Tết Quỷ
Truyền thuyết dân gian cho rằng, từ mùng 2/7 (âm lịch), Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan. Các ma quỷ sẽ túa ra tứ phương và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá. Đó cũng chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.
Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thuỷ là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật”: 15/1 là Thượng Nguyên, 15/7 là Trung Nguyên và 15/10 là Hạ Nguyên.
Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.
Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết về Tam Quan và thường người ta ghép Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan vào Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ. Thiên Quan (Nghiêu Đế) chủ về ban phúc nên rất được dân gian tín phụng. Thủy Quan (Vũ Đế) chủ về trị thủy, làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Còn Địa Quan (Thuấn Đế) chia Trung Quốc thành 12 châu, làm cho dân chúng có cuộc sống ổn định. Hơn nữa vua Thuấn lại là người con chí hiếu nên Tam Nguyên Nhật cũng còn được gọi là “Lễ báo hiếu”. Thời cổ, vào ngày lễ báo hiếu, người Trung Quốc giết dê, gà và đốt hương, hóa vàng để tế ông bà tổ tiên, rồi dần dần được mở rộng ra thành ngày phổ độ cho cả ‘cô hồn’ và từ đó mang tên gọi “Trung Nguyên phổ độ”.
Ngày 15/7 cũng chính là lễ Vu Lan của Phật giáo. Như vậy, lễ Vu Lan và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau.
Sự tích Rằm tháng Bảy và nguồn gốc lễ Vu Lan
Nguồn gốc ra đời lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Chuyện xưa kể rằng, Mục Liên tên thật là La Bộc. La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi đã giàu có, La Bộc nhớ tới mẹ già liền cho người về quê biếu tiền mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn số tiền đó rồi, lại sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lại chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi. Chẳng bao lâu bà mẹ chết.
Chịu tang mẹ 3 năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, La Bộc xin ở lại tu luyện. Phật thương tình ưng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên( Mục Liên) và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Muốn đến rừng Quýt Sơn phải đi qua ngôi chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận ra người cha là Phổ Tướng còn mẹ là Thanh Đề thì không. Mục Liên ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đầy xuống ngục A Tỳ rồi. Mục Liên nghe vậy liền lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ. Nơi đây bà mẹ Mục Liên phải chịu trăm ngàn cực hình, thấy con tới bà khóc lóc nhờ con tìm cách cứu. Mục Liên thấy mẹ bị như vậy liền lấy bình bát, đem cơm dâng mẹ. Mẹ ngài được cơm nhưng chưa vào miệng cơm đã hoà ra than lửa đỏ hồng.
Tôn giả Mục Liên thấy mẹ như thế gào khóc bi thảm, về bạch Đức Phật. Phật dạy phải nhờ tới uy lực mười phương Chúng Tăng, cách cứu độ để những bà mẹ hiện đang đau khổ đều được giải thoát. Ngày rằm tháng 7 là ngày tự thứ của mười phương Tăng, tất thảy đều tư bi, ứng thọ. Ai được cúng đường Thánh Tăng thì tất cả đều vượt ác đạo, ứng niệm giải thoát. Cũng thế chiếc chậu Vu Lan đựng những tu lực chứng tâm hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành của con người. Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhân mẹ ông được giải thoát. Mục Liên theo mẹ bay lên trời cầu xin Đức Phật xoá tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.
Cũng xuất phát từ tư tưởng “nhân- hiếu- trung- tín” của Nho giáo và Đạo giáo bên Trung Quốc, ngày rằm tháng 7 còn gọi là tết Trung Nguyên có tục tế lễ tổ tiên. Đạo giáo còn cho rằng Trung Nguyên một trong ba “nhật kỳ” của tam cung thần cai quản họa phúc của con người chính là ngày Địa cung xá tội. Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày này ở âm phủ khảo chiếu sổ sách để đại xá cho các linh hồn ma quỷ cô đơn ngoài đồng nội. Vì vậy ngày này cùng với cúng tổ tiên nhân dân còn nấu cháo hoa, bỏng ngô, tiền giấy cúng chúng sinh mong họ siêu thoát cũng để tích công đức cho bản thân.
Dựa vào tích ấy, vào ngày rằm tháng 7, các chùa đều làm lễ chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân. Nhà nhà cũng theo đó thành kính làm lễ vì tin rằng ngày đó dưới âm vong nhân xá tội cho những người quá cố. Noi gương hiếu thuận của Mục Liên, ngày rằm tháng 7 trở thành ngày tết Vu Lan, con cái báo ân cha mẹ.
Sự tích ngày xá tội vong nhân:
Sự tích lễ cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu, nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu : “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Cách cúng rằm tháng bảy tại nhà
Cúng rằm tháng bảy hay còn gọi cúng Tết Trung Nguyên, cúng Vu Lan báo hiếu tại nhà thường có 4 lễ: cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên, và cúng thí thực cô hồn.
1. Cúng Phật
Trước tiên, đó là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Ta sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh – Kinh Vu Lan – để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài, nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh thôi.
2. Cúng thần linh và gia tiên
Ngày Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian, còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa… bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu.
Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng cúng chay tốt hơn.
Về phần đồ cúng – chia ra làm 2 phần:
– Đồ cúng bàn thờ gia tiên: Hoa tươi (hoa sen, hoa hồng, hoa ly, hoa tulip.. đừng xài hoa cúc), bánh trái (trái nhiều loại – mỗi loại 1 ít, bánh quy, bánh gạo bánh chocopie..), cafe (G7), 1 cây thuốc lá, vàng mã, tiền thật tùy tâm, nến, hương đầy đủ.
– Đồ cúng vong ngoài trời: Hoa tươi (hoa đẹp không phải cúc), bánh trái, cafe, thuốc lá, đĩa xôi, con gà mái luộc (có muối, chanh ớt), bia, rượu, tiền vàng mã, quần áo, giầy dép bằng giấy, gạo, muối. (Nếu gia chủ khó khăn hoặc không có kinh phí hoặc không muốn tốn kém thì có thể giảm số lượng tùy thích), nến, hương (có thêm một bát hương trầm thì càng tốt)
– Giờ cúng: Giờ Dần (3-5 giờ sáng) – giờ Thìn (9-11 giờ sáng) – giờ Ngọ (11- 13 giờ trưa) – giờ Tuất (19-21 giờ tối).
a. Văn khấn cúng thần linh tại gia rằm tháng 7
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và Chư vị thần linh cai quản xứ này.
Hôm nay là ngày rằm tháng 7 năm …
Tín chủ chúng con tên là: … ngụ tại nhà số …., đường …., phường (xã) …., quận (huyện) …, tỉnh (thành phố) …. Thành tâm sắm sửa hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.
Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim niên Đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, soi xét chứng giám.
Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội, chúng con đội ơn Tam bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng chở che, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền đáp.
Do vậy, chúng con kính dâng lễ bạc, bày tỏ lòng thành, nguyện xin nạp thọ, phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình chúng con, người người khỏe mạnh, già trẻ bình an hương về chính đạo, lộc tài vương tiến, gia đạo hưng long.
Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật!
b. Văn tế khấn Tổ tiên ngày rằm tháng 7
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ (chúng) con là:………………………………
Ngụ tại:…………………………………………………
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm ………….nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến Tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng bạc, thắp nén tâm hương,thành tâm kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ…………., cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
3. Cúng thí thực cô hồn (hay còn gọi cúng chúng sinh – theo Phật giáo miền Bắc)
Mâm cúng cô hồn thường có: quần áo chúng sinh gỡ ra từng món, rải xuống dưới mâm, một ít vàng tiền cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô/khoai/sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ v.v…
Ta có thể khấn nôm na, đơn giản, hoặc tụng nghi thức cúng thí thực cô hồn (cúng chúng sinh) trong Kinh Nhật tụng có sẵn tại các chùa.
Rất nhiều gia đình khi cúng lễ Vu Lan trong ngày Rằm tháng 7 thường làm thêm một mâm cúng cô hồn (chúng sinh).
Vu Lan là cầu siêu báo hiếu cha mẹ nên làm riêng vào ban ngày, còn cúng cô hồn thì nên cúng vào buổi chiều tối.
Dân gian tin rằng, rằm tháng 7 là ngày “âm khí xung thiên” nên ngoài việc cầu cúng, người ta cũng đặt ra nhiều điều kiêng cấm để bảo vệ bản thân.
Dưới đây là 18 điều cần kiêng tránh mà dân gian Trung Quốc thường làm theo trong ngày lễ Vu Lan:
1. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.
2. Người yếu bóng vía, không nên đi chơi đêm vào ngày này, nếu không sẽ dễ gặp điều không may.
3. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
4. Không tuỳ tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.
5. Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai họa vào mình.
6. Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong những bộ quần áo ấy.
7. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.
8. Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân.
9. Không hù dọa người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc” dễ bị ma quỷ xâm nhập.
10. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.
11. Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm “quỷ khí”.
12. Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.
13. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ sẽ gặp tai hoạ không chừng.
14. Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.
15. Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.
16. Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.
17. Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.
18. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng xung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.
Đến chùa để được “Bông hồng cài áo”
Nghi thức “Bông hồng cài áo” tổ chức trong lễ Vu Lan ở các chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những cha mẹ đã mất và tôn vinh cha mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các cháu bé với hai giỏ hoa hồng sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.
Nghi thức “Bông hồng cài áo” có từ những năm 60 ở các tỉnh phía Nam, bắt đầu từ một tản văn tuyệt hay do Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết và được phổ thông hóa “sống” tới ngày nay qua bản nhạc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ngày nay, nhiều chùa ở miền Bắc đã duy trì nghi lễ này, làm nghi thức “Bông hồng cài áo” vào ngày Rằm.
Dịp lễ Vu Lan, trước khi vào lễ chùa mỗi người chọn một bông hồng biểu lộ lòng hiếu nghĩa gài lên ngực áo. Hơn 40 năm qua nghi thức này đã trở thành một truyền thống, nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Từ khi du nhập vào Việt Nam, nghi lễ này trở thành tưởng nhớ công ơn mẹ cha, chứ không chỉ tôn vinh mẹ như của người Nhật.
Lễ Vu lan và cúng cô hồn không chỉ phổ biến ở Việt Nam. Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 (ÂL). Người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực. Còn lễ Rằm tháng 7 với quan niệm đó là ngày cửa địa ngục mở để đón thân nhân là các vong linh được giải thoát. Họ sắm sửa đồ cúng, làm đèn lồng để dẫn đường cho tổ tiên và thả đồ ăn xuống sông, biển để họ nhận được.
Ở Đài Loan, nghi thức này tổ chức cả tháng 7 (ÂL), luân phiên từng nhà, hay từng làng cho đến hết tháng.
Nguồn: https://doanbulgaria1976.wordpress.com/2011/08/09/tet-trung-nguyen-ram-thang-bay/