Quan niệm chữ Hiếu trong văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc 20/01/2018

ThS. Nguyễn Ngọc Thơ 

 1.       Cơ sở lý luận và thực tiễn

a.       Cơ sở lý luận

   Xét theo từ nguyên, chữ Hiếu 孝bắt nguồn từ hình ảnh một người con cõng cha già (hoặc mẹ) đi đường, nghĩa là “hiếu thuận”. Chữ Hiếu về cơ bản có hai bộ phận, “lão 老” chỉ người trên ở phần trên và “tử 子”, chỉ con cái, ở phía dưới [Lý Ngạc Nhị 1997: 267]

    Nho gia rất coi trọng chữ Hiếu. Luận Ngữ có viết “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ 弟子入则孝,出则悌”, nghĩa là “Học trò ở nhà thì phái có hiếu, ra đường thì phải tôn kính bề trên”. Theo truyền thuyết Trung Hoa, chữ Hiếu “lấy căn nguyên từ đức của Nghiêu Thuấn” [Ngô Chung Dật 2010: 24]. Còn theo Thuyết Văn Giải Tự, hiếu đạo nghĩa là “thiện sự phụ mẫu” (phụng sự bố mẹ). Học trò Khổng Tử đã rất nhiều lần thỉnh giáo thầy mình về đạo Hiếu. Dĩ nhiên, đạo Hiếu là một sản phẩm của luân lý xã hội, một phạm trù đạo đức tốt đẹp, phạm vi và tác dụng của nó không nằm ngoài không gian gia đình theo nghĩa hẹp. Đến thời Hán, khi cơ cấu bộ máy nhà nước cai trị đã hoàn thiện, lễ chế được ban hành, đạo Hiếu được áp dụng như một trong những chuẩn mực quan trong của đạo đức xã hội.

    Trong Tam cương – ngũ thường đều có quy định về Hiếu. Ở Tam cương, đó là tinh thần quan trọng của mối quan hệ tôn ti gia đình (phụ tử), trong khi ở Ngũ thường thường thì trong Nhân có Hiếu [Ngô Chung Dật 2010: 24]. Hiếu, cùng với Đễ, góp phần quy định trật tự tôn ti trong từng gia đình, gia tộc, góp phần tạo nên trật tự xã hội bền vững. Khổng Tử nói “tông tộc xưng hiếu yên, hương đảng xưng đễ yên 宗族称孝焉,乡党称悌焉” (trong quan hệ gia tộc thì trọng hiếu, trong quan hệ hương thôn thì trọng đễ). Trong Đại Học, người xưa dùng Hiếu để biểu đạt Đức, từ đó quy định những chuẩn mực của người quân tử nhắm đến mục tiêu trị quốc bình thiên hạ. Quyển Trung Dung thì dùng hiếu để kiến lập một thế giới trung hòa. Đặc biệt Trung Dung lấy hình mẫu hiếu thiện của Chu Văn vương, Chu Võ vương, Chu Công v.v. để làm gương thiên hạ. Cuốn Mạnh Tử dẫn bình luận của Khổng Tử và Mạnh Tử, ý nghĩa cơ bản của đạo hiếu cũng chỉ xoay quanh không gian gia đình.

    Tuy nhiên, theo quá trình lịch sử, ý nghĩa của đạo Hiếu đã được mở rộng thành “hành nhân 行仁”. Người trọng nhân sẽ đạt nhân, luôn mang trong mình hoài bão có ích cho cộng đồng. Hơn thế, người trọng nhân cũng có lòng bác ái bao la với vạn vật, người xưa gọi chung là “nhân dân ái vật 仁民爱物”. Như vậy, xét theo nghĩa rộng, Hiếu đã phát triển thành Nhân 仁.

   Vào thời Minh, Hiếu đã phát triển mối quan hệ với Trung, đặc biệt là khi Chu Nguyên Chương áp dụng chính sách Hiếu đạo, coi trọng phương châm “di hiếu vi trung” (移孝为忠biến hiếu thành trung) hoặc “trung tiên vu hiếu, hiếu phục tùng trung 忠先于孝,孝服从忠” (trung trước tiên là hiếu, hiếu theo cùng trung” [Thư Đại Cương 2010: 40-50]).

   Đặc trưng của hiếu đạo theo truyền thống Nho giáo là gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội của từng gia đình, do vậy nó không có một hệ quy chuẩn đặc biệt so với nhiều phạm trù khác. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hiếu đạo được thực hiện khác nhau ở từng hoàn cảnh chủ thể, từng vùng và từng thời đại lịch sử khác nhau [Đổng Kim Dụ 2010: 3]. Điều này phản ánh tính đa dạng trong nhận thức vể chữ Hiếu của các nhóm khác nhau, các tộc người khác nhau và các dân tộc khác nhau dù có hay không có tiếp nhận ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho gia.

   Do đó, quan niệm chữ Hiếu hoàn toàn khác biệt theo quan niệm người phương Tây. Trong một công trình nghiên cứu mô típ loạn luân trong thần thoại Hy Lạp và Ấn Độ, tác giả Ấn Độ K. Ramanujan [2006] đã từng nhận định sự tồn tại sự khác biệt giữa cây đời phương Đông và phương Tây. Ở phương Tây, cây đời đứng thẳng, gốc cây là nền tảng gia đình (bố mẹ), ngọn cây là con cái, luôn vươn mình lên tầm cao mới của thời đại. Trong khi đó, cây đời phương Đông theo kiểu hoàn toàn ngược lại, gốc và rễ bên trên, ngọn trút xuống, con cái luôn nấp dưới cái bóng của bố mẹ. Từ sự khác biệt này, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính đa dạng của quan niệm về chữ Hiếu giữa dân tộc trên thế giới.

   Ở phương Đông, đặc biệt là các quốc gia trong vùng văn hóa chữ Hán, quan niệm về chữ Hiếu cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt bên cạnh những nét chung toàn vùng. Ngay ở tính chất hệ tư tưởng xã hội chính thống là Nho gia cũng có sự đa dạng (Việt Nam trọng Nghĩa, Trung Quốc trọng Trung-Hiếu, Hàn Quốc trọng Thuận-Kính, Nhật Bản trọng Trung-Dũng [Nguyễn Ngọc Thơ 2010]. Sự khác biệt ấy của quan niệm chữ Hiếu bắt nguồn từ nhiều yếu tố, song có lẽ quan trọng nhất là từ môi trường tự nhiên và xã hội dẫn đến kết quả là hình thành sự đa dạng trong loại hình kinh tế – văn hóa và quan niệm, tính cách văn hóa từng dân tộc.

a.       Cơ sở thực tiễn

(1)     Việt Nam

   Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa, có kiểu loại hình kinh tế – văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước [Trần Ngọc Thêm 2001]. Xét theo lịch đại, khi nói đến văn hóa truyền thống Việt Nam, người ta nhắc đến khu vực Bắc Bộ (đồng bằng sông Hồng-sông Mã và vùng phụ cận) với chủ thể văn hóa là người Việt (người Kinh).

   Người Việt cổ sớm định cư vùng đồng bằng sông Hồng – sông Mã bằng lối sống nông nghiệp lúa nước, kiểu tổ chức cộng đồng theo các đơn vị làng xóm khép kín, lấy nông nghiệp lúa nước làm nền tảng kinh tế chính.

   Theo chiều lịch sử, văn hóa Việt Nam trải qua ba thời kì văn hóa lớn, bao gồm (1) thời kì hình thành văn hóa bản địa (Lạc Việt) được tính từ thời tiền sử đến đầu Công nguyên; (2) thời kì tranh chấp và giao lưu với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, trong đó giao lưu văn hóa với Trung Hoa là sâu sắc nhất (đầu Công nguyên đến nay); và (3) thời kì giao lưu với văn hóa phương Tây (từ tk. XV-XVI đến nay).

Với điều kiện tự nhiên (địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu) và điều kiện lịch sử – xã hội đặc thù, Việt Nam mang kiểu văn hóa nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á truyền thống:

Loại hình này của văn hóa Việt Nam là sản phẩm tất yếu của sự tổng hòa ba yếu tố (1) Môi trườg sống thuận tiện với khí hậu nóng ấm và địa hình sông nước, (2) Chất tĩnh của dân hái lượm và nông nghiệp Nam Á – tổ tiên người Việt hiện đại; và (3) Loại hình kinh tế chủ yếu là nghề nông nghiệp lúa nước.

  Loại hình văn hóa âm tính này của Việt Nam chịu sự tác động ít nhiều từ bên ngoài, đặc biệt là từ Nho giáo trong mối quan hệ với Trung Hoa và từ ảnh hưởng của văn minh phương Tây.

   Các điều kiện trên đây đã tác động quy định thành các đặc trưng quan trọng của tính cách văn hóa Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng đến quan niệm nhận thức về chữ Hiếu trong văn hóa truyền thống, gồm tính cộng đồng, thiên hướng hài hòa – cân bằng, xu hướng thiên về âm tính, tính tổng hợp và tính linh hoạt (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2006]).

(2)     Hàn Quốc

   Hàn Quốc nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên, có địa hình khắc nghiệt hơn so với điều kiện ở Việt Nam với diện tích đồi núi đá chiếm đa số (70%), đồng bằng nhỏ hẹp ven biển ít phù sa, thường ngập mặn. Hàn Quốc nằm ở vành đai ôn đới, khí hậu tương đối mát mẻ vào mùa hạ và lạnh vào mùa đông. Điều kiện tự nhiên ấy quy định tính chất “nông mục song tồn” trong loại hình kinh tế – văn hóa Hàn Quốc truyền thống.

   Khác với Việt Nam với 54 tộc người, Hàn Quốc tương đối thuần chủng về mặt tộc người (người Hàn chiếm tuyệt đại đa số, phần còn lại là người Hoa, người Nhật). Sự thuần nhất ấy về chủ thể dễ dàng tạo nên sự đồng thuận và đặc trưng tính đồng nhất trong quan niệm, tính cách văn hóa. Người Hàn Quốc có nguồn gốc xa xưa là cư dân săn bắt – chăn nuôi du mục Altai – Siberia, trong khi tổ tiên người Việt Nam là cư dân hái lượm – trồng trọt Nam Á – Bách Việt.

   Cả Hàn Quốc và Việt Nam đều trải qua các điều kiện lịch sử – xã hội tương đồng, song tính chất ở mỗi quốc gia mỗi khác. Cả hai quốc gia đều trải qua ba giai đoạn (1) hình thành văn hóa bản địa; (2) giai đoạn chống sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, và (3) giai đoạn tái độc lập và phát triển văn hóa([1]). Tuy nhiên, thời gian Bắc thuộc ở Việt Nam là ngót 10 thế kỷ, trong khi ở Hàn Quốc nói riêng (toàn bán đảo Triều Tiên nói chung) là trên dưới 3 thế kỷ. Sự khác biệt này phản ánh thực tế là thời tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Hoa ở Hàn Quốc ngắn hơn, thời gian khôi phục và phát triển văn hóa bản địa trên cơ sở dung hòa văn hóa bản địa – Trung Hoa dài hơn và sớm hơn. Trong thời kì cận – hiện đại, người Hàn Quốc sớm công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, do vậy những kinh nghiệm trong việc đối mặt và vượt qua các thử thách hiện đại trong quan hệ luân lý gia đình, trong đó có Hiếu đạo, là phong phú hơn, hiệu quả hơn Việt Nam.

   Trong tính cách văn hóa, cả hai dân tộc đều coi trọng thái độ hài hòa với thiên nhiên, song lại khá khác biệt về tính chất và đặc trưng ý thức cộng đồng, kiểu tư duy, quan hệ luân lý tình cảm và bản chất xã hội.

   Cả người Hàn Quốc và người Việt Nam đều coi trọng ý thức cộng đồng nhưng xuất phát điểm khác nhau. Trong khi người Việt Nam coi trọng đời sống làng xã nông thôn khép kín với đặc trưng tính dân chủ nổi bật thì người Hàn Quốc coi trọng đời sống gia tộc, dòng họ vốn mang tính tôn ti. Tư duy tổng hợp là sản phẩm của truyền thống nông nghiệp lúa nước điển hình ở Việt Nam thì đặc trưng này ở Hàn Quốc không quá nặng nề, ngược lại họ có khả năng tư duy hệ thống – phân tích tốt hơn. Trong khi người Việt thiên về cung cách ứng xử “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình” thì người Hàn Quốc có thiên hướng dung hòa giữa tình và lý, song thiên về lý (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2010]). Xét về bản chất, xã hội Việt Nam thể hiện tính nước đôi giữa những quan hệ luân lý theo chiều ngang (tính dân chủ) và theo chiều dọc (tính tôn ti), trong đó xu hướng theo chiều ngang nổi trội hơn, trong khi ở Hàn Quốc là kiểu xã hội đậm chất tôn ti (theo chiều dọc). Trong bài viết “Hôn nhân Việt Nam – Đài Loan dưới góc nhìn văn hóa”, tác giả Phan Thu Hiền [2010] khi so sánh đặc trưng xã hội Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan mang đậm nét truyền thống văn hóa Đông Bắc Á đã nhấn mạnh rằng xã hội Việt Nam phát triển theo “trục hoành”, trong khi ở Đài Loan là “trục tung”. Nhận định này của tác giả hoàn toàn phù hợp với phân tích của chúng tôi trong trường hợp so sánh xã hội Việt Nam và Hàn Quốc.

   Trong mối quan hệ với Trung Hoa, Hàn Quốc và Việt Nam đứng ở hai cực chủ động và thụ động khác nhau trong thái độ tiếp nhận văn hóa qua giao lưu. Lấy truyền thống Nho học làm ví dụ, người Hàn Quốc tương đối chủ động trong thái độ tiếp nhận, và khi tiếp nhận luôn thể hiện tính hệ thống – chỉnh thể của toàn bộ học thuyết Nho giáo, trong khi đó ở Việt Nam là thái độ thụ động, chỉ tiếp thu cái mình cần chứ không tiếp thu toàn bộ [Trần Văn Đoàn 2002: 82-88].

2. Nhận thức về chữ Hiếu ở Việt Nam

a.       Nguồn gốc và quá trình phát triển chữ Hiếu ở Việt Nam

   Không có bộ sách sử nào ghi rõ truyền thống hiếu đạo ở Việt xuất hiện từ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Song, đứng ở cách tiếp cận liên ngành, chúng ta vẫn có thể xác định sự tồn tại của truyền thống hiếu đạo ở Việt muộn nhất là từ thời Văn Lang – Âu Lạc. Thời ấy, xã hội chuyển dần từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, cấu trúc gia đình hạt nhân dần hoàn thiện, các quan hệ luân lý được củng cố (có thể thấy qua mô típ hoa văn trên bề mặt trống Đông Sơn (như nhà sàn Đông Sơn với bộ ba cha – mẹ – con, ba con nai – xem thêm Trần Ngọc Thêm [2001]). Phạm Đức Dương [2000: 63], từ lúc cư dân Việt cổ chuyền từ vùng trung du xuống khai thác đồng bằng châu thổ cũng là lúc mô hình gia đình lớn nhiều thế hệ thuộc chế độ mẫu hệ bị giải thể và “vỡ vụn ra thành các gia đình hạt nhân”.

   Truyền thống hiếu đạo thời kì này còn được thẩm thấu qua hàng loạt các truyền thuyết, thần thoại như sự tích Bánh chưng – bánh dày (Lang Liêu và các hoàng tử chúc thọ Hùng vương), sự tích Quả dưa hấu (Mai An Tiêm biết mình bị vu oan song vẫn tuân mệnh vua đi đày vì đạo Hiếu), truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh (Mỵ Nương tuân theo sự sắp xếp của vua cha), Mỵ Châu – Trọng Thủy (An Dương Vương giết Mỵ Châu vì bất hiếu, bất trung) v.v.. Dù rằng nguồn gốc các truyền thuyết, thần thoại nói trên cần phải bàn thêm, song chúng đều phản ánh một sự hoài niệm nào đó của lịch sử – xã hội.

   Một minh chứng sống động nữa cho truyền thống Hiếu đạo thời kì này là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Không ai biết nó bắt đầu từ lúc nào, song các nghiên cứu khoa học hiện đại cho thấy tục thờ này đã có ở các cộng đồng Bách Việt, trong đó có tổ tiên Lạc Việt của Việt Nam, từ thời tiền sử (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2001]).

   Xét trên khía cạnh thực tiễn xã hội, tổ tiên người Việt Nam thời Văn Lang – Âu Lạc là các cư dân nông nghiệp lúa nước, sống theo quy mô làng nông thôn với tinh thần cộng đồng cao do phải thường xuyên đối phó với những khắc nghiệt của môi trường tự nhiên (lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh) và mội trường xã hội (trộm cướp, ngoại xâm). Quan hệ cộng đồng xã hội ấy có mối quan hệ gia đình hạt nhân làm nền tảng, trong đó mối quan hệ luân lý giữa các thế hệ theo thời gian vẫn là trụ cột. Đạo hiếu hình thành trên cơ sở ấy và tồn tại trước khi tư tưởng Nho gia thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam.

   Như vậy, đạo Hiếu bắt nguồn tự nhiên từ thực tiễn đời sống canh nông ở Việt Nam. Nó vừa mang tính tôn ti vừa mang tính dân chủ do chịu ảnh hưởng của phương thức định cư kiểu làng xã có tổ chức chặt chẽ và kiểu sản xuất nông nghiệp lúa nước. Cuốn Hán Thư(Giáp Quyên Chi Truyện) “Dân Lạc Việt (vùng Chu Nhai), cha con cùng tắm trên cùng một dòng sông..” (骆越之人,父子同川而浴..). Xét về tính chất, đạo Hiếu thời kì này hoàn toàn mang tính dân gian, nó tồn tại bàng bạc trong mọi gia đình mà không có cơ sở lý luận nào. Chính vì vậy, không có một hệ thống tiêu chí nào để phân định, đánh giá đạo Hiếu mãi cho đến khi người Việt Nam tiếp nhận sâu rộng tư tưởng Nho gia từ Trung Quốc.

   Qua ngót ngàn năm chống Bắc thuộc, đạo Hiếu ở Việt Nam được lý luận hóa, nó gắn liền với những tiêu chí đạo đức xã hội: Tam cương – Ngũ thường. Chữ Hiếu bước từ quy mô gia đình ra xã hội, chuyển từ trạng thái dân gian sang xu thế quan phương hóa, từ chưa mang tính hệ thống sang tính quy củ v.v.. Dù vậy, nếu không phân tích sâu về quan niệm đạo Hiếu ở Việt Nam, người ta có thể nhầm lẫn rằng người Việt Nam tiếp nhận đạo Hiếu từ Trung Hoa. Trên thực tế, sự tiếp nhận ấy chỉ là yếu tố lý luận. Do đặc trưng văn hóa và tính cách văn hóa Việt Nam khá khác biệt với phần còn lại của các nền văn hóa chữ Hán, truyền thống đạo Hiếu ở Việt Nam vẫn mang đặc trưng riêng của nó, hoàn toàn nằm trong hệ thống bản sắc văn hóa Việt Nam.

b. Đặc trưng quan niệm chữ Hiếu ở Việt Nam

   Như nhận định nói trên của Đổng Kim Dụ [2010: 3], đạo Hiếu gắn liền với đời sống thực tiễn của các gia đình trong khuôn khổ chung là xã hội, do vậy tính chất của quan niệm chữ Hiếu cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ cấu, tính chất gia đình và xã hội.

   Xã hội Việt Nam truyền thống (kể cả trước và sau khi chịu ảnh hưởng của Nho gia) nhìn chung vẫn là một xã hội trong quan hệ chiều ngang (trục hoành). Lợi ích gia đình đặt trong lợi ích chung của làng xã. Chính vì thế đạo Hiếu chịu sự ràng buộc của nhiều tiểu hệ thống tư tưởng xã hội khác.

   Trong lĩnh vực tổ chức đời sống tập thể, chúng tôi quan sát vấn đề theo trục không gian, thời gian và chủ thể.

   Nhìn theo trục không gian xã hội, chữ Hiếu được dung hòa với chữ Nghĩa qua cầu nối là chữ Nhân. Quan hệ gia đình (Hiếu) hòa vào quan hệ xã hội (Nghĩa) do lợi ích kinh tế và điều kiện môi trường sống phụ thuộc vào tổ chức xã hội cấp cơ sở là làng xã. Hương ước giữ vai trò chủ đạo, nó chi phối cung cách sống của từng thành viên trong xã hội, do vậy tình cảm gia đình bị chia sẻ bởi tình cảm xã hội. Chữ Hiếu được đặt song hành cũng chữ Nghĩa, thậm chí trong Nghĩa có Hiếu. Cả Hiếu và Nghĩa có chung chữ Nhân. Trong tiềm thức dân gian, một đứa con có hiếu là một đứa con có nghĩa, có lòng thương người, chan hòa cùng không gian xã hội, dĩ nhiên trong đó có lòng thương, tôn kính bố mẹ. Khi phê phán quan niệm lỗi thời chuộng con trai, dân gian có câu: “Gái mà chi, trai mà chi, sinh ra có nghĩa có nghì thì hơn”.

   Chữ Hiếu dung hòa cùng chữ Trung. Nếu như ở Trung Quốc, Trung và Hiếu tồn tại ở hai cấp độ khác nhau (quốc gia, gia tộc) thì ở Việt Nam có sự hợp nhất giữa hai khái niệm này. Khái niệm Đại Hiếu trong giai thoại Nguyễn Trãi đưa tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh đi tù ở Trung Quốc là một minh chứng sống động. Nguyễn Phi Khanh đã dạy con rằng hiếu với cha chỉ là Tiểu Hiếu, người có hiếu đạo thật sự phải đặt Đại Hiếu lên hàng đầu. Đại Hiếu là hiếu với dân tộc, với non sông, với đất nước (xem thêm Phan Ngọc [2001]). Con người Việt Nam là con người tổ quốc, văn hóa Việt Nam trước hết là vì tổ quốc. Chữ Hiếu ở Việt Nam được lăng kính Tổ quốc luận gắn thêm vào tầng nghĩa rộng nhất, vinh quang nhất của nó là Hiếu với tổ quốc.

    Kết hợp cả xu hướng ấy, đạo Hiếu ở truyền thống văn hóa Việt Nam hợp nhất với Trung, Nghĩa, Đễ thành một khối, lấy lợi ích quốc gia, xã hội làm trọng, do vậy lấy chủ nghĩa yêu nước làm nền tảng chính([2]). Sự dung hợp đa nguyên này hoàn toàn có cở sở, vì nó bắt nguồn từ các đặc trưng tính cách vốn có của người Việt Nam: tính cộng đồng, thiên hướng hài hòa – cân bằng, xu hướng thiên về âm tính-trọng tình, tính tổng hợp và tính linh hoạt. Trong sự dung hòa ấy, nền tảng cơ bản của nó vẫn là yếu tố bản địa, do vậy đạo Hiếu ở Việt Nam không nặng nề tính tôn ti, không quá câu nệ về mặt hình thức và không khắc nghiệt về các tiêu chí.Xét theo trục thời gian, đạo Hiếu ở Việt Nam thể hiện sự tổng hợp đa chiều. Đầu tiên là sự tổng

   hợp của nội hàm sẵn có ở bản địa với khung lý luận Nho gia. Thứ hai, đó là sự tổng hợp giữa chất dân gian (vị chuẩn) với chất quan phương (quy chuẩn). Thứ ba là sự tổng hợp giữa hai tính chất văn hóa Nam, Bắc với tiểu tiết văn hóa phương Nam bản địa trọng chất dân chủ và văn hóa phương Bắc trọng chất tôn ti.

   Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Á, Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc của đời sống kinh tế – xã hội, trực tiếp tác động đến cấu trúc gia đình, kéo theo những biến động đa chiều của các mối quan hệ luân lý. Người Việt Nam cần kiên định hành sự hiếu đạo, đồng thời, nếu có thể, phải xây dựng một hệ quy chiếu mang tính thời điểm để có thể gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu đạo trong thời kì mới. Nhìn sang phía bắc, người Trung Quốc cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự sau khi họ phải gánh quá nhiều thử thách của chính sách tập trung phát triển kinh tế (quy mô không đồng đều) và chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con trong mấy thập niên gần đây [Đổng Kim Dụ 2010: 3].

    Xét theo chủ thể, dọc chiều dài đất nước, đạo Hiếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ tương đối quy củ hơn tại Nam Bộ. Do là vùng đất mới khai phá, thành phần lưu dân Nam Bộ sinh sống theo quy mô gia đình hạt nhân là chính, tư tưởng xã hội bị xáo trộn bởi thân phận lịch sử và yếu tố chi phối của môi trường tự nhiên mới, đạo Hiếu có xu hướng đơn giản hóa, dân chủ hóa và đa dạng hóa. Người Việt Nam Bộ ít đặt chữ Hiếu trong mối quan trọng với chữ Trung, Nghĩa, Đễ. Đặc biệt có lẽ là xu hướng gói gọn quan niệm chữ Hiếu trong quy mô gia đình mà mỗi gia đình có quan niệm riêng về đạo Hiếu. Lấy hiện tượng phụ nữ Tây Nam Bộ lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc làm thí dụ, đa số các trường hợp với động cơ là chữ Hiếu, song hầu như không mấy quan tâm đến các mối quan hệ xã hội khác (trong và ngoài nước), yếu tố thể diện quốc gia, yếu tố đạo đức xã hội v.v..

    Trong lĩnh vực tổ chức đời sống cá nhân, chúng tôi giới hạn khảo sát ở hai lĩnh vực tiêu biểu là tín ngưỡng – tôn giáo và phong tục để làm phong phú thêm ý nghĩa các nhận định nói trên.

   Trong tín ngưỡng – tôn giáo, đạo Hiếu Việt Nam thể hiện tính dung hòa sâu sắc với niềm tin tâm linh vốn rất phong phú ở Việt Nam. Đạo Hiếu là nền tảng của tín ngưỡng thờ tổ tiên, xa hơn là thờ tổ mẫu, quốc tổ. Từng có nhận định rằng tín ngưỡng thờ tổ tiên ở Việt Nam sâu sắc hơn nhiều vùng ở Trung Hoa (xem Trần Ngọc Thêm [2001]). Với tư duy tổng hợp, đầu óc thần bí, người Việt Nam tôn thờ tổ tiên ngoài mục đích thể hiện chữ Hiếu còn gửi gắm niềm mong mỏi hay ước vọng may mắn của mình. Trong tôn giáo, chữ Hiếu dù được khoác lên mình chiếc áo lý luận của Nho giáo song với nội hàm dân gian vốn có của nó đã dung hợp rất tốt với tư tưởng triết học – tâm linh Phật giáo, Đạo giáo, trở thành một trong những giềng mối cơ bản giúp hai tôn giáo này thâm nhập sâu rộng, tồn tại lâu bền và ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách văn hóa Việt Nam. Ở một số tôn giáo mới, như Cao Đài và Hòa Hảo chẳng hạn, đạo Hiếu vẫn là một lý luận trọng tâm. Trong nghi lễ đạo Thiên chúa, thờ Chúa và thờ tổ tiên được coi là hai nhiệm vụ cơ bản của tín đồ. Xét cho cùng, đạo Hiếu gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng – tôn giáo ở Việt Nam bắt nguồn từ đặc trưng dân gian của nó, cộng với tính cách văn hóa tổng hợp, linh hoạt của người Việt Nam. Với tính dung hòa ấy, tính chất dân chủ của đạo Hiếu càng được mở rộng (do nó vượt qua khuôn khổ gia đình), song tính tôn ti của nó cũng được tăng cường, song lần này là tính tôn ti được kích thích từ yếu tố tâm linh chứ không phải là chất tôn ti mang tính xã hội.

   Trong lĩnh vực phong tục, đạo Hiếu thể hiện rõ nhất trong các phong tục vòng đời và phong tục lễ tết truyền thống. Trong phong tục vòng đời, nghi thức thành thân (vái lạy cha mẹ) trong phong tục hôn nhân, lễ mừng thọ, các nghi thức phong phú đa dạng hướng đến sự siêu thoát của linh hồn người chết trong phong tục tang ma truyền thống, tục cúng giỗ hàng năm v.v. đều lấy đạo Hiếu làm kim chỉ nam. Trong khi đó, các phong tục lễ tết truyền thống coi thờ cúng tổ tiên là hoạt động trong tâm mang đầy đủ các giá trị tốt đẹp của chức năng giáo dục xã hội. Tục rước tổ tiên về ăn tết ngày 30 tháng chạp, tục cúng tổ tiên hàng ngày trong dịp tết Xuân, tục tảo mộ ngày thanh minh, tục cúng tổ tiên ngày Đoan ngọ, tục đoàn viên ngày Trùng cửu v.v. đều hướng đến ý nghĩa uống nước nhờ nguồn, giáo dục con cháu tiếp nối truyền thống chữ Hiếu. Do được hiểu đạo Hiếu theo cung cách dân gian, người Việt Nam thể hiện ý nghĩa của nó trong các phong tục tập quán hoàn toàn theo cung cách dân gian, tức theo xu hướng của tính dân chủ. Không có một kinh sách nào chuẩn hóa cho toàn quốc (mặc dù trong lịch sử từng xuất hiện nhiều kinh điển quan phương như Thọ Mai Gia Lễ v.v.).

   Tóm lại, với các đặc trưng cơ bản là tính tổng hợp, tính linh hoạt và tính dân chủ, truyền thống đạo Hiếu ở Việt Nam được nhận thức và thực hiện trên nền tảng của xã hội nông nghiệp thuần túy mang trọng tâm dàn trải theo chiều ngang, khác hẳn với các truyền thống ở Đông Bắc Á, cụ thể là ở Hàn Quốc.

 3.       Nhận thức về chữ Hiếu ở Hàn Quốc

a.       Nguồn gốc đạo Hiếu ở Hàn Quốc

    Hàn Quốc nói riêng, bản đảo Triều Tiên nói chung, có truyền thống văn hóa bắt nguồn từ lối sống “nông mục song hành” với kiểu cư trú đặt trọng tâm ở sự quần tụ gia đình – gia tộc.

      Với điều kiện hà khắc của tự nhiên (núi đá chiếm đa số, thời tiết lạnh kéo dài vào mùa đông, lượng mưa thấp, phù sa ít v.v.), người Hàn Quốc trong truyền thống phải nỗ lực hết mình mới có thể vượt qua được những thách thức ấy để sống còn và phát triển. Thêm vào đó, do vị trí quá gần triều đình trung ương Trung Quốc, những áp lực ảnh hưởng chính trị, văn hóa từ người khổng lồ này luôn là mối quan tâm quan trọng của họ chỉ sau yếu tố đối mặt với tự nhiên. Các điều kiện ấy đã làm nên đặc tính cần cù nhẫn nại vào bậc nhất thế giới và tính nuốt hận của người Hàn Quốc (xem thêm Trần Ngọc Thêm [2010]).

       Trong việc lựa chọn phương thức tổ chức đời sống, người Hàn Quốc (so với người Việt Nam) thiên hẳn về lối sống quần tụ gia đình – dòng tộc hơn là kiểu nông thôn làng xã theo chiều ngang. Với điều kiện khó khăn nói trên, sự huy động lực lượng tập thể, sự nương tựa vào nhau, sự chia sẻ thành quả lao động giữa những thành viên cùng dòng tộc được ưu tiên hàng đầu, do vậy văn hóa truyền thống Hàn Quốc mang đậm chất gia tộc hơn so với văn hóa Việt Nam. Tác giả Trần Thị Thu Lương [2011] nhận định “văn hóa Hàn Quốc thấm đẫm chất nhân văn với các đặc trưng khá nổi bật: trọng tình, hòa hợp với thiên nhiên, mẫn cảm và tinh tế”. Tác giả nhấn mạnh, yếu tố “trọng tình trước hết là trọng gia đình”, “có gia đình = hạnh phúc; độc thân = bất hạnh”. Người Hàn Quốc đặc biệt coi trọng các mối quan hệ gia đình cơ bản gồm giữa các thành viên cùng thế hệ và giữa các thế hệ với nhau. Tác giả Trần Ngọc Thêm [vanhoahoc.edu.vn] nhấn mạnh: “trong nền văn hoá Korea, gia đình không chỉ đơn giản là một tế bào xã hội, mà hơn thế nữa, nó trở thành một nhân tố chi phối tổ chức xã hội, một thứ “chủ nghĩa” – chủ nghĩa gia đình (familism)”. Tác giả Trung Quốc Phí Hiểu Thông (dẫn trong Trần Thị Thu Lương [2011]) dùng khái niệm “xã hội thục nhân” để diễn tả xã hội tông tộc, theo đó “xã hội thục nhân” gồm toàn những người có sự quen biết lẫn nhau. Ở trường hợp Nam Trung Hoa hoàn toàn là quan hệ dòng tộc, ở bắc Trung Hoa là kiểu quan hệ các dòng tộc riêng trong một không gian làng xã nông thôn chung [Ma Quốc Khánh 1999: 107-111]. Ở Hàn Quốc thì hẳn nhiên nó là quan hệ dòng tộc, vườn ươm của chủ nghĩa gia đình (falimism) (xem thêm Lee Kwang-kyu [2003: 133-141]). Rõ ràng xã hội Hàn Quốclà môi trường lý tưởng để đạo Hiếu hình thành và phát triển. Ngược lại truyền thống đạo Hiếu tương tác làm cho nghĩa gia đình và tính tôn ti – trật tự gia đình và xã hội càng thêm củng cố.

      Khi người Hàn Quốc tiếp xúc văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tư tưởng Nho gia cũng là lúc đạo Hiếu được gắn thêm chiếc áo lý luận, làm cho nó trở nên sáng suốt hơn, chắc chắn hơn. Sự tương tác giữa yếu tố nội hàm bản địa và ngoại quan lý luận du nhập từ Trung Quốc trong trường hợp chữ Hiếu ở Hàn Quốc mang tính tỷ lệ thuận.

      Trong lịch sử, xã hội Hàn Quốc sớm tổ chức chế độ đẳng cấp, có từ thời Tam quốc. Đến thời Choseon, thành phần xã hội 4 tầng lớp quý tộc – lưỡng ban văn võ, trung dân, thường dân, tiện dân đã tác động mạnh, làm hình thành nên tư duy trọng sự phân biệt thứ bậc mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Trần Thị Thu Lương [2011: 61] viết “linh hồn của văn hóa tôn ti (kiểu Hàn Quốc) không phải chỉ ở sự phân biệt rõ cao – thấp, sang – hèn bằng ứng xử và lễ nghi mà còn ở một nguyên tắc: cấp dưới phải luôn có ý thức tuân thủ và tôn vinh cấp trên và ngược lại cấp trên phải quý trọng cấp dưới”.

b.       Đặc trưng văn hóa của đạo Hiếu ở Hàn Quốc

    Xã hội Hàn Quốc mang chất chủ nghĩa gia đình, coi trọng tính tôn ti làm cơ tầng để đạo Hiếu phát triển.

   Xét trên bình diện tổ chức đời sống tập thể, tính tôn ti trong gia đình được duy trì nhờ vào việc phục tùng các thế hệ tiền bối một cách tuyệt đối, đó là con cái vâng lời cha mẹ, vợ phục tùng chồng, em phục tùng anh. Dân gian Korea có câu: “Ngay cả khi uống nước lạnh cũng phải có trên có dưới”, cho thấy hiếu đễ và tính tôn ti luôn hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống gia đình. Rộng hơn gia đình là gia tộc, khi chủ nghĩa tông tộc được coi trọng thì quan niệm chữ Hiếu được mở rộng từ quy mô gia đình sang quy mô gia tộc. Điểm khác biệt so với văn hóa Việt Nam là đạo Hiếu được mở rộng từ quy mô gia đình ra thành làng xã và toàn xã hội, do vậy tính tôn ti của đạo Hiếu hòa vào tính dân chủ tập thể. Trong trường hợp xã hội Hàn Quốc, tính tôn ti gia đình tiếp tục được gìn giữ, phát huy, thậm chí là được tăng cường khi mở rộng ra phạm vi gia tộc do chế độ tông pháp kiểu Trung Hoa được áp dụng chặt chẽ từ thời trung cổ. Nói cách khác, quan niệm đạo Hiếu ở Hàn Quốc có sự mở rộng sang chiều dọc (trục tung) chứ không mở rộng theo chiều ngang (trục hoành) như ở Việt Nam. Đạo Hiếu ở Hàn Quốc thiên về chất tôn ti, trong khi đạo Hiếu ở Việt Nam có thiên hướng dân chủ hóa (so với Hàn Quốc).

   Sau gia tộc (dòng tộc) là quốc gia. Người Hàn Quốc dùng chữ Trung trong ứng xử ở tầm quốc gia. Điểm mấu chốt của quan hệ Hiếu – Trung ở Hàn Quốc là chữ Trung được xây dựng trên nền tảng của chữ Hiếu. Họ dùng chữ Hiếu để giáo dục chữ Trung. Ở điểm này, ta có thể nhận thấy ít nhiều điểm tương đồng giữa chữ Trung được phát triển từ chữ Hiếu ở Hàn Quốc với khái niệm Đại Hiếu xuất thân từ Tiểu Hiếu ở Việt Nam. Tuy vậy, xét về tính chất, chữ Trung ở Hàn Quốc mang đậm chất tôn ti kiểu quan phương phương Bắc, bởi rất đơn giản chữ Trung ấy được phát triển từ cơ sở chữ Hiếu vốn đã đậm chất tôn ti. Chính vì thế, chữ Hiếu ở Hàn Quốc còn được hiểu là chữ Kính, chữ Thuận (bao hàm luôn cả Trung, Hiếu, Đễ), so với tính chất chữ Hiếu dung hòa tổng hợp với tư tưởng Trung quân – ái quốc và chữ Nghĩa trên tinh thần khá dân chủ ở Việt Nam.

   Giữa các thế hệ Hàn Quốc tồn tại một quan điểm đạo Hiếu tuyệt đối. Đạo Hiếu được xem là nền tảng cơ bản trong quan hệ giữa con người với con người trong gia đình và xã hội truyền thống. Con cái dù ở tuổi đời nào đi nữa cũng chỉ là ‘tiểu tử” (小子), cha mẹ luôn đúng trong tất cả các trường hợp. Con cái bất hiếu sẽ bị xã hội lên án. Đối với nam giới, tội bất hiếu có 6, trong đó dẫn đầu là các yếu tố không nghe lời cha mẹ dạy và bỏ bê cha mẹ (1. Lười nhác, không nghe lời cha mẹ dạy; 2. Ham thích cờ bạc, rượu chè, bỏ bê cha mẹ; 3. Ham muốn tiền bạc, nuông chiều vợ con; 4. Ham thích nhục dục, bỏ bê cha mẹ; 5. ham mê vũ lực, giết người lương thiện, để cha mẹ nguy đốn, tủi hổ; 6. Không sinh được con trai). Còn nữ giới, các tội lớn nhất vẫn là làm phụ lòng cha mẹ, nhất là cha mẹ chồng (không nghe lời bố mẹ chồng, không sinh con trai, ngoại tình, ghen tuông khôn chính đáng, lắm điều thị phi, mắc bệnh di truyền, trộm cắp).

   Người Hàn Quốc có thói quen xem xét đánh giá cá nhân một cách gián tiếp thông qua gia đình của họ. Trong xưng hô, họ có xu hướng gọi theo họ gia đình, chẳng hạn “con trai nhà họ Li”, “con gái nhà họ Kim” v.v. như là một thể hiện của sự ràng buộc luân lý đạo đức hiếu kính trong gia đình (xem thêm Trần Ngọc Thêm: vanhoahoc.edu.vn).

   Đạo Hiếu ở Hàn Quốc được hiểu là một khế ước luân lý đạo đức hai chiều rất rõ nét. Người dưới hiếu để người trên, người trên bảo bọc và hy sinh cho người dưới. Điều này vẫn là nét đạo đức tốt đẹp ở Việt Nam, song khi đi vào đất Nam Bộ quy tắc ấy không còn chặt chẽ nữa.Tác giả Kim Jae Un [1991: 134] từng nhật xét “Nếu người Nhật có thể chết vì đất nước thì người Hàn có thể chết cho gia đình. Người Hàn có xu hướng hy sinh cả bản thân vì cuộc sống hạnh phúc của gia đình) ” (xem thêm Trần Ngọc Thêm: vanhoahoc.edu.vn).

   Xét theo trục thời gian, đạo Hiếu ở Hàn Quốc thời sơ khai mang tính chất khá phù hợp với tư tưởng đạo Hiếu của Nho gia, chính vì thế khi truyền thống sơ khai ấy được lý luận hóa, người Hàn Quốc đã có một hệ thống triết lý hoàn chỉnh, thông suốt và phù hợp trọn vẹn cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Đây là điểm khác biệt cơ bản trong so sánh với quan niệm truyền thống về đạo Hiếu ở Việt Nam. Ở Việt Nam, trong cái tôn ti có cái dân chủ, hai yếu tố vừa loại trừ, vừa tác động nhau và cùng tồn tại.

   Bàn về sự khác biệt ấy giữa hai truyền thống, chúng tôi trích dẫn một trường hợp thực tế tiêu biểu của sự xung đột văn hóa trong một gia đình Hàn Quốc hiện đại có cô dâu Việt Nam. Con dâu mời cơm gia đình, sau khi ăn xong đã làm động tác “chống tay lên cằm” ngồi nhìn bố chồng ăn cơm (theo giải thích là để kiểm tra xem bố chồng có thích món ăn cô ấy nấu hay không) thì lập tức bị bố mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà (báo Tuổi Trẻ, năm 2010).

   Trên bình diện văn hóa tổ chức đời sống tập thể, chúng tôi lần lượt quan sát ở hai lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo và phong tục.

   Người Korea Dùng Hiếu để giáo dục Trung, Nghĩa. Cốt lõi của tư tưởng Nho giáo Korea là giáo dục chữ Hiếu trong gia đình qua thờ cúng tổ tiên và nguyên tắc tôn ti – trật tự. Do vậy, tín ngưỡng thờ tổ tiên được xem như “bề mặt” trung tâm của đạo Hiếu ở Hàn Quốc.

   Trong lĩnh vực tôn giáo, sự dung hòa giữa đạo Hiếu và các hình thức thờ tự khác (ngoài thờ tổ tiên) không rõ ràng như trong trường hợp ở Việt Nam. Chẳng hạn, trong Phật giáo, người Hàn Quốc tuy có chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa song lại là kiểu văn hóa Phật giáo phương Bắc chưa có sự hòa trộn giữa tín ngưỡng thờ tổ tiên như tại vùng nam Trung Hoa và Việt Nam. Nếu có sự dung hợp tín ngưỡng – tôn giáo tại Hàn Quốc thì đó là sự tập hợp Nho, Phật, Đạo và xa hơn là tín ngưỡng shaman. Điều này cũng ít nhiều phản ánh tính rạch ròi trong tư duy của dân gian Hàn Quốc (so với Việt Nam).

   Trong phục tục vòng đời, có lẽ phong tục hôn nhân, phong tục chúc thọ và phong tục tang ma thể hiện nhiều ý nghĩa đạo Hiếu nhất.

   Đối với người Hàn Quốc, độc thân là “bất hạnh” và “bất hiếu”, do vậy việc dựng vợ gả chồng cho con cái là một trong các mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Trong lịch sử, phong tục hôn nhân Hàn Quốc vô cùng phức tạp, “có thể mất hàng năm trời mới xong” [Lee Kwang-kyu 2003: 188]. Người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghi, coi đó là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, do vậy sẽ hiếm có các trường hợp giản lược hóa (trừ phong tục thời hiện đại). Họ tin rằng một sự dễ dãi nhỏ sẽ cho phép nhiều sự dễ dãi khác và như thế cả hệ thống tôn ti trật tự gia đình sẽ đảo lộn. Trong nghi thức hôn nhân, tế bái tổ tiên và tỏ lòng hiếu kính, biết ơn cha mẹ vẫn là các hoạt động quan trọng, người Hàn Quốc muốn con cái họ hiểu rằng hạnh phúc hôn nhân của họ không phải chỉ của riêng họ mà là của cả gia đình, dòng tộc. Điều này có sự khác biệt với trường hợp Việt Nam, khi mà hôn nhân nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu tổng hợp của cả dòng tộc, thôn làng và nguyện vọng lứa đôi [Trần Ngọc Thêm 2001]. Sau hôn nhân, “vô hậu” là tội bất hiếu lớn nhất (bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại), mà dù có sinh con gái đi nữa, vẫn là tội bất hiếu do ý niệm của chế độ tông pháp ăn sâu vào cội rễ tinh thần người dân Hàn Quốc. Quan niệm này cũng tương tự xuất hiện ở Việt Nam truyền thống, song không quá mức nghiêm trọng, nhất là khi người dân tự khuyên nhủ nhau “gái mà chi, trai mà chi, sinh ra có nghĩa có nghì thì hơn”.

    Lễ mừng thọ là một nghi thức quan trọng mà con cháu phải thực hiện. Trong lịch sử, khi ông bà, cha mẹ bước sang tuổi 60 (hết một vòng can-chi) đều phải tổ chức lễ thọ. Lee Kwang-kyu [2003: 194] nhận định thọ lễ 60 tuổi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất một đời người. Con rồi đến cháu, họ hàng, thân tộc sẽ đến chúc thọ người thụ hưởng nghi lễ. Dù không ai bảo ai, phong tục này được người Hàn Quốc coi trọng vì nó góp phần giáo dục truyền thống đạo Hiếu một cách sinh động và hữu hiệu.

   Phong tục tang ma ở Hàn Quốc không kém phần trang trọng. Đạo Hiếu của con cháu sẽ đuợc đánh giá qua cách thức tổ chức nghi lễ cho người quá cố. Các nghi thức tế lễ, tẩm liệm, chôn cất đều rất tỉ mỉ, có quy tắc nhằm đảm bảo hai chức năng cơ bản, một là hướng tới sự siêu thoát của linh hồn người quá cố, và hai là thể hiện ý nghĩa giáo dục đạo đức xã hội (đạo Hiếu). Người Hàn Quốc rất coi trọng yếu tố phong thủy trong việc chôn cất, họ phải lựa chọn thế đất đúng yếu tố “myeongdang” (mộng đường) [Lee Kwang-kyu 2003: 197-198]. Sử sách từng nghi nhận nhiều cuộc cãi vả nhau, thậm chí là xô xát vì hai gia đình kế cận nhau giành cùng một chỗ chôn cất tổ tiên mà họ cho là hợp mô thức myeongdang nhất. Các nghi thức và ý nghĩa tương tự có thể tìm thấy trong văn hóa Việt Nam, song khi vào đến Nam Bộ thì mọi phong tục đều đơn giản hóa (kể cả yếu tố phong thủy), mọi hoạt động còn lại dường như chỉ dồn vào chức năng tâm linh (cầu siêu thoát). Trong vòng 2 năm và 100 ngày sau khi người chết qua đời, con cháu luôn thể hiện sự dằn vặt, đau khổ, tự cho mình là “tội đồ” vì đã bất hiếu, không cứu sống được bố mẹ [Lee Kwang-kyu 2003: 199]. Trong khi đó, người Việt Nam vẫn giữ tục để tang 1-3 năm (tùy vùng), song không phải tự dằn vặt rằng mình đã “bất hiếu” mà trái lại quan niệm “tre già măng mọc” hoặc “sinh ký tử vi” phần nào làm người còn sống nguôi ngoai về nỗi mất mát lớn lao đó.

   Trong phong tục lễ tết truyền thống, có lẽ tết Xuân, tết Thanh minh và tết Trung thu là những phong tục gắn liền nhiều nhất với Hiếu đạo. Trong tết Xuân, sau nghi thức tế bái tổ tiên là nghi thức chúc thọ ông bà, cha mẹ cao tuổi. Con cái, cháu chắt lần lượt quỳ lạy và chúc thọ ông bà, mỗi người tự thực hiện bài học chữ Hiếu của riêng mình. Hình ảnh chúc thọ ngày Xuân ở Hàn Quốc dần dà trờ thành một biểu tượng của đạo Hiếu của nền văn hóa này, rất được thế giới đánh giá cao độ. Sau tết Xuân là tết Thanh minh. Người Hàn Quốc làm lễ tế bái tổ tiên và tảo mộ (được cho là ảnh hưởng từ Trung Quốc). Song, nếu so với người Trung Hoa (đặc biệt là Nam Trung Hoa) thì ý nghĩa Hiếu đạo trong tết Thanh minh ở Hàn Quốc và Việt Nam đều có phần sơ bạc, do người Hàn Quốc tập trung cao độ cho tết Xuân và tết Trung thu, còn người Việt thì tập trung vào ngày giỗ người quá cố hàng năm. Tết Trung thu (chuseok) được coi là lễ tết lớn thứ hai trong năm ở Hàn Quốc. Gia đình đoàn tụ, quây quần, con cháu thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ, và vì thế ngày chuseok còn gọi là lễ tạ ơn. Sau cùng là ngày Trùng cửu, những ai chưa kịp về thăm mồ mả ông bà thì tranh thủ về thăm trong ngày này [Lee Kwang-kyu 2003: 206].

   Hiện nay ở Korea hệ thống gia đình lớn truyền thống đang được thay thế bằng hệ thống gia đình hạt nhân tập trung vào người chồng và vợ, tức có sự dịch chuyển trọng tâm từ thế hệ già sang thế hệ trẻ. Sự thay đổi này thể hiện rõ trong những thế hệ đang tiếp nhận ảnh hưởng của nền giáo dục kiểu phương Tây đề cao chủ nghĩa cá nhân, khiến cho các mối quan hệ luân lý truyền thống dần dà lỏng lẻo. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, tác giả Trần Ngọc Thêm [vanhoahoc.edu.vn] có dẫn kết quả của các tác giả Hàn Quốc cho thấy “ở Hàn Quốc chủ nghĩa tập thể vẫn đang được duy trì, nó cùng với chủ nghĩa cá nhân vẫn đang song song tồn tại và phát triển”.

   Tóm lại, với kiểu xã hội mang tính chất tôn ti cao độ xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa gia đình quy chuẩn, đạo Hiếu ở Hàn Quốc thể hiện tính quy củ, chuẩn mực theo chiều dọc (trục tung), góp phần tạo nên tính bền vững của xã hội trọng tôn ti – trật tự ở Hàn Quốc từ quá khứ đến hiện tại.

Kết luận

   Xuất phát từ các bối cảnh nguồn gốc chủng tộc, điều kiện môi sinh khác nhau, dù điều kiện lịch sử – xã hội mang nhiều nét tương đồng, văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc mang các đặc trưng tính chất khá khác biệt nhau: ở Việt Nam là kiểu văn hóa hướng đến chất dân chủ tập thể do được xây dựng trên nền tảng xã hội trục tung, trong khi ở Hàn Quốc yếu tố tôn ti – trật tự gia đình và xã hội luôn được gìn giữ và phát huy trên cơ sở xã hội trọng chủ nghĩa gia đình – tông tộc.

   Từ hai kiểu xã hội và hai kiểu tính chất văn hóa khác nhau, truyền thống đạo Hiếu ở Việt Nam và Hàn Quốc cũng tồn tại sự khác biệt quan trọng dù hai nền văn hóa này chia sẻ cùng hệ tư tưởng chính thống là Nho giáo. Ở Việt Nam, chữ Hiếu dung hòa với tư tưởng Trung quân – ái quốc, với Nghĩa, với Để trên tinh thần dân chủ và trọng tình (Nhân). Trong khi đó ở Hàn Quốc, đạo đức gia đình và xã hội đều lấy nền tảng từ Hiếu, coi Hiếu là căn nguyên để xây dựng đạo đức quốc gia dân tộc trên tinh thần tôn ti – trật tự.

    Tài liệu tham khảo 

1.       Phạm Đức Dương (2000), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, NXB KHXH, Hà Nội.

2.       Phan Thị Thu Hiền 2010: “Hôn nhân Việt Nam – Đài Loan dưới góc nhìn văn hóa”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế so sánh nhân văn Việt – Đài, Đại học Thành Công, Đài Loan.

3.       Trần Thị Thu Lương 2011: Đặc trưng văn hóa Hàn Quốc từ truyền thống đến hiện đại, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

4.       K. Ramanujan 2006: “Oedipus” Ấn Độ (Phan Thu Hiền dịch), Huyền thoại và Văn học, Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐHKHXHVNV Tp. HCM.

5.       Phan Ngọc 2001: Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học.

6.       Lý Ngạc Nhị 1997: Tìm về cội nguồn chữ Hán, NXB Thế giới.

7.       Trần Ngọc Thêm 2001: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tp. Hồ Chí Minh.

8.       Trần Ngọc Thêm 2006: Tập bài giảng Tính cách văn hóa Việt Nam, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

9.       Trần Ngọc Thêm: “Vai trò chủ nghĩa gia đình ở Korea: từ truyền thống đến hội nhập”, www.vanhoahoc.edu.vn

10.   Nguyễn Ngọc Thơ 2010: “Nho giáo và tính cách văn hóa Việt Nam”, Phục hưng Nho học và Xã hội hiện đại, ĐH Sung Kuyn Kwan, Seoul.

11.   Lương Thư Trung: “Chữ Hiếu ở nhà quê”, http://thatsonchaudoc.com/

12.   xalotintuc: “’Chống cằm nhìn bố chồng’, một cô dâu Việt bị đuổi khỏi nhà”,http://tintuc.xalo.vn/00504441618/Chong_cam_nhin_bo_chong_mot_co_dau_Viet_bi_duoi_khoi_nha.html

13.   Charles K. Amstrong 2002: Korean society: civil society, democracy and the state, London: Routledge.

14.   Korean National Commission for UNESCO 2004: Korean philosophy: its tradition and modern transformation, Hollym.

15.   Kim Jae-un 1992: The Koreans: Their Mind and Behavior (translated by Kim Kyong-dong). – Seoul, Kyobo Book Centre

16.   Le Kwang-kyu 2003: Korean traditional Culture, Jimoondang.

17.   Tran Van Doan 2002: “The ideological essence of Vietnamese Confucianism”, Confucianism in Vietnam, VNU-HCMC Publishing House

18.   Đổng Kim Dục 2010: “Ý nghĩa mở rộng và thực tiễn hiện đại của tư tưởng Hiếu đạo”, Phục hưng Nho học và Xã hội hiện đại, ĐH Sung Kuyn Kwan, Seoul. 董金裕 2010。孝道思想的扩大诠译与现代实践,儒学复兴与现代社会,韩国首尔城军官大学。

19.   Ma Quốc Khánh 1999: Gia và cấu trúc xã hội Trung Quốc, NXB Văn vật.

20.   Ngô Chung Dật 2010: “Giá trị Nho học và chức năng tương lai của Hiếu”, Phục hưng Nho học và Xã hội hiện đại, ĐH Sung Kuyn Kwan, Seoul 孝的儒家价值和未来功能,儒学复兴与现代社会,韩国首尔城军官大学:24-38。

21.   Thái Phương Lộc 2010, “Tư tưởng hiếu đạo và sự hài hòa xã hội hiện đại”, Phục hưng Nho học và Xã hội hiện đại, ĐH Sung Kuyn Kwan, Seoul 孝道思想与现代社会和谐,儒学复兴与现代社会,韩国首尔城军官大学。

22.   Thư Đại Cương 2010: “Hiếu để” thời Minh và tính phổ cập của Hiếu Kinh”, Phục hưng Nho học và Xã hội hiện đại, ĐH Sung Kuyn Kwan, Seoul舒大刚2010:明代重申孝道与孝经之普及,儒学复兴与现代社会,韩国首尔城军官大学.

 


([1]) Chính ở điểm tương đồng về điều kiện lịch sử – xã hội nói trên đã làm rất nhiều người ngộ nhận rằng văn hóa Việt Nam có nét tương đồng cơ bản với Korea, kết quả là trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam thì mâu thuẫn, xung đột văn hóa giữa người Việt Nam và các nhà đầu tư nhiều nhất là ở các công xưởng Korea, Đài Loan và Trung Quốc. Nói cách khác, giữa hai bên do ngộ nhận, chủ quan đã không chủ động tìm hiểu đối tượng, do vậy mới dẫn đến mâu thuẫn trong thực tiễn [Trần Ngọc Thêm 2010].

([2]) Chữ Trung ở Việt Nam chịu sự chi phối của tư tưởng trung quân – ái quốc

 Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-ung-xu-voi-moi-truong-xa-hoi/2083-nguyen-ngoc-tho-quan-niem-chu-hieu-trong-van-hoa-viet-nam-va-han-quoc.html

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?