Vào ngày 02/01/2020, Circle Group – Hội Quán Di Sản đã ra mắt vật phẩm Lá đề chùa Phật Tích tại chính ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, đã từng là một trong những Trung tâm Phật giáo lớn của triều Lý. Sự kiện diễn ra trong không khí giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa khi Hội Quán Di Sản tiếp tục được sự tin tưởng của chủ trì chùa Phật Tích trong việc quảng bá và phát quang di sản của tiền nhân.
Chủ trì chùa Phật Tích – Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn thời khắc quan trọng vào đúng mùng 8 tháng chạp Âm lịch – cũng là Ngày vía Phật Thích Ca thành đạo – để làm lễ gia trì và ra mắt vật phẩm PHIÊN BẢN LÁ ĐỀ RỒNG THỜI LÝ tại chùa Phật Tích.
Lễ gia trì, ra mắt vật phẩm được tiến hành trang nghiêm tại Tam Bảo chùa Phật Tích
Thượng tọa Thích Đức Thiện làm lễ gia trì
Chùa Phật Tích được xây dựng vào năm 1057 đời vua Lý Thánh Tông, trải qua nhiều biến cố lịch sử trong gần một nghìn năm, đến nay ngôi chùa vẫn lưu giữ được những bảo vật quý giá đối với lịch sử Việt Nam nói chung cũng như lịch sử phát triển của Phật giáo nói riêng. Một trong số đó là Lá đề chạm rồng, một chi tiết gắn trên các kiến trúc chùa chiền triều Lý. Hình ảnh cây Bồ Đề, Lá bồ đề (Lá đề) là một trong những hình ảnh đặc trưng biểu tượng cho sự kiện Đại Giác cũng như nhập Niết Bàn của Đức Phật. Chính vì vậy, hình ảnh cây và lá đề được sử dụng phổ biến trong kiến trúc chùa chiền, đặc biệt là trong các công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý Trần mà tiêu biểu là chùa Phật Tích. Bảo vật Lá đề chạm rồng chùa Phật Tích mô phỏng hình dáng lá cây bồ đề, có mũi lá nhọn, phình to dần ở thân rồi thu vào, hơi thóp lại ở giữa phần giáp với cuống lá. Họa tiết bên trong Lá đề chạm khắc hình ảnh hai con rồng với thân hình uốn cong đối xứng, hai đầu vươn cao, cùng dâng lên ba tiểu hỏa châu.
Nhận thức được tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của bảo vật này, từ những năm đầu thành lập, Circle Group đã đặt mục tiêu đưa bảo vật Lá đề chạm rộng đến với công chúng đương đại như một cách để bảo tồn và duy trì di sản quý giá của Việt Nam. Sau gần mười năm tìm tòi và triển khai, với sự cố vấn của các chuyên gia lịch sử, văn hóa, mỹ thuật có uy tín, Circle Group đã ứng dụng phiên bản Lá đề Rồng thời Lý tạo thành các vật phẩm văn hóa được giới chuyên môn đánh giá cao, một trong số đó là mặt dây trang sức ứng dụng hình tượng Lá đề chùa Phật Tích.
Nếu như nguyên bản của bảo vật Lá đề chùa Phật Tích có kích thước khá lớn thì vật phẩm mặt dây trang sức Lá đề lại có kích cỡ nhỏ gọn chỉ 3,8cm cho phiên bản Rồng và 3,5cm cho phiên bản Phượng. Dù thay đổi tỉ lệ xuống kích cỡ nhỏ như vậy nhưng nhờ thiết kế dạng khối cầu, vật phẩm mặt dây trang sức Lá đề vẫn đảm bảo sự tinh xảo và những đường nét mỹ thuật gần nhất với bảo vật gốc. Nguyên bản tại chùa Phật Tích chỉ có Lá đề chạm Rồng, nhưng qua tìm hiểu, các thành viên Circle Group nhận thấy còn có Lá đề chạm Phượng. Vì vậy, vật phẩm mặt dây trang sức Lá đề đã ra đời với một cặp Rồng – Phượng nhằm đảm bảo sự hài hòa, tính thẩm mỹ cũng như giá trị sử dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại. Mặt dây trang sức Lá đề chất liệu vàng và bạc, phù hợp trở thành một quà tặng văn hóa ý nghĩa dành cho các sự kiện Phật giáo hoặc cưới hỏi với biểu tượng cặp đôi Rồng – Phượng như một lời chúc Âm Dương hài hòa, gắn kết trăm năm.
Mặt dây Lá đề Vàng và Bạc
Lễ ra mắt Lá đề chùa Phật Tích
Cũng tại lễ ra mắt Lá đề chạm rồng chùa Phật Tích, Cirlce Group – Hội Quán Di Sản cung tiến nhà chùa bộ vật phẩm tượng A Di Đà, đôi phỗng chầu, liên tỏa đốt trầm hương…Bộ vật phẩm đã được Thượng tọa Thích Đức Thiện cùng nhà chùa trân trọng đón nhận, làm lễ phát quang tại Tam Bảo.
Bộ vật phẩm tượng A Di Đà
Được vinh dự tổ chức lễ ra mắt các vật phẩm ứng dụng hình tượng Lá đề chùa Phật Tích tại chính nơi lưu giữ bảo vật này có thể coi là một trong những sự kiện trọng đại đối với toàn bộ thành viên Circle Group – Hội Quán Di Sản. Đây là một hoạt động trong chuỗi hành trình đưa các vật phẩm văn hóa hòa nhập vào cuộc sống hiện đại, nhằm bảo tồn, tôn vinh và phát huy những giá trị bản sắc Việt.