Huỳnh Thiệu Phong
(1) Việt Nam có một chiều dài lịch sử và một bề dày văn hóa. Luận điểm ấy xem ra chẳng nhà nghiên cứu nào có thể phản bác được, vì đó là sự thật! Lịch sử dài cố nhiên sẽ là điều kiện cần để người Việt sáng tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa vật chất – tinh thần. Và những sản phẩm ấy chính là những cứ liệu để cho thấy bề dày của văn hóa. Tuy nhiên, lịch sử dài chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là từ chính chủ thể văn hóa. Sự sản sinh các giá trị văn hóa của chủ thể lại chịu sự chi phối mạnh mẽ từ nhiều yếu tố, chẳng hạn như môi sinh-xã hội-nhận thức…
Nhìn lại quá trình phát triển của các dân tộc/ tộc người, có thể thấy họ đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm văn hóa để phục vụ cho nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Các sản phẩm ấy ẩn chứa trong đó những nhận thức, những quan niệm, những triết lí, những khát vọng, tâm tư và tỉnh cảm của cộng đồng người đó. Vì vậy, tìm hiểu về các sản phẩm văn hóa cũng là một phương thức tìm hiểu diễn trình phát triển của nhân loại nói chung và của một cộng đồng cụ thể nói riêng.
Với người Việt, cũng như các dân tộc khác, họ cũng đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa, bao gồm cả “biểu tượng”; và biểu tượng rồng là một trong số đó.Theo định nghĩa của Liungman trong Từ điển Biểu tượng: “Những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó” [3, tr.12]. Vậy, căn cứ vào quan niệm ấy của Liungman, ta mặc nhiên có thể xem rồng là một biểu tượng và tôi cho rằng, biểu tượng rồng là rất đáng xem xét bởi lẽ nó gần như đã mang trong mình hầu hết các đặc trưng văn hóa Việt Nam. Những đặc trưng ấy là những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa Việt.
Rồng – với tư cách vừa là một sản phẩm văn hóa tinh thần, vừa là một biểu tượng văn hóa vì vậy cũng ẩn chứa trong nó nhiều ý nghĩa văn hóa, phản ánh những nhận thức, những quan niệm, những triết lí, những khát vọng, tâm tư và tỉnh cảm của người Việt. Bài viết này sẽ tổng hợp những giá trị văn hóa của Việt Nam nhìn từ biểu tượng rồng.
(2) Mặc dù rồng là một biểu tượng hiện diện trong cả hai nền văn hóa Đông – Tây, song tạo hình của con vật này là hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, quan trọng nhất khi nhìn nhận sự xuất hiện của biểu tượng rồng phải lưu ý đến: cơ sở hình thành và tạo hình của rồng.
(2.1) Thứ nhất, về cơ sở hình thành biểu tượng rồng: Con rồng Việt Nam thực chất là một biến thể được hình thành trên cái khung nền của văn hóa phương Đông. Lịch sử từ giai đoạn Đồ đá cũ sang giai đoạn Đồ đá mới, tại vùng đất phía Nam của sông Trường Giang (tức thuộc khu vực Đông Á ngày nay), các cư dân của các tộc người thuộc Bách Việt cổ (tức chỉ cộng đồng người thuộc ngữ hệ Austroasiatic) đã xây dựng và dần hình thành nên các giá trị văn hóa của tộc người. Họ đã xây dựng làng, bản để làm đơn vị cư trú, sáng tạo các giá trị văn hóa trên nền tảng nông nghiệp lúa nước, trong đó bao gồm cả sự xuất hiện của biểu tượng rồng.
Một cơ sở quan trọng để hình thành biểu tượng rồng chính là tư duy mơ hồ[1].Tư duy mơ hồ có thể hiểu là lối tư duy nguyên thủy, đơn giản, chủ yếu là mang tính tổng hợp nhưng rất thiếu tính logic. Trước đây, đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, vũ trụ bao la, kết hợp với việc con người chưa được trang bị tri thức về khoa học, các hiện tượng tự nhiên đối với họ là một thử thách hết sức to lớn. Họ cho rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó đã chi phối và tạo ra các hiện tượng đó (và đó cũng chính là cơ sở để hình thành tín ngưỡng Vạn vật hữu linh(Animism) trong lịch sử các dạng thức tôn giáo, tín ngưỡng cổ sơ của nhân loại).
Hơn nữa, một nền tảng quan trọng khác để biểu tượng rồng xuất hiện và có ảnh hưởng lớn đến tạo hình của con rồng trong văn hóa phương Đông chính là việc đây là khu vực xứ nóng, mưa nhiều, tạo nên những đồng bằng trù phú nằm trên lưu vực các con sông lớn, do vậy mà “Tiền thân của biểu tượng rồng hình thành trên nền tảng tổng hợp của các loại vật hiện có của vùng đất đầy sông nước, ao hồ và lối sống nông nghiệp định cư làng, bản của những chủ nhân tạo ra chúng” [11, tr.16]. Khởi thủy, loài linh vật này được xem là bản nguyên của tính sáng tạo, là sức mạnh của sự sống. Điều này được biểu hiện trong quan niệm của người Bách Việt cổ (trong đó có cả người Việt chúng ta ngày nay) vì họ cho rằng rồng vốn là hiện thân của yếu tố “nước”, về sau mới có sự chuyển đổi để trở thành biểu tượng của bậc đế vương. Ở quan niệm này, tư duy mơ hồ được phản ánh khá rõ nét.
Trong bối cảnh ấy, sự hình thành của con rồng Việt Nam cũng không nằm ngoài những nguyên nhân đã nói ở trên. Ngay từ những ngày đầu trong lịch sử dân tộc, từ miền núi, trung du, ông cha ta đã tràn xuống đồng bằng khai hoang lấn biển. Đối diện với điều kiện thiên nhiên với môi trường sông nước đậm đặc, việc đối mặt với các thế lực thiên nhiên có quan hệ với môi trường đó như cá sấu, thuồng luồng, giao long là điều khó tránh khỏi. Và một quy luật tất yếu là khi con người càng run sợ một đối tượng/lực lượng nào đó (mà họ không có khả năng khống chế), người ta càng có xu hướng tôn thờ chúng. Hơn nữa, với đặc tính “trọng dung hòa” – một hệ quả kéo theo từ nền tảng văn hóa nông nghiệp lúa nước, người Việt lại càng có cơ sở để uy sợ trước đối tượng/lực lượng ấy.
Khi đã trở thành một đối tượng được tôn thờ, con người lại gửi gắm vào đó những khát vọng thực tế, đó là: cầu cho mưa thuận gió hòa, đời sống ấm no, vui vẻ, hạnh phúc. Triết lý ấy là một triết lý rất nhân văn, thể hiện khát khao được hòa mình với thiên nhiên. Điều này là trái ngược hoàn toàn so với tâm lí “chinh phục thiên nhiên” trong nền văn hóa phương Tây.
Từ những kiến giải trên, tác giả cho rằng yếu tố tự nhiên là tiền đề để con người (chủ thể văn hóa của phương Đông, trong đó có người Việt cổ) sáng tạo nên biểu tượng rồng trong văn hóa phương Đông. Và chủ nhân của biểu tượng ấy chính là cộng đồng người Bách Việt.
Về tên gọi, dựa vào các thành tựu nghiên cứu của ngành Ngôn ngữ học, đặc biệt là của cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, các nhà khoa học đã tìm về gốc tích và diễn trình hình thành danh từ đó trong ngôn ngữ các tộc người trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, ở thời Tiền sử, cách gọi “rồng” đã xuất hiện trong các ngôn ngữ thuộc tiểu chi Proto Việt-Chứt; bên cạnh đó, chữ “Thìn” – cách gọi tên biểu tượng rồng theo lịch Can Chi là tên gọi do người Hán vay mượn từ ngôn ngữ nào đó ở vùng Hoa Nam; ngoài ra, dưới thời Bắc thuộc, tiếng Việt đã vay mượn thêm ba từ, đều xuất phát từ cách đọc của chữ “long” chỉ “con rồng” trong tiếng Hán [9, tr.18]. Luận điểm ấy càng có cơ sở khoa học khi hàng loạt các nhà nghiên cứu như Hà Văn Tấn, Cao Huy Đỉnh, Phạm Huy Thông, Đặng Nghiêm Vạn, Chu Quang Trứ cũng từng đề cập khi nghiên cứu các ngôn ngữ cổ. Các nhà nghiên cứu đó đều cho rằng các chữ “krong”, “klong”, “Krông”… trong ngôn ngữ một số tộc người hiện nay có nghĩa là “dòng sông” có mối quan hệ với chữ “rồng” trong tiếng Việt và chữ “long” trong tiếng Hán [11, tr.288].
(2.2) Thứ hai, về tạo hình của biểu tượng rồng:Trên cái nền tư duy mơ hồ đã đề cập ở trên, vùng sông nước là địa bàn cư trú của nhiều loài động vật phổ biến như cá sấu, rắn, vì vậy xét tổng quan hình thể thì rồng Việt Nam nói riêng và rồng phương Đông nói chung có thân bò sát, thể hiện được tính mềm mại, mang biểu đồ hình “sin” (hình lượn sóng). Hình thể này là khác hoàn toàn so với con rồng thân thú trong văn hóa phương Tây khi nó biểu đạt tính chất áp chế và đề cao quyền lực của giai cấp thống trị. Một lần nữa, yếu tố tự nhiên lại chi phối đến tạo hình của con rồng. Về sau, rồng được gán thêm các ý nghĩa mới, hiện thực hóa những thực tiễn thời đại, chẳng hạn như xem nó là biểu tượng của các bậc đế vương, của sự cao sang và thịnh vượng.
Hiện nay, quan điểm về các bộ phần của rồng là sự kết hợp từ các loài động vật có thật nào vẫn còn chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn, theo Phan Thị Quỳnh Anh dẫn lại từ Từ điển tiếng Việt thì rồng là động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật [1, tr.68].
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Phạm Thanh Tịnh lại có những mô tả chi tiết hơn khi cho rằng qua miêu tả hội họa, rồng là con vật to lớn với: đầu Trâu (hoặc đầu Rắn, đầu Cá sấu), mũi Voi, sừng Hươu, bờm Ngựa, mình Rắn, thân vảy cá, đuôi cá, móng chim ưng… [12, tr.39].
Gần đây, trong một công trình của mình, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ cũng mô tả các bộ phần của rồng, nhưng có phần hơi khác biệt so với quan điểm trên. Ông cho rằng, rồng được cấu thành bởi chín loài động vật bao gồm: sừng nai, đầu đà, mắt thỏ, thân rắn, bụng trai, vảy cá, ngón chân chim, chân hổ, tai bò [11, tr.286].
Ở khía cạnh khác, ngoại hình ấy của rồng cũng kéo các thần tính của rồng bao gồm: thích nước và bơi giỏi – thông thiên – thiện biến – linh thiêng[2] [11, tr.27-30].Thực ra, tranh luận các bộ phận của con rồng có nguồn gốc từ loài động vật cụ thể nào là việc làm không khả thi vì suy cho cùng, đây là con vật tưởng tượng, do đó mà nó không có “khung chuẩn” để ta lấy đó làm hệ quy chiếu và thực hiện thao tác đối sánh. Ngoài ra, tạo hình của rồng trong từng giai đoạn lịch sử lại có nhiều biến đổi (mặc dù là rất nhỏ). Vì vậy, ta chỉ cần hiểu nguyên bản của rồng chính là sự kết hợp chính yếu nhất của rắn, cá sấu – hai loài động vật rất phổ biến trong sinh thái của vùng sông nước.
(3) . Nhìn vào một tác phẩm liên quan đến biểu tượng rồng, người ta có thể dễ dàng nhận biết đó là con rồng (tức nhận biết chỉ là từ cái ngoại quan – cái hiển[3]), còn cái nội hàm (cái bên trong – cái mật[4]) không dễ để mà ai cũng dễ dàng nhận biết; hay nói cách khác đi, “cái ngoại quan” và “cái nội hàm” mà tác giả đề cập ở đây chính là “cái biểu đạt” (signifier) và “cái được biểu đạt” (signified) nếu nhìn từ lý thuyết “Cấu trúc luận” của nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure. Theo tôi, cái nội hàm mới là cái quan trọng, mang tính bền vững và có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu văn hóa. Vì lí do đó, nhìn “rồng” như một biểu tượng văn hóa đã hình thành, tồn tại và biến đổi trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam, tác giả nhận diện được một vài các giá trị văn hóa Việt Nam sau:
(3.1) Biểu tượng rồng phản ánh tâm thức “uống nước nhớ nguồn”
Tô-tem giáo (Totemism) đã từng xuất hiện ở cuối giai đoạn Công xã thị tộc trong lịch sử nhân loại như một tôn giáo nguyên thủy. Nó thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa một nhóm/cộng đồng người với một loài động vật, thực vật hay một hiện tượng nào đó. Họ nhận loài động vật, thực vật hay hiện tượng đó là vật tổ của mình và vì vậy, các thành viên trong cộng đồng cùng nhau sùng bái, tôn thờ và bảo vệ vị thủy tổ của mình.
Với người Việt, chúng ta đều biết và xem Hùng Vương chính là Quốc Tổ, tự hào xem mình là “con Rồng cháu Tiên” theo truyền thuyết họ Hồng Bàng (鴻龐). Theo Lĩnh Nam Chích Quái[5], Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu. Sau đó, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm(崇纜)hiệu là Lạc Long Quân (貉龍君), cho nối ngôi trị nước.
Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Vì nhớ đến chuyện ông tổ Đế Minh du hành phương Nam gặp tiên nữ, nên Đế Lai nhân khi phương Bắc thiên hạ thái bình bèn sai quần thần là bọn Xi Vưu thay mình trông coi việc nước, rồi đi tuần xuống nước phía nam đến nước Xích Quỷ. Khi đó, Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không có vua. Đế Lai bèn để ái thiếp là Âu Cơ và các thị tỳ ở lại nơi hành cung rồi đi chu du thiên hạ, ngắm xem các nơi danh lam thắng cảnh.Đế Lai vui thích mà quên trở về. Dân phương Nam khốn khổ vì bị quấy nhiễu, không được yên sống như xưa, nên ngày đêm mong mỏi Long Quân trở về. Thế nên cùng nhau gọi lớn: “Bố ơi, bố ở đâu mau về cứu chúng con”. Long Quân đột nhiên trở về, thấy Âu Cơ sống một mình, có dung mạo đẹp đẽ lạ thường, trong lòng vui mừng, bèn hóa thành một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, tả hữu kẻ hầu người hạ đông đúc, vừa đi vừa ca hát đánh trống trước hành cung Âu Cơ ở. Âu Cơ thấy vậy, sinh lòng ưa thích. Long Quân đón Ấu Cơ ở Long Trang Nham. Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc.
Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không cần phải bú mớm, các con tự lớn lên, người nào cũng trí dũng song toàn, ai ai cũng nể phục, đều cho là những kẻ phi thường. Long Quân ở lâu dưới thủy phủ, vợ con sống một mình, nay muốn về đất Bắc. Âu Cơ về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về Bắc được, nên ngày đêm lớn tiếng gọi Long Quân rằng: “Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi buồn khổ thế này”. Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương Dã. Âu Cơ khóc mà nói rằng: “Thiếp vốn là người phương Bắc, nay ở với vua, sinh được trăm trai. Xin vua đừng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, để vợ con phải làm người không chồng, không cha, thật là đáng thương”. Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng giòng giống khác nhau, thủy hỏa tương khắc, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia tay. Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trăm con vâng lời, sau đó từ biệt mà đi.
Âu Cơ và năm mươi con về ở đất Phong Hiệp (Nay là huyện Bạch Hạc), cùng nhau tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). Chia nước ra làm 15 bộ là Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải (nay là Nam Ninh), Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Y Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận. Sai các em cùng nhau chia trị các nơi đó. Lại đặt các em làm tướng văn, tướng võ, văn là Lạc Hầu, võ là Lạc Tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan gọi là Bố Chính, nô bộc gọi là Trâu, con ở gái gọi là Tinh. Bề tôi của vua gọi là Côi, đời đời cha truyền con nối gọi là Phụ Đạo, đều xưng là Hùng Vương, không hề thay đổi.
Qua khái quát về cuộc hôn phối của Lạc Long Quân và Âu Cơ – hai nhân vật được xem là quốc phụ và quốc mẫu của người Việt, ta thấy bản chất của câu chuyện này thực chất là một truyền thuyết. Trong đó lí giải cội nguồn của dân tộc Việt Nam là từ giống Tiên, giống Rồng mà hợp thành. Hiển nhiên, nguồn gốc dân tộc Việt Nam theo cách lí giải này là một phương thức tôn vinh giá trị lịch sử vì thực tế cho thấy, mọi dân tộc đều sáng tạo cho mình một truyền thuyết lập quốc mang tính sáng thế, sáng tạo. Sự sáng thế và sáng tạo các truyền thuyết đó không nằm ngoài mục đích tôn vinh cộng đồng mà sâu xa hơn nữa, nó còn hàm chứa giá trị ghi nhớ công ơn, “uống nước nhớ nguồn” của mọi thế hệ công dân của dân tộc ấy đối với các bậc tiền nhân. Điểm đặc biệt trong sự sáng tạo truyền thuyết ấy của người Việt còn cho thấy tư duy lưỡng phân-lưỡng hợp, có sự kết hợp giữa hai yếu tố Rồng-Tiên. Vật biểu Rồng Tiên của văn hóa Việt có sự quân bình nam-nữ, Âm-Dương, khác với nhiều nền văn hóa khác, chỉ có một.Ngày nay, qua bao biến thiên của lịch sử, truyền thống lấy ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch để làm ngày quốc tổ vẫn còn được bảo lưu và phát huy. Đó thực sự là một nét đẹp trong văn hóa nhận thức của người Việt và ẩn chứa trong đó, bao hàm cả tính thiêng của biểu tượng rồng – một loài linh vật là hiện thân của quốc phụ Lạc Long Quân. Do đó, rồng là một biểu tượng linh thiêng, qui tụ tinh khí đất trời, là đại diện cho nòi giống dân tộc Việt Nam.
(3.2) Biểu tượng rồng phản ánh tính dân tộc
Như đã đề cập ở trên, là một biểu tượng do con người sáng tạo ra, vì vậy mà rồng không hề có khung chuẩn để phân tích. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, trong mỗi triều đại khác nhau tạo hình của con rồng cũng khác nhau[6]. Trong số các tạo hình của rồng trong những thời kỳ (triều đại) khác nhau, nhiều học giả đã khẳng định con rồng thời Lý là đỉnh cao của nghệ thuật. Đó là nhận định nhiều từ góc nhìn ngoại quan (tức cái hiểntheo cách gọi của cố GS. Phạm Đức Dương). Tôi cho rằng, con rồng thời Lý còn làm được nhiều hơn thế nếu phân tích cái giá trị bên trong của nó (tức cái mật).
Để có thể làm rõ tính dân tộc trong hình tượng con rồng trong văn hóa Việt Nam, ngoài việc đặt nó trong bối cảnh xã hội của Việt Nam, chúng ta cũng đồng thời cần thực hiện thao tác đối sánh hình tượng rồng Việt Nam với hình tượng rồng trong các quốc gia khác trong khu vực Châu Á. Thao tác này là một phương pháp luận mang tính quy luật vì theo GS. Phạm Đức Dương thì văn hóa được xét trên hai yếu tố: Biểu tầng và cơ tầng. Trong đó, biểu tầng là cái cấu trúc bề mặt, thay đổi liên tục và được biểu hiện ra bên ngoài nên còn được hiểu là “cơ số văn hóa”; trong khi đó, cơ tầng là cái cấu trúc bên trong (có chiều sâu hơn), mang tính tĩnh vì ít biến động, do đó ta có thể gọi nó là “hằng số văn hóa”. Vì vậy, có thể hiểu rồng Trung Hoa hay rồng Việt Nam đều chỉ là những sản phẩm của biểu tầng văn hóa Trung Hoa hay biểu tầng văn hóa Việt Nam. Song tất cả chúng lại đều thuộc cơ tầng văn hóa Châu Á.
Quay lại với con rồng thời Lý, việc tạm chọn con rồng này để khẳng định tính dân tộc của biểu tượng này bởi lẽ, giai đoạn triều Lý chính là giai đoạn khẳng định độc lập dân tộc trong lịch sử nước nhà; hay nói cách khác, tính dân tộc của con rồng thời kỳ này được thể hiện rõ nét vì nó ra đời trong không gian của một quốc gia độc lập (quốc gia Đại Việt). Và vì hình thành trong quốc gia độc lập, nên hiển nhiên nó cũng là một sản phẩm được kiến tạo trên nền tảng bản sắc dân tộc.
Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Hải cho rằng, thông qua biểu tượng con rồng, chúng ta có thể bóc tách được một tầm nhìn chiến lược trong định hướng lâu dài của Lý Công Uẩn – vị vua sáng lập triều Lý qua việc tìm ra thế đối trọng văn hóa qua hình tượng con rồng. Mục đích của việc làm này là để thoát li khỏi những ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa vốn dĩ đã xâm nhập vào văn hóa Việt Nam trong gần nghìn năm Bắc thuộc. Vì lẽ đó, biểu tượng con rồng thời Lý mang ý nghĩa lịch sử-văn hóa cực kỳ to lớn. Ẩn chứa trong hình tượng con rồng thời Lý là lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ và bản lĩnh văn hóa Đại Việt.
Giải pháp tìm ra thế đối trọng văn hóa của Lý Công Uẩn chính là tìm đến một nền văn minh “đủ lớn” khác trong khu vực – văn minh Ấn Độ. Ngoài ưu thế là hiểu biết về kinh kệ, giáo lí Phật, ông còn có những ưu thế khác để có thể tiếp cận với văn minh Ấn Độ, đó là các tù binh Chăm. Chính điều này càng làm cho quá trình Ấn hóa con rồng thời Lý để giảm bớt sức ảnh hưởng của con rồng Trung Hoa càng thêm phần thuận lợi. Quan điểm này của Đinh Hồng Hải là cực kỳ sắc sảo và nó cũng nhận được sự đồng tình của học giả Chu Quang Trứ vì theo tác giả, “sự phát triển nội tại là chính, song qua giao lưu văn hóa với Trung Hoa ở phương Bắc và Chăm Pa ở phương Nam cũng tiếp thu thêm một số yếu tố thích hợp” [14, tr.68-69].
Một trong những yếu tố cho thấy tầm nhìn xuyên thế kỷ của Lý Công Uẩn là ở việc ông đã đề cao vai trò văn hóa, vì ngoài việc hình thành quốc gia Đại Việt (điều mà các vương triều trước Lý đã làm) thì việc lựa chọn và xây dựng nên hình tượng con rồng đã cho thấy nền tảng văn hóa là yếu tố chi phối rất nhiều đến tính bền vững của một dân tộc.Tính dân tộc của con rồng thời Lý được nhìn nhận từ những yếu tố ngoại quan khi đối chiếu với các hình tượng rồng khác theo bảng bên dưới:
Rồng Lý | Naga, Makara | |
Đặc tính chủng loài | Có chân, thân uốn lượn | Không chân |
Hình thức cơ thể | Thân rắn | Thân rắn, cá |
Hình thức đầu | Có mào và bờm | Có mào, không có sừng |
Đặc tính tạo hình | Uốn lượn, mềm mại | Mềm mại |
Đặc tính biểu hiện | Gần gũi | Uy nghi |
Đối tượng đại diện | Vương quyền, thần quyền, chủ quyền | Thần quyền |
Mục đích | Thể hiện chủ quyền quốc gia | Thể hiện quyền năng của tôn giáo |
(Nguồn: Đinh Hồng Hải)
(3.3) Biểu tượng rồng phản ánh vị thế của văn hóa Việt Nam trong không gian văn hóa Đông Nam Á
Tạo hóa có phần hơi “thiên vị” với Việt Nam khi vị trí địa lý của quốc gia nằm lọt thõm giữa hai nền văn minh rực rỡ trong diễn trình lịch sử của nhân loại. Đó là hai nền văn minh Trung Hoa – Ấn Độ. Thực tiễn lịch sử cũng đã phản ánh sự tích hợp văn hóa Trung – Ấn trong văn hóa truyền thống của Việt Nam là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tích cực hơn thì chính vì tọa lạc ở vị trí như vậy, người Việt đã càng làm cho nền văn hóa của Việt Nam theo phần đa lớp, đa dạng, đa chức năng, tạo nên một bức tranh đa sắc trên bản đồ các nền văn hóa trong khu vực và xa hơn nữa là trên thế giới.
Trước tiên, diện tích của Việt Nam bằng khoảng 1/13 tổng diện tích của Đông Nam Á; hơn nữa, nếu Đông Nam Á được xem như là “cầu nối” giữa thế giới Đông Á với Tây Á và Địa Trung Hải thì Việt Nam lại tọa lạc ngay trung tâm của Đông Nam Á. Chính vị trí này đã tạo ra rất nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.
Nếu tinh ý trong quan sát, có thể nhận thấy cách nói ví von khi cho rằng hình thể đất nước Việt Nam ngoài việc giống chữ S, nó còn gợi ta liên tưởng đến hình ảnh mô phỏng con rồng là rất lí thú. Khởi nguồn từ phía Đông Bắc: Bạch Long Vỹ, Hạ Long cho đến trung tâm Thăng Long, đến khúc ruột miền Trung anh dũng, vào đến vùng đất mới Nam Bộ và đến tận cùng đất nước ở Đất Mũi Cà Mau, từng tất đất ấy đã thấm đẫm mồ hôi, xương máu đã đổ xuống của các bậc tiền nhân để giúp cho “con rồng ấy” được hoàn thiện như ngày nay. Ở đây, có thể thấy tính thiêng của hình tượng rồng đã ẩn chứa ngay trong chính hình thể đất nước của dân tộc Việt Nam. Nhìn từ góc độ này, có thể nhận thấy việc sáng tạo hình tượng rồng như một lời khẳng định, các triều đại trong lịch sử (đặc biệt là từ giai đoạn nhà Lý trở về sau) và Việt Nam ngày nay là một quốc gia độc lập về lãnh thổ và một nền văn hóa bản lĩnh, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa ngoại lại để sáng tạo nên những đặc trưng văn hóa của Việt Nam.
Có người cho rằng Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ. Qua biểu tượng rồng, ta thấy luận điểm ấy càng được củng cố chặt chẽ hơn. Ngay từ phần đầu, tác giả đã cho rằng biểu tượng con rồng và những đặc tính của nó ra đời trên nền tảng môi sinh của khu vực (khu vực đậm đặc “nước”), vì vậy mà con rồng Việt Nam cũng thể hiện rõ thực tiễn ấy với tạo hình như sau: “Thân rồng uốn 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn minh lúa nước (..) Đầu rồng là phần rất đặc biệt… Nó có bờm dài, râu cầm, không sừng[7] (như rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng anh ngoắc lên… Đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (…) Miệng rồng luôn ngậm viên châu và rồng hay cầm ngọc bằng chân trước (…) Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc…” [6, tr.243-244].
Giao lưu nhưng không tiếp nhận hoàn toàn mà có biến đổi, điều này đã khẳng định bản lĩnh và vị thế của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa Đông Nam Á.
(3.4.) Biểu tượng rồng phản ánh các đặc trưng văn hóa Việt Nam (tính tôn trọng và hòa hợp với tự nhiên, tư duy mang tính tổng hợp, tính cảm tính, tính linh hoạt và dung hòa)
Là một quốc gia có phương thức sản xuất chịu ảnh hưởng từ nông nghiệp, theo Trần Ngọc Thêm, văn hóa của Việt Nam cũng vì vậy mang những đặc trưng gồm: tôn trọng và hòa hợp với tự nhiên – tư duy mang tính tổng hợp – cảm tính – linh hoạt – dung hòa trong tiếp nhận[8] [10].
Với đặc trưng tôn trọng và hòa hợp với tự nhiên, có thể thấy điều này thể hiện rất rõ trong việc xác định vị thế con rồng trong tâm thức người Việt. Từ chỗ là một con vật được sáng tạo trong dân gian, về sau, mặc dù đã trở thành biểu tượng của đế vương, nhưng ẩn chứa trong đó vẫn là một niềm tin được chở che, cầu mong mưa thuận gió hòa của những người nông dân. Câu nói trong dân gian “Rồng đen lấy nước thì mưa, rồng vàng lấy nước thì vua đi cày”đã cho thấy điều đó bởi lẽ, trên nền tảng văn hóa nông nghiệp lúa nước, yếu tố tự nhiên là một trong những vấn đề mang tính quyết định đến sự thành bại của nông gia. Nước là một trong số đó. Không có nước (hạn hán) hay nước quá nhiều không thể kiểm soát (lũ lụt) đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cộng đồng.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ rất tinh tế khi đánh giá: “Các thần mây mưa đều có thân hình rồng, nó được mường tượng qua các đám mây “vòi rồng”, nhưng mối liên tưởng: Rồng-cơn dông-dòng sông đã khiến người nghiên cứu nhận ra ở nó có sự chuyển hóa từ thuộc tính âm (dòng sông) sang thuộc tính dương (mây trời)” [14, tr.68]. Chi tiết ấy đã cho thấy sự sáng tạo của cộng đồn dân tộc Việt là sự sáng tạo đậm tính tổng hợp, nhưng là tổng hợp trên nguyên lý lưỡng phân-lưỡng hợp. Tôi cho rằng, chỉ điểm này thôi đã cho thấy bản sắc văn hóa dân tộc trong hình tượng con rồng đậm đà như thế nào rồi.
Với đặc trưng mang tính tổng hợp, tác giả đã phân tích về sự tổng hợp của biểu tượng rồng ở phần trên, đó là sự kết hợp của nhiều loài động vật có thật. Bên cạnh đó, tính tổng hợp của rồng còn thể hiện ở tạo hình của nó trong các tác phẩm nghệ thuật với khá nhiều hình tượng khác nhau. Có thể là thanh long hí thủy (rồng xanh giỡn nước), lưỡng long tranh châu/ chầu nhật/ chầu nguyệt (thường được thể hiện trên nóc các công trình đền, chùa, miếu mạo), hay rõ nét nhất đó là rồng biến thành người để dạo chơi trên dân gian và cứu nhân độ thế [1]. Ở Nam Bộ, người dân tin rằng cá sấu tu lâu năm (tức nằm im để đất cát phủ lên trong một khoảng thời gian dài), đến ngày đắc quả sẽ hóa rồng và bay lên trời (được gọi là hiện tượng Cù dậy).
Tính tổng hợp còn được biểu hiện qua triết lý Âm-Dương: sinh ra dưới nước (âm) rồi bay lên trời (dương) – miệng vừa phun nước (âm) vừa phun lửa (dương) và đáng kể nhất là truyền thuyết con Rồng (dương) cháu Tiên (âm – được trừu tượng hóa từ giống chim nước)… Tất cả những điều đó đều cho thấy tính tổng hợp – một đặc trưng văn hóa của Việt Nam, biểu hiện trong biểu tượng rồng Việt Nam.
Ở đặc điểm cảm tính, khác với phương Tây là tư duy lý tính, trong tâm thức người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, rồng vẫn có thể bay lên trời mà không cần có cánh. Đó cũng là lí do khiến cho tạo hình của biểu tượng rồng ở phương Tây mang dáng vẻ của một con thú nhiều hơn và hiển nhiên, nó phải có cánh. Do đó, ở đặc điểm này, ta thấy con rồng đã biểu hiện rất rõ cái tư duy cảm tính ấy của người Việt.
Và đặc điểm cuối cùng là tính linh hoạt và dung hòa, trong quá trình phát triển, rồng đã có sự biến đổi về tạo hình. Bên cạnh đó, yếu tố vùng miền cũng có sự ảnh hưởng và chi phối đến tạo hình của nó. Rồng ở Nam Bộ là một điển hình cho tính dung hòa. Vốn là địa bàn cư trú đa tộc người, người Việt trong quá trình hỗn cư với tộc người Khmer đã sáng tạo nên biểu tượng Cửu long.
Thực ra, cần phải nói Cửu long là hình tượng trong văn hóa Phật giáo, nó chỉ được người Việt tiếp nhận khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam. Sở dĩ ở Nam Bộ lại xuất hiện dày đặt biểu hiện này bởi lẽ đây là địa bàn cư trú không chỉ của người Việt mà còn của người Khmer – tộc người lấy Phật giáo làm quốc giáo. Đinh Hồng Hải đã đặt vấn đề tìm ra mối liên hệ giữa hình tượng Cửu Long và Rắn thần Naga trong văn hóa Khmer. Mối quan hệ ấy diễn ra vì: “… Sau khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, truyền thuyết về rắn bảy đầu được thiêng hóa bằng chín con rồng (cửu long) hiện lên che chở đức Phật” [4, tr.192].
Qua trao đổi với một chuyên gia[9] về lĩnh vực con số trong ngôn ngữ văn hóa, tác giả cho rằng con số 9 là con số “mạnh” nhất, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh. Trong tất cả những con số có mặt trong đời sống tâm linh của con người thì con số chín là con số có địa vị cao quý nhất. Với người Việt, họ cũng ưa chuộng con số 9 vì họ cho rằng đây là con số hoàn hảo. Trong văn hóa Việt Nam cũng hiện hữu khá nhiều con số 9 như: Cửu Đỉnh, chín tầng mây, sông Cửu Long, chín suối, vĩnh cửu… Vì vậy, biểu tượng Cửu Long trong văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung đã chứng minh cho thế ứng xử dung hòa và linh hoạt của chủ thể văn hóa khi đón nhận các luồng văn hóa bên ngoài xâm nhập vào văn hóa dân tộc. Điều đó càng góp phần vào việc khẳng định giá trị văn hóa Việt trong biểu tượng con rồng.
(4) Tóm lại, xuất phát từ nền tảng tự nhiên-xã hội, biểu tượng rồng trong quan niệm của cư dân phương Đông là một loài vật linh thiêng với biểu hiện mang nhiều đặc điểm của các loài động vật có thực. Đó là sản phẩm của “tư duy mơ hồ” trong diễn trình phát triển nhận thức của cư dân phương Đông. Và từ cái nền chung trong nhận thức ấy, con rồng trong văn hóa Việt Nam lại có những sự khác biệt nhất định trong từng giai đoạn lịch sử. Sự khác biệt ấy thực chất chính là sự điều chỉnh của cư dân Việt Nam nhằm biến đổi và phản ánh không gian tự nhiên-xã hội của Việt Nam.
Rồng là một biểu tượng linh thiêng, qui tụ tinh khí đất trời, là đại diện cho nòi giống dân tộc. Biểu tượng ấy được hình thành trên cơ tầng văn hóa Châu Á, biểu tầng văn hóa Việt Nam-văn hóa Trung Hoa, và đâu đó là sự tích hợp các giá trị văn hóa của các nền văn minh lân cận trong khu vực. Sự hợp nhất ấy đã khiến cho biểu tượng rồng thêm phần sống động, trường tồn với thời gian trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Bài viết này góp phần vào việc tổng hợp các giá trị văn hóa của người Việt từ quá khứ thông qua việc tìm hiểu biểu tượng rồng. Qua kết quả bài viết, ta thấy tự thân biểu tượng này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, kiến tạo và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc lưu giữ, nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện về biểu tượng rồng trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa hiện nay mang ý nghĩa cấp thiết. Nó như một hành động góp phần vào việc hiểu hơn về lịch sử, về con người Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại./.
H.T.P
Sài Gòn, 27.05.2017
Tài liệu tham khảo
- Phan Nguyễn Quỳnh Anh (2014), “Rồng trong văn hóa Đông – Tây”, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một (số 6), tr.68-78.
- Phạm Đức Dương, Phạm Thanh Tịnh (2008), “Mười hai con giáp trong văn hóa của người Việt”, Tạp chí Di sản Văn hóa (số 1), tr.4-10.
- Đinh Hồng Hải (2014), Nghiên cứu biểu tượng – một số hướng tiếp cận lý thuyết, Nxb Thế giới.
- Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 1: Các bộ trang trí điển hình, Nxb Tri thức.
- Đinh Hồng Hải (2016), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam – tập 3: Những con vật linh, Nxb Thế giới.
- Nguyễn Minh Kiên (2014), “Con rồng – biểu tượng văn hóa phương Đông” in trong Phạm Đức Dương, Phạm Thanh Tịnh, Trần Thị Ngân (2014), Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.223-257.
- Lê Đức Luận (2012), “Biểu tượng Long-Rồng trong văn học dân gian người Việt”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (số 331).
- Trần Thế Pháp (2013), Lĩnh Nam Chích Quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch), Nxb Trẻ, Nxb Hồng Bàng.
- Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Ngọc Thơ (2012), “Nguồn gốc con rồng từ góc nhìn văn hóa” (Kỳ 1), in trong Bản tin Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh số 142, tr.18-22.
- Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục.
- Nguyễn Ngọc Thơ (2016), Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông, Nxb Chính trị Quốc gia.
- Phạm Thanh Tịnh (2013), 12 con giáp trong văn hóa của người Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin.
13. Đinh Văn Tuấn (2012), “Về chữ, nghĩa thìn (辰), long (龍)và rồng”, Tạp chí Ngôn ngữ (số 7), tr.68-75.14. Chu Quang Trứ (2013), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb Mỹ thuật.
Chú thích:
[1]Từ dùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ trong chuyên khảo Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông.
[2]Xem thêm Nguyễn Ngọc Thơ (2016), Hình tượng rồng trong văn hóa phương Đông, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.27-30.
[3]Từ dùng của cố giáo sư Phạm Đức Dương.
[4]Từ dùng của cố giáo sư Phạm Đức Dương.
[5]Xem thêm trong Trần Thế Pháp (2013), Lĩnh Nam Chích Quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính – Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch), Nxb Trẻ, Nxb Hồng Bàng, tr.33-41.
[6]Xem thêm Nguyễn Minh Kiên (2014), “Con rồng – biểu tượng văn hóa phương Đông” in trong Phạm Đức Dương, Phạm Thanh Tịnh, Trần Thị Ngân (2014), Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam, Nxb Văn hóa – Thông tin, tr.245, tr.251, tr.253.
[7]Ở chi tiết này, tôi không đồng ý với tác giả Nguyễn Minh Kiên vì luận điểm này dẫn ra nhưng không chứng minh. Hơn nữa, từ thực tế quan sát, tôi vẫn thấy rồng Việt Nam có sừng. Việc dẫn ra quan điểm này là giúp ta có cái nhìn bao quát hơn vì như đã nói, mỗi giai đoạn lịch sử, biểu tượng rồng lại có sự biến đổi để thích ứng khác nhau.
[8]Hệ quả kéo theo từ nền tảng văn hóa nông nghiệp lúa nước còn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bài viết này, nhìn từ biểu tượng con rồng thì tác giả chỉ tập trung vào các đặc trưng có liên quan đến loài linh vật này mà thôi.
[9]TS. Trần Thị Lam Thủy – Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn. Nhân đây xin được cám ơn Cô vì những ý kiến khoa học trong vấn đề này.
Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2017/05/29/thu-phac-thao-buc-tranh-van-hoa-viet-nam-qua-nghien-cuu-bieu-tuong-rong/