên, năm 2024 là cơ hội chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt xu thế đưa đất nước hóa rồng”, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản, chia sẻ.

Năm Giáp Thìn 2024, tiếp mạch dự án “Con giáp của tôi” được thực hiện từ năm 2019, Hội Quán Di Sản công bố dự án mỹ thuật ứng dụng với chủ đề “Vén mây đón Rồng” là nhắc lại câu chuyện cách đây 12 năm và mong muốn cùng cộng đồng “đón Rồng” thông qua nhiều đề xuất mới được nhóm các nhà thiết kế của Hội quán Di sản thực hiện trong nhiều năm qua.

Rồng Việt Nam qua các triều đại
Thời Lý – Trần là đỉnh cao của kinh tế, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, và đặc biệt đề cao Phật giáo. Vì thế, hình tượng rồng giai đoạn này mang ý niệm khác hoàn toàn rồng của những triều đại sau, tạo hình rồng thời Lý có tiêu chuẩn riêng tách biệt hẳn với các nước đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, rồng biểu hiện cho vương quyền nhưng cũng gắn với thần quyền, bức tượng Phật Adiđà (đang lưu giữ lại chùa Phật Tích – Tiên Du – Bắc Ninh) là một minh chứng cụ thể cho nhận định trên. “Trên thế giới, có lẽ không có pho tượng Phật nào lại có nhiều rồng như pho tượng Adiđà (chùa Phật Tích), bức tượng Phật tọa trên tòa Sen gồm 16 cánh, mỗi cánh là một đôi rồng đang chầu vào nhau, bệ sen tượng có 3 bậc, mỗi bậc gồm 8 cạnh, các cạnh cũng có đôi rồng, tổng cộng cả tượng có 40 đôi rồng. Rồng gắn với vương quyền nhưng vẫn dưới thần quyền, thể hiện Phật giáo là quốc đạo, từ vua đến dân đều tôn sùng đạo Phật, coi đạo Phật là định hướng của cuộc sống, cùng đất nước hướng đến an lạc”, anh Tùng giải thích.

Lá đề Rồng thời Trần

Thời Lê (sơ) đề cao vai trò Nho giáo, hình thái, cấu trúc của rồng cũng hàm chứa những ẩn ý của hệ tư tưởng này, rồng được thể hiện mang tính lấn át, phô trương sức mạnh, uy quyền. Rồng thời Nguyễn dáng vẻ vừa phải, không quá mạnh mẽ như rồng thời Lê, cũng không quá hiền hòa như rồng thời Lý. Đặc biệt, triều đại phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn với vị thế nước Việt Nam cương thổ được mở rộng nhất, chiều dài đất nước kéo dài xuyên suốt từ Bắc đến Nam, vị thế nhà Nguyễn trở nên mạnh mẽ trở thành trung tâm của khu vực với tước hiệu là Đại Nam. do vậy hình tượng rồng thời Nguyễn đã hội tụ đầy đủ những hình tượng đẹp nhất, uy dũng nhất, uyển chuyển nhất và đồ án trang trí đa dạng nhất, rồng thời Nguyễn còn hội tụ cả quan niệm ngũ hành thông qua 5 màu (ngũ sắc) được thể hiện trên tranh, phù điêu, trên mãnh (mãng) bào của Vua, công hầu, quan nhất, nhị… phẩm. Trong kiến trúc kỹ thuật ghép gốm trên các công trình từ kinh thành, đến các công trình tín ngưỡng, dân gian hình tượng rồng biến ảo khôn cùng.


Rồng trên mãng (mãnh) bào Vua Nguyễn

Nhưng không quốc gia nào như Việt Nam, hình tượng rồng không chỉ dành cho tầng lớp vua, chúa hay thần linh, mà còn gắn với đời sống người dân. Rồng trở nên gần gũi đến độ thời Trần có tục xăm hình rồng lên người; kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, hay tại các đình làng hình ảnh rồng cưỡi tiên, rồng chơi với các con vật; hay trong múa rối nước, sau khi chú Tễu mở màn chào trong múa rối nước thường xuất hiện hai con rồng phun nước, phun lửa. Rồng xuất hiện nhiều trong các dòng tranh dân gian. Múa rồng trở thành nghệ thuật không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống ở Việt Nam…

Nhắc nhớ cội nguồn và khát vọng “hóa rồng”
Với người Việt, hình tượng rồng xuất hiện báo hiệu một năm an lạc, cát tường. “Chúng tôi mong muốn bước vào năm 2024 cát tường với hình ảnh mà chúng ta tự hào, trong tâm thế đón tổ tiên của mình. Từ những dự án nhỏ nhất, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần lan tỏa thông điệp của tiền nhân”, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng chia sẻ.


Bộ thông điệp ngàn năm lấy cảm hứng từ hình tượng Rồng – Phượng thời Lý

Năm Nhân Thìn (2012) Hội Quán Di Sản đã công bố bộ vật phẩm “Thông điệp ngàn năm” lấy cảm hứng từ các hiện vật rồng thời Lý phát lộ tại Hoàng Thành Thăng Long, trải qua thời gian đội ngũ sáng tạo của Hội quán Di sản vẫn dành rất nhiều tâm sức để nghiên cứu, chắt lọc, đưa di sản quá khứ trở lại với đời sống đương đại thông qua các hiện vật cụ thể, vừa có ý nghĩa về văn hóa, vừa có công năng sử dụng, lại góp phần nhắc nhớ tự hào về nguồn gốc người Việt. Năm Giáp Thìn 2024 này, tiếp mạch dự án “Con giáp của tôi” được thực hiện từ năm 2019, Hội Quán Di Sản công bố chủ đề “Vén mây đón Rồng” là nhắc lại chuyện xưa và cùng cộng đồng “đón Rồng” thông qua nhiều đề xuất mới được chúng tôi thực hiện trong nhiều năm qua.
Anh Tùng cho biết, Hội quán Di sản xác định, khi nhấc hình tượng rồng ra khỏi “môi trường cũ” và đưa vào “môi trường mới” là một sự thay đổi lớn. Ở môi trường mới có thể xóa hẳn hoặc chuyển đổi sang một mục đích khác so với những định hướng theo nguyên thể ban đầu. Thông qua các đồ án cụ thể, hướng tới chủ đề mang tính định hướng, dễ phân biệt giữa cái “gốc” (tư liệu khảo cứu) và tính mới (góc nhìn riêng của đội ngũ sáng tạo hiện nay).


Hình tượng đặc trưng rồng thời Lý

“Thăng Long đế” với đề xuất hình tượng Rồng thời Lý (hay còn có tên gọi là Rồng Thăng Long) đi cùng với hình tượng Phượng đã tạo thành một cặp chỉnh thể với ý niệm về “Đực – Cái” “Âm – Dương” cũng như trực tiếp hướng tới cha Rồng – mẹ Tiên. Việc chuẩn hóa các họa tiết không chỉ làm cơ sở cho việc phát triển các sản phẩm phái sinh mà qua đó tạo ra trở thành kho tư liệu độc lập với tư liệu khảo cổ và hiện vật lịch sử, nhiệm vụ của việc chuẩn hóa để đưa vào đời sống đương đại thông qua việc ứng dụng vào nhiều vật phẩm thiết thực.

“Ứng dụng di sản vào đương đại không phải bê nguyên hoặc áp đặt tư tưởng từ thời trước vào thứ thuộc về thời nay, mà chuẩn hóa, khai thác nét, mảng, khối… có thể sử dụng thủ pháp tạo hình để cách điệu, giản lược, cần thiết chỉ khai thác một chi tiết đặc trưng làm cơ sở tạo ra sự kế thừa, phát huy từ nền tảng gốc. Nếu thực hiện được việc đó đủ đem lại hiệu quả to lớn. Đây là điều mà các quốc gia phát triển đã thực hiện rất tốt từ sản phẩm truyền thống đến sản phẩm công nghiệp và cả lên những sản phẩm công nghệ có sức lan tỏa toàn cầu, không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, mà qua đó khẳng định được vị thế quốc gia”, anh Tùng khẳng định. “Quan trọng nhất là đặt di sản vào đúng đối tượng, trúng thời điểm. Chúng tôi chọn chủ đề “Vén mây đón rồng” cho năm Giáp Thìn 2024 như sứ mệnh đánh thức rồng đang ngủ để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước hùng cường”.

 

*Bài viết được đăng trên báo Đại biểu nhân dân số phát hành 37-46 (từ ngày 06.02 đến ngày 15.02) và Tạp chí Quản lý thị trường số đặc biệt mừng xuân Giáp Thìn 2024

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?