So sánh tín ngưỡng Việt Mường (bài 2) 25/08/2017

Đặng Thanh Bình

Tục thờ đá của người Mường ở Hòa Bình

  1. Các tục thờ khác

Chúng ta đã bàn luận về Trời trong thế giới của người Mường và người Việt trong bài viết trước. Đối với người Mường trời cổ xưa vẫn còn, nhưng đang bị đẩy lùi về sau, bởi một trời mới. Trong khi ở người Việt quan niệm trời cũ (trời của người Mol) đã biến mất hoàn toàn và được thay thế bởi trời vay mượn của người Hán.

Đối với yếu tố nước cũng thế. Người Mường vẫn còn giữ yếu tố nước trong tâm khảo, trong văn hoá, nhưng tín ngưỡng thờ nước đã rất mờ nhạt. Trong khi người Việt, ở đâu đó vẫn giữ tục lệ thờ nước hoặc biểu tượng đại diện cho nước, nhưng cũng đã rất thầm kín. Dẫu vậy trong văn hoá những trầm tích về nước vẫn còn dễ dàng bắt gặp. Thế nhưng yếu tố nước trong cả tín ngưỡng và văn hoá có sự tiến triển so với xưa cũ, thời của người Mol. Sự tiến triển này có phần đóng góp rất lớn của yếu tố Hán. Chúng ta bắt gặp những Long vương, vua Thuỷ Tề.

Điều kiện tự nhiên chi phối đời sống xã hội, đời sống xã hội tác động đến tín ngưỡng tộc người. Ở thời điểm người Việt và người Mường còn chưa tách, vẫn là người Mol ấy, nhưng người Mol sinh sống ở vùng rừng núi, hình thành những tín ngưỡng tự nhiên khác với người Mol sinh sống ở vùng biển cả. Trong khi những người Mol sinh sống ở đồng bằng, thì yếu tố nước vẫn thường xuyên tác động đến đời sống của họ, vì thế mà tục thờ nước vẫn tồn tại, theo thời gian, theo từng vùng cụ thể ở đồng bằng, mà những biến đổi phát sinh, như việc gắn những biểu tượng cho nước, đây chính là việc tôn thờ gián tiếp, chứ không còn trực tiếp (nước) như giai đoạn trước. Có thể ở một số nơi ảnh hưởng của văn hoá Hán mạnh mẽ thì đó có thể là con Hà Bá, Long vương. Trong khi ở một số nơi có thể chỉ là con rắn. Đây là 1 sự phát triển trong nhận thức tín ngưỡng. Từ việc thờ nước chung chung, tới việc chọn một con vật làm biểu tượng cho nước. Ở đây có một sự biến hoá thú vị, đó là việc trước đây thần nước nhập trong những dòng nước hay vùng nước mênh mông, những vũng nước là nhà, là nơi trú ngụ của thần nước, nhưng nay thần nước có thể rời khỏi nơi trú ngụ ấy để nhập vào, trú ngụ ở một con vật nào đó được chọn.

Trong khi đó những người Mol sống trên những vùng đồi núi, nước với họ không hề khan hiếm, nhưng sức mạnh của nước đã bị giản đi đáng kể, nước chỉ còn là những con suối nhỏ, vùng hồ nhỏ bé, sức mạnh không quá khủng khiếp, vì thế mà yếu tố nước đã kém quan trọng, do đó mà mờ nhạt dần, trong khi đó, yếu tố đá lại giữ vai trò quan trọng, thậm chí là cả những cây cối nữa, tuỳ thuộc vào từng vùng địa lý. Cái gì quan trọng thì tín ngưỡng về nó lại càng được nâng cấp. Trong trường hợp với người Mol ở vùng núi, thì đá và cây trở nên quan trọng và do đó giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng của họ. Đây có thể được xem là những bước tách đầu tiên trong quá trình phân rã thành Việt và Mường.

Một điểm nữa đối với người Mol ở đồng bằng, vẫn giữ tục thờ nước và biểu tượng của nó, đó là sự giao tiếp, thông thương về văn hoá. Thời điểm công nguyên người Mol tiếp nhận 2 nguồn tôn giáo lớn là Phật giáo và Đạo giáo. Với sự xuất hiện này, vai trò của nước đã không còn là độc tôn, nó buộc phải chia sẻ vị thế cho các tôn giáo, tín ngưỡng khác.

Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin về nhân vật Tản Viên sơn thánh và Sơn Tinh như trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, trong cuốn Ngọc Phả ở đền Lăng Xương (Phú Thọ) hay trong truyền thuyết của người Mường, 2 nhân vật này là 1 hay 2 người khác nhau ? Thực sự thì có rất nhiều dị bản về 2 nhân vật này. Nhưng truyền thuyết của người Mường là cổ sơ hơn, trong Ngọc Phả ở đền Lăng Xương thì cũng đã được Việt hoá, tuy vẫn còn giữ một chút yếu tố Mường, còn trong Lý Tế Xuyên thì đã được Việt hoá hoàn toàn (tất nhiên là cả sự sáng tạo của Lý Tế Xuyên trong đó). Còn bản mà chúng ta thấy có câu “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” là dị bản gần nhất với chúng ta. [lưu ý rằng: Để phân biệt được truyền thuyết của người Việt và người Mường, thường chúng ta nên căn cứ vào 1 cơ sở quan trọng đầu tiên đó là việc: truyền thuyết của người Việt thường có xu hướng lịch sử hoá, yêu nước hoá, chống giặc ngoại xâm. Trong khi người Mường thì không có, nó đơn thuần chỉ là những đạo lý hằng ngày mà thôi. Bởi lẽ người Việt kiến tạo được một quốc gia riêng, một nền độc lập riêng, một thành quả mà cần phải giữ bằng mọi giá, trong khi người Mường thì không. Còn nếu trong truyền thuyết của người Mường mà có thì, đó chỉ là đoạn văn nhỏ nhằm móc nối, câu chuyện của người Mường và các câu chuyện tương tự với tộc người khác, đó chẳng qua là kết quả của sự giao lưu văn hoá].

Trong bài Mấy ghi nhận về thánh Tản Viên trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam của tác giả Ngô Đức Thịnh viết: “Tôi ngờ rằng, ban đầu Tản Viên thần cũng giống như bao vị thần Núi (Sơn Thần) khác nằm trong hệ thống tín ngưỡng phong thủy rất cổ sơ của người Việt và các tộc người khác ở nước ta. Nhưng sau đó, trong mét điều kiện tự nhiên và lịch sử đặc biệt, vị thần núi này đã hội nhập vào hệ thống thần thoại và huyền thoại Việt Mường, hội nhập vào dòng Đạo giáo nội địa và ngoại lai, thậm chí ông còn được “nhân hóa” và “lịch sử hóa” để tự “nâng” mình lên thành mét trong các vị thần sáng giá nhất của thần điện Việt Nam”.

Đây là một nhận xét hợp lý! Tuy nhiên, khi xem xét kỹ càng hơn, chúng ta nhận thấy một vài điểm khác nhau khá quan trọng, trong các trường hợp như thế này. Chúng ta biết rằng: Ở giai đoạn đầu, thì việc tôn thờ thần trú ngụ (và gần như chỉ trú ngụ) ở một dạng nào đó. Như thần nước, thần lửa, thần mặt trời. Ở giai đoạn tiếp theo (giai đoạn thứ 2), các thần này bắt đầu thoát ra ngoài nơi trú ngụ ban đầu, để trú ngụ ở một nơi nào đó. Một giai đoạn trung gian, nói là trung gian bởi vì, giai đoạn này có thể diễn ra đồng thời với gian đoạn thứ 2, đó là trường hợp, các thần được nhân cách hoá, các thần được mang hình thể, tính tình của con người. Một giai đoạn trung gian nữa, đó là giai đoạn, các thần cũng có thể hiện hình thành 1 hình người, đặc biệt là những con vật tu luyện nhiều năm. Sau những giai đoạn này, có sự nhận thức đặc biệt xuất hiện trong tín ngưỡng, tôn giáo. Nó đánh dấu sự trưởng thành của con người trong mối quan hệ với thế giới thần thánh và sâu xa hơn là thế giới tự nhiên. Đó chính là việc, tu luyện, nhờ tu luyện, nhờ học đạo mà con người bình thường cũng có thể trở thành thánh thần. Đây là một sự phát triển khác về chất so với những giai đoạn trước. Trường hợp của thánh Tản Viên, dù là trong truyền thuyết của người Mường hay trong văn hoá của người Việt, thì ông cũng ở giai đoạn sau này, chứ không còn là ở giai đoạn trước [lưu ý rằng: tôn giáo, tín ngưỡng là một dạng nhận thức, nhưng khác nhận thức khoa học ở chỗ, nhận thức khoa học là nhận thức phủ định, nghĩa là những nhận thức mới sẽ phủ định những nhận thức cũ, nhưng trong tôn giáo, những nhận thức mới không phủ định những nhận thức cũ, mà nó làm phong phú cho nhận thức chung, nghĩa là các giai đoạn mà chúng ta vạch ra, chỉ có ý nghĩa đối với việc ra đời của chúng, mà không hề nói lên sự kết thúc của chúng, cái giai đoạn sau ra đời không có nghĩa cái giai đoạn trước phải biến mất, chúng giống như cái chồi nảy từ một cái cành mọc trên một cái cành khác]

Thực ra, giai đoạn sau này gồm 2 bước phát triển, trường hợp của thánh Tản Viên là ở bước phát triển trước, đó là bước mà vốn dĩ thánh Tản có mối quan hệ đặc biệt nào với các thế lực thần bí (hoặc khiến chúng ta nghĩ là có sự xuất hiện của các thế lực thần bí), nhất là trong các tình tiết sinh. Chẳng hạn như trong truyền thuyết của người Mường, mẹ của ngài ‘nằm trên hòn đá mà có thai ngài’ hay như thánh Gióng, mẹ của ngài ‘ướm thử bước chân to mà có bầu’. Bước phát triển sau, là lời khẳng định chắc nịch của con người trước thiên nhiên, chính là trường hợp của Chử Đồng Tử.

Nếu chúng ta xem kỹ những tình tiết trong các truyền thuyết về Tản Viên sơn thánh và Sơn Tinh, chúng ta sẽ thấy sự biến đổi của câu chuyện qua những giai đoạn, với những mục đích khác nhau của chủ nhân của nó. Trong ngọc phả ở Lăng Xương, chúng ta thấy một tinh thần yêu nước, một anh hùng quân sự thực sự, thế nhưng câu chuyện ấy không phổ biến tới ngày nay, qua tiểu sử và những biến động của Tản Viên, thì có thể từ đầu khi người Việt và Mường chưa tách, họ có chung một cốt truyện, nhưng sau khi tách ra, mỗi tộc người lại phát triển câu chuyện theo hướng, mục đích riêng của mình, có thể ở thời điểm đó, đầu thời Lý, tộc Việt Mường chưa tách rõ ràng như ngày nay. Hoặc có thể người Việt vay mượn truyền thuyết của người Mường. [lưu ý rằng: khi vừa giành độc lập, nhu cầu tìm hiểu nguồn gốc của người Việt là rất lớn]

Nhưng thực tế, truyền thuyết ở Lăng Xương không được phổ biến, mà ngày nay, phổ biến hơn là bản Sơn Tinh – Thuỷ Tinh trong Việt điện u linh tập. Trong câu chuyện này, Sơn Tinh không còn là anh hùng quân sự nữa, mà đã trở thành anh hùng văn hoá. Đây có lẽ là một thành công của Lý Tế Xuyên, trong việc xây dựng truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Câu chuyện là sự phản ánh cuộc chiến với nước (Thuỷ Tinh). Trong cuộc chiến ấy, phần thắng là Sơn Tinh, con người đứng về phía Sơn Tinh, “dân chúng đắp đê giúp vương”. Có lẽ câu chuyện phản ảnh, công cuộc trị thuỷ của người Việt. Lại một lần nữa chúng ta thấy tín ngưỡng ở người Việt phát triển ở một giai đoạn sau, người Việt không còn giống người Mol, tôn thờ, sợ hãi thần nước nữa, mà họ đã bắt đầu tìm cách ‘trị’ nước. Đây là một nhận thức mới trong tín ngưỡng và rộng hơn là trong văn hoá của người Việt và người Mường, do đó mà Tản Viên sơn thánh và Sơn Tinh trở thành biểu tượng văn hoá, anh hùng văn hoá ở lẽ đó. Và cũng chính vì thế mà ngài được người Việt tôn sùng, đứng vào hàng Tứ bất tử của người Việt.

Về khía cạnh văn bản mà xét thì: Truyền thuyết của người Mường có đầu tiên, truyền thuyết của họ ban đầu có thể chỉ dừng ở đoạn, bà Ma thị truyền lại việc cai quản các xứ mường cho thánh Tản Viên. Người Việt thời Lý đã tiếp thu truyện này, sau đó họ thêm đoạn, thánh Tản Viên cưới công chúa của vua Hùng và đánh giặc ngoại xâm. Liên kết các tộc người (qua hôn nhân) để cùng chống giặc, là tư tưởng yêu nước chủ đạo thời kỳ này. Đến thời của Lý Tế Xuyên, ông đã khéo léo, làm rõ hơn việc cưới hỏi con gái vua Hùng của thánh Tản và chính là cuộc thi giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh. Đồng thời cũng truyền tải vào câu chuyện này tư tưởng trị thuỷ, trị tự nhiên, cách mạng trong tín ngưỡng. Về sau sự giao lưu giữa người Việt và Mường, người Mường lại tiếp thu những sự kiện trong  truyền thuyết của người Việt để cho vào câu chuyện của mình, nên ngày nay chúng ta thấy trong những câu chuyện của người Mường, thường có 1 đoạn văn ngắn, nói rằng: Sau thánh Tản Viên lấy con gái của vua Hùng. Đây là những đoạn được thêm vào bản gốc nhằm móc xích các truyền thuyết về nhân vật.

Như vậy chúng ta có thể hình dung một cách khái lược như sau:

– Người Mol trước thời văn hoá Đông Sơn đã có nhận thức về linh hồn, từ đó hình thành 2 thế giới, thế giới người sống và thế giới người chết. Đến thời văn hoá Đông Sơn, cuộc sống gắn liền sông nước, người Mol hình dung về vũ trụ gồm 3 tầng: tầng trời, tầng người và tầng dưới đáy nước.

– Người Mol theo tín ngưỡng vạn vật có linh hồn, tuy nhiên 2 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trong đời sống được nâng cấp lên, giữ vai trò quan trọng trong tín ngưỡng là tục thờ mặt trời và tục thờ nước.

– Khi Phật giáo và Đạo giáo du nhập vào Việt Nam, người Mol tiếp thu. Nhưng do địa lý sinh sống ở 2 vùng khác nhau, miền núi và đồng bằng. Người ở đồng bằng tiếp thu mạnh văn hoá phương bắc từ đó hình thành người Việt, trong khi người ở miền núi tiếp thu ít hình thành người Mường. Trong quá trình sinh sống, người Việt và Mường cũng giao lưu, thông thương, ảnh hưởng văn hoá lẫn nhau.

– Người Mường giảm yếu tố về nước, tăng vai trò của yếu tố đá, cây do đó mà tín ngưỡng thờ nước giảm đi, trong khi tín ngưỡng thờ đá và cây tăng lên. Người Việt ở đồng bằng vẫn giữ tín ngưỡng thờ nước, nhưng phải chia sẽ vai trò với Phật giáo và Đạo giáo.

– Trước khi người Việt Mường tách ra, thì việc thờ cúng đã không còn ở dạng tôn thờ ‘nguyên hình’ mà đã trở thành tôn thờ biểu tượng. Do việc tiếp thu tín ngưỡng tôn giáo ngoại lai, cũng như sự phát triển trong chính cấu trúc xã hội mà ở cả người Việt và người Mường, thời điểm sau khi tách ra: tín ngưỡng không chỉ dừng lại ở việc tôn thờ, cầu xin mà đã bước đầu chuyển sang giai đoạn tu luyện, chinh phục các đấng siêu nhiên (đây cũng chính là giai đoạn sớm của tôn giáo. Tôn giáo chính là tín ngưỡng có phép tắc).

– Với việc phải chia sẻ địa vị cũng như việc con người có thể trị thuỷ, thành ra tục thờ nước ở người Việt, chỉ còn là những lễ hội lẻ tẻ. Người Việt còn tiếp thu tục thờ đá và cây ở người Mường, hoặc là vốn có ở những người Việt sinh sống ở gần ven vùng đồi núi, song tục ấy không phải là tục phổ biến và lâu đời như tục thờ nước.

* Tín ngưỡng thờ Tứ bất tử của người Việt.

Chúng ta đã tìm hiểu về thánh Tản Viên, vốn đầu, xuất phát từ tục thờ đá của người Mường, rồi tiến tới thờ thần núi – thần đá, bước phát triển tiếp theo là thần đá này rời khỏi nơi cư trú ban đầu, rồi biến thành (đầu thai trong phật giáo) một cái thai trong bụng người phụ nữ, khi ra đời và lớn lên, thánh Tản học tập, tu đạo mà trở thành người cai quản các xứ mường. Người Việt đã vay mượn truyền thuyết này, để đưa vào đó tư tưởng yêu nước thông qua việc thán Tản đánh giặc, gần đây nhất người Việt đưa vào câu chuyện tư tưởng trị thuỷ thông quan việc giao chiến với Thuỷ tinh.

Thánh Gióng là vị bất tử thứ 2 mà chúng ta bàn thêm, về nguồn gốc của ngài thì cũng có nhiều ý kiến, có 2 ý kiến chủ đạo, một cho rằng ngài vốn là sự nâng cấp của một thần địa phương nào đó, một lại cho rằng ngài là sự tiếp thu văn hoá của người Điền (người phương bắc chạy loạn). Bản thân các truyền thuyết là sự kiến tạo của nhiều thế hệ, chứa đựng trong đó là rất nhiều các trầm tích văn hoá, bản thân truyền thuyết thánh Gióng chứa đựng cả những yếu tố bản địa và những yếu tố vay mượn, do đó mà một kết luận rõ ràng là rất khó. Không chỉ có truyền thuyết thánh Gióng mà rất nhiều các truyền thuyết khác cũng vậy, sự tiếp thu đôi khi không phải là trực tiếp, ngay cả khi người Việt tiếp thu những yếu tố ngoại lai, nhưng chưa kịp Việt hoá, đã đưa những yếu tố đó vào truyền thuyết của mình. Chúng ta tạm không bàn về nguồn gốc của truyền thuyết thánh Gióng cũng như việc kiến tạo nên ngài, ở đây chúng ta bàn tới 2 điểm quan trọng.

Thứ nhất, là việc sinh ngài. Như chúng ta biến, cha mẹ ngài là người sống thuần hậu, tốt bụng nhưng cao tuổi mà hiếm muộn. [Khác với trường hợp của mẹ thánh Tản, bà vốn là con nhà Lang, do xấu xí mà bị hắt hủ, tai hoạ ấp xuống đầu bà còn ghê gớm hơn khi bà mang bầu do nằm trên một tảng đá, vì thế mà bà bị đuổi khỏi nhà, khỏi mường, đói mệt, bà lang thang khắp nơi. Sự kiện bà bị đuổi ra khỏi nhà do mang bầu mà không có chồng, cho thấy xã hội Mường thời điểm này đã chuyển sang phụ hệ (một ảnh hưởng của văn hoá phương bắc)]. Trong một lần bà ra đồng, thấy một vết chân lớn nên ướm thử, do đó mà có thai. Rồi sinh ra cậu bé Gióng. Giống như trường hợp của thánh Tản, thánh Gióng cũng được sinh ra một cách khá thần bí. Cả 2 vị này đều là sự đầu thai của các thánh thần. Sự đầu thai, một khái niệm trong phật giáo. Và qua sự đầu thai (hay một kiểu chuyển thế nào đó) cho thấy một nhận thức mới đã được người Việt tiếp thu như thế nào từ phật giáo.

Thứ hai, là tư tưởng yêu nước. Thời điểm của chúng ta, một số người đã đặt vấn đề về triết học Việt Nam, ở đó triết học Việt Nam gắp liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Tôi không nghĩ đến việc dùng thuật ngữ triết học, nhưng với tư tưởng thì yêu nước là đủ. Tôi mơ hồ nhận thấy rằng, dường như yêu nước là tư tưởng lớn nhất, vĩ đại nhất, là tư tưởng cuối cùng mà không tư tưởng nào có thể so sánh được. Dường như ở người Việt tư tưởng yêu nước là giới hạn cuối cùng để phát triển rồi. Nguyên nhân có thể do, người Việt phải luôn luôn chống giặc xâm lược suốt cả chiều dài lịch sử. Thánh Tản được kiến tạo thành người anh hùng dân tộc chống giặc, thánh Gióng cũng vậy, rồi ngay cả chuyện Thạch Sanh, phần cuối cũng phải gắn với việc đánh bại giặc qua sự kiện nồi cơm hết lại đầy. Hay chuyện Chiếc áo tàng hình. Rất nhiều, rất nhiều nữa, mô típ tóm gọn có thể là: Một con người, cụ thể là một chàng trai (cho thấy xã hội phụ hệ) nghèo khổ, bất hạnh, nhờ sống lương thiện, trung thực (đạo lý sống) mà được thần tiên giúp đỡ (luật nhân quả), trở nên tài năng, đánh giặc giúp nước, sau cưới công chúa của nhà vua. Nếu câu chuyện, chỉ dừng lại ở việc lấy được công chúa, thì chưa thật viên mãn, kết thúc phải là đánh giặc giúp nước, có công lao với nhân dân. Như vậy kết thúc có hậu nhất vẫn là có công với nước với dân, chính vì thế mà, nói rằng: giới hạn tư tưởng, đỉnh cao của tư tưởng của không chỉ các bậc trí tuệ mà ngay cả tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng là tinh thần yêu nước. Đạo lý về hiếu nghĩa, quan niệm về tiền tài, nhận thức về trí tuệ vẫn xếp dưới tư tưởng yêu nước.

Vị bất tử thứ 3 là Chử Đồng Tử, Tử là người có hiếu, Tử làm trái lời cha dặn, nhưng không ai chê trách cả, đây có thể là một tiếng nói đầu tiên phê phán về nhận thức chữ hiếu, hiểu chữ hiếu thế nào đây? Có nhất nhất phải làm theo lời cha mẹ dặn hay không? Rồi sau sự cố giữa Tử và công chúa Tiên Dung, thì sự kết hôn giữa 2 người diễn ra, Tiên Dung lại cãi lời cha và không được trở về hoàng cung, Tử và Dung cãi lại cả hệ thống lễ nghĩa cưới xin thời đó. Và có vẻ như tác giả của câu chuyện ủng hộ điều ấy khi Tử và Dung buôn bán thuận lợi. Thú vị là 2 người sẵn sàng bỏ tất cả để học đạo, lần này 2 người cãi lại cả một hệ thống tư tưởng, tư duy, suy nghĩ của người đương thời. Kết quả là 2 người có phép thuật và trở thành thần thánh. Trường hợp của vị bất tử này tiêu biểu cho giai đoạn cuối của tín ngưỡng và đồng thời cũng là giai đoạn đầu của tôn giáo. Giai đoạn mà thần thánh không còn là độc tôn, khoảng cách giữa thánh thần và con người có thể rút ngắn, thậm chí một người bình thường cũng có thể trở thành thân tiên.

* Tín ngưỡng phồn thực

Một trong những tín ngưỡng cổ xưa của hầu hết các tộc người là tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng mong muốn sự sinh sôi nảy nở. Không khó để bắt gặp những hình ảnh giao hoan của đôi nam nữ trên thạp Đào Thịnh, cũng chính là hình tượng về tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng này phát triển mạnh ở những xã hội có quan hệ tính giao (hôn nhân) cởi mở không bị ràng buộc, khi tính giao trở nên dễ dãi bao nhiêu thì tín ngưỡng này càng hiện diện bấy nhiêu. Nhưng khi bước vào xã hội phụ hệ, cái xã hội mà sự duy trì nòi giống về phía đàn ông được nhấn mạnh hơn cả, thì những khắt khe với người phụ nữ hiện diện, họ đồng ý và chấp nhận sự chung thuỷ với duy nhất một người đàn ông, việc này đã làm cho tín ngưỡng phồn thực không còn đất sống, nó buộc phải biến đổi, che giấu một cách kín đáo, để chế độ phụ hệ không phát hiện ra. Ngày nay tuỳ từng vùng miền ở Việt Nam, mà tục lệ hay những biểu tượng của nó được thừa nhận theo từng mức độ. Nhưng rõ ràng, nó đã mất đi tính phổ biến.

Ngày nay, người Việt (Kinh) bên cạnh sự thịnh hành của Phật giáo, thì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và đạo thờ mẫu cũng rất phổ biến. Nhưng sự phát tích của 2 tín ngưỡng này từ đâu và quá trình phát triển có nó thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài sau.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2016/11/11/so-sanh-tin-nguong-viet-muong-bai-2/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?