Với khoảng 70 mẫu vật được phục dựng, mô phỏng và sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được thiết kế trên cảm hứng từ các hiện vật lịch sử, di sản văn hóa, Ban tổ chức Triển lãm Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới muốn làm “sống dậy” và “đưa” di sản vào trong đời sống đương đại để góp phần phát huy, tiếp nối truyền thống cha ông.
Triển lãm Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới do những người trẻ tuổi trong Hội quán Di sản và Circle Group tổ chức dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội sử học Việt Nam, Liên hiệp CLB UNESCO Hà Nội đã khai mạc tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngoài mong muốn trưng bày, giới thiệu đến công chúng các hiện vật được phục dựng từ bảo vật quốc gia, hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến Việt Nam, Triển lãm Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới còn là cách thể nghiệm mới trong việc đưa di sản vào cuộc sống đương đại. Qua những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng vừa mang giá trị thương mại, vừa mang giá trị văn hóa (sử dụng hoa văn, họa tiết đặc trưng Việt Nam), triển lãm nhằm thúc đẩy và khơi nguồn sáng tạo cho những người làm thiết kế tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn, “hình bóng” cha ông.
Sư tử Bệ tượng chùa Hương Lãng thời Lý
Bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơ đồ” và đồ án cùng tên được phục dựng 3D bằng công nghệ CNC
Anh Trần Thanh Tùng – người sáng lập Hội quán Di sản – chia sẻ: “Tên gọi Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới đúng với góc độ chúng tôi là những người trẻ quan tâm đến di sản và muốn đưa di sản trở thành một phần của quá khứ sống trong đời sống đương đại”.
Việt Nam có nhiều di sản văn hóa đáng tự hào. Trong số, không ít di sản mang nhiều dấn ấn của mỹ thuật dân tộc và được UNESCO công nhận. Mỗi di sản văn hóa thể hiện vẻ đẹp và tinh thần của trí tuệ mỗi tầng lớp xã hội. Từ di sản văn hóa có thể tìm hiểu được nhiều vấn đề về lịch sử, phong tục tập quán, những mối ứng xử đa chiều với vũ trụ và nhân sinh quan.
Cột đá chùa Dạm
Theo Ban tổ chức, di sản văn hóa không chỉ là sản phẩm độc đáo mà còn là “con đẻ” của một hoàn cảnh lịch sử, văn hóa nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nó mang trong mình những đặc trưng phong cách, những hình thái đặc sắc riêng cho từng tầng lớp xã hội, văn hóa và thời đại lịch sử. Nhưng nhiều giá trị di sản chưa được phát huy, mới dừng lại ở công cuộc bảo tồn. Do nhiều nguyên nhân (chiến tranh, thời gian, thời tiết…) mà các di vật không con nguyên vẹn. Vì thế, con cháu đời sau không hiểu và biết hết được giá trị của các di vật vật thể còn sót lại, nên ngày càng xa cách với các di sản văn hóa của cha ông.
Bởi vậy, những sản phẩm có tính ứng dụng cao mà ban tổ chức trưng bày trong triển lãm được mong đợi sẽ góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản, “thổi hồn”, cách điệu để từng bước đưa di sản vào cuộc sống hiện đại, qua những sản phẩm cụ thể như: đồ nội thất, trang sức, quà tặng, đồ lưu niệm… Cũng theo anh Tùng, mục tiêu của triển lãm là “muốn những người làm mỹ thuật ứng dụng, sử dụng giá trị truyền thống Việt vào đời sống thông qua những sản phẩm cầm, nắm được như: thời trang, không gian nội thất, sản phẩm của tạo dáng công nghiệp”.
Đầu rồng thời Lý tượng trưng cho sự cao quý, sức sống vĩnh hằng, sức mạnh vũ trụ
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Chúng ta có kho tàng di sản văn hóa trong đời sống nhân dân. Nhưng nhiều trường hợp chúng ta lại sử dụng biểu tượng, sản phẩm văn hóa nước ngoài. Chúng ta rất trân trọng văn hóa của các quốc gia khác. Nhưng chính văn hóa của chúng ta, thì chúng ta lại chưa tôn vinh nó bằng cách đưa vào đời sống hiện đại. Triển lãm thể hiện nỗ lực của các bạn trẻ muốn đưa những di sản văn hóa dân tộc trở nên gần gũi với đời sống. Vì thế, các bạn sẽ thấy ở đây những sản phẩm dù còn mang tính thể nghiệm, nhưng sẽ tạo ra những hứng thú trong sáng tạo và mang lại sự chia sẻ đến cộng đồng. Tôi rất mong buổi triển lãm, giới thiệu này mang lại cho mỗi người cảm hứng cũng như “kéo” di sản từ quá khứ vào trong đời sống hiện đại.
Trong triển lãm, những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, Trần, Lê, Mạc cũng lần đầu ra mắt trong bộ sưu tập. Có thể kể đến như bức trấn phong được phục dựng theo phong cách thời Lê, khai thác và sử dụng họa tiết, hoa văn đặc trưng của triều đại này. Trấn phong xưa kia được dùng như bức tường chắn gió, ngăn cách các không gian hoặc để trang trí. Ngoài ra, trấn phong còn mang ý nghĩa về tâm linh. Ý tưởng làm tấm trấn phong này là để tạo ra nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống đang dần mai một.
Khách tham quan chiêm ngưỡng tấm trấn phong được phục dựng tại triển lãm
Anh Nguyễn Văn Chiến – một trong những thợ mộc ở làng nghề truyền thống Áng Phao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai) tham gia vào quá trình thực hiện tấm trấn phong – cho biết: “Chúng tôi sử dụng toàn bộ hoa văn trên các công trình kiến trúc truyền thống có phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê để thiết kế mẫu trấn phong sử dụng trong cuộc sống hôm nay. Các bạn sẽ bắt gặp những hoa văn này trên khấu kiện kiến trúc, bức vách của công trình kiến trúc cổ ở một số di tích”.
Hai phiên bản phục dựng hoàn chỉnh tượng A Di Đà với tỉ lệ nhỏ nhất, cao 24cm
Tại triển lãm, phiên bản phục dựng hoàn chỉnh của bảo vật quốc gia tượng A Di Đà chùa Phật Tích ở dạng vật phẩm văn hóa lần đầu tiên được công bố. Tượng A Di Đà có niên đại từ năm 1057 (thời nhà Lý), được khắc bằng đá xanh. Đây là pho tượng được lưu truyền đến nay với biệt danh “pho tượng Phật xưa nhất được xác định niên đại” của Việt Nam. Theo các tài liệu lịch sử, pho tượng gốc cao gần 3m. Nhưng do biến động lịch sử, tượng bị sứt vỡ nhiều, mất thớt sư tử, nên hiện tại, chiều cao của pho tượng là 2,76m.
Chiếc ghế gỗ được thiết kế mang phong cách thời Mạc
Triển lãm giống như cầu nối quá khứ – hiện đại đưa những di vật được phục dựng, các sản phẩm nghệ thuật có tính ứng dụng được thiết kế hợp thời vào đời sống. Đây cũng là cách để tôn vinh và làm “sống dậy” những giá trị văn hóa từ thời cha ông, nhằm giúp cho văn hóa Việt tiếp tục phát triển.
Bà Đặng Thị Bích Liên mở tấm nhiễu đỏ cho hiện vật đầu tiên
Có mặt tại buổi khai mạc, bà Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch – cho biết: “Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt. Chúng tôi ghi nhận và biểu dương nhóm sáng tác đã tổ chức trưng bày, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam”. Đồng thời, bà Liên cũng coi đây là một trong những sự kiện chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2017 và bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều cuộc trưng bày khác nhằm góp phần quảng bá di sản văn hóa Việt Nam cho công chúng trong nước và bạn bè thế giới để hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam.
Minh Phương
Nguồn: http://songmoi.vn/uoc-vong-dua-di-san-vao-cuoc-song-69740.html