Quan hệ của Chân Lạp và Xiêm (Siam) thế kỷ VII-XVI 30/08/2017

Nguyễn Tiến Dũng

Giảng viên Khoa Văn hóa học

 

  1. Quan hệ của Chân Lạp và Xiêm thế kỷ VII – XIII

Trong số các chính thể ở Đông Nam Á thời Cổ Trung đại, Xiêm[1] là quốc gia phát triển tương đối dị biệt. Do chịu tác tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, các quốc gia quân chủ của người Thái xuất hiện tương đối muộn.

Như chúng ta đều biết, chiến tranh luôn dẫn đến nhiều hệ quả tàn khốc đặc biệt là các cuộc chiến tranh có quy mô lớn như sự bành trướng của đế chế Mông – Nguyên vào thế kỷ XIII. Nhưng, trong một ý nghĩa nào đó các cuộc chiến tranh cũng có thể dẫn đến những tác nhân nằm ngoài ý muốn của con người. Trong lịch sử, không ít cuộc chiến tranh đã “làm cho thương mại phát triển giữa các vùng lục địa Âu – Á; giữa châu Âu với Trung Quốc bằng đường bộ, giữa châu Âu với Ấn Độ và Đông Nam Á (bằng cả đường bộ và đường biển)”[2].

Trên thực tế, cuộc xâm lăng của quân Mông – Nguyên đến các quốc gia Đông Nam Á đã gây nên không ít những biến động trong quan hệ giữa các nước  khu vực, trong cấu trúc xã hội, dân số cũng như giao lưu văn hóa. Trước hết, do bị dồn đẩy, một bộ phận người Thái vốn sinh sống ở thượng nguồn sông Mekong đã dần di chuyển xuống phía Nam, định cư ở lưu vực sông Chao Phraya (Mê Nam) và lập nên những vương quốc đầu tiên của người Thái. Năm 1292, các tộc người Thái ở Chiang Rai đã lập vương quốc Lanna với kinh đô Chiang Mai. Một nhánh khác sống quần tụ ở Lavo[3] (hay Lopburi) lập vương quốc riêng mà thư tịch cổ Trung Hoa gọi là nước La Hộc. Một bộ phận khác đông đảo hơn đã lập nên vương quốc Sukhothai (1238-1348). Năm 1347, Thái Lavo chuyển kinh đô xuống Ayutthaya nên từ đó gọi là vương quốc Ayutthaya. Năm 1349, Ayutthaya đem quân uy hiếp và bắt Sukhothai phải thuần phục. Từ đó, Ayutthaya trở thành một quốc gia thống nhất. Đó là giai đoạn phát triển thịnh vượng của chế độ quân chủ Thái cho đến năm 1767 khi quốc gia này đổi tên thành vương quốc Xiêm (Siam)[4]. Như vậy là, trước khi hợp nhất thành một quốc gia thống nhất vào giữa thế kỷ XIV, ở Thái Lan cuối thế kỷ XIII đã hình thành ba vương quốc đầu tiên của người Thái. Đây là cột mốc đánh dấu sự dự nhập của dân tộc này vào mạch nguồn lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội chung của khu vực. Trên thực tế, những yếu tố ngoại sinh về khách quan đã tạo nên chất keo kết dính chặt chẽ hơn tình đoàn kết của người Thái vì quyền lợi chung trên vùng đất mới. Hơn thế, liên minh này đã có những hành động thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của vương quốc Lanna, đồng thời mở đầu cho thời đại vàng son của nền văn hóa Thái trong các thế kỷ tiếp theo[5].

Thế kỷ XIII, đặc biệt là thế kỷ XIV, quốc gia – dân tộc Thái từng bước xác lập và trở thành một thể chế thống nhất trên phần lãnh thổ thuộc Thái Lan ngày nay. Từ đây, vương quốc Xiêm bước vào thời kỳ thịnh đạt nhất dưới thời quân chủ. Là một triều đại mạnh, vương triều Ayutthaya đã duy trì được quyền lực cho đến thế kỷ XVIII. Sức mạnh của vương quốc này là thành quả của cả một quá trình tích lũy cũng như một nền tảng căn bản tạo dựng trong suốt thời kỳ dài trước đó. Điều không thể phủ nhận là, cuộc kháng chiến xâm lược Mông – Nguyên là tác nhân quan trọng, dẫn đến quá trình thiên di, sự ra đời của ba vương quốc để rồi hợp thành một quốc gia thống nhất.

Nhưng không phải đến tận thế kỷ XIII, người Thái mới bắt đầu hiện diện trên lãnh thổ Thái Lan mà từ nhiều thế kỷ trước đó họ đã từng bước thâm nhập vào vùng đất này. Như chúng ta đều biết, “trên địa bàn của lưu vực sông Chao Phraya, từ thời sơ sử đã là địa bàn cư trú của người Môn (thuộc ngữ hệ Môn – Khmer) – là chủ nhân đầu tiên của khu vực này, thời ấy người Thái hầu như chưa có mặt ở đây. Nguồn gốc của người Thái là ở thượng nguồn sông Mekong và sông Hồng, vùng giáp ranh với các nước Đông Nam Á bấy giờ, ngày nay là tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Vùng đất này là nơi cư trú của sáu bộ lạc người Thái: Mông Tuấn, Việt Tích, Lăng Khung, Đằng Đạm, Phi Lãng và Mông Xá. Đến thế kỷ VIII, họ lập nên một quốc gia, đặt kinh đô ở Đại Lý (một thành thị ở Tây Bắc thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam ngày nay). Lịch sử Trung Quốc gọi đó là quốc gia Quy Nghĩa hay Nam Chiếu, sau gọi là Đại Lý”[6].

Và “đến khoảng thế kỷ X, trước áp lực và xung đột với người Hán, những mâu thuẫn nội bộ và sự gia tăng dân số, số lượng người Thái di cư về phương Nam, dọc theo triền các con sông lơn như Mekong, Chao Phraya ngày càng đông đảo. Ở đây họ sinh sống một cách hòa bình với dân tộc Môn, Khmer và phục tùng các chính quyền địa phương (Hariphunchai, Khmer, Pagan). Từ thế kỷ XII, cư dân Thái đã chiếm một dải đất rộng lớn giữa quốc gia Nam Chiếu ở phía Bắc và các quốc gia cổ trên bán đảo Đông Ấn ở phía Nam. Tại đây, họ đã sống quần cư với nhau để cùng khai phá đất đai và tự bảo vệ, trong quá trình đó, dần dần họ đã xây dựng nên các tiểu quốc Thái đầu tiên: Tiểu quốc Chiengsaen năm 773, tiểu quốc Phayao thế kỷ XI, tiểu quốc Chieng Khong, vương quốc Sukhothai thế kỷ XIII…”[7].

Về nguồn gốc của người Thái và sự xâm nhập của tộc người này trên vùng lãnh thổ của Thái Lan ngày nay, học giả người Pháp G. Coedès từng nhận xét: “Những người Thái định cư ở vùng Vân Nam, nơi từ thế kỷ VIII họ đã thành lập ra vương quốc Nam Chiếu, chỉ mãi về sau này mới giành được độc lập trong những thung lũng vùng trung Đông Dương và Miến Điện. Đôi khi người ta nói đến “sự xâm lược của người Thái”, hậu quả của thế kỷ XIII. Thực ra, đúng hơn là sự xâm nhập từ từ, và chắc chắn đã từ rất lâu đời dọc theo các sông ngòi, xuất hiện do sự chuyển dịch chung của những khối cư dân từ Bắc xuống Nam, tạo nên đặc điểm của vùng dân cư vùng bán đảo Đông Dương. Nhưng sự thật là, vào nửa đầu thế kỷ XIII, đã diễn ra một sự sôi động lớn ở vùng cận biên phía Nam xứ Vân Nam”[8].

Điều đáng lưu ý là, “những người Thái chỉ đi vào lịch sử miền ngoại Ấn kể từ thế kỷ XI, với sự ghi chép trong bi ký Chăm về những nô tỳ và tù binh người Siam, bên cạnh những người Trung Hoa, An Nam, Cao Miên và Miến Điện. Vào thế kỷ XII, các bức phù điêu ở Angkor Vat đã khắc họa đầu đoàn người ở hành lang phía Nam, là một nhóm chiến binh mang quân phục hoàn toàn khác với người Khmer mà hai bi ký ngắn gọn là người Siam. Rất có thể đó là những người Thái ở vùng trung lưu sông Mê Nam, bởi vì trong thế kỷ XIII, người Trung Quốc đã gọi vương quốc Sukhothai với cái tên là Sien”[9]. Như vậy, dựa vào nền tảng của những tiểu quốc vốn có trước đó, đến thế kỷ XIII, trên vùng lãnh thổ của Thái Lan ngày nay đã hình thành ba vương quốc Lanna, Sukhothai và Ayutthaya (trước đó tiền thân là vương quốc Lavo).

Nếu như việc thành lập vương quốc Lanna vào thế kỷ XIII về cơ bản đã được các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến thì giữa các học giả vẫn còn có sự tranh luận về thời gian hình thành các vương quốc Lavo, Sukhothai. Qua việc tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục chính biên, và Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một số tác giả đã tỏ ý nghi ngờ về thời gian hình thành các vương quốc kể trên của người Thái. Như chúng ta đã biết, vào năm 1149Toàn thư đã viết: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1149), mùa Xuân tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”[10]. Như vậy, theo Toàn thư từ giữa thế kỷ XII, khái niệm “Lộ Lạc”, “Xiêm La” đã thấy xuất hiện.

Viết về lịch sử Thái Lan, nhà sử học Trần Trọng Kim cho rằng đến khoảng thời nhà Tùy và nhà Đường (Trung Quốc) tức là vào thế kỷ thứ VI-VII thì đất Phù Nam bị chia ra làm hai: một nửa về phía Đông có một dân tộc khác đến lập ra nước Chân Lạp, còn một nửa phía Tây thì người Phù Nam ở gọi là nước Xích Thổ. Vào quãng nhà Tống, nhà Kim (thế kỷ XI-XII) thì nước Xích Thổ lại chia ra làm hai: một nước gọi là La Hộc, một nước là Tiêm (tức Xiêm – NTD chú). Thời nhà Nguyên của Trung Quốc thế kỷ XIII – XIV thì sử có chép hai nước này sang cống. Về sau nước La Hộc thống nhất nước Tiêm, mới gọi là Tiêm La Hộc. Đến đầu nhà Minh (cuối thế kỷ XIV) vua nước này sang cầu phong Trung Quốc, vua Thái Tổ nhà Minh mới phong là nước Tiêm La[11].

Theo cách hiểu của nhà nghiên cứu Hàn Quốc Song Jung Nam thì: “Nội dung trên của Toàn thư và Chính biên và ghi chép của Trần Trọng Kim theo tôi (tức Song Jung Nam – NTD chú) đều có vấn đề cần làm sáng tỏ. Trước hết ở hai tài liệu trước được đề cập, việc dân tộc xây dựng vương quốc Sukhothai vào năm 1149 (1238-1438) và thời kỳ thành lập vương quốc Ayutthaya (1350-1767) đều không thống nhất. Và như đề cập của Trần Trọng Kim “vào thời Tống, Kim tồn tại tồn tại Xiêm và La Hộc ở thế kỷ XI-XII” thực tế không thống nhất với thời kỳ tồn tại của Sukhothai và Ayutthaya. Thời điểm thành lập Sukhothai vào năm 1149 cách khoảng 100 năm so với năm 1238, và thời kỳ thành lập Ayutthaya và năm 1350 cách nhau đến 200 năm. Niên đại thành lập hai nước Sukhothai và Ayutthaya cũng cách nhau hơn 100 năm. Nhưng vào năm 1149, cùng thời kỳ đó cả Sukhothai và Ayutthaya đều đến Việt Nam là một điều khó tin. Nói thời điểm ra đời Xiêm La vào năm 1149 thì cũng không có cơ sở. Ngày nay đối với những quốc gia dùng chữ Hán như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, Thái Lan trong lịch sử được biết đến với từ Xiêm La. Xiêm La là Siam và chữ trước của Lopburi hoặc Lavo kết hợp thành. Vậy thì việc ghi Xiêm La của Toàn thư hay Chính biên thì Xiêm là ghi sai. Cho dù thế nào, vào năm 1149 phải giải quyết thế nào với việc Xiêm hay là Sukhothai  không được thành lập”[12].

Bên cạnh đấy, tác giả còn lập luận thêm: “Toàn thư hay Chính biên sau năm 1149 vẫn ghi là Xiêm La và Xiêm. Điểm cần chú ý ở đây là Toàn thư sau năm 1149 vẫn ghi là Xiêm La hoặc Chính biên cân nhắc đến thời kỳ hình thành các vương quốc đã phân biệt và ghi Xiêm, Xiêm La. Chẳng hạn, ở Toàn thư thì ghi “năm 1182 nước Xiêm La sang cống” còn ở Chính biên thì ghi “nước Xiêm tiến cống”. Tiếp theo, Toàn thư thì ghi “năm 1184 người buôn của các nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn, dâng vật quý để xin buôn bán”. Năm 1149 và 1184, ngoài việc thương nhân hay thương thuyền lấy mục đích đòi hỏi thông thương vào khu vực có cùng tên là Vân Đồn nhưng không ghi lại địa danh cư trú thì chúng ta cũng cần chú ý sự thật là vào năm 1182 đã có quốc gia vào cống nạp. Trong lịch sử, triều cống là một hình thức để xây dựng quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia thông qua sứ thần. Nước nhận triều cống không thể ghi sai tên quốc gia, nên quốc hiệu của năm 1182 được xem là chính xác. Do đó, việc giải thích theo lịch sử của Thái Lan vào thế kỷ XIII về quốc hiệu của các quốc gia này hoàn toàn không có cơ sở nhưng theo các tư liệu của Việt Nam được đề cập trên đây hay căn cứ vào logic thì đó là các vương quốc truyền thống của Thái Lan. Như vậy, lần đầu tiên việc giải thích lại về thời điểm thành lập vương quốc Thái Lan, vương quốc Sukhothai được đặt ra”[13].

Như vậy, dựa vào nguồn chính sử của Việt Nam, nhà nghiên cứu Song Jung Nam đã đưa ra những nghi vấn và lập luận khá chặt chẽ của mình về mốc thời gian thành lập hai vương quốc Sukhothai, Ayutthaya. Suy xét một cách cẩn trọng có thể thấy rằng quan điểm của Song Jung Nam là vấn đề đáng chú ý. Tuy nhiên, theo chúng tôi có nên chăng khi nghiên cứu về lịch sử Thái Lan giai đoạn này nên nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều và tiếp cận vấn đề bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, có nghĩa là tận dụng những thành tựu nghiên cứu mới và sự trưởng thành của nhiều ngành khoa học. Có thể thấy rằng, trong các bộ thư tịch cổ Việt Nam việc ghi nhầm hay hiểu sai về tên gọi của người nước ngoài hay tên nước ngoài của các sử gia là điều không phải hiếm gặp. Trong một bài nghiên cứu, nhà sử học Li Tana đã chỉ ra: Trong Toàn thư: Trong ít nhất hai trường hợp, tên nước ngoài hoặc tên người nước ngoài bị viết sai: một là Huihu và một trường hợp khác là Temasek[14]… Được viết ít nhất 150 năm sau những sự kiện diễn ra, hơn nữa lại bị chi phối bởi ý thức hệ Nho giáo, tác giả Toàn thư ít quan tâm đến những tên gọi của những người mà tổ tiên của người Việt đã thường xuyên quan hệ[15]. Như thế, có thể thấy rằng bên cạnh việc ghi nhầm các tên riêng như Temasek hay Huihu,phải chăng các tác giả của Toàn thư cũng có những ghi chép nhầm lẫn về hai địa danh là Xiêm và Xiêm La? Điều này cần phải kiểm chứng thêm, nhưng điều không thể phủ nhận là ít nhất từ thế kỷ XII, trên phần lãnh thổ của Thái Lan đã hình thành các tiểu quốc, đó có thể là các vương quốc của người Thái hay người Môn, là những bộ phận quan trọng tích hợp nên đế chế Ayutthaya sau này.

Việc tìm hiểu và nắm bắt được tiến trình lịch sử Thái Lan thế kỷ VII-XIII là điều kiện cần thiết để thấy được tính chất và hình thức quan hệ của Chân Lạp với Xiêm trong suốt các thế kỷ này. Nếu như lịch sử Thái Lan còn nhiều khoảng trống về nhận thức cần làm sáng tỏ thì trong thời gian đó ở Chân Lạp cũng diễn ra nhiều biến đổi về chính trị, xã hội của các vương quốc đang trong quá trình vận động, phát triển. Sau khi chinh phục được Phù Nam vào cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ VII, Chân Lạp bị chia cắt thành hai khu vực: Lục Chân Lạp – Thủy Chân Lạp. Vào thế kỷ IX, vương quốc này đã đạt được sự thống nhất. Trên cơ sở đó, Chân Lạp đã mau chóng phát triển thành đế chế khu vực với nền văn hóa hết sức rực rỡ. Với những thành tựu đặc sắc đó văn hóa Chân Lạp đã được tôn vinh là  văn minh Angkor. Trong khi đó, trên vùng đất Thái Lan hiện nay, phải đến thế kỷ XIII, đặc biệt thế kỷ XIV, người Thái mới khẳng định chủ quyền của mình trên toàn bộ lãnh thổ. Đó cũng là quá trình thể hiện sức mạnh, tinh thần thống nhất, cộng đồng, năng lực tổ chức cao của người Thái. Họ đã trở thành dân tộc chủ thể để cùng với người Môn cũng như người Khmer… xây dựng nên một quốc gia cường thịnh.

Thực tế lịch sử cho thấy, rất lâu trước khi những nhóm người nói tiếng Thái đầu tiên định cư ở lòng chảo sông Chao Phraya, miền Trung nước Xiêm, quê hương của người Môn đã chứng kiến sự hình thành của một quốc gia được mọi người biết đến với tên gọi tiếng Phạn là Dvaravati. Về sau, quốc gia này đã sáp nhập vào vương quốc Ayutthaya. Dvaravati giữ vai trò nổi bật trong các thế kỷ thứ VII-X nhưng trước đó nó đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển tương đối lâu dài[16]. Sự khan hiếm về tư liệu khiến cho việc nhận thức về vương quốc này gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua một số tài liệu có thể biết rằng người Môn ở vương quốc này khá phát triển. Vương quốc trở nên thịnh vượng vào thế kỷ thứ IX, mở rộng buôn bán với nhiều nước bên ngoài. Nền văn minh Ấn Độ được truyền bá, Phật giáo được đề cao. Đến năm 1007, vương quốc Dvaravati bị sáp nhập vào đế chế Angkor[17].

Về vương quốc Dvaravati và sự vận động, diễn tiến phức tạp trong vương quốc này, theo lập luận của G. Coedès: “Người ta không có một thông tin nào về điều gì đã xảy ra vào thời kỳ này trong vùng hạ lưu sông Mê Nam, địa bàn của vương quốc cổ Dvaravati. Tài liệu duy nhất có được từ nơi này là một bi ký chữ Phạn và chữ Khmer, được tìm thấy ở Ayutthaya có niên đại năm 937. Văn bia cho biết một dòng các ông hoàng ở Chanacapura. Người đầu tiên là nhà vua Bhagadatta, nhưng một số không được xác định những thế hệ sau đó gồm: Sundaraparakrama, có con là Sundarvarman, và cuối cùng là các vua Narapatisimhavarman, Mangalavarman, cả hai đều là con của ông vua trên. Người cuối cùng là tác giả của bi ký đã biến một bức tượng nữ thần Devi, hình ảnh của mẹ ông. Những tên này không được biến trong văn khắc Cao Miên, những tấm bi ký bằng tiếng Khmer đã đưa ra một danh sách các nô lệ, chứng tỏ rằng ¾ thế kỷ  trước khi sáp nhập vào nước Cao Miên, những người Khmer đã thay thế dần cư dân người Môn từng chiếm cứ nơi này vào thế kỷ VII”[18]. Những thông tin ít ỏi trong các nguồn sử liệu không cho chúng ta những hiểu biết thật rõ về cương vực lãnh thổ của vương quốc cổ Dvaravati và vị thế của nó trong các mối quan hệ, tương tác quyền lực khu vực. Đa số các học giả đều cho rằng, vương quốc này do người Môn tạo nên và là tiền thân của vương quốc Lavo cũng như Ayutthaya của người Thái về sau.

Trở lại với công trình của Trần Trọng Kim chúng ta thấy, sau khi đế chế Phù Nam bị sụp đổ, các thuộc quốc do thoát khỏi sự quản chế của Phù Nam đã có thể phát triển độc lập. Vương quốc Chân Lạp và Xích Thổ là những trường hợp như vậy. Đến thế kỷ XI-XII, theo tác giả các vương quốc cổ lại tiếp tục có sự chuyển hóa, La Hộc trở thành tiền thân của Ayutthaya còn Tiêm (tức Xiêm) là tiền thân của Sukhothai. Không rõ nguồn thông tin mà tác giả Trần Trọng Kim tham khảo từ đâu do vậy vấn đề này cần phải kiểm chứng thêm. Vì không chỉ nguồn tư liệu của Việt Nam mà cả nguồn thư tịch cổ Trung Quốc cũng không cho biết nhiều về vương quốc Xích Thổ. Như các sách Tùy thư, Thông chí, Thái bình hoàn vũ ký chỉ chép khái lược về quốc gia này: “Xích Thổ là một chi nhánh của Phù Nam ở vùng biển Nam Hải. Đi thuyền hơn 100 ngày thì tới kinh đô của nước này. Đất ở đó màu đỏ nên gọi là Xích Thổ. Phía Đông là nước Ba La Thích, phía Tây là nước Bà La Sa, phía nam là nước Kha La Đán, phía Bắc giáp biển lớn. Đất nước họ rộng vài nghìn dặm. Vua nước ấy có họ là Cù Đàm, tên là Lợi Phú Đa Tắc, không biết xa gần có nước nào cả”[19]. Theo nguồn chính sử Trung Quốc thì thật khó để xác định Xích Thổ nằm ở khu vực nào ở Thái Lan hiện nay. Tuy nhiên, có thể cho rằng Xích Thổ nằm ở vùng bán đảo Mã Lai, nước này từ rất sớm đã có mối liên hệ gần gũi về văn hóa, tộc người với Chân Lạp và các tiểu quốc gia cổ ở Thái Lan.

Sang thế kỷ thứ X, đặc biệt là thế kỷ XI-XII, đế chế Angkor bước vào giai đoạn cường thịnh. Cùng với việc tạo dựng nền tảng căn bản của đất nước, Angkor cũng mở rộng ảnh hưởng ra các quốc gia láng giềng trong khu vực. Bên cạnh việc xâm lược Champa, một trong những hướng bành trướng chính của Chân Lạp là vùng hạ lưu sông Mê Nam ở phía Tây. Vào đầu thế kỷ XI, hoàng đế vương triều Angkor là Suryavarman I (cq: 1002-1050) đã cho quân tấn công vào Nakhon Pathom thôn tính vương quốc Dvaravati. Sau đó, đến lượt Haripunjaya cũng rơi vào tay người Khmer[20]. Về chiến công mở rộng lãnh thổ của Suryavarman I, học giả D. G. E. Hall nhận xét: “Sử biên niên Chiang Mai vào một niên đại muộn hơn nhiều đã miêu tả sự bành trướng của người Khmer trong triều đại của Suryavarman. Một tấm văn khắc tại Lopburi có từ thời đại này cho rằng đế chế của Suryavarman bao gồm cả vương quốc Dvaravati của người Môn và vương quốc Tambralinga, sau này là Ligor của người Mã Lai. Các sử biên niên địa phương ghi nhận Suryavarman chiếm lưu vực sông Mekong đến tận Chiengsen ở phía Bắc, nhưng khảo cổ học không thấy có những dấu vết của nó ngoài Luang Prabang”[21].

Về sự kiện này, căn cứ vào các sử biên niên khác nhau soạn bằng tiếng Pali tại Chiang Mai như Chamadevivamsa (viết vào đầu thế kỷ XV), Jinakalamalini(hoàn thành năm 1516) và Mulasasana, học giả G. Coedès cho biết: “Một nhà vua xứ Haripunjaya (Lampun) tên là Atrasataka (dị bản: Trabaka, Baka) đã đến tấn công xứ Lavo (Lopburi) do vua Ucchitthacakkavatti (dị bản: Uccchitta, Uccitta) cai trị. Vào lúc hai vị quân vương sẵn sàng giao chiến, một nhà vua xứ Siridhammanagara (Ligor) tên là Sujita (dị bản: Jivaka, Vararaja) đã đến trước thành Lavo với một đạo quân và một hạm thuyền lớn. Đứng trước tên khốn kiếp thứ ba đó, hai kẻ địch thủ vội trốn chạy về hướng Haripunjaya: Ucchittha là kẻ đến đầu tiên, tự xưng là vua và lấy vợ của địch thủ của mình, người này đáp thuyền rút về phương Nam. Sujita, nhà vua xứ Ligor, ở lại làm chúa tể thành Lavo. Ba năm sau, con của ông ta là Kambojaraja lại tiến hành đánh Ucchittha ở Haripunjaya, nhưng bị thất bại và phải rút về kinh thành của mình”[22].

Sự ghi chép của nguồn sử biên niên trên không thật rõ ràng và không dễ để khẳng định cuộc tấn công vào Lavo và Haripunjaya có phải là của Chân Lạp hay là một thuộc quốc của nó. Nhưng G. Coedès đã đưa ra một lập luận khá chặt chẽ về sự kiện này. Ông cho rằng, “người ta có ý định đồng nhất nhà vua Kambojaraja, con của nhà vua xứ Ligor đã đánh thắng xứ Lavo với Kamtvan Suryavarman I, vì ngay nếu như những cuộc xung đột giữa Cao Miên và vương quốc Haripunjaya của người Môn được kể lại trong những cuốn sử biên niên nói trên, có tưởng tượng đi nữa, thì ít nhất sự bành trướng của Cao Miên sang vùng hạ lưu sông Mê Nam vào các thế kỷ XI cũng đã được xác nhận bởi một nhóm các bi ký Khmer ở Lopburi, một trong những bi ký đó là của Suryavarman I”[23]. Vì thế, khi liên kết các vấn đề một cách có hệ thống, có thể khẳng định rằng, chắc hẳn thời gian này phải có một cuộc bành trướng của Chân Lạp ở lưu vực sông Mê Nam, những dấu vết để lại của quốc gia này là điều không thể phủ nhận.

Bước sang thế kỷ XII, dưới sự trì vì của nhà vua Suryavarman II (cq: 1130-1150), đế chế Angkor bước vào giai đoạn cực phồn thịnh. Theo quan điểm của G.Coedès: “Việc vua lên cầm quyền trùng hợp với sự qua đời của Jaya Indravarman II của Champa và Kyanzitha của Pagan. Sự hiểu biết tốt hơn về mối quan hệ giữa các nước này có thể sẽ cho thấy một mối liên hệ nhân quả giữa việc biến mất của hai nhà vua hùng mạnh và việc chiếm quyền của một nhà vua người Khmer đầy tham vọng, có khả năng đánh cả sang Đông và sang Tây”[24]. Nếu như việc đánh sang phía Đông của nhà vua Suryavarnman II mục tiêu chính là vương quốc Champa và vùng lãnh thổ Nghệ An của Đại Việt, thì đánh sang phía Tây chính là sự bành trướng và khẳng định quyền lực ở vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Nam trù phú?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, dưới thời vua Suryavarman II, các đội quân Khmer có phạm vi chinh phạt rộng khắp và xa nhất. Tuy vậy, học giả D. G. E. Hall vẫn nghi ngờ về các cuộc hành quân của nhà vua sang vùng hạ lưu sông Mê Nam. Theo ông, “các văn khắc thuộc triều đại đức vua đều im lặng một cách kỳ lạ về các chiến dịch của nhà vua đánh Champa và Trung Kỳ Việt Nam (tức vùng đất Nghệ Tĩnh ngày nay – TG chú) cũng như đánh người Môn và người Thái ở lưu vực sông Mê Nam. Hầu hết các văn khắc này đều tìm thấy ở phía Bắc, nơi mà hình như vua sống hầu hết thời gian của mình và đã xây dựng một số đền thờ”[25].

Nghi ngờ của học giả D. G. E. Hall từng được G. Coedès cho rằng: “Trên mặt trận phía Tây (tức sự bành trướng về phía Tây của Chân Lạp – TG chú), người ta có được một số thông tin chỉ dẫn trong những cuốn sử biên niên của các tiểu quốc người Thái vùng thượng lưu sông Mê Nam. Những cuốn sử này thuật lại những cuộc chiến đấu giữa người Kamboja ở Lavo (Lopburi) và người Ramanna (Môn) ở Haripunjaya (Lampun). Tiểu quốc ở vùng thượng lưu sông Mê Nam này, do những người Môn đến từ Lavo thành lập vào thế kỷ II, đã sa vào những cuộc rối loạn khi Suryavarman I lên ngôi vua. Từ một thế kỷ trước, Lavo đã là một bộ phận của vương quốc Khmer. Khi ta nói “nhà vua xứ Lavo” thì phải hiểu rằng đó hoặc là một vị phó vương hoặc một thống đốc người Cao Miên, hoặc bản thân nhà vua Cao Miên”[26].

Tuy nhiên, tác giả lại cho biết thêm: “Vì niên biểu không được thật chính xác, nên chưa chắc những sự biến trên tất cả đều đã xảy ra dưới triều Suryavarman II. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng, cũng giống như những chiến dịch chống lại người Chăm, cuộc chiến tranh chống lại người Môn ở thượng lưu sông Mê Nam kết cục đã bị thất bại. Nhưng người ta chỉ biết được những sự kiện này qua các nguồn tư liệu thù địch với Cao Miên, có thể đã cố tình bị bóp méo đi. Dù sao đi nữa, thì sự bành trướng rộng lớn về chủ quyền của nước Cao Miên trên bán đảo Đông Dương vào giữa thế kỷ XII cũng đã được Tống sử ghi nhận, theo đó nước Chân Lạp (Cao Miên) có biên giới phía Bắc giáp phía Nam Chiêm Thành (Champa), phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Pou-Kan (vương quốc Pagan) và phia Nam giáp Kia-lo-hi (Grahi trong vùng Chaiya và vịnh Bandon ở bờ biển phía Đông của bán đảo Mã Lai)”[27].

Mô tả trên khá trùng khớp với những ghi chép trong sách Chư phiên chí của Triệu Nhữ Quát (một sử gia sống dưới thời Tống 960-1279: TG chú) về lãnh thổ của quốc gia Chân Lạp: “Nước Chân Lạp ở phía Nam nước Chiêm Thành. Phía Đông giáp biển. Phía Tây giáp nước Bồ Cam. Phía Nam giáp nước Bồ Cam. Phía Nam giáp nước Gia La Hy. Từ Toàn Châu đi thuyền gặp gió thuận thì hơn một tháng tới nước ấy. Nước này rộng độ 7.000 dặm”[28].

Trong tiến trình lịch sử, từ đầu thế kỷ XI sự bành trướng của người Khmer sang phần lãnh thổ của Xiêm được khẳng định tương đối thống nhất trong quan điểm của các học giả, thì các đợt hành quân của vị vua Surayavarman II vào thế kỷ XII luôn để lại nhiều nghi vấn. Điều này phần nhiều là do nguồn tư liệu cũng như cách nhìn nhận có khuynh hướng trái ngược từ hai phía (tức từ phía Chân Lạp và Xiêm). Tuy nhiên, căn cứ vào tư liệu bi ký cũng như các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc có thể khẳng định rằng vào thế kỷ XI-XII, đế chế Angkor phát triển đến mức cường thịnh nhất, quyền lực của thể chế này không chỉ được khẳng định trên phần lãnh thổ Chân Lạp mà ngay cả Champa cũng như một phần ở lưu vực sông Mê Nam. Có thể thấy rằng, sự bành trướng thế lực của Chân Lạp ở lưu vực sông Mê Nam đã để lại quả hệ tiêu cực đó là làm triệt tiêu các quốc gia cổ của người Môn ở khu vực này. Tuy nhiên, tiếp cận vấn đề dưới một góc độ khác có thể thấy rằng, bên cạnh việc áp đặt thể chế của mình trên vùng lãnh thổ truyền thống của người Môn, người Khmer cũng để lại nơi đây nhiều giá trị về văn hóa, nghệ thuật với nhiều công trình đặc sắc.

Sự du nhập văn hóa, nghệ thuật của Chân Lạp ở lưu vực sông Mê Nam mạnh mẽ nhất vào các thế kỷ XI-XII, nhưng tiếp biến, tích hợp và thẩm thấu văn hóa là cả một quá trình và đòi hỏi khoảng thời gian dài. Như chúng ta đã biết, nghệt thuật Khmer ở Thái Lan đã có từ thế kỷ VII và ngày càng phát triển mạnh. Càng về những thế kỷ sau nền nghệ thuật điêu khắc Khmer càng trở nên rực rỡ và tạo thành một phong cách riêng mà người ta gọi là phong cách Lopburi là một nghệ thuật pha trộn giữa ảnh hưởng Khmer và Dvaravati[29]. Nhưng bên cạnh đấy, nhiều minh văn cũng cho thấy Phật giáo đã có nhiều ảnh hưởng trong đế quốc Khmer. Hiện tượng đó cũng thấy xuất hiện ở Lavo nhưng sự vượt trội được thể hiện rõ nhất ở Lopburi. Số di tích kiến trúc và ảnh tượng Phật giáo chứng tỏ rằng, ngay cả dưới sự thống trị của người Khmer, Phật giáo vẫn bảo lưu được tầm quan trọng mà nó đã có được trong thời vương quốc Dvaravati[30].

Về văn hóa vật thể, trên thực tế, ngoài các chùa và tháp, người Môn, Khmer và Thái còn để lại rất nhiều các tượng Phật thể hiện các phong cách điêu khắc khác nhau xuất hiện sớm nhất ở miền Bắc, miền Trung và Đông Bắc Thái Lan[31]. Và theo như nghiên cứu của G. Coedès thì: “Trong số nhiều công trình tạo dựng mang tính chất tôn giáo của nhà vua được liệt kê trong tấm bia ở Preah Khan, có 23 pho tượng mang tên Jayabuddhamahanatha, được lưu giữ trong nhiều thành phố như Lopburi, Supan, Ratburi, Pechaburi và Mường Sinh, tất cả ngày nay thuộc đất của Xiêm La. Có thể dùng làm nơi đặt các tượng đó, mà tên gọi gợi lại tên của nhà vua, một vài ngôi đền thờ được xây dựng ở các tỉnh, có phong cách kiến trúc được cho là thuộc về triều đại Jayavarman VII, thí dụ như Vat Nokor ở Kompong Cham và Ta Prohm ở Bati, còn về Banteay Chmar, đó là dành để tưởng niệm tới một người con trai cảu Yayavarman VII, hoàng tử Crindrakumara và 4 chiến hữu đã cứu sống ông, nhất là trong cuộc chiến đấu chống lại loài quỷ dữ Rahu và trong một cuộc hành quân đi đánh Champa”[32].

Như vậy, các hiện vật còn lưu giữ tại Lavo nói riêng cùng nhiều khu vực khác nhau ở lưu vực sông Mê Nam có giá trị lịch sử to lớn. Nó chứng tỏ sự thẩm thấu sâu đậm, sự hòa trộn rộng rãi các giá trị tinh thần do các tộc người Môn, rồi Khmer, rồi Thái sáng tạo nên. Xét trên phương diện chính trị, người Môn là những chủ thể đầu tiên; sau đó người Khmer từng bước xâm nhập và khẳng định bá quyền. Với người Thái, với tư cách là những người đến sau, nhưng có truyền thống ứng xử mềm dẻo và khả năng thích ứng cao, người Thái đã sớm hòa hợp với hai dân tộc trên, rồi từng bước vươn lên khẳng định quyền lực của mình trong khu vực.Trong mạch nguồn lịch sử đó, xét trên phương diện văn hóa, phải thấy rằng mỗi thời đại đều có những đóng góp và để lại những dấu ấn khác nhau. Nếu như ảnh hưởng của người Môn luôn có tính truyền thống nhất, còn người Thái là tộc người có sự tích hợp hoàn hảo thì người Khmer có những đóng góp cũng rất đáng ghi nhận. Dấu ấn của họ để lại đặc biệt sâu đậm trong thế kỷ XI-XII, khi Lavo dưới quyền quản lý của đế chế Angkor.

Trong thời kỳ cường thịnh, nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Angkor phát triển ổn định và có nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, với các cường quốc đặc biệt là các đế chế, càng phát triển cao thì nhu cầu về tài nguyên, nguồn sức lao động và nhu cầu mở rộng ảnh hưởng càng trở nên mạnh mẽ. Để giải quyết thực trạng đó, bên cạnh con đường trao đổi, giao lưu, các đế chế thường đem quân xâm lược bên ngoài. Đây là những nguyên nhân chính yếu khiến Chân Lạp cất quân đi xâm lược Champa, Nghệ An – vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Chân Lạp đem quân sang chiếm giữ và áp chế các vương quốc ở lưu vực sông Mê Nam? Chúng ta có thể thấy rằng, nếu như Chân Lạp chiếm giữ được lưu vực sông Mê Nam có nghĩa là họ đã làm chủ được vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ, có hiệu suất canh tác cao bậc nhất châu Á. Thực tế lịch sự cho thấy, lưu vực sông Mê Nam (Chao Phraya) rất phì nhiêu, là mạch nguồn nuôi dưỡng thể chế Ayutthaya sau này – một đế chế thực chất lớn mạnh được là nhờ vào kiểm soát hoạt động buôn bán nông phẩm[33]. Bên cạnh đấy, nhiều khả năng khi chiếm giữ các tiểu quốc ở lưu vực sông Mê Nam, Chân Lạp còn hướng đến việc nắm giữ các tuyến thương mại nội vùng, vùng và liên vùng đang hình thành trên phần lãnh thổ này?

Đến đầu thế kỷ XI, đối với Chân Lạp là một quốc gia nông nghiệp lấy kinh tế lúa nước là chủ đạo, nhưng không vì thế mà các hoạt động khác có lợi cho sức mạnh kinh tế của vương quốc bị từ chối[34]. Đồng thời, hiểu rõ vai trò và những nguồn lợi thương mại từ phía Tây, từ vùng Biển Hồ, đế chế Angkor cũng muốn vươn mạnh đến lưu vực sông Chao Phraya, kiểm soát bán đảo Mã Lai nhằm thiết lập “mối quan hệ trực tiếp hơn nữa với các tuyến thương mại quốc tế”[35]. Cũng vào thời điểm này, xét trên khía cạnh thương mại, trong hoạt động giao thương nhộn nhịp ở khu vực biển Đông, theo Giáo sư Nhật Bản Sakurai Yumio đã có sự hội nhập của người Thái ở vùng châu thổ Mê Nam: “Khi mạng lưới Pagan vươn tới cao nguyên Shan và mạng lưới Angkor nối thông với vùng trung lưu sông Mekong thì các mường Thái ở các lòng chảo miền núi bắt đầu hình thành các trung tâm vùng, nối liền với các trung tâm liên vùng ở cả cao nguyên và đồng bằng châu thổ. Đến cuối thế kỷ XIII, Xa Lí (Sipsongpana) ở phía Nam Vân Nam, Lannatai ở phía Bắc Thái Lan và Pa Pai His Fu ở cao nguyên Shan đã trở thành những trung tâm vùng, nối thông với trung tâm vùng như Sukhothai ở phía Bắc miền Trung Thái Lan và Ava ở Miến Điện, là những trung tâm kế thừa mạng lưới Pagan và Angkor”[36]. Theo đó, tác giả cho rằng đến thế kỷ XIII, ở Thái Lan đã hình thành những trung tâm vùng và liên vùng quan trọng, mà trước đó đã hình thành mạng lưới thương mại bền vững của Angkor nối thông với các trung tâm liên vùng. Điều này cho thấy các mối giao thương gần gũi của Chân Lạp với khu vực lưu vực sông Mê Nam.

Không những vậy, các nguồn thư tịch cổ Trung Quốc cũng đã cho thấy các hoạt động thương mại tương đối tích cực của quốc gia này, sách Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan chép lại rằng: “Theo Chư phiên chí, nước ấy rộng 7.000 dặm, phía Bắc đến Chiêm Thành, đường đi mất nửa tháng, Tây Nam giáp Tiêm La, đường đi nửa tháng, Nam giáp Phiên Ngu, đường đi mười ngày, phía Đông là biển lớn. Xưa là một nước thông thương đi lại[37]. Hay như chính trong Chư phiên chícủa Triệu Nhữ Quát: “Nước này thường trao đổi buôn bán với các nước như Đăng Lưu Mi, Ba Tư Lan, La Hộc, Tạm Lạc, Chân Lý, Phú Ma La Vấn, Duyên Dương, Thôn Lý Phù, Bồ Cam, Oa Lý, Tây Sách, Đô Hoài, Tầm Phiên. Đều là thuộc quốc của họ[38]. Nguồn chính sử Trung Quốc đem lại những thông tin rất quan trọng, nếu như việc xác định địa danh những thuộc quốc của Chân Lạp ngày nay thuộc khu vực cụ thể nào thì vẫn phải kiểm chứng thêm; thì đối với La Hộc (tức Lavo hay Lopburi) là thuộc quốc của Chân Lạp là vấn đề không thể phủ nhận, và nguồn tư liệu này còn bổ sung thêm những thông tin chưa rõ ràng của tài liệu bi ký. Đồng thời, việc ghi chép của Chư phiên chí cũng như Chân Lạp phong thổ ký còn cho thấy hoạt động ngoại thương tích cực của quốc gia Chân Lạp với một trong những đối tác quan trọng là thuộc quốc của nó tức Lavo. Phải chăng chính trên cơ sở kiểm soát mạng lưới thương mại nội vùng, liên vùng này, vì trên thực tế các thuộc quốc của Chân Lạp đa phần nằm ven biển, gần gũi với các trung tâm và tuyến thương mại lớn của khu vực, mà Chân Lạp ngày càng muốn mở rộng quyền năng của mình trên vùng châu thổ sông Mê Nam rồi từng bước kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại châu Á. Nhiều khả năng, bên cạnh việc muốn thay thế đế chế Phù Nam về phương diện chính trị, xã hội, quốc gia Chân Lạp còn muốn hướng tới sự thay thế Phù Nam trên cương vị một trung tâm liên thế giới? Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để tìm ra các luận giải thấu triệt hơn.

Như vậy, trong các thế kỷ VII-XIII, nếu như ở Chân Lạp là quá trình thống nhất, chia tách, rồi sau đó lại thống nhất và phát triển đến đỉnh cao dưới thời đế chế Angkor; thì ở Xiêm diễn ra tiến trình vận động, tích hợp, hội tụ, thay thế của các tiểu quốc của người Môn, người Thái. Có nghĩa là khi mà Chân Lạp phát triển thịnh đạt nhất thì quốc gia – dân tộc Thái chưa chính thức hình thành trên lãnh thổ Thái Lan ngày nay. Vai trò chủ thể đó thuộc về các tiểu quốc Dvaravati, Lavo, Haripunjaya… của người Môn. Bao trùm lên quan hệ Chân Lạp và Xiêm các thế kỷ này là sự tranh giành ảnh hưởng, khẳng định sức mạnh và áp đặt thể chế của cả người Môn và người Thái ở châu thổ sông Mê Nam. Sau khoảng 5 thế kỷ xác lập địa vị của mình (từ thế kỷ VII đến XI), đến đầu thế kỷ XI, đặc biệt là thế kỷ XII, địa vị độc tôn của người Môn ở các tiểu quốc Dvaravati, Lavo, Haripunjaya… đã từng bước bị thay thế bởi người Khmer. Dựa trên nền tảng của châu thổ sông Mekong màu mỡ, đặc biệt ở khu vực Tonlesap, người Khmer phát triển đến đỉnh cao của nền văn minh nông nghiệp. Sự thịnh vượng đó đã làm nền và đẩy đà để đế chế này mở lãnh rộng thổ, áp đặt sự thống trị cũng như tạo dựng ảnh hưởng văn hóa không chỉ ở Champa mà cả ở Xiêm. Các công trình kiến trúc, nghệ thuật mà người Khmer để lại trên lãnh thổ Xiêm là những minh chứng rõ ràng nhất. Không những vậy, bên cạnh mục tiêu chính trị, có nghĩa là người Khmer muốn áp đặt thể chế của mình ở Xiêm, đế chế Angkor còn cho thấy khát khao nắm giữ các tuyến thương mại ở vùng đất này và qua đó kết thông với thị trường thương mại quốc tế trực tiếp với cường độ ngày càng cao hơn.

  1. Quan hệ của Chân Lạp và Xiêm trong các thế kỷ XIII-XVI

Bước sang thế kỷ XIII, đặc biệt nửa sau thế kỷ này, cán cân lực lượng của Chân Lạp và Xiêm đã dần dần đảo chiều. Nếu như các vương quốc của người Thái dần định hình và khẳng định sức mạnh của mình với các đế chế lớn mang tầm khu vực như Sukhothai, Ayutthaya thì đế chế Angkor sau khoảng 4 thế kỷ phát triển rực rỡ, đã có dấu diệu suy yếu. Đây là những nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp đến hình thức và tính chất quan hệ của Chân Lạp và Xiêm trong các thế kỷ XIII-XVI.

Thực tế lịch sử cho thấy, nếu như nửa đầu thế kỷ XIII, đế chế Angkor về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định của mình, thông qua việc cất quân đi đánh vùng biên viễn phía Nam của Đại Việt vào các năm 1216 và 1218 hay đánh chiếm và làm chủ Champa từ năm 1199 cho đến những thập niên đầu thế kỷ XIII. Cho đến khi bị người Thái đẩy lùi, Angkor vẫn làm chủ châu thổ sông Mê Nam và một phần bán đảo Mã Lai nhưng đến nửa sau thế kỷ XIII quốc gia này bắt đầu khủng hoảng, suy yếu. Thực tế đó dẫn đến hiện trạng: “Rất khó tìm các chi tiết về lịch sử Khmer trong thời gian còn lại của thế kỷ XIII. Không hề có bia văn khắc đương đại quan trọng nào, còn sách về lịch sử các vương triều Trung Quốc không nói gì về thời kỳ này. Các nguồn thông tin chủ yếu là các văn bia khắc của người Chàm và người Thái, sau này là của Campuchia. Sau Jayavarman VII, Campuchia không có một vị vua vĩ đại nào nữa. Hầu hết công trình của đức vua đều tàn lụi ít lâu sau khi vua qua đời. Quân Khmer đã rút khỏi Champa và phản ứng của đạo Hinđu đã quét sạch sự sùng bái đức Phật Buddharaja. Khắp nơi, tượng linga đã thay thế tượng Lokesvara”[39].

Tuy nhiên, mặc dù có ít tư liệu về lịch sử Chân Lạp thời gian này, nhưng cũng theo D. G. E. Hall, đế chế Angkor huy hoàng chỉ có dấu hiệu thoái trào sau 4 thế kỷ phát triển rực rỡ, chứ không hẳn là sự sụp đổ. Tác giả đã đi sâu phân tích các dấu hiệu suy thoái đó: “Việc rút quân khỏi Champa là bước đầu tiên dẫn đến sự tan rã của đế chế Khmer. Mặc dù ta không biết rõ các sự kiện đã xảy ra, có lý do để cho rằng ít lâu sau đó Tambralinga đã trở nên độc lập. Người Thái cũng tăng cường vị trí của họ ở vùng thượng lưu sông Mê Nam theo hướng không có lợi cho quyền lực của người Khmer. Tuy vậy, ngay ở Campuchia vẫn chưa có những dấu hiệu của sự sụp đổ, mà chỉ có một ít dấu hiệu của sự suy đồi. Do đó vào cuối thế kỷ, Chu Đạt Quan, một nhà quan sát Trung Quốc mô tả một thành phố tráng lệ và một đất nước thịnh vượng, mặc dù quân Thái đã tiến công tàn phá”[40].

Sự suy thoái của Campuchia chỉ thực sự bắt đầu từ khoảng đầu thế kỷ XIV. Có người đã gọi sự kiện năm 1336 là “một cuộc cách mạng vương triều” khi mà theo truyền thuyết, ông vua cuối cùng của vương triều III-Jayavarmandiparamesvara đã bị chết vô tình bởi một mũi giáo của người trồng dưa, còn người trồng dưa nghèo được tôn lên ngôi báu, vẫn mang một cái tên bình dị “Người trồng dưa chuột ngọt” (Ta Trasak Paem) hay gọi theo niên hiệu là “Lão Thắng” (Ta Chay). Tuy nhiên, năm 1336 cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình văn hóa Campuchia. Việc sử dụng Phạn ngữ đã nhường chỗ hẳn cho tiếng Pali và Khmer; bi ký nhường chỗ hẳn cho kinh Phật và các bản niên giám hoàng gia viết trên lá cọ. Đạo Phật tiểu thừa đã thịnh hành và các vua từ đây từ bỏ truyền thống gọi vương hiệu theo kiểu Ấn Độ. Tước Varman (tước truyền thống của đẳng cấp Kshatiya Ấn Độ) không được dùng nữa. Tên gọi được Khmer hóa, chẳng hạn tên vua luôn luôn gắn liền với từ Preah, có nghĩa là “Thiêng liêng”[41].

Bên cạnh đó, tiếp cận sự sụp đổ của đế chế Chân Lạp trên phương diện văn hóa, tác giả cũng cho rằng: “Nhưng ở cơ sở, sự thay đổi lớn đang diễn ra sẽ là nhân tố hùng mạnh làm sụp đổ nền văn hóa cũ vốn là nền tảng của sự vĩ đại của Angkor. Đó chính là việc nhân dân đã được giáo hóa đi theo đạo Phật tiểu thừa dòng Mahavihara của người Sinhali. Các nhà sư người Môn đã đưa ra giáo huấn mới đó đến Miến Điện vào cuối thế kỷ XII. Sau đó, nó đã lan sang các tộc người Môn ở lưu vực sông Mê Nam, nơi mà đạo Phật tiểu thừa đã có hàng thế kỷ. Vào giữa thế kỷ XIII, nó lan theo phía Bắc có người Thái sinh sống và theo sang phía Đông nơi có người Khmer đang sống”[42].

Đi sâu vào phân tích và luận giải về sự suy thoái của Chân Lạp, chúng ta thấy có nhiều nguyên nhân khác nhau, mà nguyên nhân sâu xa của quá trình này chính là sự suy thoái từ bên trong – sự suy thoái về kinh tế, xã hội sau nhiều thế kỷ đã tận dụng hết các tiềm năng của mình để xây dựng những công trình đồ sộ và tiến hành các cuộc chiến tranh nhằm củng cố quyền lực và tranh giành lãnh thổ. Một nguyên nhân khác nữa hết sức quan trọng đó là sức ép từ bên ngoài mà đặc biệt là người Thái[43]. Bên cạnh đấy, căn cứ vào một số thông tin về Chân Lạp được tìm thấy trong các tư liệu của nhà Minh (Minh sử lược), các biên niên sử Khmer là nguồn thông tin quý giá để hiểu về thời kỳ từ giữa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVI. Các nguồn sử liệu cho thấy, ngoài những nguyên nhân kể trên, chính sự tranh giành trong nội bộ hoàng cung đã làm triệt tiêu đáng kể sức mạnh của Chân Lạp để rồi đến cuối thế kỷ XVI, quốc gia này đã bị vương quốc Xiêm thôn tính.

Đối với Xiêm, như đã trình bày ở trên, vùng lưu vực sông Mê Nam lúc khởi thủy là nơi người Môn cư trú, sau đó trở thành trung khu của vương quốc Dvaravati vào thế kỷ VII. Đến thế kỷ XI, người Khmer định cư ở đây, và vào thế kỷ XII, họ mở rộng sự thống trị của mình tới tận biên giới vương quốc Haripunjaya. Cho đến đầu thế kỷ XIII, các tù trưởng người Thái của Chiengrung và Chiengsen ở vùng thượng lưu sông Mekong đã thành lập liên minh thông qua hôn nhân. Cuộc di cư ồ ạt có tính truyền thuyết của người Thái dọc theo sông Nậm U tới khu vực hiện nay là Luang Prabang có lẽ cũng diễn ra vào thời kỳ này. Năm 1238, hai thủ lĩnh người Thái tấn công và đánh bại viên chỉ huy của người Khmer tại Sukhothai, khi đó là kinh đô của khu vực Tây Bắc của đế chế Angkor, và thiết lập ở đó trung tâm của vương quốc Thái mà sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Rama Khamheng vào nửa cuối thế kỷ XIII[44]Có thể coi năm 1238 là năm thành lập vương quốc Sukhothai, nhà nước hoàn chỉnh đầu tiên của người Thái ở lưu vực sông Mê Nam, tuy rằng phải đến năm 1287 cương vực lãnh thổ của vương quốc này mới định hình rõ nét khi đức vua Rama Khamheng chinh phục người Môn sống ở lưu vực sông Mê Nam và thay thế sự thống trị của người Khmer tại vùng thượng lưu con sông này. Vương quốc này tồn tại đến năm 1350, rồi sau đó được sáp nhập vào lãnh thổ của vương quốc Ayutthaya, vương quốc thống nhất đầu tiên của người Thái.

Bi ký năm 1292 cho chúng ta thấy một bức tranh về chính quyền của Rama Khamheng: “Thời vua Rama Khamheng trị vì, thành Sukhothai này rất thịnh vượng. Trong nước có cá, trong ruộng có lúa, trong xứ, chúa công không đánh thuế thần dân của mình. Dọc theo các con đường, người đi từng đoàn, mang theo trâu bò để giao dịch, cưỡi ngựa để đem đi bán. Ai muốn mua bán voi ngựa cũng được. Nếu một người dân, một nhà quý tộc bị ốm, chết hay mất tích thì nhà cửa của tổ tiên họ, quần áo của họ, những con voi của họ, gia đình họ, vựa thóc của họ sẽ được chuyển giao toàn bộ cho con cháu. Nếu những người dân, những nhà quyền quý hay những thủ lĩnh có bất hòa với nhau, nhà vua thực sự mở cuộc điều tra, sau đó giải quyết vụ việc đối với thần dân của mình một cách hết sức vô tư. Ngài không làm ngơ với bọn trộm cướp và những kẻ oa trữ. Ngài không thèm muốn thóc lúa của người khác, cũng không ghen tị với của cải của người khác. Những ai cưỡi voi đến tìm ngài, và đem đất nước mình nhờ ngài che chở, ngài sẽ thuận tình giúp đỡ, nếu người nước ngoài nào đến với ngài không có voi ngựa, người hầu, thê thiếp, vàng bạc, ngài sẽ cho họ những thứ đó và mời chào họ tự nhiên như ở trong chính đất nước mình. Nếu ngài bắt được những binh lính, chiến tướng của kẻ địch, ngài không giết họ cũng không đánh đập họ. Ở bên trong cửa cung điện, có cheo một cái chuông. Nếu một người dân nào trong vương quốc có điều gì phiền muộn hoặc việc gì làm đau lòng rối trí và muốn bày tỏ với nhà vua thì không gặp khó khăn gì cả. Người đó chỉ việc đến đánh vào chiếc chuông treo ở đấy. Mỗi khi nhà vua Rama Khamheng nghe thấy tiếng chuông kêu đó, ngài sẽ hỏi han người khiếu nại về việc của họ và xét xử rất thông minh”[45]. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là, bi ký trên đã phác dựng lại hình ảnh của một vương quốc cường thịnh với một vị vua cực kỳ anh minh, sáng suốt. Tuy nhiên, sự tôn vinh một cách thái quá mà thông tin của bi ký mang lại khiến chúng tôi phần nào nghi ngờ phần nào về tính chân thực của sự kiện này.

Trở lại với các cuộc hành quân xâm lược Đông Nam Á của quân Mông Cổ thế kỷ XIII, rõ ràng là việc đánh chiếm quốc gia Nam Chiếu của đế chế này đã thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình lập quốc của người Thái ở lưu vực sông Mê Nam. Chính việc thực hiện chính sách “chia để trị” của quân Mông – Nguyên và sự ủng hộ việc thiết lập một loạt các quốc gia của người Thái đã gây bất lợi cho các quốc gia cũ. Vấn đề không chỉ là sự di chuyển ồ ạt của dân chúng sống trong những khu vực bị ảnh hưởng mà còn là việc người Thái giành chính quyền. Bên cạnh đó, cuộc chiến của quân Mông – Nguyên còn làm suy giảm sức mạnh của quốc gia Pagan cùng với sự suy yếu của quyền lực người Khmer khiến cho người Thái một cơ hội chưa từng có để bành trướng thế lực[46]. Trong dòng chảy lịch sử đó, cùng với sự ra đời của vương quốc Sukhothai còn có sự thiết lập của nhà nước Lanna vào năm 1259, khi nhà vua Mengrai trở thành người đứng đầu tiểu quốc Chiengsaen – một vương quốc của người Thái thành lập vào thế kỷ VI-VII trên vùng đất thuộc Chiang Rai Thái Lan ngày nay. Đến cuối thế kỷ XIII, quá trình xác lập vương quốc được đẩy nhanh khi nhà vua Mengrai vươn tay xâm chiếm những quốc gia láng giềng và gây ảnh hưởng xa hơn xuống phía Nam (tức xuống vùng trung lưu sông Mê Nam), điều này được đánh dầu bằng sự chuyển dịch kinh đô của vương quốc Lanna xuống Chiang Mai năm 1296.

Cũng vào thế kỷ XIII, khi những khu vực miền Tây của đế chế Khmer bị người Thái kiểm soát thì Lavo đã giành lại nền độc lập của mình và cử phái bộ sang Trung Quốc. Và như thế, khu vực này không bị sáp nhập vào vương quốc của Rama Khamheng, mặc dù vào giữa thế kỷ sau Lavo vốn nằm dưới sự cai trị của một vị vua Thái[47]. Như chúng tôi đã trình bày ở trên, tiền thân của vương quốc Lavo là tiểu quốc Dvaravati của người Môn được thiết lập từ thế kỷ thứ VII, đến thế kỷ XI, sự thống trị của người Môn được thay thế bằng sự thống trị của người Khmer, đến năm 1347 một thủ lĩnh người Thái có tên là Jayacri chuyển dịch kinh đô từ Lavo xuống thành phố Ayutthaya ở phía Nam, từ đấy hình thành nên đế chế Ayutthaya hùng mạnh trong lịch sử. Như vậy, khác với hai vương quốc Sukhothai và Lanna thuần túy là của người Thái, ra đời muộn hơn nên bản thân vương quốc Ayutthaya có sự tích hợp, hội tụ của nhiều nhân tố mang tính kế thừa, là quá trình chồng lớp quyền lực, sắc tộc, sắc thái văn hóa của ba dân tộc Môn, Khmer và Thái. Điều này hình thành nên đặc tính thích ứng cao cùng với năng lực ứng xử linh hoạt của quốc gia này trong những bối cảnh khác nhau. Không khó để nhận thấy rằng, bằng nhiều phương thức, chính đế chế Ayutthaya chứ không phải bất kỳ vương quốc nào khác về cơ bản được coi là thế lực đầu tiên đã thống nhất Thái Lan (sáp nhập vương quốc Sukhothai bằng vũ lực năm 1350), cho dù đến tận thế kỷ XVI vẫn có những xung đột của nó với vương quốc Lanna ở khu vực thượng lưu sông Mê Nam[48]. Về sự kiện hợp nhất Sukhothai và Ayutthaya, sách Minh sử có chép: “Thời Nguyên, nước Xiêm thường đến cống, về sau nước La Hộc (tiền thân của Ayutthaya) mạnh, thôn tính đất Xiêm, nên gọi là nước Xiêm La Hộc”[49]; “Năm thứ mười (1377), Chiêu Lộc Quần Ưng vâng mệnh cha đến triều đình (tức triều Minh – NTD chú). Hoàng đế (tức Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương – NTD chú) vui mừng ra lệnh cho viên ngoại lang bộ lễ là Vương Hằng mang chiếu và ấn đi ban cho. Trên ấn khắc mấy chữ “Xiêm La quốc vương chi ấn”. Lại còn ban áo tiền và lệ phí cho Thế tử. Từ đó, nước ấy tuân theo mệnh lệnh của triều đình, bắt đầu gọi là Xiêm La, cứ mỗi năm cống một lần, hoặc mỗi năm cống hai lần cho đến thời Chính Thống, có khi mấy năm cống một lần”[50].

Tuy nhiên, trước khi đế chế Ayutthaya khẳng định được sức mạnh và uy quyền của mình vào giữa thế kỷ XIV trên lãnh thổ Thái Lan ngày nay, trên thực tế vị thế độc tôn ấy cũng được Thiên triều nhà Minh thừa nhận như ghi chép trên củaMinh sử, thì chính Sukhothai mới là vương quốc hùng mạnh nhất vào nửa cuối thế kỷ XIII, nửa đầu thế kỷ XIV. Chính vì thế, khi đề cập đến quan hệ của Chân Lạp và Xiêm nửa cuối thế kỷ XIII, nửa đầu thế kỷ XIV, có nghĩa là đề cập đến sự tương tác quyền lực, tranh giành ảnh hưởng của hai đế chế Angkor và Sukhothai. Vương triều Sukhothai thời kỳ này không chỉ đẩy lui sự thống trị của người Khmer tại lưu vực sông Mê Nam mà với lực lượng hùng hậu của mình, họ đem quân sang tấn công cả lãnh thổ của Chân Lạp.

Như đã trình bày ở trên, thời kỳ thịnh đạt nhất của đế chế Sukhothai là dưới sự trị vì của vị vua tài ba Rama Khamheng. Nhà vua đã đem quân đi chinh phục nhiều vùng đất, như đoạn bi kỳ thời kỳ này đã cho biết: “Rama Khamheng là thủ lĩnh và chúa tể của mọi người Thái. Người là ông thầy dạy cho mọi người Thái để họ thực sự hiểu được những phẩm giá và luật trời. Trong số tất cả những người ở xứ Thái, không ai sánh được với người về học thuật, kiến thức, sự dũng mãnh quả cảm, sức mạnh và nghị lực. Người đánh bại đám kẻ thù có nhiều thành rộng lớn và nhiều thớt voi. Về phía Đông, Người đến chinh phục những Saraluang (Pichit), Song Kwe (Pisnulok), Lum (Lomsak) Bachay, Saka, tới những bờ sông Mekong, và tới Vieng Chan, Vieng Kam, lấy làm biên giới. Về phía Nam, Người đã chinh phục cho đên các xứ Konti (trên sông Me Ping giữa Kampeng Pet và Nakon Savan), Prek (paknam Po), Supannaphum, Ratburi, Pechaburi, Si Thammarat (Ligor) cho đến tận biển, lấy làm biên giới. Về phía Tây, Người đã chinh phục cho đến các xứ Muong Chot (Me Sot), Hangsavati (Pegu) và tới biển, lấy làm biên giới. Về phía Bắc, Người đã chinh phục cho đến các xứ Muong Ple (Pre), Muong Man, Muong Plua (trên bờ sông Nan) và phía khác của sông Mekong, tới tận Muong Chava (Luang Prabang) lấy làm biên giới”[51]. Nếu những ghi chép của tấm bi ký này là chân thực, chúng ta phần nào có thể hình dung được cương vực của một đế chế rộng lớn mà nhà vua Rama Khamheng cai trị.

Còn Chân Lạp thời kỳ này được trị vì bởi nhà vua Jayavarman VIII (1243-1295), người được coi là có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử đế chế Angkor, nhưng theo quan điểm của các học giả đây cũng là ông vua không có thành tích nổi bật nào về chính trị hay xây dựng. Không những vậy, Jayavarman VIII còn hoàn toàn bất lực trong việc kiềm chế người Thái, chính dưới thời của nhà vua người Thái đã giành được quyền kiểm soát hầu hết các vùng ngày nay là vương quốc Xiêm, tức Thái Lan[52]. Trong cuộc chiến giành được quyền tự chủ từ tay người Khmer, chính ông vua của Sukhothai Rama Khamheng là người đã biết tận dụng triệt để sức mạnh ngoại sinh, bên cạnh năng lực nội sinh của vương quốc mình, vào mục tiêu tối thượng của dân tộc. Có nghĩa là ông đã biết tận dụng vị trí trung gian của mình trong cuộc chiến của quân Mông – Nguyên với Chân Lạp, cũng như việc sau khi quân Mông – Nguyên thất bại, chính Sukhothai được coi là công cụ của quốc gia này để làm triệt tiêu sức mạnh của Angkor. Điều hiển nhiên là, nhờ có những nhân tố đó mà Sukhothai không chỉ đánh đuổi người Khmer ra khỏi lưu vực sông Mê Nam mà còn đem quân sang trấn áp Chân Lạp.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là thật khó xác định được thời gian cụ thể mà đế chế Sukhothai mang quân xâm nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Tài liệu bi ký cũng như các nguồn chính sử không cho thấy rõ điều này. Nhưng điều có thể khẳng định là cuộc hành quân này phải diễn ra trước những năm 1296, 1297 vì theo như những ghi chép của Chu Đạt Quan, người theo chân đoàn sứ giả của triều Nguyên đến Chân Lạp vào thời gian trên, khi ông đến thì ở đây đã từng chịu một cuộc tấn công của quân Xiêm. Sách Chân Lạp phong thổ ký cho ta biết điều đó: “Quân mã cũng ở trần đi đất, tay phải cầm giáo mác, tay trái cầm chiến bài, không có thứ gì gọi là cung tên, sung đạn, giáp trụ. Nghe đồn rằng họ đánh nhau với người Xiêm, đều lùa nhân dân đi đánh. Thường chẳng có được mưu kế gì”[53]. Với vị thế và nhãn quang của một sứ giả Thiên triều, điều không tránh khỏi là Chu Đạt Quan khó từ bỏ cách nhìn “miệt thị” của mình đối với phong tục, tập quán của các thuộc quốc (các vương triều phương Bắc coi Chân Lạp cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác thời này là Nam di hay Nam man), nhưng đằng sau ghi chép của ông đã hé lộ cho chúng ta biết được cuộc chiến chống Xiêm mà Chân Lạp phải đương đầu.

Chiến tranh luôn đem lại mất mát và đau thương dù cuộc chiến đó diễn ra ở quy mô lớn nhỏ như thế nào, tuy vậy, trong những trường hợp cụ thể nó cũng đem lại một số hệ quả tích cực. Đối với cuộc chiến tranh xâm lược Chân Lạp của vương quốc Sukhothai cũng vậy, “các cuộc xâm chiếm ban đầu của người Thái đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cả về nguồn thu ngân sách và sức người dùng vào lao động cưỡng bức, và do vậy chỉ riêng các cuộc xâm lược đó đã buộc phải chấm dứt đột ngột công việc xây dựng các công trình lớn về nghệ thuật. Ngoài ra, cuộc sống ở Campuchia vẫn tiếp diễn đại thể như trước và thậm chí đã một phần nào dễ chịu hơn đối với nhân dân bị áp bức, mà nhiệm vụ chính là lao động cho các thần thánh tham lam”[54].

Nếu như vị vua Jayavarman VIII luôn tỏ thái độ chống đối với triều đình nhà Nguyên và tạo điều kiện cho Sukhothai tận dụng cơ hội bành trướng, thì ông vua kế vị Indravarman III có thái độ tích cực hơn đối với “thiên triều”. Việc đón tiếp sứ đoàn ngoại giao của triều Nguyên vào cuối thế kỷ XIII, cùng với thái độ thần phục của Chân Lạp đã phần nào xoa dịu được “cơn thịnh nộ” của phương Bắc. Như thế, đây được xem là một biện pháp khôn ngoan của nhà vua Indravarman, không chỉ giúp Chân Lạp nhân được sự ủng hộ của nhà Nguyên mà còn giảm tải tối đa nguy cơ bành trướng của người Thái, đặc biệt khi nhà vua Rama Khamheng qua đời năm 1317 và sức mạnh của Xiêm suy giảm rất nhiều. Thực tế lịch sử cho thấy, từ khi vua Indravarman III lên ngôi đến khi vương triều Sukhothai bị sáp nhập vào vương triều Ayutthaya (năm 1350), không thấy nguồn sử liệu bi ký cũng như thư tịch cổ ghi thêm cuộc tấn công nào khác của Xiêm vào lãnh thổ Chân Lạp. Và “có điều thú vị để thấy rằng vào giữa thế kỷ XIV, ngay trước khi thành lập vương triều Ayutthaya và sự đăng quang của nhà vua đầu tiên của triều đại Xiêm La này, người sẽ gây ra cảnh đổ nát cho Angkor, thì Vương Đại Nguyên vẫn còn viết trong Đảo di chí lượccủa mình rằng xứ sở thường được gọi là “Chân Lạp trù phú” và “đất nước có trăm ngôi chùa”[55].

Trên cơ sở tiền thân là vương quốc Lavo, cùng với việc sáp nhập vương quốc Sukhothai, năm 1350 đế chế Ayutthaya chính thức được thành lập. Vương quốc mới Ayutthaya là một vương quốc hùng mạnh và đã sớm thể hiện sức mạnh của mình: về mặt đối nội đã giành quyền kiểm soát miền Trung và hạ lưu sông Mê Nam, về mặt đối ngoại đã giành được phần lớn bán đảo Mã Lai, kể cả Tenasserim, và Tavoy tức là Miến Điện ngày nay và thực hiện quyền minh chủ đối với Sukhothai[56]. Trong suốt triều đại này, về cơ bản đây vẫn là một quốc gia thống nhất đầu tiên của người Thái, nhưng trên thực tế vương triều này không ngừng phải đối phó với sự trỗi dậy của hai quyền lực cũ Sukhothai cũng như Lanna. Tuy nhiên, khi có điều kiện đế chế không từ chối những cơ hội bành trướng thế lực ra nhiều quốc gia bên ngoài, và “khao khát” nắm giữ các tuyến hải thương.

Minh sử – bộ chính sử của nhà Minh đã ghi chép một loạt các sự kiện rất đáng chú ý về tham vọng bành trướng của Xiêm La đối với các quốc gia láng giềng khu vực. Sử thần nhà Minh viết: “Minh Thành Tổ năm thứ hai, (tức năm 1403 – NTD chú), trước đó, sứ giả đi cống của Chiêm Thành trở về, bị bão, thuyền dạt đến Bành Hanh, bị Xiêm La bắt và giữ sứ giả không cho về. Tô Môn Đáp Lạt (tức Sumatra – NTD chú) và Mãn Lạt Gia (tức Malacca – NTD chú) tố Xiêm La ỷ thế mạnh đã đem quân đánh, cướp ấn cáo do Thiên triều ban cho. Hoàng đế hạ chiếu khiển trách Xiêm La rằng: “Chiêm Thành, Tô Môn Đáp Lạt, Mãn Lạt Gia cùng với nhà người nhận mệnh của Thiên triều, vì sao lại được ra uy bắt giữ sứ giả đi cống, cướp đoạt ấn cáo của họ. Trời có đạo phúc thiện họa hoạn rõ ràng… Lập tức phải thả sứ giả Chiêm Thành về, và trả lại ấn cáo cho Tô Môn Đáp Lạt và Mãn Lạt Gia. Từ nay về sau phải vâng phép theo lẽ, bảo vệ cương giới, hòa mục với lân bang để được hưởng hạnh phúc, thái bình vĩnh viễn”[57].

Hay như một sự kiện khác: “Tuyên Đức, năm thứ tám (1433), quốc vương Hệ Lý Ma Cáp Lại sai sứ đến triều cống. Trước đó, thuyền đi cống của bồi thần của nước ấy là bọn Nại Tam Đạc đậu ở cảng Tân Châu nước Chiêm Thành đã bị người nước ấy cướp hết. Chính Thống, năm thứ nhất (1436), Nại Tan Đạc trốn theo một chiếc thuyền nhỏ đến kinh tố cáo việc Chiêm Thành cướp bóc. Hoàng đế ra lệnh triệu sứ giả Chiêm Thành đến để tra hỏi, sứ giả không đáp được, bèn hạ chiếu cho quốc vương Chiêm Thành ra lệnh phải trả hết người và của đã bắt giữ. Tiếp đó, Chiêm Thành gửi tư văn cho Bộ Lễ nói: “Năm trước bản quốc sai sứ đi Tu Văn Đạt Na cũng bị bọn giặc người Xiêm La cướp. Như vậy, Xiêm La phải trả trước những thứ đã cướp, bản quốc sẽ không dám không trả”. Năm thứ ba (1438), cống sứ của Xiêm La lại đến. Hạ chiếu cho biết ý ấy và ra lệnh phải trả ngay người và của cho Chiêm Thành”[58].

Bên cạnh đấy, Minh sử còn cho biết một sự kiện thể hiện rất rõ tính chất thần thuộc Trung Hoa cũng như tham vọng của chính quyền Ayutthaya trong đời sống chính trị khu vực: “Năm thứ hai mươi (1592), Nhật Bản tấn công Triều Tiên, Xiêm La xin cho đem quân đánh thẳng đến Nhật Bản để kiềm chế hậu phương của chúng. Trung Khu là Thạch Tinh đề nghị nên nghe theo. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tiêu Ngạn cho rằng không được, nên thôi”[59].

Những ghi chép trên của Minh sử là rất có giá trị, nó không chỉ cho thấy tham vọng lớn của Xiêm La, mà còn cho thấy sức mạnh thực tế của vương quốc này với những khát khao bành trướng mạnh mẽ ra bên ngoài. Ngay sau khi sáp nhập Sukhothai và hợp nhất quyền lực trên toàn quốc vào giữa thế kỷ XIV, đế chế Ayutthaya ngày càng khẳng định vị thế của một quốc gia cường thịnh có ảnh hưởng lớn trong khu vực. “Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng từ phía Bắc của người Miến, chính quyền Ayutthaya đã thực hiện chính sách mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuống vùng bán đảo Mã Lai và hướng mạnh về phía Đông Nam tức khu vực hạ lưu sông Mekong. Có thể coi thế kỷ XV là giai đoạn chuẩn bị để đến những thế kỷ sau triều đại này thực thi chính sách hướng Đông hết sức mạnh mẽ”[60]. Điều hiển nhiên là, Chân Lạp là một quốc gia láng giềng, là nơi có châu châu thổ trù phú, nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và lại có nhiều mối liên hệ mật thiết trong lịch sử vì thế Chân Lạp không thể nằm ngoài sự dòm ngó của đế chế Ayutthaya. Chính sử nhà Minh cũng cho biết rằng: “Thời Long Khánh (1567-1572), Xiêm La đã xưng hùng trên biển, đem quân công phá Chân Lạp, quốc vương Chân Lạp phải đầu hàng. Từ đó năm nào cũng đánh nhau và làm bá chủ các nước”[61].

Nguồn tư liệu Minh sử ghi chép khá cụ thể về mốc thời gian (dưới thời Long Khánh) mà Xiêm đem quân tràn vào lãnh thổ Chân Lạp và đánh chiếm quốc gia này. Đây là nguồn tư liệu rất có giá trị và khẳng định chắc chắn về sự xung đột quân sự của hai quốc gia. Nhưng điều đáng tiếc là, nguồn thư tịch cổ có tính xác thực cao này không ghi chép thêm một chi tiết nào về quan hệ của Chân Lạp và Xiêm kể từ khi vương triều Ayutthaya được thiết lập từ giữa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVI. Sự khan hiếm về tài liệu chính sử và bia ký khiến cho các học giả đưa ra nhiều luận điểm cũng như giả thuyết về lịch sử quan hệ hai nước trong suốt thời kỳ này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tạm chia quan hệ Chân Lạp – Xiêm trong các thế kỷ XIV-XVI làm hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ năm 1350 đến năm 1444 và thời kỳ thứ hai từ năm 1444 đến 1594.

Về thời kỳ thứ nhất, trong công trình nghiên cứu Lịch sử Đông Nam Á, học giả D. G. E. Hall đã tập hợp nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu lý giải về mốc thời gian và các cuộc tấn công của đế chế Ayutthaya sang Chân Lạp. Quan điểm thứ nhất cho rằng từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV, Xiêm đánh chiếm kinh đô Angkor ba lần là các năm 1353, 1394, và 1431. Còn quan điểm thứ hai cho rằng Xiêm chỉ đem quân đánh chiếm Chân Lạp hai lần vào các năm 1369 và 1388-1389, còn năm 1444 Angkor bị dời bỏ do sự tranh giành quyền lực trong hoàng cung chứ không phải bị quân Xiêm đánh chiếm.

Đứng đầu quan điểm thứ nhất là Lawrence Palmer Briggs, luận điểm của ông dựa vào biên niên sử ghi chép về việc người Xiêm liên tiếp xâm chiếm Angkor năm 1353[62] và năm 1394, và trong lần xâm chiếm thứ hai đã đưa một hoàng thân người Xiêm lên ngai vàng và tiếp tục chiếm giữ thành phố đó cho đến tận khi bị đánh đuổi năm 1401 là không chính xác vì mãi đến năm 1431 Angkor mới bị thất thủ. Briggs cho rằng Nippean Bat lên ngôi năm 1405 và như vậy đã nêu ra một khoảng trống vô hạn định giữa sự qua đời của Jayavarman VIII và năm 1405. Để làm sáng tỏ chủ đề này, ông đã viện dẫn các tư liệu tham khảo về Chân Lạp trongMinh sử. Việc lập triều Minh năm 1368 một lần nữa lại khiến cho Chân Lạp có quan hệ với Trung Quốc. Tư liệu nhà Minh đã liệt kê các phái đoàn qua lại giữa hai nước cũng như xác định niên đại cụ thể. Theo đó, hoàng đế Hồng Vũ (1368-1398) đã cử bốn phái đoàn sang Chân Lạp còn hoàng đế Vĩnh Lạc (1403-1424) đã cử ba phái đoàn. Minh sử ghi chép việc đón tiếp 10 vị sứ giả Chân Lạp từ các năm 1371 đến năm 1403 và nhắc lại tên ba vị vua. Theo tính toán của L.P. Briggs, vị vua thứ baPhing-ya có lẽ chính là Nippean Bat[63]. Luận điểm này cũng được G. Coedès, Jean Moura, Adhemar Leclere, Etienne Aymonier và Geoges Maspero chia sẻ[64].

Đối với quan điểm thứ hai, các học giả đưa ra quan điểm này đã phản bác lại về các niên đại mà các học giả ở quan điểm thứ nhất đã đưa ra. Trong đó, trong chương đầu của cuốn sách Angkor và Campuchia trong thế kỷ XVI theo các nguồn tư liệu Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, ông Bernard Philippe Groslier đã xem xét kỹ các nguồn tài liệu Campuchia và các tường thuật của Pháp dựa trên các nguồn này và cố gắng xây dựng lại đại sử các triều đại cho tới cuối thế XVI. Cần nhấn mạnh rằng, các nguồn tài liệu Campuchia chỉ là các ghi chép về các triều đại trong nghĩa hẹp nhất của thuật ngữ này và những vấn đề chúng đặt ra hầu như hoàn toàn chỉ là những vấn đề về đại sử ký. Trong đó, đặc biệt đáng lưu ý là các thời điểm của việc Xiêm đánh chiếm Angkor và việc vua Khmer rời bỏ kinh đô của mình. Ông B.P. Groslier chấp nhận việc L.P. Briggs sửa đổi danh sách các vị vua được nêu trong biên niên sử Campuchia, nhưng không chấp nhận luận điểm của L.P. Briggs cho rằng trước năm 1431 Angkor không rơi vào tay người Xiêm[65].

Cùng chia sẻ quan điểm với B. P. Groslier, trong chuyên khảo Vua Khmer ở Basan (1371-1373) và lập lại đại sử ký Khmer trong các thế kỷ XIV-XVI, O. W. Wolters đã không thừa nhận sự sửa đổi của L.P. Briggs. Qua việc xem xét các tường thuật của nhà Minh về quan hệ với Chân Lạp và một số ý mấu chốt trong trong đại sử ký được viết trong các văn kiện Khmer theo chu kỳ 12 con giáp, ông đã tái hiện lại lịch sử Chân Lạp từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Theo O.W. Wolters để ghi lại các sự kiện quan trọng, các biên niên sử Chân Lạp sử dụng chu kỳ các con vật 12 năm (thập nhị chi) và hình như đây là yếu tố chỉ đạo việc biên soạn lại các văn bản. Phải làm cho niên đại ăn khớp với những năm mang tên các nhân vật mà theo truyền thống gắn liền với một số sự kiện nhất định. O.W. Wolters tin rằng những năm thập nhị chi này rất ít khi xác thực, vì ông cho rằng những người biên soạn thảo lại các văn bản về thế kỷ XIX đã mắc sai lầm do các định kiến về niên đại một số sự kiện. Như vậy, vì quan niệm rằng việc Xiêm chiếm Angkor lần đầu tiên diễn ra vào đầu triều đại vua Ramadhipati, vị vua đầu tiên của Ayutthaya, cho nên đã ghi sự kiện vào năm 1353. Tuy nhiên, mảnh khắc Ang Eng lại cho biết sự kiện này xảy ra vào “năm gà” và O.W. Wolter đã cho rằng năm gà 1369, tức là năm cuối cùng của triều đại Ramadhipati là thích hợp. Ông khẳng định rằng niên đại 1369 ăn khớp với các tài liệu tham khảo của nhà Minh về Chân Lạp. Nếu chấp nhận niên đại này và nếu biên niên sử của Nong nói đúng rằng Nippean Bat lên ngôi 8 năm trước khi Xiêm chiếm Angkor thì triều đại của Nippean Bat phải vào những năm 1360, chứ không phải thập niên đầu của thế kỷ XV như L.P. Briggs đã lập luận[66]. Như vậy, O.W. Wolters đã phủ nhận mốc thời gian xâm lược Chân Lạp lần thứ nhất của vương triều Ayutthaya mà L.P. Briggs và một số học giả khác đề ra, ông đưa ra niên đại là năm 1369 thay vì là 1353.

Về cuộc đánh chiếm lần thứ hai của đế chế Ayutthaya vào lãnh thổ Chân Lạp, trong lập luận của mình O.W. Wolters  khẳng định rằng đó phải là năm 1388-1389. Vì chỉ trong năm 1389, Trung Quốc đã tiếp đón ba phái đoàn  Khmer. Ông cho rằng đây là năm khủng hoảng, là năm thứ hai Angkor rơi vào tay người Xiêm. Chắc hẳn người Xiêm đã tấn công vào mùa khô năm 1388-1389. Các biên niên sử Khmer nói rằng, sau 7 tháng bị bao vây, thành phố đã thất thủ là do bị phản bội chứ không phải do bị yếu hèn. Trong ba phái đoàn được cử liên tiếp sang Trung Quốc thì phái đoàn thứ nhất đã thông báo cho hoàng đế về việc vị vua mới lên ngôi, phái đoàn thứ hai thông báo về việc giành lại được Angkor, và phái đoàn thứ ba khẳng định quyền của vua được công nhận là một vị vua hợp pháp. Và một lần nữa O.W. Wolters nhấn mạnh rằng cuộc tấn công lần hai phải là năm 1388-1389[67].

Đồng thời, theo O.W. Woters, Angkor đã không rơi vào tay Xiêm lần thứ ba trong thời kỳ này. Theo quan điểm của ông, Angkor đã bị hủy bỏ không phải vào năm 1432 như L.P. Briggs từng quan niệm và cũng không phải do bị Xiêm chiếm đóng, cướp phá mà là đã bị triệt thoái vào một thời gian nào đó sau năm 1444, nghĩa là khoảng một nửa thế kỷ sau khi bị Xiêm cướp phá lần thứ hai. Nguyên nhân trực tiếp của việc rời bỏ Angkor là tranh giành nội bộ hoàng gia được Xiêm kích động thêm, do đó đã nổ ra cuộc nội chiến cát cứ giữa các thủ đô kình địch nhau, gây tổn phí lớn về nhân lực đến nỗi, theo sử sách, “những người mọi rợ” cũng tham chiến. Thậm chí, những người tranh giành ngai vàng đã cầu cứu các đồng minh bên ngoài, đặc biệt là Ayutthaya. Như vậy, một quá trình luẩn quẩn bắt đầu và đã có tác dụng lớn hơn tất cả mọi điều khác, làm cho vương quốc bị suy đồi, đặc biệt là từ giữa thế kỷ XVII[68].

Điều không khó để nhận biết là, sự thiếu hụt của các nguồn sử liệu dẫn đến những giả thiết đưa ra về mốc thời gian Xiêm xâm lược Chân Lạp thời kỳ này là rất khác nhau. Trong hai quan điểm nêu trên, phần lớn nguồn tư liệu mà các tác giả tham khảo chính là Minh sử và nguồn sử biên niên của Chân Lạp được viết vào thế kỷ XIX. Khảo sát lại Minh sử, có thể nhận thấy từ năm 1371 đến 1405, trong các lần triều cống của Chân Lạp đến triều đình nhà Minh có nhắc đến tên 5 vị vua của nước này vào các năm 1371, 1379, 1387, 1404 và 1405. Minh sử cũng ghi rõ rằng: “Năm Hồng Vũ thứ tư (1371), vua nước họ là Ba Sơn Hốt Nhĩ Na sai sứ dâng biểu mừng và cống sản vật địa phương”; “Năm thứ mười hai (1379), vua nước ấy làTham Đáp Cam Vũ Giả Trì Đạt Chí sai sứ vào cống. Nhà vua ban yến cho như thường lệ”; “Sang năm sau (1387), vua Tham Liệt Bảo Tì Cam Bồ Giả sai sứ cống voi và sản vật địa phương”; “Năm thứ hai hai (1389), họ cống tới ba lần”; “Năm sau (tức năm 1404 – TG chú), vua nước ấy là Tham Liệt Bà Ti Nha sai sứ vào chầu và cống sản vật địa phương”; “Năm thứ ba (1405), họ lại sai sứ sang cáo tang cựu vương, hoàng đế Vĩnh Lạc phái Hồng lô tự ban là Vương Tư sang Chân Lạp kính tế, sai quan Cấp sự trung là Tất Tiến, Trung quan là Vương Tông, đem chiếu sang phong cho tự vương (vua nối ngôi) là Tham Liệt Chiêu Bình Nha làm vua. Khi bọn Tất Tiến trở về, vua họ sai sứ giả sang tạ ơn”[69].

Như vậy, chúng ta có thể thấy được tên của 5 vị vua mà Minh sử đã đề cập trong khoảng thời gian từ năm 1371 đến năm 1405, thay vì là 3 vị như Briggs đã đưa ra, mà cũng theo như L.P. Briggs vị vua cuối trong 3 vị vua mà ông đưa ra có thể chính là Nippean Bat. Rõ ràng là luận điểm mà L.P. Briggs đưa ra là có nghi vấn. Bên cạnh đó, L.P. Briggs cũng nêu lên mốc thời gian lần thứ ba mà vương triều Ayutthaya xấm chiếm Chân Lạp là năm 1431, tuy nhiên, chúng tôi thấy Minh sử đã ghi lại một sự kiện rất đáng chú ý là: “Đời Tuyên Đức (1426-1435) và Cảnh Thái (1450-1456) đều có sai sứ vào cống. Từ đó về sau không tới thường xuyên nữa”[70]. Điều đó có nghĩa là mốc thời gian lần thứ ba Chân Lạp rơi vào tay quân Xiêm mà L.P. Briggs đưa ra thì chính sử nhà Minh đã ghi chép lại rằng thời gian đó cũng đã có sứ giả của quốc gia Chân Lạp đến nước này (thời Tuyên Đức 1426-1435), do vậy luận điểm của L.P. Briggs là có mâu thuẫn. Như vậy, dù không khẳng định được chính xác thời gian cụ thể mà Xiêm xâm chiếm Chân Lạp nhưng rõ ràng là Minh sử là nguồn tài liệu tham khảo rất có giá trị, bổ sung có hiệu quả cho nguồn sử biên niên của Chân Lạp. Cũng dựa vào Minh sử học giả O.W. Wolters đã có những lập luân tương đối thỏa đáng và không hẳn không có lý về các mốc thời gian xung đột quân sự của Xiêm và Chân Lạp thời kỳ này, tuy rằng về các mốc thời gian cũng cần phải kiểm chứng thêm.

Bước sang thời kỳ thứ hai, từ năm 1444 đến khi Chân Lạp bị Xiêm đánh chiếm năm 1594 tuy các tài liệu ghi chép phong phú hơn các thời kỳ trước nhưng lịch sử Chân Lạp giai đoạn này cũng có không ít khoảng trống về nhận thức. Đối với Xiêm tiếp nối truyền thống thủ công và thương mại, từ thế kỷ XIII-XV, chính quyền Sukhothay rồi Ayutthaya đều rất coi trọng sự phát triển của kinh tế công thương. Đặc biệt “cho đến thế kỷ XIV vùng hạ lưu sông Chao Phraya đã có sự phát triển trội vượt với sự hiện diện của trung tâm quyền lực mới Ayutthaya. Được nuôi dưỡng bởi một châu thổ trù phú và cả truyền thống thủ công nghiệp, thương nghiệp, Ayutthaya trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đồng thời là một thương cảng chính của hệ thống thương mại Đông Tây”[71]. Là một quốc gia trọng thương và lấy các sản phẩm nông nghiệp làm mặt hàng giao thương quan trọng, điều hiển nhiên là vệc mở rộng lãnh thổ, chiếm cứ các đồng bằng trù phú, các thương cảng sầm uất luôn là “khát khao” của các thể chế ở Xiêm trong các thế kỷ này. Chính mật độ tấn công liên tục khiến cho “người Khmer không bao giờ quên được thách thức của Ayutthaya và các truyền thuyết của họ không giấu diếm bất cứ điều gì về các cuộc chiến tranh với Xiêm. Xiêm vẫn là kẻ thù của họ rất lâu sau hai lần đánh chiếm Angkor”[72].

Nếu như trong các thế kỷ XIV-XV trong các cuộc xung đột quân sự, chỉ có Xiêm kéo quân sang Chân Lạp thì sang thế kỷ XVI Chân Lạp cũng đã tổ chức tấn công sang Xiêm. Như chúng ta đã biết, “Ang Chang đã trở thành vị vua hùng mạnh nhất mà Chân Lạp đã sản sinh sau khi Angkor thất thủ. Trong suốt 50 năm trị vì, đức vua đã có thể đảo ngược tình thế với Xiêm và ít ra phục hồi được một phần uy tín trước đây của đất nước mình. Các biên niên sử của Xiêm có nhắc đến cuộc tấn công của Chân Lạp vào tỉnh Prachim năm 1531. Mùa khô năm 1532-1533, Xiêm đã tổ chức một cuộc phản công bằng đường bộ và đường biển, dưới sự chỉ huy của Chau Pnhea Ang, con trai của vua Preah Srey đã sống lưu vong và chết ở Xiêm. Có quá nhiều bất đồng giữa biên niên sử của mỗi nước về những điều đã xảy ra. Biên niên sử Xiêm viết rằng Xiêm thắng lợi, còn biên niên sử Chân Lạp viết rằng Chân Ang Chan là người chiến thắng, và khẳng định rằng Chau Pnhea Ang đã bị giết ở gần Pursat năm 1534”[73]. Trong thế tương tác quyền lực ở bán đảo Trung Ấn, các thể chế có nhiều mối liên hệ và có những ảnh hưởng đối với nhau, điều hiển nhiên là những tranh chấp quyền lực giữa Xiêm – Miến Điện, và Chân Lạp – Xiêm đã tác động mạnh đối với thực lực và tính chất giữa các thực thể ở từng thời điểm cụ thể. Từ giữa thế kỷ XVI, khi Xiêm bị Miến Điện đe dọa từ phía Tây thì từ năm 1559 trở đi Ang Chan không ngừng tấn công lãnh thổ Xiêm. Năm 1564, quân Chân Lạp đã tiến đến các bức tường thành của Ayutthaya, nhưng phải trở về tay không, vì thành phố đã rơi và tay quân Miến Điện hai năm trước đó, và bị quân Miến Điện chiếm đóng[74].

Mối quan hệ phức tạp, chồng chéo của ba thể chế nêu trên khiến đường biên giới giữa các quốc gia này vào thế kỷ XVI luôn có những dịch chuyển. Cán cân lực lượng giữa họ không ngừng có sự thay đổi. Tuy còn nhiều điểm đáng nghi vấn và cần tranh luận thêm, nhưng các học giả cho rằng sau khi vị vua Chân Lạp Ang Chan qua đời năm 1564, cuộc chiến giữa nước này và Xiêm vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt. Vào năm 1570, 1580 vẫn có những cuộc viễn chinh của Chân Lạp sang lãnh thổ Xiêm, tuy rằng theo biên niên sử của Xiêm thì điều này vẫn còn không ít điểm nghi vấn. Sự kiện này cần xem xét thận trọng hơn khi chính sử nhà Minh –Minh sử như đã trình bày ở trên cũng ghi chép lại sự kiện dưới thời Long Khánh (1567-1572), Xiêm đem quân tấn công tấn công Chân Lạp khiến vua nước này phải đầu hàng. Ba năm sau đó, Xiêm đã mang quân xâm lược Chân Lạp và đến năm 1594 chiếm được hoàn toàn kinh đô của quốc gia này. Kết thúc sự xung đột kéo dài dai dẳng giữa hai vương quốc trong các thế kỷ VII – XVI[75]. 

  1. Một số nhận xét

Như vậy, trong các thế kỷ VII – XVI, quan hệ của Chân Lạp và Xiêm là mối quan hệ phức tạp và diễn ra đa dạng dưới nhiều hình thức. Tính chất và hình thức quan hệ luôn biến đổi theo cán cân lực lượng và tham vọng thực tế của hai thể chế này. Nhìn lại diễn tiến của mối quan hệ đó, có thể tham phân lập thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII và giai đoạn hai từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI.

Ở giai đoạn thứ nhất, khi lịch sử Chân Lạp diễn ra quá trình thống nhất, chia cắt, rồi lại tái thống nhất, rồi phát triển đến đỉnh cao dưới thời đế chế Angkor (thế kỷ IX-XIII) thì lịch sử Xiêm lại là quá trình tích hợp, hội tụ hướng tới sự hình thành quốc gia thống nhất của người Thái. Điều đó có nghĩa là khi Chân Lạp ở vào giai đoan thịnh đạt nhất thì ở khu vực sông Chao Phraya (tức sông Mê Nam) mới hình thành những tiểu quốc của người Môn, rồi người Thái. Điều hiển nhiên là, với một đế chế đang lên, có tham vọng chính trị, khát khao mở rộng lãnh thổ và kiểm soát các tuyến thương mại, vào thế kỷ XI-XII, Chân Lạp đã mở rộng ảnh hưởng, bành trướng và áp đặt thể chế ở lưu vực sông Mê Nam đặc biệt là ở khu vực Lavo. Chân Lạp không chỉ áp đặt thành công thể chế của mình ở Xiêm thời kỳ này, mà họ còn để lại ở đây nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật giá trị. Bao trùm lên quan hệ của Chân Lạp và Xiêm chính là sự khẳng định quyền lực thực tế của quốc gia này lên lãnh thổ của Xiêm.

Bước vào các thế kỷ XIII-XVI, cán cân lực lượng giữa Chân Lạp và Xiêm có sự thay đổi. Đế chế Angkor một thời huy hoàng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Trong khi đó, vào thế kỷ XIII-XIV, các vương quốc hoàn chỉnh đầu tiên của người Thái được hình thành, vương quốc Sukhothai rồi Ayutthaya từng bước khẳng định vị thế là những đế chế hùng mạnh của khu vực.

Trong các thế kỷ XIII-XVI, đế chế Sukhothai rồi Ayutthaya không ngừng đem quân vào lãnh thổ Chân Lạp. Sự thiếu hụt của các nguồn tư liệu khiến khó có thể xác định thật chính xác về mốc thời gian của các cuộc tấn công này nhưng sự bành trướng của quân Xiêm đến Chân Lạp là một thực tế không thể phủ nhận. Đến giữa thế kỷ XVI, Chân Lạp đem quân tấn công trở lại Xiêm nhưng đến năm 1594, quốc gia này đã bị quân Xiêm chiếm đóng. Bao trùm lên quan hệ của Chân Lạp – Xiêm các thế kỷ XIII – XVI là chiến tranh giữa hai nước mà chủ yếu là các cuộc tấn công từ phía Tây tràn tới. Nếu như cuộc tấn công của Chân Lạp vào Xiêm ở các thế kỷ XI-XII đã áp đặt được thể chế chính trị, khẳng định được ảnh hưởng văn hóa thì ngược lại trong các đợt xâm lược của quân Xiêm thế kỷ XIII-XVI dường như có rất ít các dấu ấn văn hóa của quốc gia này trên lãnh thổ Chân Lạp.

Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Kim [đồng chủ biên] (2015), Một số chuyên đề lịch sử thế giới, tập III, NXB ĐHQG Hà Nội, H., tr.306-351.

Chú thích:

[1] Thuật ngữ Xiêm trong bài viết này chúng tôi dùng để chỉ chung một quốc gia thống nhất hay các tiểu quốc từng tồn tại dưới thời Cổ Trung đại trên phần lãnh thổ của quốc gia Thái Lan ngày nay.

[2] Cao Xuân Phổ, Gặp gỡ Việt Nam – Indonesia xưa và nay, Tài liệu thư viện Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, mã số TL672, tr. 3.

[3] Lavô hay còn gọi là Lộ Hạc, La Hồi. Theo cố GS. Trần Quốc Vượng thì Lộ Hạc thời Trần và Lộ Lạc thời Lý hẳn chỉ là một. Còn theo học giả Yamatomo Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang) đã đoán định: “Lộ Lạc và Lộ Lạc đúng là La Hộc chép ở Tống hội yếu (phiên di) mục Chiêm Thành, Chư phiên chí mục Chân Lạp, Tống sử (q. 49), Văn hiến thông khảo (q. 332) mục Đan mi lưu và Đảo di chí lược và cũng là Locac chép trong sách Marco Polo, La Hộc tương đương với vùng hạ lưu sông Me Nam, điều đó không nghi ngờ gì nữa. Từ trước đến nay, các học giả đều chỉ định nó là Lopburi (Lavo). Xem Annam no bceki ko Undon,Tohôgakubô IX, trang 280. Phía Bắc nước La Hộc là nước Xiêm, đến đời Nguyên, khoảng niên hiệu Chí Chính (1341-1363), hai nước đó hợp làm một mới gọi là Xiêm La. Chắc các sử gia thời sau nhầm tưởng rằng Xiêm trước thế kỷ XIV cũng là Xiêm La.

[4] Phan Ngọc Liên (Chủ biên) – Nghiêm Đình Vỳ – Đinh Ngọc Bảo – Trần Thị Vinh, Lược sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo Dục, H. 1997, tr. 38-39.

[5] Đặng Văn Chương – Trần Đinh Hùng, Quá trình thành lập vương quốc Thái Lanna (ở thế kỷ XIII), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7 – 2008, tr. 39.

[6] Lương Ninh – Hà Bích Liên, Lịch sử các nước Đông Nam Á, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 135, dẫn theo Đặng Văn Chương – Trần Đinh Hùng, Quá trình thành lập vương quốc Thái Lanna (ở thế kỷ XIII),đã đãn, tr. 38.

[7] Đặng Văn Chương – Trần Đinh Hùng, Quá trình thành lập vương quốc Thái Lanna (ở thế kỷ XIII), đã dẫn, tr. 38-39.

[8] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb. Thế Giới, H., 2008, tr. 338.

[9] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 340.

[10] Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Đức Thọ dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 2004, tr. 336-337.

[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 1999, tr. 354- 353, dẫn theo Song Jung Nam, Quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8-2008, tr. 35.

[12] Song Jung Nam, Quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong lịch sử, đã dẫn, tr. 35.

[13] Song Jung Nam, Quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan trong lịch sử, đã dẫn, tr. 35-36.

[14] Được viết là Temasek (tức Singapore ngày nay).

[15] Li Tana, A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast, Journal of Southeast Asian studies, National University of Singapore, vol 37 (1), 2006, p. 94.

[16] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1997, tr. 267-268.

[17] Ngô Văn Doanh – Quế Lai – Vũ Quang Thiện – Nguyễn Khánh Vân – Phạm Thị Vinh, Tìm hiểu văn hóa Thái Lan, Nxb. Văn hóa, H. 1991, tr. 9.

[18] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 224.

[19] Xin xem them: Tùy thư, Thông chí, Thái bình hoàn vũ ký, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Nxb. Thế Giới, H., 2008, tr. 291-292; 294; 297.

[20] Quế Lai (Cb) – Trịnh Diệu Thìn – Nguyễn Thu Mỹ – Nguyễn Khánh Vân – Dương Xuân Cương, Thái Lan – Truyền thống và hiện đại, Nxb. Thanh niên, H. 1999, tr. 145.

[21] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 189.

[22] G. Coedès, Documents sur I’histoire politique et religieuse du Laosoccidental, BEFEO, XXV, tr. 158, 80; C. Notton, Annales du Siam, II, tr. 34-35; dẫn theo Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 246.

[23] Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 247.

[24] G. Coedes, Les Etats Hindouises d’Indochine et d’Indonesie, Dẫn theo D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 190.

[25] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 190-191.

[26] Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 289.

[27] Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 290.

[28] Triệu Nhữ Quát, Chư phiên chí, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trongVăn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Nxb. Thế Giới, H., 2008, tr. 306.

[29] Quế Lai (Cb) – Trịnh Diệu Thìn – Nguyễn Thu Mỹ – Nguyễn Khánh Vân – Dương Xuân Cương, Thái Lan-Truyền thống và hiện đại, Sđd, tr. 148.

[30] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 248.

[31] Quế Lai (Cb) – Trịnh Diệu Thìn – Nguyễn Thu Mỹ – Nguyễn Khánh Vân – Dương Xuân Cương, Thái Lan – Truyền thống và hiện đại, Sđd, tr. 147.

[32] G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 314.

[33] Phạm Văn Thủy, Quan hệ của Malacca với các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 1400-1511, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3-2006, tr. 46.

[34] Kenneth R. Hall, Maritime trade and state development in Early Southest Asia, University of Hawaii Press. Honolulu, 1985, pp. 171.

[35] Kenneth R. Hall, Maritime trade and state development in Early Southest Asia, sđd, pp. 170-171.

[36] Sakurai Yumio, Thử phác dựng cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á (thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 – 1996, tr. 48.

[37] Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, (GS.Hà Văn Tấn dịch, GS. Phan Huy Lê giới thiệu, ThS. Nguyễn Ngọc Phúc chú thích), Nxb. Thế Giới, H., 2006, tr. 23-24.

[38] Triệu Nhữ Quát, Chư phiên chí, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trongVăn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), sđd, tr. 307. Về các thuộc quốc của Chân Lạp thời kỳ này, theo nghiên cứu của G. Coedes, ông đã đưa ra số liệu thống kê và chú giải khá chi tiết gồm các tiểu quốc: Teng-lieou-mei (trên bán đảo Mã Lai), Po-sseu-lan (trên bờ vịnh Xiêm La), Lo-hou (Lavo, Lopburi), San-lou (xứ Siam trên thượng nguồn sông Mê Nam), Tchen-li-fou (trên bờ biển vịnh Xiêm La), Ma-lo-wen (có thể là Malyang, trong miền Nam Battambang), Lou-yang (?), T’ouen-li-fou (?), Pou-kan (Pagan), Wa-li (miền thượng Miến Điện), Si-p’eng (?), Tou-houai-siun (?). Cũng theo G. Coedès bản danh sách này chứng tỏ rằng vào lúc trước khi bị người Thái đẩy lùi, nước Cao Miên vẫn còn làm chủ vùng châu thổ sông Mê Nam và một phần bán đảo Mã Lai, xin xem thêm: G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông,Sđd, tr. 323-324.

[39] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 199.

[40] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 199. Về thành quách tráng lệ của Chân Lạp, trong Chân Lạp phong thổ ký, Chu Đạt Quan đã ghi chép lại rằng: “Chu vị châu thành đến chừng 20 dặm, có năm cửa, cửa đều có hai lớp. Chỉ ở hướng Đông là có hai cửa, còn các hướng khác đều một cửa. Ngoài thành có hào lớn. Trên hào đều có đường thông cầu lớn. Hai bên đều có 54 ông thần đá, hình dạng giống như tướng quân đá, rất lớn và hung dữ. Năm cửa đều giống nhau. Lan can cầu đều làm bằng đá, chạm thành hình rắn, rắn đều có chín đầu. 54 vị thần đều nắm lấy tay rắn, có cái thế như không để chúng trốn thoát. Trên cửa thành có ông Phật bằng đá lớn, có năm đầu, mặt hướng về phương Tây, mặt ở giữa trang sức bằng vàng. Hai bên cửa chạm đá thành hình voi. Thành đều chất đá xây nên, cao đến khoảng 2 trượng. Đá rất chu mật, kiên cố, cỏ rậm không thể mọc được, không có nữ tường… Ở giữa nước có một tòa tháp bằng vàng, bên cạnh có hơn 20 tòa tháp đá, hơn trăm gian nhà đá. Phía Đông có một cái cầu vàng, hai con sư tử vàng bày ở hai bên tả, hữu của cầu. Tám tượng Phật vàng đặt dưới nhà đá. Về phía Bắc tháp vàng chừng một dặm, có một tòa tháp bằng đồng, cao hơn so với tháp vàng, trông thật đồ sộ, phía dưới cũng có mấy mươi gian nhà đá, lại về phía Bắc chừng một dặm, là nhà của quốc chúa. Tẩm thất của quốc chúa lại có tòa tháp bằng vàng. Các thuyền buôn đến đây khen rằng Chân Lạp giàu sang, chắc là vì thế”,  Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Sđd, tr. 25-26.

[41] Phan Ngọc Liên (Cb.), Lược sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 41-42.

[42] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 201.

[43] Phan Ngọc Liên (Cb.), Lược sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 42.

[44] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, sđd, tr. 273.

[45] G. Coedès, Recueil des inscription du Siam, I, tr. 44-45, dẫn theo G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 368.

[46] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 273-274.

[47] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 277.

[48] Về xung đột của vương quốc Ayutthaya và Lanna, xin xem thêm: Nguyễn Mậu Hùng, Cuộc chiến tranh giữa Ayuthaya và Lan Na từ thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVI, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2-2008, tr. 59-65.

[49] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, Tài liệu viết tay, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.19.

[50] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, tr. 20.

[51] G. Coedès, Recueil des Inscriptions du Siam, I, tr. 48, dẫn trong G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 364.

[52] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 200.

[53] Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Sđd, tr. 56.

[54] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 200-201.

[55] WW. Rockhill, Notes on the Relations and Trade of China, T’oung Pao, XVI, 1915, tr. 106, dẫn theo G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Sđd, tr. 402.

[56] D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 282.

[57] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, Sđd, tr. 23.

[58] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, Sđd, tr. 24-25.

[59] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, Sđd, tr. 27.

[60] Nguyễn Văn Kim, Đại Việt trong bối cảnh lịch sử, chính trị Đông Á thế kỷ XV, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 2 – 2009, tr. 38.

[61] Minh sử, phần Ngoại quốc truyện, mục Xiêm La, Sđd, tr. 27.

[62] Cũng theo luận điểm của L.P. Briggs, biên niên sử cũng khẳng định rằng vào năm 1353, vị vua đầu tiên của Ayutthaya là Rama Thibodi I đã đánh chiếm thành phố Angkor và chiếm giữ trong bốn năm trước khi một vị vua Khơ me lánh nạn ở Lào đòi lại được ngai vàng.

[63] Về luận điểm của L.P. Briggs, xin xem cụ thể trong D.G.E. Hall,  Lịch sửĐông Nam Á, Sđd, tr. 204-205.

[64] Về luận điểm tương tự của G. Coedès xin xem thêm G. Coedès, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, sđd, tr. 415-416. Tuy nhiên, trong công trình của mình G. Coedès cũng không chắc chắn về niên đại đã đưa ra, theo tác giả chỉ có niên đại mà ông sử dụng trong Minh sử là chính xác. Về các luận điểm của Jean Moura, Adhemar Leclere, Etienne Aymonier và Geoges Maspero xin xem thêm trong D.G.E. Hall,Lịch sử Đông Nam Á, sđd, tr. 205-206. Trong công trình Lược sử vùng đất Nam Bộ-Việt Nam, tập thể tác giả cũng có chung quan điểm về các đợt xung đột quân sự của Ayutthaya và Chân Lạp thời kỳ này: “Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía Tây, đặc biệt là từ vương triều Ayutthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV. Trong suốt 78 năm (từ 1353 đến 1431), Ayutthaya và Chân Lạp liên tiếp có chiến tranh, trong đó chủ yếu là những cuộc tiến quân Chân Lạp từ phía người Thái. Trong thời kỳ đó, có lúc kinh thành Angkor bị đã bị quân đội Ayutthaya chiếm đóng”. Xin xem cụ thể Vũ Minh Giang (Cb.), Nguyễn Quang Ngọc – Lê Trung Dũng – Cao Thanh Tân – Nguyễn Sĩ Tuấn, Lược sử vùng đất Nam Bộ – Việt Nam, Nxb. Thế Giới, H., 2008, tr. 25-26.

[65] Về quan điểm của Bernard Philippe Groslier xin xem cụ thể trong D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 206.

[66] Về quan điểm của O. W. Wolters đối với lần xâm lược Chân Lạp lần thứ nhất của đế chế Ayutthaya xin thêm trong D.G.E. Hall,  Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 206-208.

[67] Về lập luận của Wolters đối với cuộc tấn công lần hai vào lãnh thổ Chân Lạp của đế chế Ayutthaya, xin xem chi tiết, cụ thể trong D.G.E. Hall,  Lịch sửĐông Nam Á, Sđd, tr. 208-210.

[68] Về luận điểm này của O.W. Wolters xem cụ thể trong D.G.E. Hall, Lịch sửĐông Nam Á, Sđd, tr. 210-213.

[69] Minh sử, Liệt truyện, Ngoại quốc truyện, mục Chân Lạp, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Sđd, tr. 308-309.

[70] Minh sử, Liệt truyện, Ngoại quốc truyện, mục Chân Lạp, dẫn theo Nguyễn Hữu Tâm, Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, in trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944 – 2004), Sđd, tr. 310.

[71] Nguyễn Văn Kim, Hoạt động thương mại của các vương quốc cổ Thái Lan – Vị trí và những ảnh hưởng khu vực, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7 (112) – 2009, tr. 3-10.

[72] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 216.

[73] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 217.

[74] D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 218.

[75] Về các xung đột Chân Lạp-Xiêm cuối thế kỷ XVI xin tham khảo chi tiết, cụ thể thêm trong D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 218-222.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2015/10/13/quan-he-cua-chan-lap-va-xiem-siam-the-ky-vii-xvi/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?