Một ban thờ tổ tiên ngày Tết ở đồng bằng Bắc Bộ
Tết là một dịp để ngưởi Việt tỏ lòng thành kính với tổ tiên, hằng mong linh hồn các vị tiền nhân cùng con cháu đón một mùa xuân mới an khang, thịnh vượng. Thế nên, người Việt dù có đi đâu làm gì thì ngày tết cũng quay về quê cha đất tổ để thăm nom mồ mả cha ông, thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ:
Dù ai buôn bán đâu đâu
Nhớ ngày chạp tết rủ nhau mà về.
Bày biện, trang trí ban thờ là công việc quan trọng đầu tiên mà mỗi gia đình Việt Nam phải thực hiện trong ngày tết. Với công việc này thì người nông thôn thực hiện sớm hơn người thành thị, trước rằm tháng chạp (15 tháng 12 âm) nhà nhà đã bắt đầu quét dọn gian thờ, bao sái chân nhang, đánh bóng các đồ thờ tự và bày biện để chuẩn bị rước ông Táo (thần bếp) lên chầu trời. Người thành phố thì lại quan niệm ngày 23 tháng chạp, ông Táo chầu trời mới kết thúc chu trình làm việc của gia đình trong năm, thêm nữa đó mới là lúc người ta rảnh rỗi công việc và có thời gian hơn. Thế nên, đại đa số gia đình thành thị thường làm việc này sau ngày 23 tháng chạp với ý nghĩa là tiễn tất cả những gì cũ kỹ, tồn di của 1 năm mới ra đi để đón những điều mới mẻ cùng một mùa xuân mới đang đến. Sau khi lau dọn bàn thờ, đồ thờ xong, người ta lại lau lại 1 lần nữa bằng nước đun ngũ vị hương để tẩy uế, trừ tà và tạo ra một hương thơm thoang thoảng trên bàn thờ ngày tết.
Các lễ vật bày trên bàn thờ gia tiên ngày tết thì tùy theo niệm từng vùng, từng địa phương lại dâng cúng các vật phẩm khác nhau, nhưng có những lễ vật cố định mà nhà nào cũng có thường là: Thứ nhất Mâm ngũ quả-người Việt thường bày năm loại quả có màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành hoặc ngũ phúc. Tuy nhiên về mặt mỹ thuật chúng ta có thể thấy việc bày biện 5 màu sắc khác nhau trên bàn thờ sẽ khiến cho người nhìn vào có cảm giác sung túc và sinh động hơn. Các loại quả thường dùng là chuối ta, bưởi (phật thủ), quýt, hồng (hoặc ớt), lê, táo, dưa hấu. Người miền nam thì thường bày 5 loại quả là: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài với ý nghĩa khi ghép tên năm loại quả này thành một điều họ hằng mong ước “cầu sung vừa đủ xài”. Thứ hai là mứt tết và bánh kẹo. Vì là đồ dâng cúng tổ tiên nên người ta thường bày những hộp bánh mứt tốt nhất, mới nhất với trang trícầu kỳ, bắt mắt để trang hoàng ban thờ tạo ra cảm giác sung túc, no đủ. Thứ ba là bánh trưng thì có 2 loại bánh trưng chủ yếu là bánh trưng vuông và bánh trưng đòn (bánh tét). Ở một số vùng núi phía bắc người Việt còn gói bánh trưng hình chóp, hình nón, xâu lại với nhau thành chuỗi treo trên bàn thờ.
Một ban thờ tổ tiên ngày Tết của người Hà Nội
Hoa trang trí trên bàn thờ thì có những loại hoa cắm bình và hoa để trên đĩa. Hoa cắm bình thường dùng đào, mai, huệ, ly… Hoa để trên đĩa thì đều là những loài hoa nở vào mùa xuân như hoa cau, hoa bưởi với hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Ở thành phố phong trào chơi thủy tiên vẫn còn tiếp diễn từ xưa đến nay. Rất nhiều gia đình chuẩn bị trước cả tháng trước tết mua củ về cắt gọt, hãm cho nở đúng đêm giao thừa với ý nghĩa tỏ lòng thành kính dâng chút hương thơm đầu tiên lên tổ tiên, thánh thần. Ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn còn tập tục buộc hai mây mía còn nguyên cả lá vào hai bên chân bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên sau khi ăn tết với con cháu xong đi du xuân lấy cây mía làm gậy chống.
Ngày tết là ngày mà tổ tiên mỗi gia đình ngự trên bàn thờ, cùng con cháu đón xuân thế nên việc cúng tế, hương khói phải được diễn ra liên tục. Người ta thường thắp hương vòng hoặc hương sào cháy lâu hơn bình thường hằng mong lúc nào linh hồn tổ tiên cũng theo đường hương khói đó mà hiện về. Chỉ đến khi dâng cúng lễ vật, cúng cơm thì người ta mới thắp hương nén với ý nghĩa là tổ tiên sẽ về chứng giám, dùng cơm với con cháu.
Việc bày biện trên bàn thờ người Việt ngày tết không chỉ là để tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, thánh thần mà còn là thể hiện sự sung túc, đầy đủ, yên bình của cả gia đình để đón một mùa xuân mới với những điều tươi mới, tốt đẹp.
Hội Quán Di Sản
#circlegroup.vn
#banthoviet